Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 7 September 2011

Với những người yêu sông nước và muốn tìm về một nơi bình yên để sống, để trải nghiệm sau những ồn ào phố phường thì biển Rạng, xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam là một địa chỉ có ý nghĩa.

Thiên nhiên ở đây ưu ái dành tặng những lữ khách đường xa bản giao hưởng tuyệt tác thu từ biển. Tiếng sóng giỡn cát, tiếng gió luồn những rặng phi lao, tiếng côn trùng rỉ rả sau bụi cây, tiếng giũ lưới bên mạn thuyền sau mỗi chuyến câu đêm… và tiếng con người như bay giữa không gian ngăn ngắt một màu xanh bất tận.

Có thể nói, bình minh nơi biển Rạng là một vẻ đẹp khó cưỡng. Quãng thời gian cuối hè sang thu như thế này, bình minh thường ló rạng bắt đầu từ khoảng 5 rưỡi sáng.

Nằm sát sân bay Chu Lai, bãi Rạng uốn mình theo con đường nhựa nối từ cảng Kỳ Hà đến Khu Kinh tế Dung Quất, nơi có Nhà máy lọc dầu số 1.


Đứng từ đó có thể thấy một phần cảng Dung Quất ở hướng Đông Nam, hướng tầm mắt về phía biển là nhấp nhô tàu thuyền đánh cá của ngư dân và còn có thể thấy tàu bè vào ra từ cảng Kỳ Hà lẫn cảng Dung Quất.

Còn trên bờ, lặng lẽ một sự chờ đợi. Vì với những người dân sống bằng nghề đi biển nhỏ lẻ, đó là bữa cơm hàng ngày nuôi những đứa con của họ lớn khôn.

Phía Bắc bãi Rạng là một rặng đá đen thẫm có kết cấu xếp chồng lớp lang nối biển với những đồi dương xen cùng các ốc đảo nhô lên từ biển.
Những người dân trong vùng gọi đây là bãi đá Hang Dơi. Vẻ đẹp hoang sơ một cách quyến rũ của nó đã bắt đầu được những người ưa khám phá, trải nghiệm yêu thích.

Đến với Biển Rạng, du khách đắm mình vào tiếng sóng biển rạt rào, tiếng gió thổi từ rừng cây núi đổ xuống và say sưa ngắm bãi đá-bãi nổi nối chân núi với bờ sóng, đẹp đến mê hồn, đưa du khách vào những miền liên tưởng phong phú về những câu chuyện cổ tích đẹp.

Du lịch, GO! Tổng hợp
Động Tam Thanh nằm ở phường Tam Thanh, phía Tây phố Kì Lừa của thành phố Lạng Sơn, từ thủ đô Hà Nội lên Lạng Sơn chỉ có 154km, thêm 14km nữa là đến Đồng Đăng.

Tam Thanh là quần thể 3 động Nhất Thanh, Nhị Thanh và Tam Thanh, trong động Tam Thanh có chùa Tam Thanh. Động Tam Thanh nằm trong một dãy núi có hình đàn voi phủ phục trên mặt cỏ xanh, được mệnh danh là “Đệ nhất bát cảnh xứ Lạng”.

Ngay phía bên ngoài cửa động Tam Thanh là một ngôi chùa nhỏ, hấp dẫn du khách vì vẻ độc đáo, khác hẳn những ngôi chùa ở miền xuôi, được xây dựng từ thế kỷ XVII và cũng mang tên gọi là Tam Thanh. Tại chùa còn lưu giữ nhiều di vật quý, trong đó tấm bia Ma Nhai có niên đại cổ nhất ghi lại chi tiết việc xây dựng và tôn tạo ngôi chùa này, bia khắc thơ của Ngô Thì Sĩ - quan đốc trấn Lạng Sơn với nội dung ca ngợi cảnh đẹp sơn thuỷ hữu tình của động Tam Thanh.

Đặc sắc nhất là bức tượng phù điêu A Di Đà được tạc vào vách núi theo thế đứng trong hình một lá đề, đây là một kiệt tác nghệ thuật thời Lê - Mạc thế kỷ XVI - XVII chứa đựng những giá trị lịch sử và thẩm mỹ sâu sắc.

Bước qua cửa động rộng khoảng 8m, cao trên 10m, ta vào lòng động thứ nhất dài khoảng 60m, rộng đến gần 30m, tiếp đến là vòm động thứ hai - động Nhị Thanh.

Danh thắng Nhị Thanh được phát hiện và tôn tạo bắt đầu từ cuối thế kỷ XVIII bởi Ngô Thì Sĩ, biến nơi đây thành một nơi sinh hoạt văn hoá tinh thần của nhân dân. Chắc chắn bạn sẽ phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tự nhiên của động Nhị Thanh với những dải nhũ đá rủ xuống khiến du khách tưởng như đang lạc vào mê cung.


Chạy dọc theo động là dòng suối Ngọc Tuyên, nước xanh biêng biếc, phần đọng lại trước cửa động tạo thành ao Nhất Bình thơ mộng, ở giữa hang có một khoảng đất rộng gọi là “sân khấu”, có ánh sáng từ cửa Thông Thiên rọi chiếu thật huyền ảo.

Tại sân khấu này, Ngô Thì Sĩ đã từng mở tiệc chiêu đãi và thưởng thức các chương trình thơ ca, đàn hát.
Ngay vòm cửa động còn lưu giữ một bức họa vẽ Ngô Thì Sĩ uy nghi, trang trọng, bức hoạ là ước vọng của ông được muôn thủa hoà vào hang núi để tiêu dao.

Xúc động trước tình cảm đó, nhân dân lập bàn thờ ông và gọi là Di ái Đường.


Tại cửa sau của Nhị Thanh, bạn sẽ nhìn thấy Tam Thanh ở lưng chừng núi. Cửa hang cao khoảng 8m, nhìn về hướng Đông, có lối đi lên là 30 bậc đá đục vào sườn núi, có nhiều cây cối um tùm che khuất ánh sáng.

Đi sâu vào trong động đến khu vực “sân khấu” sẽ có hai cửa thông thiên, ánh sáng từ hai cửa này soi rọi vào động làm cho những nhũ đá ngời lên đẹp lạ thường, trong hang có rất nhiều hình đá mà thiên nhiên ban tạo thật kì diệu.

Đặc biệt, ở khu trung tâm của động, có hồ Âm Ty, nước không bao giờ vơi cạn, hồ tuy nhỏ nhưng cảnh quan tuyệt đẹp, có nguồn nước dồi dào chảy suốt ngày đêm.

Nhờ kỹ thuật chiếu sáng hiện đại, màu sắc hang động càng lung linh, tô điểm cho cảnh trí thêm hấp dẫn. Tận cùng của động Tam Thanh có một lối thông thiên dẫn đến một chỗ dừng chân nhỏ đủ để bạn có thể đứng ngắm nhìn cảnh quan một vùng nông thôn đổi mới quanh khu vực thắng cảnh.

Tam Thanh với chùa, động và cả hồ Âm Ty tuyệt đẹp, quyến rũ bước chân du khách chẳng muốn rời. Đến đây bạn sẽ thấy mình như được tĩnh lòng hơn để nhớ về một giai đoạn lịch sử, thủa khai sơn của cha ông ta và sẽ càng thêm hiểu, thêm yêu Xứ Lạng, ra khỏi động vẫn còn ngoái trông để ngắm nhìn và thầm hẹn ngày trở lại.

Du lịch, GO! Theo NTO, internet

Tuesday, 6 September 2011

Rằm tháng 8 năm nay, nhiều người dân Hà Thành lại muốn quay về với hương vị bánh Trung thu của "ngày xưa ơi". Cùng ghé các tiệm bánh cổ truyền "khét tiếng" nhất Hà Nội nhé.

Những năm trở lại đây, cứ đến dịp Tết Trung thu là các hãng bánh lại có dịp "bùng nổ". Trên thị trường xuất hiện đủ thương hiệu như Kinh Đô, Đồng Khánh, Long Đình, Bảo Minh, Givral... Đây là các hãng bánh làm theo dây chuyền công nghiệp hiện đại, đẹp mắt, và thêm một ưu điểm là có nhiều hương vị biến tấu mới lạ, hấp dẫn.

Tuy nhiên không ít người, nhất là những ai thuộc thế hệ 7X trở đi đôi khi lại thèm nếm thứ bánh Trung thu đúng chất cổ truyền ngày xưa, với vỏ bánh nướng thơm giòn, vỏ bánh dẻo nồng mùi hoa bưởi, nhân nhiều thịt mỡ, lá chanh, hạt dưa, vừng, mứt bí..., một thứ bánh không hào nhoáng bên ngoài song hương vị thơm ngon, đặc trưng thì đã đi vào lòng người từ bao đời nay.

Nếu cũng là một người hoài cổ, bạn có thể ghé một số tiệm bánh Trung thu khá có tiếng sau đây:

Bảo Phương phố Thụy Khê

Không chỉ có Tết Trung thu, tiệm Bảo Phương phố Thụy Khuê làm bánh nướng, bánh dẻo bán quanh năm. Cứ khoảng đầu tháng 8 âm lịch thì tiệm thường xuyên ở trong tình trạng khách đông nghìn nghịt, đứng chen chúc xếp hàng mua bánh. Không chỉ tìm đến một địa chỉ gia truyền có tiếng, mà tới đây, nhiều người còn cảm thấy thích thú khi được mục sở thị cơ sở sản xuất của tiệm.

Có nghĩa là khách sẽ được tận mắt nhòm thợ làm bánh bê từng khay bột trắng tinh, rồi quết quết, đập đập... cuối cùng thì từng khay bánh còn nóng hôi hổi, thơm lừng lần lượt ra lò. Bánh ra đến đâu bán hết veo đến đó, nhờ vậy, khách cảm thấy rất yên tâm rằng bánh tại đây luôn bảo đảm sạch sẽ, mới nguyên.

Thời gian này, tiệm Bảo Phương thường xuyên đông khách xếp hàng. Giá bánh của tiệm Bảo Phương vừa phải, dao động từ khoảng 30.000 - 60.000 đồng/chiếc.
Địa chỉ: Bảo Phương, 183 Thụy Khuê, Ba Đình.

Ninh Hương phố Hàng Điếu

Là tiệm chuyên bán mứt sen, trà ướp hương sen, hương nhài nhưng cứ đến sát rằm tháng 8 thì nơi đây cũng trở thành địa chỉ bán bánh Trung thu được nhiều dân phố cổ yêu thích. Đa số khách đã từng mua hàng ở đây đều có cùng một ý kiến: Bánh Trung thu Ninh Hương đúng chất truyền thống, vỏ thơm, nhân ngọt nhưng vừa phải, khiến người già hay cả những ai khó tính đều cảm thấy hài lòng.

Bà chủ tiệm bánh Ninh Hương cởi mở chia sẻ bí quyết rằng trong khi các thương hiệu bánh công nghiệp hiện nay, mặc dù phong phú với nhiều loại nhân như đậu xanh, trà xanh, khoai môn... nhưng tất cả chỉ làm từ một thứ bột duy nhất rồi cho thêm hương liệu tương ứng, thì bánh Ninh Hương làm từ các loại đậu xanh, hạt sen... xát nhuyễn thật, bởi vậy bánh không chỉ ngon mà còn có hương thơm tự nhiên, dễ chịu. Đó cũng là lí do bánh nơi đây chỉ có thể bảo quản được khoảng 7 ngày.

Tiệm Ninh Hương thu hút được rất nhiều dân phố cổ.Giá bánh của tiệm Ninh Hương trung bình khoảng 55.000 đồng/chiếc.
Địa chỉ: Ninh Hương, 22 Hàng Điếu, Hoàn Kiếm.

Bà Dần phố Hàng Bè

Với cái tên nghe rất mộc mạc - Bà Dần, nơi đây là một trong các thương hiệu bánh Trung thu có tiếng từ rất lâu đời. Bản thân con cháu bà Dần - những người kế tục sự nghiệp của bà cũng tự hào cho biết: ngày xưa, khi nào có dịp lễ tết thì bà Dần mới làm bánh nướng bánh dẻo cho người thân trong nhà thưởng thức hoặc đem đi biếu. Nhưng sau đó nhiều bạn bè, xóm giềng khen ngon rồi khích lệ, nhờ vậy bà Dần mới quyết định bán rộng rãi, đến nay thì đã thành thương hiệu mà hầu như ai cũng biết tiếng, và thứ bánh được mọi người yêu thích nhất tại đây là bánh dẻo đậu xanh trứng mặn.
Giá bánh tại đây dao động từ 40.000 - 75.000 đồng/chiếc. Địa chỉ: 52 Hàng Bè, Hoàn Kiếm hoặc 126 ngõ 554, Trường Chinh.

Phương Soát Hàng Chiếu

Có người từng nói, nếu ai sành ăn và là dân Hà Thành chính gốc ắt phải biết biết bánh Trung thu cổ truyền nhà Phương Soát trên phố Hàng Chiếu. Thậm chí, họ còn tiết lộ, một số tiệm bánh Trung thu treo biển gia truyền tại Hà Nội nhưng thực chất là "giả danh", đều từ "một lò nhà bà Soát" mà ra.

Tiệm Phương Soát ở phố Hàng Chiếu không có cửa hàng mặt tiền. Khách phải vào một ngõ nhỏ, đi qua một chiếc cầu thang gỗ cũ kĩ lên tầng 2. Nhưng ngay từ khi mới đặt chân tới đây, khách đã ngửi thấy mùi bánh thơm lừng, hấp dẫn. Vào đến nơi, các "thượng đế" sẽ thích thú hơn khi ngắm nhìn từng chồng khay bánh mới và các nhân viên đang miệt mài, hàn nilong, đóng gói bánh kiểu rất thủ công.

So với các tiệm cổ truyền khác, bánh Trung thu Phương Soát có phần đắt hơn, giá khoảng từ 50.000 - 70.000 đồng/chiếc, nhưng "đắt xắt ra miếng" đó là nhận định của nhiều người.
Địa chỉ: 75 Hàng Chiếu, Hoàn Kiếm.

Du lịch, GO! - Theo Buudien VN

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống