Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 17 September 2011

Từ thị xã Tân Châu đi theo hướng Vĩnh Xương, đến cầu An Lôi Thôi thì rẽ trái chừng khoảng 10 cây số đến ngọn núi này. Dọc hai bên đường là những ngôi nhà cao cẳng kiểu “sống chung với lũ”. 

< Chùa Phù Sơn cổ kính trên đỉnh núi Nổi.

Thời gian gần đây, đê bao đã khép kín, lũ không còn chụp vào những ngôi nhà nữa nhưng người dân địa phương vẫn chuộng loại nhà này. Dù cất mới hay sửa chữa, họ vẫn giữ lại kiến trúc cũ. Đó là những ngôi nhà gỗ cất trên những cây trụ khoảng 8 tấc đến 2 mét. Nhà kiểu ba gian, hai chái, mái lợp ngói đỏ, sàn và vách gỗ. Kiểu nhà sàn này rất mát mẻ. Bên trên là chỗ ở. Phần dưới sàn dùng làm nơi chứa nông cụ, vật tư nông nghiệp...

Suốt đoạn đường đến núi Nổi, nhà cửa nằm sát nhau như phố. Đang mùa gặt hái, ai nấy tất bật với việc đồng áng. Thời điểm này khá thuận tiện để khách trải nghiệm cuộc sống, thưởng thức và tìm hiểu việc nhà nông.

Địa phương này dù rất phát triển về cơ giới hóa nông nghiệp nhưng nhiều nông dân vẫn sử dụng sức trâu để cày bừa và vận chuyển lúa từ đồng về nhà. Trên đường đi, thỉnh thoảng du khách bắt gặp những chiếc xe trâu kéo nặng nề, trên xe chất đầy những bao lúa. Đường dẫn vào núi Nổi là một con đường mới đắp rộng khoảng 5m, cao hơn mặt ruộng. Hết con đường này là núi.

Núi Nổi nằm ở xã Tân Thạnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, cách thị xã Tân Châu khoảng 9km. Núi có chu vi khoảng 320m, nằm giữa cánh đồng rộng mênh mông, vào mùa nước lũ, ngọn núi như bồng bềnh trên mặt nước. Khu vực ven chân núi có độ dốc trung bình từ 10 - 120 m, vì vậy không bị ảnh hưởng của mưa lũ. Lớp đất mặt là cát pha sét, có cường độ chịu lực cao, thuận lợi cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Cảnh quan thiên nhiên đẹp, kết hợp phong cảnh sinh thái vùng đồng bằng sông nước, phản chiếu ánh nắng và nổi bật giữa biển lúa màu xanh xung quanh.

Núi Nổi là một trong các ngọn núi thấp nhất và nhỏ nhất trong số núi ở An Giang. Nói là núi nhưng độ cao của nó chỉ khoảng 10m bao gồm đất và đá chất chồng lên nhau. Tương truyền, khoảng 2.500 năm trước, nơi đây từng tiếp đón các tàu buôn tơ lụa, gốm sứ đến mua bán như ở vùng Ba Thê-Núi Sập. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nơi này rất hoang vu. Bộ đội lẫn vào đây thì mất hút, địch chẳng lần ra dấu. Tên địch nào lọt vào đây thì đừng hòng quay trở ra. Vì thế người ta ví khu vực núi Nổi như ngọn đồi Tức Dụp thứ hai của An Giang. Phần lớn cánh đồng trồng lúa ngày nay xưa là một rừng tre rộng lớn. Bộ đội đóng quân trong khu vực này để đánh giặc.

Sau năm 1975, rừng tre được san phẳng lấy đất trồng lúa. Địa phương chỉ giữ lại nguyên trạng núi Nổi. Giữa đồng trống mênh mông, ngọn núi như một nét điểm xuyết bởi rừng cây rậm rạp với những cây cổ thụ tỏa bóng mát. Theo những bậc thang, khách lên đỉnh núi. Tại đây có một ngôi chùa cổ xưa mang tên Phù Sơn Tự. Ngôi chùa được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Ngôi chùa đơn giản nhưng cổ kính. Trong tâm linh người dân địa phương, núi Nổi là chốn linh thiêng để gởi gắm đức tin. Đối với khách ưa khám phá, đây là điểm đến thú vị. Vì sao giữa đồng ruộng lại có một gò đá cao như thế? Lý giải điều này, người dân địa phương cho rằng: núi Nổi là một dạng núi sót nằm cách xa quần thể Thất Sơn và các cụm núi Campuchia. Do đó, núi Nổi vẫn được gọi là núi chứ không gọi là gò.

Người trong chùa rất thân thiện và hiếu khách. Khách có thể ngồi trò chuyện nhiều giờ liền. Khi con nước ở thượng nguồn sông Mê Công đổ về cũng là lúc việc đồng áng đã xong, nước ngập trắng đồng, núi Nổi nhô lên như một cù lao nhỏ trên biển nước mênh mông ấy, hoặc như một đóa sen lớn trên đồng nước đỏ hồng màu phù sa. Trên núi có những cây sao, cây dầu, cây còng hàng chục, trăm năm tuổi đứng vững chải, che kín ngọn núi. Nơi đây lý tưởng cho các hoạt động du lịch khám phá, về nguồn vừa thư giãn vừa tìm hiểu được nhiều kiến thức bổ ích. Kết hợp chuyến đi này, du khách có thể dừng chân lại làng dệt Tân Châu xem nghệ nhân nhuộm mặc nưa tạo màu đen bóng láng tạo sản phẩm dệt nổi tiếng lãnh Mỹ A một thời vàng son.

Hàng năm, vào khoảng tháng 9 âm lịch, lễ hội núi Nổi diễn ra tạo không khí vui chơi cho người dân địa phương sau khi kết thúc việc đồng áng. Đó là một sản phẩm du lịch độc đáo cho du khách đến từ phương xa.

Du lịch, GO! - Theo báo Cần Thơ
-----------

Bạn có ảnh về nơi này, xin gởi cho dulichgo - mình rất cảm ơn.
ĐGD

Friday, 16 September 2011

Từ trên cao nhìn xuống, cả thị trấn Mèo Vạc (Hà Giang) nằm bé gọn như bàn tay trong một thung lũng không rộng lắm, bốn bề là núi đá vây quanh.

Qua đỉnh đèo, muốn xuống thị trấn phải đổ con dốc dài tới hơn 5 cây số. Đầu vào thị trấn hai bên có những vườn cây sơn trà lâu năm trông khá xanh mát kéo dài vài trăm mét.

Chúng tôi đến Mèo Vạc vào buổi chiều, khi nắng đã bớt nhưng trời vẫn oi nồng. Những vạt nắng cuối chiều soi rõ thị trấn với những khối nhà công sở liền mảng màu vàng, đây đó điểm tí chút nhà gỗ người Mông cũ xỉn ám đen hơi khói củi, còn lại chủ yếu là nhà người Kinh lên buôn bán làm ăn ở đây, dễ nhận ra vì nhà trần hoặc xây ống.

Bao quanh thị trấn là những ruộng ngô xanh ngát. Dưới ánh nắng chiều, xanh vàng rực lên một bức tranh miền núi điển hình. Bóng núi xám đen của đá tai mèo trải xuống làm sự tương phản càng rõ nét. Dăm ba cây samu cao vút, đặc trưng loài cây vùng núi bắc Việt Nam.

Giữa thị trấn là sân vận động và khu chợ thật rộng. Vì là chợ vùng cao nên có một bãi đất trống rộng dùng làm nơi mua bán trâu, bò. Chợ mỗi tuần họp một phiên vào chủ nhật, đông vui và nhộn nhịp lắm!

Chiều xuống muộn, trong thung lũng không có hoàng hôn, bóng núi đổ sập khi mặt trời khuất sau ngọn thấp nhất. Cả thị trấn chìm trong ráng mỡ gà đã rán cháy. Sau gần một tiếng, sao nổi chi chít dày đặc trên vòm trời, những đỉnh núi xung quanh đâm lên nền trời thật muôn hình, lủa tủa, rờn rợn: vừa hoang sơ kỳ bí, vừa hấp dẫn mời gọi.

Sau một hồi tìm chỗ nghỉ, tôi quyết định chọn nhà trọ có chị chủ kiêm bán tạp phẩm. Căn nhà hai tầng; tầng dưới bán tạp phẩm, tầng trên ngăn ra làm 4 phòng cho khách trọ thuê (giá 80.000 đồng/phòng). Căn nhà trông thẳng ra bến xe và hơi chếch nhìn ra tượng đài Bác, cũng khá đầy đủ.

Chúng tôi lại tìm đến quán ăn mới mở, đối diện luôn cổng chợ Mèo Vạc. Tất cả các loại rau, gà Mèo, thịt bò xào và không quên chai rượu ngô nữa. Thật thú vị là rau không "hiếm" lắm ở đây... Đặc biệt có cả rau đắng tươi, nấu bát canh suông húp mát cả ruột, vị đắng tê tê đầu lưỡi chuyển dần xuống họng sang vị ngọt mát rồi lan tỏa đúng như "thần dược", tan đi hết cả những mệt nhọc trên đường...

Đêm Mèo Vạc phố xá im lìm cả, chỉ có đèn đường và đèn bảo vệ các cơ quan còn sáng. Ngày thì thế mà đêm xuống hơi núi đá tỏa ra mát rượi. Tôi chìm trong giấc ngủ của men rượu ngô Mèo Vạc, của "hội chứng xe máy" tê rần người, đường xa, lơ mơ về chợ tình Khâu Vai...

Du lịch, GO! - Theo báo ThanhNien, ảnh internet


Thị trấn Mèo Vạc là trung tâm của Huyện Mèo Vạc - huyện vùng cao biên giới phía bắc của tỉnh Hà Giang, Việt Nam.
Huyện Mèo Vạc có độ cao từ 1000-1500m so với mực nước biển, có 90% diện tích là núi đá và có tới 90% dân số là người Mông.

Mèo Vạc nằm trong lòng thung lũng, bốn bề là núi đá. Từ đỉnh đèo, xuống thị trấn phải qua con dốc quanh co dài 5 cây số.

Thị trấn Mèo Vạc có một điểm khá thú vị, là nằm gần như biệt lập; khác với nhiều thị trấn vùng cao khác là bám lấy tuyến giao thông chính, rồi phân nhánh. Ở trong lòng thị trấn, bên cạnh những công trình, cơ quan hành chính, xen kẽ ngay những quần cư của người dân tộc Mông. Rừng núi, đồng ruộng và nông thôn hòa nhịp cùng phố thị.

Cuộc sống ở thị trấn Mèo Vạc bình yên, êm đềm và thân thiện. Thị trấn nhỏ bé, đi loanh quanh một lúc là hết, nhưng khám phá cho đủ chắc mất không ít thời gian…
Thú vị nhất là trải nghiệm cảm giác hòa mình cùng thiên nhiên, núi rừng trên những cung đường off - road. Và ở đó, chúng ta sẽ gặp những người dân bản địa với những bản sắc riêng. Để ý một chút, chúng ta sẽ có những cuộc gặp mặt đầy thú vị.

Thứ nhất, về tên gọi và một số thuật ngữ thường dùng trong công tác dân tộc:

Trong thực tế còn gặp một số người khi viết, khi nói xác định tên dân tộc lại dùng tên do các dân tộc tự gọi, tên theo nhóm địa phương, hoặc tên gọi khác. Ví dụ: dân tộc Hoa gọi là dân tộc Xạ Phang, dân tộc Hán... dân tộc Chứt gọi là dân tộc Rục, dân tộc Mã Liềng, dân tộc Sách; dân tộc Dao gọi là dân tộc Mán; dân tộc Khơ Mú gọi là dân tộc Xá, dân tộc Chăm gọi là dân tộc Chàm... Trong công tác dân tộc gọi theo danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam do nhà nước ban hành là đúng hơn cả.

Thứ hai, một số việc cụ thể cần lưu ý:

Khi vào làng, vào bản, vào nhà dân nếu trên đường vào ở cổng bản hay cổng nhà thấy có cắm lá xanh hoặc cọc dấu thì không nên vào vì dân bản hoặc chủ nhà đang kiêng người lạ.

Khi đã đến với dân bản thì không được tự ý vào khu rừng kiêng, rừng cấm, không làm mất vệ sinh nguồn nước sinh hoạt, không chặt cây khi thấy cây có dành dấu (X), không lấy măng, mộc nhĩ, lấy mật ong... khi đã có người đánh dấu, không bẻ mầm non đang mọc.

Khi vào nhà dân, nếu thấy dân ở nhà sàn mà nhà lại có hai cầu thang thì cần quan sát xem đi cầu thang nào; nếu đi cùng chủ nhà hoặc có cán bộ cơ sở đi cùng thì nên để cho chủ nhà hoặc cán bộ cơ sở lên trước (thông thường nhìn từ ngoài vào, cầu thang phía bên tay trái dành cho đàn ông và khách, cầu thang bên tay phải dành cho phụ nữ).

Khi đã vào trong nhà nếu thấy trong nhà có hai bếp thì không nên đi thẳng một mạch từ đầu nhà vào bếp trong (bố trí 2 bếp, bếp ngoài đồng bào dành cho khách). Khi ngồi cạnh bếp lửa không dùng chân đẩy củi, không đút ngược cây củi vào bếp (ngược ở đây được hiểu là đút chiều ngọn của cây củi vào trước) vì đồng bào quan niệm làm như thế trong nhà sẽ có người đẻ ngược.

Không nướng cơm đồ (xôi) vì nếu cơm đã đồ mà đem nướng đồng bào cho rằng năm đó sẽ xảy ra mất mùa. Khi ngồi cần chú ý không ngồi vào “cửa móng” (cửa sổ gian tiếp khách), nếu chủ nhà chưa mời không nên ngồi ngay vào đệm (thường dành cho bề trên và khách quý).

Khi ăn cơm nếu chủ nhà không mời thì không được ngồi ngang hàng với người già nhất trong mâm đồng thời tôn trọng sự sắp đặt vị trí ngồi của chủ nhà; không được gắp đầu gà, chân gà, gan gà (những thứ này thường để chung một đĩa với dụng ý để khách chứng giám lòng thành của chủ).

Khi uống rượu nếu thấy trong mâm có 2 ly rượu (cốc, chén) để giữa chủ nhà và khách hoặc giữa chủ nhà và người già nhất thì không được uống 2 ly rượu này (đồng bào quan niệm đây là 2 ly rượu dâng lên tổ tiên). Khi có người mời, hoặc mời mọi người xung quanh mới uống, không nên cầm ly uống ngay. Đặc biệt để tỏ lòng mến khách những người trong mâm rượu dùng rất nhiều “lý” để chúc rượu nhau (chúc chung cả mâm, chúc riêng từng người, ly rượu làm quen, chúc sức khỏe...) trong trường hợp ấy không nên từ chối (uống được bao nhiêu do khả năng của mình) và nên chủ động chúc rượu lại chủ nhà và những người trong mâm rượu.

Ngoài ra khi mời rượu không nên dùng từ “uống hết” mà chỉ nêndùng từ “uống cạn” (đồng bào quan niệm nếu dùng từ “uống hết” nghĩa là chủ và khách không còn tình cảm gì, không còn gì để uống), trong khi ăn uống không nên vừa ăn vừa nói quá to.

Khi đi ngủ không nằm ngủ dọc theo đòn nóc nhà (chỉ người chết mới nằm như vậy), không ngủ dậy quá muộn, không đắp ngược chăn.

Tiếp xúc với dân bản không nói quá to với cử chỉ gay gắt, đặc biệt không dùng ngón tay trỏ của mình chỉ vào mặt người đang đối thoại. Không tranh cãi với người già, phụ nữ và trẻ em, không xoa đầu trẻ nhỏ, không nên biểu lộ tình cảm thái quá đối với phụ nữ đã có chồng, con gái đã có người yêu, phụ nữ goá chồng.

Khi nói chuyện với bà con dân bản cần tránh dùng từ kiêng, từ có tính miệt thị dân tộc như: gọi người đàn ông có tuổi là “bố bản”, dùng từ “xá” (có nghĩa là rách rưới) chỉ dân tộc Khơ Mú, “Thổ mừ” chỉ dân tộc Thổ... hoặc có khi nói những từ chung chung như “ông Mông”, “ông Thái”, “ông Dao”...

Ngoài ra một số dân tộc thiểu số có những điều “kiêng”, “cấm” trong các nghi lễ như chọn đất làm nương rẫy, chọn ngày dựng nhà, chọn ngày cưới hỏi vợ, chồng; kiêng cữ khi phụ nữ mới sinh. Những nghi lễ khi trong nhà có người chết; những nghi lễ trong việc cúng bản, cúng mường; gặp những trường hợp này tốt nhất là chúng ta lắng nghe, quan sát không nên vội vàng phê phán chê bai như: mất vệ sinh, lạc hậu, tốn kém; mê tín dị đoan…

Với những bản sắc riêng của từng dân tộc, chỉ cần chịu khó để ý sẽ góp phần làm hành trình của bạn được suôn sẻ hơn.

Du lịch, GO! - Theo Đỗ Trọng Cố, OffroadVN

Một số điều lưu ý khi vào thăm bản dân tộc.

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống