Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 16 September 2011

Thú vị nhất là trải nghiệm cảm giác hòa mình cùng thiên nhiên, núi rừng trên những cung đường off - road. Và ở đó, chúng ta sẽ gặp những người dân bản địa với những bản sắc riêng. Để ý một chút, chúng ta sẽ có những cuộc gặp mặt đầy thú vị.

Thứ nhất, về tên gọi và một số thuật ngữ thường dùng trong công tác dân tộc:

Trong thực tế còn gặp một số người khi viết, khi nói xác định tên dân tộc lại dùng tên do các dân tộc tự gọi, tên theo nhóm địa phương, hoặc tên gọi khác. Ví dụ: dân tộc Hoa gọi là dân tộc Xạ Phang, dân tộc Hán... dân tộc Chứt gọi là dân tộc Rục, dân tộc Mã Liềng, dân tộc Sách; dân tộc Dao gọi là dân tộc Mán; dân tộc Khơ Mú gọi là dân tộc Xá, dân tộc Chăm gọi là dân tộc Chàm... Trong công tác dân tộc gọi theo danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam do nhà nước ban hành là đúng hơn cả.

Thứ hai, một số việc cụ thể cần lưu ý:

Khi vào làng, vào bản, vào nhà dân nếu trên đường vào ở cổng bản hay cổng nhà thấy có cắm lá xanh hoặc cọc dấu thì không nên vào vì dân bản hoặc chủ nhà đang kiêng người lạ.

Khi đã đến với dân bản thì không được tự ý vào khu rừng kiêng, rừng cấm, không làm mất vệ sinh nguồn nước sinh hoạt, không chặt cây khi thấy cây có dành dấu (X), không lấy măng, mộc nhĩ, lấy mật ong... khi đã có người đánh dấu, không bẻ mầm non đang mọc.

Khi vào nhà dân, nếu thấy dân ở nhà sàn mà nhà lại có hai cầu thang thì cần quan sát xem đi cầu thang nào; nếu đi cùng chủ nhà hoặc có cán bộ cơ sở đi cùng thì nên để cho chủ nhà hoặc cán bộ cơ sở lên trước (thông thường nhìn từ ngoài vào, cầu thang phía bên tay trái dành cho đàn ông và khách, cầu thang bên tay phải dành cho phụ nữ).

Khi đã vào trong nhà nếu thấy trong nhà có hai bếp thì không nên đi thẳng một mạch từ đầu nhà vào bếp trong (bố trí 2 bếp, bếp ngoài đồng bào dành cho khách). Khi ngồi cạnh bếp lửa không dùng chân đẩy củi, không đút ngược cây củi vào bếp (ngược ở đây được hiểu là đút chiều ngọn của cây củi vào trước) vì đồng bào quan niệm làm như thế trong nhà sẽ có người đẻ ngược.

Không nướng cơm đồ (xôi) vì nếu cơm đã đồ mà đem nướng đồng bào cho rằng năm đó sẽ xảy ra mất mùa. Khi ngồi cần chú ý không ngồi vào “cửa móng” (cửa sổ gian tiếp khách), nếu chủ nhà chưa mời không nên ngồi ngay vào đệm (thường dành cho bề trên và khách quý).

Khi ăn cơm nếu chủ nhà không mời thì không được ngồi ngang hàng với người già nhất trong mâm đồng thời tôn trọng sự sắp đặt vị trí ngồi của chủ nhà; không được gắp đầu gà, chân gà, gan gà (những thứ này thường để chung một đĩa với dụng ý để khách chứng giám lòng thành của chủ).

Khi uống rượu nếu thấy trong mâm có 2 ly rượu (cốc, chén) để giữa chủ nhà và khách hoặc giữa chủ nhà và người già nhất thì không được uống 2 ly rượu này (đồng bào quan niệm đây là 2 ly rượu dâng lên tổ tiên). Khi có người mời, hoặc mời mọi người xung quanh mới uống, không nên cầm ly uống ngay. Đặc biệt để tỏ lòng mến khách những người trong mâm rượu dùng rất nhiều “lý” để chúc rượu nhau (chúc chung cả mâm, chúc riêng từng người, ly rượu làm quen, chúc sức khỏe...) trong trường hợp ấy không nên từ chối (uống được bao nhiêu do khả năng của mình) và nên chủ động chúc rượu lại chủ nhà và những người trong mâm rượu.

Ngoài ra khi mời rượu không nên dùng từ “uống hết” mà chỉ nêndùng từ “uống cạn” (đồng bào quan niệm nếu dùng từ “uống hết” nghĩa là chủ và khách không còn tình cảm gì, không còn gì để uống), trong khi ăn uống không nên vừa ăn vừa nói quá to.

Khi đi ngủ không nằm ngủ dọc theo đòn nóc nhà (chỉ người chết mới nằm như vậy), không ngủ dậy quá muộn, không đắp ngược chăn.

Tiếp xúc với dân bản không nói quá to với cử chỉ gay gắt, đặc biệt không dùng ngón tay trỏ của mình chỉ vào mặt người đang đối thoại. Không tranh cãi với người già, phụ nữ và trẻ em, không xoa đầu trẻ nhỏ, không nên biểu lộ tình cảm thái quá đối với phụ nữ đã có chồng, con gái đã có người yêu, phụ nữ goá chồng.

Khi nói chuyện với bà con dân bản cần tránh dùng từ kiêng, từ có tính miệt thị dân tộc như: gọi người đàn ông có tuổi là “bố bản”, dùng từ “xá” (có nghĩa là rách rưới) chỉ dân tộc Khơ Mú, “Thổ mừ” chỉ dân tộc Thổ... hoặc có khi nói những từ chung chung như “ông Mông”, “ông Thái”, “ông Dao”...

Ngoài ra một số dân tộc thiểu số có những điều “kiêng”, “cấm” trong các nghi lễ như chọn đất làm nương rẫy, chọn ngày dựng nhà, chọn ngày cưới hỏi vợ, chồng; kiêng cữ khi phụ nữ mới sinh. Những nghi lễ khi trong nhà có người chết; những nghi lễ trong việc cúng bản, cúng mường; gặp những trường hợp này tốt nhất là chúng ta lắng nghe, quan sát không nên vội vàng phê phán chê bai như: mất vệ sinh, lạc hậu, tốn kém; mê tín dị đoan…

Với những bản sắc riêng của từng dân tộc, chỉ cần chịu khó để ý sẽ góp phần làm hành trình của bạn được suôn sẻ hơn.

Du lịch, GO! - Theo Đỗ Trọng Cố, OffroadVN

Một số điều lưu ý khi vào thăm bản dân tộc.
Tây Khuyết Đài là đài canh gác của Hoàng thành, được xây dựng đầu thế kỷ 19, nằm giữa thành phía Tây Đại nội.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ông Phùng Phu cho biết, công trình bảo tồn, phục hồi Tây Khuyết Đài thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế vừa được khởi công xây dựng.

Trước đó, cuộc thăm dò khảo cổ di tích đài Tây khuyết từ giữa năm 2010 đã đạt được những kết quả như xuất lộ nền móng kiến trúc chính hình vuông mỗi cạnh dài gần 13m kèm theo một số chân tảng (móng trụ công trình) bên trong; cạnh đó là phần nền móng của một số kiến trúc, bệ súng đại bác, hệ thống thoát nước...

Dự án sẽ dựng lại kiến trúc chính với một ngôi nhà rường truyền thống hình vuông, kèm theo một số hạng mục công trình và các yếu tố tạo cảnh quan liên quan, nhằm đưa khu vực đài Tây khuyết trở thành điểm ngắm cảnh hoàng thành lẫn kinh thành, đồng thời là nơi trưng bày, triển lãm các chuyên đề liên quan đến di tích Huế.

Đài Tây khuyết cao 4,24m, rộng gần 1.600m², nằm giữa bức thành phía tây của hoàng thành Huế với chức năng là đài canh gác. Đài được xây dựng vào đầu thế kỷ 19 dưới thời Gia Long. Những kiến trúc này bị tàn phá do chiến tranh và tàn lụi theo thời gian từ giữa thế kỷ 20 nay sẽ được phục dựng lại. Công trình do Phân viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền Trung thi công, với tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ đồng.

Đây là Di tích văn hóa Quốc gia đặc biệt và là công trình nằm trong tổng thể Kinh thành Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới.

Công trình bao gồm việc phục hồi Nhà canh 114,5m²; tu bổ, phục hồi tường thành lan can bằng gạch vồ, vữa bả màu truyền thống; tôn tạo sân vườn lát gạch Bát Tràng và hạ tầng kỹ thuật.
Sau khi hoàn thành, công trình Tây Khuyết Đài sẽ góp phần trả lại diện mạo kiến trúc Hoàng thành, hứa hẹn sẽ cùng Đông, Nam và Bắc Khuyết Đài là những điểm nhìn lý tưởng ở Đại nội Huế.

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cho ý kiến về việc thỏa thuận Báo cáo Kinh tế kỹ thuật bảo tồn, phục hồi Tây Khuyết Đài (Đại Nội Huế) và lưu ý các cấu kiện kiến trúc đã thu thập được với số lượng nhiều và còn ở tình trạng kỹ thuật tốt (như chân tảng, gạch gốm trang trí...) cần được thống kê phân loại để nghiên cứu tái định vị; đồng thời làm rõ khối xây tường thành gốc được gia cường với khối xây phục hồi mới.

Trung tâm cần tiếp tục sưu tầm các tài liệu lịch sử có liên quan để hoàn thiện thiết kế và triển khai các bước tiếp theo của việc bảo tồn, phục hồi Tây Khuyết Đài...

Du lịch, GO! - Tổng hợp
Du lịch là nhu cầu không thể thiếu của con người, tuy nhiên không phải ai cũng có đủ điều kiện kinh tế hay thích đặt những tour ở những công ty du lịch để đi thăm thú đây đó.

Sự phát triển của internet khiến người ta dễ dàng tìm đến với những người cùng sở thích hơn, và trong đó những người yêu thích du lịch bụi tập hợp nhau lại ở một số diễn đàn trên mạng mà lớn nhất là Box du lịch của diễn đàn Trái Tim Việt Nam để cùng nhau chia sẻ sở thích và cùng tổ chức những chuyến phượt (du lịch bụi) một cách rẻ nhất nhưng lại tuyệt vời nhất, khi tự mình đặt chân lên nhưng nơi tuyệt đẹp để thoả mãn những góc nhìn, để hưỏng thụ sự bao la của đất trời.

Được một người bạn giới thiệu, tôi được tham gia vào một chuyến du lịch bụi do một nhóm tự đặt tên là Nhà ViVu tổ chức. Háo hức tham gia buổi offline lên kế hoạch, tất cả đều là những ngưòi trẻ tuổi có công việc khác nhau nhưng cùng một sở thích du lịch.

Một anh làm bên UB Thể dục thể thao được phân công làm trưởng nhóm, một người vô cùng chu đáo và nhiệt tình. Hướng dẫn cho tất cả thành viên về quy tắc an toàn, đồ đạc cần thiết, lịch trình và bản đồ một cách tỉ mỉ.

Chuyến đi được thực hiện bằng xe máy có hai người chở nhau, người chạy xe gọi vui vẻ là xế người ngồi sau, thường là con gái, gọi là ôm. Là ngưòi lần đầu tiên đi, tôi được phân công,nói đúng hơn là tranh đi cùng một người lần đầu tiên khác là Hằng mà tôi vẫn gọi là "ôm của tôi".

Anh Ngọc, người rủ tôi đi, hướng dẫn tôi những đồ đạc, trang phục mang theo, mấy bộ quần áo, một chiếc áo khoác mỏng, tốt nhất là nên đi giày thể thao vì sẽ lạnh, đèn pin, đoàn đã chuẩn bị đồ sửa xe và túi y tế mang theo. Và quan trọng không thể thiếu trong chuyến đi bằng xe máy đó là mũ bảo hiểm cho cả hai người.

Chuyến đi có chủ trương không mở rộng, nhưng cuối cùng đoàn vẫn khá đông, chắc vì sức hấp dẫn của chuyến du lịch bụi, lên tới 24 người đi trên 12 xe, những thành viên bận việc không đi được, tiếc hùi hụi cũng ra tiễn, nói chuyện vui đùa trước khi tất cả lên đường.

Chuyến đi có lịch trình cực ngắn trong chưa đầy 3 ngày nhưng qua được rất nhiều nơi, trên một quãng đường mà khi về nhìn đồng hồ chúng tôi đã lướt qua 890km.

Ngày thứ nhất

Chiều thứ 6 xuất phát, đêm chủ nhật về tới HN, lướt qua 890 km miền núi tây bắc tổ quốc. Từ Hà Nội qua Sơn Tây, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Rồi Sapa. Phố Ràng, Đoan Hùng, Việt Trì, Vĩnh Yên, Hà Nội.

19h đoàn mới xong công tác chuẩn bị đồ đạc ăn nhẹ, phát lịch trình, bản đồ và bắt đầu lên đường. Đường Láng Hoà Lạc đang làm hơi bụi nhưng tốc độ xe vẫn ổn định được trung bình 70km/h, đến Sơn Tây thì trăng bắt đầu lên, trăng tháng mười vẫn sáng vằng vặc soi xuống con đường thành một vệt trắng trên cái nền lấp lánh của nước. Những chiếc xe chỉ thấy những chấm đỏ lướt mải miết trong con đường ướt ánh trăng, dưới trời sao trong vắt. Hằng cũng lần đầu tiên đi du lịch bụi kiểu này, chẳng tỏ vẻ mệt mỏi mà thích thú nhìn ánh trăng lướt qua nhưng tán lá vùng thôn quê vảng vất mùi lúa nếp và khói rơm.

Dừng lại nghỉ ngơi ở một ngã ba vắng lặng khoảng 22h, lúc này trăng đã lên cao nhưng cũng chỉ đủ mờ ảo để nhìn thấy những bóng người.

Xe chạy qua con đường ngoằn nghoèo của tình Phú Thọ ven sông Hồng, dòng song dát bạc dưới trăng khuya và những bóng cây mờ. Thị Trấn Sống Thao hiện ra trước mắt. Gió từ sông thổi nhè nhẹ mang theo hơi lạnh và mùi thôn quê.
23h30 dừng chân bên cột mốc Thành phố Yên Bái. Ăn vội chút gì đó rồi tiếp tục lên đường.

Đoàn xe dần bị tách nhau khi leo lên con đèo mù sương. Sương dày đặc có khi mười mét không nhìn thấy phía trước. Đèo Ắch, để lên Văn Chấn. Ôm của mình, một người lạ, nép sát vào để tránh cái lạnh tạt vào người từ hơi núi. Dừng xe khoác thêm cái sơ mi mỏng vào để thêm ấm, sương len qua lá tre đổ xuống ven đường. Phía trước không thấy ánh đèn, phía sau hun hút ánh đèn phanh đổ xuống đường đỏ le lói. Bắt đầu kể những câu chuyện ma, cảm giác lạnh toả từ trong ra. Chiếc xe ì ạch, gào thét cật lực để leo lên những con dốc dài của núi rừng Yên Bái, tự nhiên nhớ tới lời thơ Quang Dũng trong bài Tây Tiến, “Dốc Lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”. Nhưng hoá ra chưa ăn thua so với quãng đường đêm hôm sau.

Dừng chân ở một khoảng trống mù sương ở Bản Hốc, chỉ thấy một mầu trắng mờ và hơi lạnh bốc lên từ lòng suối, hoặc một cái gì đó không nhìn rõ. Bước chân vào một nhà sàn cách suối hơn trăm mét, ai cũng đã mệt mỏi và buồn ngủ với 5h ngồi trên xe máy. Trải đệm cỏ ra sàn và lăn ra, ai cũng chìm nhanh vào giấc ngủ, vẫn còn kịp hỏi xem ôm của mình có ổn không. Bắt đầu có tiếng ngáy. Đã gần 3h sáng. 5h tỉnh dậy vì tiếng chuông điện thoại rồi chập chờn đến sáng. Mắt nhắm mắt mở nhìn ra cửa nhà sàn, bước ra hít thở không khí mát lành của buổi sớm miền núi. Hơi lạnh bốc lên từ lòng suối và sau núi thành những dải trắng mờ để ánh nắng xuyên qua.

Ngày thứ hai

Đoàn sửa soạn rửa ráy từ cái giếng nhỏ, cái giếng mà người chủ nhà bảo là đã được chụp hàng ngàn cái ảnh, đoàn lên xe ra khỏi bản Hốc vào Văn Chấn rửa xe và ăn sáng, rồi tiếp tục lao lên con đường núi đến suối Giàng thăm những cây chè tuyết cổ thụ. Chiếc xe 110cc gống mình tải một trọng lượng hơn 150 kg lên núi, vào số 2 xe chỉ ì ạch leo chầm chậm, đường vắng, nắng sớm xuyên qua khe núi trải xuống những thung lũng phía dưới, đoàn dừng chân đôi chô, rút máy ảnh ra chụp. Nông trường chè với những cây chè nghe nói có tuổi tới cả trăm năm, xe leo lên con dốc đất đỏ, lổn nhổn sỏi đá nhưng nhầm đường, lại đi xuống nông trường, đứng gần những cây chè cổ thụ, hái những chiếc lá non cho vào miệng nhấm nháp, để tận hưởng hương vị trà tươi.

Quay lại Văn Chấn, cách thị trấn hơn 1 km thì xe tôi bị hỏng săm, rất nhanh anh trưởng đoàn cùng tên với tôi rút bộ đồ sửa xe ra, hì hụi, anh Kiên làm một cái gì đó về thể thao, tôi cũng chẳng kịp hỏi rõ, vá tạm chiếc săm nát bươm vì đường núi do đồ dự phòng mang theo không có cỡ, những người khác trong đoàn đã đi trước, chúng tôi tạt vào một trạm sửa xe thay săm và kiểm tra lại xe cộ trước khi lên đường lên Nghĩa Lộ, đường lên khá tốt, tốp đi trước cắt một xe lại đợi chúng tôi ở cột mốc Nghĩa Lộ 0km, nghỉ 5 phút để chụp những bức ảnh vui vẻ bên cột cây số. Chúng tôi thẳng tiến Tú Lệ với bữa trưa là xôi nếp nương Tú Lệ nổi danh đang chờ phía trước. Ăn bữa trưa đã quá 14h, kiểm tra lại xe, thay dầu, chỉnh lại phanh, đoàn tiếp tục lên đường đi Mù Căng Chải, đây hứa hẹn sẽ là cung đường đẹp nhất trong chuyến hành trình. Ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc hiện ra trước mắt.

Tầng tầng lớp lớp, lúa đã chín vàng trên những triền đồi, suối nước từ trong núi chảy xuống, hấp thụ khí núi lạnh buốt. Qua nhưng cua lên núi vất vả, đỉnh đèo Khau Phạ nhìn xuống ruộng lúa Tú Lệ, nắng đẹp mê hồn. Dân chụp ảnh cho đây là điểm đẹp nhất trong con đường này. Trên đường đi, chúng tôi gặp nhiều đồng bào dân tộc gùi hàng, củi trên đường núi cheo leo này, nhưng đứa trẻ thò lò mũi đi vác củi đùa nhau ở rãnh thoát nước ven đường, và đặc biệt là hình ảnh một người phụ nữ Mông với gương mặt nhẫn nại đang ngồi im lìm đợi chồng trong cơn say trên đỉnh đèo.

Mù Căng Chải hiện ra trước mắt, đón chào chúng tôi ờ đầu thị trấn là một đàn chó của người dân chực đuổi theo cắn những chiếc xe đi ngang qua, đổ xăng và nghỉ ngơi chỉ 30 phút chúng tôi lên đường đi Than Uyên để thẳng tiến Sapa trong đêm. Trời đã về chiều con đường cũng lạnh dần, mọi người bắt đầu thay những tấm áo khoác mỏng.

Đường từ Mù Cang Chải lên Than Uyên Khá tốt, đoàn giữ được tốc độ ổn định trên những con đường núi quanh co, vắng lặng. Mọi chuyện tốt đẹp khi chúng tôi vừa chạm vào Thị trấn thì gặp sự cố, con đường đang đẹp thì bị đổ đầy đất và sỏi dăm, bụi tung mù mịt khiến người dân phải tưới nước để chống bụi, vô tình tạo ra một cái bẫy nguy hiểm, 2 xe trong đoàn chúng tôi bị ngã nhẹ, hỏng hóc không nặng nhưng làm tốp sau đi chậm mất hơn 1h đồng hồ.

Gần tới đèo Sapa thì gặp được nhóm đi trước phải dừng lại đợi vì một xe bị hỏng lốp, tranh thủ chờ sửa xe để nghỉ ngơi, gần 22h đêm đoàn vượt đoạn đường còn lại để lên Sapa, lúc này trăng đã lên trên đỉnh đèo. Tôi lại thích thú vì nghĩ lại được đi trong một đêm trăng với cảm giác trong lành của núi rừng. Bắt đầu khởi hành, theo cảnh báo từ một số người có kinh nghiệm, một số xe đã mặc thêm tấm áo mưa để tránh sương lạnh trên đường.

Với người lần đầu chạy mô tô lên núi như tôi thì những khúc cua của đèo Sapa, nói theo cách của một anh trong đoàn, là thật trứ danh. Gần 20km cua lên dốc liên tục, chiếc xe của tôi chỉ chạy được với vận tốc tối đa 40km/h một cách ì ạch. Khúc xuống đèo gặp đường sạt đang phải sửa cộng với ô tô tải chạy lên ngược chiều, sẽ nguy hiểm với những tay lái yếu. Hơi núi buốt lạnh toả ra, cộng với sương xuống làm tay chân bắt đầu cảm thấy giá lạnh! Cái lạnh khác với mùa đông Hà Nội vốn rất quen thuộc với chúng tôi. Tận 23h chúng tối đặt chân vào cửa ngõ Sapa. Rẽ vào làng nướng ăn nhẹ cách món đặc trưng của Sapa rồi về khách sạn tắm rửa nghỉ ngơi, tất cả nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.

Ngày thứ ba

Bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại, choàng tỉnh bước ra ban công khách sạn nhìn những dãy núi mờ phủ sương của khu du lịch nổi tiếng sapa. Mọi người chưa dậy hết. Tôi cùng anh trưởng đoàn đi mua thêm một chút đồ y tế bố xung cho đoàn, tiện thể rẽ qua mua một số đồ thổ cẩm của người Mông. Nếu theo mức mua sắm ở Hà Nội thì đồ Sapa không hề quá đắt, một chiếc áo gai khá đẹp chỉ trên 100nghìn, một chiếc mũ may từ cổ áo hoa văn tinh xảo của người Mông hơn 20 nghìn. Tuy nhiên do thương mại hoá quá nhiều, đến nỗi mỗi trẻ em dân tộc ở đây đều trở thành người mẫu ảnh, tức là muốn chụp ảnh họ thì phải trả tiền.

Cả đoàn tản ra chụp ảnh quanh Thị trấn và hẹn nhau đi ăn sáng. Tôi cũng chụp được khá nhiều ảnh của người Mông và người Dao mà không phải trả tiền, họ cũng rất nhiệt tình tạo dáng, bằng cách là rẽ vào chọn mua cho họ một cái gì đó nho nhỏ.

Tạm biệt Sapa, 10h30 cả đoàn lên đường xuống thành phố Lào Cai, cung đường xuống dốc liên tục trong 25km nhưng đường khá đẹp, chúng tôi giữ được tốc độ an toàn và vừa đủ để đi xuống Lào Cai vào khoảng 11h30. Đoàn tách thành 2 tốp nhỏ để đi nhanh hơn, tuy nhiên do đường phải sửa, tất cả lại gặp nhau ở Phố Lu rồi cũng đi về Phố Ràng, con đường rất nhiều xe tải và ổ gà, tới tận 13h chúng tôi mới xuống được phố Ràng, rẽ vào hàng cơm ăn trưa.

Nghỉ ngơi cho lại sức, 14h30 chúng tôi đi vào con đường 70 mà một người trong đoàn gọi là đường 70 huyền thoại, vì quá nhiều cua nguy hiểm, không phải vì độ gấp hay dốc mà là ở ổ gà, cứ vài trăm mét lại có ổ gà hoặc đường hỏng, quãng đường chỉ hơn trăm cây để về tới Đoan Hùng như xa hun hút, nhiều lúc cũng nản, đường xóc đến nỗi người ngồi sau tôi rơi mất chiếc điện thoại lúc nào mà không hay. Trưởng đoàn gặp sự cố khi tránh tôi và tránh một con trâu bất ngờ băng qua đường, xe bị hỏng nhẹ.

Về tới Đoan Hùng định dừng xe mua bưởi, nhưng cảm giác mệt mỏi trào lên, khiến tôi chẳng con hứng thú để vác về nữa. Hằng cũng bắt đầu thắm mệt và gục vào vai tôi, chẳng còn mấy thiết tha ngắm nghía rừng cọ Phú Thọ nữa. Nhìn thấy Thành phố Việt Trì trước mắt, cảm giác thật nhẹ nhõm vì từ đây sẽ là đường đẹp, về Hà Nội nhanh hơn, nhưng vừa qua Vĩnh Yên thì chúng tôi gặp một con đường đang sửa, bụi tung mù mịt, rẽ tắt đường qua Chèm để về cao tốc Thăng Long. Đặt chân lên cầu Thăng Long đã gần 0h. Tôi đưa Hằng về thẳng nhà và cũng về nhà luôn, nhanh chóng chìm vào giấc ngủ để sáng mai đi làm khoe với cả phòng về chuyến đi tuyệt với của mình.

Kienma

Du lịch, GO! - Theo báo TTVH

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống