Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 14 September 2011

Sơn Dương là hòn đảo rộng chưa dầy 2km² nằm cách cảng biển Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh) gần 4 hải lý.
Đây là một hòn đảo đẹp, hoang sơ cùng với nhiều hệ thống hang động và dốc đá tai mèo được phủ kín bởi một màu xanh của các loài cây có gai và dương xỉ. Hòn đảo còn là nơi sinh ống của linh dương, các loài rùa đá và rắn độc.

< Toàn cảnh đảo Sơn Dương.

Trước kia, Sơn Dương chỉ là một hòn đảo hoang vắng, từ năm 1972 trong chiến tranh ác liệt, một trung đội pháo của Ban chỉ huy quân sự huyện đội Kỳ Anh được cử ra đảo để ngăn chặn các cuộc tập kích từ xa của máy bay và tàu chiến Mỹ. Sự xuất hiện của dấu chân những người lính đầu tiên đã biến hòn đảo dường như chưa bao giờ được nhắc tới trên bản đồ Việt Nam này đi vào lịch sử bằng những chiến công vang dội.

Và cũng từ đó đảo Sơn Dương bắt đầu đi vào thơ, ca, nhạc, họa mà tác giả của các tác phẩm này đa số lại là những người lính đảo khắc họa nên bằng những cảm xúc mãnh liệt! Hôm nay những người lính đảo không những ngày đêm tuần tra canh gác, bảo vệ đất liền, mà họ còn tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, đem lại niềm tin và chổ dựa vững vàng cho đồng bào ngư dân.

Sơn Dương là nơi hết sức khắc nghiệt, đảo chỉ có một cái giếng đào duy nhất, giếng này chỉ cho phép sử dụng vào mùa mưa còn mùa hè thì hầu như khô cạn. Trung bình hằng năm, liên tục sáu tháng mùa khô không hề có lấy một hạt mưa. Khí trời hầm hập, nhiệt độ thường ở vào khoảng 38° - 40°, cộng thêm hơi nóng ngùn ngụt bốc ra từ trong vách đá rất khó chịu. Mùa mưa thì nói vậy chứ tìm được hạt mưa quả thực khan hiếm, ngoại trừ khi có giông bão ập đến. Thời gian còn lại chủ yếu bị bao bọc bởi lớp sương mù và sương muối dày đặc...

Dragon: Cũng đã gần năm nay QBFC chưa thực hiện chuyến đánh bắt xa bờ nào. Cần “khủng”, lưỡi “khủng”, … đồ nghề “khủng” cứ cất cào một xó nhìn thảm thật thảm thương. Nung nấu ý chí một thời gian khá dài trước dịp Lễ 30/4, 1/5 là sẽ thực hiện một chuyến du câu xa hơn luỹ tre làng. Địa điểm lần này khá xa và hơi bất tiện cho việc đi lại: Đảo Sơn Dương, Hà Tĩnh. Một chuyến đi đầy hứa hẹn và cũng là một chuyến dã ngoại nhằm xua tan nhưng áp lực cơm áo gạo tiền trong cuộc sống hằng ngày của tất thảy chúng tôi.

Trước khi xuất phát một ngày, nhiều cuộc điện thoại đã được gọi, nhiều tin nhắn đã được gởi nhằm hô hào cũng như thực hiện công tác chuẩn bị cho thật chu toàn, mỹ mãn.

Sáng ngày 30/4, trước 6h sáng Dragon đã có mặt ngay tại quán cafe tháp nước trên đường Lý Thường Kiệt. Đồ đoàn đã mang đủ như được phân công từ mấy hôm trước, xăng đã đầy bình, đồ nghề cũng đã sẵn sàng để chiến đấu.

Gọi 3 ly đen, chờ mãi đến 6h30 Bác Songnil mới vác cái xác trùng trục ngăm ngăm màu Châu Phi trờ tới, còn Vanty thì ôi thôi, chậm như rùa. Chắc là do lén Bọ chuyển …….hàng ra cổng sau qua nhiều công đoạn nên đến trễ. Đã thế, 3 anh em bàn còn chưa hết công đoạn một thì Vanty lại phải đánh….. soạt một phát mần sạch trơn chỗ còn lại trong ly đen và vất vội cái tàn thuốc để lên nhà Bác Carodong lấy thêm đồ nghề của Bác ấy. Vì bận công tác ngoài Vinh nhưng vẫn máu câu nên Carodong đã nhờ Anh em lên kế hoạch và “tự xử” luôn phần của Bác ấy. Địa điểm hẹn gặp Carodong là ở Ngã 3 Cảng Vũng Áng.

Gặp lại Vanty ngã ba bia rượu với bộ đồ nghề của Carodong trên vai, chúng tôi tiến hành tổng kiểm tra lại vật dụng, trang thiết bị cũng như đồ nghề một lần nữa rồi 3 người trên 2 con ngựa cái (Nouvo LX) cùng nhau xuất phát. Địa điểm mua mồi lần này là chợ Hoàn Lão nên anh Em đã được diện kiến chị Forget tại quán cháo lươn nổi tiếng nhất Hoàn Lão. Đây cũng là chút động viên cho chuyến ra khơi lần này của mọi người. Sau khi xơi sạch 3 tô cháo lươn (tô ai không biết chứ tô miềng mà thả xuống đất chắc bị táp một phát ngay! Chó nó không có chi liếm nên tức ấy mà…!!???), tôi ở lại quán trông xe và đồ đoàn, Songnil và Vanty làm một vòng quanh chợ để tìm mồi.

Công nhận phụ nữ đi chợ đã lâu, đàn ông đi chợ …..mua mồi câu còn lâu hơn nhiều! Khoảng hơn 20 phút sau, 3 túi nilon được Vanty mang ra đổ xoà ra trước quán, cá nục con, tôm, cá Z…… làm cả quán lẫn thực khách tới dòm…… thiếu chút nữa họ ngã giá…mua lại.

Thùng đá được bày ra, đá lót ở dưới, một tấm khăn ướt phủ lên trên và cho cả tôm cá Z vào đấy. Có nục thì cho thẳng vào lớp đá phía dưới vì đằng nào cũng đã toi mạng cả rồi.

Chúng tôi phi từ Hoàn Lão ra tới ngã 3 Vũng Áng hết gần 2h đồng hồ, lúc này đồng hồ đã điểm đúng 10h30 phút. Sau khi mua thêm lương thực và nước thì chuyến xe buýt chở Carodong đi từ hướng Vinh ngược lại cũng trờ tới. Điều mà Carodong làm cả ba anh em phải há mồm ngạc nhiên và thán phục khi lão ta vừa bước xuống xe thì lập tức có 3 em chân dài…ngoằn bước ngay sau lưng. Mặt Carodong khi chộ chúng tôi tươi rói, tươi như tôm mồi trong cái thùng đá cách ly! Chúng tôi cũng ngoác mồm nhìn Carodong và 3 em chân dài kia, trong lòng đầy ngưỡng mộ! Không ngờ với vẻ chân chất, thật thà và cục mịch như Carodong mà cũng cù rủ (hay dụ dỗ) được 3 em ngon như mít non kia tham gia chuyến du câu. Thật ngưỡng mộ!

Cái cảm giác lâng lâng khi tưởng tượng hồi tiếp theo với 3 cái mồm ngoác ra của 3 tên máu…..câu chợt đánh sập lại khi 3 em kia chui tọt vô chiếc taxi biến mất dạng, chỉ còn lại đó vẻ ngơ ngác thất vọng của 3 chúng tôi. Ngược lại thì Carodong cười tươi như nghé vì một sự tình cờ ngẫu nhiên mà lão ta “suýt” lừa được bọn tôi. Thật là…. Nhưng coi bộ cũng khí thế!

Huynh đệ tương ngộ, mừng vui đầy khí thế, 2 con ngựa sắt chở 4 cái xác đen ngòm với đồ đoàn lỉnh khỉnh nhắm hướng Cảng Vũng Áng phi vèo vèo. Hơn 15 phút sau chúng tôi đã đến nhà Bác Hạnh ở xã Kỳ Lợi (một người bà con gọi Bác Hồ bằng bác với Carodong), mượn thêm cái bếp ga mini, mua ít rau rác chúng tôi phi ngay ra cảng Vũng Áng hỏi thuyền đi đảo Sơn Dương.

Trên đường ra cảng và hỏi thuyền chúng tôi được Bác Hạnh giúp đỡ khá nhiệt tình nên mọi người cũng thấy yên tâm phân nào.

Lần đầu tiên bước chân đến cảng nên tôi chăm chú quan sát nhiều nhà hàng nổi ngay trước cổng cảng. Tấp nập nào là ô tô, xe máy và thực khách đang lui tới thật sự ồn ào và náo nhiệt. Cảm giác hân hoan trong tôi chợt bị dập cho tắt ngúm khi O chủ nhà hàng với cái giọng oanh vàng không có một tí bass đuổi chúng tôi đi chỗ khác với lý do: “Không có chỗ cho ôtô vào đỗ!!” Nhìn một lượt từ đầu tới chân cái O nớ xong tui đảo mắt xuống cái bè nổi hoành tráng của O nỏ chộ thực khách mô cả, trong khi của người ta thì đầy rẩy và ồn ào ra đó,….. Sau vài giây liên kết các “hiện tượng” tôi chợt hiểu ra và kéo mọi người đi chỗ khác để “O nớ” có chỗ đỗ ôtô!??

Có một chi tiết nhỏ làm tất cả chúng tôi thêm phần háo hức trước chuyến cập đảo là hình ảnh một cặp vợ chồng đang khiêng 2 sọt cá hồng toàn những con bự bự lên bờ kè. Tranh thủ chộp vài pô để nhìn cho sướng con mắt.

Không thuê được thuyền như mong muốn, chúng tôi lên xe và được Bác Hạnh dẫn xuống một làng chài nhỏ ven biển thuộc xã Kỳ Lợi. Tìm đến nhà của một Ngư Lão, chúng tôi tranh thủ xơi nước trong khi bàn bạc giá cả và địa điểm câu trên đảo. Trời đã quá trưa, cái giàn bầu nho nhỏ không làm dịu được cái nắng đầu hè oi bức nơi làng chài ven biển.

Được Ông cháu Ngư Lão dẫn bách bộ vài trăm mét xuyên qua làng chài ra biển, Tôi lại được một lần nữa ngắm nhìn những căn nhà nhỏ với những khoản sân đầy cát trắng và cái mùi tanh nồng của sản vật biển.

Hơn 10 phút cuốc bộ, chúng tôi đã đến được bãi biển. Bãi biển ở đây có vẻ hẹp hơn và không đẹp bằng biển ở Quảng Bình, Huế hay Đà Nẵng,….

Là một vịnh biển nước sâu nên các tàu cá nhỏ của ngư dân không neo lại trên biển mà phải được lôi lên bờ cát cao để tránh bị sóng cuốn đi. Chúng tôi cùng ông cháu nhà Ngư Lão và một số ngư dân quanh đó hò hét lôi cái ghe xuống mép nước.

< Trẻ em xóm chài.

Đảo mắt nhìn quanh, tôi thấy nhiều thuyền cá nằm trên bờ cao. Những thuyền này nhỏ nên chỉ đánh bắt gần bờ và người ta chỉ ra khơi buông lưới vào chiều muộn và dở lưới vào sáng mai sớm nên giờ này thuyền nằm cả trên bờ. Chắc là đang nghỉ ngơi.
< Đưa thuyền về với biển.

Không cần phải phóng tầm mắt ra xa mới thấy được đảo Cù Lao Chàm như ở Hội An, chỉ cần ngước mắt hướng ra biển là đảo Sơn Dương đã hiện ra ngay trước mắt. Một hòn đảo nho nhỏ có cây cỏ phủ xanh, có gành đá cheo leo và dựng đứng hứa hẹn một nguồn cá dồi dào….
Với khoảng cách hơn 4km cách bờ, 25 phút sau chúng tôi đã tận mắt quan sát từng hốc đá lởm chởm ngay trước mặt. Thật hùng vĩ và xinh đẹp. Với kinh nghiệm lôi hơn 5kg mú chỉ trong vài tiếng đồng hồ tại hòn đảo này của Carodong thì gành phía Bắc vẫn là lý tưởng nhất.

< Cận cảnh đảo.

Nước sâu, không có nhiều đá cuội nhưng lại nhiều hang hố, lý tưởng cho việc săn mú khủng. Nhưng Ngư Lão lại ngại…gãy chân vịt nên cứ thế làm một lèo hết 150% đường vòng quanh đảo. Anh Em cũng được một thể quan sát tứ bề của đảo.
< Cầu cảng của đơn vị bộ đội trên đảo.

Chúng tôi sẽ “đóng quân” trên đảo và hẹn Ngư Lão sáng hôm sau khoảng 9h đến đón về đất liền. Vậy là có cơ hội thử đóng vai nhà Robinson rồi!

Chúng tôi cập tại bến tàu là một cầu cảng nhỏ của một đơn vị bộ đội đóng quân trên đảo. Đây được coi là một quyết định đúng đắn của Ngư Lão vì mức độ an toàn tuyệt đối cho chiếc ghe máy của ông.

< Đến điểm câu.

Nhưng với chúng tôi thì đó là một sai lầm. Bốn người chia ra vác đồ đoàn đi ngược lại góc Đông-Bắc của Đảo hơn 1km. Nhảy nhót trên gành đá với đủ thứ vật nặng đè trên vai, mặt ai nấy đỏ bừng và thở như….trâu mới mở cày.

Cũng phải đến hơn 2h chúng tôi mới lồm cồm bò lên tảng đá lớn xoay mặt về hướng chính Đông để …thở!

< Chênh vênh hiểm trở.

Sau một hồi nghỉ ngơi và quan sát, chúng tôi nhận định đây là vùng biển lý tưởng cho Mú, Hồng nhưng lại khó buông câu vì sóng dập mạnh và đá ngầm quá nhiều. Dù sao cũng đã đến đây rồi, thuyền Ngư Lão cũng đã khuất xa rồi nên chỉ có câu đi rồi mới biết!
Thành công đầu tiên của chúng tôi có lẻ là chiếc Canon mới toanh gần 10 triệu bạc của Carodong được tắm nước biển mát rượi. Bác ấy bị trượt chân vì đá ngầm dưới mặt nước quá trơn. Đầu gối trầy xơ xác. Trong khi mọi người đang ngẩn ngơ tiếc cho cái máy ảnh thì Carodong hì hục tháo pin, tháo thẻ nhớ và phùng mang trợn má thổi vào cái máy nghe phù phù…. Cái máy có vẻ ổn!
Sau hồi nghỉ ngơi và hì hục với mớ cần, chì, lưỡi câu,…. Chúng tôi xuống một mu đá nhô ra sát mép nước để đánh quả. Với một cú bạt đầu tiên của Songnil đã lôi lên một chú đém khá to trong khi mồi của mọi người chưa kịp tiếp nước. Vậy là mệt mỏi chợt như tan biến, khí thế phừng phừng, mấy tiếng vút vút liên tục rít lên trong gió và sóng biển.

Tiếng hò hét trong vội vàng của tay quay máy câu, tiếng cười tươi rạng rỡ xua đi cái mệt nhọc và méo mó trên khuôn mặt của những kẻ trời đầy.

Hạnh phúc như bắt được từ nơi đây. Cứ thế tra mồi và buông câu rồi lại lên cá. Chỉ có điều là mú ở đây nhỏ hơn mong đợi!
Chiếc Canon của Carodong lại được phen thể hiện. Soạt! một bức hình Songnil đưa con cá đém lên đã được ghi lại.

Carodong mừng như bắt được vàng vì “của quý” vẫn ổn. Bác ta tự mở một lon bia để ăn mừng. Lúc uống hết lon bia kia cũng là lúc cái máy kia…..tắt ngấm! Mặt Carodong lúc này như cái bánh bao chiều…. Mọi người chia buồn chút xíu rồi cũng quay ra bạt, quay, giật, hò hét!

< Ăn mau kẻo trời tối!

Hân hoan hỉ hả một hồi rồi cũng vắng dần, trời cũng đã về chiều. Bếp trưởng Vanty đang ngứa ngáy muốn trổ tài nấu món cháo cá như mọi khi. Chúng tôi cắm cần vào các hốc nhỏ trên đá, cùng nhau lo bữa tối. Vanty làm cá, Songnil trông nồi cháo, Dragon và Carodong nhâm nhi mấy lon bia và hớt mõm nơi mấy cái đầu cần. (chẳng có chi để làm nữa!!??)

Nồi cháo thơm ngon đến lạ lùng, khói bay nghi ngút làm mấy cái bụng kẹp lép sôi lên sùng sục. Bát nhựa thìa đũa được soạn ra. Vài lon bia cũng được bày ra cho có thêm phần xum tụ và hấp dẫn. Một buổi chiều tối se se lạnh nhưng không kém phần ấm cúng và cảm giác lạ lạ trên hoang đảo đang bao phủ bởi một màu sương trắng đục. Cái nắng chiều dần tắt để lại biển rì rào vỗ vào đêm…

Du lịch, GO! - Theo Dragon 5/2011 - Caucaquangbinh
Nhắc đến Ninh Thuận, người ta nghĩ ngay đến văn hóa Chămpa. Nhưng nơi khí hậu khắc nghiệt này còn là quê hương của người Raglay.

Người Raglay có cuộc sống dựa vào rừng và du canh du cư. Cứ thu hoạch xong mùa rẫy, họ lại dắt díu nhau đến vùng đất khác, rồi khi quay lại chốn cũ thì nơi xưa đã biến thành một khu rừng. Những người du mục nuôi dê, cừu giờ thoắt ẩn thoắt hiện trong những cách rừng già, bỏ xa ánh đèn nơi phố thị.

Cách TP. Phan Rang - Tháp Chàm 60km, xã Ma Nới (thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn) là một trong những xã miền núi cách trở nhất của Ninh Thuận. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, một con đường nhựa đang thành hình chạy giữa vùng đồi núi điệp trùng, vắng bóng người qua lại. Thỉnh thoảng, chúng tôi thấy một số người Raglay gùi nặng những cành củi khô để mang đi bán lấy tiền mua gạo.

Trung tâm xã Ma Nới chỉ có vài chục nóc nhà bằng gỗ, tranh. Xã không có chợ, chỉ có một trường tiểu học và trường nội trú. Đời sống của người dân từng một thời chở che cho chiến khu cách mạng Anh Dũng gần đây đã khá lên nhiều.

Bí thư Đảng ủy xã có cái tên khá lạ - Đá Mài Soai tiếp khách ngay tại trụ sở xã. Ông bảo rằng, sắc tộc Raglay gồm 40 họ: Cà Mau, Pi Năng, Cà Mấu, Chamele, Đá Mài, Tà Yên... tập trung chủ yếu tại huyện Ninh Sơn.

Người dân trong xã vẫn còn tục tảo hôn, sơn nữ bỏ học sớm vì nghèo, mới 12 tuổi đã lo đi “bắt” chồng.  Khi thích đấng lang quân nào, cô gái trao cho chàng vòng đeo tay bằng đồng hoặc vòng đeo cổ. Hai gia đình sẽ gặp nhau để hẹn ngày bắt rể. Người chồng về sống ở nhà vợ, đi rẫy trỉa bắp cho bên vợ. Vì người Raglay theo chế độ mẫu hệ nên con cái ra đời đều mang họ mẹ.

Bên căn nhà tranh, những phụ nữ lớn tuổi thì luôn tay sàng đậu xanh để mang đi bán. Giá mỗi ký từ 18 đến 25 nghìn đồng. Bập điếu thuốc trên môi, bà Tà Thị Thanh nói: “Ngày xưa, tui lấy chồng lúc mới 10 tuổi. Hai đứa ở với nhau vài năm thì tám đứa con lần lượt ra đời”.

Rời huyện Ninh Sơn, chúng tôi theo Quốc lộ 27B (dẫn lên Đà Lạt) để tới huyện Bác Ái. Nơi đây có ngọn thác Cha - Panh hùng vĩ vào mùa mưa nhưng hiện đang thèm thuồng những giọt nước trời. Dọc đường vào trung tâm hành chính xã Phước Trung, được xây dựng khang trang trên một quả đồi, chúng tôi chứng kiến những gia đình du mục dựng chòi sống giữa những trảng rừng trải dài.

Đây là lần thứ hai tôi vào “thăm” Bác Ái. Mùa lũ năm trước, chúng tôi là những phóng viên đầu tiên vào vùng đất xa xôi này khi hồ chứa nước Phước Trung bị vỡ đập, suýt nhấn chìm vùng hạ lưu cả nghìn dân ở xã Phước Trung và xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn. Hàng trăm người dân đã được cứu thoát.

Anh Mã Ngọc Long - một người dân Raglay, ở gần trụ sở xã - cho biết, đồng bào của anh có nghề trồng bắp, quanh năm họ ăn bắp thay cơm vì mỗi năm chỉ trồng được một, hai vụ lúa. Ông Mai Xuân Hoàng Long - Phó Chủ tịch xã Phước Trung, một người dân phố thị chính hiệu, cho biết xã có 2.300 dân, chủ yếu trồng bắp và cây ăn trái.

Tới suối Ngang, chúng tôi trông thấy những thanh niên Raglay khỏe mạnh, cởi trần trùng trục lội nước ngang tới ngực, dùng lồng để bắt cá, cải thiện cuộc sống. “Bắt được những con đầu tiên, tụi tui dùng củi khô đốt lên nướng. Ăn ngon lắm đó!” - một người đàn ông Raglay khoe.

Cách Phước Trung không xa là vườn quốc gia Phước Bình. Nơi đây nổi tiếng vì có bò tót xuất hiện. Chúng đang được bảo vệ nghiêm ngặt, giống như ở lối vào chiến khu Đ, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Người Raglay gọi mãnh thú rừng xanh là “Kva”. Ngày trước, vùng đất này có rất nhiều bò tót, chúng dạn dĩ đến độ vào tận nhà dân để... uống nước. Thời chiến tranh, có người dân đã bị chúng dùng sừng đâm lủng ruột.

Những vùng đất xa xôi cách trở với đồng bằng đã được đầu tư điện, đường, trường, trạm, giúp cho người Raglay có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, với những tập quán lâu đời, họ vẫn thích lối sống rong ruổi và phóng khoáng cùng thiên nhiên.

Du lịch, GO! - Theo báo CATPHCM, ảnh internet
Một thời chưa xa, vùng Phú Hội - Đại Nẫm (bây giờ là xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) là vùng đất đai phì nhiêu, cây lành trái ngọt. Cây trái thì nhiều nhưng chủ yếu vẫn là bưởi, chuối và xoài. Trong dân gian vùng này cho đến giờ vẫn còn lưu truyền câu: “Đại Nẫm nhiều bưởi/Phú Hội chuối xoài/Phú Tài mạch nha/Xuân Phong cốm gạo/”.

Bưởi nhiều đến độ có lời đồn đại rằng, da thịt con gái vùng này thơm như bông bưởi, đêm tân hôn về nằm kề bên, anh chồng hỏi xức dầu thơm gì nghe quen quen? Chị vợ nghe thế mới hỏi tới: “Vậy là anh đã từng gần ai rồi phải không?” Báo hại anh chồng có giải thích mấy, chị vợ vẫn nằm quay mặt vô vách. Thao thức mãi, gần sáng bực mình anh đẩy cửa bước ra vườn. Vô tình hương bưởi ngạt ngào ùa tới, anh lật đật bước vào phòng hoa chúc lay vợ: “Đây nề, đây nề! Thơm mùi này nề, thơm mùi này nề!” Chị vợ lúc đó mới hiểu. Thì ra, từ nhỏ tới lớn, mỗi ngày một ít da thịt mình đã được hoa bưởi ướp hương vào…

Theo lời chú Mười Hậu, 85 tuổi, cư dân chính gốc vùng Phú Hội thì ngày xưa con gái Phú Hội đẹp thùy mị, dịu dàng là nhờ phong thổ, phong thủy. Đất đai màu mỡ, lành hiền. Nước thì hễ đào giếng đâu là có nước ngọt đó, mà nước lại nhiều, trong mát, uống đã khát vô cùng. Và gió mang theo hơi nước của bàu Sen cũng làm cho làn da con gái Phú Hội mát dịu, mịn màng.

Bàu Sen xưa rất đẹp, tọa lạc sát nhà làng Phú Hội, hình dạng như con rồng nằm. Đông giáp sân banh Phú Hội. Tây giáp nhà làng. Nam giáp búng chảy ra sông Mường Mán (không phải Mương Mán). Bắc giáp mương đập Li-tô (cũ). Hàng ngày có ông trùm làng chống xuồng đi hái sen, huê lợi thu được dùng vào việc công của làng. Những đêm trăng sáng, trai gái trong làng tụ họp hai bên bờ bàu Sen hát đối với nhau đến tận khuya cho tới khi trăng chếch bóng.

Hát đối còn gọi là hát ống. Vật liệu được làm bằng hai ống tre bịt kín một đầu có sợi giây nhợ kéo căng qua đầu ống bên kia. Khi hát, đôi nam nữ hai bên bờ cầm “micro” ống tre ấy mà đối đáp.

Những câu hát còn lưu truyền như: “Gái Phú Hội lấy trai Phú Nhang/Đêm nằm hương bưởi mênh mang cõi lòng”. “Đi qua bên Phú Hội chơi/Thấy cô gái nọ hái sen dưới bàu/Dưới bàu có con cá tràu/Nó theo nó đớp… làm sao không buồn?”… Trong khung cảnh nên thơ, thiên nhiên hữu tình và môi trường trong lành ấy thì hỏi sao con gái Phú Hội không dễ thương, dễ nhớ? Từ sau trận lụt năm Thìn 1952, qua bao biến đổi bể dâu, nay bàu Sen không còn nữa, bây giờ cư dân làm lúa và rau xanh dưới lòng bàu.

Chú Tư Nhơn, 86 tuổi, cư dân chính gốc vùng Đại Nẫm cho biết: Sau Cách mạng Tháng Tám chú đánh xe ngựa và trước 1975 lái xe lam (loại xe Lambretta có mui che người lái như mũ kết). Chú Tư thường chở trái cây từ Phú Hội về Phan Thiết cho thương lái tiêu thụ các nơi theo đường bộ, khi vào vụ có ngày phải chở từ 5 đến 7 chuyến.

Đó là chưa kể trái cây vùng này được chở tiêu thụ bằng đường sắt qua ga Phú Hội.

Chú Tư nhớ lại: “Bưởi Phú Hội tròn như trái dưa hấu, đơm lên bàn thờ rất đẹp. Bưởi có 2 loại: ruột đỏ và ruột trắng, loại nào cũng ngọt thanh và thơm mùi vị rất riêng, ăn một lần là nhớ mãi. Xoài có nhiều thứ: xoài Náp, xoài Tượng, xoài Thanh Ca… không xơ, thịt bùi, ngọt lịm từ đầu tới cuối trái; ăn mà gọt dày vỏ là hay bị la lắm!

Các loại xoài này nếu dú bằng rơm (không có khí đá) thì đẹp trái, sắc màu tươi tắn và ăn ngon đặc biệt. Xoài Nếp, chín mình không biết chín, chín mà ngoài vẫn xanh, trong đỏ. Xoài Nếp dú ăn không ngon, cứ để chín cây chờ gió rụng ăn mới sướng. Xoài Tẻ dú bằng lá cây gỗ cóc, chín đỏ thơm lừng, ăn đã lắm!” Chú Tư chép miệng: “Bây giờ 2 loại Nếp, Tẻ này mất giống đâu hết rồi, uổng thiệt!”

Làng Phú Hội xưa có hát lệ ba năm một lần, chủ yếu là hát tuồng, hát bội. Tết nhứt chơi hô bài chòi, dựng 9 cái chòi có người cầm ống thẻ bài xóc lắc, rớt thẻ ra thì hô có bài có bản, có vần có điệu, có tích có tuồng.

Trong không gian ấy, bóng dáng con gái Phú Hội tha thướt áo bà ba, kẹp tóc ba lá chải mượt dầu dừa hoặc tóc búi có lông nhím ghim qua… đang che nghiêng vành nón, khúc khích cười trong nắng mới. Chợt nhớ 2 câu thơ của Vũ Đình Liên: “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?” mà nghe lòng hoài niệm xa xôi…

Du lịch, GO! - Theo báo Binhthuan, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống