Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 14 September 2011

Áo bà ba là loại trang phục đặc trưng Nam Bộ, cả nam lẫn nữ đều mặc được; nhưng giới nữ ưa chuộng nhiều hơn; đặc biệt là ở miệt vườn, miệt ruộng của vùng sông nước Cửu Long, tạo nên nét duyên dáng đồng bằng không gì so sánh được.

Nguồn gốc xuất xứ và tên gọi của loại trang phục “đặc sản” này đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng, áo bà ba xuất hiện đầu tiên ở Nam Bộ vào thời Hậu Lê vì có nét giống “cái áo đàn ông cổ tròn, cửa ống, tay hẹp" mà sách xưa ghi là cụ Lê Quý Đôn đã quy định thành trang phục cho dân Đàng Trong cuối thế kỷ 18.

Lại có ý kiến áo bà ba chỉ mới xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 19, được học giả Trương Vĩnh Ký cách tân từ áo của người Malaysia gốc Hoa cho phù hợp với vóc dáng người Việt. Nếu điều này đúng thì dân Nam Bộ chính là những người giao lưu khu vực sớm nhất.

Tôi không biết ai đúng, nhưng vẫn coi áo bà ba là “đặc sản” của xứ tôi – đồng bằng sông Cửu Long - dù hiện nay phần đông giới trẻ thích mặc quần áo hiphop, model Hàn Quốc, quần jean, áo pull; giới công chức thì mặc trang phục công sở, giới doanh nhân nam mặc veston, sơmi, doanh nhân nữ mặc váy hay đồ tây..., gọi chung là Âu phục.

Dân Nam Bộ nói chung và dân miền Tây nói riêng mặc nhiên coi áo bà ba như thứ trang phục truyền thống, chất chứa “giá trị phi vật thể” tích tụ từ bao đời trên mảnh đất phương Nam. Những năm gần đây, áo bà ba thường xuyên xuất hiện trong các cuộc thi hoa hậu, người đẹp ở đồng bằng sông Cửu Long và cả Nam Bộ như một sự thừa nhận và cổ xúy cho loại trang phục có sức quyến rũ bền bỉ, vượt qua thử thách của thời gian.

Với tôi, những năm tháng trẻ thơ, nhớ những lần ngơ ngác đi chợ huyện sợ lạc, tay luôn nắm chặt vạt áo bà ba của mẹ – một phụ nữ chân quê đồng bằng. Nhớ các chị tôi vào độ tuổi trăng tròn thường mặc chiếc áo bà ba mượt mà, đầy đặn, làm nhiều anh trai làng phải ngã bệnh tương tư, lén gửi thư tình bằng giấy học trò kẻ hàng đôi để chữ viết được tròn trịa như... con gái mặc áo bà ba.

Áo bà ba không chỉ xuất hiện ngoài phố chợ mà còn có mặt trên ruộng đồng, dưới tán vườn, thấp thoáng qua cây cầu nhỏ...

Cái thứ trang phục “2 phần kín, 1 phần hở" đó vừa giấu, vừa khoe một cách tài tình vẻ đẹp tự nhiên, quyến rũ trong cơ thể của người phụ nữ Nam Bộ. Áo bà ba đã đi vào thơ ca, nhạc, họa cùng với chiếc xuồng ba lá, cái nón lá và chiếc khăn rằn thành biểu tượng của nữ du kích miền Tây.

Áo bà ba cổ điển, được nhiều người mặc từ thập niên 1960 trở về trước, may bằng các loại vải một, vải ú, vải sơn đầm... rất mau khô sau khi giặt; được xẻ ở hai bên hông làm người mặc cảm thấy thoải mái, gần vạt áo có thêm hai cái túi to. Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái mà cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long thường vận bộ bà ba đen khi đi làm đồng.

Theo các nhà Từ điển học nghiệp dư của Wikipedia, trong 2 thập niên 1960-1970, áo bà ba truyền thống được phụ nữ thành thị cải tiến nhờ óc sáng tạo của các nhà tạo mẫu dân gian mang hơi hướng "tân cổ giao duyên" nên vừa phá cách, vừa giữ được nét đặc thù. Áo dài bà ba hiện nay không thẳng và rộng như xưa, mà được may hẹp, nhấn thêm eo bụng, eo ngực cho ôm sát lấy thân hình như để khoe "3 số đo" của các cô gái duyên dáng dễ thương.

Người miền Bắc có câu: "Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương", nhớ “áo tứ thân với tóc đuôi gà”. Còn người miền Nam thì mộc mạc hơn, “thương nhớ áo bà ba” như nhớ thương một vùng ký ức tuổi thơ một thời thấp thoáng...

Du lịch, GO! - Theo báo Laodong, ảnh sưu tầm
Khánh Hòa là một trong những tỉnh có nhiều điểm du lịch nổi tiếng của cả nước. 
Bờ biển Nha Trang trong xanh với bờ cát trắng trải dài bao lấy thành phố và những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã để lại kỷ niệm khó phai trong lòng du khách.

Những tour du lịch biển đảo như: tham quan đảo Yến, đảo Hòn Lao, lặn biển ngắm san hô ở Hòn Mun… đầy ấn tượng, đã thôi thúc du khách đến với Khánh Hòa.

Không chỉ có thế, Nha Trang - Khánh Hòa còn thu hút du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ của rất nhiều dòng suối với những giai thoại ly kỳ. Đó là những dòng suối rất đẹp, rất hoang sơ của huyện Diên Khánh, cách TP. Nha Trang khoảng chừng 10km, về hướng Nam.

° Suối Tiên: Từ Nha Trang xuôi theo Quốc lộ 1A về phía Nam chừng 19km, nhìn sang bên phải thấy một con đường liên xã với chiếc cầu xi măng cách Quốc lộ I chừng vài chục mét, đi theo con đường này thêm khoảng 5km thì bắt gặp suối Tiên.

Suối Tiên là một dòng suối đẹp, nhiều cảnh lạ, lắm huyền thoại. Trên suối có nhiều dấu vết mà người ta cho là của tiên để lại như: Bàn cờ Tiên, hồ Tiên, động Tiên, nên được gọi là “Suối Tiên”. Cảnh đầu tiên du khách bắt gặp ở suối Tiên là hồ Tiên. Những tảng đá lớn nhỏ ở đây vô tình tạo thành một đập nước thiên nhiên chắn ngang dòng suối. Phía trước đập, nước xoáy thành hình lòng chảo, lâu ngày tạo nên hồ Tiên.

Tương truyền rằng, xưa kia các nàng tiên nữ thường xuống đây nghỉ ngơi và tắm mát. Nước hồ trong xanh nhìn đến tận đáy. Đáy hồ là những dải cát trắng phau. Men theo lòng suối về phía thượng nguồn, du khách sẽ có cảm giác như đang đi sâu vào cảnh tiên. Nước suối trong, róc rách, long lanh dưới ánh mặt trời. Dọc theo hai bờ suối là những lớp đá nằm ngổn ngang, nhiều hình thù, nhiều màu sắc.

Trên một tảng đá rộng lớn và bằng phẳng có lưu lại vết tích dấu chữ “Điền” và chữ “Khẩu”, nhiều chỗ còn bày biện những bàn cờ với đầy đủ các quân cờ. Người ta bảo rằng, đây là bàn cờ tiên mà xưa kia các tiên ông thường đến đây đánh cờ tiêu khiển.

Đi lên phía thượng nguồn của suối sẽ thấy nhiều hòn đá chồng chất lên nhau tạo thành những hang động, ngay dưới những tháp nước nhỏ, được cây rừng trang điểm xung quanh, nhiều chỗ có thể dùng làm chỗ ngồi, nghỉ chân thư giãn, đó là động Tiên.

° Suối Đổ: Suối Đổ còn có tên là suối Nước Đổ, thuộc địa phận làng Phước Trạch, gần làng Cư Thạnh, phía Tây dãy núi Hoàng Ngưu. Gọi dòng suối này là suối Đổ vì dòng nước đổ từ trên cao chảy xuống và tạo thành 3 hồ nước khá rộng. Hồ thứ nhất nằm ở lưng chừng núi, dưới một thác nước đổ mạnh. Nước hồ chia làm 2 nhánh chảy quanh co xuống triền núi và đổ vào 2 hồ khác nằm gần nhau. Đáy hồ cát trắng tinh, quanh 2 bên bờ suối và cả dưới đáy có đá xanh chồng chất lên nhau, cỏ cây chen lẫn với đá luôn xanh tươi, rậm rạp.

Dân gian kể rằng, xưa kia ở đây có một cây kỳ nam thân to đến 4 người ôm, từ xa, người ta cảm nhận được một mùi hương thoang thoảng, nhưng kỳ lạ là khi đến gần thì chẳng có gì hết. Trong cây có một cặp rắn đen to lớn giữ gìn không cho ai lấy đi.

Người ta cũng kể rằng, xưa kia Bà Thiên Y A Na đã đến nghỉ chân và hóng gió tại đây vào những lúc vân du. Lúc Bà đến có 3 tiếng sấm nổ vang rền. Một luồng ánh sáng màu xanh dài và rộng như một dải lụa bay tới từ phía hòn Núi Chúa hoặc từ Hòn Bà đáp xuống, đó là hiện tượng di hành của Bà. Ở hồ thứ 2, phía dưới có đền thờ Bà lúc nào cũng nghi ngút khói hương.

° Suối Ồ Ồ: Suối Ồ Ồ thuộc địa phận xã Diên Điền, huyện Diên Khánh. Từ Nha Trang lên Thành chừng 10km, rẽ qua thôn Phú Lộc, đến thôn Đại Điền Trung (thuộc xã Diên Điền), tới Am Chúa. Từ Am Chúa đi qua suối Phèn và đi thêm chừng 7km nữa thì tới suối Ồ Ồ.

Khác với những dòng suối chảy róc rách, hoặc rì rào, dòng suối này có nước từ trên nguồn chảy đổ mạnh xuống gành, phát ra tiếng ồ ồ, có lẽ vì vậy mà suối có tên là suối Ồ Ồ. Suối Ồ Ồ khởi phát từ trên dãy núi cao nằm tại ranh giới 2 huyện Ninh Hòa và Diên Khánh. Con suối có 2 nguồn chảy Đông - Tây song song ở giữa 3 nhánh núi thấp. Nguồn phía Đông được gọi là suối Chà Vông do 2 bên bờ có cây chà vông mọc um tùm. Nguồn phía Tây được gọi là suối Khô, vì trong mùa nắng, mạch thường bị đứt. Dòng nước của 2 nguồn chảy Đông - Tây tuôn trào đổ mạnh xuống hồ thành những tiếng ồ ồ, âm thanh nước đổ mạnh vọng ra xa như tiếng thác lớn đổ dài nhiều trăm mét.

Hai nguồn nước này đổ xuống một gành đá thẳng đứng. Dưới chân gành, nước xói đá mòn tạo thành hồ bán nguyệt, rộng trên một sào và dài chừng ba sải tay. Cư dân đồn rằng hồ bán nguyệt không bao giờ cạn, có tiên thường đến tát nước về nguồn. Đầu gành còn lưu lại nhiều dấu vết, đó là dấu chân tiên còn ở mặt gành, có những dấu vết hơi dài, người ta gọi đó là dấu dây lưng của tiên phơi khi tát nước.

Ngoài 3 suối kể trên, Diên Khánh còn có nhiều suối nữa như: Suối Ngổ ở phía Đông Bắc thành cổ Diên Khánh, thuộc thôn Xuân Phong, dưới chân Hòn Én; suối Đá Giăng nằm dưới chân núi Hòn Bà… Mỗi dòng suối là mỗi giai thoại với những cảnh sắc hoang sơ. Sự kết hợp hài hòa của trời, mây, non nước đã tạo nên những danh thắng hữu tình, làm lưu luyến lòng người.

Đến Nha Trang, du khách sẽ được tận hưởng những giây phút thư giãn tuyệt vời bên biển xanh cát trắng, những chuyến đi đảo lý thú; phiêu lưu, du ngoạn với núi, đồi, sông, suối, cùng những tình cảm thân thương của người dân thành phố biển. Tất cả đang dang tay mời gọi du khách.

Du lịch, GO! - Theo báo Mientrung, internet

Tuesday, 13 September 2011

Trà Bồng (Quảng Ngãi) có câu ca thật lạ: “Rau ranh ốc đá là cá nậu nguồn”. Câu này được hiểu là: Rau ranh với ốc đá, với người miền ngược (nậu nguồn), chẳng khác nào như cá vậy. Có lẽ dựa vào “chất lượng” của rau ranh và ốc đá để đặt câu ca trên chứ không phải nói cho thuận tai.

Rau ranh là loại rau mọc hoang trên rừng, lá to bằng lá chè, có màu nõn chuối, mùi hơi chua, dịu hơn lá bứa. Chúng mọc nhiều nhất ở vùng núi Trà Bồng. Còn ốc đá là loài ốc sống trong các gộp đá ở các suối trên núi cao, lớn hơn đầu đũa một tí, cũng sống tập trung ở miền núi. Hai loại này “kết bạn” với nhau trong thực đơn của người vùng cao, giờ thành món khoái khẩu của dân thành thị, nhất là trong những ngày hè nóng bức này mà có bát canh rau ranh ốc đá để giải nhiệt là tuyệt.

Rau ranh-ốc đá hầu như mùa nào cũng có, nhưng chớm hè mới là thời kỳ mà rau ranh ra nhiều lá non và ốc đá chuẩn bị sinh sản nên khi nấu canh hay làm món xào vào thời điểm này là ngon nhất.
Dọc tỉnh lộ lên Trà Bồng, cứ mỗi sáng trên đường đến các phiên chợ vùng cao mà  thấy những người phụ nữ Cor cõng gùi, bên trong có những bó rau xanh màu nõn chuối, thì đích thị đó là rau ranh.

Lấy lớp rau ranh ra khỏi gùi, phía bên dưới thế nào cũng có những chú ốc đen trũi, mình dài, óng ánh trong nắng sớm. 3.000đ cho mỗi bó rau ranh (3 lạng) và 6.000đ cho mỗi lon ốc. Bấy nhiêu đó là đủ cho một nồi canh 4 người ăn. Giá rẻ bất ngờ!

Rau ranh là món ăn truyền thống của người Cor, có thể nấu với thịt heo nhưng ngon nhất vẫn là nấu với ốc đá. Sau khi lấy dưới suối về (bây giờ thì mua ngoài chợ), ốc được ngâm với nước cơm chừng một buổi cho chúng nhả hết chất nhớt trong bụng ra, sau đó đem chặt đít ốc rồi luộc sơ qua nước sôi.

Để nguyên con ốc trong vỏ đem ướp với gia vị, đặc biệt là sả và ớt, sau đó bỏ vô chảo có một ít dầu phụng, đảo qua một lửa là có thể sử dụng làm “nguyên liệu” cho nồi canh.

Rau ranh rửa sạch, vò cho chúng nhàu đi, bỏ vô nước sôi, khi lá rau bắt đầu ngả màu thì cũng là lúc cho loại ốc đá đã xào lúc nãy vào nồi. Sẽ có một nồi canh vừa thơm thơm chua chua mùi rau ranh vừa ngầy ngậy mùi ốc đá. Nấu món này khá đơn giản, nhưng món rau ranh ốc đá hấp dẫn ở chỗ, ngoài hương vị riêng thì đây còn là loại rau và ốc sạch nhất  hiện nay!

Món rau ranh, ốc đá dân dã cây nhà, lá vườn này lâu nay không chỉ là món ăn quen của người dân địa phương mà còn hấp dẫn nhiều du khách. Và trong thời buổi "thịt cá đủ đầy" thì món ăn quê này lại được nâng lên hàng đặc sản nên khi đi xa về nó lại trở thành món quà quý mà nhiều du khách dùng tặng người thân.

Du khách sang hèn đều khoái khẩu món ăn dân dã đầy phong vị miền núi này. Gọi vài tô ốc luộc bốc khói rồi bốc từng con đưa lên miệng hút nhẹ là ruột ốc béo ngậy cộng với hương vị cay xè của ớt và mùi thơm của sả đã "chạy" ngay vào miệng. Thực khách trẻ tuổi đến quán gọi tô ốc đá thường kêu thêm xị rượu để nhấm nháp đưa cay. Hút chán, gọi bát canh rau ranh ốc đá cũng nghi ngút khói lên ăn với cơm. Bát canh rau ranh mềm mại nhai nghe bùi bùi, cộng với ốc đá béo ngậy.

Du lịch, GO! - Theo Quảng Ngãi Online, Dulich Tuoitre, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống