Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 6 October 2011

Các triều đại phong kiến của Việt Nam đã để lại khá nhiều di sản kiến trúc có giá trị, trong đó có hệ thống lăng mộ làm bằng đá của các bậc quan lại. Hiện nay, ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang vẫn còn lại 26 khu lăng mộ thuộc loại này và đã sớm được công nhận là Di tích Văn hóa cấp Quốc gia, điển hình như lăng Dinh Hương, lăng họ Ngọ...

< Hương án và cổng vào phần mộ chính của lăng họ Ngọ.

Lăng họ Ngọ (còn gọi là Linh Quang từ) được xây dựng vào năm Chính Hòa thứ 18 (1697) ở làng Thái Thọ, xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa. Đây là nơi lưu giữ di hài Quận công Ngọ Công Quế, một võ quan nổi tiếng dưới triều vua Lê Hy Tông (1676 - 1705). Lăng được xây khi Quận công Ngọ Công Quế còn sống.

< Tượng người và ngựa đá đứng chầu ở lăng họ Ngọ.

Lăng xây bằng loại đá muối và đá ong lấy từ núi Y Sơn, xã Hòa Sơn, cách đó khoảng 1,5 km. Tổng diện tích khuôn viên khu lăng mộ đá khoảng 400 m2.

< Một trong hai con sấu đá của lăng họ Ngọ được chạm trỗ công phu theo lối cách điệu "sừng nai, tai nghé, trán lạc đà, mắt quỷ, mũi sư tử".


Lăng hình chữ nhật, cửa hướng về phía Nam, phía trước có ao hình chữ nhật, bốn phía trước kia có tường xây bằng đá ong. Cổng dẫn vào lăng xây kiểu vòm cuốn. 
< Tượng voi đá ở lăng họ Ngọ có hình dáng ngộ nghĩnh với ngà ngắn như búp măng và vòi cuộn vào mồm như đang ăn mía.


Hai bên cổng có 2 con chó đá. Qua cổng lăng, trên khu đất trước mộ phần, hai bên có 2 dãy tượng đá đứng chầu uy nghiêm.
< Một trong hai con nghê đá còn khá nguyên vẹn trước hương án lăng họ Ngọ..

Đặc biệt, trong lăng có đôi voi đá được tạc ở tư thế quỳ, vòi cuộn gập lên miệng trông rất đẹp. Ngoài ra còn có đôi ngựa bằng đá có dáng cân đối, khỏe, đẹp. Đôi nghê đá trong tư thế đứng, râu cằm xoắn, đầu to, bờm ngắn. Đôi cá sấu đá miệng mở rộng để lộ viên ngọc lớn, thân, lưng và đuôi cùng 4 chân được chạm trổ công phu... điển hình cho nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc trang trí thời Lê-Mạc.
< Hai bên hương án trước mộ phần võ quan thủy binh La Đoan Trực là hai con nghê đá ngồi chầu.
< Một trong hai bức tượng đá đứng chầu phía trong cửa lăng Dinh Hương.

Rời lăng họ Ngọ, chúng tôi đến làng Dinh Hương, xã Đức Thắng, thị trấn Thắng, một địa danh nằm cách khu lăng họ Ngọ khoảng 1,5 km về hướng Tây Nam.

Ở đó có quần thể khu lăng Dinh Hương bằng đá xanh rất hoành tráng được xây dựng vào năm 1729, tức dưới triều Lê Trung Hưng (1533 - 1788). Lăng Dinh Hương rộng khoảng 300m2, nằm trên một quả đồi thấp tròn, mặt ngoảnh về hướng Đông, xưa có tường đá ong bao quanh. Lăng Dinh Hương là nơi an nghỉ của vị võ quan thủy binh La Đoan Trực (1688-1749).
< Tiền sảnh khu mộ võ quan thủy binh La Đoan Trực ở lăng Dinh Hương.

Quần thể lăng đá Dinh Hương chia làm 3 phần chính:  Phần mộ táng ở giữa, phần thờ tự ở bên trái, phần bia ở bên phải. Lăng đá có hệ thống tượng người và thú vật tạc bằng đá xanh, kích thước lớn, hình khối mập, chắc, chạm tỉa công phu. Trong lăng có 2 bức tượng đá tạc hình hai vị võ tướng dắt ngựa đứng chầu đối diện nhau.

< Hai pho tượng đá hình võ quan dắt ngựa được xem là kiệt tác nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt xưa.
< Một trong hai con voi đá trong tư thế nằm phủ phục trước tiền sảnh mộ võ quan thủy binh La Đoan Trực.

Cặp tượng này được coi kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc đá của người Việt xưa. Tượng võ quan đeo gươm dắt ngựa phía bên trái râu dài, mặt nhỏ; võ quan đeo gươm dắt ngựa phía bên phải mặt to, hàm rộng. Toàn bộ hình khối tượng được chạm khắc công phu làm toát nên vẻ đạo mạo, phi phàm.

< Một trong hai bức tượng đá hình người hầu nữ đứng bên mộ phần võ quan thủy binh La Đoan Trực.

Phía trước mộ phần có một khoảng sân rộng bằng gạch. Trên sân, ngoài cùng có đôi tượng voi bằng đá trong tư thế phủ phục trông hiền lành, thuần phục.

Vào phía trong một chút, ngay hai bên hương án là hai con nghê đá trong tư thế ngồi, mặt ngửa lên trời cao. Toàn thân nghê đá là một lớp lông hình vảy rồng, đầu phủ bờm dài được chạm khắc tuyệt đẹp. Phía trong cùng, hai bên mộ phần có hai tượng nữ quan đứng hầu mang vóc dáng và dung mạo sống động như nguyên mẫu đời thường.
< Phần mộ táng được xây bằng đá ong hình vuông.


Trải qua thời gian, những pho tượng đá ở các khu lăng mộ này vẫn còn khá nguyên vẹn và tuyệt đẹp như xưa, như minh chứng cho một thời kì vàng son của kỹ thuật điêu khắc đá của người Việt.

Du lịch, GO! - Theo vnanet
Khác hẳn với vẻ nhộn nhịp, đông đúc ngày thường ở một thành phố du lịch, Nha Trang về đêm khá yên tĩnh. 

Một vài quán cóc nhỏ bên đường trong ánh đèn vàng dường như níu giữ bước chân của du khách. Có thử một lần ăn khuya ở nơi đây mới cảm nhận hết khoảng lặng thân thương của phố biển trong đêm.

Ở một thành phố bốn mùa có khách du lịch thì ăn khuya là nhu cầu không thể thiếu. Các món ăn khuya ở Nha Trang không cầu kỳ như các món ăn ban ngày, đôi khi chỉ để lót lòng sau một đêm làm việc hoặc rong chơi.

Nằm trên góc đường Lê Thánh Tôn là một hàng quán nhỏ mà người dân nơi đây gọi với cái tên trìu mến: “Bánh canh Xích Lô”. Nghe có vẻ lạ tai. Tìm hiểu chúng tôi mới biết, trên chiếc xích lô cũ kỹ có đầy đủ cả hàng quán với nồi bánh canh thơm phức, những sợi bột gạo tròn như chiếc đũa, những khoanh giò heo mập mạp xen lẫn những cọng bánh đang hừng hực hơi nóng.

Khách đến ăn ở đây một phần là khách quen nhưng hầu hết vì tò mò mà ghé vào. Vài chiếc ghế nhựa, mắm muối đồ nêm được để trên một cái mâm nhỏ, đặt trên cái ghế nhựa lật chổng 4 chân nhưng trông sao thấy ngon và thú vị.

Anh Nguyễn Thanh Hùng - một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh bộc bạch: “Tôi rất thích khung cảnh về đêm của TP. Nha Trang, không ồn ào, náo nhiệt như TP. Hồ Chí Minh. Khi màn đêm buông xuống, cùng nhau dạo bộ dọc theo bờ biển để tận hưởng gió biển trong lành, rồi tạt vào một quán cóc ven đường thưởng thức những món ăn bình dân thật thú vị. Chính cái dư vị ấy đã làm cho tôi không thể quên được Nha Trang dù chỉ một lần đến đây…”.

Nói về món ăn khuya thì cháo cũng là món ăn có sức quyến rũ nhất với du khách. Điểm bán cháo được nhiều khách lui tới nhất nằm trên đường Trần Hưng Đạo, sau lưng khách sạn Sheraton.

Chủ quán là anh Ken, một người đàn ông vui tính, niềm nở. Hỏi ra mới biết, khách thích đến đây ăn bởi không gian của quán khá sạch sẽ, hương vị cháo thơm ngon, giá cả lại rất bình dân. Cháo được nấu bởi nước xương ninh nhừ nên rất đậm đà.

Khách về khuya tấp xe vào lề, gọi một tô cháo lòng nóng hổi, vừa xì xụp thưởng thức vừa kể cho nhau nghe những câu chuyện thật vui tươi, hóm hỉnh. Anh Ken cho biết: “Quán chúng tôi chỉ bán khoảng 2 tiếng đồng hồ là hết hàng. Do đó, du khách muốn thưởng thức món cháo lòng tại đây nên tranh thủ đi ăn trước 1 giờ đêm”.

Những quán ăn khuya ở Nha Trang còn nhắm vào đối tượng phục vụ là khách đợi tàu, xuống tàu. Vì thế, cách khu vực Ga Nha Trang (đường Thái Nguyên) không xa, nơi có tên gọi là Mả Vòng đã hình thành “chợ” ăn đêm.

Khu Mả Vòng bán hàng suốt đêm. Người bán thường sửa soạn bán hàng ngay khi mặt trời tắt bóng và chỉ đóng cửa quán khi một ngày mới sắp bắt đầu. Lâu đời nhất ở khu này phải kể đến hàng xôi Sáu Khải. Khi những chuyến tàu muộn về sân ga, cũng là lúc hàng xôi đông khách nhất. Những khay xôi bốc lên mùi lá dứa thơm phức.

Chỉ cần chạy xe ngang qua, nghe mùi thơm tản mác trong không khí là khách khó có thể kìm lòng. Xôi ở đây có khoảng trên dưới 15 loại, gồm xôi nếp, xôi đậu đen, lá cẩm, xôi gấc, xôi vò, xôi thịt, xôi gà, xôi chả các loại… Tùy theo nhu cầu và khẩu vị mà khách chọn các món ăn kèm như thịt nướng, lạp xưởng, trứng cút…

1 giờ sáng, chợ Đầm Nha Trang bắt đầu nhộn nhịp người qua lại. Những người chạy chợ í ới gọi nhau, hối hả, tất bật mua bán. Có quan sát mới thấy, một quán hàng sáng đèn nằm ngay bên hông ngõ vào chợ, có cái tên khá thân mật là “Hòa Hòa”. Đây là quán mì hoành thánh. Người ta thích thưởng thức mì hoành thánh ở đây bởi vị ngọt thanh của nước dùng bằng xương ninh, sợi mì hoành thánh mềm nhưng không nhão.

Ngoài ra, bánh bao cũng được chủ quán - người Hoa gốc Phúc Kiến - làm thủ công theo bí quyết riêng. Những chiếc bánh bao thơm ngon, vừa ăn vừa thổi, xuýt xoa vì nóng khiến cho khách cảm thấy ấm lòng.

Đêm Nha Trang, trong không gian yên tĩnh, thoáng đãng và ánh đèn hiu hắt len lỏi giữa những con đường rộng lớn, chúng ta vẫn bắt gặp những gánh hàng rong. Ngồi xuống và thưởng thức vài hột vịt lộn hay miếng chả lụa mỏng mới nhận ra cái duyên thầm của người bán hàng về đêm.

Để rồi, trong lòng mỗi người, Nha Trang trở nên yêu thương với những hình ảnh bình dị, những quán cóc không cầu kỳ mỹ vị, không sang trọng đẳng cấp. Ngọn đèn vừa đủ sáng, khách lạ, khách quen chen nhau ngồi ăn trong tiếng còi lảnh lót của những chuyến tàu về. Chính cái dư vị ấy sẽ còn đeo đẳng mãi người đi…

Đi ăn khuya ở Nha Trang

Ở một thành phố 4 mùa có khách du lịch, ăn khuya là nhu cầu không thể thiếu. Món ăn khuya ở Nha Trang không cầu kỳ như các món ban ngày hoặc ăn sáng, đôi khi chỉ để lót lòng sau một đêm làm việc hoặc rong chơi. Những quán ăn khuya có lẽ nhắm vào đối tượng chính là khách đợi tàu, xuống tàu. Vì thế, cách khu vực Ga xe lửa Nha Trang trên đường Thái Nguyên không xa, nơi có tên gọi là Mả Vòng, đã hình thành “chợ” ăn đêm. Khu Mả Vòng bán suốt đêm. Người bán thường sửa soạn bán hàng ngay khi mặt trời tắt và chỉ đóng cửa quán khi một ngày mới bắt đầu.

Tại Mả Vòng có một dãy quán xôi đêm. Xôi ở đây bán theo nhu cầu của khách. Từ xôi đậu đen, đậu xanh muối mè đến xôi thịt, xôi gà, xôi lạp xưởng hay xôi cá… đều có đầy đủ. Xôi ở đây chỉ bán đem về. Người bán còn “tiếp thị” ngay sát đường với lời mời chào quen thuộc: “Anh/chị mua mấy gói? Mua xôi gì?”. Gói xôi ủ nóng trong gói giấy, vừa đi đường vừa ăn, đúng khi cơn đói đang về trong đêm, quả là ngon. Ở Mả Vòng còn có một dãy hàng bán cháo lòng, bún bò, mì Quảng. Ngọn đèn điện vừa đủ sáng, khách quen, lạ chen nhau ngồi ăn trong tiếng còi lảnh lót của những chuyến tàu về… Ngoài Mả Vòng, còn nhiều khu bán hàng ăn khuya trong thành phố. Mỗi nơi mỗi món khác nhau. Góc Lê Lợi, Phan Chu Trinh chỉ bán toàn cháo gà, gà luộc.

Ngược lại, ở chợ Đầm lại là bánh bao và mì. Tô mì không nhiều, nhưng ăn xong có cảm giác như tỉnh hẳn cơn buồn ngủ đang đầy trên mắt. Khu vực đường Âu Cơ lại trở thành phố ăn với đủ loại thực phẩm phục vụ yêu cầu của khách. Nếu muốn thưởng thức cháo trắng trứng vịt muối, bạn có thể ghé đường Quang Trung. Khu vực đường Lê Quý Đôn lại chỉ bán hoành thánh mì, hủ tiếu khô. Món ăn này ngày xưa do chính những ông chủ người Hoa đứng bán, lâu ngày đã như món ăn thuần Việt. Món bánh đập ngay đầu đường Trần Nhật Duật có tuổi “quán” hơn 60 năm, vẫn là chiếc bánh tráng nướng ép vào giữa một lớp bánh ướt được trải lên lớp hành mỡ, chỉ chấm mắm nêm pha, ăn rất ngon và hấp dẫn.

Trong sự chuyển mình phát triển của thành phố, nhiều cách ăn khuya ở Nha Trang đã vắng bóng. Đó là những chiếc xe phở đêm, là ông người Tàu bụng phệ đạp xe đạp rao giọng lơ lớ: “Ai đậu mặn, đậu ngọt không?”. Mua bao nhiêu, ông bán bấy nhiêu, đậu còn nóng hổi được đựng trong mảnh giấy xếp thành hình chiếc phễu. Nha Trang cũng mất dần những gánh chè khuya len lỏi từ đầu phố đến tận cùng hẻm nhỏ. Góc đường 2-4 cũng mất quán chè Tàu với các món chè Chí Mà Phù, đu đủ chưng đường phèn hay quán chè sâm bổ lượng, nhãn nhục gần rạp Kim Đồng… Nhưng lại có những hàng chuối chiên đợi khách dưới ngọn đèn đường, còn những quán vịt lộn chong đèn đợi khách đêm khuya, còn bà bán bắp nướng quạt lửa hồng sưởi ấm bàn tay khi thời tiết chuyển mùa se lạnh…

Du lịch, GO! - Theo web Khanhhoa, Cổng TTDL Nhatrang... và nhiều nguồn khác
Mỗi dân tộc đều sáng tạo ra những loại bánh có hương vị khác nhau, và giống như các dân tộc thiểu số khác ở Thái Nguyên thì dân tộc Tày có một loại đặc sản riêng thường làm vào Tết Thanh minh: đó là bánh ngải.

Bánh ngải có màu xanh đặc trưng của thiên nhiên, hình thù và cách làm gần giống với bánh dày của người miền xuôi.

Làm bánh ngải không khó nhưng lại đòi hỏi sự công phu và khéo léo từ khâu chọn gạo, đường, rau ngải cho đến khâu ra bánh.

Bánh ngải kén gạo vì thế không phải loại gạo bất kỳ nào cũng làm được bánh. Muốn bánh thơm, dẻo phải chọn loại nếp nương và không được lẫn dù chỉ một hạt gạo tẻ. Đường để làm nhân bánh cũng phải lựa chọn rất cẩn thận, phải chọn đường phên (một loại đường thẻ, miếng to chừng bàn tay) có màu vàng, ngọt và không có sạn.

Lá ngải được rửa sạch, đun trong nước tro bếp từ 2 đến 3 giờ. Để có nước tro tốt, người ta chọn tro sạch, tốt nhất là tro tre nứa, hoặc tro vỏ đậu xanh.

Tro sạch được lèn vào rá tre, để rá trên chậu tạo khoảng cách cho nước từ rá chảy xuống. Người ta đổ nước từ từ vào tro cho ngấm dần rồi chảy xuống chậu. Nước tro lúc đầu đặc có màu cà phê, sau loãng dần. Lá ngải đun trong nước tro rất chóng nhừ. Sau khi đun nhừ, đổ lá ngải ra rá, rửa nhiều lần cho sạch nước tro, nhặt bỏ sơ (gân lá, cuống lá già), vắt kiệt nước rồi nắm thành từng nắm bằng nắm tay.

Gạo làm bánh được ngâm từ tối hôm trước rồi đem đồ chín thành xôi vừa độ dẻo. Trong quá trình đồ, khi lên hơi, người ta thường tưới thêm lần nước để khi giã bánh sẽ dẻo hơn.

Trong quá trình chờ xôi chín sẽ chuẩn bị nhân bánh, người ta đun đường phên lên thành mật sau đó trộn mật với vừng đen rang chín giã nhỏ. Nhân bánh chính là bí quyết tạo ra hương vị thơm ngon cho chiếc bánh.

Xôi đồ chín phải giã ngay lúc còn nóng cùng với những nắm lá ngải để bánh mềm, mịn và dẻo. Sau khi xôi được giã nhuyễn, các bà, các mẹ sẽ nhanh tay múc ra mâm để nặn bánh. Bánh được nặn thành hình tròn sau đó ấn dẹt ra, cho thìa nhân vào giữa, rồi gói vỏ bánh lại bọc kín lớp nhân bên trong thành hình như chiếc bánh dày là được. Cố gắng khéo léo để nhân không bị trào ra ngoài vỏ bánh. Mỗi chiếc bánh nóng hổi được đặt trên một khoanh lá chuối tròn nhỏ bằng chiếc bánh để chúng không dính vào nhau. Sau đó gói chung khoảng 10 cái bánh nhỏ vào một lớp lá chuối để giữ bánh được lâu hơn.

Bánh ngải là thứ bánh rất dễ ăn, mát và không ngấy, nếu ai đã từng ăn một lần sẽ không quên mùi vị của loại bánh dân dã này. Vị hăng hăng, thơm thơm là lạ của lá ngải như dung hòa cái dẻo, cái ngọt của nếp, của đường, miếng bánh có sự tươi non của đồi nương, cái hoang dã của lá rừng như gói cả mùa xuân trong mát.

Bánh ngải trước đây chỉ được làm trong các dịp mừng lúa mới hay các ngày lễ tết của người Tày. Tuy nhiên, do cơ chế thị trường hiện nay bánh ngải đã được bày bán một cách rộng rãi tại chợ phiên trong huyện. Đến đây, nếu muốn bạn cũng có thể tự tay mình nặn ra những chiếc bánh xinh xắn theo sở thích của mình để kỉ niệm cho một chuyến đi đầy thú vị.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ báo Bắc Kạn, web Thái Nguyên, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống