Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 2 October 2011

Làng Phước Kiều nằm cạnh Quốc lộ 1A, thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, xưa nay nổi tiếng với nghề đúc đồng truyền thống.

Điện Phương là chiếc nôi của làng nghề truyền thống nổi tiếng với làng đúc đồng Phước Kiều, nơi được tôn vinh làng nghề tiêu biểu Việt Nam. Cồng chiêng, sản phẩm truyền thống 400 năm của dân làng Phước Kiều, đã góp phần làm nên không gian cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới.

Tương truyền, vào khoảng từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, tức dưới thời nhà Nguyễn, nhiều thợ giỏi của Phước Kiều được triều đình mời ra kinh đô Huế để đúc tiền và các đồ vật dụng cho hoàng cung.

< Nghệ nhân đang tạo mặt trống đồng Ngọc Lữ.

Hiện nay ở làng Phước Kiều có trên 100 cơ sở lớn nhỏ làm nghề đúc đồng với nhiều sản phẩm đa dạng như: chuông chùa, đồ thờ tự, cồng chiêng, lư hương và nhiều dòng sản phẩm nghệ thuật khác.

Mới đây, các nghệ nhân của làng đã đúc thành công hai khẩu súng thần công theo đúng nguyên bản từ thời Nguyễn. Súng có trọng lượng 100kg/khẩu, nguyên liệu bằng đồng và thiếc, dài 1,2 mét, đường kính họng súng 25cm.

Đặc biệt, làng Phước Kiều rất nổi tiếng với kĩ thuật đúc cồng chiêng. Các bậc cao niên trong làng kể rằng, suốt hơn 200 năm qua, sản phẩm cồng chiêng của Phước Kiều đã có mặt ở hầu khắp các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số trên khắp rẻo Trường Sơn, Tây Nguyên.

Tiếng tăm Phước Kiều lan tỏa khắp các vùng miền khác và vươn sang tận Lào, Campuchia. Vì thế, cho đến nay, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vẫn không quản ngại đường sá xa xôi, vượt đèo, lội suối xuôi về làng Phước Kiều chờ đợi để có được những bộ cồng chiêng ưng ý.

Ngày nay, sản phẩm đúc đồng của làng nghề Phước Kiều không còn bó hẹp ở những sản phẩm truyền thống mà đã mở rộng ra nhiều mặt hàng khác phục vụ cho lĩnh vực trang trí nội thất và du lịch. Nhờ đó mà sản phẩm đúc đồng của Phước Kiều không những đã có mặt ở hầu hết thị trường trong nước mà còn vươn xa ra thị trường thế giới thông qua kênh xuất khẩu và du lịch.

Mỗi lần du khách về với Điện Bàn - Điện Phương đều tìm đến Đông Khương để xem các nghệ nhân làng đúc trình diễn các thao tác sản xuất, mua quà lưu niệm Phước Kiều.

Du lịch ,GO! - Theo BAVN, TCDL và nhiều nguồn khác
Là một Di tích Lịch sử Văn hóa đã được công nhận nhưng Hải Vân Quan lại có một “số phận” hẩm hiu, nhất là kể từ khi khai thông hầm đèo Hải Vân. Sự hoang vắng giữa chốn sương mờ ảo, sự ứng xử chưa đúng mức của con người và sự bào mòn của thiên nhiên đã làm Hải Vân Quan bị biến dạng. Di tích này đang bị lãng quên…

Dấu xưa huy hoàng

Sử sách chép rằng, năm Bính Tuất (1826), vua Minh Mạng thứ 7 đã cho xây đắp cửa Hải Vân ở đỉnh núi Hải Vân trong cảnh núi đèo hoang vu của những “chúa sơn lâm” còn ngự trị. Trước đó, khi thân chinh đi đánh Chiêm Thành (1470), lúc đi ngang qua đèo Hải Vân, vua Lê Thánh Tông thấy cảnh đẹp và địa hình núi non hiểm trở nên đã đặt cho nơi đây là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Về sau, trải qua nhiều đời vua, chúa của triều Nguyễn và thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Hải Vân Quan vẫn luôn được xem trọng với vị trí chiến lược về chính trị, an ninh và quốc phòng.

Dấu tích xưa của Hải Vân Quan vẫn được lưu lại trong các thư tịch cổ nước nhà. Biết bao tấm gương của tổ tiên người Việt đã băng rừng, trèo đèo, lội suối với bao hiểm nguy để dựng xây nên một vùng đất phương Nam màu mỡ và trù phú như ngày hôm nay. Tên tuổi của Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Tri Phương,… vẫn được người đời sau hết lời ca tụng.

Theo Đại Nam thực lục chính biên của Quốc sử quán Triều Nguyễn ghi lại: “Phía trước, phía sau đều đặt một cửa quan. Ngạch trước viết ba chữ “Hải Vân Quan”. Ngạch sau viết 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Phía tả hữu cửa quan, người ta xếp đá làm tường, trước sau tiếp nhau. Hải Vân Quan vừa trở thành trạm trung chuyển, điểm dừng chân, trên con đường thiên lý Bắc-Nam; là đất yết hầu, là vùng cửa ngõ của nước Đại Nam khi ấy; và đồng thời trở thành địa giới giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng bây giờ.

Không những thế, Hải Vân Quan còn nằm trên một địa thế khá lý tưởng. Địa hình cheo leo, khúc khuỷu (cao 496m). Khí hậu mát mẻ quanh năm. Đó là chốn “thiên cảnh bồng lai”, nằm giữa hai bãi biển đẹp (Lăng Cô và Nam Ô), từng làm lay động tâm hồn của biết bao con người: Một bên là núi với sương trắng bao phủ quanh năm; và một bên là biển hiền hòa soi mình trong ánh nắng vàng của biển.

Từ trên Hải Vân Quan, nhìn về hai phía, du khách sẽ chiêm ngưỡng cảnh sắc trời mây kỳ vĩ của thiên nhiên ban tặng với những chứng tích của nhiều thời kỳ lịch sử huy hoàng, là niềm tự hào về quá khứ vàng son của khúc ca khải hoàn “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Chạnh lòng trước “số phận”!

Dấu xưa hoành tráng và huy hoàng là vậy! Con đường thiên lý Bắc Nam quanh co, trắc trở là thế! Nhưng cũng có lúc bị con người chưa đúng mức.

“Có mới, nới cũ”, câu ca tưởng chừng xa vời lại có giá trị, nhất là đối với Hải Vân Quan hôm nay. Kể từ khi hầm đèo Hải Vân, công trình thế kỷ XXI, được thông xe (năm 2000), Hải Vân Quan càng vắng vẻ. Nếu có người ghé lại thì cũng chỉ là sự hồi tưởng về một thời lửa đạn của những người lính năm xưa. Hơn 10 năm trôi qua, mặc dù đã được xếp hạng là một Di tích Lịch sử Văn hóa cấp thành phố, song Di tích không được trùng tu, tôn tạo dù chỉ là một viên gạch, thanh đà chống đỡ.

Rất tình cờ, khi chúng tôi thực hiện chuyến du lịch bằng xe máy về với Hải Vân Quan vào những ngày cuối tháng 8. Đường lên Hải Vân Quan (hay đèo Hải Vân) khá vắng vẻ, chủ yếu là những xe gắn máy của những nam thanh nữ tú muốn thử thách cùng núi non, thỉnh thoảng cũng có vài chiếc xe ô tô loại 4-6 chỗ ngồi. Vừa chạm chân xuống đất để đỗ xe, biết bao tiếng mời mọc mua hàng bát nháo.

Tuy là khúc cua nguy hiểm của đỉnh đèo nhưng các hàng quán vẫn ngang nhiên cho khách du lịch đỗ xe bất chấp luật lệ. Men theo con đường nhỏ dốc và lởm chởm đá để lên cổng Hải Vân Quan. Cổng vòm cao bám đầy rêu xanh mang dấu ấn thời gian. Cổng Hải Vân giờ chẳng còn người qua lại nhiều, cũng chẳng còn người đứng gác hay bảo vệ. Quang cảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là nham nhở dây leo, cỏ cây hoang dại xen lẫn trong những hầm hố, bám níu trên cổng thành. Chưa hết, dấu tích thời gian của sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” vang danh một thời cũng dần mờ theo năm tháng.

Lên đến Hải Vân Quan, thỏa sức nhìn cảnh trời mây, chúng tôi còn được nhìn thấy nhiều lô cốt sụp bể, nắp nằm nghiêng ngả, không còn nguyên vẹn. Gần các lô cốt này là những lỗ châu mai bu bám nhiều cỏ lau, cây hoang dại. Trông xa, khó có ai có thể đoán ra đó là lỗ châu mai. Lân la cùng đoàn cựu chiến bình viếng thăm Hải Vân Quan chúng tôi được biết thêm về gốc tích. Một cựu chiến binh đến từ Thái Bình cho biết, những lô cốt này được người Pháp xây dựng vì mục đích quân sự với nhiều hình dạng, quay về các hướng khác nhau kiểm soát tuyến đường huyết mạch nối liền đất nước, quốc lộ 1A, một chứng cứ lịch sử nhưng giờ chỉ còn như vậy! (Nói xong, vị cựu chiến binh ấy lắc đầu). Nằm liền kề là một ngôi nhà, vốn xưa kia là trụ sở của những người trông coi Hải Vân Quan, giờ cũng bị bỏ hoang, không ai còn nhớ và đến ở.

Rời Hải Vân Quan, chúng tôi cảm thấy chạnh lòng trước sự hoang phế của “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Nhìn cổng Hải Vân Quan cùng với những lô cốt, lỗ châu mai đang “gồng mình” để chống chọi với sức tàn phá của thiên nhiên chợt thấy… xót xa.

Hải Vân Quan đang rất tha thiết nhận được sự đối xử bình đẳng như bao di tích khác để Hải Vân Quan vẫn mãi mãi là niềm kiêu hãnh của những người đi mở cõi.

Du lịch, GO! - Theo Dương Văn Út - Tintuc
Nằm trên ngọn núi Lưỡi Hái, thác Chòi thuộc xã Cự Đồng, là con thác nổi tiếng của huyện Thanh Sơn, Phú Thọ.

< Sự hiểm trở làm nên vẻ đẹp của tầng thác thứ ba.

Trong một ngày trời thu mát mẻ, quãng đường hơn 80km từ Hà Nội đến xã Cự Đồng chẳng lấy đi bao nhiêu sức lực của nhóm du khách trẻ.

< Thác ì ầm đổ vào một hồ nước.

Đến trung tâm xã Cự Đồng, theo chỉ dẫn, chúng tôi rẽ vào một con đường đất khá khó đi. Hai bên đường là những nương sắn nương ngô xanh mướt của người dân xóm Chòi.

Đi hết 3km đường đất là đến điểm đầu con thác. Cả nhóm gửi xe ở một nhà dân, bắt đầu ngược dòng lên thượng nguồn thác Chòi.

Thác Chòi là một hệ thống nhiều thác lớn nhỏ nối tiếp nhau. Từ nơi gửi xe, chỉ đi vài bước đã thấy tầng dưới cùng, cũng là tầng cao nhất hiện ra trước mắt.

Dòng nước trắng xóa từ trên độ cao gần 50m ào ào đổ xuống một vụng nước trong vắt.

< Tầng dưới cùng là tầng thác cao nhất của thác Chòi.

Nước đổ qua những tảng đá lớn xanh màu rêu rồi chảy xuống ghềnh đá ngay phía dưới. Bọt nước bắn tung tóe và hơi nước bay ra trắng xóa một vùng. Xung quanh cây rừng rậm rạp xanh um. Trên những vách đá là những bộ rễ chằng chịt của những cây cổ thụ, cảnh vật vừa hoang sơ vừa hùng vĩ.

< Lội ngược dòng lên thượng nguồn.

Leo một đoạn dốc thẳng đứng là tới tầng thứ hai của con thác. Ở tầng này, thác không cao cũng không rộng. Nhưng điều thú vị nhất là đứng tại đây có thể nhìn bao quát được cả khu vực hạ nguồn thác Chòi.

< Toàn cảnh núi rừng hoang sơ khi nhìn từ trên tầng hai của con thác.

Khoảng rừng rộng bao la để giữa một vệt dài ngoằn ngoèo của con suối. Thấp thoáng xa xa là những nóc nhà xen lẫn những nương lúa, nương ngô của người dân xóm Chòi.

< Những ghềnh đá tạo nên những dòng nước tuyệt đẹp.

Đứng đây, vừa thấy được sự hùng vĩ, vừa cảm nhận vẻ thơ mộng của núi rừng Thanh Sơn.

Để đến tầng tiếp theo phải leo một đoạn dốc khá cao. Tầng thác này địa hình rất hiểm trở. Đường xuống là những bậc đá trơn trượt, và muốn xuống hẳn vụng nước của tầng thác này phải leo bám một vách đá thẳng đứng.

Dù biết trước khó khăn nhưng cả nhóm vẫn quyết tâm leo xuống vì vẻ đẹp của dòng thác thật sự cuốn hút. Không cao và rộng như tầng dưới cùng nhưng sự hiểm trở lại trở nên quyến rũ những du khách thích mạo hiểm.

Sau tầng thác thứ ba là một đoạn suối rất đẹp giữa núi rừng hoang sơ. Dòng nước trong vắt len lỏi qua những kẽ đá thỉnh thoảng lại đổ xuống ào ào khi gặp những ghềnh đá. Hai bên bờ suối là rừng cây cổ thụ um tùm, chốc chốc lại bay ra những chú bướm đủ màu sắc.

< Thỏa thích tắm mát.

Đi hết đoạn suối là hai con thác nhỏ cùng chảy xuống một vụng nước. Nước khá sâu nhưng trong xanh nên đây là địa điểm lý tưởng để các bạn trẻ thỏa sức vùng vẫy, tắm mát.

< Những ghềnh đá hiểm trở để lên được thượng nguồn.

Theo lời người dân địa phương, đỉnh thác nằm trên đỉnh núi cao và đường duy nhất để lên đến đầu nguồn thác là ngược dòng đi lên. Sự tò mò thôi thúc mọi người vượt thêm một đoạn thác nhỏ nữa để tìm đến thượng nguồn nhưng cuối cùng buộc phải dừng lại trước một ghềnh đá cheo leo.

Chúng tôi đành ra về dù trong lòng còn nhiều nuối tiếc.

Du lịch, GO! - Theo Dulich Tuoitre, Conhai92

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống