Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 18 September 2011

Suối Nà Nghệ thuộc thôn Thuận Yên Tây, xã Tam Sơn (Núi Thành-Quảng Nam), cách Tam Kỳ khoảng 40km và cách UBND xã Tam Sơn khoảng 4km.

Lên Nà Nghệ để nghe hòa âm của gió, suối, chim rừng rộn rã, tìm vui và… tìm quên, dù chỉ vỏn vẹn một ngày.

Bỏ xe lại một lán trại ven đường thơm mùi keo lá tràm, băng rừng vài phút đã gặp Nà Nghệ hoang sơ đầy đá xếp chồng lớp lớp, đủ mọi hình dạng. Leo qua vài mỏm đá nhấp nhô trơn trợt, men theo con đường mòn hai bên bờ suối ngược lên phía đầu nguồn đã nghe tiếng suối hát ru êm tai.

Không thể tưởng tượng được đằng sau con đường đầy cổ thụ với nhiều rễ sà xuống, bò ngoằn ngoèo trên mặt đất như những con trăn khổng lồ, những chùm hoa leo dại mọc um tùm ven suối và đá ấy là một bãi đá rộng, khô ráo và bằng phẳng. Ngâm mình dưới suối, ngửa mặt nhìn trời xanh nghe chim hót, cảm giác mệt mỏi, rã rời chặng đường trèo núi liền tan biến.

Sau khoảng nửa giờ dò dẫm, lần mò trong những lùm cây rậm rạp dọc theo hai bên bờ suối, những vốc ốc đá khá to và một mớ rau rừng đủ loại, đủ để thành một bữa trưa đậm sắc màu nơi hoang dã. Kẻ tắm, người hát, hay tiếp tục làm một cuộc thám hiểm khác giữa rừng và có giấc ngủ chìm vào mộng mị giữa đồi hoang.

Chưa gì đã hết một ngày… làm tiên!

Du lịch, GO! - Theo Quảng Nam Online
Đồi Vọng cảnh cũng là một thắng cảnh có tên tuổi ở Huế từ lâu. Ngày trước đây là nơi để các bậc vua chúa lên thưởng ngoạn khung cảnh hoang sơ của sông núi, đất trời nên không có công trình kiến trúc kiên cố nào được xây dựng. 

Nơi đây, nhìn về hướng tây nam sẽ thấy dòng Hương giang, từ hai nhánh sông Tả trạch và Hữu trạch nhập chung rồi lặng lẽ men theo triền núi hướng về phía tây tây bắc để cuối cùng xuôi giòng về miền hạ lưu ở đô thành Huế.

Những năm tháng chiến tranh trước 1975, quân đội SG biến nơi đây thành cứ điểm phòng ngự phía tây thành phố. Dấu vết còn lại là vài chiếc lô cốt kiên cố mà việc dỡ bỏ chúng cũng không dễ dàng gì. Năm tháng vẫn trôi trầm lặng không chỉ đối với đồi Vọng cảnh mà cả cái xứ Huế này.

Cho đến năm 2005, 2006 gì đó khi tỉnh định liên doanh với tập đoàn Life Resort Hà Lan, khai thác Vọng cảnh thành một khu nghỉ dưỡng có quy mô hoành tráng, lúc này Vọng cảnh ví như một tiên nữ nghèo khổ, thầm lặng trong bộ y phục của cô gái quê mùa... sẽ được đưa ra tân trang trở thành người mẫu thế giới. Người Huế và những người yêu Huế từ các nơi giật mình, thấy sắp sửa đánh mất bảo vật của trời cho nên vội vàng lên tiếng. Cuộc tranh luận từ nhiều phương diện văn hóa, lịch sử, kinh tế, phát triển và tâm linh, cuối cùng cô gái quê không bị mang cho người nước ngoài lắm tiền, nhiều của khai thác nhưng cũng không ai tiếp sức để giúp cho cô gái vượt ra khỏi cái ao làng. Đồi Vọng cảnh nay vẫn còn nguyên sơ cũng vì thế.

Có người bạn phương xa đến Huế. Phần lớn các cung điện, đền đài, lăng tẩm người ấy đã từng tham quan. Hắn nghĩ rất thật rằng, nếu không phải là người nghiên cứu lịch sử, văn hóa thì đối với các di tích ấy chỉ cần thăm viếng đầy đủ toàn cảnh cũng như các ngóc ngách một lần là đủ. Vì thế hắn cảm thấy vui khi biết người bạn cũng chỉ muốn thăm đồi Vọng cảnh.

Đưa đi thăm đồi nhưng sợ bạn thất vọng nếu khám phá nơi đó chỉ là một vùng đồi hoang vắng chứ không phải xinh đẹp như từng nghe thông tin đại chúng truyền thông hoặc tưởng tượng ra, hắn mô tả theo kiểu nói giảm, trái với tâm lý thông thường là hay nói vống lên.

Bước đến chân đồi, những hàng thông được trồng cách đây dăm bảy năm, nay đã phủ kín ngọn đồi; những nụ hoa và ngọn thông non màu xanh ngọc làm cho quang cảnh đẹp hơn mặc dù chiều hôm ấy nhiều mây trắng che phủ ánh mặt trời.

Con đường nhỏ, ngoằn ngoèo dẫn lên đầy sỏi đá, chỉ dễ dàng cho ai mang giày thể thao. Nhưng chẳng sao, đồi không dốc cao, bước lên được những tán thông xanh chập chùng dìu lối. Đến chỗ cao nhất, theo tay hắn chỉ, bạn mới thấy lờ mờ xa xa một giòng sông ẩn hiện dưới bóng các lùm cây. Hỏi thì trả lời, rằng đó là giòng Hương giang gần phía thượng nguồn. Dặn bạn cẩn thẩn khi đi tiếp, xuống dăm bảy bước nữa, giòng sông hiện ra rõ ràng, đầy đủ.

Đứng ở vị trí này sẽ thấy được đầy đủ toàn bộ khúc sông từ ngã ba Tuần phía tây nam và điện Hòn chén ngược lên tây bắc. Bên kia bờ sông, làng Hải Cát với màu xanh của lùm cây, bóng cau thấp thoáng những ngôi nhà nhỏ. Nhìn toàn cảnh sông nước, núi đồi cây cối đúng là đẹp thật. Hắn dù đã lên nhiều lần nhưng lúc nào cũng có cảm giác thi vị về phong cảnh nơi đây nên đối với người bạn có tâm hồn nghệ sĩ thì càng bị cuốn hút, mê hoặc bởi nơi “vọng cảnh này”.

Tiếc một nỗi là nắng chiều của thời khắc những ngày đầu xuân chưa phải điều kiện lý tưởng để chụp ảnh: bóng đỏ trời chiều in hình trên giòng nước xanh; thêm nữa không có máy xịn với những ống tele để lấy toàn cảnh một cách sắc nét nên ta tạm bằng lòng với những tấm ảnh, sản phẩm của camera du lịch, tuy vậy vẫn có những cú bấm cận cảnh, toàn cảnh, những tấm xuôi sáng, ngược sáng,... những cú bấm với macro để chụp nụ hoa sim chưa khoe sắc, những đọt thông non ở đủ góc cạnh ...

Chiều dần xuống, cùng bạn trở về. Chỉ vì lời hứa đối với đứa nhỏ (hắn hầu như không thất hứa, nhất là đối với trẻ em) nên hắn phải tạm biệt bạn ấy mà không tiếp tục đưa đi thăm thú khi thành phố lên đèn. Hắn dự định sau đó sẽ cùng với những người bạn khác của bạn ấy làm một tour nhỏ “Hue by night”, cuối cùng vẫn không thực hiện được. Hắn vốn kém cỏi (đại khái vì những lý do x,y,z ... nào đó) nên đã nhiều bận không làm cho khách phương xa được vui như hắn đã vẽ ra trong đầu khiến hắn ngày càng chồng chất những nỗi niềm ray rức,...

Du lịch, GO! - Theo Blog 12b2hamnghi, ảnh internet
Núi Tà Cú cao 649 m, nằm ven Quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, cách Phan Thiết 28 km về phía Nam là một thắng cảnh và là một điểm leo núi của tỉnh Bình Thuận.

Xưa kia đây là một ngọn núi lửa thuộc đệ nhất nguyên đại nên trong đất có vàng sa khoáng và sulfur với nhiệt độ trung bình nơi đây từ 18 đến 22°C.

Địa danh Tà Cú không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng đây là âm ngữ địa phương của vùng đất Chiêm Thành xưa đặt tên cho ngọn núi khá cao và đẹp này. Tà Cú có quần thể đa dạng với nhiều loài động vật quý hiếm: gà tiền mặt đỏ, gà lội hồng tía, trĩ sao... và muôn vàn kỳ hoa, dị thảo: nhất điểm hồng, thạch lan, hồ điệp...

Rừng xanh chập chùng, những dòng suối trong vắt, róc rách chảy ra từ triền núi, khí hậu mát mẻ quanh năm... tất cả hòa quyện vào nhau, đem đến cảm giác thư thái, tĩnh tâm.

Sẽ bình yên hơn khi du khách chợt nghe tiếng chuông chùa ngân vang từ Cổ tự Linh Sơn Trường Thọ.

Gắn liền với núi rừng Tà Cú, ngôi chùa được Tổ sư Trần Hữu Đức lập nên vào cuối thế kỷ 18.

Trên bước đường hành đạo, Tổ sư Trần Hữu Đức đã chọn Tà Cú làm nơi dừng chân, dựng một thảo am nhỏ để tu hành và bốc thuốc trị bệnh cho người dân trong vùng.

Tương truyền, vào thời vua Tự Đức (1880), Tổ sư Trần Hữu Đức đã giúp Hoàng thái hậu Từ Dũ vượt qua căn bệnh hiểm nghèo mà các danh y trong triều đều bó tay.

Cảm phục y đức của tổ sư, vua Tự Đức đã sắc phong bốn chữ “Linh Sơn Trường Thọ” cho nơi tổ sư sáng lập và tu tịnh.

Du khách khi đến với núi Tà Cú còn có dịp chiêm ngưỡng công trình nghệ thuật độc đáo “Đức Phật nhập Niết Bàn” với chiều dài 49m, cao gần 7m.

Tượng được xây dựng vào năm 1962, với tư thế nằm nghiêng, lưng tựa vào vách núi, mắt nhìn ra biển.

Vào những ngày trời quang, từ chùa Tà Cú du khách có thể phóng tầm mắt để nhìn toàn cảnh biển trời, những vườn thanh long bạt ngàn, những dải cát trắng trải dài, xa xa là Hòn Bà với truyền thuyết bà Chúa Ngọc linh thiêng và thêm thị xã La Gi với cảng biển lớn nhất Bình Thuận...

Ngày trước, chỉ có một lối mòn duy nhất đã có từ xưa để khách bộ hành tham quan núi rừng Tà Cú nhưng giờ đây đã có hệ thống cáp treo hiện đại giúp người tham quan lên đỉnh dễ dàng hơn.

Nếu leo núi theo kiểu trekking: muốn lên tới đỉnh ngọn núi nằm trong khu rừng cấm thì du khách có thể cần 2 giờ để vượt qua 2.290 m đường dốc. Bằng Lăng là đoạn dốc cao nhất, nghiêng 45°.

Còn muốn nhẹ nhàng, du khách có thể ngồi 10 phút trong cabin "bay" theo đoạn dây cáp dài 1.600 m ở độ cao 500m, lướt trên những tán rừng  xanh để tận hưởng cảm giác bình yên giữa thiên nhiên hùng vĩ.

Lên đỉnh Tà Cú, điều thú vị hơn hết là chúng ta có được cảm giác hòa mình với thiên nhiên núi rừng, nhìn ngắm rừng nguyên sinh bao la từ trên cao, cảnh vật như rộng mở trước mắt.

Càng lên cao, khí trời càng mát mẻ thông thoáng. Vừa ngắm nhìn những cánh chim bay lượn qua rừng cây, nhìn xuống chân đồi và cảnh rừng núi trùng trùng điệp điệp bên dưới với mây trắng vây phủ, sẽ có cảm tưởng ta đang vào xứ thần tiên.

Du lịch, GO! - Tổng hợp

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống