Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 14 September 2011

Nhắc đến Ninh Thuận, người ta nghĩ ngay đến văn hóa Chămpa. Nhưng nơi khí hậu khắc nghiệt này còn là quê hương của người Raglay.

Người Raglay có cuộc sống dựa vào rừng và du canh du cư. Cứ thu hoạch xong mùa rẫy, họ lại dắt díu nhau đến vùng đất khác, rồi khi quay lại chốn cũ thì nơi xưa đã biến thành một khu rừng. Những người du mục nuôi dê, cừu giờ thoắt ẩn thoắt hiện trong những cách rừng già, bỏ xa ánh đèn nơi phố thị.

Cách TP. Phan Rang - Tháp Chàm 60km, xã Ma Nới (thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn) là một trong những xã miền núi cách trở nhất của Ninh Thuận. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, một con đường nhựa đang thành hình chạy giữa vùng đồi núi điệp trùng, vắng bóng người qua lại. Thỉnh thoảng, chúng tôi thấy một số người Raglay gùi nặng những cành củi khô để mang đi bán lấy tiền mua gạo.

Trung tâm xã Ma Nới chỉ có vài chục nóc nhà bằng gỗ, tranh. Xã không có chợ, chỉ có một trường tiểu học và trường nội trú. Đời sống của người dân từng một thời chở che cho chiến khu cách mạng Anh Dũng gần đây đã khá lên nhiều.

Bí thư Đảng ủy xã có cái tên khá lạ - Đá Mài Soai tiếp khách ngay tại trụ sở xã. Ông bảo rằng, sắc tộc Raglay gồm 40 họ: Cà Mau, Pi Năng, Cà Mấu, Chamele, Đá Mài, Tà Yên... tập trung chủ yếu tại huyện Ninh Sơn.

Người dân trong xã vẫn còn tục tảo hôn, sơn nữ bỏ học sớm vì nghèo, mới 12 tuổi đã lo đi “bắt” chồng.  Khi thích đấng lang quân nào, cô gái trao cho chàng vòng đeo tay bằng đồng hoặc vòng đeo cổ. Hai gia đình sẽ gặp nhau để hẹn ngày bắt rể. Người chồng về sống ở nhà vợ, đi rẫy trỉa bắp cho bên vợ. Vì người Raglay theo chế độ mẫu hệ nên con cái ra đời đều mang họ mẹ.

Bên căn nhà tranh, những phụ nữ lớn tuổi thì luôn tay sàng đậu xanh để mang đi bán. Giá mỗi ký từ 18 đến 25 nghìn đồng. Bập điếu thuốc trên môi, bà Tà Thị Thanh nói: “Ngày xưa, tui lấy chồng lúc mới 10 tuổi. Hai đứa ở với nhau vài năm thì tám đứa con lần lượt ra đời”.

Rời huyện Ninh Sơn, chúng tôi theo Quốc lộ 27B (dẫn lên Đà Lạt) để tới huyện Bác Ái. Nơi đây có ngọn thác Cha - Panh hùng vĩ vào mùa mưa nhưng hiện đang thèm thuồng những giọt nước trời. Dọc đường vào trung tâm hành chính xã Phước Trung, được xây dựng khang trang trên một quả đồi, chúng tôi chứng kiến những gia đình du mục dựng chòi sống giữa những trảng rừng trải dài.

Đây là lần thứ hai tôi vào “thăm” Bác Ái. Mùa lũ năm trước, chúng tôi là những phóng viên đầu tiên vào vùng đất xa xôi này khi hồ chứa nước Phước Trung bị vỡ đập, suýt nhấn chìm vùng hạ lưu cả nghìn dân ở xã Phước Trung và xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn. Hàng trăm người dân đã được cứu thoát.

Anh Mã Ngọc Long - một người dân Raglay, ở gần trụ sở xã - cho biết, đồng bào của anh có nghề trồng bắp, quanh năm họ ăn bắp thay cơm vì mỗi năm chỉ trồng được một, hai vụ lúa. Ông Mai Xuân Hoàng Long - Phó Chủ tịch xã Phước Trung, một người dân phố thị chính hiệu, cho biết xã có 2.300 dân, chủ yếu trồng bắp và cây ăn trái.

Tới suối Ngang, chúng tôi trông thấy những thanh niên Raglay khỏe mạnh, cởi trần trùng trục lội nước ngang tới ngực, dùng lồng để bắt cá, cải thiện cuộc sống. “Bắt được những con đầu tiên, tụi tui dùng củi khô đốt lên nướng. Ăn ngon lắm đó!” - một người đàn ông Raglay khoe.

Cách Phước Trung không xa là vườn quốc gia Phước Bình. Nơi đây nổi tiếng vì có bò tót xuất hiện. Chúng đang được bảo vệ nghiêm ngặt, giống như ở lối vào chiến khu Đ, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Người Raglay gọi mãnh thú rừng xanh là “Kva”. Ngày trước, vùng đất này có rất nhiều bò tót, chúng dạn dĩ đến độ vào tận nhà dân để... uống nước. Thời chiến tranh, có người dân đã bị chúng dùng sừng đâm lủng ruột.

Những vùng đất xa xôi cách trở với đồng bằng đã được đầu tư điện, đường, trường, trạm, giúp cho người Raglay có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, với những tập quán lâu đời, họ vẫn thích lối sống rong ruổi và phóng khoáng cùng thiên nhiên.

Du lịch, GO! - Theo báo CATPHCM, ảnh internet
Một thời chưa xa, vùng Phú Hội - Đại Nẫm (bây giờ là xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) là vùng đất đai phì nhiêu, cây lành trái ngọt. Cây trái thì nhiều nhưng chủ yếu vẫn là bưởi, chuối và xoài. Trong dân gian vùng này cho đến giờ vẫn còn lưu truyền câu: “Đại Nẫm nhiều bưởi/Phú Hội chuối xoài/Phú Tài mạch nha/Xuân Phong cốm gạo/”.

Bưởi nhiều đến độ có lời đồn đại rằng, da thịt con gái vùng này thơm như bông bưởi, đêm tân hôn về nằm kề bên, anh chồng hỏi xức dầu thơm gì nghe quen quen? Chị vợ nghe thế mới hỏi tới: “Vậy là anh đã từng gần ai rồi phải không?” Báo hại anh chồng có giải thích mấy, chị vợ vẫn nằm quay mặt vô vách. Thao thức mãi, gần sáng bực mình anh đẩy cửa bước ra vườn. Vô tình hương bưởi ngạt ngào ùa tới, anh lật đật bước vào phòng hoa chúc lay vợ: “Đây nề, đây nề! Thơm mùi này nề, thơm mùi này nề!” Chị vợ lúc đó mới hiểu. Thì ra, từ nhỏ tới lớn, mỗi ngày một ít da thịt mình đã được hoa bưởi ướp hương vào…

Theo lời chú Mười Hậu, 85 tuổi, cư dân chính gốc vùng Phú Hội thì ngày xưa con gái Phú Hội đẹp thùy mị, dịu dàng là nhờ phong thổ, phong thủy. Đất đai màu mỡ, lành hiền. Nước thì hễ đào giếng đâu là có nước ngọt đó, mà nước lại nhiều, trong mát, uống đã khát vô cùng. Và gió mang theo hơi nước của bàu Sen cũng làm cho làn da con gái Phú Hội mát dịu, mịn màng.

Bàu Sen xưa rất đẹp, tọa lạc sát nhà làng Phú Hội, hình dạng như con rồng nằm. Đông giáp sân banh Phú Hội. Tây giáp nhà làng. Nam giáp búng chảy ra sông Mường Mán (không phải Mương Mán). Bắc giáp mương đập Li-tô (cũ). Hàng ngày có ông trùm làng chống xuồng đi hái sen, huê lợi thu được dùng vào việc công của làng. Những đêm trăng sáng, trai gái trong làng tụ họp hai bên bờ bàu Sen hát đối với nhau đến tận khuya cho tới khi trăng chếch bóng.

Hát đối còn gọi là hát ống. Vật liệu được làm bằng hai ống tre bịt kín một đầu có sợi giây nhợ kéo căng qua đầu ống bên kia. Khi hát, đôi nam nữ hai bên bờ cầm “micro” ống tre ấy mà đối đáp.

Những câu hát còn lưu truyền như: “Gái Phú Hội lấy trai Phú Nhang/Đêm nằm hương bưởi mênh mang cõi lòng”. “Đi qua bên Phú Hội chơi/Thấy cô gái nọ hái sen dưới bàu/Dưới bàu có con cá tràu/Nó theo nó đớp… làm sao không buồn?”… Trong khung cảnh nên thơ, thiên nhiên hữu tình và môi trường trong lành ấy thì hỏi sao con gái Phú Hội không dễ thương, dễ nhớ? Từ sau trận lụt năm Thìn 1952, qua bao biến đổi bể dâu, nay bàu Sen không còn nữa, bây giờ cư dân làm lúa và rau xanh dưới lòng bàu.

Chú Tư Nhơn, 86 tuổi, cư dân chính gốc vùng Đại Nẫm cho biết: Sau Cách mạng Tháng Tám chú đánh xe ngựa và trước 1975 lái xe lam (loại xe Lambretta có mui che người lái như mũ kết). Chú Tư thường chở trái cây từ Phú Hội về Phan Thiết cho thương lái tiêu thụ các nơi theo đường bộ, khi vào vụ có ngày phải chở từ 5 đến 7 chuyến.

Đó là chưa kể trái cây vùng này được chở tiêu thụ bằng đường sắt qua ga Phú Hội.

Chú Tư nhớ lại: “Bưởi Phú Hội tròn như trái dưa hấu, đơm lên bàn thờ rất đẹp. Bưởi có 2 loại: ruột đỏ và ruột trắng, loại nào cũng ngọt thanh và thơm mùi vị rất riêng, ăn một lần là nhớ mãi. Xoài có nhiều thứ: xoài Náp, xoài Tượng, xoài Thanh Ca… không xơ, thịt bùi, ngọt lịm từ đầu tới cuối trái; ăn mà gọt dày vỏ là hay bị la lắm!

Các loại xoài này nếu dú bằng rơm (không có khí đá) thì đẹp trái, sắc màu tươi tắn và ăn ngon đặc biệt. Xoài Nếp, chín mình không biết chín, chín mà ngoài vẫn xanh, trong đỏ. Xoài Nếp dú ăn không ngon, cứ để chín cây chờ gió rụng ăn mới sướng. Xoài Tẻ dú bằng lá cây gỗ cóc, chín đỏ thơm lừng, ăn đã lắm!” Chú Tư chép miệng: “Bây giờ 2 loại Nếp, Tẻ này mất giống đâu hết rồi, uổng thiệt!”

Làng Phú Hội xưa có hát lệ ba năm một lần, chủ yếu là hát tuồng, hát bội. Tết nhứt chơi hô bài chòi, dựng 9 cái chòi có người cầm ống thẻ bài xóc lắc, rớt thẻ ra thì hô có bài có bản, có vần có điệu, có tích có tuồng.

Trong không gian ấy, bóng dáng con gái Phú Hội tha thướt áo bà ba, kẹp tóc ba lá chải mượt dầu dừa hoặc tóc búi có lông nhím ghim qua… đang che nghiêng vành nón, khúc khích cười trong nắng mới. Chợt nhớ 2 câu thơ của Vũ Đình Liên: “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?” mà nghe lòng hoài niệm xa xôi…

Du lịch, GO! - Theo báo Binhthuan, ảnh internet
Áo bà ba là loại trang phục đặc trưng Nam Bộ, cả nam lẫn nữ đều mặc được; nhưng giới nữ ưa chuộng nhiều hơn; đặc biệt là ở miệt vườn, miệt ruộng của vùng sông nước Cửu Long, tạo nên nét duyên dáng đồng bằng không gì so sánh được.

Nguồn gốc xuất xứ và tên gọi của loại trang phục “đặc sản” này đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng, áo bà ba xuất hiện đầu tiên ở Nam Bộ vào thời Hậu Lê vì có nét giống “cái áo đàn ông cổ tròn, cửa ống, tay hẹp" mà sách xưa ghi là cụ Lê Quý Đôn đã quy định thành trang phục cho dân Đàng Trong cuối thế kỷ 18.

Lại có ý kiến áo bà ba chỉ mới xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 19, được học giả Trương Vĩnh Ký cách tân từ áo của người Malaysia gốc Hoa cho phù hợp với vóc dáng người Việt. Nếu điều này đúng thì dân Nam Bộ chính là những người giao lưu khu vực sớm nhất.

Tôi không biết ai đúng, nhưng vẫn coi áo bà ba là “đặc sản” của xứ tôi – đồng bằng sông Cửu Long - dù hiện nay phần đông giới trẻ thích mặc quần áo hiphop, model Hàn Quốc, quần jean, áo pull; giới công chức thì mặc trang phục công sở, giới doanh nhân nam mặc veston, sơmi, doanh nhân nữ mặc váy hay đồ tây..., gọi chung là Âu phục.

Dân Nam Bộ nói chung và dân miền Tây nói riêng mặc nhiên coi áo bà ba như thứ trang phục truyền thống, chất chứa “giá trị phi vật thể” tích tụ từ bao đời trên mảnh đất phương Nam. Những năm gần đây, áo bà ba thường xuyên xuất hiện trong các cuộc thi hoa hậu, người đẹp ở đồng bằng sông Cửu Long và cả Nam Bộ như một sự thừa nhận và cổ xúy cho loại trang phục có sức quyến rũ bền bỉ, vượt qua thử thách của thời gian.

Với tôi, những năm tháng trẻ thơ, nhớ những lần ngơ ngác đi chợ huyện sợ lạc, tay luôn nắm chặt vạt áo bà ba của mẹ – một phụ nữ chân quê đồng bằng. Nhớ các chị tôi vào độ tuổi trăng tròn thường mặc chiếc áo bà ba mượt mà, đầy đặn, làm nhiều anh trai làng phải ngã bệnh tương tư, lén gửi thư tình bằng giấy học trò kẻ hàng đôi để chữ viết được tròn trịa như... con gái mặc áo bà ba.

Áo bà ba không chỉ xuất hiện ngoài phố chợ mà còn có mặt trên ruộng đồng, dưới tán vườn, thấp thoáng qua cây cầu nhỏ...

Cái thứ trang phục “2 phần kín, 1 phần hở" đó vừa giấu, vừa khoe một cách tài tình vẻ đẹp tự nhiên, quyến rũ trong cơ thể của người phụ nữ Nam Bộ. Áo bà ba đã đi vào thơ ca, nhạc, họa cùng với chiếc xuồng ba lá, cái nón lá và chiếc khăn rằn thành biểu tượng của nữ du kích miền Tây.

Áo bà ba cổ điển, được nhiều người mặc từ thập niên 1960 trở về trước, may bằng các loại vải một, vải ú, vải sơn đầm... rất mau khô sau khi giặt; được xẻ ở hai bên hông làm người mặc cảm thấy thoải mái, gần vạt áo có thêm hai cái túi to. Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái mà cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long thường vận bộ bà ba đen khi đi làm đồng.

Theo các nhà Từ điển học nghiệp dư của Wikipedia, trong 2 thập niên 1960-1970, áo bà ba truyền thống được phụ nữ thành thị cải tiến nhờ óc sáng tạo của các nhà tạo mẫu dân gian mang hơi hướng "tân cổ giao duyên" nên vừa phá cách, vừa giữ được nét đặc thù. Áo dài bà ba hiện nay không thẳng và rộng như xưa, mà được may hẹp, nhấn thêm eo bụng, eo ngực cho ôm sát lấy thân hình như để khoe "3 số đo" của các cô gái duyên dáng dễ thương.

Người miền Bắc có câu: "Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương", nhớ “áo tứ thân với tóc đuôi gà”. Còn người miền Nam thì mộc mạc hơn, “thương nhớ áo bà ba” như nhớ thương một vùng ký ức tuổi thơ một thời thấp thoáng...

Du lịch, GO! - Theo báo Laodong, ảnh sưu tầm

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống