Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 18 September 2011

Núi Tà Cú cao 649 m, nằm ven Quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, cách Phan Thiết 28 km về phía Nam là một thắng cảnh và là một điểm leo núi của tỉnh Bình Thuận.

Xưa kia đây là một ngọn núi lửa thuộc đệ nhất nguyên đại nên trong đất có vàng sa khoáng và sulfur với nhiệt độ trung bình nơi đây từ 18 đến 22°C.

Địa danh Tà Cú không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng đây là âm ngữ địa phương của vùng đất Chiêm Thành xưa đặt tên cho ngọn núi khá cao và đẹp này. Tà Cú có quần thể đa dạng với nhiều loài động vật quý hiếm: gà tiền mặt đỏ, gà lội hồng tía, trĩ sao... và muôn vàn kỳ hoa, dị thảo: nhất điểm hồng, thạch lan, hồ điệp...

Rừng xanh chập chùng, những dòng suối trong vắt, róc rách chảy ra từ triền núi, khí hậu mát mẻ quanh năm... tất cả hòa quyện vào nhau, đem đến cảm giác thư thái, tĩnh tâm.

Sẽ bình yên hơn khi du khách chợt nghe tiếng chuông chùa ngân vang từ Cổ tự Linh Sơn Trường Thọ.

Gắn liền với núi rừng Tà Cú, ngôi chùa được Tổ sư Trần Hữu Đức lập nên vào cuối thế kỷ 18.

Trên bước đường hành đạo, Tổ sư Trần Hữu Đức đã chọn Tà Cú làm nơi dừng chân, dựng một thảo am nhỏ để tu hành và bốc thuốc trị bệnh cho người dân trong vùng.

Tương truyền, vào thời vua Tự Đức (1880), Tổ sư Trần Hữu Đức đã giúp Hoàng thái hậu Từ Dũ vượt qua căn bệnh hiểm nghèo mà các danh y trong triều đều bó tay.

Cảm phục y đức của tổ sư, vua Tự Đức đã sắc phong bốn chữ “Linh Sơn Trường Thọ” cho nơi tổ sư sáng lập và tu tịnh.

Du khách khi đến với núi Tà Cú còn có dịp chiêm ngưỡng công trình nghệ thuật độc đáo “Đức Phật nhập Niết Bàn” với chiều dài 49m, cao gần 7m.

Tượng được xây dựng vào năm 1962, với tư thế nằm nghiêng, lưng tựa vào vách núi, mắt nhìn ra biển.

Vào những ngày trời quang, từ chùa Tà Cú du khách có thể phóng tầm mắt để nhìn toàn cảnh biển trời, những vườn thanh long bạt ngàn, những dải cát trắng trải dài, xa xa là Hòn Bà với truyền thuyết bà Chúa Ngọc linh thiêng và thêm thị xã La Gi với cảng biển lớn nhất Bình Thuận...

Ngày trước, chỉ có một lối mòn duy nhất đã có từ xưa để khách bộ hành tham quan núi rừng Tà Cú nhưng giờ đây đã có hệ thống cáp treo hiện đại giúp người tham quan lên đỉnh dễ dàng hơn.

Nếu leo núi theo kiểu trekking: muốn lên tới đỉnh ngọn núi nằm trong khu rừng cấm thì du khách có thể cần 2 giờ để vượt qua 2.290 m đường dốc. Bằng Lăng là đoạn dốc cao nhất, nghiêng 45°.

Còn muốn nhẹ nhàng, du khách có thể ngồi 10 phút trong cabin "bay" theo đoạn dây cáp dài 1.600 m ở độ cao 500m, lướt trên những tán rừng  xanh để tận hưởng cảm giác bình yên giữa thiên nhiên hùng vĩ.

Lên đỉnh Tà Cú, điều thú vị hơn hết là chúng ta có được cảm giác hòa mình với thiên nhiên núi rừng, nhìn ngắm rừng nguyên sinh bao la từ trên cao, cảnh vật như rộng mở trước mắt.

Càng lên cao, khí trời càng mát mẻ thông thoáng. Vừa ngắm nhìn những cánh chim bay lượn qua rừng cây, nhìn xuống chân đồi và cảnh rừng núi trùng trùng điệp điệp bên dưới với mây trắng vây phủ, sẽ có cảm tưởng ta đang vào xứ thần tiên.

Du lịch, GO! - Tổng hợp
Tỉnh Ninh Thuận được bao bọc bởi ba mặt núi và một mặt biển. Phía tây là vùng núi cao giáp Đà Lạt, phía bắc và phía nam có hai dãy núi chạy ra biển. Giữa tỉnh và ven biển là vùng đồng bằng khô cằn nên được mệnh danh là miền Viễn tây của Việt Nam.

Ninh Thuận có vùng lãnh hải rộng 18,5 ngàn km², là một trong những ngư trường quan trọng của Việt Nam với 500 loài hải sản, cho phép khai thác mỗi năm 5-6 vạn tấn. Ninh Thuận cũng là địa phương sản xuất muối lớn nhất cả nước với sản lượng 130 ngàn tấn/năm với các nhà máy sản xuất muối lớn như: Cà Ná, Phương Cựu...



Bên cạnh đó, du lịch cũng là thế mạnh của tỉnh với một số bãi biển đẹp. Ngoài vẻ đẹp say lòng người của biển Ninh Chữ, biển Cà Ná, vùng đất "nắng như Phan, gió như Rang" còn sở hữu những bãi biển đẹp khác như Bình Tiên, bãi Thùng, Phước Dinh...

Bãi biển Ninh Chữ

Bãi biển Ninh Chữ cách trung tâm thị xã Phan Rang- Tháp Chàm 6km về phía Đông và là một trong 9 bãi tắm đẹp của Việt Nam. Thế mạnh của bãi biển này là cát trắng mịn, nước trong xanh, rừng dương xanh ngút ngàn. Từ bãi biển này, bạn có thể rong ruổi sang các địa danh khác như Đầm Nại, núi Đá Chồng, núi Tân An, núi Cà Đú, vịnh Vĩnh Hy....

Bãi biển Bình Tiên

Bãi tắm biển Bình Tiên thuộc xã Công Hải, huyện Ninh Hải. Muốn đến Bình Tiên, từ thành phố Phan Rang theo quốc lộ 1A, đến km 1525 nhìn bên phải có một đường nhỏ mới mở dài khoảng 12 km, đi qua một con suối nhỏ có tên là "Suối Nước Ngọt" là tới Bình Tiên. Bãi tắm này trải dài khoảng 3 km và mang đầy đủ các nét quyến rũ của biển miền Trung với cát mịn, sóng không lớn, nước biển trong và xanh.

Cũng như biển Ninh Chữ, bình minh trên biển Bình Tiên cực đẹp mà đẹp nhất là tại bãi nhỏ Cà Tiên (cách Bình Tiên 1km). Nếu chịu khó dậy sớm và lên núi vào lúc mặt trời từ từ nhô lên từ biển, những tia nắng màu cam rọi thẳng lên những mỏm đá như một bức tranh tuyệt vời của tạo hoá.

Bãi biển Cà Tiên

Bãi biển Cà Tiên có chiều dài 3,8km, sở hữu bãi tắm lý tưởng với bờ cát trắng mịn, độ dốc thấp, sóng nhẹ và những hàng dừa xanh ngát vươn mình ra biển. Vào mùa nắng, sóng ở đây rất mạnh, phù hợp cho môn thể thao lướt sóng, ca nô...

Bãi biển Từ Thiện

Biển Từ Thiện toạ lạc tại phía bắc Mũi Dinh, Ninh Phước, Ninh Thuận. Với những ưu điểm như nước trong xanh và gần như không có sóng, biển Từ Thiện là bãi tắm lý tưởng cho trẻ em, người già và người khuyết tật. Ngoài việc tắm biển, bạn có thể tổ chức nhiều hoạt động thể thao hay ngắm các đợt sóng đập mạnh vào đê chắn sóng.

Bãi biển Phước Dinh

Bãi biển phước Dinh dài 5km, thuộc huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Trái với độ êm dịu và gần như không có sóng của biển Từ Thiện, biển Phước Dinh có độ dốc cao và những đợt sóng lớn.

Với những đặc trưng như thế, bãi biển này thích hợp để phát triển các họat động du lịch thể thao biển như lướt ván, lướt sóng, lặn... hơn là vui chơi tắm biển.

Biển Sơn Hải

Xuôi theo theo quốc lộ 1 về hướng Cà Ná, cách Phan Rang khoảng 15km rẽ trái ở Phước Nam, rồi chạy thẳng qua Phước Lập, Bàu Ngư xuống sẽ đến biển Sơn Hải (thuộc thôn Sơn Hải thuộc, xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận).

Mang vẻ đẹp của những đồi cát ngút ngàn, những tảng đá vôi chắn sóng nhiều hình dáng, rừng cây nem bao bao, mỗi góc nhìn của bãi biển Sơn Hải mang đến cho bạn những vẻ đẹp khác nhau. Nước biển ở đây xanh ngắt, chỗ êm đềm chỗ đập tung vào đá, tung bọt trắng xoá. Trong cái bao la của những đợt gió biển, thưởng thức những chú cá vừa câu lên sẽ mang đến cảm giác thư giãn hoàn toàn.

Bãi biển Tuấn Tú

Bãi biển Tuấn Tú tọa lạc phía sau làng văn hóa Tuấn Tú, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Chưa được đưa vào khai thác du lịch biển nên biển ở đây còn khá hoang sơ song vẫn mang lại cảm giác thân thiện và an toàn với những đợt sóng nhẹ, mực nước cạn. Ngoài tắm biển, vui chơi, bạn có thể khám phá động cát Tuấn Tú, hay phơi mình trong làn nước cao 12m của thác Đá Sối.

Bãi Thùng

Đi về phía đông nam bãi Cà Tiên hoặc phía nam mũi Đá Vách bạn sẽ gặp Bãi Thùng hay còn được gọi là Vũng Thùng. Bãi biển này có độ dài khỏang 400m, và có độ sâu vừa phải. Gần bờ là cát pha ít mảnh san hô vỡ, xa hơn là mặt đá bị mòn tạo nên những phiến đá bằng phẳng, rất độc đáo. Sóng ở đây không lớn, nước trong xanh thích hợp cho việc bơi lặn hay thám hiểm thủy cung...

Bãi tắm Cà Ná

Biển xanh, cát trắng, ghềnh đá, núi non... cộng với các tuyến đường giao thông Cà Ná thuận tiện cho du khách đến tham quan khám phá.

Đến đây, ngoài tắm biển, bạn có thể khám phá các hang động kỳ bí như: hang Ông Phật, ghềnh Ông Nồng, giếng Đục... Đừng quên thưởng thức những đặc sản tươi ngon của nơi đây.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ BĐVN, Wikipedia...
Nằm trên quốc lộ 14, cách Sài Gòn 225km, Buôn Ma Thuột 120km, đô thị Gia Nghĩa đang tìm lại bóng dáng của chính mình.

Một nhà văn nổi tiếng trước đây đã lưu lại hình ảnh Gia Nghĩa, tỉnh lỵ tỉnh Quảng Đức qua một tạp ghi đô thị hoang sơ: "Trong ánh điện đã được thắp lên, thỉnh thoảng lại vọng về tiếng mang tác; con nhím, con chồn vội vàng băng qua đường, vô bụi rậm". Ba mươi lăm năm sau, khi Gia Nghĩa  trở thành thị xã tỉnh lỵ của tỉnh mới Đăk Nông, hình ảnh trên vẫn còn  đây đó...

Người TP.HCM vẫn còn quen câu ca "Đăk Nông còn nhớ không" bởi vì sau năm 1975 Gia Nghĩa là thị trấn của cả vùng Đăk Nông bao la, nơi lực lượng thanh niên xung phong lên lập nghiệp, nhiều lãnh đạo chủ chốt của TP.HCM hiện nay đã trưởng thành từ đây.

Năm 1985, Đăk Nông được chia thành ba huyện Đăk R'Lấp, Đăk Nông và Đăk Song (tính từ phía miền Đông Nam bộ đi lên).

Đầu năm 2004, khi Đăk Lăk tách thành hai tỉnh, huyện Đăk Nông trở thành hai đơn vị hành chính mới là thị xã Gia Nghĩa và huyện Đăk G'Long. Phần huyện Đăk Lấp cũng được tách ra thành hai, thêm  huyện mới mang tên Tuy Đức. Tiếng dân tộc, Đăk là nước, chữ đi sau thường là tên một ngọn núi hay một dòng sông. Riêng chữ G'Long là danh từ chung, chỉ một nàng thiếu nữ.

Lối nhỏ tạo đường lớn

Nhiều người cho rằng thị xã Gia Nghĩa ra đời và tồn tại chính vì vị trí địa lý xung yếu của nó. Từ phía Bình Dương lên, người, voi thồ hàng (nay là xe tải) đều cần một chỗ dừng chân trước khi lên dốc cao.

Đăk Song có cửa khẩu biên giới với Campuchia, tại điểm này lại có lối mòn về hướng đông vượt sông Đồng Nai về thị trấn Di Linh (Lâm Đồng). Đường tạo nên từ những dấu chân thú rừng và những người "phá sơn lâm đâm thuồng luồng".

Những trảng đất bằng phẳng của cao nguyên Đăk Nông nằm trên độ cao 900m với những ngọn núi dựng đứng, vách đá lộ suối chảy. Cách Gia Nghĩa 40km trên đường ra Buôn Ma Thuột là cột mốc người Pháp dựng nên để phân chia ba biên giới Nam kỳ, Trung kỳ và Campuchia, nên từ lâu Đăk Nông còn được gọi là "cao nguyên ba biên giới". Trước đây cao nguyên này nối liền với cao nguyên Bảo Lộc - Di Linh phía Lâm Đồng thành một dải. Nhờ có quốc lộ 20 Sài Gòn - Đà Lạt nên Bảo Lộc - Di Linh sớm sầm uất với những đồn điền chè, cà phê. Còn phía Đăk Nông chỉ có đường Trường Sơn bom đạn ngút trời, dân cư thưa thớt...

Năm 1990, đường quốc lộ 14 được nâng cấp phục hồi, đoạn 100km đường từ Gia Nghĩa sang Di Linh nối thêm luôn 90km về phía đông xuống thẳng Phan Thiết. Có thể nói đây là thị xã lợi thế nhất Nam Tây Nguyên vì là điểm nối các đường đi Phan Thiết, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Đồng Xoài.

Ngọn thác mời gọi

Gia Nghĩa hiện có khoảng 50.000 dân từ đủ miền đất nước đến sinh cơ lập nghiệp, cơ sở vật chất, hạ tầng còn đang xây dựng. Ông Trần Phương, phó chủ tịch phụ trách khối xây dựng của tỉnh nói theo quy hoạch, đô thị Gia Nghĩa cũng khống chế ở mức cao nhất là 100.000 dân.

Vì sao vậy? Nguyên do là cán bộ và kể cả người dân ở đây vẫn còn thích thú với bản đề án quy hoạch thị xã Gia Nghĩa do kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ lập trước kia.

Theo đó Gia Nghĩa sẽ là một thị xã nghỉ mát, du lịch, như một Đà Lạt thứ hai. Bên các đường phố dốc cao ngất là những ngôi biệt thự kiến trúc theo phong cách Việt Nam, chứ không như Đà Lạt mang dáng dấp Âu Tây.

Đường từ Di Linh qua Đăk Nông, nay là quốc lộ 28 có lẽ là một trong những con đường đẹp nhất. Đường hình thành khá nhanh để phục vụ xây dựng hai công trình thuỷ điện lớn là  Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4. Đẹp vì những đoạn khúc khuỷu bất ngờ. Sông Đa Đung, một trong hai nhánh chính của sông Đồng Nai vùng thượng nguồn hẹp, bên triền núi bất ngờ, hoa gạo rưng rưng niềm nhớ nhung. Và những cây kơ nia với gốc to kềnh, nhánh vạm vỡ, tán cây xanh rộng như biểu tượng của Tây Nguyên hùng vĩ.

Đăk Nông còn tự hào là một vùng cao nguyên phát nguồn hai dòng  sông lớn. Từ huyện Krông Nô ở phía đông bắc, hai dòng Krông Nô và Krông Ana hợp thành Sêrêpok chảy ngược về hướng tây qua đất Campuchia rồi đổ vào sông Mê Kông. Trên ghềnh đá có Dray Sap là thác khói. Dray Sap mang dáng dấp như thác Gougah ở dòng Đa Nhim nhưng hùng vĩ hơn, bên dưới  thác lại có hồ đá. Cách vài cây số là thác Gia Long, cây cầu sắt và nền móng của ngôi biệt thự đổ nát vẫn còn đó.  Nay thác đã có các nhà thầu là các chủ khách sạn ở Buôn Ma Thuột về khai thác. Họ chuẩn bị sẵn lều trại và sẵn sàng nấu ăn cho du khách.

Người đến đây có thể nằm trên đá, trên bờ cát sạch, xuống sông bơi rồi lại chui vô lều. Tất cả đều hoang dã.

Cao nguyên Đăk Nông còn là nơi khởi nguồn của nhánh mang tên Đăk Tik và Đăk R'Lấp xuống hợp nên dòng sông Bé của miền Đông. Thác Đăk Tik  nằm giáp ranh thị xã Gia Nghĩa, còn có tên Lệ Thanh mà người ta gọi trại là Diệu Thanh. Thác từ đỉnh đá lao xuống vực sâu 30m. Trong ngầm có những hang sâu cùng đá tảng, dưới chân thác là khoảng mênh mông nước, đá nhấp nhô chia dòng chảy ra nhiều ngả. Đứng trên cao có thể bao quát cả một vùng cao nguyên Đăk Nông và thị xã Gia Nghĩa nhấp nhô nhà, phố đang xây.

Khai khoáng và du lịch

Gia Nghĩa còn hoang vu, hình dáng tương lai sẽ ra sao, kinh tế chính nơi đây là gì - nhiều câu hỏi được đặt ra khi bạn chọn nơi này lập nghiệp. Nhiều người ôm giấc mơ công nghiệp luyện nhôm sẽ làm thay đổi ấn tượng về Gia Nghĩa. Tỉnh Đăk Nông tập trung vùng mỏ boxit lớn nhất, với trữ lượng khoảng 4 triệu tấn, lớn thứ nhì thế giới (chỉ sau vùng mỏ Nam Phi).

Bô xít Đăk Nông xuất lộ ở nhiều vùng. Các đoàn khai khoáng, luyện kim của Trung Quốc, Úc, Hà Lan cũng đã đến thăm dò. Trung Quốc đưa ra dự án hơn một tỉ USD, bao gồm cả việc đầu tư một tuyến đường xe lửa từ Đăk Nông về tới Chơn Thành của tỉnh Bình Phước để theo đường sắt về Dĩ  An - Biên Hoà rồi từ đó vận chuyển ra cảng nước sâu Thị Vải ở Bà Rịa. Một số mỏ bô xít đã bắt đầu được khai khoáng.

Nếu trở thành một tỉnh luyện nhôm, khoảng trời tỉnh lỵ Gia Nghĩa lại càng thêm giá trị. Không xa thác Diệu Thanh là cầu Đăk Tik. Theo quy hoạch, cầu Đăk Tik sẽ là tâm điểm của thị xã. Cầu lớn, cong mình trên cao, dưới là dòng nước chảy. Một hồ nước nhân tạo kiểu hồ Xuân Hương - Đà Lạt cũng đã được quy hoạch gần đó.

Gia Nghĩa đang đi tìm bóng mình. Một nhà hàng, khách sạn mang tên Sài Gòn đã được mở. Anh Nguyễn Thanh Bình, chủ một vựa hoa lan cây kiểng từ Bảo Lộc lên lập nghiệp vẫn chuyên nghề ươm giống. Nhưng anh chọn cây rừng có giá trị để sau này có thể làm kiểng. Một cây con lộc vừng giá nuôi lớn trong chậu vài ba năm bán giá vài triệu đồng. Và đủ thứ gốc cây rừng hoang dại còn lại sau khi khai thác gỗ, anh mua về tạo dáng trong chậu kiểng. Anh nói thị xã mới rất cần cây kiểng đẹp, anh sẽ góp phần cho Gia Nghĩa giữ được nét hoang sơ trong vườn kiểng.

Du lịch, GO! - Theo SGTT, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống