Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 17 September 2011

Về vùng Đồng Tháp, An Giang vào mùa nước nổi, ngay cả dân miệt vườn Nam bộ cũng thấy hào hứng với cảm giác vừa gần gũi vừa lạ lẫm với thiên nhiên sông nước phù sa. 

Nếu du khách đến từ những vùng miền khác thì cảm xúc còn tăng gấp bội khi ngồi trên chiếc vỏ lãi xé nước lao trên dòng kinh đỏ màu tràm, len lỏi trong rừng cây chán rồi lại lọt thỏm giữa không gian bao la trên trời, dưới nước...

Nhất là người thành phố sẽ thích thú khi bắt gặp một ghe chở đầy bông súng ma vừa hái, những đóa bông súng nở có cả cánh trắng tinh, cánh tim tím, cánh phớt hồng... Vỏ lãi lướt qua vạt rau tràng nở bông trăng trắng; đặc biệt là một vùng tràn ngập cả khúc kênh, cả bề ngang mặt nước, hằng hà sa số những chiếc lá sen xanh, rải rác điểm những búp sen hồng hoặc những cánh sen mãn khai.

Vun vút lướt qua mắt là vạt rừng tràm mỏng rồi cánh đồng lúa ma xanh dờn tới chân rừng tràm, chiếm diện tích khoảng 10 héc ta. Người địa phương gọi đây là lúa trời, còn trong sách “Gia Định thành thông chí”  Trịnh Hoài Đức gọi đó là “quỷ cốc”. Hằng năm, vào khoảng tháng Tư âm lịch, trời bắt đầu mưa, lúa bắt đầu mọc. Tháng 4 dương lịch, lúa nhú cao chừng năm tấc, thân cứng, lá to bản. Mùa nước nổi (tháng 8 - 12 dương lịch) lúa trổ đòng. Nước dâng tới đâu, ngọn và hột lúa vươn cao lên khỏi nước tới đó. Một tháng sau lúa chín, vào ban đêm. Nắng lên lúa rụng, tiếp tục nẩy mầm...

Lúa trời là một món quà của thiên nhiên, người xưa thu hoạch bằng cách bơi xuồng con, chính giữa căng bức màn. Xuồng lướt qua ruộng lúa, người ta dùng sào đập cho lúa chạm bức màn rơi xuống khoang. Lúa thu hoạch về ngâm nước khoảng ba ngày rồi đem phơi cho rụng đuôi trước khi xay, giã thành gạo nấu ăn. Gạo lúa ma rất dẻo và thơm. Ngày nay, lúa ma được bảo tồn như sản phẩm độc đáo của đất trời, đồng thời làm nguồn thực phẩm cho chim chóc chứ không kinh doanh.

Vào ruột rừng, nơi có căn nhà sàn nhân viên giữ rừng ở và một nhà sàn dài làm nơi ăn uống. Lên đài cao quan sát cảnh hồng hoang của Tràm Chim. Rừng tràm chiếm diện tích 1.800 héc ta với 100 loài động vật có xương sống, 40 loài cá và 147 loài chim nước.

Các loài chim thường gặp như cò trắng, cò bợ, cò lửa, cò lép, vạc, diệc lửa, diệc xám, điên điển, cồng cộc, tu hú, cu ngói, cu cườm, cu... Trong đó, có 13 loài chim quý hiếm thế giới, đặc biệt là hạc, thường gọi sếu đầu đỏ hoặc sếu cổ trụi.

Đầu hạc màu đỏ mỏ dài, chân và cổ cao trụi, mình có bộ lông xám tro. Con hạc lớn nhất có thể nặng đến chục ký. Hạc về Tràm Chim vào tháng Giêng, tìm bạn tình vào tháng năm (trước mùa mưa), sau đó di chuyển tìm nơi đẻ trứng, nuôi con. Thực phẩm khoái khẩu nhất của hạc là củ năn. Muốn nhìn cảnh hạc nhảy múa với bạn tình phải chịu khó “mai phục” cả buổi, thậm chí nhiều ngày nếu muốn chụp được những bức ảnh đẹp; đã vậy lại phải nằm dưới gió để hạc không không phát hiện.

Giữa “ruột rừng”, trên nhà thủy tạ xây gạch vững chãi, rộng rãi, là nơi khách có thể thoải mái bày cuộc ăn nhậu. Thực phẩm mua ngoài chợ Tràm Chim đem theo với bếp, than, củi nhúm, vài lít rượu và thùng nước đá để pha trà... "chữa lửa". Mâm” nhậu là mấy tờ báo trải trên nền gạch bông và dùng toàn các món nướng cho gọn. Những con rắn bông súng nhỏ cỡ ngón tay cái cuốn tròn như chiếc rế nồi đặt trong vỉ cháy nám. Loại này dùng tay bẻ từng khúc ngắn chấm nước mắm me ăn vừa giòn da vừa ngon ngọt thịt còn “ứa” những giọt máu hồng. Nhưng ngon nhất là nhai luôn xương.

Cá lóc nướng trui là một trong những đặc sản trứ danh của miệt vườn Nam bộ, nhưng món cá lóc nướng trui Đồng Tháp mới thiệt sự độc đáo hơn hết. Ở đây người ta không gói cá lóc với các loại rau bằng bánh tráng mà bằng bẹn sen. Bẹn sen là những chiếc lá sen non vành lá cuốn quấn vào trong, nhìn sướng mắt. Những chiếc bẹn sen mọc nhiều theo dòng kinh, phải nhanh tay bứt khi vỏ lải lướt qua. Cầm bẹn sen banh ra, nhét thịt cá lóc nướng trui cùng với bún và rau, chấm nước mắm me, vừa nhai vừa nghe vị chát chát mùi hoang dã miệt vườn mà thấy khoái...

Vườn Quốc gia Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông (Đồng Tháp) được xếp trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam, trở thành Vườn Quốc gia Tràm Chim từ năm 1998 nhằm bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười, bảo vệ khu vực di trú cho các loài chim di cư, đặc biệt là chim hạc.

Du lịch, GO! - Theo Thesaigontimes
Cách thị xã Phan Rang 20km về phía bắc và giáp ranh với vịnh Cam Ranh, vườn quốc gia Núi Chúa với độ chênh gần 1.000 mét từ mặt biển đến đỉnh núi cao nhất, các hệ sinh thái ở đây được phân bổ thành sáu kiểu rừng tương ứng với sáu tầng bậc độ cao, tạo ra nhiều tập đoàn sinh vật quần tụ phong phú, đa dạng đầy kỳ thú.

Nếu Ninh Thuận lâu nay được cho là vùng khô hạn nhất nước thì vườn quốc gia Núi Chúa được xem như là vùng khô hạn nhất của Ninh Thuận. Một số nhà khoa học đã nghiên cứu và cho rằng những vùng rừng khô của Núi Chúa khô hạn không kém gì nhiều vùng của châu Phi. Khí hậu và môi trường hệt những vùng bán hoang mạc thường gặp ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Algeria.

Bạn đã sẵn sàng cho một chuyến du lịch tới sa mạc của Việt Nam trong mùa hè này chưa?

< Cây bụi bám rễ cheo leo trên sườn núi khô hạn.

Từ thị xã Phan Rang đi theo con đường tỉnh lộ 702 của Ninh Thuận chừng 42km là đến rừng quốc gia Núi Chúa. Với địa hình, phong phú, khí hậu có một không hai và tính đa dạng sinh học cao, Núi Chúa đang là điểm đến cuốn hút của nhiều du khách.

Vườn quốc gia Núi Chúa là nơi có hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng hiếm thấy ở nước ta. Giống như một sa mạc khô hạn, khí hậu ở đây chẳng kém gì những vùng bán hoang mạc tại Châu Phi.

< Bao la rừng quốc gia Núi Chúa.

Du khách sẽ thích thú khi được ngắm những trảng xương rồng chạy dài ven tỉnh lộ, những cây bụi lúp xúp sau cồn cát bỏng nắng.

Tuy mưa ở đây rất hiếm, song lại có rừng nguyên sinh với hệ thực vật rất phong phú. Theo khảo sát ban đầu của các nhà khoa học, nơi đây có tới 664 loài thực vật và 201 loài động vật, đặc biệt có nhiều loài động thực vật quí hiếm.

< Dòng thác Lồ Ô tuôn chảy giữa rừng.

Vườn quốc gia Núi Chúa có nhiều dãy núi cao, một Núi Chúa anh và ba Núi Chúa em. Với độ cao hơn 1.000m, quần thể Núi Chúa anh và ba Núi Chúa em tạo nên một vùng ôn đới ngay giữa “sa mạc”.

< Hồ trên lưng chừng núi.

Để đến được đỉnh Núi Chúa anh, bạn sẽ được tận mắt thấy sáu kiểu rừng: từ rừng khô hạn cho đến rừng kiểu á nhiệt đới.

Càng lên cao, cây cối lại càng xanh tười hơn, chủ yếu là cây bụi gai mọc liên kết nhau thành từng mảng. Ở độ cao 800m đã xuất hiện cây gỗ lá kim như kim giao, hoàng đàn giả, thông tre, thanh tùng...

Đặc biệt, trên núi còn có một hồ treo, quanh năm đầy nước. Ven hồ có nhiều vỉa đá nổi nhấp nhô, trông như một hòn non bô. Trên núi còn có nhiều suối và thác nước cao tạo nên cảnh quan rất nên thơ, kì thú và làm cho khí hậu dịu mát. Dưới chân núi, ngay cạnh hoang mạc bỏng nắng là bờ biển lấp lánh trong xanh với những bãi tắm lí tưởng ở vịnh Vĩnh Hy.

Vịnh Vĩnh Hy là một thắng cảnh tuyệt vời ở vườn quốc gia Núi Chúa. Một vùng vịnh xanh thẳm được ôm ấp trong lòng núi bình lặng. Từ trên núi cao, dòng suối Lồ Ô chảy xuống, uốn lượn như một dải lụa trắng mềm mại, ẩn hiện dưới tầng xanh của cây rừng rồi đổ xuống vịnh. Đến Vĩnh Hy, du khách không những được thoả sức vẫy vùng trong làn nước mát mà còn được tham gia lặn biển để ngắm thảm san hô nổi tiếng dưới vịnh.

Sa mạc cát, rừng thẳm, biển xanh... vườn quốc gia Núi Chúa là sự lựa chọn hoàn hảo cho chuyến nghỉ mát đầy thú vị và mới lạ trong mùa hè này của bạn.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Vzone, NLĐ

Sa mạc và rừng thẳm ở Vườn quốc gia Núi Chúa
Làng du lịch sinh thái Kon Ktu nằm bên dòng Đăk Bla thơ mộng, hiện đang là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước khi có dịp đến Kon Tum. 

< Nhà rông ở Kon K'tu.

Đây là ngôi làng cổ còn giữ được những nét nguyên sơ nhất của văn hóa dân tộc Banar. Kon K’Tu có 92 hộ với 530 nhân khẩu đồng bào dân tộc Banar sinh sống.

Theo tiếng Banar thì Kon K’Tu là làng nguyên gốc, nguyên sơ. Được hình thành rất sớm, đến nay Kon K’Tu vẫn giữ nguyên được những nét cổ kính, hùng vĩ và hoang sơ mà thiên nhiên ban tặng. Người Ba Na ở Kon KTu mộc mạc, thân thiện và mến khách nên du khách đến Kon KTu sẽ gặp nhiều điều thú vị.

< Cầu treo Kon K’Lo bắt qua sông Đắk Bla.

Làng du lịch sinh thái Kon Ktu thuộc xã Đăk Rơ Wa (thị xã Kon Tum) nằm cách trung tâm thị xã Kon Tum chừng 10 km về hướng Đông-Bắc. Hàng ngày làng thường xuyên đón khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến thăm tỉnh cực bắc Tây Nguyên này.

Đến với làng Kon Ktu, du khách được chiêm ngưỡng những nét văn hóa đặc sắc còn nguyên sơ, với mái nhà Rông truyền thống của người Ba Na cao vút, những nếp nhà sàn cổ kính.
Đêm đến giữa sân nhà Rông của làng, củi được chất thành một đống to và được đốt lên, hơi ấm của sự mộc mạc, chân tình, gần gũi, thân thiện như hòa quyện nồng ấm giữa chủ và khách.

< Điệu múa xoang của các sơn nữ làng Kon Ktu.

Hiện tại, dân làng vẫn duy trì được đội cồng chiêng với 18 người, đội múa xoang với 30 người. Đặc biệt là vẫn giữ được lễ hội bắt giọt nước. Lễ hội này được tổ chức vào đầu tháng Giêng hằng năm. Dân làng tổ chức lễ hội để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; cầu cho bà con trong làng khỏe mạnh; dân làng đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, không được ăn trộm ăn cắp của nhau. Thời gian lễ hội kéo dài 2 ngày 2 đêm.

Ngày đầu tiên chuẩn bị cây nêu, ngày hôm sau cúng tế giàng (tế trời) và thết đãi dân làng. Làng giàu có thì cúng nhiều trâu, bò, múa xoang, cồng chiêng...

< Dệt vải.

Đến Kon K’Tu, ngoài việc được chiêm ngưỡng vẻ hoang sơ của làng cổ, du khách còn được chiêm ngưỡng nét uyển chuyển trong điệu múa xoang của những chàng trai cô gái Banar với trang phục thổ cẩm chính tay họ dệt nên, được tận hưởng men say ngây ngất của rượu cần thơm lừng ngây ngất hoà vào tiếng cồng chiêng bay bổng đến nức lòng. Đến đây khách có thể ngủ qua đêm tại nhà Rông của làng.

Du khách còn có thể đi thăm thác H"Lay và thác Mốp cách làng chừng 2000m, dòng thác tuôn trào trắng xóa đẹp như cô sơn nữ đang vươn mình chải tóc. Nếu thích, khách sẽ được những người đàn ông Ba Na chèo thuyền độc mộc xuôi theo dòng Đăk Bla, dọc triền sông để tha hồ ngắm cảnh sơn thủy hữu tình, những cánh rừng nguyên sinh rủ bóng xuống dòng nước.

Khách quốc tế tỏ ra rất thích thú khi được ngắm nhìn, chiêm ngưỡng nét độc đáo và vẻ đẹp của nhà Rông Tây Nguyên.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Quesne và bà Gremy, quốc tịch Pháp cho biết: "Tây Nguyên thật tuyệt vời! Người Tây Nguyên thân thiện, gần gũi, trên môi họ luôn nở nụ cười tươi, tôi rất hài lòng và cảm kích trước tấm lòng mến khách của bà con dân làng nơi đây... Có dịp tôi sẽ trở lại thăm Tây Nguyên".

Du lịch, GO! - Tổng hợp

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống