Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 10 September 2011

Chùa Sắc tứ Khải Đoan (Sắc tứ Khải Đoan tự), là ngôi chùa lớn nhất thành phố Buôn Ma Thuột và cả ở Đắk Lắk. Tên Khải Đoan là ghép từ tên vua Khải Định và vợ ông là Đoan Huy hoàng thái hậu.

Chùa bắt đầu được xây dựng từ năm 1951 với hai phần hậu tổ và nhà giảng, còn chính điện thì đến năm 1953 mới khởi công. Ngôi chùa này nằm trên đường Phan Bội Châu, thành phố Buôn Ma Thuột do Đoan Huy - Hoàng Thái Hậu mẹ vua Bảo Đại cho xây dựng và Nam Phương hoàng hậu trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý việc thi công.

Chùa được xây dựng bởi bàn tay khéo léo của những người thợ cố đô Huế nên có kiến trúc nhà rường Huế xen lẫn với kiến trúc địa phương. Cổng chính theo hướng Tây Nam nhìn ra đường Quang Trung, hướng về thung lũng “Suối Đốc Học”. Trước và sau cổng đều ghi “Khải Đoan Tự”.

Toàn bộ ngôi chùa gồm cổng chính (cổng tam quan) hướng về phía Tây Nam, chính điện, điện Quan Âm, nhà hậu tổ.
- Cổng tam quan gồm hai tầng với ba vòm cửa cao 7m, rộng 10,5m.
- Tách biệt với chính điện là Ðiện Quan Âm hình lục giác, với sáu cây cột trang trí hình rồng, mây.
- Chính điện rộng 320m² gồm hai phần, phần trước kiến trúc theo kiểu nhà dài của Tây Nguyên nhưng cột kèo lại theo lối nhà rường của người Việt.
Nửa sau xây theo lối hiện đại.

Đáng chú ý nhất trong chánh điện là tượng Phật Thích Ca bằng đồng đặt chính giữa chính điện cao 1,1m với đài sen bằng gỗ quý cao 0,35m được trang trí rất công phu. Bên gian phải chính điện treo một quả chuông đồng cao 1,15m, chu vi đáy 2,7m, nặng 380kg do các nghệ nhân phường đúc đồng ở phía Tây kinh thành Huế làm vào tháng 1/1954 (tức tháng chạp năm Quý Tỵ).

Sau nhiều đợt trùng tu, cất thêm vài công trình mới, chánh điện vẫn y như cũ và dành để thờ Đức Thích Ca; bên hông trái của chùa có tòa lục giác thờ Quan Âm Bồ tát. Ngoài việc là một trong những di tích lịch sử hấp dẫn của thành phố Buôn Ma Thuột, chùa Khải Đoan còn là nơi thể hiện dòng chảy của đạo pháp dân tộc trên đất Tây nguyên.

Khải Đoan là ngôi chùa cuối cùng tại Việt Nam được phong Sắc tứ của chế độ phong kiến và là một địa điểm không thể không ghé thăm khi đến Đắk Lắk.

Du lịch, GO! - Tổng hợp

Trong cuộc kháng chiến cứu nước, chùa Khải Đoan là nơi có phong trào Phật giáo yêu nước đấu tranh đòi hòa bình thống nhất Tổ quốc. Chùa còn là nơi đùm bọc, che chở cho nhiều quần chúng cách mạng hoạt động, chùa khải đoan chính là nơi nổ ra các cuộc đấu tranh chính trị góp phần quan trọng vào phong trào cách mạng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Tháng 09.1959 gần 7.000 Phật tử đã tổ chức một cuộc biểu tình tại chùa Khải Đoan đòi Ngô Đình Diệm phải thi hành Hiệp định Geneve. 


Tháng 07.1963, Đại Đức Thích Quảng Hương (chánh đại diện Phật giáo DakLak kiêm trụ trì chùa Khải Đoan) phát nguyện tự thiêu đúng vào lúc phái đoàn quốc tế đến thị sát tình hình, làm cho cuộc đấu tranh của Phật giáo DakLak bùng lên quyết liệt. Sáng 30.01.1968 (tức mồng một Tết Mậu Thân) gần 7.000 quần chúng Thị xã Buôn Ma Thuột tập trung tại chùa Khải Đoan nghe tuyên truyền về chính sách mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sau đó tuần hành trên đường phố.


Cùng với Biệt Điện Bảo Đại, Đình Lạc Giao, Nhà đày Buôn Ma Thuột, chùa Khải Đoan là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn đồng thời cũng là di tích lịch sử văn hóa của tỉnh DakLak và của Thành phố Buôn Ma Thuột.
Canh thụt là món ăn truyền thống đặc biệt thơm ngon, bổ dưỡng và hấp dẫn của đồng bào M'nông ở Đăk Nông.

Món canh này là sự kết hợp của rất nhiều loại nguyên liệu được nuôi trồng ngay trong vườn nhà hay trên nương rẫy như rau, củ, quả, bột bắp rồi cá suối, thịt của một số loài gia súc, gia cầm.

Để nấu canh thụt, người ta phải chọn lựa ống lồ ô kỹ càng. Nếu chọn cây non sẽ không ngon vì nhựa cây sẽ hăng đắng. Nếu chọn cây quá già, lửa sẽ làm nứt cây, canh sẽ chảy ra ngoài. Khi nấu không được dựng ống thẳng đứng mà phải để nghiêng ống lồ ô trên lửa và phải quay tròn để canh chín đều.

Nguyên liệu gồm rau, măng, dọc mùng, thịt rừng hoặc cá suối, ít con mối và chú dế bầu hoặc vài con dế dũi... tất cả cho vào ống lồ ô tươi, bịt kín đầu và cho lên bếp đun chín. Khi nấu vừa chín tới, người ta thường lấy đoạn dây mây (adương) có gai mà đâm trong ống cho các "nguyên liệu" nhừ nát, hòa quyện vào nhau thành một chất dẻo. Khi đó, muối, ớt được bỏ vào, thọc đều, có thể bỏ thêm một ít rau thơm.

Người M'nông lấy đọt cây riềng rừng cho vào ống nứa nấu thụt với thịt chim, sóc ăn rất ngon. Món canh thụt ngon nhất được nấu từ các loại trái, lá rừng như cà trắng, bồ ngót, lá lót, măng rừng, đọt mây, đọt đoác... và cá suối nhưng quan trọng nhất phải có lá nhíp. Lá nhíp deo dẻo, có đủ các vị đắng, cay, ngọt, bùi, béo. Theo quan niệm của người M'nông, lá nhíp không chỉ thơm ngon, béo bổ, người mất sức, bị đau yếu ăn vào sẽ khỏe, trẻ bị còi ăn lá nhíp sẽ mau lớn...

Già làng A Hui Tăng (71 tuổi), ở buôn A Rem, xã Nhân Đạo, huyện Đăc Rlấp bật mí rằng, ngày trước, để đãi khách quý, bà con trong buôn thường làm món đúc ống lồô bằng thịt các loại cá, chim (tươi hoặc khô) nấu với bắp chuối rừng.

Tuy không giống canh mà giống gỏi nhưng là một loại gỏi ướt với mùi thơm, vị béo của thịt cá quyện trong vị chát của búp chuối rừng, cùng với mùi thơm nồng của hạt tiêu rừng, rất kích thích vị giác người ăn. Ngoài ra, da trâu phơi khô, được nướng cho thơm, rồi luộc để bỏ vào ống đâm, giã với cà tím, cũng tạo thành một loại súp vừa thơm vừa giòn.

Theo kinh nghiệm những người sành ăn, khi nấu canh thụt, họ thường bỏ vào ống lồ ô vài đọt non của cây thiên niên kiện (pvân) thì vị thơm ngon sẽ tăng lên bội phần và còn làm cơ thể khỏe mạnh. Bởi vậy, đây là món quý và công phu được đồng bào làm để đãi bạn bè, khách quý hoặc là quà tặng của những chàng rể muốn thể hiện tình cảm với bố mẹ vợ.

Du lịch, GO! - Theo Danviet, internet
Ngoài những lệ cúng chung như các địa phương có nghề biển khác, cư dân trên hòn Đỏ (thuộc tỉnh Khánh Hòa) còn có tục thờ cúng Lỗ Lường, tương tự lễ hội Nõ Nường nổi tiếng ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao (Phú Thọ).

Hòn Đỏ, thuộc xã Ninh Phước, là một đảo nhỏ nằm ở phía đông bắc bán đảo Hòn Hèo, ngoài khơi thị xã Ninh Hòa, cách đất liền khoảng 10km. Theo người dân địa phương, đảo có tên như thế vì vào mỗi sáng sớm hoặc lúc chiều tà, các khối đá trên đảo thường chuyển từ màu vàng nhạt sang màu đỏ sậm.

Đây là một hòn đảo xinh đẹp với những bãi cát hoang sơ, những gành đá thiên tạo muôn màu muôn vẻ, những giếng nước ngọt tự nhiên, những ngôi miễu thờ và những câu chuyện linh thiêng, huyền bí gắn liền với nghề lưới đăng truyền thống.

< Hòn Đỏ ngoài khơi hải phận Ninh Hòa.

Phía bắc và phía đông đảo là vịnh nước sâu, có nhiều khối đá cao lớn mang nhiều hình thù, màu sắc thật kỳ vĩ. Phía nam đảo là một mũi đá rất đẹp, có tên mũi Chầm Vọng. Từ mũi Chầm Vọng đi về hướng tây khoảng 1km, du khách sẽ gặp bãi cát rộng tên là bãi Trường, nước biển trong xanh, phẳng lặng, nơi đây có miễu Hội Đồng và hai miễu nhỏ ngư dân quen gọi là miễu Cô, miễu Cậu.

Phía sau miễu có đường mòn dẫn lên vại thờ Bà Chúa Đảo trên đỉnh núi. Ở hướng đông nam đảo có bãi và gành thấp dần, là nơi đóng lưới đăng của sở đầm Hòn Đỏ (thuộc Hợp tác xã nghề cá Mỹ Giang), đầm đăng duy nhất ở Ninh Hòa.

< Đáy hang là tảng đá lớn với khe nứt ở giữa giống hình âm vật của người phụ nữ, mà ngư dân gọi trại đi một cách tôn kính là Lỗ Lường.

Trên gành, từ chỗ móc gang lưới men theo triền núi nghiêng xuống về hướng tây chừng 80m đến một hang đá nhỏ ở độ cao cách mặt biển khoảng 15m. Đáy hang là một tảng đá thật to với một kẽ nứt ở giữa. Đã bao đời nay ngư dân lưới đăng trên đảo gọi tảng đá có khe nứt nói trên một cách tôn kính là Lỗ Lường hay Khe Bà Lường, còn cái hang có tảng đá đặc biệt này gọi là hang Lỗ Lường. Ngư dân dùng sơn đỏ bôi lên khe đá và viền màu vàng xung quanh, ở đó có một bệ thờ nhỏ bên cạnh là năm thanh gỗ tròn sơn đỏ, tạc hình dương vật - ngư dân gọi trại là “bộ đồ”.

< Miễu Hội Đồng trên bãi Trường.

Cách hang Lỗ Lường không xa là miễu Bà Lường, bên trong thờ tượng bà bằng gốm sứ và cặp ngựa hồng đứng chầu hai bên. Hàng trăm năm qua, ngư dân lưới đăng sở đầm Hòn Đỏ thờ cúng Bà Lường tại miễu và hang Lỗ Lường, vì lệ xưa ông bà để lại và cũng vì lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự linh ứng sau những buổi lễ cầu ngư.

Ngày nay, sau những dịp cúng xuân và cúng thu ở đình làng Mỹ Giang, ban tế lễ và bà con ngư dân lên thuyền ra đảo, mang theo lễ vật cúng tại miễu Bà Lường và hang Lỗ Lường. Người chủ tế ra hang Lỗ Lường van vái, khấn nguyện rồi kính cẩn dùng thanh gỗ đỏ làm động tác tượng trưng cho sự giao phối, dâng hiến để Bà Lường vui lòng, ban cho ngư dân ước nguyện “biển no”, trúng mùa nhiều cá.

< Bên cạnh bệ thờ trong hang là 5 thanh gỗ tạc hình dương vật - còn gọi là “bộ đồ” - dùng vào việc cúng lễ.

Trước đây, ngoài sở đầm trên hòn Đỏ, còn nhiều sở đầm ở tỉnh Khánh Hòa có tục thờ cúng Lỗ Lường như đầm Nghi Phong Diêu Chữ - tục gọi Bãi Dầm (huyện Vạn Ninh), hòn Một (TP Nha Trang), hòn Nhàn (TP Cam Ranh). Ngày nay chỉ còn sở đầm Hòn Đỏ duy trì lễ tục độc đáo này.

Hằng năm, từ khoảng tháng giêng âm lịch, các loài cá nổi di cư theo mùa từ vùng biển phía nam ra phía bắc, ngư dân địa phương gọi là “mùa cá lên”. Đến cuối tháng tư, cá từ vùng biển phía bắc chạy vô nam là mùa cá lại. Trong lúc di chuyển, đàn cá gặp vách núi của đảo hay bán đảo nhô ra biển nên chạy dọc theo gành đá.

< Những ngày “biển đói”, người đại diện đầm đăng đến hang Lỗ Lường van vái cầu xin Bà Lường cho trúng mùa nhiều cá.

Từ đặc điểm này mà hàng trăm năm trước, ngư dân Khánh Hòa đã phát kiến phương pháp đánh bắt độc đáo là lưới đăng có quy mô lớn, lao động nhiều, sản lượng cao - chủ yếu là các loài cá ngon như cá thu, cá bò, cá ngừ... nhưng không cần di chuyển giàn lưới mà chỉ cắm, đón lõng ở những nơi cố định chờ cá đến.

Nghề lưới đăng làm theo mùa vụ (mỗi năm chỉ một mùa 5-6 tháng), giăng lưới tại sở đầm cố định, không thể đang giữa mùa di chuyển đến nơi khác nên tính may rủi là rất lớn. Nếu lâu ngày không đạt năng suất đánh bắt, “biển đói” người cũng đói, không có tiền đóng thuế, trả công thợ bạn... vì thế ngư dân tin tưởng tuyệt đối vào sự phù hộ độ trì của các vị “thần linh biển cả”, trong đó có Bà Lường và việc thờ phụng cúng kiếng từ khi dọn nghề đến ngày mãn mùa cá là vấn đề cực kỳ hệ trọng.

Du lịch, GO! - Theo Dulich Tuoitre, ThethaoHCM

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống