Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 20 September 2011

Vùng Thất Sơn của An Giang luôn gắn liền với nhiều điều kỳ bí. Leo núi ban ngày là chuyện bình thường, thế còn khám phá một ngọn núi Thất Sơn vào ban đêm thì sao? Thú vị, mới lạ hay mạo hiểm đầy rủi ro?

< Quán bánh Canh lò Rèn

Nhóm chúng tôi quyết định thực hiện một chuyến “phượt” đêm lên Núi Tượng - một trong Thất Sơn, để trải nghiệm một cảm giác hoàn toàn khác.

Chương trình được vạch ra bởi nhóm bạn phượt của tôi tại Cần Thơ. Tôi chỉ là người ham hố đi theo vì lời rủ rê thân tình và ngọt ngào không thể cưỡng lại của người chị gái xứ “gạo trắng nước trong”. Từ Sài Gòn, tôi và hai vợ chồng anh bạn đi bằng xe máy xuống huyện Tri Tôn, An Giang để nhập đoàn của chị từ Cần Thơ chạy qua. Chúng tôi gặp nhau khoảng 4 giờ chiều tại quán bánh canh lò rèn gần chùa Xà Tón.

< Đường vào Ba Chúc - Ban đêm không có đèn đường.

Con đường từ quốc lộ 91 vào thị trấn Ba Chúc dài khoảng 25km, đường khá tốt. Hai bên đường là xóm làng, vườn tược, những cánh đồng lúa rộng bát ngát với những dãy núi xa xa. Càng về chiều, trời bắt đầu nhá nhem tối.

Không có đèn đường cho đến khi vào đến thị trấn. Cây xăng cũng ít nên bạn cần đảm bảo xăng phải đủ cho ít nhất một lượt vào và ra, hoặc đổ xăng ngay cây xăng đầu tiên bạn gặp trên đường. Vào buổi tối, cây xăng gần thị trấn nhất không bán xăng bơm trực tiếp từ trụ mà chỉ bán lẻ với giá 20.000 đồng cho một can xăng chưa đến 1 lít.

Sáu giờ tối, chợ Ba Chúc vẫn còn nhộn nhịp người mua kẻ bán. Để vào đến núi Tượng, bạn phải vượt qua cửa ngõ là con đường có cây dầu hàng trăm năm tuổi đứng trấn ngay giữa đường, tạo thành hai lối ra - vào rõ rệt.

< Cây Dầu trăm tuổi tại thị trấn Ba Chúc.

Cây dầu này cũng có nhiều chuyện lạ kỳ gắn với việc làm đường của thị trấn. Bà con ở đây kể mọi cố gắng chặt bỏ cây dầu đều không có kết quả. Cây dầu này tạo thành điểm nhấn đặc biệt cho thị trấn Ba Chúc, không ai đi qua đây mà có thể quên được hình ảnh này. Qua cây dầu, vào đến bùng binh nhỏ, bạn quẹo tay trái để đến với núi Tượng, và nhà mồ Ba Chúc sâu bên trong nữa.

Chúng tôi dừng chân tại nơi mà bà con gọi là chùa: Tú Dương Miếu - Vạn Ban Miếu, nơi mà phía trên có hình “mặt ông Tượng”. Ông từ coi sóc ngôi miếu đã nhờ người hỗ trợ chúng tôi dẫn đoàn lên núi đêm nay. Đó là chú Út. Chú Út trạc bốn mấy năm mươi, không cao lắm, người gầy lại càng lỏng khỏng hơn trong bộ bà ba đen đang mặc. Nét mặt khắc khổ cộng thêm nước da ngăm đen khiến chú trông già hơn tuổi.

Chỉ mang theo những đồ đạc cần thiết cho việc ngủ đêm trên núi như lều, túi ngủ, đồ ăn, nước uống, đèn pin, chúng tôi theo chân chú Út bắt đầu hành trình chinh phục núi Tượng. Núi Tượng thấp nhỏ, chỉ cao 145 m, nên ai cũng nghĩ sẽ lên đỉnh nhanh lắm. Nhưng khi đi rồi mới biết không hề dễ dàng chút nào.

< Chú Út.

Đường lên núi quanh co nhiều đoạn rẽ, có những hang hốc nhỏ hẹp, có cả đoạn dốc cao và cả vực sâu. Số lượng đèn pin, đèn đeo trán không đủ nên mọi người không ai bảo ai đều bám nhau rất sát và thường xuyên nhắc nhau địa hình mình vừa đi qua. “Cẩn thận, đá trơn!”, “Dây leo dưới đất”, “Gốc tre nhọn nha!” “Dốc trơn bên phải”,… là những câu nói thường xuyên được phát ra từ những người đi phía trước. Tôi yêu đội leo núi của mình quá. Tinh thần tập thể được phát huy cao độ trong đêm nay.

< Bên phải tảng đá này là vực sâu.

Chúng tôi tạm nghỉ 5 phút sau chặng leo đầu tiên. Chỗ ngồi nghỉ là một phiến đá to, hơi dốc xuống dưới. Đêm nay trời không nhiều sao, chú Út hỏi thăm chúng tôi có mệt không, cần nghỉ thêm chút nữa không? Cả đám đồng loạt “Dạ không mệt, Đi tiếp chú ơi!”. Địa hình núi non thật phức tạp, bạn cứ nghĩ đi đường thẳng, hướng lên trên hoài là sẽ tới đỉnh ư? Nhầm to bạn ơi. Có những đoạn bạn đi lên rồi lại phải đi xuống để chuyển qua một con đường khác đi tiếp lên trên. Có đoạn bạn phải men theo vách đá trơn nhẵn với một bên là vực sâu.

Không có người dẫn đường thì chắc chắn sẽ bị lạc. Tiếng chim kêu đêm, tiếng khỉ ngân dài, tiếng lá cây xào xạc, tiếng gió vi vu xen qua kẽ lá… Âm thanh trên núi trong màn đêm tĩnh mịch khiến chúng tôi có nhiều cảm giác khác nhau. Chú Út chỉ cho chúng tôi xem những hang đá rộng, hẹp khác nhau. Có thể đây là những hang đá đã giúp che giấu những người dân vô tội thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt năm xưa.

< Khe đá hẹp, phải nghiêng người mới lách qua được.

Chặng nghỉ tiếp theo của chúng tôi là một đỉnh nhỏ, theo lời chú Út là ngắm cảnh đêm rất đẹp. Để đến được nơi này, chúng tôi vượt qua một khe nhỏ và dốc. Khe được tạo thành bởi hai phiến đá to gần sát nhau, phải nghiêng người mới chui qua được. Người nhỏ con như tôi thì không sao, còn anh trưởng đoàn của bọn tôi cao khoảng 1m8, thân hình cũng bệ vệ khiến chúng tôi hồi hộp. Liệu anh ấy có bị kẹt ngang đường không nhỉ? Lỡ kẹt thì làm sao kéo ra?

Trong khe đá có dòng nước nhỏ chảy từ trên xuống, làm cho nó trở nên ẩm ướt, là môi trường thích hợp cho loài rong rêu và dây leo phát triển. Có chiếc rễ cây tựa như rễ cây trầu bà, nhưng to và dài buông từ trên đỉnh khe đá xuống, cộng với sự nhơn nhớt của rêu bám trên tảng đá khiến cho mấy chị em đi trước hốt hoảng, tưởng mình đụng trúng con rắn đang bò. Về phần anh trưởng đoàn, sau một hồi xoay xở hóp bụng đủ kiểu và được chúng tôi hò hét cổ vũ nhiệt tình, anh cũng đã có mặt cùng chúng tôi ngắm nhìn cảnh ruộng đồng làng mạc Ba Chúc về đêm từ trên cao.

< Đoàn "phượt" núi đêm.

Trong ánh trăng huyền ảo, chú Út hướng ánh mắt chúng tôi về kênh Vĩnh Tế xa xa, về cánh đồng Tà Pạ. Những ánh đèn tắt dần, một vùng Thất Sơn rộng lớn đang chìm vào giấc ngủ êm đềm sau một ngày dài lao động miệt mài. Chúng tôi ngồi ngắm trời đất, nhìn nhau, nói cười vui vẻ. Niềm vui đôi khi chỉ đến từ những điều nho nhỏ và chúng tôi hạnh phúc với điều đó.

Tiếp tục trở xuống khe đá và đi theo một con đường mới để lên đỉnh núi, đích đã gần kề, tưởng chừng chỉ ít phút nữa chúng tôi sẽ nhảy cẫng lên vì sung sướng khi chinh phục được đỉnh núi Tượng. Nhưng “người tính không bằng trời tính”, chúng tôi được yêu cầu “hạ sơn”. Chỗ này chỉ còn cách đỉnh cao nhất của núi Tượng một chút nữa thôi. Chúng tôi hội ý nhanh và thống nhất sẽ “hạ sơn” mặc dù lòng đầy luyến tiếc.

< Buổi sáng với Mì xào Bắp Cải.

Khoảng 10 giờ tối, chúng tôi có mặt tại miếu Tú Dương. Đêm về khuya, mấy anh chị em ngồi quây quần trên chiếc phản, chuyền tay nhau từng ly rượu chùm ruột và kể về những chuyến đi đã qua và những dự định sắp tới. Chú Út đã chuẩn bị giúp bọn tôi hai “giường” ngủ tập thể rất tươm tất. Một “giường” được trải chiếu ở dưới đất, “giường” còn lại là chiếc phản làm bằng bê tông có lát gạch bông đặt cạnh tường bên ngoài miếu. Một số người thì chọn ngủ bằng túi ngủ mang theo hoặc đung đưa trên võng. Ai mệt thì đi nghỉ trước. Anh trưởng đoàn, hai chị bạn tôi và tôi là những người ngủ sau cùng. Tắt đèn, trả lại màn đêm sự yên lặng, chúng tôi chìm vào giấc ngủ trong tiếng mưa rả rích và ếch nhái kêu đâu đây.

Sau một đêm leo núi mệt nhoài, ai cũng ngủ ngon, buổi sáng thức dậy thấy người khoan khoái hơn những ngày thường ở nhà. Xong bữa sáng, nhóm Sài Gòn chúng tôi thu xếp về trước vì đường xa và cũng muốn lượn lờ một vài điểm đến khác. Chúng tôi chạy xe thẳng vào trong ghé thăm nhà trưng bày chứng tích tội ác của bọn Pôn Pốt, nhà mồ Ba Chúc.

Khi quay ra thì chạy lên đồi Tà Pạ ngắm nhìn toàn cảnh cánh đồng Tà Pạ đang xanh lúa bên dưới, tắm hồ Tà Pạ nước trong xanh quanh năm. Có lẽ tôi sẽ để dành phần thăm thú này cho một bài cảm nhận khác.
Chào An Giang! Tôi đã đến đây và sẽ còn quay lại.

Du lịch, GO! - Theo Nguoilaodong
Trên mảnh đất còn nghèo khó này, vẫn còn lưu giữ nhiều những ngôi nhà rường cổ, tồn tại qua nắng mưa và nghèo khó một cách kỳ diệu.

Nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, cách thành phố Huế khoảng 40km về phía Bắc, làng cổ Phước Tích nép mình bên bờ sông Ô Lâu rêu phong cổ kính như một bảo tàng sống động của văn hóa làng quê Việt được lưu giữ nguyên vẹn qua hàng trăm năm nay.
Theo phả hệ của các dòng họ, làng Phước Tích được lập năm 1470, thời Hồng Đức với nghề truyền thống đặc trưng của làng là làm gốm. Từ mấy trăm năm trước, sản phẩm gốm tiến cung của Phước Tích đã nổi tiếng cả nước, đem lại cho người dân Phước Tích cuộc sống sung túc khá giả.

Nhờ vậy, các công trình kiến trúc văn hóa, dân sinh của làng từ đình làng, đền, miếu, nhà cửa được xây dựng kiên cố theo lối kiến trúc nhà vườn đặc trưng của vùng đất Thuận Hóa xưa.


Những ngôi nhà cổ

Đến với Phước Tích ngày nay, ta như lạc vào không gian xanh của những khu vườn và những cây cổ thụ nhuốm màu cổ tích. Cây thị đầu làng theo kể lại đã gần 1.000 năm tuổi, chu vi gốc hai người ôm không xuể, hay như cây hoàng lan trên 100 năm tuổi trước ngôi nhà của mẹ Tràng vẫn nở hoa đúng mùa thơm ngát cả vùng quê.

Rồi những cây mai, tùng, mít, bồ quân, trần bì, bàng, bẹ… cổ thụ đổ bóng xuống làng đã hàng trăm năm nay vẫn được người dân giữ gìn như tài sản vô giá của cộng đồng dân cư Phước Tích.

Nép mình dưới những bóng cây cổ thụ là một quần thể nhà rường cổ với mật độ dày đặc hơn cả Cố đô Huế.

Cả làng có 117 ngôi nhà thì có đến 37 ngôi nhà rường có tuổi trên 100 năm, cùng 12 nhà thờ họ, các đền miếu còn nguyên vẹn. Có 12 ngôi nhà rường thuộc loại đặc biệt quý hiếm, có tuổi thọ từ 150 - 200 năm, cột gỗ đen bóng thời gian, vì kèo, xuyên, trếng, hoành phi, bản khoa, cửa đố… chạm trổ tinh xảo không thua kém các công trình kiến trúc gỗ trong Hoàng cung triều Nguyễn.

Tiêu biểu trong số những ngôi nhà cổ như ngôi nhà rường của ông Hồ Đình Lan, xưa từng làm tri huyện. Từ cổng vào là bình phong, bể cạn thiết kế theo lối trấn phong. Hơn 100 năm tuổi mà hàng cửa cột bằng gỗ mít còn bóng loáng. Giữa nhà còn bức hoành phi của vua Duy Tân (1909 - 1916) ghi công vị quan thanh liêm. Nhà ông Hồ Văn Tế liền đó cũng đã có tuổi thọ 150 năm, qua mấy đời người vẫn giữ nguyên vẹn nếp xưa nhà cũ, tường ngói rêu phong. Hay như ngôi nhà của cụ Trương Công Bậc đã 200 tuổi, kiến trúc kiểu ba gian hai trái, mái lợp ngói liệt đã thâm nâu, tường gạch rêu phong. Hàng cửa bản khoa sậm đen. Sân rộng, trước nhà rộng thênh thang lót gạch Bát Tràng…

Hầu hết những ngôi nhà rường ở Phước Tích đều gắn với những khu vườn rộng chừng 1.000 - 1.500m2, xanh um cổ thụ, nhà nhà cách nhau một hàng chè tàu cắt xén thắng tắp, tạo nên một không gian xanh gần gũi mà cổ kính lạ lùng.

Trong những ngôi nhà rường cổ kính ấy, ta như thấy thời gian như lắng đọng trên những vật dụng có từ hàng trăm năm trước. Đó là những chiếc bình vôi mà miệng bình đã dày cao theo tầng nấc thời gian, rồi mâm uống rượu, mâm ăn bằng gỗ, các loại hũ, lọ đựng mắm muối, lu đựng nước do các lò gốm của làng sản xuất cách đây đã vài trăm năm vẫn được giữ gìn và hàng ngày, vẫn đồng hành cùng người dân như là trầm tích của thời gian, nhắc nhớ thời hoàng kim nghề gốm của làng.

Làng khoa bảng

Không chỉ nổi danh với nghề gốm tiến cung từ hàng trăm năm trước, Phước Tích cũng đã nổi tiếng là làng học, con em của làng thế hệ này nối tiếp thế hệ khác học hành tử tế, nhiều người đỗ đạt cao. Chỉ tính trong triều đại nhà Nguyễn(1802 - 1945) ở Kinh đô Huế, làng đã có 19 người đỗ cử nhân, tiến sỹ làm quan trong triều.

Phước Tích cũng là quê độc nhất ở Miền Trung xây Đền thờ Khổng Tử từ mấy trăm năm trước nhằm tôn vinh sự hiếu học, khuyến khích con cháu trong làng chuyên cần theo nghiệp bút nghiên. Chẳng thế mà hầu như ở Phước Tích từ xưa đến nay, hầu như không có ai mù chữ, một điều xưa nay hiếm đối với một làng quê heo hút như Phước Tích.

Nghề rèn, nghề gốm cổ

Ngày nay, nghề gốm của làng chỉ còn là di sản của quá khứ, đời sống kinh tế không còn thời hoàng kim xưa, nhưng nền tảng hiếu học của làng lại được chắp cánh bay xa. Điều này giải thích vì sao, hiện tại ở làng phần đông là người già, con trẻ nhưng ai cũng tường tận lịch sử của làng như bài học đầu tiên trong đời. Chính điều này đã làm ngỡ ngàng các nhà nghiên cứu và du khách khi tận mắt chứng kiến lối ứng xử hết sức văn hóa của người dân Phước Tích đối với di sản của ông cha.

Dấu tích các lò gốm xưa vẫn được giữ gìn, dân làng còn dành riêng một cồn đất gọi là cồn Trèng để cất giữ những mảnh gốm cũ như một Bảo tàng truyền thống của làng.

Địa chỉ du lịch hấp dẫn

Có thể nói, Phước Tích còn giữ gìn gần như nguyên vẹn vẻ đẹp nguyên sơ của đời sống sinh hoạt gắn liền phong cảnh hữu tình thôn quê, không gian kiến trúc cổ nhà rường, đền, chùa, miếu cổ, nghề gốm truyền thống… xứng đáng là một làng văn hóa di sản đặc sắc của Miền Trung và cả nước.

Giáo sư - Kiến trúc sư Hoành Đạo Kính, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã phải thốt lên khi về Phước Tích “…Tôi thật sự sửng sốt khi bắt gặp một ngôi làng Việt cổ ở vùng đất không phải là cổ xưa của người Việt. Trên mảnh đất này, có quá nhiều những ngôi nhà rường cổ vẫn tồn tại qua nắng mưa và nghèo khó một cách kỳ diệu. Sự phát hiện này được ví như việc tìm ra một Hội An “bị quên lãng” vào những năm 80 thế kỷ XX…”

Quả thật, từ khi được đánh thức “vén bức màn quên lãng” trong lớp bụi thời gian(từ năm 2003) đến nay, Phước Tích đã trở thành một điểm tham quan du lịch hấp dẫn của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đã góp mặt trong các kỳ Festival Huế với thương hiệu “Hương xưa làng cổ”. Từ đó đến nay rất nhiều dự án nghiên cứu bảo tồn làng cổ Phước Tích đã được thực hiện. Đặc biệt trong hai ngày 17 - 18/8/2011 vừa qua, Dự án “Phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững thông qua du lịch di sản” do cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ đã được thực hiện tại Phước Tích, với nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, tọa đàm… nhằm tìm giải pháp phát triển du lịch, cải thiện đời sống người dân, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững làng cổ.

Với những nỗ lực bảo tồn gìn giữ của người dân Phước Tích, cũng như các cấp ngành chức năng ở TT - Huế và bạn bè quốc tế, làng cổ Phước Tích đang trở thành một địa chỉ văn hóa du lịch hấp dẫn, một bảo tàng sống động của lịch sử văn hóa làng quê đặc sắc của Việt Nam.

Du lịch, GO! -  Theo VOV, internet
Mường Hum nổi tiếng với những con suối đẹp, những ngọn núi nhấp nhô vây quanh một thung lũng là trung tâm của 8 xã thuộc huyện Bát Xát (Lào Cai). Để đến được nơi đây, du khách phải vượt qua những con dốc ngoằn ngoèo, những con đèo được gọi là "cổng trời”. Khi đến được Mường Hum, ai nấy đều như cảm thấy rơi tõm vào một không gian đặc sắc.

Mường Hum hội tụ chủ yếu các dân tộc Dao đỏ, Mông, Giáy, Hán, Hà Nhì... Con gái Giáy nơi đây nổi tiếng đẹp. Vào mỗi phiên chợ chính (ngày chủ nhật), người dân trong vùng đổ về đây buôn bán, mua sắm rất đông. Những cô gái xúng xính váy áo, tay cầm điện thoại bấm "tít tít” rất thành thục. Họ nói dẻo và có duyên. Nếu ai cần, họ sẵn sàng làm một hướng dẫn viên, đưa về bản họ tham quan mà không cần bất cứ một đồng lệ phí nào. Sự thân thiện và nhiệt tình đã làm nên cuộc sống đầy bản sắc của con người nơi đây.

< Cầu Mường Hum.

Ba năm trước, trong hành trình về vùng cao Y Tý, tôi đã ở lại Mường Hum vài ngày và thăm thú các bản làng. Nụ cười của những em bé, những cụ già đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng.

Anh bạn tôi là dân phượt "chính hãng” đã nói thế này: "Tôi đi vùng cao nhiều, nếu đến Lào Cai mà bỏ qua chợ Mường Hum thì cũng thật đáng tiếc.

Hàng hóa ở đây ngày càng đa dạng, khi đường xá được cải thiện. Rất nhiều món ăn để du khách lựa chọn. Riêng tôi thích nhất món lợn cắp nách. Ngày thường, ai đến đây cũng thích ngắm cảnh Mường Hum sơn thủy hữu tình, còn vào ngày chợ phiên cảnh bắt mắt du khách nhất là đoạn suối ven chợ.

Bên bờ suối, bầy ngựa đợi chủ vào chợ với đủ sắc lông, thỉnh thoảng chúng cất tiếng hí vang khiến bức tranh sơn cước càng thêm sinh động, rất hiếm thấy ở nơi khác...”

Chợ Mường Hum nằm dưới thung lũng nhỏ, kề bên là suối nước trong vắt. Đối với bà con dân tộc trong vùng, đi chợ không chỉ để mua bán.

Chợ phiên còn là nơi thư giãn, hẹn hò của nhiều nam thanh nữ tú. Người ta đến đây để ngắm và để được mọi người chiêm ngưỡng.

Các thiếu nữ Dao ăn mặc thật đẹp và rất cầu kỳ: khăn đội đầu màu đỏ, gấp nếp xuống tận tai. Các thiếu nữ Mông váy hoa sặc sỡ, lại đội thêm mái tóc giả bằng len sợi nhuộm màu trông giống như một bông hoa biết đi, lung linh khoe sắc.

Tôi không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh vật mà còn thấy cuộc sống con người nơi đây thật yên bình, vui tươi và mong muốn có dịp được trở lại nơi này.

Mường Hum chỉ cách Bản Vược - trung tâm huyện lỵ cũ của huyện Bát Xát 24 km nhưng khá biệt lập với bên ngoài, bởi địa bàn xã nằm lọt trong thung lũng, bốn phía vây quanh là núi. Trải qua nhiều biến động lịch sử,

Mường Hum vẫn luôn giữ vai trò thủ phủ vùng Tây Bắc của tỉnh Lào Cai. Hiện nay Mường Hum còn lại dấu tích những biệt thự cổ, những đồn bốt từ thời phong kiến cho đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Nơi đây còn có những con suối đẹp, đặc biệt là suối Mường Hum đã từng đi vào thơ ca, nhạc họa. Suối Mường Hum là tên gọi chung cho dòng chảy hợp lưu từ Piềng Láo và Nậm Pung Hồ chảy về.

Dòng suối và tình yêu cuộc sống của cư dân bản địa là nguồn cảm hứng dạt dào cho nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ viết nên ca khúc Suối Mường Hum còn chảy mãi nổi tiếng qua mấy chục năm.

Nhiều đoàn khách đến với Mường Hum vẫn bị hút hồn bởi những khu ruộng bậc thang và những đồi chè xanh mướt mát. Thêm nữa, họ còn bất ngờ vì nơi đây vẫn còn giữ được các cánh rừng nguyên sinh.

Rừng tạo nên dáng vẻ thâm u huyền tích, giữ cho không khí trong lành, cho suối nguồn còn chảy mãi, cho mỗi nếp nhà dưới núi cao vách đứng được an lành, không bị tàn phá bởi những cơn giận dữ của thiên nhiên. Đó thực sự là điều mà rất nhiều nơi không thể nào lấy lại được, bởi rừng đã bị con người xâm hại.

Tỉnh Lào Cai cũng xác định Mường Hum là vùng đất không những giàu tiềm năng kinh tế, mà còn chất chứa tài nguyên nhân văn, phù hợp cho chiến lược phát triển kinh tế du lịch. Khu vực này có nhiều địa điểm đáng đưa vào chương trình tham quan, tìm hiểu lịch sử, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc. Đơn giản nhất là loại hình du lịch tham quan chợ phiên, tìm hiểu nghệ thuật ẩm thực và du ngoạn tắm suối Mường Hum.

Nhìn một cách tổng thể, du lịch Mường Hum vẫn chưa thể so sánh với những khu du lịch làng bản khác của Lào Cai như Tả Van, Tả Phìn... Bởi dẫu sao, nơi đây kinh tế vẫn còn chậm phát triển và chưa được đầu tư xứng đáng.

Nhưng có người đánh giá, Mường Hum giống như một nàng công chúa ngủ quên trong rừng. Nếu được quan tâm, thì vẻ thơ mộng của núi rừng nơi đây sẽ là điểm đến lý tưởng của hàng ngàn du khách mỗi năm, giúp cho kinh tế trong khu vực có điều kiện phát triển.

Du lịch, GO! -  Theo báo Đại Đoàn Kết, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống