Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 4 October 2011

Với dân “phượt”, trong những hoàn cảnh bắt buộc họ phải “chiến đấu” với cung đường luôn để lại những kỷ niệm bất ngờ, thú vị và đáng nhớ. Chúng tôi đã offroad trên đất Pù Luông như thế.
.
Vật lộn với đường mòn xuyên rừng

Rời bản Kho Mường của người Thái nằm sâu trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa), chúng tôi chỉ kịp cất vào hành trang câu dặn dò của anh Nam, một người làm du lịch sinh thái tại đây: “Nhanh lên, không trời mưa là chết dở đấy”.
Trên đoạn đường 7km từ Kho Mường ra bản Ươi - Phố Đoàn, chúng tôi thầm mong sẽ tránh kịp cơn mưa đang sầm sập sau lưng, nếu không “cơn ác mộng Pù Luông” từng được cảnh báo từ bao dân phượt kỳ cựu sẽ trở thành sự thật.

< “Con cào cào” này đã thành một khối sắt!

Bốn chiếc xe máy lao vút đi nhưng chỉ được vài trăm mét, vừa ra khỏi bản cơn mưa rừng đã trút xuống dữ dội. Chúng tôi chỉ kịp bọc máy ảnh vào trong áo mưa thì quần áo đã sũng nước. Đi cũng dở mà ở lại cũng không xong, đành tiếp tục lên đường theo lối mòn người dân bản Kho Mường hay đi tắt sang Phố Đoàn hoặc đưa khách Tây trekking (đi bộ).

Mưa chỉ ào ạt khoảng 15 phút thì tạnh. Mặt trời lại ló ra sau đám mây như trêu chọc và nắng bừng lên trên những tán lá rừng. Sau mưa con đường mòn trở nên trơn trượt và nguy hiểm.

Bình thường đi xe máy trên con đường này đã khó, nay vừa phải dắt vừa phải kéo xe cho không trượt ra mép taluy âm, nơi mà phía dưới đám cây bụi xanh mướt rung rinh kia không thể biết được hẻm núi sâu đến chừng nào!

Những đôi giày sau một lúc vật lộn với bùn đất đã trở nên nghẹt cứng và mất độ bám. Bây giờ thì người cũng trượt chứ chẳng phải xe. Những đoạn dốc lên xuống, đi bộ vẫn có thể “vồ ếch” như chơi, huống hồ còn dắt chiếc xe máy nặng trĩu.

Ngay cả chiếc xe “cào cào” trong nhóm vốn dĩ là một chiến mã trên địa hình đồi núi, nhưng trong hoàn cảnh này trở thành một khối sắt với quán tính trượt dữ dội. Tôi đã thót tim mấy bận khi chiếc xe không thể ghìm lại giữa những sống trâu trên lối mòn, lao thẳng về phía mép núi rồi... dừng lại.

Chúng tôi vật lộn với con đường mòn xuyên rừng bảo tồn Pù Luông, đi một đoạn lại phải dùng cành cây chọc bớt đất bám vào bánh xe, balô cứ xốc lên vai lại hạ xuống. Thỉnh thoảng gặp vài người dân bản đi bộ ngược chiều, chúng tôi hỏi: “Còn bao lâu nữa tới Phố Đoàn?”, ai cũng bảo “Sắp tới rồi” như thể động viên chúng tôi đừng nản lòng.

Cuối cùng, sau hơn hai giờ offroad, chúng tôi cũng vượt qua được 7km đường kinh hãi và rồi một thung lũng lúa bát ngát, dập dờn như biển sóng dang rộng vòng tay ôm chúng tôi vào lòng. Chúng tôi trở thành những cái chấm bé xíu trên con đường mòn căng ngang biển lúa.

Cả bọn dừng xe, nằm lăn trên vệ cỏ, thỏa sức hít căng lồng ngực hương lúa thanh thanh, dìu dịu. Chúng tôi đun một ấm cà phê, nhấm nháp những ngụm cà phê nóng sực, vừa chia sẻ cảm xúc đã trải qua. Ai cũng công nhận: “Mệt nhưng vui và nhớ đời!”. Mặt trời tô màu hoàng hôn trên cánh đồng đẹp lạ lùng. Thêm một buổi chiều quá đỗi thanh bình và dịu ngọt được ghi dấu trong hành trang.

Khám phá Cao Hoong và Kịt

< Bản Kịt ở sâu nhất trong khu bảo tồn Pù Luông.

Sáng hôm sau, từ bản Nủa chúng tôi quyết định chinh phục Cao Hoong và Kịt, hai bản của người Mường ở rất sâu trong vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

< Trên con đường mòn xuyên rừng sau mưa.

Đoạn đường núi 8km tất nhiên rất phù hợp để trekking nhưng vẫn là một thách thức với xe máy. Khoảng 5km đến bản Cao Hoong, đường tuy dốc ngược nhưng khá rộng, thỉnh thoảng mới gặp vài đoạn ngắn trông như lối mòn trườn qua vách đá và đám cây bụi.

Nhưng từ Cao Hoong vào đến Kịt, đường trở nên chật hẹp và khó đi hơn rất nhiều. Phần lớn thời gian phải đi bộ còn bạn đồng hành đẩy xe. Nắng lóa mắt và trời xanh như rút ruột mà xanh. Dọc đường đám bướm rừng đầy màu sắc bay lượn khắp nơi. Trong khi mấy anh con trai hì hục với chiếc xe thì đám con gái tung tẩy chụp ảnh, đùa nghịch với đàn bướm.

< Cánh đồng bản Ươi thanh bình.

Lúa ở Cao Hoong và Kịt vẫn còn xanh, trồng rải rác trong thung lũng, lẫn với đám cây bụi rậm rạp. Mỗi bản chỉ có vài chục nóc nhà sàn mái rạ nằm quần tụ - một khung cảnh thanh bình đến mê mải. Vào đến Kịt thì mặt trời đã đứng bóng, màu xanh cốm của lúa đang chín trở nên óng ả trong nắng trưa.

Chúng tôi ghé vào một căn nhà sàn ngay đầu thôn để xin nước uống. Vợ chồng chủ nhà hiếu khách mời cả nhóm vào nhà. Trong lúc chờ bà chủ nhà đun nước, mỗi người chúng tôi chọn một ô cửa sổ nhìn ra cánh đồng bản Kịt. Đôi lúc trong đời chỉ cần vài phút được ngồi thật lặng yên như thế này bên bè bạn...

Du lịch, GO! - Theo TTCT

Trải nghiệm Pù Luông
Phượt tới Pù Luông nhé
Du lịch sinh thái ở Pù Luông
Đối với đồng bào dân tộc Cơ tu, đa số ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên- Huế, ngôi nhà Gươl (còn gọi là nhà làng) được coi như một biểu tượng văn hóa, niềm hãnh diện của mỗi làng.

Nhà Gươl không chỉ mang đặc trưng kiến trúc dân tộc mà còn là nơi hội tụ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của người Cơ tu. Đó là nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng, nơi các già làng (Tacooh pươl) quyết định những vấn đề quan trọng của cộng đồng và đặc biệt là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống như mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng, hoặc ăn mừng được mùa rẫy... Những trai tráng chưa vợ, những người già mỗi đêm thường đến ngủ trong nhà làng, vì người Cơ tu coi đây là nơi linh thiêng, luôn có sự hiện diện các các thần linh và tổ tiên, ông bà họ...

Đối với mỗi làng Cơ tu, việc xây dựng một ngôi nhà Gươl là việc hệ trọng. Trước khi chọn đất dựng làng, người ta đã nghĩ đến vị trí nhà Gươl đầu tiên. Đó là vị trí cao ráo ở chính giữa làng. Trai làng được giao nhiệm vụ vào rừng chọn gỗ, lấy lá, còn những người có nghề chạm khắc đảm trách khâu tỉa tót, chạm trổ từ cột cái đến các hoa văn trang trí chung quanh, trên nóc nhà. Quy mô và nét nghệ thuật của mỗi ngôi nhà Gươl biểu thị sự lớn mạnh, giàu có của mỗi làng. Trong nhà Gươl, bao giờ cũng trưng bày nhiều loại nhạc cụ, công cụ truyền thống, nhiều xương đầu thú mà dân làng đã săn bắt hoặc đã giết thịt trong các lễ hội...

Tôi từng có dịp đến thăm nhiều nhà Gươl ở các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang ở tỉnh Quảng Nam và nhận ra, góp phần tạo ra và gìn giữ “cái hồn” của những ngôi nhà làng này là vai trò của những già làng có nhiều công trạng. Làng Gừng ở Đông Giang có già làng Ating Veh, làng Bơ- Hôn có già Priu Prăm là những điển hình.

Ating Veh năm nay đã ngoài 80, nhưng vẫn còn khỏe mạnh nhờ rèn luyện từ những ngày tham gia bộ đội. Ông bỏ ra nhiều năm đi khắp các làng, có khi băng rừng đi cả trăm cây số để sưu tầm các điệu hát lý, các bài ca, chuyện cổ và sưu tập hàng trăm nhạc cụ cổ để về huấn luyện lại cho các bạn trẻ. Già làng Priu Prăm ở Bơ- Hôn từng giữ chức vụ lãnh đạo huyện, từng là đại biểu Quốc hội, nhưng đến tuổi hưu lại về làng chăm lo xây dựng nhà Gươl, tập trung trai tráng lại, vừa tập múa hát, sử dụng nhạc cụ dân tộc; vừa hướng dẫn cách sản xuất làm ăn như dệt thổ cẩm, mở lò rèn nông cụ và liên lạc với các công ty lữ hành để xây dựng điểm du lịch văn hóa...

Vào thăm ngôi nhà Gươl của hai làng Gừng và Bơ-Hôn là dịp để chiêm nghiệm các nét kiến trúc, chạm khắc tinh tế trên những cột Xờ-nur, trên các cột vách và xem trưng bày các sưu tập nhạc cụ dân tộc, lại luôn có sẵn những người có thể biểu diễn các điệu múa hát như Dza-dzá, các điệu vũ nhạc như Đing-tuk khi được yêu cầu. Nhờ vậy, các đoàn du khách đi dọc đường Trường Sơn thường chọn những nhà Gươl này để dừng chân và tìm hiểu các đặc điểm văn hóa bản địa.

Trong khi một số nơi, vẫn có các “nhà văn hóa truyền thống” của người dân tộc nhưng lại được ngân sách hỗ trợ đúc bằng bê tông, cốt thép và lợp tôn luôn vắng vẻ, phản cảm về mặt kiến trúc thì những ngôi nhà Gươl mà tôi có dịp đến thăm bao giờ cũng tỏa ra những âm hưởng thân gần, đầy cảm xúc của những sắc thái văn hóa giàu có và sâu lắng.

Du lịch, GO! - Theo báo Thanhnien, ảnh internet
Khi bạn đặt chân đến bãi Tiên Sa, bãi Đá Đen (phía Tây Sơn Trà), hòn Hành, hòn Chảo (phía Hải Vân), hay đứng trên đèo Hải Vân nhìn bao quát toàn cảnh vịnh, mới cảm nhận hết vẻ đẹp của một nơi sơn thủy hữu tình, được thiên nhiên ban tặng nhiều ưu đãi...

Vịnh Đà Nẵng được bao bọc bởi hai dãy núi Hải Vân và Sơn Trà, hình thành từ một nhánh của dãy Trường Sơn. Từ Đông Bắc Trường Sơn đâm thẳng ra biển, điểm chấm cuối cùng là hòn Chảo. Nhánh của dãy Trường Sơn này làm thành một vòng cung từ Đông Bắc chạy xuống Tây Nam, liên kết với dãy đất liền và bán đảo Sơn Trà, thành một hình vòng cung tạo thành vùng vịnh. Là một vùng kín gió, ít sóng, tạo nên 77 điểm neo đậu tàu thuyền an toàn. Vịnh còn có hai con sông đổ ra biển là sông Hàn và sông Cu Đê, tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình hiếm có.

Bán đảo Sơn Trà còn có tên là núi Tiên Sa, gắn với truyền thuyết là nơi có cảnh vật tuyệt đẹp đã quyến rũ các nàng tiên trên trời xuống vui chơi, thưởng ngoạn. Các bãi biển quanh bán đảo với cát trắng phau, nước xanh ngắt là những điểm du lịch lý tưởng, là nơi cung cấp nước ngọt cũng như là điểm nghỉ chân cho ngư dân trước khi ra khơi.

Phía Tây Bắc bán đảo có các bãi biển đẹp như bãi Tiên Sa; bãi Đá Đen có nhiều gành đá kéo dài ra biển; bãi Bang, bãi Miếu nằm dưới chân núi Cổ Ngựa; bãi đá Sũng Am, bãi Bắc.

Phía Đông Nam có bãi Nam là bãi tắm lý tưởng và an toàn cả 4 mùa; bãi Rạng có nhiều con suối lớn từ núi đổ xuống, bãi tắm sạch, như ở chốn bồng lai tiên cảnh; bãi Bụt nằm ở phía Tây Nam, trong cùng của hệ thống bãi biển thuộc phía đông nam của bán đảo Sơn Trà, không những có vẻ đẹp thiên nhiên kỳ ảo, địa thế thác ghềnh, núi non kỳ vĩ và có những câu chuyện dân gian thắm đượm màu sắc tâm linh nên người xưa gọi nơi đây là bãi Bụt.

Đối diện với Sơn Trà, hòn Chảo (hòn Sơn Trà con) là điểm cuối nếu tính từ cửa sông Cu Đê, dọc theo đèo Hải Vân, ngang qua hòn Hành, làng Vân đâm thẳng ra biển. Hòn Chảo có hình dạng giống như con nghêu, hay cái chảo úp ngược, xung quanh có nhiều rạng đá và là môi trường tốt cho các loài cá, tôm đến cư trú và cũng là nơi cho tàu thuyền neo đậu an toàn.

Ngoài vẻ đẹp do thiên nhiên ban tặng, vịnh Đà Nẵng nhìn chung vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng của nó, mà theo ông Hồ Văn Ánh, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển du lịch, Sở VH-TT-DL Đà Nẵng, lúc cầu Thuận Phước được đưa vào sử dụng, vịnh Đà Nẵng đã được tô điểm đẹp hơn, duyên dáng hơn. Và khi khu du lịch Làng Vân đưa vào khai thác, cộng với khu du lịch Xuân Thiều, khu đô thị Thuận Phước, thì cảnh quan của vịnh mới sống động. Với đặc điểm sóng trong vịnh là sóng ngang, thì việc khai thác các môn thể thao du lịch như thế nào cho phù hợp cũng cần được cân nhắc kỹ hơn, khi du lịch biển luôn gắn với thể thao trên biển hoặc là du lịch mạo hiểm leo núi khám phá bán đảo Sơn Trà...

Có thể nói vẻ đẹp của vịnh Đà Nẵng còn là vẻ đẹp tiềm ẩn, mà du khách thì không thể tự mình khám phá vì họ không có nhiều thông tin, nên điều tiên quyết của những người làm du lịch là tìm và chỉ ra vẻ đẹp đó cho du khách biết, biến vẻ đẹp tiềm ẩn (the hidden charm) thành vẻ đẹp mà khi khám phá người ta sẽ nhận thấy chiều sâu của nhiều tầng ý nghĩa.

Việt Nam có 3 vịnh biển nằm trong danh sách câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thể giới gồm vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang và gần đây nhất là vịnh Lăng Cô. Địa hình Hạ Long là đảo, núi xen kẽ giữa các trũng biển, là vùng đất mặn có sú vẹt mọc và những đảo đá vôi vách đứng tạo nên những vẻ đẹp tương phản, kết hợp hài hòa, sinh động các yếu tố: đá, nước và bầu trời. Các đảo trên vịnh Hạ Long có những hình thù riêng, không giống bất kỳ hòn đảo nào ven biển Việt Nam và không đảo nào giống đảo nào.

Có chỗ đảo quần tụ lại nhìn xa ngỡ chồng chất lên nhau, nhưng cũng có chỗ đảo đứng dọc ngang xen kẽ nhau, tạo thành tuyến chạy dài hàng chục kilômét như một bức tường thành. Đó là một thế giới sinh linh ẩn hiện trong những hình hài bằng đá đã được huyền thoại hóa.

Với bãi cát trắng dài tới hơn 10km, làn nước biển trong xanh, vịnh Lăng Cô hội đủ các điều kiện để phát triển nhiều loại hình du lịch như nghỉ dưỡng biển, lặn biển, du lịch sinh thái vùng đầm phá, thể thao, leo núi, sân golf, thám hiểm rừng nhiệt đới... Bên cạnh vịnh là những cánh rừng nhiệt đới rộng lớn trên những dãy núi nhấp nhô, nằm giữa núi rừng và biển là đầm Lập An rộng lớn đầy huyền bí.

Trong thế đối trọng với các vịnh biển trong khu vực và cả nước, vịnh Đà Nẵng nhìn chung vẫn chưa được khám phá hết tiềm năng, lợi thế, về tất cả các điều kiện phát triển như du lịch, khai thác cảng biển.

Thành phố vẫn đang tiếp tục mời gọi đầu tư, biến vịnh Đà Nẵng thành một hòn ngọc quý. Tuy nhiên, cũng như nhiều vịnh biển ở Việt Nam, vịnh Đà Nẵng đang lên tiếng báo động về tình trạng ô nhiễm môi trường. Khai thác vẻ đẹp của vịnh nhưng không tận diệt nó sẽ là vấn đề đang quan tâm trong quá trình đầu tư, làm đẹp và làm giàu từ vịnh Đà Nẵng.

Du lịch, GO! - Theo Báo Đà Nẵng, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống