Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 16 September 2011

Lễ hội gội đầu là lễ hội của đồng bào vùng Thái trắng thuộc vùng sông nước các huyện Quỳnh Nhai, Phù Yên, xã Ngọc Chiến (huyện Mường La) tỉnh Sơn La và người Thái ở Mường Lay (tỉnh Điện Biên), Phong Thổ, Mường Tè (tỉnh Lai Châu).

Bà con ở bản Chẩu Quân, thị trấn Phiêng Lanh, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La vừa tổ chức phục dựng Lễ hội gội đầu tại bến Pá Uôn.

Lễ hội gội đầu mở đầu các lễ trong năm

Bà Lò Thị Tanh (68 tuổi) ở bản Chẩu Quân, thị trấn Phiêng Lanh cho biết: Lễ hội gội đầu trước đây diễn ra vào chiều 30 Tết âm lịch. Bà con các bản đua nhau đánh trống, chiêng, rồi hò reo đón năm mới.

Lễ hội còn tổ chức múa xoè, làm nghi lễ cúng thần sông, thần suối, kèm theo là tổ chức các trò chơi dân gian. Từ già trẻ, gái trai, mọi thành viên trong bản đều tham gia lễ hội gội đầu.  

Quan niệm của người Thái, lễ gội đầu là lễ quan trọng mở đầu của các lễ hội trong năm. Bước vào năm mới mọi người trong thôn bản đều phải gội đầu để rửa trôi những cái vất vả, bệnh tật, điều không may mắn của năm cũ, tống tiễn tai ương, nhọc nhằn, bệnh tật xuôi theo dòng nước (sông, suối) đi mãi không lặp lại, đồng thời cầu con người có sức khoẻ, năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt.

Theo lịch Thái Mường Chiên, hết chiều 30 Tết là sang ngày mới. Nó tựa như thời khắc giao thừa vậy. Mọi nhà làm những việc cúng dỗ tổ tiên, chuẩn bị đón tết, tắm gội để được mặc quần áo mới...

Trước đây, trong lễ hội gội đầu, đàn ông (chủ nhà)  mang súng kíp ra bờ sông bắn đón năm mới, nay không bắn súng mà được thay bằng thi bắn nỏ, đánh trống chiêng. Họ đem theo túi thổ cẩm nhỏ gọi là  “Thung Xanh” (túi đựng bùa hộ mệnh và vật thiêng-theo quan niệm của người Thái). Để bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, người Quỳnh Nhai vẫn tổ chức lễ hội Lung Ta (lễ hội gội đầu) rất bài bản vào chiều 30 Tết hàng năm.

Trước đây khi nước sông Đà chưa ngập thành hồ, ở huyện lỵ Quỳnh Nhai (cũ) có một khu rừng được người dân gọi là Đông Nàng Han, bên cạnh có ngôi miếu cổ thờ một vị nữ tướng có công dẹp giặc phương Bắc. Nó gắn với truyền thuyết Nàng Han (nữ anh hùng).

Lễ hội cầu sức khỏe, cầu may

Ngay từ sáng sớm, bên cây cầu Pá Uôn bắc qua sông Đà có trụ cao nhất Việt Nam, hàng ngàn bà con các xã vùng ven hồ thuộc huyện Quỳnh Nhai đã đến xem, cổ vũ.

Việc tổ chức phục dựng Lễ hội gội đầu là để đáp ứng mong muốn của người dân, đồng thời để bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hoá các dân tộc khi bà con phải rời quê đến nơi ở mới, nhường sông Đà để làm hồ thuỷ điện Sơn La.

Trong phần lễ, ông thầy mo hoặc ông trưởng họ thông báo với dân bản rằng: Năm mới sắp đến, bà con dân bản hãy xuống sông gội đầu. Theo đó, già trẻ, gái trai, là nam thanh nữ tú khiêng trống, chiêng vừa đi vừa khua đi trước, mọi người theo sau xuống bến.

Trong chậu nước gội đầu, người ta đun nước sôi (hoặc nước ấm) pha lẫn nước bồ kết, nước vắt từ vỏ cây xo xe (cây rừng), có cả những cánh hoa rừng, hoa đào, hoa mận để lấy hương thơm...Đàn ông thì khoác súng kíp, đeo túi thổ cẩm trong có đựng bảo bối gọi là “thung xanh”. “Bảo bối” thực ra chỉ là móng vuốt hổ, vuốt gấu, đoạn sừng tê giác, châu ngọc hoặc có thể chỉ là của hồi môn như nhẫn vàng, vòng bạc...

Ông thầy mo chủ trì với bài khấn, trong đó có đoạn kể về công lao của Nàng Han, một vị nữ tướng, con gái của một tộc trưởng đóng giả trai tập hợp binh mã, cầm quân đánh đuổi giặc ngoại xâm, đuổi đến tận bờ cõi Mường Xo (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu bây giờ) thì giặc tan. Dẹp xong giặc cũng là 30 Tết âm lịch. Buổi chiều ngày đó, Nàng Han ban lệnh cho quân sĩ nghỉ ngơi, tắm gội để ăn mừng chiến thắng và đón năm mới. Từ đó đến nay người Thái vùng sông nước Quỳnh Nhai, Phù Yên (Sơn La), Mường Lay, Mường Xo, Mường Tè (thuộc 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu) vẫn còn lưu lại phong tục này, đó là lễ Lung Ta (xuống bến nước làm lễ gội đầu).

Sau khi gội đầu xong, tất cả mọi người đều tham gia các hoạt động như ném còn, tó má lẹ, múa xoè cùng các trò chơi dân gian khác.

Mọi người từ bến về đến nhà bắt đầu chuẩn bị cúng giỗ tổ tiên. Đàn ông là người trụ cột trong gia đình mới bắt đầu được đến bàn thờ tổ tiên gọi là “nả hóng” để quét dọn sạch sẽ, thay bát hương, sắp xếp lại những thứ trên bàn thờ và cúng tổ tiên, đón năm mới tại gia đình.

Du lịch, GO! - Theo Bee.net

Độc đáo phong tục gội đầu của người phụ nữ Thái
Xanh thẫm - màu của núi rừng, vàng ruộm - màu của cánh đồng lúa chín, ghi nhạt - màu của khói sương bảng lảng... 

Mùa này Quản Bạ đang nhuộm đủ những sắc màu...
Một trong những cách thú vị để tiếp cận vùng đất này là bạn hãy rời Hà Giang từ sáng sớm, để có thời gian khám phá Quản Bạ đúng lúc mặt trời lên và sương chưa kịp tan hết khỏi các dãy núi. Một bức tranh thủy mặc, bồng bềnh, lãng mạn và rất phiêu du.

< Người Tày đi lấy củi về.

Đường từ Hà Giang lên Quản Bạ rất đẹp, lúc chạy song song dọc theo sông Nậm Điêng, lúc căng ngang giữa bản làng thung lũng, lúc thắt lại giữa hai bức tường đá cao sừng sững, lúc chênh vênh vắt vẻo lưng chừng trời.

Lần đầu lên Hà Giang, có lẽ du khách nào cũng bị ngợp bởi con đường chạy qua khu bảo tồn thiên nhiên Phong Quang và Bát Đại Sơn.

Có lần, khi chạy xe đến Minh Tân, nơi mà ngước mắt nhìn lên bạn sẽ thấy dòng chữ “Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn” nằm trên vách núi, tôi thật sự bị bất ngờ khi chứng kiến bản phối màu của núi rừng, nắng sớm và mây trắng.

Tinh khôi, trong trẻo, những ray nắng huyền bí xuyên qua tầng cây tạo nên một khung cảnh kỳ diệu. Hơi gió lạnh tỏa ra từ vách núi không làm cho tay ga chùn đi, ngược lại, như một chất xúc tác khiến người đi quên hết những muộn phiền âu lo, hoàn toàn thả hồn vào thiên nhiên tươi đẹp.

< Chợ phiên Quyết Tiến.

Tôi thường dừng xe trên đỉnh đèo Bắc Sum và nhìn ngược về phía Minh Tân. Con đường uốn lượn zíc zắc ở bên dưới kia, lẫn giữa mảng màu xanh thẫm của cỏ cây, những mái nhà nhấp nhô bé xíu và những đám sương trắng bồng bềnh. Chiếc xe chậm chạp leo dốc, vào cua khá gắt, đường vắng tanh không một bóng người, hãn hữu lắm mới gặp vài chiếc xe máy chạy ngược chiều.

Chợ phiên Quyết Tiến cách trung tâm huyện Quản Bạ khoảng 7km về phía Hà Giang, là chợ phiên miền núi đầu tiên tôi ghé qua trong chuỗi hành trình lang bạt. Chợ họp vào sáng thứ bảy hằng tuần, trước đây họp dưới chân núi, gần sát đường lộ, mang dáng vẻ rất tự nhiên và mộc mạc.

Sau này khi cuộc sống khá giả hơn, chợ đã được xây dựng thành các dãy nhà, có phân loại hàng hóa và có tường bao làm giảm đi vẻ hoang sơ ban đầu, nhưng vẫn là một nơi đầy màu sắc bởi sự góp mặt của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Bố Y. Người mang gà, kẻ dắt lợn, phụ nữ thì gùi quẩy tấu đầy ắp rau cải mèo. Đến cuối phiên chợ thế nào cũng thấy đàn ông ngất ngưởng say, có khi ngủ gục dọc đường về.

< Đường lên Quản Bạ.

Còn cách thị trấn Tam Sơn khoảng 3km đường, chúng tôi ghé thăm cổng trời Quản Bạ. Trời mù mịt hơi sương, từ trên vọng cảnh đài cao tới hơn 1.500m nhìn xuống chỉ thấy thấp thoáng những mái nhà và ngọn Núi Đôi danh tiếng khi mờ khi tỏ. Có lúc gió cuốn mây mù đi để lộ ra con đường cong cong đi giữa hai sườn núi, một nhóm người Tày địu củi trĩu vai ở trong rừng bước ra, bước chân vội vàng, hối hả, chẳng mấy chốc lại khuất dạng sau đám cây rừng.

Lên xe chạy thêm khoảng 500m là đến một “vọng cảnh đài” lộ thiên ngay trên quốc lộ 4C, nơi có thể dừng chân để ngắm nhìn thị trấn Tam Sơn thỏa thích và đầy mãn nguyện. Những ruộng lúa chín vàng ruộm bừng lên khi mặt trời vén mây nhìn xuống. Một góc thị trấn sôi động và sầm uất với những mái nhà nâu, đỏ.

< Núi Đôi Quản Bạ.

Núi Đôi hay còn gọi là núi Cô Tiên tựa như đôi gò bồng đảo của người thiếu nữ xanh một màu ngà ngọc. Người lãng khách ngẩn lòng, có thể nào không phải lòng một Quản Bạ khoáng đạt và sắc màu như thế này không?

Bản Nà Khoang nằm ở trung tâm thung lũng Quản Bạ, là bản sinh sống của người Tày. Tôi lang thang dọc theo con đường đã được bêtông hóa, ngó nghiêng từ nhà này sang nhà khác, vắng vẻ vì mọi người đều đi nương hay ra đồng cả, trẻ con rụt rè ngó ra từ sau ô cửa sẫm màu.

< Toàn cảnh thị trấn Tam Sơn.

Đêm Tam Sơn. Ly rượu ngô Thanh Vân uống vào chỉ làm mềm môi, hồng má. Lạnh và cô độc. Tôi cuộn mình trong chăn ấm, lơ mơ với “Ngải đắng mọc trên núi” của Đỗ Bích Thủy, nhớ lại quãng đường dài sũng nước và bồng bênh mây trời vừa đi qua sáng nay.

Ngày tôi rời Tam Sơn, chiếc chày đập lúa từ đáy thung lũng vang lên mơ hồ da diết, nhắc tôi sẽ phải quay lại nơi này, cho dù em đã không còn đứng trên vọng cảnh đài đợi tôi…

**Quản Bạ là huyện biên giới phía bắc của tỉnh Hà Giang, là cửa ngõ vào cao nguyên đá Đồng Văn - địa đầu Tổ quốc. Trung tâm của huyện là thị trấn Tam Sơn, nằm cách thành phố Hà Giang gần 50km đường quanh co đèo núi. Độ cao trung bình 1.000-1.600m, địa hình khá dốc, thung lũng và sông núi bị chia cắt nhiều nên cảnh sắc thiên nhiên rất nên thơ, hùng vĩ.

Du lịch, GO! - Theo Dulich Tuoitre

Thursday, 15 September 2011

Giữa sắc trời xanh ngắt của đại ngàn, trong tiếng réo sôi của miên man ghềnh thác, con thuyền vẫn lướt đi nhẹ nhàng như một cánh hoa ai thả trên sông.
... Đó là hình ảnh nên thơ nhưng cũng đầy huyền bí của con thuyền độc mộc trên những dòng sông Tây Nguyên...

Đẽo thuyền là một công việc nguy hiểm. Có lẽ vì vậy mà trong mỗi con thuyền đều chất nặng tâm linh… Khi người thợ đẽo thuyền đang ở rừng, người vợ ở nhà phải kiêng các việc bổ củi, cuốc đất; không được tắm rửa, gội đầu và nhất là không được làm rượu cúng Yàng...

Với những người thợ, khi chọn được cây gỗ ưng ý và hạ nó xuống phải cúng Yàng lần 1. Khi con thuyền đã hoàn thành và hạ thủy an toàn thì cúng Yàng lần 2 để tạ ơn. Lễ vật cho mỗi lễ cúng đơn giản cũng phải con gà, ghè rượu...

Làm thuyền, người thợ chỉ được sử dụng một chiếc rìu duy nhất. Gỗ dùng làm thuyền được chọn là cây sao xanh, có đường kính từ một người ôm trở lên; dài từ 5-6m, không chà ngạnh. Hạ được cây xuống rồi, người ta tiến hành đẽo thuyền ngay tại rừng, vừa đẽo vừa đốt lửa hong. Một con thuyền cỡ trung bình, người thợ phải ở rừng tối thiểu là nửa tháng.

Việc khó nhất của họ là phải làm sao cho con thuyền khi xuống nước nổi đều (không được phép sửa chữa khi đã hạ thủy).

Để được như vậy, người thợ làm thuyền có một cách khá là huyền bí: Họ lật úp thuyền xuống, đặt một quả trứng gà theo chiều đứng vào chính giữa lưng thuyền. Nếu quả trứng không đổ thì chiếc thuyền khi xuống nước sẽ không nghiêng lệch...

Mỗi chiếc thuyền hạ thủy là một ngày hội đối với mỗi làng. Người có gà góp gà, người có rượu góp rượu cùng với gia chủ hình thành một bữa tiệc cộng đồng. Cùng với những lời chúc tụng, người thợ làm thuyền sẽ được gia chủ mời rượu trước tất cả mọi người như một phần thưởng và sự tôn vinh tài năng...
Ông Pêng – một thợ nổi tiếng kể rằng xưa kia các làng dọc sông Pô Kô ai cũng có thuyền. Con thuyền độc mộc gắn với mỗi bước chân lên rẫy, với mỗi niềm vui, nỗi buồn trên sông.

Nhưng rồi theo thời gian rừng càng ngày càng lùi xa, gỗ lớn làm thuyền hiếm dần. Đặc biệt là sự xuất hiện của những chiếc xe máy đã khiến niềm vui sông nước nguội cạn. Người ta đua nhau bán thuyền. Mỗi con thuyền còn sử dụng được trên chục năm chỉ có giá 500.000 đến 1 triệu đồng tùy lớn nhỏ. Làng Nú của ông Pênh cách đây dăm năm nhiều thuyền là thế, nay chỉ còn vỏn vẹn 4 cái. Vẫn biết là không thể khác mà ông Pêng vẫn thấy buồn...

Du lịch,GO! - Theo Danviet, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống