Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 11 September 2011

Có người hỏi: “Cao Lãnh có gì lạ?”, xin thưa, thành phố mới toanh (vừa được “lên chức” năm 2007) này là một trong những đô thị xanh... nhất nước! Giữa cái nóng ngột ngạt đặc trưng đầu mùa mưa của vùng đất phương Nam, thành phố nhỏ của tỉnh Đồng Tháp như “lá phổi” xanh giữa lòng Đồng bằng sông Cửu Long mênh mang sóng nước.

Màu xanh đong đầy khắp phố

Chúng tôi có kỷ niệm không thể nào quên khi về Cao Lãnh công tác năm 2000. Ngày ấy, thật thú vị khi “được phép” cưỡi xuồng ba lá… dừng đèn đỏ, chờ đèn vàng, chạy đèn xanh trên khắp tuyến giao thông nội ô trung tâm. Chuyện nghe có vẻ nực cười, nhưng lúc ấy phố phường Cao Lãnh chỗ nào cũng thấy mênh mông nước, không cưỡi xuồng thì chỉ có… bơi. Kỷ niệm khó quên ấy chắc chắn sẽ không có dịp được tái hiện, dù chúng tôi đang có mặt ở thành phố ngay trong mùa nước nổi...

Trong không gian êm đềm rợp mát của Công viên Văn Miếu, ông Trí, Giám đốc Doanh nghiệp Minh Trí, vốn là “thân hữu” của tôi “khoe mẽ”: “Giống như hầu hết các khu đô thị ở Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm thành phố Cao Lãnh cũng dạt dào sông nước với hai con sông Cao Lãnh và Đình Trung. Nhưng chốn này mang dáng vẻ riêng mà không nơi nào có được là những mảng xanh đặc thù đong đầy khắp các góc phố, con đường ở nội ô. Màu xanh ấy, khi ở gần thì luôn hiện hữu, lúc cách xa thì nhớ nhung muốn gặp...”.

Du khách có dịp ghé qua thành phố này sẽ không bỏ lỡ cơ hội đến thăm Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 1km. Đây cũng là “điểm nhấn” không thể thiếu trong nhật ký hành trình của chúng tôi. Trong khuôn viên rộng hơn 3ha, các khu tiểu cảnh được bố trí khá đẹp mắt.

Khu lăng mộ cụ Phó bảng nằm dưới một đài sen với chín đầu rồng tượng trưng cho tấm lòng thơm thảo, ghi tạc công ơn của cư dân Đồng Tháp Mười và nhân dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Khu nhà sàn Bác Hồ được xây dựng theo đúng nguyên mẫu, gây ấn tượng đặc biệt cho du khách. Ngoài ra, nơi đây còn tái hiện nơi làm việc của vị lãnh tụ kính yêu hệt như nguyên mẫu phòng làm việc của Bác ở Khu di tích Phủ Chủ tịch (Hà Nội). Năm 1992, khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.

Tiếc nuối vô cùng vì quỹ thời gian hạn hẹp, chúng tôi không thể ghé thăm các danh lam thắng cảnh khác của Cao Lãnh như: Khu di tích lịch sử Xẻo Quýt, khu du lịch sinh thái Gáo Giồng..., những nơi chỉ nghe tên thôi cũng đã mười phần khơi gợi sự hiếu kỳ. Biết “khách” tiếc nuối, các “chiến hữu” đền chúng tôi bằng một chiếu nhậu chốn miệt vườn...

Ẩm thực miệt vườn mùa nước nổi

Đồng bằng sông Cửu Long với hệ động, thực vật phong phú đã góp phần làm nên những món ăn đặc sản mang đậm “dấu ấn” của vùng. Đến đất này mùa nước nổi, bạn sẽ thấy ê hề những món ẩm thực khoái khẩu, ngon “trên cả tuyệt vời”...

Chúng tôi hỏi: “Mùa nước nổi, Cao Lãnh có đặc sản gì lạ?”, Đại Thọ – anh bạn người địa phương “trêu tức”: “Nhóc! Muốn “lủm” món gì, rắn, rùa, chuột, gà nước… ăn bi nhiêu đây cân đủ, tin chớ?”.

Tất nhiên là chúng tôi tin, rất tin là khác khi đối diện với vóc dáng quá khổ của Đại Thọ. Tính sơ sơ, cậu chàng “chỉ” cân nặng có... 113kg. Đúng là mẫu hình lý tưởng của bậc... sành ăn!

Chuột đồng quay lu
Mèo cũng phải… meo!

Món đầu tiên mà “dân chơi” Cao Lãnh giới thiệu cho chúng tôi là “Tí ông… ngồi thùng” – tên gọi “văn chương” của món chuột đồng quay lu. Theo chân “chiến hữu” thổ địa, chúng tôi thâm nhập chợ Cao Lãnh để tìm “hàng”. Chuột ở đây “nhóc” hàng, mua “vô tư” với giá chỉ 25.000 – 28.000 đồng /kg. Có “hàng” rồi kéo nhau xuống xuồng đến điểm hẹn miệt sâu để nâng ly cụng chén cho có phần… hương đồng cỏ nội!

Món chuột đồng quay lu ngon nhất phải kể đến bộ da. So với heo sữa quay, da chuột đồng giòn gấp bội phần. Ngoài ra, món chuột khìa nước dừa cũng xứng đáng xếp đầu bảng.

Ri voi – hổ hành, chén sành cũng “bắt”

Gian hàng của chị Năm trong lòng chợ Cao Lãnh thật dễ “nể” với nhóm bò sát: rắn hổ hành, ri voi, hổ đất. “Mua dìa nhậu chơi cậu hai, rắn mùa này “múp” lắm…”. Cùng với tiếng chào mời, chị Năm trình làng tận mắt để chúng tôi “thực mục sở thị” trong nét mặt mang màu… tàu lá chuối, đúng là sợ xanh mắt mèo dù trước đó đã… xơi thịt chuột!

Với sự ngã giá rành rỏi của các chiến hữu địa phương, rắn ri voi, hổ hành... được bán với giá 65.000 – 90.000 đồng/kg. Ngoài ra, muốn có đủ bộ sung có thể “tậu” thêm cụ rùa với giá khoảng 100.000 đồng/kg.

Có 3 món truyền thống thường gặp khi ăn món rắn: bằm xúc bánh tráng, gỏi và cháo đậu xanh. Có điều, ăn món rắn giữa mênh mông đồng nước có cảm giác thú vị hơn nhiều.

Chạch nấu bông đấu vàng điên điển

“Hỡi anh chàng điển trai, mai dìa có nhớ vàng bông điên điển…”. Câu hò “mướt rượt” của cô gái ven sông khiến chúng tôi không thể không một lần thử món hương hoa đồng nội này.

Bông điên điển không chỉ đặc sắc với màu vàng đặc trưng, mà còn độc đáo ở chỗ luôn giữ nguyên sắc màu dù có chiên, xào, nấu… Vậy thì bông điên điển “hợp rơ” với thực đơn nào nhất?. “Với cá chạch lấu bông, ngọt nước ngọt cơm, bảo đảm vào nồi lẩu ưng tát cạn nước miền Đông cũng còn chưa đã…”, Đại Thọ khẳng định.

Câu hò của thiếu nữ miền Tây đã đặc tả được cái “thần” của bông điên điển, và chúng tôi muốn mượn để thay lời kết cho một lần thâm nhập làng ẩm thực mùa nước nổi…

“Râu tôm nấu với ruột bầu
Anh còn rầu em xào bông điên điển
Điên điển vàng điểm bông chạch lấu
Thuận nghĩa đôi mình cạn nước miền Đông…”.

Đồng Tháp thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cách TP. Hồ Chí Minh 162km, có đường biên dài 48km giáp tỉnh Prây Veng – Campuchia từ hướng Bắc với 4 cửa khẩu: Mỹ Cân, Dinh Bà, Thông Bình và Thường Phước. Phía Nam giáp An Giang. Đông giáp Long An và Tiền Giang. Tây giáp Vĩnh Long, Cần Thơ. Đồng Tháp là tỉnh duy nhất có 2 đô thị hạng ba là thị xã Sa Đéc và thành phố Cao Lãnh.

Du lịch, GO! - Theo Kinhte Nongthon, ảnh internet
Không hùng vĩ như Nam thiên đệ nhất thác Pongour nhưng lại cực kỳ quyến rũ bởi thác nước này ngự giữa một cánh rừng nguyên sinh còn nguyên những nét hoang sơ…

< Du khách có thể lội qua những dòng nước trong vắt, mát lạnh.

Thác nước nằm trên địa bàn của thôn B’Kăm, xã Lạc Xuân (Đơn Dương, Lâm Đồng), chỉ cách thị trấn Thạnh Mỹ (Đơn Dương) khoảng vài mươi phút chạy xe máy là bạn có thể đắm mình trong làng nước trong vắt, để rồi quên đi những nỗi mệt mỏi lo toan của đời thường.

Theo già làng Ya Ba (xã Lạc Xuân), con thác nào cũng tạo nên tiếng kêu ầm ào, nhưng thác này không hiểu rừng núi kiến tạo thế nào mà tiếng thác đổ lại tạo ra tiếng vọng lan tỏa chỉ nghe rì rào… bởi vậy nên gọi là Thác nước kêu.

< Thác nước hiền hòa, quyến rũ như những cô gái cao nguyên mộc mạc, chân tình.

Khác với những thác nước hùng vĩ đặc trưng của vùng núi Nam Tây Nguyên, Thác nước kêu rất hiền hòa, du khách có thể đi dạo nương theo dòng thác, hay ngồi trên những táng đá giữa dòng tận hưởng cảm giác bình yên thư thái giữa thiên nhiên hoang dã; thưởng thức các món ăn của đồng bào bản địa gốc Tây Nguyên.
< Thưởng thức rượu cần.

Món cá suối nướng cuốn với lá rừng ăn kèm ớt suối có vị thơm nồng cay xé đầu lưỡi, rồi vít cần rượu cho đến khi chếnh choáng, bạn mới cảm nhận hết cái tinh túy trong ẩm thực của người Chu Ru.

Nếu may mắn, bạn cũng sẽ được thưởng thức thêm món canh cà đắng nấu với da trâu, chẳng phải cao lương mỹ vị gì, nhưng chỉ một lần ăn bạn sẽ nhớ cả đời.
< Khu vực hạ lưu của con thác cũng là nơi diễn ra các lễ hội nho nhỏ của người Chu Ru.

Thác hiện nay vẫn đang là điểm du lịch tự phát. Nhưng nếu muốn có sự trải nghiệm cùng các món ẩm thực và cồng chiêng của của người Chu Ru trong hành trình khám phá Thác nước kêu, du khách vẫn có thể liên hệ với Phòng VH-TT&DL huyện Đơn Dương hoặc bà Ma Bio theo số (063. 2475731 hoặc 0978. 450937) để nhờ tổ chức tour.

PV báo Lâm Đồng chia sẻ cùng những người yêu thích du lịch dã ngoại một số hình ảnh vừa ghi được trong chuyến khám phá Thác nước kêu cực kỳ quyến rũ này.

Du lịch, GO! - Theo Lâm Đồng Online

Saturday, 10 September 2011

Có lẽ  đến vài chục năm tôi mới có dịp trở lại vùng cửa biển Liên Hương này vào những ngày cuối tháng 8, ngày vào mùa ốc quắn.

Mùa ốc quắn có từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Vào những tháng ấy, từ 15 giờ chiều trở đi, biển cạn, nước rút tới đâu, bãi rạng lộ ra đến đó, và mọi người cứ  dỡ đá, nhặt ốc.

Đây là thú vui cho những người dạo biển, bắt ốc, thư giãn…  song với những người nghèo thì đây là nguồn thu nhập “ trời cho”.

Cửa biển Liên Hương, huyện Tuy Phong, chiều nay gió thật mát dịu, không khí thật trong lành.  Sóng biển vẫn liên tục vỗ bờ, như mời gọi con người đến với biển...

Kho báu người nghèo

Tôi vươn vai hít thật sâu không khí mát, mặn của biển, đến căng lồng ngực. Một cảm giác  dễ chịu lan tới, cùng lúc với những hình ảnh xưa cũ tràn về. Đó là ngoại tôi, mẹ tôi và tôi, một chú nhóc, đi bắt ốc trên biển.

Tôi không hề biết  đến sự sắc bén của vỏ hàu, sự lồi lõm của san hô… cứ buớc như chạy  trên bãi rạn, thỉnh thoảng lật vài viên đá bắt ốc, làm mẹ và ngoại cứ phải nhắc chừng.
Cảnh ấy giờ đây đang được lặp lại với nhiều người khác, là những người sống trong vùng biển quê tôi. Từng tốp người: già, trẻ, lớn, bé  cầm thùng, xô, thau, bị ni lông… lom khom, cặm cụi tìm nhặt ốc, cạy hàu,  cạy vú nàng; người thì đào chem chép ở  chỗ  nhiều cát, ít đá… một không gian huyên náo, đông vui…

Gặp cụ Ba Dân, 75 tuổi, ở khu phố 12, Liên Hương đang đi dạo giữa đám đông người, trông ông còn khỏe mạnh và khá nhanh nhẹn bước chân. Ông nói: “Mùa này, chiều nào tôi cũng đi một vòng bãi rạn này, gặp một vài bạn già nói chuyện thư giãn, khỏe lắm".

Cái “mỏ” ốc quắn này chắc là có lâu rồi, khi tôi còn bé tẹo  đã thấy không ít người đi bắt ốc”. Bãi đá rạn ốc quắn, kéo dài từ bờ biển bên Liên Hương sang bên kia cửa biển Phước Thể. Ngoài ốc quắn là chủ lực còn có nhiều loài ốc khác với nhiều tên gọi lạ lẫm, thậm chí có tên rất ngại gọi cũng có mặt khá phong phú tại đây: ốc mặt trăng, ốc ngựa, ốc gai, ốc vôi… đây thật sự là một kho báu trời cho, đặc biệt là với người nghèo.

Ốc giúp đời

Ốc quắn nhiều kích cỡ nhưng lớn nhất chỉ bằng đầu đũa, đây là loại đúng độ khai thác, nên được người lao động nghèo hoặc những người thích thú tìm bắt, ốc có chiều dài khoảng 2 phân, đầu lớn đuôi nhọn, thân hình xù xì có gai nhỏ trên vỏ, ốc có màu đen hoặc màu trắng mốc pha đen, màu xám tro, phần nhiều là màu rêu mốc… nó nằm rải rác trên bãi đá, có khi phải lật những hòn đá lớn lên để nhặt, có lúc nó nằm trong những khe đá phải thò tay vào lấy ra.

Ruột ốc chấm mắn gừng  ngon tuyệt. Đây là thú ăn  lấy vui của nhiều nguời những lúc quây quần bên nhau, đặc biệt  hấp dẫn với các cô. Ốc quắn luộc “lể” lấy ruột làm gỏi rất ngon, song do tốn công nên ít người làm.

Bà Nguyễn Thị Hiệp, 54 tuổi, ngụ tại khu phố 14, thị trấn Liên Hương, một tay xách cái xô, bên trong có khoảng 3 ký ốc quắn và một ít ốc khác, tay kia xách bịch chem chép hơn 1 ký, nói với tôi bằng giọng của một người hài lòng với công việc mình đang làm:  “Hơn chục năm nay, năm nào, tới mùa này tôi cũng đi bắt ốc, kiếm vài ba ký trong ngày, giá  mỗi kg bây giờ là 20.000 đồng. “Trúng” kiếm được cả 100.000 đồng, thông thường từ 50.000 - 70.000 đồng trong ngày”.

Bà Đặng Thị Hương, 56 tuổi, khu phố 13, Liên Hương bắt ốc gần đó, chen vào: “Mùa này không bắt ốc, bọn già chúng tôi biết làm gì chú, coi vậy mà đỡ lắm!
Ốc quắn luộc trước đây là món ăn chơi của lao động nghèo, nay nó đã đi vào các quán vùng đô thị. Chị Hai Nga, đầu mối mua ốc, cung cấp lại cho các quán, rồi hướng dẫn các quán khi làm nóng lại để bán (vẫn giữ được hương vị ban đầu)  cho hay: “Một đĩa ốc luộc có nước dừa khoảng 15.000 đồng”.

Còn chem chép hình dạng giống như chan chan biển Phan Thiết, nhưng nhỏ hơn một chút, vỏ cũng mỏng hơn. Chan chan vỏ màu trắng, xám, gạch nhạt, tất cả đều có viền một ít đậm nhạt sọc xám, đen, xanh hoặc đỏ; còn chem chép có nhiều màu gạch tôm, xám, trắng, trắng pha xám…

Chị Hoàng Thị Lam, 40 tuổi, thôn 2, xã Phước Thể cho biết: “Chem chép bán sống sau khi đong bằng lon sữa bò, tính ra thì giá  15.000 đồng/kg, riêng bắt chem chép mỗi chiều chị cũng kiếm được khoảng năm chục ngàn đồng”.

Điều còn lại

Chiều dần buông xuống, từ sau 17 giờ 30, người bắt ốc quắn lần lượt ra về. Âm thanh huyên náo lúc này không còn, có chăng chỉ là tiếng gió thổi và tiếng du dương của biển như lời từ biệt của thiên nhiên với những người lao động cần mẫn sau một ngày vất vả mưu sinh.

Đứng trước biển lúc này tôi thầm cám ơn tạo hóa đã cho người dân nghèo quê tôi một “kho” sản vật phong phú, cứu đói, thoát nghèo cho nhiều hoàn cảnh. Điều quan trọng là chính quyền và người dân  phải biết trân trọng gìn giữ, vun bồi cho “kho” tiếp tục trường sinh như bao đời qua, để rồi nó lại cung cấp những con ốc quắn cho con người.

Du lịch, GO! - Theo Bình Thuận Online

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống