Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 8 October 2011

Kể từ chuyến Madagui - Đạ Tẻh "Hành trình tìm thác và đèo" đến nay đã thấm thoát 2 tháng rồi, bọn mình vẫn chưa làm được chuyến nào khác. Thật ra thì kế hoạch đã có từ khi mới về nhưng...

Nhưng gì ban biết không? Thời gian? Bọn mình có thể thu xếp được - Tiền à? Cũng không phải, do các chuyến đi toàn phượt bụi nên không tốn kém quá nhiều - không là vấn đề trầm trọng.

Cái "nhưng" đây là do thời tiết: hai tháng nay đã vào chính mùa mưa: liên tục 3 cơn bão khiến cả nước âm u: phượt một phát mà trong thời tiết này thì có lẽ ngồi uống cà phê chờ mưa tạnh mệt nghỉ! Đó là chưa kể đến cảnh mưa gió bão bùng mà bọn mình có thể gặp phải khi đang giữa rừng hay chênh vênh trên đỉnh đèo, thật nguy hiểm.

Vậy nên chước "chờ" là thượng sách, mong cho đến một ngày đẹp trời nào đó, có thể vài ngày nữa, có thể một hai tuần sau... khi trời quang mây tạnh là bọn mình sẽ lại vi vu trên mọi nẻo đường!

Nằm nhà lại nhớ những chuyến đã qua: thấm thoát cũng đã quá 2 năm rồi. Nhớ chuyến phượt đầu tiên đến Mũi Né: chuyến này mình chưa bao giờ tường thuật lại trên Du lịch, GO! đơn giản vì lúc ấy mình chưa có máy chụp hình, không ghi lại được những hình ảnh ngoại trừ những gì còn ghi lại trong tiềm thức kẻ lãng du. Thôi tạm kể lại cho bà con nghe chơi vậy.

Nói là chuyến đầu tiên nhưng trước đó thì bọn mình cũng đã làm hàng chục chuyến đi đây đó rồi. Tuy nhiên những chuyến này là đi theo dạng tour "địa phương" giá bèo. Gọi là tour địa phương vì các chuyến đi này do những người gần nhà, trong xóm tổ chức: họ thuê xe 50 chổ, thu tiền vé cho chuyến rồi chở khách đi, đưa đi tham quan và chở về - Mỗi chuyến như vậy thường gói gọn trong 3 ngày: tối thứ sáu đi, trưa chủ nhật về.

Các địa điểm mà bọn mình đi tour này thường là Dinh Thày Thím - Núi Tà Cú (hay Mũi Né) - Cổ Thạch với giá chỉ hơn trăm ngàn, ăn ở tự mình lo.

Được bảy tám chuyến thì bọn mình chuyển qua đi tour của nhà tổ chức khác: Ngọc Giàu. Chổ này thì có xe riêng 45 chổ, nếu chuyến nhiều khách thì họ hợp đồng thêm xe 50 chổ nữa - bao ăn ở khá chu tất... nhưng ở ghép 4 người/phòng - nếu mình muốn phòng riêng thì trả thêm 80k, bọn này chọn phương cách này cho thoải mái.

Ăn thì cũng khá lắm đo nhà tổ chức họ đem theo nồi niêu xong chảo, cả bàn ghế đủ hết - tới nơi thì tài xế chở mình đi tham quan còn nhà bếp ở lại KS lo chợ búa, nấu nướng... chờ "đám giặc đói" về là dọn ra như mâm cổ, đông vui.

Những chuyến đi này thì cũng được lắm với giá mềm hơn nhiều so với các CTy du lịch, ăn cũng ngon và đầy đủ nhưng sự tư do vẫn chưa hoàn toàn: có những điểm tham quan mình không thích nhưng cũng phải theo đoàn chứ không lẽ nằm nhà. Vào các nơi cũng phải hẹn thời gian quay ra kẻo người khác chờ, ăn cũng vậy: đến giờ là quây vô bàn. Một số ít thời gian được tự do thì không thể đi xa do phải lết bộ. Nói chung: chuyến tốt nhưng chưa thỏa mãn.

Bọn mình đi nhà tổ chức này được 2 chuyến: Chuyến Phú Quốc, chuyến Đà Lạt Nha Trang... rồi thì cái máu phượt bắt đầu phát sinh: vậy là tự làm một chuyến xem thế nào. Đây chính là chuyến du lịch bụi đầu tiên hướng về Mũi Né.

Chuyến đầu bọn mình không đem theo xe gắn máy. Và cũng theo nhiều hướng dẫn trên mạng: bọn mình cũng tìm tòi sơ qua bản đồ, đặt vé xe, đặt phòng (sau này cái vụ "đặt phòng trước" này bọn mình chả cần vì toàn là đi trong những ngày thấp điểm, khỏi lo thiếu phòng hay chặt chém).

Đặt 2 vé của nhà xe Tâm Hạnh, chuyến trễ nhất của họ đi Nha Trang (mình chỉ mua vé tới Mũi Né thôi) là 20h30, ghế ngồi (thời lúc đó thì xe giường nằm chưa phồ thông như bây giờ - bây giờ chạy đêm là giường nằm).

Chưa đến 7 giờ tối là bọn mình đã lọt tọt ra đón xe buýt ra Sàigòn, ghé Kinh Đô trên đường Trần Hưng Đạo mua vài cái bánh ngọt đem theo (chổ này bán mắc khiếp!) rồi đi bộ ra Phố Tây Phạm Ngũ Lão - xe Tâm Hạnh đậu ở đây.

Đến giờ chạy, xe trực chỉ xa lộ rồi phon phon trong đêm. Cũng như những chuyến theo tour trước đó thường đi trong đêm để tiết kiệm thời gian nhưng bọn mình không ngủ: cứ ngắm nhìn ra cửa kính mặc dù phía ngoài tối tăm ngoại trừ khi vô các phố thị, vắng tanh. Sau này đi nhiều thì quen rồi: cứ đánh một giấc - dậy là đến nơi rồi.

Xe Tâm Hạnh ghé lại hai nơicho khách đi vệ sinh, ăn đêm rồi đến Mũi Né lúc... 1h đêm, chẹp! Lúc này đường xá vắng tanh, cả khu trung tâm resort là Hàm Tiến (Nguyễn Đình Chiểu). Xe thả xuống góc Huỳnh Thúc Kháng - Huỳnh Tấn Phát, gần nhà thờ Tin lành.

Hai vợ chồng lót tót đeo túi xuống xe: ngoài đường không bóng người ngoài dăm bảy chiếc xe ôm vội chạy đến bắt khách. Bọn mình lắc đầu từ chối rồi đi bộ xuống hướng chợ, cốt ý để giảm bớt cái đuôi xe ôm. Cuối cùng thì một anh đồng ý chở về Gành Mũi Né với giá 10k, mềm!

Tới gành, trong khu du lịch này im ỉm, cổng chỉ khép hờ và chẳng có ai. Mình gọi vào số máy của họ thì có người nghe - nhắc chuyện đã đặt phòng trườc thì có người ra mở cửa mời vào nhận phòng.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3

Điền Gia Dũng
Chùa Bà Đá, Bà Ngô, Bà Tấm... mỗi chùa có một tích riêng và ít nhiều gắn với một người phụ nữ hoặc một sự kiện đáng nhớ trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
.
Chùa Bà Ngô

Chùa Bà Ngô còn gọi là chùa Ngọc Hồ, nằm ở số 128 phố Nguyễn Khuyến, phường Văn Miếu. Tương truyền, vào đời nhà Lê, có một người con gái đẹp lấy chồng là một nhà buôn người Hoa giàu có, bà đã bỏ tiền ra xây dựng lại ngôi chùa này to đẹp hơn chùa cũ, do đó mới có tên Bà Ngô (Ngô Khách). Tên Ngọc Hồ thì dựa theo phép phong thủy bởi người ta cho rằng thế đất của chùa trông giống như một cái hồ rượu.

Chùa được sửa chữa và làm mới qua nhiều năm như 1863, 1864, 1865...  Và vào năm Ất Hợi (đời vua Bảo Đại, tức 1934), chùa được sửa chữa lớn nên đã có câu đối (tạm dịch): "Không nhớ tháng Bà Ngô sửa chữa/Chỉ biết năm Bảo Đại khánh thành".
Đây cũng là ngôi chùa gắn với huyền tích vua Lê Thánh Tông thăm chùa gặp tiên. Chuyện kể rằng, vua Lê Thánh Tông đến chùa gặp một thiếu nữ xinh tươi cầm một cành mẫu đơn ngâm mấy câu như sau: “Bà Ngô Phong cảnh xinh thay/Đố ai cắt mối sầu này cho xong/Bao giờ về tới ngự cung/Thì ta sẽ dải tấm lòng cho hay”.

Vua bèn gặp hỏi chuyện và muốn cùng nàng xướng họa. Nàng nhường vua làm trước, lấy đề bằng 2 câu thơ nàng vừa ngâm. Vua làm bài thơ Đường luật 8 câu trong đó có 2 câu: “Chày kình mấy khắc tan niềm tục/Hồn bướm năm canh lẩn sự đời”. Nàng xin phép sửa lại là: “Gió xuân đưa kệ tan niềm tục/Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời”.
Vua rất phục, mời nàng lên kiệu về cung, nhưng đến cửa Đại Hưng thì nàng biến mất. Vua cho là tiên giáng trần, dựng lầu Vọng Tiên ở đây để tưởng nhớ….

Chùa Bà Tấm

Chùa được xây dựng thời Lý, nằm trên thôn Sóc, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Sự ra đời của nó gắn với Nguyên phi - Hoàng thái Hậu Ỷ Lan triều nhà Lý. Nguyên phi Ỷ Lan  vốn là người Dương Xá. Sau khi nhập cung bà có nhiều đóng góp cho giang sơn, xã tắc. Vốn giỏi việc trị nước, lại còn tài khiến nhân tâm hoà hợp, đất nước thanh bình nên nhân dân sùng Phật, tôn bà là Phật Bà Quan Âm.

Chùa Bà Tấm được lập ra vì bà sinh ra từ đất này. Năm 1117, khi bà qua đời, ngôi đền thờ bà cũng được xây dựng tại đây. Hiện, chùa Bà Tấm còn lưu giữ nhiều di vật quý mang ý nghĩa lịch sử - văn hóa

Chùa Bà Già

Chùa Bà Già nằm trên làng Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Sở dĩ chùa mang tên Bà Già bởi trên mảnh đất này, xưa có ngôi chùa An Dưỡng tọa lạc. Do bị hư hại nặng, có hai chị em gái chuyên nghề buôn muối, đã phát tâm bồ đề bỏ tiền ra xây dựng, tu sửa lại chùa, tạc tượng Phật, dựng gác chuông đồng. Khi hai bà mất đi, để tỏ lòng biết ơn, dân trong vùng đã đúc tượng hai bà và rước vào chùa thờ, gọi là tượng hậu Phật, từ đó chùa được gọi là chùa Bà Già.

Chùa hiện toạ trong một khuôn viên không rộng, cây cối xum xuê, không khí trong lành, yên tĩnh. Sáng sáng tiếng chim hót trên cây hồng xiêm trước sân làm cho ngôi chùa càng thêm gần gũi.

Đặc sắc nhất tại chùa chính là hai pho tượng Bà Già. Pho tượng bà chị được đúc to hơn, trong tư thế ngồi một chân gập, một chân chống, tay phải úp lên đầu gối, tay trái để vào lòng. Ngồi bên cạnh là bà em, ngồi xếp bằng, cả hai tay đều để trên lòng, trong tư thế một người mẹ luôn cầu mong cho mọi người an khang thịnh vượng, sẵn mở lòng nhân ái. Đặc biệt là khuôn mặt của hai bà tròn trịa, hiền lành, phúc hậu, nhưng không giấu nỗi suy tư. Từ thời Lê, chùa Bà Già đã có qui mô bề thế và nổi tiếng kinh thành Thăng Long xưa. Nay trở là điểm văn hóa tâm linh của người dân Thủ đô.

Bà Đanh

Chùa Bà Đanh toạ lạc tại số 199B phố Thuỵ Khê, quận Ba Đình. Tương truyền, chùa do vua Lê Thánh Tông cho xây dựng để làm chỗ ở cho những người Chiêm Thành được đưa về sau các cuộc chiến tranh.

Chùa được xây dạng thiền viện, vừa là nơi lễ bái, vừa là nơi nghiên cứu. Nằm bên bờ Nam của hồ Tây, chùa ban đầu có tên gọi là Thiền viện Châu Lâm. Sau khi người Pháp chiếm đóng Hà Nội, họ đã sử dụng khu đất này để lập trường Trung học Bảo hộ (1907), khi đó, chùa Châu Lâm được dời về phía Tây Nam và được đổi lên là chùa Phúc Lâm.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn không giải thích được lí do tên gọi chùa Bà Đanh. Thế nhưng dấu tích của chùa hiện nay vẫn còn được lưu giữ qua tấm bia Bà Đanh tự.

Chính bởi ban đầu được xây dựng cho bộ phận người Chiêm Thành (người Chăm) ở, thờ cúng và lễ bái nên tín đồ phật tử bên ngoài đến đây không nhiều. Sau khi chùa được chuyển về địa điểm mới, khách thập phương lại càng ít viếng thăm nên cảnh chùa đã heo hút lại càng heo hút hơn. Đó phải chăng là lý do người ta ví "vắng như chùa Bà Đanh"?

Chùa Bà Đá

Chùa Bà Đá có tên chức là Linh Quang tự hay Sùng Khánh tự, nằm ở số 3 phố Nhà Thờ. Chùa được xây dựng đời Lý Thánh Tông, trên nền tháp Báo Thiên nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa.

Chùa vốn là trường sở của Lâm Tế tông. Hiện chùa là trụ sở chính Thành hội Phật giáo Hà Nội. Trong chùa có Trường Trung cấp Phật học Hà Nội. Tại chùa hằng năm vẫn thường xuyên là nơi tổ chức các buổi lễ của Thành hội Phật giáo Hà Nội.

Chuyện kể rằng, khi đào đất đắp thành Thăng Long vào đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) ở làng Báo Thiên Tự Tháp (khu vực Nhà thờ Lớn ngày nay), một người dân đã đào được một pho tượng bằng đá hình dáng một phụ nữ cho là thánh mẫu nên đã lập đền thờ ngay tại nơi đào được tượng và gọi là đền Bà Đá. Sau dân làng thấy linh thiêng mới góp công, góp của xây thành chùa lớn, đón sư về trụ trì và thờ Phật. Vì vậy, chùa có tên là chùa Bà Đá và tên chữ là Linh Quang tự.

Một số tài liệu khác lại cho rằng, vào thời Pháp thuộc, đền bị cháy và pho tượng đá bị mất trong vụ cháy. Sau đó đền được làm lại và chuyển thành chùa và tạc một pho tượng Phật Thích Ca bằng đá thay thế tượng Bà Đá cũ, chùa mang tên mới là Linh Quang Tự. Bởi vậy không còn nhiều vẻ cổ kính, chỉ còn một số di vật như hai cái chuông đúc năm 1873 và năm 1881, một khánh đồng đúc năm 1842 đều thuộc thời nhà Nguyễn.

Chùa có tiền đường xây theo kiểu chữ nhất, trung đường xây theo kiểu chữ đinh, được nối liền với nhau, tạo nên một khối kiến trúc vuông vắn. Trong chùa có nhiều tượng gỗ. Chùa nằm trên một con phố nhỏ và dài chỉ vài trăm mét nhưng hiện diện cả hai hệ ý thức tín ngưỡng Phật giáo và Thiên chúa giáo.

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh có đến thăm chùa Bà Đá và nói chuyện với các thượng tọa, tăng ni, phật tử. Trong cuộc gặp, Bác nói: "Việc Phật không xa rời việc thế gian, phải tham gia vào các công việc cách mạng, cứu đói, cứu dốt"...

Du lịch, GO! - Theo Datviet
Ai đến làng Lương Nông (xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) cũng ngạc nhiên khi thấy một cánh rừng rậm rạp bên đồng ruộng và những khu dân cư trên nền cát dọc dài theo bờ biển. Bài học từ cha ông truyền lại đã giúp cư dân Lương Nông giữ được một di sản không dễ có giữa thời biến đổi khí hậu.

Từ thị trấn Thi Phổ trên quốc lộ 1A đi thêm chừng 2km về hướng nam rồi rẽ xuống hướng đông theo đường liên xã Đức Thạnh - Đức Minh chừng 3km là chạm mắt rừng Nà xanh mướt giữa cánh đồng lúa trĩu vàng. Những thân cây cổ thụ: sộp, trâm, vàng trắng, vối.. vỏ xù xì, thân to đường kính mấy gang tay, vươn cao sừng sững.

< Một góc rừng Nà đoạn kề đường liên xã Đức Thạnh.

Rừng Nà rộng hơn 17 ha, vốn là Lâm Cấm của làng Thi Phổ Nhì ngày xưa (nay là xã Đức Thạnh) là rừng thiên nhiên giữa đồng bằng còn sót lại duy nhất ở Quảng Ngãi, chứa trong lòng một hệ sinh thái vô cùng đa dạng: cổ thụ vươn sừng sững với hàng trăm loài động thực vật. Theo cách gọi cổ xưa của người dân địa phương, từ "Nà" có nghĩa là "Ruộng", bởi rừng Nà bao gắn với diện tích đất canh tác xung quanh, có vai trò duy trì nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nét đặc biệt của rừng Nà là rừng ngập nước nhưng tồn tại ở vùng đất khô ráo ở ven biển.

< Nhờ rừng Nà tích tụ nguồn nước quanh năm, giữ ẩm cho đồng ruộng nên những cánh đồng lúa ở xã Đức Thạnh luôn bội thu.

Rừng chỉ cách bờ biển Đức Minh chừng 2km về hướng tây, khu rừng nguyên sinh này là loại hình rừng trên cát ẩm với các chủng loại cây cối khá đa dạng. “Các loại rừng ven biển thường có các loài cây dại thấp chồi, mọc từng lùm. Nhưng ở rừng Nà lại là các loài cây cao chồi, thân to, có loài là gỗ quý, dùng làm nhà, đóng đồ nội thất đều tốt. Rừng Nà giữ vai trò như một "tiểu khí hậu", có tác dụng ngăn gió bão mùa đông, mùa hè chặn gió cát từ phía biển thổi vào, hạn chế cát xâm lấn ruộng đồng, cung cấp nước cho vùng ruộng xung quanh.

< Bắt cá ao ở rừng Nà.

Rừng Nà cũng là “bãi cá” của người Lương Nông. Lớp bùn tạo từ mùn lá hàng trăm năm là môi sinh của các loài lươn, lạch, cua, cá sống trong bùn. Những ao, lạch nước trong rừng cũng là nơi sinh trưởng của nhiều loài cá nước ngọt, rùa, ba ba.

Giữa rừng Nà còn lại nhiều hố bom - di tích của những năm tháng chiến tranh khốc liệt nay đã trở thành hồ cá, trữ nước tự nhiên quanh năm tạo ẩm cho các cánh đồng xung quanh. Những năm chiến tranh, nơi đây là căn cứ hoạt động, trú ẩn của cán bộ cách mạng tỉnh Quảng Ngãi. Trong chiến tranh rừng Nà đã cứu sống biết bao nhiêu người dân trong làng, trở thành căn cứ vững chắc nuôi giấu cán bộ. Giờ đây rừng tích nước cung cấp cho đồng lúa vào mùa khô, chắn gió vào mùa bão.

< Ông Phan Văn Tiến với cây trâm to ở rừng Nà.

Vào sâu trong rừng Nà có cảm giác như đang ở phòng lạnh. Giữa thẳm sâu tịch mịch, dưới tán rừng ken kín, mênh mông, tiếng hót của nhiều loài chim như chào mào, cu gáy, chích chòe, bìm bịp vọng đến. “Ở đây còn nhiều loài chim có quanh năm như két, cò, diệc, chúc huê. Còn mấy loài như vịt nước, cúm núm thì mùa đông mới bay về ở.

Để ngăn cấm triệt để việc xâm phạm đất Rừng Nà, từ năm 1995 xã đã giao cho hội cựu chiến binh xã trồng cọc ranh giới bằng trụ ximăng và đắp bờ bao nơi rừng Nà tiếp giáp khu dân cư, cho trồng các loại cây keo, bạch đàn vào diện tích đất mà một số cư dân đã xâm lấn.

Chính quyền xã cũng giao cho các thôn có rừng Nà phải đưa việc bảo vệ rừng Nà vào hương ước thôn văn hóa của mình, ai vi phạm sẽ bị xử phạt thích đáng. Nhưng nói là vậy chứ từ đó đến nay xã vẫn chưa xử lý ai. Cái chính là nhờ ý thức bảo vệ rừng Nà của bà con có tính tự giác, tính truyền thống cao.

Các nhà khoa học ghi nhận rừng Nà là một thắng cảnh đẹp với rừng cây tự nhiên, đầm lầy, gò đồi được bao bọc bởi xóm làng, đồng ruộng và nằm gần bãi biển Đức Minh. Nếu biết bảo tồn, đầu tư khai thác, rừng Nà sẽ trở thành một di tích lịch sử cách mạng, du lịch sinh thái hấp dẫn khách du lịch.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ VnExpress, Tuoitre

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống