Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 13 September 2011

Điệu múa này chính là để con cháu cảm ơn tổ tiên một năm qua đã phù hộ, che chở cho con cháu làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy bồ, con cháu mạnh khoẻ…

Người Mường Yên Bái cư trú tập trung ở các huyện Văn Chấn, Trấn Yên và Văn Yên. Người Mường có truyền thống canh tác lúa nước từ rất sớm nên nơi cư trú của họ thường là những thung lũng, ven cánh đồng, bên dòng suối…

Kho tàng văn hóa của dân tộc Mường rất phong phú và đa dạng với các điệu múa truyền thống như múa Mơi, múa Trống Tu, múa nàng tiên, múa sạp, múa ống. Riêng múa Mơi ở thôn Ao Luông II, xã Sơn A, huyện Văn Chấn có thể coi là điệu múa đặc trưng nhất cho dân tộc Mường và là khuôn múa trong hệ thống múa

Theo một số người già trong làng kể lại, múa Mơi đã có từ rất lâu rồi, không ai nhớ rõ là từ khi nào. Chỉ biết rằng hàng năm, cứ vào dịp đầu năm mới (mùng 3 tháng Chạp), mọi người tụ tập nhau lại để múa mời tổ tiên xuống trần gian vui chơi, nhảy múa cùng con cháu. Điệu múa này chính là để con cháu cảm ơn tổ tiên một năm qua đã phù hộ, che chở cho con cháu làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy bồ, con cháu mạnh khoẻ…

Lễ hội chính thức được diễn ra ở nhà ông Mo lớn, Mo chủ (cầm thần) là ông Mo có uy tín nhất trong làng. Trước nhà ông Mo phải chuẩn bị một cây nêu được trang trí rất nhiều họa tiết mang ý nghĩa tâm linh.

Lễ vật trong lễ hội múa Mơi gồm có: Mâm lễ cúng (tiếng dân tộc Mường gọi là “Pán Cạo”) gồm có các lễ vật: 1 đầu lợn, bánh chay (pèng chay), bánh trưng (pèng chưng), bánh ống (pẻng ống), cơm, xôi, rau chay, măng, lá đu đủ, 1 nải chuối, rượu. Và một lễ vật có ý nghĩa rất quan trọng trong lễ hội này là cây bông, tiếng Mường gọi là “Cần Boồng”.

Bắt đầu vào lễ, thầy Mo mặc quần áo truyền thống, đầu quấn khăn Mơi, tay cầm quạt, ngồi giữa một chiếc chiếu trải ở khu vực trung tâm. Thầy Mo thay mặt tất cả mọi người tham gia trong lễ hội đứng trước mâm cúng khấn, lời khấn đại ý “Hôm nay ngày lành tháng tốt, bản mường tổ chức lễ hội múa Mơi, cảm ơn thần tiên, tổ tiên trong năm qua đã phù hộ cho con cháu một năm làm ăn gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi...”. Điệu múa này của thầy mo với đại ý là thần tiên đã nhập vào thầy để vui chơi cùng con cháu. Khi đã nhập vào, thầy mo sẽ múa điệu quay tròn lắc lư đầu, chân rung mạnh cảm giác như sắp bật khỏi mặt đất, thầy vừa múa nhập đồng miệng vừa lẩm nhẩm điệu hát.

Khi thầy mo nhập đồng xong mọi người bắt đầu vào màn múa đầu tiên theo nhịp gõ trống, chiêng, điệu múa trầu (hay còn gọi là múa nàng tiên). Điệu múa này là thầy mo mời các nàng tiên trên trời xuống để dự lễ hội múa vui cùng bà con dân bản. Tham gia điệu múa này chủ yếu là sáu nghệ nhân mặc trang phục truyền thống, khăn Mơi vắt qua vai, khi vào điệu múa khăn Mơi sẽ được chuyển từ vai xuống tay thành đạo cụ múa. Các nghệ nhân này tay cầm nhạc cụ để tạo nên những âm thanh rộn rã, đó là những thanh nứa dài, gõ lên một tấm gỗ theo nhịp 3-4 kết hợp với âm thanh của trống và chiêng. Còn một số nghệ nhân ngồi ngoài hát Mơi. Ở điệu này, người múa phải nhìn nhau múa đều theo nhạc. Điệu múa này diễn ra trong khoảng 15- 20 phút.

Đây là điệu múa Mơi, những con nuôi đã được thầy chữa cho khỏi bệnh có lễ đến tạ ngày tết được thầy mời ở lại để múa vui. Vào điệu này, tất cả mọi người cùng tham gia múa với những động tác đơn giản, không phức tạp. Chân bước theo nhịp 2-4, chân vắt sang phải thì tay cầm khăn mơi vung sang trái và ngược lại. Mọi người cùng say sưa múa, điệu múa cứ lặp đi lặp lại, từ vị trí ban đầu di chuyển theo vòng tròn rồi lại xoay lại.

Tiếp theo là điệu múa “Mùa Cuổi” (múa Cuội) hay Thần tiên xuống chơi. Đây là màn múa cao trào nhất, điệu múa mang ý nghĩa rằng thần tiên ở trên trời đã nghe thấy lời cúng khấn của con cháu nên đã nhập đồng xuống trần gian cùng vui chơi. Thầy mo lúc này vừa nhảy múa cùng mọi người vừa ra hiệu cho tất cả cùng nhau vui chơi, cùng tham gia vào màn múa.
Ở điệu múa Thần tiên xuống vui với trần gian này, còn có một phần rất đặc biệt đó là phần “phán bông” của thầy Mo, các cô gái rất náo nức đón đợi phần này bởi qua lời phán của Thầy Mo một trong số các cô gái xinh đẹp, đảm đang, khéo léo tham gia và công việc chuẩn bị cây bông sẽ được thầy chọn và phán là người khéo tay nhất đã làm ra bông hoa đẹp nhất.

Sau một hồi múa vui, thầy Mo sẽ ra hiệu cho mọi người chuyển sang điệu múa mô tả những trò chơi thể thao, các trò chơi ở đây chủ yếu là ném còn, đánh đu, kéo co… Xong nhịp múa này thì Cuội nhập vào thầy, lúc này thầy Mo đứng bật dậy múa các động tác lạ khác hẳn với các động tác đã múa trước, có sự trêu ghẹo các cô gái xinh của bản và bị các cô gái đuổi về trời.

Kết thúc, tất cả mọi người quây quần bên nhau, chúc nhau chén rượu và hẹn năm sau thần tiên sẽ quay trở lại vui cùng bản Mường.

Múa Mơi là lễ hội truyền thống mang ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Mường nơi đây. Những khát vọng và ước mơ về cuộc sống tự do vươn tới ấm no, hạnh phúc và ca ngợi tình yêu đôi lứa đã được người Mường gửi gắm vào những điệu dân vũ từ rất lâu và sẽ mãi trường tồn trước dòng chảy của thời gian.

Du lịch, GO! - Theo bao Yên Bái, ảnh Dulichgo
Bạn đã bao giờ thử cảm giác dự tiệc cocktail giữa bao la biển nước chưa? Nếu chưa hãy thử một lần đến Mũi Kê Gà và trải nghiệm cảm giác thú vị này nhé!
.
Hành trình vượt biển thăm ngọn hải đăng cổ

Cách thành phố Phan Thiết chừng 30 km về hướng Nam, Mũi Kê Gà được xem là thiên đường xanh giữa bốn bề sóng cát.

Thách thức xu hướng “bê tông” hóa, Mũi Kê Gà vẫn giữ được dáng vẻ hoang sơ của biển xanh rì, của những mỏm đá kì vĩ, công phu dưới bàn tay tạo hóa; của những ngôi biệt thự, resort thân thiện ẩn mình giữa thiên nhiên xanh mát.
Vị thế và cảnh quan độc đáo khiến Mũi Kê Gà trở thành địa điểm tuyệt vời để đón ánh bình minh. Ánh sáng phát ra từ những trụ thăng long, hay vẻ đẹp kì ảo của buổi bình minh sẽ khiến bạn mãn nhãn.

Thiết kế tiệc “cocktail” theo phong cách của bạn

Không chỉ hòa mình vào khoảng không trong xanh của đất trời và biển, bạn còn có thể tham gia nhiều trò chơi mạo hiểm, thú vị với hành trình vượt biển đến với ngọn hải đăng cổ xưa, thử cảm giác lắc lư cùng thúng chai, hay tung hoành với bọt biển trắng xóa cùng ca nô.

Đặt chân đến “đảo”, bạn hoàn toàn có thể tắm biển, cắm trại, hoặc tổ chức các trò chơi tập thể. Luôn có sẵn thuyền trên "đảo" để phục vụ nếu bạn chán chơi trên bờ. Sau khi trang bị đủ áo phao, bạn sẽ được chở ra khơi, cách Mũi Kê Gà chừng 2 - 3km, tha hồ tổ chức tiệc tùng.

Thuyền dừng ở một chỗ cố định, bạn nhảy ùm xuống, nhanh chóng giữ thăng bằng và hòa nhịp cùng sóng nước, thiết kế "quầy bar" và bắt đầu bày tiệc. “Quầy bar” di động không quá khó để thực hiện, bất cứ vật dụng nào miễn là nó có thể nổi. Phương án khả thi nhất là chiếc thùng xốp, vừa có thể dùng để ướp lạnh bia, tận dụng bày thức ăn, dễ di chuyển lại nổi khá tốt.

Bạn có thể ngờ vực về độ thành công của buổi tiệc, vì nghi ngại sóng sẽ phá bĩnh buổi tiệc bất cứ lúc nào. Đừng quá lo lắng, càng ra xa bờ, biển càng êm và xanh trong. Con thuyền luôn kề bên bạn và sẵn sàng làm chỗ nghỉ chân nếu bạn chán ngâm mình dưới biển. Bạn có thể giải trí bằng những trò chơi tập thể như bóng nước, bơi…

Nếu là người lãng mạn, bạn nên xê dịch tiệc cocktail sang buổi chiều để ngắm hoàng hôn trên biển. Nhưng cũng đừng ngâm nước quá lâu sẽ dễ cảm lạnh.

Kết thúc chuyến đi bằng tiệc nướng đầy gió trên bãi biển hoặc thưởng thức những món hải sản tươi ngon ở các quán xá ven biển, thưởng thức dừa lạnh nhiệt đới ngọt mát... và ngắm hoàng hôn "chen chân" xuống núi.

Khám phá Mũi Kê Gà 

Hoàn thành năm 1899, cao 35m, hải đăng Kê Gà nổi tiếng với những bãi đá kì vĩ, ẩn hiện nhấp nhô trước biển sóng sánh, và bãi bồi cát trắng, dọc theo con đường dẫn đến ngọn hải đăng là hàng sứ trắng xanh mát.

Vượt qua bãi đá gập ghềnh và 184 bậc thang bạn sẽ được đứng trên đỉnh của một trong những ngọn hải đăng cao nhất và cổ nhất Đông Nam Á để chiêm ngưỡng biển xanh mênh mông ngút tầm mắt.

Chinh phục 184 bậc thang xoắn ốc, để rồi thả hồn khoan khoái trước gió biển mát rượi, ngắm nhìn những ghềnh đá chênh vênh bao quanh ốc đảo. Trải nghiệm buổi tiệc cùng thiên nhiên kì thú sẽ là kỷ niệm khó quên trong chuyến du lịch tới vùng đất này.

Du lịch, GO! - Theo TITC, ảnh Dulichgo
Đến thăm huyện Chiêm Hóa, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ uy nghiêm nhưng không kém phần lộng lẫy của đền Bách Thần. 

Theo những người cao niên ở huyện Chiêm Hóa, đền Bách Thần rất linh thiêng đối với cuộc sống của dân bản địa nên đã lập đền thờ trăm vị thần, là các anh hùng dân tộc, người có công với địa phương...

Đền Bách thần còn thờ Tam Quang là mặt trời, mặt trăng, các vì sao, đem đến sự sống cho con người. Trước đây, đền được xây dựng tại khu vực chợ thị trấn Vĩnh Lộc, bên cạnh một cây đa to, hướng thờ vọng sang núi Bách Thần, tả ngạn sông Gâm, phía Đông thị trấn. Nay, đền Bách Thần được xây dựng trên sườn núi Bách Thần, thị trấn Vĩnh Lộc do nhân dân và du khách thập phương đóng góp, công đức xây dựng đền. Đền Bách Thần như một nét chấm phá giữa đại ngàn.

Tọa lạc ở lưng chừng núi với khí hậu mát mẻ, mùa hè, khách thập phương đứng tại đền có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thị trấn Vĩnh Lộc với dòng sông Gâm xanh trong. Do vị trí trên cao, mùa đông có mây giăng ngang lưng núi, đền như được những tầng mây bao bọc tạo nên vẻ thần tiên, kỳ thú. Vào ban đêm, dưới ánh sáng của đèn điện, đền Bách Thần trông giống như vì sao lấp lánh sà xuống núi. Với hàng trăm bậc, khi leo lên đến đền Bách Thần, du khách cảm thấy trong người nhẹ nhõm, tinh thần thư thái.

Đền Bách Thần gắn liền với lễ hội Lồng tông của nhân dân các dân tộc huyện Chiêm Hóa. Hàng năm, ngày 8 tháng Giêng âm lịch, huyện Chiêm Hóa tổ chức lễ hội Lồng tông (xuống đồng). Đây cũng là ngày đại lễ của đền. Người dân mang những sản phẩm nông nghiệp (lúa, đậu, đỗ...) mà họ thu hoạch được trong năm, bọc trong những quả còn với tua rua ngũ sắc mang dâng cúng tại đền cùng với các lễ vật khác, báo ơn các vị thánh thần đã ban cho vụ mùa bội thu.

Sau khi cúng tại đền Bách Thần, nhân dân tổ chức rước lộc Thánh và các lễ vật dâng cúng từ đền xuống khu vực diễn ra hội Lồng tông với nghi lễ trang trọng. Trong lễ hội Lồng tông, quả còn sẽ được tung lên trời, gửi gắm niềm tin, khát vọng sống của đồng bào các dân tộc Chiêm Hóa và cầu mong một năm mới tốt lành, dân khang, vật thịnh. Vì những quan niệm dân gian đó nên đền có vai trò rất lớn trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Chiêm Hóa.

Ông Nguyễn Duy Tiến, Trưởng ban Quản lý đền Bách Thần cho rằng, với sự linh thiêng, phong cảnh hữu tình, đền sẽ là điểm đến của du khách thập phương trong những tour du lịch tâm linh. Trong tương lai, nơi đây sẽ hình thành tua du lịch với các điểm du lịch ở huyện Chiêm Hóa: Khu di tích lịch sử Kim Bình, thác Bản Ba xã Trung Hà, đền Đầm Hồng xã Ngọc Hội... và là điểm dừng chân lý tưởng trong cuộc hành trình khám phá những danh thắng của huyện vùng cao Nà Hang.

Du lịch, GO! - Theo báo Tuyên Quang, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống