Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 18 September 2011

Tỉnh Ninh Thuận được bao bọc bởi ba mặt núi và một mặt biển. Phía tây là vùng núi cao giáp Đà Lạt, phía bắc và phía nam có hai dãy núi chạy ra biển. Giữa tỉnh và ven biển là vùng đồng bằng khô cằn nên được mệnh danh là miền Viễn tây của Việt Nam.

Ninh Thuận có vùng lãnh hải rộng 18,5 ngàn km², là một trong những ngư trường quan trọng của Việt Nam với 500 loài hải sản, cho phép khai thác mỗi năm 5-6 vạn tấn. Ninh Thuận cũng là địa phương sản xuất muối lớn nhất cả nước với sản lượng 130 ngàn tấn/năm với các nhà máy sản xuất muối lớn như: Cà Ná, Phương Cựu...



Bên cạnh đó, du lịch cũng là thế mạnh của tỉnh với một số bãi biển đẹp. Ngoài vẻ đẹp say lòng người của biển Ninh Chữ, biển Cà Ná, vùng đất "nắng như Phan, gió như Rang" còn sở hữu những bãi biển đẹp khác như Bình Tiên, bãi Thùng, Phước Dinh...

Bãi biển Ninh Chữ

Bãi biển Ninh Chữ cách trung tâm thị xã Phan Rang- Tháp Chàm 6km về phía Đông và là một trong 9 bãi tắm đẹp của Việt Nam. Thế mạnh của bãi biển này là cát trắng mịn, nước trong xanh, rừng dương xanh ngút ngàn. Từ bãi biển này, bạn có thể rong ruổi sang các địa danh khác như Đầm Nại, núi Đá Chồng, núi Tân An, núi Cà Đú, vịnh Vĩnh Hy....

Bãi biển Bình Tiên

Bãi tắm biển Bình Tiên thuộc xã Công Hải, huyện Ninh Hải. Muốn đến Bình Tiên, từ thành phố Phan Rang theo quốc lộ 1A, đến km 1525 nhìn bên phải có một đường nhỏ mới mở dài khoảng 12 km, đi qua một con suối nhỏ có tên là "Suối Nước Ngọt" là tới Bình Tiên. Bãi tắm này trải dài khoảng 3 km và mang đầy đủ các nét quyến rũ của biển miền Trung với cát mịn, sóng không lớn, nước biển trong và xanh.

Cũng như biển Ninh Chữ, bình minh trên biển Bình Tiên cực đẹp mà đẹp nhất là tại bãi nhỏ Cà Tiên (cách Bình Tiên 1km). Nếu chịu khó dậy sớm và lên núi vào lúc mặt trời từ từ nhô lên từ biển, những tia nắng màu cam rọi thẳng lên những mỏm đá như một bức tranh tuyệt vời của tạo hoá.

Bãi biển Cà Tiên

Bãi biển Cà Tiên có chiều dài 3,8km, sở hữu bãi tắm lý tưởng với bờ cát trắng mịn, độ dốc thấp, sóng nhẹ và những hàng dừa xanh ngát vươn mình ra biển. Vào mùa nắng, sóng ở đây rất mạnh, phù hợp cho môn thể thao lướt sóng, ca nô...

Bãi biển Từ Thiện

Biển Từ Thiện toạ lạc tại phía bắc Mũi Dinh, Ninh Phước, Ninh Thuận. Với những ưu điểm như nước trong xanh và gần như không có sóng, biển Từ Thiện là bãi tắm lý tưởng cho trẻ em, người già và người khuyết tật. Ngoài việc tắm biển, bạn có thể tổ chức nhiều hoạt động thể thao hay ngắm các đợt sóng đập mạnh vào đê chắn sóng.

Bãi biển Phước Dinh

Bãi biển phước Dinh dài 5km, thuộc huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Trái với độ êm dịu và gần như không có sóng của biển Từ Thiện, biển Phước Dinh có độ dốc cao và những đợt sóng lớn.

Với những đặc trưng như thế, bãi biển này thích hợp để phát triển các họat động du lịch thể thao biển như lướt ván, lướt sóng, lặn... hơn là vui chơi tắm biển.

Biển Sơn Hải

Xuôi theo theo quốc lộ 1 về hướng Cà Ná, cách Phan Rang khoảng 15km rẽ trái ở Phước Nam, rồi chạy thẳng qua Phước Lập, Bàu Ngư xuống sẽ đến biển Sơn Hải (thuộc thôn Sơn Hải thuộc, xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận).

Mang vẻ đẹp của những đồi cát ngút ngàn, những tảng đá vôi chắn sóng nhiều hình dáng, rừng cây nem bao bao, mỗi góc nhìn của bãi biển Sơn Hải mang đến cho bạn những vẻ đẹp khác nhau. Nước biển ở đây xanh ngắt, chỗ êm đềm chỗ đập tung vào đá, tung bọt trắng xoá. Trong cái bao la của những đợt gió biển, thưởng thức những chú cá vừa câu lên sẽ mang đến cảm giác thư giãn hoàn toàn.

Bãi biển Tuấn Tú

Bãi biển Tuấn Tú tọa lạc phía sau làng văn hóa Tuấn Tú, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Chưa được đưa vào khai thác du lịch biển nên biển ở đây còn khá hoang sơ song vẫn mang lại cảm giác thân thiện và an toàn với những đợt sóng nhẹ, mực nước cạn. Ngoài tắm biển, vui chơi, bạn có thể khám phá động cát Tuấn Tú, hay phơi mình trong làn nước cao 12m của thác Đá Sối.

Bãi Thùng

Đi về phía đông nam bãi Cà Tiên hoặc phía nam mũi Đá Vách bạn sẽ gặp Bãi Thùng hay còn được gọi là Vũng Thùng. Bãi biển này có độ dài khỏang 400m, và có độ sâu vừa phải. Gần bờ là cát pha ít mảnh san hô vỡ, xa hơn là mặt đá bị mòn tạo nên những phiến đá bằng phẳng, rất độc đáo. Sóng ở đây không lớn, nước trong xanh thích hợp cho việc bơi lặn hay thám hiểm thủy cung...

Bãi tắm Cà Ná

Biển xanh, cát trắng, ghềnh đá, núi non... cộng với các tuyến đường giao thông Cà Ná thuận tiện cho du khách đến tham quan khám phá.

Đến đây, ngoài tắm biển, bạn có thể khám phá các hang động kỳ bí như: hang Ông Phật, ghềnh Ông Nồng, giếng Đục... Đừng quên thưởng thức những đặc sản tươi ngon của nơi đây.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ BĐVN, Wikipedia...
Nằm trên quốc lộ 14, cách Sài Gòn 225km, Buôn Ma Thuột 120km, đô thị Gia Nghĩa đang tìm lại bóng dáng của chính mình.

Một nhà văn nổi tiếng trước đây đã lưu lại hình ảnh Gia Nghĩa, tỉnh lỵ tỉnh Quảng Đức qua một tạp ghi đô thị hoang sơ: "Trong ánh điện đã được thắp lên, thỉnh thoảng lại vọng về tiếng mang tác; con nhím, con chồn vội vàng băng qua đường, vô bụi rậm". Ba mươi lăm năm sau, khi Gia Nghĩa  trở thành thị xã tỉnh lỵ của tỉnh mới Đăk Nông, hình ảnh trên vẫn còn  đây đó...

Người TP.HCM vẫn còn quen câu ca "Đăk Nông còn nhớ không" bởi vì sau năm 1975 Gia Nghĩa là thị trấn của cả vùng Đăk Nông bao la, nơi lực lượng thanh niên xung phong lên lập nghiệp, nhiều lãnh đạo chủ chốt của TP.HCM hiện nay đã trưởng thành từ đây.

Năm 1985, Đăk Nông được chia thành ba huyện Đăk R'Lấp, Đăk Nông và Đăk Song (tính từ phía miền Đông Nam bộ đi lên).

Đầu năm 2004, khi Đăk Lăk tách thành hai tỉnh, huyện Đăk Nông trở thành hai đơn vị hành chính mới là thị xã Gia Nghĩa và huyện Đăk G'Long. Phần huyện Đăk Lấp cũng được tách ra thành hai, thêm  huyện mới mang tên Tuy Đức. Tiếng dân tộc, Đăk là nước, chữ đi sau thường là tên một ngọn núi hay một dòng sông. Riêng chữ G'Long là danh từ chung, chỉ một nàng thiếu nữ.

Lối nhỏ tạo đường lớn

Nhiều người cho rằng thị xã Gia Nghĩa ra đời và tồn tại chính vì vị trí địa lý xung yếu của nó. Từ phía Bình Dương lên, người, voi thồ hàng (nay là xe tải) đều cần một chỗ dừng chân trước khi lên dốc cao.

Đăk Song có cửa khẩu biên giới với Campuchia, tại điểm này lại có lối mòn về hướng đông vượt sông Đồng Nai về thị trấn Di Linh (Lâm Đồng). Đường tạo nên từ những dấu chân thú rừng và những người "phá sơn lâm đâm thuồng luồng".

Những trảng đất bằng phẳng của cao nguyên Đăk Nông nằm trên độ cao 900m với những ngọn núi dựng đứng, vách đá lộ suối chảy. Cách Gia Nghĩa 40km trên đường ra Buôn Ma Thuột là cột mốc người Pháp dựng nên để phân chia ba biên giới Nam kỳ, Trung kỳ và Campuchia, nên từ lâu Đăk Nông còn được gọi là "cao nguyên ba biên giới". Trước đây cao nguyên này nối liền với cao nguyên Bảo Lộc - Di Linh phía Lâm Đồng thành một dải. Nhờ có quốc lộ 20 Sài Gòn - Đà Lạt nên Bảo Lộc - Di Linh sớm sầm uất với những đồn điền chè, cà phê. Còn phía Đăk Nông chỉ có đường Trường Sơn bom đạn ngút trời, dân cư thưa thớt...

Năm 1990, đường quốc lộ 14 được nâng cấp phục hồi, đoạn 100km đường từ Gia Nghĩa sang Di Linh nối thêm luôn 90km về phía đông xuống thẳng Phan Thiết. Có thể nói đây là thị xã lợi thế nhất Nam Tây Nguyên vì là điểm nối các đường đi Phan Thiết, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Đồng Xoài.

Ngọn thác mời gọi

Gia Nghĩa hiện có khoảng 50.000 dân từ đủ miền đất nước đến sinh cơ lập nghiệp, cơ sở vật chất, hạ tầng còn đang xây dựng. Ông Trần Phương, phó chủ tịch phụ trách khối xây dựng của tỉnh nói theo quy hoạch, đô thị Gia Nghĩa cũng khống chế ở mức cao nhất là 100.000 dân.

Vì sao vậy? Nguyên do là cán bộ và kể cả người dân ở đây vẫn còn thích thú với bản đề án quy hoạch thị xã Gia Nghĩa do kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ lập trước kia.

Theo đó Gia Nghĩa sẽ là một thị xã nghỉ mát, du lịch, như một Đà Lạt thứ hai. Bên các đường phố dốc cao ngất là những ngôi biệt thự kiến trúc theo phong cách Việt Nam, chứ không như Đà Lạt mang dáng dấp Âu Tây.

Đường từ Di Linh qua Đăk Nông, nay là quốc lộ 28 có lẽ là một trong những con đường đẹp nhất. Đường hình thành khá nhanh để phục vụ xây dựng hai công trình thuỷ điện lớn là  Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4. Đẹp vì những đoạn khúc khuỷu bất ngờ. Sông Đa Đung, một trong hai nhánh chính của sông Đồng Nai vùng thượng nguồn hẹp, bên triền núi bất ngờ, hoa gạo rưng rưng niềm nhớ nhung. Và những cây kơ nia với gốc to kềnh, nhánh vạm vỡ, tán cây xanh rộng như biểu tượng của Tây Nguyên hùng vĩ.

Đăk Nông còn tự hào là một vùng cao nguyên phát nguồn hai dòng  sông lớn. Từ huyện Krông Nô ở phía đông bắc, hai dòng Krông Nô và Krông Ana hợp thành Sêrêpok chảy ngược về hướng tây qua đất Campuchia rồi đổ vào sông Mê Kông. Trên ghềnh đá có Dray Sap là thác khói. Dray Sap mang dáng dấp như thác Gougah ở dòng Đa Nhim nhưng hùng vĩ hơn, bên dưới  thác lại có hồ đá. Cách vài cây số là thác Gia Long, cây cầu sắt và nền móng của ngôi biệt thự đổ nát vẫn còn đó.  Nay thác đã có các nhà thầu là các chủ khách sạn ở Buôn Ma Thuột về khai thác. Họ chuẩn bị sẵn lều trại và sẵn sàng nấu ăn cho du khách.

Người đến đây có thể nằm trên đá, trên bờ cát sạch, xuống sông bơi rồi lại chui vô lều. Tất cả đều hoang dã.

Cao nguyên Đăk Nông còn là nơi khởi nguồn của nhánh mang tên Đăk Tik và Đăk R'Lấp xuống hợp nên dòng sông Bé của miền Đông. Thác Đăk Tik  nằm giáp ranh thị xã Gia Nghĩa, còn có tên Lệ Thanh mà người ta gọi trại là Diệu Thanh. Thác từ đỉnh đá lao xuống vực sâu 30m. Trong ngầm có những hang sâu cùng đá tảng, dưới chân thác là khoảng mênh mông nước, đá nhấp nhô chia dòng chảy ra nhiều ngả. Đứng trên cao có thể bao quát cả một vùng cao nguyên Đăk Nông và thị xã Gia Nghĩa nhấp nhô nhà, phố đang xây.

Khai khoáng và du lịch

Gia Nghĩa còn hoang vu, hình dáng tương lai sẽ ra sao, kinh tế chính nơi đây là gì - nhiều câu hỏi được đặt ra khi bạn chọn nơi này lập nghiệp. Nhiều người ôm giấc mơ công nghiệp luyện nhôm sẽ làm thay đổi ấn tượng về Gia Nghĩa. Tỉnh Đăk Nông tập trung vùng mỏ boxit lớn nhất, với trữ lượng khoảng 4 triệu tấn, lớn thứ nhì thế giới (chỉ sau vùng mỏ Nam Phi).

Bô xít Đăk Nông xuất lộ ở nhiều vùng. Các đoàn khai khoáng, luyện kim của Trung Quốc, Úc, Hà Lan cũng đã đến thăm dò. Trung Quốc đưa ra dự án hơn một tỉ USD, bao gồm cả việc đầu tư một tuyến đường xe lửa từ Đăk Nông về tới Chơn Thành của tỉnh Bình Phước để theo đường sắt về Dĩ  An - Biên Hoà rồi từ đó vận chuyển ra cảng nước sâu Thị Vải ở Bà Rịa. Một số mỏ bô xít đã bắt đầu được khai khoáng.

Nếu trở thành một tỉnh luyện nhôm, khoảng trời tỉnh lỵ Gia Nghĩa lại càng thêm giá trị. Không xa thác Diệu Thanh là cầu Đăk Tik. Theo quy hoạch, cầu Đăk Tik sẽ là tâm điểm của thị xã. Cầu lớn, cong mình trên cao, dưới là dòng nước chảy. Một hồ nước nhân tạo kiểu hồ Xuân Hương - Đà Lạt cũng đã được quy hoạch gần đó.

Gia Nghĩa đang đi tìm bóng mình. Một nhà hàng, khách sạn mang tên Sài Gòn đã được mở. Anh Nguyễn Thanh Bình, chủ một vựa hoa lan cây kiểng từ Bảo Lộc lên lập nghiệp vẫn chuyên nghề ươm giống. Nhưng anh chọn cây rừng có giá trị để sau này có thể làm kiểng. Một cây con lộc vừng giá nuôi lớn trong chậu vài ba năm bán giá vài triệu đồng. Và đủ thứ gốc cây rừng hoang dại còn lại sau khi khai thác gỗ, anh mua về tạo dáng trong chậu kiểng. Anh nói thị xã mới rất cần cây kiểng đẹp, anh sẽ góp phần cho Gia Nghĩa giữ được nét hoang sơ trong vườn kiểng.

Du lịch, GO! - Theo SGTT, internet
Là hoa sen nhưng không mọc dưới đầm, chẳng mọc dưới ao mà tỏa hương ngào ngạt ngay trong sân chùa. Những bông hoa trắng tinh, thanh khiết, chen giữa những búp lá non xanh khiến khách phương xa cứ ngẩn ngơ vì quá đẹp, quá lạ. Người ta gọi loài hoa này là hoa sen cạn hay lục liên và theo người dân địa phương, lục liên chỉ trồng được trong khuôn viên chùa Bối Khê, Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội, tuyệt nhiên không trồng được ở nơi khác, dù ngay trên đất làng.

Ngôi chùa cổ kính
Chùa Bối Khê, tên chữ là Đại Bi, ở làng Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Đây là một ngôi chùa cổ được khởi dựng từ thời Trần (thế kỷ thứ XIV), thờ Đức Thánh Bối Nguyễn Đình An là người địa phương đã có công đánh bại quân xâm lược phương Bắc. Chùa Bối Khê không những là di tích lịch sử quý về niên đại mà còn có kiến trúc bằng gỗ rất đẹp.

Chùa được bố cục theo lối đặc biệt: Tiền đường, tả hữu hành lang và nhà Tam bảo dựng theo kiểu chữ Quốc. Nhà Hậu đường được kết hợp với điện thờ Thánh làm thành chữ Công. Toàn bộ kiến trúc được sắp xếp cân xứng hai bên theo một trục chính.

Từ đường cái nhìn vào, cách cổng chùa 50m về phía tay trái là lăng Quận công Lê Tiến Quý, người thôn Bối Khê (thời Lê Trung Hưng), phía tay phải là đền thờ Đức Ông. Trước cổng chùa là khoảng sân rộng, có cây đa, cây đề cổ thụ.

Cổng chùa có 5 cửa, 1 cửa chính và 4 cửa phụ. Qua cổng chùa là chiếc cầu nhỏ xây bằng gạch, vắt ngang hào nước hẹp thả bèo xanh mướt, dẫn tới Tam quan cao 2 tầng, 8 mái. Tầng trên treo 2 quả chuông lớn, mỗi quả cao 1m, đường kính 20cm. Hai bên tam quan có trồng 2 cây đại lớn, trổ hoa màu hồng rất đẹp. Qua khỏi tam quan là sân gạch rộng, có lư hương bằng đá ở giữa, xung quanh trồng cây đại, cây móng rồng và nhiều cây cảnh khác.

Kiến trúc chùa không được chạm khắc nhiều song đây là một ngôi chùa còn ghi lại những mô típ kiến trúc gỗ có chạm khắc những họa tiết, những hình chim thuộc phong cách nghệ thuật thời cuối Trần (thế kỷ thứ XIV – XV).

Đáng chú ý nhất về kiến trúc là tòa Tam bảo thờ Phật, Pháp, Tăng gồm ba gian, được cấu tạo theo 4 hàng cột, mỗi hàng có 4 chiếc, riêng thềm điện có 6 cột đỡ mái chia thành 7 gian.  Hai vì kèo giữa còn mang phong cách nghệ thuật Trần đậm nét, các đầu bẩy đỡ mái ở phía bên ngoài được chạm khắc hình rồng, đầu bẩy góc bên trái phía ngoài chạm một chim thần Garuđa. Tòa Tam bảo nay tuy đã được sửa chữa nhiều lần nhưng về cơ bản, cấu trúc kiến trúc vẫn còn giữ được những nét độc đáo và cổ kính. Bên phải Tam bảo là nhà bia dựng năm 1450 ghi sự tích đức Thánh Bối.

Sau Tam bảo là Hậu cung thờ Thánh, kiến trúc theo lối chồng diêm 2 tầng 8 mái. Hệ thống đầu đệm có tính chất trang trí nhiều hơn là chú ý về độ bền chắc. Bên trong điện thờ thánh có những mảng kiến trúc chạm khắc theo chủ đề tứ linh, tứ quý, vân hoa cùng các loại họa tiết hình học, đặc biệt là những đường gãy khúc.

Chùa Bối Khê còn giữ lại được nhiều di vật quý: bệ tượng bằng đá được chạm khắc hình rồng, chim thần, hoa lá… có niên đại Sương phù lục niên (1382). Trong chùa có nhiều tượng phật, trong đó đáng chú ý nhất là pho tượng quan âm 12 tay ngồi trên tòa sen đặt ở Tam bảo. Hai hành lang chạy dọc, mỗi bên 9 gian, có 18 vị La Hán ngồi trên bệ đá, thể hiện đủ gương mặt tương tự các vị La Hán chùa Tây Phương.
Có hay không một loài sen trên cạn?

Hiện ở chùa Bối Khê có 3 cây sen đất, 1 cây tổ cao chừng 5m, trồng cạnh Hậu cung thờ Thánh và 2 cây con cao khoảng 2m được chiết từ cây tổ và trồng gần Tam quan.

Hai cây con là hai trong số bốn chục cành được chiết từ cây tổ vẫn đơm hoa nở lộc tốt. Ba mươi tám cành kia, người ta đem đi nơi khác trồng đều không sống nổi, hoài công những kẻ yêu loài hoa này. Chỉ có duy nhất hai cành được trồng trước cổng chùa là thành cây, có lẽ chúng được ở gần cây mẹ, ở gần nơi cửa phật và được hưởng nguồn nước ngọt lành của dòng sông Đỗ Động. Giờ cành của hai cây đã vươn tới sát mái chùa, mùa nào đến tháng năm âm lịch cũng cho hoa cho dù đôi lúc con người vô ý làm cây đau lòng.

Bác Nguyễn Mạnh Hùng, trưởng ban bảo vệ di tích chùa Bối Khê là người có công lớn nhất chăm chút cho hai cây sen này lớn lên kể lại: Mấy năm trước, nhà chùa được tu sửa lại, thợ xây vô tâm lắm, đổ hết vật liệu đè lên gốc cây. Xót xa lắm chứ, người ta đâu biết rằng giống cây này là bảo bối của làng chúng tôi. Ba năm trời trùng tu chùa là ba năm họ bừa ra tôi lại dọn lại để có chỗ chăm bẵm, tưới tắm hàng ngày.
Bây giờ, để bảo tồn linh vật của làng, các bô lão Bối Khê đã nhóm họp nhiều lần và quyết định không cho phép ai giâm chiết cành cây quý đi nơi khác nữa.

Cây sen đất thân mộc. Lá cây mặt trên xanh bóng, mặt dưới có lông mịn màu nâu nhạt. Hoa sen đất từ khi đơm nụ đến khi bung cánh đều có hình dáng rất giống với hoa sen nước. Mùa hoa sen khoảng từ tháng tư đến tháng sáu âm lịch, hoa nở 1-2 tuần mới tàn và có mùi thơm. Thời điểm này, cả 3 cây đều đang trổ hoa. Đứng dưới gốc cây, có thể ngửi thấy mùi thơm rất dễ chịu.

Không ai biết chính xác cây sen tổ được trồng từ khi nào. Theo lời người bảo vệ già trong chùa thì khi ông sinh ra, trong khuôn viên chùa đã có sự hiện diện của loài sen kỳ lạ này. Những người già trong làng truyền lại rằng cây sen tổ có nguồn gốc từ nước ngoài, được những người dân trong vùng đi buôn bán ở nơi xa đưa về trồng trong chùa.

Người dân Việt Nam đã quen thuộc với câu ca dao “Hôm qua tát nước đầu đình / Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”. Trong khi hầu hết mọi người cho rằng  “cành hoa sen” đó chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng phong phú cho câu ca thêm phần lãng mạn, bởi hoa sen làm gì có cành; thì người dân làng Bối Khê lại tin rằng cành hoa sen được nhắc tới trong câu ca dao chính là cành cây sen đất trong khuôn viên chùa.

Trên báo chí đã có ý kiến cho rằng cây sen đất thực ra không phải là cây hoa sen (lotus) mà là cây mộc lan (magnolia) thường gặp ở xứ lạnh, và cái tên sen đất chẳng qua là do người dân địa phương thấy bông hoa có hình dáng giống hoa sen nên gọi như vậy.

Chưa có kết luận chính xác nhưng với người dân nơi đây, họ vẫn luôn tin đó là loài hoa được nhắc đến trong câu ca dao nổi tiếng. Và khách thập phương đến thăm chùa Bối Khê vẫn biết đến loài hoa có màu trắng ngần và mùi thơm tinh khiết này với cái tên là Hoa Sen Đất.

Trầm ngâm trong cái không gian tĩnh mịch của nhà chùa, sự thanh thản của tâm hồn theo làn khói hương trong cửa phật, tôi bỗng ngẩn ngơ cho cái ý chủ quan của mình: Có lẽ nơi đây là chính là ngọn nguồn, là cảm hứng cho dân gian sáng tác ra những câu ca dao: Hôm qua tát nước đầu đình/Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen ở trên hay cả câu ca rất đỗi thân thuộc của người trai, người gái thôn quê: Lên chùa bẻ một cành sen/ Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng…

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Congan, EvaVN, Vietbao, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống