Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 20 September 2011

Đầu thế kỷ 20 đàn ông Nam bộ không còn búi tóc củ hành nên nghề cắt tóc ra đời; giày dép bắt đầu phổ biến làm xuất hiện nghề sửa giày...

Ngày nay trên vỉa hè vẫn còn ông thợ hớt tóc dạo, người thợ sửa giày lâu năm...

Không còn hình ảnh lam lũ chân đất áo bà ba như xưa, nhưng trong mưu sinh người Sài Gòn ngày nay vẫn giữ những nét văn hóa cơ bản của đầu thế kỷ 20.

Từ những năm 1910-1930, nam giới đã không còn búi tóc củ hành mà bắt đầu cắt tóc ngắn.

Theo đó, nghề hớt tóc dạo đường phố ra đời. Đến nay, các tiệm cắt tóc, salon tóc đã chuyên nghiệp hơn, tích hợp nhiều dịch vụ tiện ích, nhưng thỉnh thoảng đâu đó trên vỉa hè đường phố Sài Gòn, dưới những bóng cây mát vẫn còn những người thợ cắt tóc bình dị, với những dụng cụ hành nghề rất đơn giản, nhỏ gọn.

Taxi là phương tiện vận chuyển tiện lợi, taxi bắt đầu xuất hiện ở Sài Gòn - Chợ Lớn vào khoảng cuối những năm 40 và thịnh hành những năm 50 của thế kỷ 20.

Trong ảnh là chiếc taxi năm 1970 (ảnh trên) và hiện nay (ảnh dưới).
Sài Gòn xưa có hàng nước, quán cóc bán trà đá, trà chanh…thì trên phố Sài thành hiện nay cũng phổ biến gánh hàng, bàn giải khát với đủ loại nước có ga, nước chanh, sâm lạnh, nước dừa...
Nghề đưa thư ở Sài Gòn bắt đầu phát triển từ đầu thế kỷ 20, chủ yếu là bằng chân, do các đoàn người vận chuyển từ nơi này đến nơi khác, chỉ một số ít thư được vận chuyển bằng xe.

Khi đó đất phương Nam còn nhiều rừng rậm thú dữ nên nghề đưa thư khá nguy hiểm.

Ngày này nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, máy móc thiết bị hiện đại nên việc thông tin liên lạc đã nhanh chóng, tiện lợi hơn nhiều lần.
Hình ảnh chiếc xe đẩy bán hủ tíu dạo gắn liền với văn hóa ẩm thực Sài Gòn hơn 100 năm nay. Những chiếc xe bán hủ tíu đến nay gần như vẫn còn giữ nguyên cách buôn bán lề đường, đặc biệt là là tiếng gõ “lách cách” đặc trưng.

Ngày nay vẫn còn những tiệm bán hủ tíu trên 50 năm tuổi như các tiệm của người Hoa ở khu Chợ Lớn, trên đường Triệu Quang Phục (quận 5), đường Gia Phú (quận 6),...
Là một nghệ thuật dân gian đường phố, múa lân rồng ở Sài Gòn đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong các dịp lễ hội truyền thống, với ý nghĩa cầu mong sự bình an, thịnh vượng, hạnh phúc...

Hiện nay ngoài múa lân còn có múa sư tử, múa rồng. Các đội múa lân cũng ngày càng chuyên nghiệp và trang phục đẹp, bắt mắt hơn.
Xích lô được xem là phương tiện để thay thế cho xe kéo. Chiếc xe kéo xuất hiện lần đầu tiên ở Hà Nội vào năm 1883, và khoảng 15 năm sau thì bắt đầu phổ biến trên đường phố Sài Gòn.

Từ khi xuất hiện đến bây giờ, hình dáng của xe vẫn không thay đổi nhiều. Hiện nay xích lô chỉ còn dùng để phục vụ khách du lịch nước ngoài muốn tham quan thành phố.
Gánh hàng rong đã có từ rất lâu đời, và trở thành một nét văn hóa đặc trưng rất Sài thành.

Trải bao thăng trầm dâu bể của thời cuộc, gánh hàng rong ngày nay không khác xưa là mấy, vẫn đơn sơ quà vặt, bình dị những tiếng rao.

Nghề sửa giày bắt đầu xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, cho đến nay đã trở thành một trong những nghề thủ công lâu đời nhất tại Sài Gòn.

Sửa giày được xem là một nghề khá nhàn nhã, thu nhập không cao nhưng ổn định, bất cứ khi nào cũng có việc để làm.

Ngày nay, nghề sửa giày ít nhiều đã bị mai một, nhưng vẫn có thể bắt gặp những người thợ già đang miệt mài đóng giày trên hè phố, nhất là ở các đường Lê Thánh Tôn, Hai Bà Trưng (quận 1)...

Du lịch, GO! - Theo VnExpress
Thung lũng Hồng, Bến Mộng, suối Đá tại thị xã Ayun Pa (Gia Lai) là những địa điểm thu hút khá đông khách đến vui chơi trong các ngày nghỉ, ngày lễ, nhất là mỗi dịp Tết đến Xuân về bởi vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng của nó.

Mặc dù tại thị xã Ayun Pa vẫn còn thiếu các điểm vui chơi giải trí hiện đại đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân tại chỗ và các địa phương vùng lân cận. Nhưng đối với những ai thích vui chơi cùng bạn bè theo kiểu du lịch sinh thái trong ngày lễ, Tết thì nơi đây không hề thiếu. Những địa điểm vui chơi, giải trí thơ mộng, hoang sơ, yên ả đã đem đến sự thoải mái dễ chịu cho du khách trong những ngày Tết ồn ào nơi phố thị.

Nằm trong lòng thị xã Ayun Pa, điểm du lịch Bến Mộng là địa chỉ khá quen thuộc đối với mọi người không những trong dịp lễ, Tết mà còn trong ngày thường. Bởi nơi đây có phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, khí hậu mát mẻ.

< Cầu treo tại điểm du lịch.

Đứng trên cầu Bến Mộng phóng tầm mắt ra xa là một màu xanh ngút ngàn của hoa màu. Du khách có thể ngồi trên thuyền đắm mình vào dòng nước xanh trong ngắm cảnh, nhìn theo những buôn làng của người Jrai sống dọc bờ sông Ba.

Xuôi dòng sông Ba xuống đèo Tô Na là đến thung lũng Hồng (xã Ia Rtô) với vẻ đẹp làm mê lòng người.

Du khách như lọt thỏm vào thế giới bí ẩn với bốn bề núi rừng thâm u, tĩnh mịch. Trên dòng nước lững lờ, hiền hòa trôi, hai bên là những bãi cát trắng mịn màng trải dài tạo thành bức tranh thủy mặc làm say đắm lòng người.

Bên dòng sông Ba mát dịu, dưới chân đèo Tô Na, du khách có thể ngồi trong các nhà sàn mang đậm nét văn hóa người Jrai cùng bạn bè tha hồ buông chuyện, thưởng thức đặc sản cá chốt thơm ngon trong tiết Xuân ấm áp, thật tuyệt vời.

Theo tỉnh lộ 668 hướng về phía Tây, cách trung tâm thị xã Ayun Pa 10 km, địa phận xã Chư Băh, là điểm vui chơi, giải trí Suối Đá (Thác Dốc). Nằm trong khu rừng dường như vẫn còn nguyên sinh nên Khu Du lịch Sinh thái suối Đá giữ được vẻ đẹp hoang dã chưa có sự tác động của con người.

Từ trên núi cao, dòng nước len theo sườn dốc đổ về tạo thành con suối cao hơn 6 mét, rộng 10 mét phun nước trắng xóa.

Dưới chân thác, các tảng đá bị bào mòn theo thời gian nổi lên như những quả trứng gà, những hình thù kỳ bí, độc đáo.

Từ thượng nguồn đi dọc về phía hạ nguồn, có nhiều phiến đá bị dòng thác bào mòn tạo ra các bậc cấp tự nhiên, mặt đá bào phẳng như những chiếc bàn nhiều kích cỡ, không chiếc nào giống chiếc nào được nhiều du khách chọn làm nơi nghỉ ngơi, thư giãn.

Khu suối Đá tọa lạc trên diện tích 2ha với điểm nhấn là 2 thác nước suối Đá 1 và suối Đá 2. Với những con dốc thoai thoải, đi trên các cây cầu khỉ, bên cạnh chằng chịt cây rừng, chưa đến nơi du khách đã nghe tiếng thác nước chảy réo rắt từ xa và nhìn thấy hơi nước tỏa mù sương mát lạnh.

Nước đổ mạnh trên những tảng đá nhiều tầng bằng phẳng chồng chất giữa những triền dốc tạo thành nhiều thác ghềnh liên tiếp. Bọt nước tung trắng xóa mang lại một cảm giác sảng khoái cho du khách thích vui đùa.

Thác đẹp và hùng vĩ, thềm thác rộng cùng không gian yên ắng, không bị khuấy động bởi ồn ào từ phố thị. Tiếng róc rách của nước hòa với tiếng chim hót chào bình minh như bản nhạc rừng du dương.
Những tảng đá lớn bằng phẳng nằm liền kề nhau là địa điểm lý tưởng để tổ chức vui chơi tập thể.

Hai bên suối, người làm du lịch thiết kế nhiều chiếc chòi dân dã, xinh xắn lơ lửng trên những chạc cây to. Chòi làm bằng gỗ lợp tranh càng thêm vẻ hoang sơ.

Một chiếc cầu treo dài hơn 50 mét chênh vênh giữa hai ngọn núi làm nơi du khách thưởng ngoạn phong cảnh từ trên cao. Dọc các lối đi, nhiều loài hoa dại tranh nhau đua sắc tạo nên các gam màu bắt mắt.

Vào mùa mưa, nước lớn nên phong cảnh nơi đây càng hùng vĩ, tiếng nước đổ âm vang cả núi rừng trong khi mùa khô nước ít, du khách có thể đi lại dưới suối và có thể câu cá thư giãn. Nơi đây còn hấp dẫn các bạn trẻ thích khám phá bằng hành trình xuyên rừng, hòa mình vào thiên nhiên, nghe chim hót và thác nước vang vọng.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ báo Gialai, internet
Vùng Thất Sơn của An Giang luôn gắn liền với nhiều điều kỳ bí. Leo núi ban ngày là chuyện bình thường, thế còn khám phá một ngọn núi Thất Sơn vào ban đêm thì sao? Thú vị, mới lạ hay mạo hiểm đầy rủi ro?

< Quán bánh Canh lò Rèn

Nhóm chúng tôi quyết định thực hiện một chuyến “phượt” đêm lên Núi Tượng - một trong Thất Sơn, để trải nghiệm một cảm giác hoàn toàn khác.

Chương trình được vạch ra bởi nhóm bạn phượt của tôi tại Cần Thơ. Tôi chỉ là người ham hố đi theo vì lời rủ rê thân tình và ngọt ngào không thể cưỡng lại của người chị gái xứ “gạo trắng nước trong”. Từ Sài Gòn, tôi và hai vợ chồng anh bạn đi bằng xe máy xuống huyện Tri Tôn, An Giang để nhập đoàn của chị từ Cần Thơ chạy qua. Chúng tôi gặp nhau khoảng 4 giờ chiều tại quán bánh canh lò rèn gần chùa Xà Tón.

< Đường vào Ba Chúc - Ban đêm không có đèn đường.

Con đường từ quốc lộ 91 vào thị trấn Ba Chúc dài khoảng 25km, đường khá tốt. Hai bên đường là xóm làng, vườn tược, những cánh đồng lúa rộng bát ngát với những dãy núi xa xa. Càng về chiều, trời bắt đầu nhá nhem tối.

Không có đèn đường cho đến khi vào đến thị trấn. Cây xăng cũng ít nên bạn cần đảm bảo xăng phải đủ cho ít nhất một lượt vào và ra, hoặc đổ xăng ngay cây xăng đầu tiên bạn gặp trên đường. Vào buổi tối, cây xăng gần thị trấn nhất không bán xăng bơm trực tiếp từ trụ mà chỉ bán lẻ với giá 20.000 đồng cho một can xăng chưa đến 1 lít.

Sáu giờ tối, chợ Ba Chúc vẫn còn nhộn nhịp người mua kẻ bán. Để vào đến núi Tượng, bạn phải vượt qua cửa ngõ là con đường có cây dầu hàng trăm năm tuổi đứng trấn ngay giữa đường, tạo thành hai lối ra - vào rõ rệt.

< Cây Dầu trăm tuổi tại thị trấn Ba Chúc.

Cây dầu này cũng có nhiều chuyện lạ kỳ gắn với việc làm đường của thị trấn. Bà con ở đây kể mọi cố gắng chặt bỏ cây dầu đều không có kết quả. Cây dầu này tạo thành điểm nhấn đặc biệt cho thị trấn Ba Chúc, không ai đi qua đây mà có thể quên được hình ảnh này. Qua cây dầu, vào đến bùng binh nhỏ, bạn quẹo tay trái để đến với núi Tượng, và nhà mồ Ba Chúc sâu bên trong nữa.

Chúng tôi dừng chân tại nơi mà bà con gọi là chùa: Tú Dương Miếu - Vạn Ban Miếu, nơi mà phía trên có hình “mặt ông Tượng”. Ông từ coi sóc ngôi miếu đã nhờ người hỗ trợ chúng tôi dẫn đoàn lên núi đêm nay. Đó là chú Út. Chú Út trạc bốn mấy năm mươi, không cao lắm, người gầy lại càng lỏng khỏng hơn trong bộ bà ba đen đang mặc. Nét mặt khắc khổ cộng thêm nước da ngăm đen khiến chú trông già hơn tuổi.

Chỉ mang theo những đồ đạc cần thiết cho việc ngủ đêm trên núi như lều, túi ngủ, đồ ăn, nước uống, đèn pin, chúng tôi theo chân chú Út bắt đầu hành trình chinh phục núi Tượng. Núi Tượng thấp nhỏ, chỉ cao 145 m, nên ai cũng nghĩ sẽ lên đỉnh nhanh lắm. Nhưng khi đi rồi mới biết không hề dễ dàng chút nào.

< Chú Út.

Đường lên núi quanh co nhiều đoạn rẽ, có những hang hốc nhỏ hẹp, có cả đoạn dốc cao và cả vực sâu. Số lượng đèn pin, đèn đeo trán không đủ nên mọi người không ai bảo ai đều bám nhau rất sát và thường xuyên nhắc nhau địa hình mình vừa đi qua. “Cẩn thận, đá trơn!”, “Dây leo dưới đất”, “Gốc tre nhọn nha!” “Dốc trơn bên phải”,… là những câu nói thường xuyên được phát ra từ những người đi phía trước. Tôi yêu đội leo núi của mình quá. Tinh thần tập thể được phát huy cao độ trong đêm nay.

< Bên phải tảng đá này là vực sâu.

Chúng tôi tạm nghỉ 5 phút sau chặng leo đầu tiên. Chỗ ngồi nghỉ là một phiến đá to, hơi dốc xuống dưới. Đêm nay trời không nhiều sao, chú Út hỏi thăm chúng tôi có mệt không, cần nghỉ thêm chút nữa không? Cả đám đồng loạt “Dạ không mệt, Đi tiếp chú ơi!”. Địa hình núi non thật phức tạp, bạn cứ nghĩ đi đường thẳng, hướng lên trên hoài là sẽ tới đỉnh ư? Nhầm to bạn ơi. Có những đoạn bạn đi lên rồi lại phải đi xuống để chuyển qua một con đường khác đi tiếp lên trên. Có đoạn bạn phải men theo vách đá trơn nhẵn với một bên là vực sâu.

Không có người dẫn đường thì chắc chắn sẽ bị lạc. Tiếng chim kêu đêm, tiếng khỉ ngân dài, tiếng lá cây xào xạc, tiếng gió vi vu xen qua kẽ lá… Âm thanh trên núi trong màn đêm tĩnh mịch khiến chúng tôi có nhiều cảm giác khác nhau. Chú Út chỉ cho chúng tôi xem những hang đá rộng, hẹp khác nhau. Có thể đây là những hang đá đã giúp che giấu những người dân vô tội thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt năm xưa.

< Khe đá hẹp, phải nghiêng người mới lách qua được.

Chặng nghỉ tiếp theo của chúng tôi là một đỉnh nhỏ, theo lời chú Út là ngắm cảnh đêm rất đẹp. Để đến được nơi này, chúng tôi vượt qua một khe nhỏ và dốc. Khe được tạo thành bởi hai phiến đá to gần sát nhau, phải nghiêng người mới chui qua được. Người nhỏ con như tôi thì không sao, còn anh trưởng đoàn của bọn tôi cao khoảng 1m8, thân hình cũng bệ vệ khiến chúng tôi hồi hộp. Liệu anh ấy có bị kẹt ngang đường không nhỉ? Lỡ kẹt thì làm sao kéo ra?

Trong khe đá có dòng nước nhỏ chảy từ trên xuống, làm cho nó trở nên ẩm ướt, là môi trường thích hợp cho loài rong rêu và dây leo phát triển. Có chiếc rễ cây tựa như rễ cây trầu bà, nhưng to và dài buông từ trên đỉnh khe đá xuống, cộng với sự nhơn nhớt của rêu bám trên tảng đá khiến cho mấy chị em đi trước hốt hoảng, tưởng mình đụng trúng con rắn đang bò. Về phần anh trưởng đoàn, sau một hồi xoay xở hóp bụng đủ kiểu và được chúng tôi hò hét cổ vũ nhiệt tình, anh cũng đã có mặt cùng chúng tôi ngắm nhìn cảnh ruộng đồng làng mạc Ba Chúc về đêm từ trên cao.

< Đoàn "phượt" núi đêm.

Trong ánh trăng huyền ảo, chú Út hướng ánh mắt chúng tôi về kênh Vĩnh Tế xa xa, về cánh đồng Tà Pạ. Những ánh đèn tắt dần, một vùng Thất Sơn rộng lớn đang chìm vào giấc ngủ êm đềm sau một ngày dài lao động miệt mài. Chúng tôi ngồi ngắm trời đất, nhìn nhau, nói cười vui vẻ. Niềm vui đôi khi chỉ đến từ những điều nho nhỏ và chúng tôi hạnh phúc với điều đó.

Tiếp tục trở xuống khe đá và đi theo một con đường mới để lên đỉnh núi, đích đã gần kề, tưởng chừng chỉ ít phút nữa chúng tôi sẽ nhảy cẫng lên vì sung sướng khi chinh phục được đỉnh núi Tượng. Nhưng “người tính không bằng trời tính”, chúng tôi được yêu cầu “hạ sơn”. Chỗ này chỉ còn cách đỉnh cao nhất của núi Tượng một chút nữa thôi. Chúng tôi hội ý nhanh và thống nhất sẽ “hạ sơn” mặc dù lòng đầy luyến tiếc.

< Buổi sáng với Mì xào Bắp Cải.

Khoảng 10 giờ tối, chúng tôi có mặt tại miếu Tú Dương. Đêm về khuya, mấy anh chị em ngồi quây quần trên chiếc phản, chuyền tay nhau từng ly rượu chùm ruột và kể về những chuyến đi đã qua và những dự định sắp tới. Chú Út đã chuẩn bị giúp bọn tôi hai “giường” ngủ tập thể rất tươm tất. Một “giường” được trải chiếu ở dưới đất, “giường” còn lại là chiếc phản làm bằng bê tông có lát gạch bông đặt cạnh tường bên ngoài miếu. Một số người thì chọn ngủ bằng túi ngủ mang theo hoặc đung đưa trên võng. Ai mệt thì đi nghỉ trước. Anh trưởng đoàn, hai chị bạn tôi và tôi là những người ngủ sau cùng. Tắt đèn, trả lại màn đêm sự yên lặng, chúng tôi chìm vào giấc ngủ trong tiếng mưa rả rích và ếch nhái kêu đâu đây.

Sau một đêm leo núi mệt nhoài, ai cũng ngủ ngon, buổi sáng thức dậy thấy người khoan khoái hơn những ngày thường ở nhà. Xong bữa sáng, nhóm Sài Gòn chúng tôi thu xếp về trước vì đường xa và cũng muốn lượn lờ một vài điểm đến khác. Chúng tôi chạy xe thẳng vào trong ghé thăm nhà trưng bày chứng tích tội ác của bọn Pôn Pốt, nhà mồ Ba Chúc.

Khi quay ra thì chạy lên đồi Tà Pạ ngắm nhìn toàn cảnh cánh đồng Tà Pạ đang xanh lúa bên dưới, tắm hồ Tà Pạ nước trong xanh quanh năm. Có lẽ tôi sẽ để dành phần thăm thú này cho một bài cảm nhận khác.
Chào An Giang! Tôi đã đến đây và sẽ còn quay lại.

Du lịch, GO! - Theo Nguoilaodong

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống