Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 6 September 2011

Chùa Thần Quang hay còn gọi là chùa Keo, thuộc địa phận huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình được xây dựng từ năm 1067 vào thời nhà Lý. Chùa Keo là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng, người làng Keo rất tự hào với ngôi chùa vừa cổ kính, vừa nguy nga của làng mình.

Từ thành phố Nam Định, qua phà Tân Đệ, rẽ phải, theo đê sông Hồng, đi khoảng 10 km là đến chùa. Nằm ở chân đê sông Hồng giữa vùng đồng bằng không một bóng núi non, chùa Keo với gác chuông như một hoa sen vươn lên giữa biển lúa xanh rờn được vun bón bởi phù sa sông Hồng do nước sông Trà Lĩnh bồi đắp.

Chùa Keo là một công trình kiến trúc quy mô, phức hợp nhiều khối kiến trúc đa dạng nhất trong tất cả các kiến trúc Phật giáo ở Đồng bằng Bắc bộ. Chùa không chỉ là một bức tranh sinh động cho lịch sử văn hóa nước ta trong 4 thế kỷ, từ thế kỷ 17 đến 20, mà còn là nơi gặp gỡ giữa kiến trúc Trung Hoa và kiến trúc Việt Nam.

Chùa xây dựng trên một vùng đất rộng 100.000 mét vuông, dài từ chân đê đến con ngòi của thôn Bồng Tiên, gồm nhiều cụm kiến trúc xếp theo một trục dài cao thấp khác nhau.
Từ cột cờ bằng gỗ chò thẳng tắp cao 25 m ở ngoài cùng, đi qua một sân lát đá, khách sẽ đến tam quan ngoại, hồ sen, tam quan nội với bộ cánh cửa, cao 2 m, rộng 2,6 m, chạm một ổ rồng với rồng mẹ và rồng con, chầu mặt nguyệt. Nếu đôi cánh cửa ở chùa Phổ Minh tiêu biểu cho kiến trúc đời nhà Trần thì đôi cánh cửa chùa Keo tiêu biểu cho kiến trúc đời nhà Lê.
Qua tam quan, đi tiếp vào chùa, gặp ở hai bên 24 gian hành lang là khách hành hương sắm lễ vào Chùa lễ Phật và lễ Thánh.

Đi đến phần chùa thờ Phật, gồm ba ngôi nhà nối vào nhau. Ngôi nhà ở ngoài, gọi là chùa Hộ, ngôi nhà ở giữa gọi là ống muống và ngôi nhà trong là Phật điện. Đặc biệt ở đây có tượng Thích Ca nhập Niết bàn, tượng Bồ Tát Quan Âm Chuẩn Đề đặt giữa tượng Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát. Toàn bộ khu thờ Phật của Chùa Keo có gần 100 pho tượng.

Chùa ngoài thờ Phật, còn thờ Không Lộ - Lý Quốc Sư. Toàn bộ công trình đều làm bằng gỗ lim và là nơi được các nghệ nhân điêu khắc thời nhà Hậu Lê chạm khắc rất tinh xảo.
Sau khu thờ Phật là khu thờ thánh. Tại hội chùa Keo, sau khi đã có những nghi lễ như mọi hội chùa khác, thì diễn ra trò chơi kéo nứa lấy lửa, nấu xôi, nấu chè và nấu cơm chay để mang cúng Thánh. Phía ngoài có một giếng nước. Thành giếng xếp bằng 36 cối đá thủng đã từng dùng giã gạo nuôi thợ xây chùa từ xưa.

Đáng kể và tiêu biểu nhất ở đây là kiến trúc tòa gác chuông chùa Keo. Gác chuông chùa Keo là một kiến trúc đẹp, cao 11,04 m, có 3 tầng mái,kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Gác chuông được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn. Ở tầng một có treo một khánh đá cao 1,20 m. Tầng hai có quả chuông đồng lớn đúc năm 1686 cao 1,30 m, đường kính 1 m. Hai quả chuông nhỏ treo ở tầng ba và tầng thượng cao 0,62 m, đường kính 0,69 m đều được đúc năm 1796.
Hai hành lang chạy dài từ chùa Hộ nối với nhà tổ và nhà trai sát gác chuông, bao quanh toàn bộ chùa.

Đến thăm chùa, ta có thể nhìn thấy những đồ thờ quý giá tương truyền là đồ dùng của Thiền sư Không Lộ như bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc lóng lánh như dát vàng mà tương truyền rằng chính do Không Lộ nhặt được thuở còn làm nghề đánh cá và giữ làm chén uống nước trong những năm tháng tu hành.

Trải qua gần 400 năm tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo của mình. Gác chuông với bộ mái kết cấu gần 100 đàn đầu voi là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam. Bộ cánh cửa chạm rồng là bộ cửa độc đáo của cả nước. Chùa còn bảo lưu được hàng trăm tượng Pháp và đồ tế thời Lê. Có thể nói Chùa Keo là một bảo tàng nghệ thuật đầu thế kỷ 17, với nhiều kiệt tác đặc sắc.

Hằng năm vào ngày mùng 4 tháng giêng Âm lịch, nhân dân làng Keo lại mở hội xuân ngay ở ngôi chùa mang tên làng. Hơn chín tháng sau, vào các ngày 13, 14, 15 tháng 9 Âm lịch, chùa Keo lại mở hội mùa thu. Đây là hội chính, kỷ niệm 100 ngày Thiền sư Không Lộ (1016-1094), người sáng lập ngôi chùa, qua đời (ngày 3 tháng 6 Âm lịch).

Trong ngày hội, người ta tổ chức lễ rước kiệu, hương án, long đình, thuyền rồng và tiểu đỉnh. Trong chùa thì có cuộc thi diễn xướng về đề tài lục cúng: hương, đăng, hoa, trà, quả, thực, thật sinh động.

Có câu ca dao về hội chùa Keo:
Dù cho cha đánh mẹ treo,
Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm.

Du lịch, GO! Theo Lenduong, ảnh internet

Monday, 5 September 2011

Thường thì nói đến Hà Tiên (Kiên Giang) người ta nghĩ ngay đến Mũi Nai – một trong mười cảnh đẹp trong “Hà Tiên thập vịnh” do Mạc Thiên Tích sáng tác nhưng hiếm người biết ở nơi này có núi Tà Pang, thắng cảnh tuyệt vời.
Khu vực núi Tà Pang rộng 11,7ha, gồm núi Tà Pang, bên chân núi và biển Mũi Nai, là điểm “đắc địa” nhất trong quần thể du lịch Mũi Nai (17ha với 11 doanh nghiệp khai thác).

Đến Tà Pang, với 50.000 đồng là bạn có chuyến “phiêu lưu” lên, xuống núi bằng xe trượt ống. Nhấm nháp ly cà phê ngọt đắng nơi Lầu Vọng Cảnh đã thích, lại càng thích hơn khi tốn 5.000 đồng, bạn sẽ được thưởng lãm khắp cả “bốn phương tám hướng” qua 1 trong 3 viễn vọng kính nhìn thị xã Hà Tiên, núi Tô Châu, cửa biển Hà Tiên, quần đảo Bà Lụa, núi Đèn, Bãi Trước Mũi Nai, Đá Dựng, Thạch Động, Đông Hồ, quần đảo Hải Tặc; đặc biệt đảo Koka, Kep, ruộng muối, núi Lục Sơn, Casino Hà Tiên – Vegas thuộc tỉnh Kampot (Campuchia)... như nằm ngay sát mắt bạn.

< Xe trượt ống lên Núi Tà Pang.

Thỏa mãn “tò mò” xong, bạn ngồi lên 1 trong số 54 chiếc xe trượt ống, xuống núi. Từ độ cao 128m, với tốc độ tối đa 40km/h, chiếc xe uốn lượn quanh co theo triền dốc, nhiều lúc nghiêng 45 độ như muốn trút bạn xuống đường ống, dù đã thắt dây an toàn.
Đoạn đường dài 1.250m là một trải nghiệm đầy mạo hiểm, thót tim nhưng cũng là niềm vui vì người chơi có thể tự điều khiển cảm giác ấy bằng hai cần thắng.

Hệ thống xe trượt ống ở đây là 1 trong 3 hệ thống xe trượt ống có mặt ở Việt Nam, được hoàn thành theo công nghệ tiên tiến nhất của Cộng hòa Liên bang Đức.

< Trên đỉnh Tà Pang.

“Hạ sơn”, du khách thả bộ trên con đường nhựa theo sườn núi giữa hai hàng xoài rậm mát, tận hưởng không khí thanh sạch hiếm có.

Dạo con đường ven biển, sảng khoái hứng những ngọn gió muối lồng lộng thổi vào. Bên đường, nơi này mấy người ngồi ăn uống chuyện trò, nơi nọ một nhúm người bên nhau ca những bài hát tươi vui vang vang qua mấy cái loa thùng. Lại có nhóm người hứng thú tột đỉnh còn nhảy nhót... Dưới biển, nam nữ già trẻ bé lớn nô đùa hồn nhiên...

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ - du lịch Mũi Nai – Hà Tiên, đơn vị quản lý khu vực núi Tà Pang, cho biết: một vài loại hình mới sẽ được đơn vị “tung” ra, như: cho thuê dàn karaoke, lều bạt (4 người/lều, 10 người/lều) để bạn trẻ tổ chức picnic, lửa trại trên núi. Họ tha hồ “la hét” suốt ngày đêm mà không làm phiền những người khác dưới chân núi đang hưởng sự an nhàn của biển cả.
Khu vực Lầu Vọng Cảnh đã đẹp sẽ càng đẹp hơn khi được “nhấn” bằng một tượng Phật bằng đá cao trên 10m.

Theo số liệu, mỗi năm có khoảng 5-6 triệu lượt khách hành hương đến viếng Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc, An Giang) nhưng chỉ có khoảng trên 1 triệu lượt khách “đổ” về Mũi Nai.
Để “vét” tối đa lượng khách này, ngoài điểm du lịch tâm linh tượng Phật trên Lầu Vọng Cảnh, đơn vị sẽ đặt thêm một “bản doanh” cùng một số nhóm lữ hành ngay núi Sam. Trong tương lai ở núi Bình San tại thị xã Hà Tiên sẽ hoàn thành tôn tạo mộ Cô Năm (*) – một điểm du lịch tâm linh ở thị xã Hà Tiên.

Đơn vị còn dự tính đầu tư khoảng 500 triệu đồng mở trò chơi trượt nước trên biển, một phòng trưng bày về Hà Tiên từ thời Mạc Cửu đến nay, mở thêm điểm làm bánh thốt nốt để du khách xem và thưởng thức đặc sản Hà Tiên...
Ưu điểm của bãi biển khu Tà Pang là nước trong suốt bốn mùa. Bãi biển lúc nào cũng sạch nhờ lực lượng công nhân dọn rác liên tục. Cây trong khu vực càng lúc càng đậm màu xanh vì chỉ được trồng thêm mà không được đốn chặt.

< Campuchia từ xa xa.

Vui đùa sóng biển, khỏe người, bụng đói, khách thưởng thức đặc sản biển. Cá đuối chiên, từng miếng giòn tanh tách như “nhảy múa” trong răng. Hàu sữa chiên bột bùi béo. Cá sòng nướng than chấm nước mắm chua ngọt ăn với xà lách, cà chua, dưa leo, khoái khẩu.

Còn được gọi “cá bọc thép” vì vảy rất dầy, nên khi ăn cá sòng phải gỡ bỏ vảy, thịt cá trắng tươi bày ra, cắn, ngọt lừ chân răng. Nhưng ngon nhất và “tâm linh” nhất là lẩu chua sả nghệ cá nhám giàu. Cá nhám giàu là loại cá biển khá hiếm, chỉ bán cho những nhà hàng lớn. Ngày thường giá cá đã cao (120.000 đồng/kg), đầu năm Âm lịch giá cá càng cao “ngất trời” (240.000 đồng/kg). Lẩu chua sả nghệ cá nhám giàu là mặt hàng “chiến lược” của điểm du lịch Tà Pang.

Du khách có thể nghỉ tại Nhà nghỉ Tà Pang, nằm sát biển. Nhà nghỉ có 7 phòng với nhiều tiện nghi, gồm: 1 phòng VIP, 3 phòng 2 giường chiếc và 3 phòng 1 giường đôi. Giá: 250.000 đồng/phòng – 500.000 đồng/phòng, nên nhiều khách đến nghỉ vì muốn hưởng không khí yên tĩnh và thanh sạch mà khách sạn ở thị xã Hà Tiên không có.

(*) Theo “Sổ tay hành hương đất phương Nam”, nữ sĩ Mộng Tuyết ghi: Mạc Mi Cô là con gái thứ năm của Mạc Cửu.
Cũng theo sách này, truyền thuyết kể rằng Mạc Mi Cô lúc mới sinh có mái tóc dài 1 thước, 3 tuổi răng mọc đủ, ăn nói rành rẽ, nhưng xương sống yếu phải nằm một chỗ.

Cận thần cho là điềm xấu, nên người đứng đầu họ Mạc sai người chôn sống cô. Nhiều người tin cái chết của cô có liên quan đến một bài sấm truyền dài 25 câu, úp mở về một kho tàng của dòng họ Mạc được cất giấu ở Hà Tiên…

Mộ Cô Năm nằm bên tả đền thờ họ Mạc, trông ra cổng tam quan, luôn xảy ra những hiện tượng kỳ lạ (Theo “Sổ tay hành hương đất phương Nam”, trang 367-368).

Du lịch, GO! - Theo báo Cần Thơ, internet
Mỗi khi đọc hai câu thơ “Nem Phùng ăn với lá sung/ Cho người tứ xứ nhớ nhung một thời” tôi lại muốn được trở lại ngay thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng - Hà Nội để được thưởng thức món nem nức tiếng đất Hà thành.

Không hẹn, vậy mà khi đến thị trấn Phùng chúng tôi đã được gặp ông Bùi Ngọc Thái - người có gần 50 năm gắn bó với nghề làm nem. Chính ông và người dân nơi đây đang giữ cho món ăn truyền thống địa phương mãi thơm.

Đến cửa hàng nem Phùng gia truyền hiệu Thái Cam ở phố Nguyễn Thái Học, thị trấn Phùng đã gần chính ngọ, thế nhưng không khí làm việc ở đây vẫn rất sôi động. Người thì vội vã trộn bì lợn, thịt nạc, thịt mỡ đã thái với thính gạo và gia vị, người thì thoăn thoắt gói nem phục vụ hơn chục thực khách đang đợi mua về kịp bữa trưa. Ngưng tay, trời đã trưa, nhưng chủ cửa hàng giúp chúng tôi tìm hiểu về nghề làm nem, cách thưởng thức nem...

Ông Bùi Ngọc Thái chậm rãi: “Nghề làm nem của gia đình tôi có khoảng 100 năm nay. Vào đầu năm 1920 của thế kỷ trước, ông nội tôi là cụ Phó Hội mở một quán cơm bình dân tại thị trấn Phùng. Để phục vụ thực khách, ngoài các món ăn bình dân, cụ tôi làm thêm món nem thính gồm bì lợn, thịt lợn thái nhỏ trộn với thính và gia vị rồi quấn với lá sung khi ăn. Món ăn mới của cửa hàng vừa ra mắt đã thu hút được rất nhiều thực khách để ý, nhất là cánh mày râu. Nhu cầu sử dụng tăng bởi chất lượng của món ăn nên dần dần cụ chuyển sang nghề làm nem bán. Và cái tên nem Phùng bắt đầu có từ đó (món ăn được đặt gắn với tên địa phương). Cha truyền, con nối, từ cụ tôi, bố mẹ tôi, đến vợ chồng tôi và nay là con trai, con dâu tôi đều làm nghề này”.

Khi được hỏi bí quyết để có món nem ngon, ông Thái chia sẻ: “Đây là món ăn dễ làm, tuy nhiên để ngon và hấp dẫn thực khách thì lại không đơn giản. Tất cả các công đoạn đều làm thủ công nên người làm phải cẩn thận, sạch sẽ; chọn nguyên liệu phải chọn thịt tươi, ngon, thính rang phải thơm thì khi trộn mới cho món nem ngon”.

Khác với một số thứ hàng hóa phải mang ra chợ tiêu thụ, nem của gia đình ông Thái và các gia đình ở thị trấn Phùng đều được bán ngay tại nhà. “Chúng tôi làm không vì lợi nhuận, thời gian gần đây giá thịt liên tục tăng nhưng gia đình tôi không tăng giá nem, cũng không ham rẻ mà mua thịt không ngon về làm. Sức khỏe của thực khách là quan trọng, nếu một lần đánh mất chữ tín sẽ không bao giờ lấy lại được” - ông Thái cho biết. Còn bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ cửa hàng nem Phùng gia truyền Hải Phở cho biết, mỗi ngày gia đình bà làm 40kg nem để bán cho thực khách trong vùng. Vào ngày thứ bảy, chủ nhật lượng hàng có thể tăng lên 60-70kg nhưng tất cả đều bán tại nhà. Không chỉ bán lẻ cho khách hàng, cửa hàng còn nhận đặt đám cưới, hội nghị.

Việc giữ nghề tổ tiên và giữ cho thương hiệu nem Phùng mãi thơm đã và đang được các gia đình ở đây gìn giữ. Không chỉ có người trong huyện mà thực khách ở khắp các địa phương trong vùng đều tìm đến đây với mong muốn được một lần thưởng thức đặc sản này. Chị Nguyễn Thị Thảo ở phường Quang Trung, quận Hà Đông, công tác tại thị xã Sơn Tây - một khách hàng quen thuộc của cửa hàng nem Phùng Thái Cam bộc bạch: “Lần nào đi công tác qua đây tôi cũng cố ghé vào cửa hàng mua một vài gói nem mang về, vừa để gia đình thưởng thức, vừa để biếu anh em, họ hàng, bạn bè”.

Du lịch, GO! - Theo Hanoimoi, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống