Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 4 October 2011

Một đợt du lịch phượt ồ ạt nữa lại đến, các bạn trẻ đang háo hức lên đường. Hàng trăm thứ đã được chuẩn bị chu đáo trong chiếc ba lô, liệu bạn đã tính đến việc đi đứng thế nào khi phải băng qua tràn, qua ngầm, qua suối trong mùa mưa bão này?

Ta đã từng nghe câu ca: "Ai ơi nhớ lấy lời này/ Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua". Phải chăng đây là quy tắc an toàn bảo đảm sự an nguy cho mình và người khác mà cha ông ta đã từng răn dạy.

Thế nhưng trong cuộc sống guồng quay công nghiệp đã cuốn mọi người đi theo không kịp nghĩ lại, rằng "Thà chậm còn hơn chậm mãi mãi".

Phóng xe máy đi phượt vào đường rừng đường núi, anh em thường mong muốn tranh thủ đi nhanh sao cho đi đến nơi, về đến chốn, trên đường đi gặp mưa thì lại càng tranh thủ sao cho kịp qua ngầm, qua suối sớm trước khi nước lên không phải nằm lại dọc đường trong mưa rơi giá lạnh.

Chính suy nghĩ này đã làm hại chúng ta, và nhiều trường hợp tai nạn bị nước cuốn trôi xe máy, ô tô, gây chết người đã xảy ra.

Vi vu xe máy trên những cung đường đèo núi là niềm đam mê của rất nhiều bạn trẻ, tuy nhiên, để có một chuyến đi an toàn, ý nghĩa, xin các tay xế đừng chủ quan, hoặc vì nôn nóng, hoặc vì ra oai, hoặc chỉ vì muốn dọa ma ôm của mình mà phóng xe nguy hiểm qua những đoạn có nước chảy qua.

Các nguyên tắc sau đây cần phải chú ý khi đi xe máy qua tràn, ngầm, suối:

- Quan sát cột báo độ sâu của nước ở 2 bên ngầm, chỗ cột có sơn caro đỏ trắng và vạch số chỉ độ sâu để quyết định có đi qua hay không.

- Xế và ôm tuyệt đối không được chủ quan, phải dứt khoát không qua suối khi không an toàn. Phải lội dò lòng suối cẩn thận đối với nơi mới đến lần đầu. Cân nhắc kỹ lưỡng về lưu lượng dòng nước, tốc độ dòng chảy ở khắp lòng suối chỗ nông chỗ sâu ...

- Ngay cả với xe hơi, xe khách: phải chú ý kiểm tra mực nước suối, ngầm so với thân xe. Đối với xe tải nặng gầm cao 2 cầu thường đủ sức vượt suối (nhưng cũng không được phép chủ quan khi mực nước lũ trên nguồn về nhiều), riêng xe ô tô 2 cầu đi rừng như Land Cruiser, Kuwatt, .. có tải trọng nhẹ, lại bịt kín khi qua suối thường bị nước suối xô vào thành xe và đẩy dạt xe đi theo dòng.
Thường lái xe và những người trên xe thường nghĩ rằng nhiều người ngồi trên xe sẽ giúp xe thêm sức nặng, tăng tải ma sát bám lòng suối để vượt qua.(đây cũng chính là nguy hiểm gây chết người). Nếu cao hơn gầm xe, dòng nước sẽ xô xe và nâng đẩy ô tô trôi, lúc đó chiếc xe chỉ còn như chiếc lá bị cuốn trôi theo dòng, không còn điều khiển bám đất được nữa.

- Khi nước lũ nguồn đổ về nhiều, dòng chảy rất nhanh đặc biệt nguy hiểm: không nên liều lĩnh vượt qua. Thà chịu một đêm ngủ rừng còn hơn thiệt hại về người và tài sản.

- Chỉ cho xe qua khi suối cạn, dòng chảy chậm, nhìn rõ được lòng đường dưới mặt nước.

- Chỉ qua suối lúc ban ngày, thấy rõ mặt nước dòng suối; không qua suối lúc chiều tối không nhìn rõ mặt nước sự nông sâu.

- Nếu nhận thấy có sự không an toàn, tuyệt đối không cho xe qua suối; phải chờ lúc an toàn.

- Chú ý chỗ dừng xe, chỗ cắm trại, ngủ qua đêm tránh xa bờ suối, lên chỗ cao an toàn, tránh bị nước lũ đổ về gây ngập cuốn xe và người trong đêm.

- Tìm chỗ cao khô ráo dựng lều bạt, hoặc ở trong xe, chú ý giữ ấm, ăn uống đủ phòng cảm lạnh, đốt đèn bão, cắt cử người trực theo dõi tình hình.

Có một điểm rất cần phải lưu tâm, nhất là trong mùa lũ, đó là việc các ôm nhà ta rất khoái nhảy xuống suối tạo dáng chụp ảnh. Trong trường hợp này, leader nên chú ý xem dòng nước thế nào, liệu có an toàn không, đặc biệt nghiêm khắc khi thấy các ôm quá ham vui mà đi ra xa hoặc lội xuống dòng nước chảy xiết.
Chúc các bạn có những chuyến đi phượt an toàn, vui vẻ và ý nghĩa.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Phuot, Nonglamdong, Ttvnol
Huyện Thuận Nam, Ninh Thuận là vùng đất duy nhất trong cả nước có được nét thiên nhiên kỳ thú của bãi biển Cà Ná, Mũi Dinh sơn thuỷ hữu tình.

Đầu tư phát triển du lịch sinh thái kết hợp đua mô tô trên cát thu hút du khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng là một lợi thế kinh tế quan trọng của địa phương. Du khách gần xa đã biết tới huyện Thuận Nam với những địa danh trữ tình gợi đầy chất thơ Cà Ná, Mũi Dinh.

Nằm ven quốc lộ 1A- con đường huyết mạch Bắc- Nam, từ xa xưa bãi biển Cà Ná đã trở thành điểm đến nghỉ dưỡng của các vị vua Chăm. Và trên con đường Thiên Lý xuôi Nam ngược Bắc, các vị vua chúa nhà Nguyễn cũng đã dừng chân bãi biển thơ mộng này để dưỡng tướng, an quân.

Sách xưa kể lại rằng vào những đêm trăng thanh gió mát, các vị vua Chăm thường đưa bầu đoàn thê tử vào Cà Ná vui hưởng không khí trong lành của trời đất. Các nàng công chúa Huyền Trân và Ngọc Khoa đã từng tắm thân ngọc ngà giữa làn nước biển Cà Ná trong suốt thuỷ tinh.

Bờ biển thoai thoải trải đầy cát trắng mịn màng. Biển xanh ngày đêm êm đềm vỗ sóng trắng xoá lên những phiến đá đen hun màu đồng. Đá bị sóng và gió bào mòn qua triệu năm mưa nắng tạo thành hình dáng hòn cò, hòn cá nhảy, hòn phu tử, thấp thoáng trong màu trăng bàng bạc.

Xa xa trong làn sương khói mịt mùng của hơi nước là cù lao Câu được bàn tay tạo hoá an bày làm bức bình phong chắn sóng tạo nên sự an lành cho bãi biển Cà Ná.

Rời vùng biển Cà Ná theo lộ trình Nam- Bắc, du khách đến Mũi Dinh cách quốc lộ 1A (tại km 1572, gần ga Hoà Trinh) khoảng 10 cây số về hướng Đông. Nhìn trên bản đồ hành chính, mũi Dinh như chiếc mỏ đại bàng mà hai cánh sải rộng giáp với vùng biển Cà Ná và đồi cát Vĩnh Trường. Có thể nói vùng đất Mũi Dinh là sa mạc của Việt Nam. Với hàng trăm hecta đất cát vàng ong màu nắng mềm mại như tấm lụa tơ vàng mà thiên nhiên đã ban tặng riêng cho vùng đất xã Phước Dinh.

Lượng mưa trung bình hàng năm 600-700 mm (thấp nhất nước) là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sa mạc trong tương lai. Với độ cao 177 mét so với mặt biển, Mũi Dinh được người Pháp chọn làm nơi đặt đài khí tượng và ngọn hải đăng trên toà nhà cao 4 tầng. Truyền thuyết kể lại rằng do biển Mũi Dinh có sức quyến rũ lạ thường nên ngày xưa các tiên ông thường đến đây ngồi ngắm biển hoàng hôn, câu cá và đánh cờ.

Tại các hang động ở Mũi Dinh hiện nay còn lưu lại nhiều chiếc chén đá uống rượu của các tiên ông được dính chặt vào những phiến đá. Mũi Dinh có một tảng đá lớn gọi là Hòn Trống khi ta gõ vào mặt đá sẽ phát ra âm thanh vang rất xa.

Đi men theo bờ biển Mũi Dinh, du khách được thưởng ngoạn nét đẹp biến hoá huyền ảo của hiện tượng cát bay. Có lẽ do tác động của khí hậu khô hạn từ thuở khai thiên lập địa nên cát ở đây trắng mịn vào loại bậc nhất Việt Nam. Gió cuốn cát bay làm thay hình đổi dạng đồi cát Mũi Dinh rộng đến mút tầm con mắt. Rừng dương xanh biếc, xương rồng nở hoa trắng muốt, biển xanh dạt dào sóng vỗ gợi cho lòng người có cảm giác thanh thản quẳng gánh lo âu để vui sống giữa lòng non nước Mũi Dinh an lành.

Du lịch, GO! - Theo báo Ninh Thuận

Monday, 3 October 2011

Cứ mỗi độ thu về, các cung đường trên rẻo cao phía bắc lại tấp nập người, xe hơn bình thường. Bởi đó là khi những thung lũng rộng lớn với những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ bỗng rực lên sắc vàng mê mải của lúa chín.

Năm nào cũng vậy, cứ khoảng tháng 9 – 10 dương lịch, khi lúa dần ngả vàng trên những thửa ruộng bậc thang, cũng là lúc dân phượt, dân chơi ảnh... ngược đường lên vùng cao phía bắc, tới những nơi heo hút, tận cùng, như Tú Lệ, Mù Căng Chải, Than Uyên, Sa Pa, Tả Giàng Phình, Ý Tý, Hoàng Su Phì...

Mùa lúa chín cũng là lúc các cán bộ Phòng Nông nghiệp Ý Tý, Mù Căng Chải... bận rộn hơn bình thường. Bởi thỉnh thoảng lại có những cú điện thoại của những người chả hề quen biết dưới xuôi gọi lên, hỏi thăm xem lúa đã chín chưa.

Đây cũng là lúc các diễn đàn du lịch, chụp ảnh... xôn xao với những thông tin về lúa chín, về mùa gặt, chỉ dẫn đường đi, địa điểm ăn nghỉ, tìm bạn đồng hành... theo những cung đường lúa chín.

Những điểm hội ngộ quen thuộc của dân “săn” lúa chín nối nhau thành một tuyến nối dài các thửa ruộng bậc thang, các cánh đồng, thung lũng lúa nổi tiếng, từ Tú Lệ, Mù Căng Chải (Yên Bái) vòng qua Than Uyên, Sa Pa, ngược lên Tả Giàng Phình, Ý Tý (Lào Cai) hoặc vượt núi sang Quản Bạ, Hoàng Su Phì (Hà Giang)... Hầu như các tỉnh vùng cao phía bắc và tây bắc đều có ruộng bậc thang.

Lúa trồng mỗi năm chỉ một vụ, lại gieo không đều, nên chín cũng không đều. Lúa ở Sa Pa, Quản Bạ thường chín sớm hơn các vùng khác, rồi tới mùa gặt ở Mù Căng Chải kéo dài cả tháng, muộn nhất là mùa lúa ở Hoàng Su Phì. Thế nên có những kẻ mê lúa chín đến mức cứ cuối tuần là lại lang thang trên những con đèo vắt ngang những dãy núi kỳ vĩ. Tuần này ở Sa Pa – Mù Căng Chải, tuần sau lại Sa Pa – Ý Tý, rồi tuần sau nữa là Hoàng Su Phì..., chỉ để được chiêm ngưỡng bằng hết những thảm lúa vàng trải khắp các triền núi cao ngút ngàn.

Tôi cũng vậy, mỗi mùa lúa chín, tôi tốn thêm không ít tiền điện thoại, hỏi han khắp nơi, chỉ để rình cho được lúc lúa chín đẹp nhất. Gần như năm nào cũng đi, cùng một cung đường, cùng một nơi dừng chân, thậm chí cùng một góc chụp ảnh, vậy mà vẫn không thấy chán. Cứ mỗi lần đang băng băng đổ đèo, thoáng thấy hương lúa mới vấn vít trong gió, lại thấy náo nức, rộn ràng, lại hối hả giục nhau chạy xe thật nhanh. Rồi khi con đường đèo đang hun hút giữa hai dãy núi cao sừng sững bỗng rộng mở thênh thang, trải dài một biển lúa vàng dập dờn như cánh sóng, lại thấy vỡ òa sung sướng, tựa như lần đầu tiên được chiêm ngưỡng khung cảnh kỳ vĩ này.

Lần nào chúng tôi cũng mê mải ngắm nhìn và tự hỏi nhau, sao trong cùng một thung lũng mà sườn núi bên này lúa vẫn còn xanh, sườn núi bên kia lúa đã chín vàng óng ả. Có những lúc mơ màng nghĩ đến cảnh mình được đứng giữa đồng lúa trải dài như tấm thảm mịn màng giữa thung lũng bao la. Có những lúc cả nhóm bỏ xe lại ven đường, trèo xuống thửa ruộng gần nhất, để cùng gặt lúa, đập lúa trong tiếng nói cười ríu rít hoà cùng niềm vui được mùa của các chàng trai, cô gái người Thái, người Mông.

Khi những cung đường đã trở nên quen thuộc, những người tò mò và liều lĩnh nhất lại mở ra những cung đường mới, ở sâu khuất sau những dãy núi cao ngất tận mây trời, tìm đến những cánh đồng, những bậc thang lúa cách trở, hẻo lánh hơn, nhưng cũng đẹp hơn, hoang sơ hơn. Những cái tên xa lạ như Lìm Mông, Chế Tạo (Yên Bái), Mường Chiến (Sơn La), Dền Thàng, Ngải Thầu (Bát Xát, Lào Cai)... là những cung đường thử thách tay lái và là niềm mơ ước của những kẻ mê đắm cảnh mùa vàng miền sơn cước.

Đã bao lần, tôi cùng những người bạn đồng hành dừng chân trên đèo Khau Phạ, vừa nhâm nhi ly càphê thơm mùi... lúa chín mà cả lũ vừa hì hục nổi lửa tự pha giữa đỉnh đèo, vừa mơ màng nhìn xuống thung lũng vàng óng ả giữa bốn bề núi cao sừng sững. Cũng đã bao lần về nhà xem lại những bức ảnh giống hệt nhau, tôi tự bảo mình: Thôi, không đi nữa. Nhưng rồi, mỗi mùa lúa chín, tôi lại muốn được ngắm nhìn mê mải theo những bậc thang vàng bắc lên tận trời xanh, lại được uống ly càphê quyện hương lúa giữa đỉnh đèo lồng lộng gió và nắng. Thế nên năm nay, tôi lại đi, lại lên rẻo cao Tây Bắc mùa lúa chín.

Du lịch, GO! - Theo báo Laodong, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống