Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 15 September 2011

Giữa sắc trời xanh ngắt của đại ngàn, trong tiếng réo sôi của miên man ghềnh thác, con thuyền vẫn lướt đi nhẹ nhàng như một cánh hoa ai thả trên sông.
... Đó là hình ảnh nên thơ nhưng cũng đầy huyền bí của con thuyền độc mộc trên những dòng sông Tây Nguyên...

Đẽo thuyền là một công việc nguy hiểm. Có lẽ vì vậy mà trong mỗi con thuyền đều chất nặng tâm linh… Khi người thợ đẽo thuyền đang ở rừng, người vợ ở nhà phải kiêng các việc bổ củi, cuốc đất; không được tắm rửa, gội đầu và nhất là không được làm rượu cúng Yàng...

Với những người thợ, khi chọn được cây gỗ ưng ý và hạ nó xuống phải cúng Yàng lần 1. Khi con thuyền đã hoàn thành và hạ thủy an toàn thì cúng Yàng lần 2 để tạ ơn. Lễ vật cho mỗi lễ cúng đơn giản cũng phải con gà, ghè rượu...

Làm thuyền, người thợ chỉ được sử dụng một chiếc rìu duy nhất. Gỗ dùng làm thuyền được chọn là cây sao xanh, có đường kính từ một người ôm trở lên; dài từ 5-6m, không chà ngạnh. Hạ được cây xuống rồi, người ta tiến hành đẽo thuyền ngay tại rừng, vừa đẽo vừa đốt lửa hong. Một con thuyền cỡ trung bình, người thợ phải ở rừng tối thiểu là nửa tháng.

Việc khó nhất của họ là phải làm sao cho con thuyền khi xuống nước nổi đều (không được phép sửa chữa khi đã hạ thủy).

Để được như vậy, người thợ làm thuyền có một cách khá là huyền bí: Họ lật úp thuyền xuống, đặt một quả trứng gà theo chiều đứng vào chính giữa lưng thuyền. Nếu quả trứng không đổ thì chiếc thuyền khi xuống nước sẽ không nghiêng lệch...

Mỗi chiếc thuyền hạ thủy là một ngày hội đối với mỗi làng. Người có gà góp gà, người có rượu góp rượu cùng với gia chủ hình thành một bữa tiệc cộng đồng. Cùng với những lời chúc tụng, người thợ làm thuyền sẽ được gia chủ mời rượu trước tất cả mọi người như một phần thưởng và sự tôn vinh tài năng...
Ông Pêng – một thợ nổi tiếng kể rằng xưa kia các làng dọc sông Pô Kô ai cũng có thuyền. Con thuyền độc mộc gắn với mỗi bước chân lên rẫy, với mỗi niềm vui, nỗi buồn trên sông.

Nhưng rồi theo thời gian rừng càng ngày càng lùi xa, gỗ lớn làm thuyền hiếm dần. Đặc biệt là sự xuất hiện của những chiếc xe máy đã khiến niềm vui sông nước nguội cạn. Người ta đua nhau bán thuyền. Mỗi con thuyền còn sử dụng được trên chục năm chỉ có giá 500.000 đến 1 triệu đồng tùy lớn nhỏ. Làng Nú của ông Pênh cách đây dăm năm nhiều thuyền là thế, nay chỉ còn vỏn vẹn 4 cái. Vẫn biết là không thể khác mà ông Pêng vẫn thấy buồn...

Du lịch,GO! - Theo Danviet, internet
Biển Việt Nam có rất nhiều đảo, trong đó có một hòn đảo thời xa xưa đã nằm trong “Con đường tơ lụa” trên biển Đông.

< Thôn Bãi Làng dưới chân núi hòn Lao.

Đó là Cù Lao Chàm - nơi đã được UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới", và là địa chỉ hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, lặn biển, ngắm san hô.

Nói đến Cù Lao Chàm (CLC) - thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, người dân địa phương có cách gọi tên từng hòn đảo bằng một câu ca truyền miệng như sau: "Ra Lao đốn Lụi thật Dài/ Chờ Mồ Khô Lá, xuống Tai chực Nờm".

< Du khách neo thuyền lặn biển ngắm san hô.

Như vậy CLC có các hòn sau: hòn Lao, hòn Lụi, hòn Dài, hòn Mồ, hòn Khô (hòn Khô mẹ, hòn Khô con), hòn Lá, hòn Tai, hòn Nờm. Trong các hòn đảo ở CLC, hòn Lao lớn nhất.

< Trùng cây noel.

Hòn Lao có Bãi Ông, Bãi Làng, Bãi Hương hiện nay có khoảng 3.000 người đang sinh sống với nghề đánh bắt hải sản, làm nông. Hòn Lao - hòn đảo có rừng nguyên sinh, có suối cùng những bãi biển đẹp, nước trong xanh…

Cách đây hơn 10 năm, do quản lý chưa chặt chẽ nên tài nguyên rừng cùng với tài nguyên biển CLC bị con người xâm hại trầm trọng. Còn nhớ, thời đó bất kỳ người nào từ đất liền ra đảo đều mang về rất nhiều san hô.

Có những nhành san hô đỏ, vàng chanh, cam, đen tuyền… rất đẹp. Bây giờ, chuyện đó không còn nữa, san hô ở đây được bảo vệ nghiêm ngặt. CLC hiện có 135 loài san hô trong đó có 6 loài lần đầu tiên ghi nhận ở vùng biển Việt Nam, 500 thảm rong và cỏ biển, 202 loài cá, 4 loài tôm hùm và 84 loài nhuyễn thể. Các rạn san hô ở khu vực biển CLC cũng được các nhà khoa học đánh giá cao và đưa vào danh sách bảo vệ. Tháng 10/2003, Khu Bảo tồn thiên nhiên CLC được thành lập, là một trong 15 Khu Bảo tồn biển của Việt Nam.

Những hòn đảo của CLC dốc đứng, bên dưới sóng biển mạnh mẽ tạo nên cảnh quan hùng vĩ. Những hang đá rộng thoáng như hang Tò Vò, hang Khô là nơi chim yến làm tổ trên những vách đá cheo leo.

Tổ yến sào là một món ăn quý, bổ dưỡng, hàng năm được khai thác và xuất khẩu cho nhiều nước đạt khoảng 4 tạ, với giá trị kim ngạch khoảng 2 triệu USD .

Quanh từng hòn đảo của CLC, nằm sâu độ 4 mét trở xuống là một kỳ quan tuyệt mỹ. Nếu biển không động, nắng rực rỡ, ngồi trên chiếc thuyền có đáy kính trong suốt, ta nhìn thấy san hô nhảy múa dưới nước.

Ai thích khám phá, sẽ được Ban Quản lý Bảo tồn biển trang bị đồ lặn và tận mắt nhìn qua khung ngắm của camera chống nước, ta thấy cả thế giới san hô kỳ ảo. Tô điểm là hải sâm, nhiều loại cá có  màu sắc  rực rỡ đang tìm thức ăn ký sinh ở những rạn san hô.

< Các loài sinh vật biển rất đẹp và quý hiếm có nhiều tại vùng biển Cù Lao Chàm.

Để cho những cư dân trên đảo, cũng như mọi người vào đến vùng biển này nâng cao ý thức và bảo vệ tiềm năng rừng và biển CLC, thành phố Hội An có chiến dịch truyền thông bằng nhiều cách. Đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân trên đảo ổn định được cuộc sống với nghề ngư nghiệp và nông nghiệp, dần chuyển hướng dịch vụ, du lịch…

Hiện nay, mỗi ngày tại đảo CLC đón hàng trăm lượt du khách đến với đảo tham quan, lặn biển.

Du lịch, GO! - Theo BAVN
Từ trung tâm thành phố Hồ Chí Minh đi về hướng Bắc chừng mười cây số là đến Khu du lịch Bình Quới 1 và Khu du lịch Bình Quới 2.

< Cảnh sông nước đặc trưng Nam Bộ ở Khu du lịch Bình Quới.

Đến đây, du khách sẽ được đắm mình trong một không gian đậm chất miền quê sông nước Nam Bộ với phong cảnh hữu tình và được thưởng thức những món ăn mang hương vị dân dã của người dân thời khai hoang mở ấp.

Khu du lịch Bình Quới 1 và Khu du lịch Bình Quới 2 cùng với Khu du lịch Tân Cảng, Văn Thánh và Tàu Nhà hàng Sài Gòn là 5 đơn vị của Làng Du lịch Bình Quới, thuộc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (SAIGONTOURIST).

< Những tán lá hoa súng xòe rộng khá lạ mắt trên mặt hồ.

Tạm rời xa nội đô thành phố Hồ Chí Minh ồn ào náo nhiệt, đến với Khu du lịch Bình Quới 1, du khách bỗng thấy lòng mình trở nên thanh thản lạ thường trong một vùng không gian thanh bình, trong lành và thoáng đãng bên bờ sông Sài Gòn lộng gió.

Bình Quới nổi tiếng với những thảm cỏ non xanh mượt mà, cùng bóng mát của những hàng dừa nước nghiêng mình bên dòng kênh Sở Nhật.

< Một đôi bạn trẻ chọn Khu du lịch Bình Quới để ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong ngày cưới.

Với những ai đi xa nay có dịp trở về, muốn tìm lại đôi chút bóng hình quê hương Nam Bộ xưa nay không còn nữa, thì Khu du lịch Bình Quới 1 chính là chốn để có thể thả hồn ôn lại kỉ niệm xưa.

Ở đó, người ta có thể tìm thấy hình ảnh những chiếc xe thổ mộ, con kênh xanh xanh, chiếc xuồng ba lá, cây cầu khỉ lắt lẻo gập ghềnh khó đi, ngôi chòi lá nằm ẩn mình giữa bụi dừa nước bát ngát xanh rì...

< Quán lá dân dã đậm chất Nam Bộ ở Khu du lịch Bình Quới.

Trong không gian ấy, chương trình “Ẩm thực khẩn hoang Nam bộ” được tổ chức ngoài trời với gần 80 món ăn dân dã đặc trưng của thời khai hoang mở đất cách đây mấy trăm năm trước, nay được sưu tầm và giới thiệu gần như nguyên bản tại Bình Quới, sẽ là một sự khám phá đầy thú vị và bất ngờ khó có thể bỏ qua.

< Các đầu bếp của Khu du lịch Bình Quới làm món bánh cóng nổi tiếng của Sóc Trăng.

Đã thành thông lệ, cứ khoảng tháng 8, tháng 9 hàng năm, Khu du lịch Bình Quới 1 lại cử người về các địa phương khảo sát, sưu tầm những món ăn truyền thống để mang về phục vụ thực khách.

Nhờ đó mà du khách có thể tìm thấy ở Bình Quới nhiều món ăn đặc trưng nổi tiếng vùng sông nước Nam Bộ như: cá lóc nướng trui, bún mắm Bạc Liêu, cháo cá lóc rau đắng, bánh canh cá rô đồng, gỏi đu đủ ba khía, cơm vắt mo cau – muối vừng…

< Du khách nước ngoài thưởng thức hương vị ẩm thực đất phương Nam ở Khu du lịch Bình Quới.

Khác với Bình Quới 1, Khu du lịch Bình Quới 2 nằm cách đó không xa lại hướng đến một phong cách hiện đại hơn, mang hơi thở của vùng biển nhiều hơn. Bình Quới 2 có nhà nghỉ, hồ bơi, sân tennis, ca múa nhạc dân tộc và chương trình ẩm thực “Món ngon miền biển” nhưng được chế biến theo phong cách dân dã giống như ở các làng chài ven biển miền Trung.

< Du khách tham quan Khu du lịch Bình Quới.

Để mở rộng hoạt động quảng bá ẩm thực Việt Nam, ngoài các món ăn Nam bộ sở trường, Bình Quới còn tổ chức thêm các chuyên đề ẩm thực món ăn ba miền Nam, Trung, Bắc như: “Ngày hội quê tôi”, “Hạt lúa quê tôi” để giới thiệu những nét tinh hoa của ẩm thực Việt Nam với du khách quốc tế.

Ông Chiêm Thành Long, Giám đốc Làng Du lịch Bình Quới, cho biết: “Chúng tôi xây dựng Bình Quới thành những điểm vui chơi, giải trí mang đậm tính văn hóa dân tộc và góp phần bảo tồn các giá trị ẩm thực truyền thống Việt Nam. Nhờ vậy, mỗi năm Bình Quới đón hàng triệu lượt du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng.

THÔNG TIN THAM KHẢO:

KHU DU LỊCH BÌNH QUỚI 1:
1147 Bình Quới, Phường 28, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (84.8) 3 5565891 - 3 8986696, Fax: (84.8) 3 8988917
Email: binhquoi1tourist@hcm.fpt.vn, www.binhquoiresort.com.vn
KHU DU LỊCH BÌNH QUỚI 2:
Đường Bình Quới, Phường 28, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (84.8) 3 5566020 – 3 5566021 - 3 5566057
Fax: (84.8) 3 5566058, Email: binhquoi2@vnn.vn
www.binhquoiresort.com.vn

Du lịch, GO! - Theo BAVN

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống