Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 18 September 2011

Là hoa sen nhưng không mọc dưới đầm, chẳng mọc dưới ao mà tỏa hương ngào ngạt ngay trong sân chùa. Những bông hoa trắng tinh, thanh khiết, chen giữa những búp lá non xanh khiến khách phương xa cứ ngẩn ngơ vì quá đẹp, quá lạ. Người ta gọi loài hoa này là hoa sen cạn hay lục liên và theo người dân địa phương, lục liên chỉ trồng được trong khuôn viên chùa Bối Khê, Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội, tuyệt nhiên không trồng được ở nơi khác, dù ngay trên đất làng.

Ngôi chùa cổ kính
Chùa Bối Khê, tên chữ là Đại Bi, ở làng Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Đây là một ngôi chùa cổ được khởi dựng từ thời Trần (thế kỷ thứ XIV), thờ Đức Thánh Bối Nguyễn Đình An là người địa phương đã có công đánh bại quân xâm lược phương Bắc. Chùa Bối Khê không những là di tích lịch sử quý về niên đại mà còn có kiến trúc bằng gỗ rất đẹp.

Chùa được bố cục theo lối đặc biệt: Tiền đường, tả hữu hành lang và nhà Tam bảo dựng theo kiểu chữ Quốc. Nhà Hậu đường được kết hợp với điện thờ Thánh làm thành chữ Công. Toàn bộ kiến trúc được sắp xếp cân xứng hai bên theo một trục chính.

Từ đường cái nhìn vào, cách cổng chùa 50m về phía tay trái là lăng Quận công Lê Tiến Quý, người thôn Bối Khê (thời Lê Trung Hưng), phía tay phải là đền thờ Đức Ông. Trước cổng chùa là khoảng sân rộng, có cây đa, cây đề cổ thụ.

Cổng chùa có 5 cửa, 1 cửa chính và 4 cửa phụ. Qua cổng chùa là chiếc cầu nhỏ xây bằng gạch, vắt ngang hào nước hẹp thả bèo xanh mướt, dẫn tới Tam quan cao 2 tầng, 8 mái. Tầng trên treo 2 quả chuông lớn, mỗi quả cao 1m, đường kính 20cm. Hai bên tam quan có trồng 2 cây đại lớn, trổ hoa màu hồng rất đẹp. Qua khỏi tam quan là sân gạch rộng, có lư hương bằng đá ở giữa, xung quanh trồng cây đại, cây móng rồng và nhiều cây cảnh khác.

Kiến trúc chùa không được chạm khắc nhiều song đây là một ngôi chùa còn ghi lại những mô típ kiến trúc gỗ có chạm khắc những họa tiết, những hình chim thuộc phong cách nghệ thuật thời cuối Trần (thế kỷ thứ XIV – XV).

Đáng chú ý nhất về kiến trúc là tòa Tam bảo thờ Phật, Pháp, Tăng gồm ba gian, được cấu tạo theo 4 hàng cột, mỗi hàng có 4 chiếc, riêng thềm điện có 6 cột đỡ mái chia thành 7 gian.  Hai vì kèo giữa còn mang phong cách nghệ thuật Trần đậm nét, các đầu bẩy đỡ mái ở phía bên ngoài được chạm khắc hình rồng, đầu bẩy góc bên trái phía ngoài chạm một chim thần Garuđa. Tòa Tam bảo nay tuy đã được sửa chữa nhiều lần nhưng về cơ bản, cấu trúc kiến trúc vẫn còn giữ được những nét độc đáo và cổ kính. Bên phải Tam bảo là nhà bia dựng năm 1450 ghi sự tích đức Thánh Bối.

Sau Tam bảo là Hậu cung thờ Thánh, kiến trúc theo lối chồng diêm 2 tầng 8 mái. Hệ thống đầu đệm có tính chất trang trí nhiều hơn là chú ý về độ bền chắc. Bên trong điện thờ thánh có những mảng kiến trúc chạm khắc theo chủ đề tứ linh, tứ quý, vân hoa cùng các loại họa tiết hình học, đặc biệt là những đường gãy khúc.

Chùa Bối Khê còn giữ lại được nhiều di vật quý: bệ tượng bằng đá được chạm khắc hình rồng, chim thần, hoa lá… có niên đại Sương phù lục niên (1382). Trong chùa có nhiều tượng phật, trong đó đáng chú ý nhất là pho tượng quan âm 12 tay ngồi trên tòa sen đặt ở Tam bảo. Hai hành lang chạy dọc, mỗi bên 9 gian, có 18 vị La Hán ngồi trên bệ đá, thể hiện đủ gương mặt tương tự các vị La Hán chùa Tây Phương.
Có hay không một loài sen trên cạn?

Hiện ở chùa Bối Khê có 3 cây sen đất, 1 cây tổ cao chừng 5m, trồng cạnh Hậu cung thờ Thánh và 2 cây con cao khoảng 2m được chiết từ cây tổ và trồng gần Tam quan.

Hai cây con là hai trong số bốn chục cành được chiết từ cây tổ vẫn đơm hoa nở lộc tốt. Ba mươi tám cành kia, người ta đem đi nơi khác trồng đều không sống nổi, hoài công những kẻ yêu loài hoa này. Chỉ có duy nhất hai cành được trồng trước cổng chùa là thành cây, có lẽ chúng được ở gần cây mẹ, ở gần nơi cửa phật và được hưởng nguồn nước ngọt lành của dòng sông Đỗ Động. Giờ cành của hai cây đã vươn tới sát mái chùa, mùa nào đến tháng năm âm lịch cũng cho hoa cho dù đôi lúc con người vô ý làm cây đau lòng.

Bác Nguyễn Mạnh Hùng, trưởng ban bảo vệ di tích chùa Bối Khê là người có công lớn nhất chăm chút cho hai cây sen này lớn lên kể lại: Mấy năm trước, nhà chùa được tu sửa lại, thợ xây vô tâm lắm, đổ hết vật liệu đè lên gốc cây. Xót xa lắm chứ, người ta đâu biết rằng giống cây này là bảo bối của làng chúng tôi. Ba năm trời trùng tu chùa là ba năm họ bừa ra tôi lại dọn lại để có chỗ chăm bẵm, tưới tắm hàng ngày.
Bây giờ, để bảo tồn linh vật của làng, các bô lão Bối Khê đã nhóm họp nhiều lần và quyết định không cho phép ai giâm chiết cành cây quý đi nơi khác nữa.

Cây sen đất thân mộc. Lá cây mặt trên xanh bóng, mặt dưới có lông mịn màu nâu nhạt. Hoa sen đất từ khi đơm nụ đến khi bung cánh đều có hình dáng rất giống với hoa sen nước. Mùa hoa sen khoảng từ tháng tư đến tháng sáu âm lịch, hoa nở 1-2 tuần mới tàn và có mùi thơm. Thời điểm này, cả 3 cây đều đang trổ hoa. Đứng dưới gốc cây, có thể ngửi thấy mùi thơm rất dễ chịu.

Không ai biết chính xác cây sen tổ được trồng từ khi nào. Theo lời người bảo vệ già trong chùa thì khi ông sinh ra, trong khuôn viên chùa đã có sự hiện diện của loài sen kỳ lạ này. Những người già trong làng truyền lại rằng cây sen tổ có nguồn gốc từ nước ngoài, được những người dân trong vùng đi buôn bán ở nơi xa đưa về trồng trong chùa.

Người dân Việt Nam đã quen thuộc với câu ca dao “Hôm qua tát nước đầu đình / Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”. Trong khi hầu hết mọi người cho rằng  “cành hoa sen” đó chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng phong phú cho câu ca thêm phần lãng mạn, bởi hoa sen làm gì có cành; thì người dân làng Bối Khê lại tin rằng cành hoa sen được nhắc tới trong câu ca dao chính là cành cây sen đất trong khuôn viên chùa.

Trên báo chí đã có ý kiến cho rằng cây sen đất thực ra không phải là cây hoa sen (lotus) mà là cây mộc lan (magnolia) thường gặp ở xứ lạnh, và cái tên sen đất chẳng qua là do người dân địa phương thấy bông hoa có hình dáng giống hoa sen nên gọi như vậy.

Chưa có kết luận chính xác nhưng với người dân nơi đây, họ vẫn luôn tin đó là loài hoa được nhắc đến trong câu ca dao nổi tiếng. Và khách thập phương đến thăm chùa Bối Khê vẫn biết đến loài hoa có màu trắng ngần và mùi thơm tinh khiết này với cái tên là Hoa Sen Đất.

Trầm ngâm trong cái không gian tĩnh mịch của nhà chùa, sự thanh thản của tâm hồn theo làn khói hương trong cửa phật, tôi bỗng ngẩn ngơ cho cái ý chủ quan của mình: Có lẽ nơi đây là chính là ngọn nguồn, là cảm hứng cho dân gian sáng tác ra những câu ca dao: Hôm qua tát nước đầu đình/Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen ở trên hay cả câu ca rất đỗi thân thuộc của người trai, người gái thôn quê: Lên chùa bẻ một cành sen/ Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng…

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Congan, EvaVN, Vietbao, internet
Có thể khẳng định thác Đầu Nhuần (ở xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng) là một trong 10 thác nước đẹp nhất tỉnh Lào Cai và cả vùng Tây Bắc.

Điều này đã được Báo Lào Cai đưa tin từ năm 2008 và sau đó các báo Dân Trí, VOV, Đất Mũi... cùng rất nhiều mạng thông tin điện tử tiếng Việt đã thông tin chi tiết.

Tuy nhiên, thác nước đẹp Đầu Nhuần cũng như không ít thác nước đẹp khác ở Mường Khương, Bát Xát, Bảo Yên, thành phố Lào Cai... vẫn chỉ là “Nàng tiên ngủ trong rừng”. Nếu không vì công việc làm báo, có lẽ chúng tôi chỉ đến thăm thác Đầu Nhuần (cũng như các thác nước khác ở địa bàn kể trên) một lần thôi, vì dốc núi cao, đường quá khó đi và cực kỳ nguy hiểm.

< Vẻ đẹp hùng vỹ của thác Đầu Nhuần, xứng đáng là một trong 10 thác nước đẹp nhất tỉnh Lào Cai.

Sau gần 2 năm chúng tôi mới trở lại thăm thác Đầu Nhuần vào chiều ngày 2/5 vừa rồi và có cảm nhận thác nước này vẫn đẹp và hùng vỹ không kém thác Bạc Sa Pa.

Từ thác Đầu Nhuần, du khách có thể ngắm gần như toàn cảnh khu công nghiệp Tằng Loỏng và trung tâm xã Phú Nhuận.

Thế nhưng, đường đi đến thác Đầu Nhuần vẫn rất khó đi và vị trí đứng ngắm thác cực kỳ nguy hiểm (đá rất trơn, vực rất sâu), nếu sơ chân một chút dễ dẫn tới thương vong. Do đi bộ khá xa và phải leo dốc cao, nên phải là người khoẻ và có nghị lực mới leo lên được thác Đầu Nhuần. Đó là trở ngại lớn nhất đối với nhiều du khách muốn thăm thác nước đẹp này.

< Suối đá Đầu Nhuần cũng là cảnh quan đẹp thu hút du khách.

Bà con dân bản kể với chúng tôi, cách đây mấy năm đã có cô gái khoảng 15- 16 tuổi (không rõ danh tính) bị chết khi thăm thác vì trượt chân ngã xuống suối. Vì thế, rất ít người tới thăm thác Đầu Nhuần mặc dù cách thị trấn công nghiệp Tằng Loỏng không xa.

Đã có doanh nghiệp xin đăng ký đầu tư phát triển dịch vụ du lịch sinh thái thác Đầu Nhuần rồi lại xin rút lui không rõ nguyên nhân. Thật là tiếc cho một danh thắng tuyệt đẹp của Phú Nhuận vẫn chỉ như “Nàng tiên ngủ trong rừng”.

< Đá trơn, vị trí đứng ngắm hẹp , gần vực sâu... cần sự đảm bảo an toàn cho du khách tới thăm thác Đầu Nhuần.

Nên chăng UBND huyện Bảo Thắng lập dự án đề nghị Nhà nước đầu tư mở đường bê tông, bắc cầu cho xe qua suối vào bản người Dao nằm dưới chân thác Đầu Nhuần, qua đó gắn mở mang dịch vụ du lịch với phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chỉ có như vậy mới giải được bài toán đánh thức “Nàng tiên thác Đầu Nhuần”, thiết thực phát triển du lịch Phú Nhuận trong điều kiện mới.

Trước mắt, đề nghị UBND huyện chỉ đạo xã Phú Nhuận và cơ quan có trách nhiệm của huyện gắn biển chỉ đường giúp du khách không phải lần đường tìm hỏi vị trí thác Đầu Nhuần như hiện nay. Đồng thời, cho làm hàng rào đảm bảo an toàn cho du khách khi đứng ngắm thác cùng  biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực chân thác...

Du lịch, GO! - Theo CTTĐT tỉnh Lào Cai

Saturday, 17 September 2011

Nếu không kể ngư dân thì chẳng mấy ai có dịp thả câu giữa biển cả xa xôi như vậy, đặc biệt ngay quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. “Đi biển Trường Sa mà không tranh thủ câu cá thì phí lắm”.
Biển động. Sóng quăng quật như bầy ngựa nối đuôi nhau hung hãn phi nước đại làm con tàu thăm lính đảo không thể cặp cầu cảng Trường Sa được. Đành chờ sóng yên biển lặng. Những người mới đi lần đầu náo nức lên boong tàu ngắm đảo từ xa, xúc động đợi đặt chân lên phên giậu thiêng liêng của Tổ quốc.

1. Tận dụng ánh mặt trời non dịu của ngày mới để bấm loạt ảnh về đảo Trường Sa Lớn từ xa xong, tôi quay sang mượn dây câu của những người lính cùng ra đảo. Có lẽ đây là những tay câu chuyên nghiệp nhiều kinh nghiệm nhất trên chuyến tàu này.

Giữa biển khơi bao la, chẳng anh lính nào mang cần câu theo cho vướng víu. Mỗi người chỉ thủ sẵn vài trăm mét dây cước quấn gọn trên lõi nhựa cất trong balô. Lưỡi câu thì chuẩn bị sẵn mươi cái lớn nhỏ khác nhau, nhưng cái nhỏ nhất cũng phải đảm bảo kéo nổi loại cá năm bảy ký, và cục chì cột dây câu ít nhất phải nặng 300-400 gam để có thể kéo được lưỡi câu chìm sâu xuống đáy nơi hải lưu chảy xiết.

“Đi biển Trường Sa mà không tranh thủ câu cá thì phí lắm”, anh lính kỹ thuật có tên ngồ ngộ Mai Phát Công Sứt, quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa, dáng người đậm, da ngăm đen như ngư dân rỉ rả chỉ bảo. Mồi câu là những chú cá biển được lóc thịt để mắc vào lưỡi câu. Cột thêm hai cục chì nặng khoảng 0,5kg vào dây câu cho nặng nữa là xong. Tôi thả dây câu xuống mạn tàu. Công Sứt khuyên chỉ thả 40-50m dây vì biển vùng này không sâu lắm, lại nhiều san hô. Lưỡi câu mắc vào đó rất dễ đi tong. Kinh nghiệm của anh lính thật chính xác. Chẳng cần cần câu vì dòng hải lưu đã tự cuốn lưỡi câu ra xa tàu.

Biển Trường Sa nhiều vùng nước nông, sâu với các rạn san hô có rất nhiều loại cá hấp dẫn để thử thách dân mê câu. Nhưng tôi nhấp nhổm cả giờ vẫn chưa được chú cá nào trong khi Công Sứt đã thu dây câu thắng lợi. Gỡ chú cá bằng cổ chân đang quẫy đành đạch, anh lính cười hoác hàm răng xỉn ố vì nước trà. Tôi không rõ cá gì, chỉ nghe anh nói đó là thu vè, loại cá “nướng lên thì ăn năm chén cơm vẫn chưa đã miệng”. Chỉ lát sau, anh lại kéo lên một chú cá lớn hơn bàn tay và bảo đó là cá bò ngu. Cái tên thật ngộ nhưng hình dáng và màu sắc lấp lánh của chú cá đẹp như cá kiểng trong bể nuôi. Kiên trì mãi tôi cũng kéo được một con bò ngu lớn gần bằng hai bàn tay nối lại. Quả không cảm giác nào thú vị bằng!

2. 11 ngày thăm Trường Sa, chúng tôi còn nhiều dịp thả câu trong những lúc biển động chưa lên được đảo hay phải neo đêm chờ trời sáng. Có hôm gặp gió mùa tơi tả, nhưng nhiều đêm trăng sáng vằng vặc. Mặt biển lung linh huyền ảo như dát bạc dưới ánh trăng. Lúc đầu chỉ lác đác vài tay câu, dần dần lên đến vài chục dọc suốt hai mạn tàu.

Ai cũng náo nức buông dây câu, có anh còn lếch thếch cả một cần câu máy mang sẵn từ đất liền. Trầm nghiêm như đại tá Nguyễn Đức Thắng, lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, cũng nhiều lúc tranh thủ thả câu ở đuôi tàu. Ông chỉ nhắm các chú cá lớn khi mang dây câu to bằng một phần ba cây đũa ăn, với mồi câu là chú cá nục lớn hơn hai ngón tay và thả cùng lúc hai, ba dây câu, xả dài cả trăm mét cho nước cuốn trôi.

Vùng biển này hình như khá nhiều cá bò ngu. Chúng chiếm hơn phân nửa trong số cá mọi người câu được. Một khoảnh khắc hiếm hoi, chúng tôi hè nhau kéo được một con cá thu to bằng bắp đùi người lớn vùng vẫy mạnh tưởng đứt cả dây câu. Nhưng thật hi hữu, khi con cá kém may mắn đang được kéo qua mặt nước thì lại bị một chú kình ngư khác vọt lên, táp như lia nhát dao sắc đứt ngang mình. Chúng tôi vừa tiếc ngẩn ngơ kéo lưỡi câu chỉ còn mắc mỗi đầu cá, vừa sững sờ thích thú vì được chứng kiến hình ảnh độc đáo của đại dương.

3. Thú vị nữa là chuyện bắt cá chuồn trong đêm. Theo kinh nghiệm của thủy thủ đoàn, không cần câu, chúng tôi chỉ treo vài bóng đèn neon ở mạn tàu để dụ cá chuồn. Mê ánh sáng, như những con thiêu thân, bọn cá chuồn cứ thế bay vèo vèo trên mặt nước lao vào quầng sáng. Có con bay xa 20-30m trên mặt biển, lao thẳng đầu vào mạn tàu đánh bộp rồi rớt xuống nước, lờ đờ vì bị choáng. Người trên tàu chỉ cần cầm vợt dài vớt lên. Loáng 2-3 giờ chúng tôi đã bắt được vài trăm chú cá chuồn to cỡ nửa cổ tay trở lên, đủ đãi cả tàu hơn 100 người. Mấy anh đầu bếp vui vẻ cho mượn lò làm ngay món nướng thơm lừng.

Sau cảm giác lạ lẫm, thú vị, nhiều người mới ra Trường Sa như chúng tôi không nén được cảm xúc khi chứng kiến tận mắt tài nguyên biển đất nước. Hào hứng tham gia bắt cá cùng tôi, vị cựu chiến binh Quân đoàn 1 tâm sự: “Mai này sau khi thăm lính hải quân, nên có chương trình câu cá để du khách vừa thú vị vừa hiểu thêm tài nguyên biển đất nước mình”. Tôi gật đầu đồng cảm với người lính già.

Du lịch, GO! - Theo Dulich Tuoitre

Câu cá và săn ảnh cá heo ở Trường Sa

Say sóng, nắng cháy da, thiếu rau xanh..., vài thủy thủ đã “dọa” chúng tôi như vậy khi con tàu HQ 996 sắp nhổ neo đi Trường Sa. Rồi họ nói: “Bù lại, các anh sẽ có những buổi câu cá, săn ảnh cá heo, ngắm cảnh, cả đời không quên”. Chúng tôi háo hức đến nỗi đã xin chuyển xuống ở trên tàu HQ 996 trước hai ngày để câu cá.

Bắt loài có cánh bay trên nước

Đó là những ngày cơn bão số 1 đang vần vũ ngoài biển Đông, vậy mà quân cảng Cam Ranh nước vẫn phẳng lặng. Đối với dân đi biển, neo tàu, ngắm cảnh ở một trong những vịnh đẹp nhất thế giới này hết sức thú vị, nhưng câu thì chán vì ngồi  cả buổi cũng chỉ giật lên mấy con cá bằng bàn tay...

“Câu cá ở đây nếu so với ở Trường Sa thì đúng là “kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”. Ở đó những con cá câu ở vịnh Cam Ranh chỉ để làm mồi ...câu cá”, Đại tá Nguyễn Văn Liên, phó chỉ huy  quân sự Vùng 4 Hải quân đã nói với chúng tôi như vậy. Đại tá Liên  đã 30 năm gắn bó với biển, nổi tiếng “sát cá” với không ít “chiến tích” được anh em thủy thủ truyền tụng.

Tôi nhìn bàn tay của đại tá Liên, thấy hằn lên những vết sẹo ngang dọc. Vết sẹo đó do  sợi cước siết vào đến tứa máu, trong các cuộc vật lộn, giằng co với cá.

Những con cá to đến mức khi đã cắn câu nếu không cẩn thận nó sẽ lôi cả người lẫn cần câu xuống biển. Cước dùng để câu loại cá bự ấy, to như dây thừng buộc trâu. Còn lưỡi câu?
Đại tá Liên lấy ra một cái lưỡi câu bằng thép lớn  bằng bàn tay, uốn  cong, có ngạnh rất sắc. Tôi chưa từng thấy một lưỡi câu nào to như thế, chắc nó được thửa riêng để “dành” cho những con cá cũng to bằng cỡ con bê.
Đại tá Liên bảo: “ Lưỡi câu như thế này mới tỏ ra “tôn trọng” những loài cá như cá mập, nhà kìm... Nếu lưỡi nhỏ, thép như que tăm thì khác nào “xỉa răng” cho “chúng nó”.

Vị đại tá này đã từng câu được những con cá nặng cỡ một tạ, dài cả mét. Mỗi đêm ông câu vài ba tạ cá là chuyện thường. Nhưng ông có thú câu cá mà lại không thích ăn cá. Dường như với ông, nhấm nháp niềm vui của kẻ chinh phục những loài cá lớn của đại dương cũng đủ rồi chăng?
Đại tá Liên không đi chuyến này  nhưng trên tàu vẫn còn “đệ tử chân truyền” của ông.  Đó là anh Hòa, biệt danh Hòa “hoe”, y sỹ của tàu HQ 996”.

Hòa “hoe” tự giới thiệu với tôi: “Mẹ đẻ rơi anh  sát mép sóng biển của huyện Nghi Xuân – Hà Tĩnh. Từ khi lọt lòng đã quen với sóng biển. Nên đi tàu dù gặp bão to gió lớn cũng không biết say sóng là gì. Anh chỉ say sóng khi cá cũng say sóng thôi. Anh có sở trường: câu cá, uống rượu và nói chuyện tiếu lâm”.

Có vẻ như ngồi với một người có ba sở trường như vậy trên hải trình hơn 10 ngày giữa biển khơi cũng đủ đảm bảo cho một chuyến đi thú vị.

Tàu HQ 996 nhổ neo rời quân cảng Cam Ranh lúc giữa mùa trăng thượng tuần. Tàu mải miết chạy, hai đêm một ngày đã qua, vẫn chưa thấy Hòa hoe  “động thủ”. Hòa bảo: “Cứ bình tĩnh, chờ “thiên thời, địa lợi”.

Tối hôm đó, tàu neo ở bãi san hô gần đảo Trường Sa lớn. Đêm câu cá bắt đầu. Khi trăng bị mây mù che khuất, anh em thủy thủ  kéo hai ngọn đèn ne-ông sáng choang ra sát mép nước ở lan can tàu. Được một lúc, cả cá chuồn từ đâu kéo đến “ăn” ánh sáng. Cá chuồn có vây dài như  cánh chuồn chuồn. Ban ngày, thấy nó bay trên mặt nước  tôi cứ ngỡ đó là  chim.

Cá chuồn bơi lượn trong làn nước xanh biếc, thỉnh thoảng hàng chục con giương vây làm cánh bay là là trên mặt biển.  Nhiều người trong đoàn công tác, lần đầu thấy cảnh tượng này, đứng bên lan can tàu, vỗ tay, reo hò phấn khích.

Anh em thủy thủ cầm vợt, vợt cá chuồn bỏ vào xô rất dễ dàng. Dường như loài cá này thấy ánh sáng đã trở nên mê mị đi, mặc dù bơi giỏi, bay cao, bay xa mà vẫn không thoát được cái vợt nhỏ. Có con có lẽ say ánh sáng quá đã bay thẳng vào  thân tàu, để rồi một lúc sau nổi lềnh phềnh trên mặt nước.
Chỉ một lúc, các thủy thủ đã vớt được hai xô cá chuồn. Số cá chuồn này sẽ được chia làm hai phần, một để nướng ăn, còn lại sẽ làm mồi câu cá.

Đêm về khuya, trăng thượng tuần chỉ còn thứ ánh sáng lờ mờ phía chân trời, chúng tôi ngồi bên hành lang tàu, uống rượu với mẻ cá chuồn vừa nướng xong và chờ thả câu.
Tôi chưa từng được ăn loại cá nướng nào ngon như vậy, thịt thơm, mềm và vị ngọt thật khó tả. Hòa “hoe” bảo: “Loại cá này đặc biệt tăng cường sinh lực đàn ông, nên  nhiều anh em thủy thủ lênh đênh cả tháng trên biển không dám ăn cả chuồn, dù thèm nhỏ dãi”.

Khi trời tối hẳn, cả tàu đã đi ngủ,  Hoa  buông câu với lời giải thích: “Phải chờ trăng mờ, lúc đó ánh đèn mới có sức hấp dẫn các loài cá”. Vèo, cục chì bay xa ra biển làm cuộn dây câu dài 200m trong tay Hòa vợi đi một nửa.

Hòa bảo: “Chỗ này gần bãi san hô nên câu lửng để lưỡi câu không móc vào san hô”. Một lúc sau, dây cước động dậy, Hòa khẽ kéo độ căng dây cước như ước tính trọng lượng của cá và nói như thể “nghe nhạc hiệu, đoán chương trình”: “Con này to đây”. Nét mặt rất tập trung, nhưng Hòa vừa kéo cước vừa nói: “ Đừng tưởng cá cắn câu là ngon ăn, để bắt được nó lên tàu là cả một nghệ thuật đấy.

Khi cá đớp mồi tay ghì nhẹ dây cước. Theo phản xạ, con cá tưởng con mồi chạy thoát thân nên sẽ nuốt vào. Lưỡi câu lúc đó đã nằm trọng bụng cá hoặc mắc vào hàm cá. Khi đó ta sẽ tùy cơ ứng biến, kéo con cá về tàu. Nếu nó phóng đi thì ta phải thả dây câu theo, nhưng phải luôn giữ độ căng, nếu cước chùng cá sẽ tìm cách thoát ra khỏi lưỡi câu. Câu cá cũng như đánh trận, phải biết cương – nhu, tiến thoái, biết hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn”.

Sợi cước to căng như dây đàn. Hoà kéo cước, hai tay nổi đầy gân, nét mặt đầy vẻ  nặng nhọc nhưng miệng vẫn nở nụ cười “thu hoạch”.   Con cá trồi lên mặt nước, thân nó to hơn cái phích, cái đuôi quẫy nước tung tóe. Hoà lựa thế kéo đầu con cá trồi lên mặt nước, một thủy thủ cầm cái móc sắt  cắm phập vào mình cá. Con cá  ngừ  dài cỡ sải tay nằm sóng soài trên boong tàu...

Sáng hôm, cả đoàn công tác vào thăm đảo Nam Yết, tôi cùng Hòa “hoe” lên boong tàu câu cá. Trời nắng gắt, biển xanh, Hòa “hoe” bị đau mắt, vẫn đeo kính đen “ngồi thiền” chờ cá cắn câu. Một lúc sau, Hòa thoăn thoắt kéo dây cước  lên như thể kéo gàu múc nước.

Đáy biển ở đây sâu hàng trăm mét nên Hòa cứ kéo mãi và vẫn chưa thấy tăm cá. Hòa bỗng  dừng tay. Dây cước đã mắc vào mạn tàu, không kéo lên được nữa. Hòa bảo: “Phải xuống ca nô, mới lấy  gỡ được cước”.
Ca nô nổ máy đưa Hoà đến gỡ cước bị mắc ở mạn tàu và tiếp tục kéo lên. Hòa kéo lên  một con cá  to,  vảy vàng chóe lấp lánh trong nắng. Hòa bảo: “Cá hồng này làm lẩu rất ngon, đặc biệt dạ dày của nó ăn miễn chê.

Nghề thủy thủ gian khổ thiệt thòi nhiều, nhưng có những phần thưởng của biển cả: nhiều lúc ăn vi cá mập, tôm hùm, cá ngừ, cá thu... tươi rói đến phát chán nhưng thèm một cọng rau thơm quả ớt tươi chẳng có”.
Hòa thu dây cước: “Nếu câu cá, anh em tôi “ngại” nhất là gặp cá heo, cá nhồng, bởi khi những con cá này xuất hiện thì các đàn cá khác “im thim thít và lặn mất tăm”.

Săn ảnh cá heo

Nhưng cả đoàn công tác trên tàu HQ 996 lại đang rất muốn được gặp cá heo. Nhiều người đã đứng hàng giờ trên boong tàu nhìn chăm chăm xuống biển để mong được trông thấy loài cá thông minh này.
Chờ đợi mãi, cho đến khi tàu đang vừa rời đảo Trường Sa, trên boong bỗng rộ lên tiếng reo hò và vỗ tay. Một đàn cá heo đang đùa giỡn ngay trước mắt chúng tôi. Có con nhảy cả lên mặt nước như vẫy chào đoàn tàu.

Các nhà báo bắt đầu chĩa  máy ảnh, máy quay phim xuống biển. Nhưng lũ cá heo như chơi trò ú tim, vừa đưa máy lên chúng đã lặn xuống biển, rồi sau đó ít phút lại nổi lên trên sóng.
Một đồng nghiệp của tôi đã may mắn quay được video clip cảnh cá heo bơi lội giữa đại dương, dù chỉ có ba phút nhưng đã toát lên vẻ đẹp khoáng đạt, tự nhiên chứ không có gì đó nhân tạo như cá heo bơi trong bể như thường thấy ở các khu nghỉ mát.

Nhưng trong chuyến đi Trường Sa này, chúng tôi đã bắt gặp những khoảnh khắc đẹp mê hồn mà ống kính máy ảnh đành bất lực: Trăng sáng vằng vặc giữa bầu trời trong vắt chiếu rọi xuống, nhuộm vàng cả đại dương. Tàu như bay giữa đại dương trăng.

Ở thềm lục địa phía Nam, đang đi bỗng thấy bừng lên ở phía xa quầng sáng hình con rồng phun lửa từ giàn khoan của mỏ Bạch Hổ, mỏ Đại Hùng...

Vẻ đẹp của Trường Sa nhiều khi không diễn tả được bằng lời, mà khi đã về đất liền rồi, vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc lại càng ám ảnh. Đại tá Nguyễn Văn Liên, sắp nghỉ hưu sau 30 năm gắn bó với Trường Sa, đã thốt lên: “Trường Sa giàu đẹp lắm, ngư trường này rất nhiều hải sản quý, mong ngư dân mình ra đây đánh bắt ngày càng nhiều hơn. Tôi về hưu, sẽ nhớ biển lắm đây. Tôi đã mua sẵn một cái thuyền bê tông để ngày ngày ra dòng sông quê ở Ninh Bình câu cá cho đỡ nhớ biển”.

Theo TP, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống