Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 11 October 2011

Gần gũi với người Việt nhưng tre lại tồn tại một bí ẩn lớn, mà rất ít người có cơ hội được khám phá - đó là những bông hoa tre.

< Cận cảnh hoa tre với những nhụy vàng lủng lẳng.

Hình ảnh những lũy tre vút cao đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam từ hàng nghìn năm qua. Đối với người Việt, cây tre là một phần không thể tách rời khỏi đời sống thường ngày cũng như nền văn hóa của cả dân tộc.

Gần gũi là vậy nhưng trong những cây tre tồn tại một bí ẩn to lớn, mà rất ít người có cơ hội được khám phá - đó chính là những bông hoa tre.

< Hoa tre, loài hoa rất ít người có cơ hội nhìn thấy thường nở thành chùm, có màu vàng, tùy từng loài mà hoa sẽ có sự khác biệt ít nhiều.

Điều thứ nhất khiến hoa tre được coi là một bí ẩn chính là chu kỳ nở kỳ lạ. Theo kinh nghiệm truyền lại từ nhiều thế hệ, phải từ 60 đến 100 năm, tre mới nở hoa một lần. Một khoảng thời gian dài bằng cả một đời người.

Điều thứ hai là một giai thoại: thời điểm tre nở hoa cũng là thời điểm tre bắt đầu giã từ cuộc sống. Sau mỗi vụ nở hoa, những cây tre sẽ khô kiệt, tàn úa và không bao tự giờ hồi sinh, mà phải nhờ đến bàn tay con người trồng lại.
< Hoa tre phất phơ trong gió vùng cao.

< Dáng vẻ thướt tha như những cành liễu rủ.

< Nụ hoa tre thon dài và cứng cáp.

< Nếu nhìn kỹ, nụ hoa tre trông giống như những búp măng thu nhỏ.

< Những đóa hoa nở từ mắt tre già cỗi.

< Chu kỳ nở lạ lùng của hoa tre kéo dài từ 60 đến 100 năm, bằng cả một đời người. 

Theo quan niệm Á Đông, tre trúc là biểu tượng của mẫu người quân tử bởi loài cây này tuy cứng mà vẫn mềm mại, đổ mà không gãy, lòng rỗng không như tinh thần an nhiên tự tại, không mê đắm quyền vị, vật chất.

< Do rất ít cơ hội bắt gặp, những người được chiêm ngưỡng hoa tre là những người rất may mắn.

< Hoa tre khô trở thành một vật trang trí hiếm có và rất thẩm mỹ.

Và cũng như một người quân tử, tre và hoa tre chết đứng chứ không rũ xuống như những loài hoa khác. Đó quả là một hình ảnh hiên ngang hiếm thấy giữa đất trời.

Du lịch, GO! - Theo Datviet
Người dân xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La thường đồn thổi về những chuyện lạ lùng ở hang Thẳm Hang (còn gọi là hang Thổ Phỉ).

Có người thì nói là đã bắt được đại mãng xà, có người thì nhìn thấy quái thú đầu người mình xà cùng với những vệt sáng lạ lùng xuất hiện ở hang... Điều đặc biệt là những sự việc trên người dân chỉ được chứng kiến duy nhất một lần.

Đột nhập Thẳm Hang

Hang Thẳm Hang ăn xuyên lòng núi Thẳm Hang, thuộc dãy núi Pha Dảo, hang động này còn được người dân gọi là hang Thổ Phỉ, vì thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, hang này là đại bản doanh của quân thổ phỉ.

< Ông Lò Văn Phái chuẩn bị dẫn đoàn đột nhập Thẳm Hang.

Sau năm 1954, khi quân thổ phỉ bị tiêu diệt, hang Thẳm Hang trở lại với thâm u đại ngàn. Cũng từ đó đến nay không còn ai đoái hoài đến hang này nữa, một phần vì đến được hang này cũng phải đi mất nửa ngày đường, phần nữa là sợ đại mãng xà, cùng những câu chuyện huyền kỳ về Thẳm Hang.

Phải nhờ đến một cụ cao niên dẫn đường chúng tôi mới tới được Thẳm Hang. Ở đây, cây cối um tùm, cửa hang vì lâu không có người vào nên mạng nhện giăng chằng chịt, phân chuột, dơi... rơi đầy cửa hang. Thỉnh thoảng lại có những tiếng lít chít như tiếng chuột, lại có những tiếng lạch cạch như những viên đá va vào nhau, lại có tiếng trườn nhẹ nhàng, chết chóc của loài mãng xà nào đó... tất cả những âm thanh đó cứ thỉnh thoảng lại rộ lên khiến chúng tôi không khỏi rùng mình.

< Đường vào Thẳm Hang.

Ông Lò Văn Hua, ở xã Mường Sại người được coi là chưa biết sợ ma mãnh, quỷ thần, nhảy phắt xuống một ngách hang nhỏ rồi nói rằng: Đó là đường xuống "giếng", nếu chui xuống tận cùng của ngách này sẽ gặp nước uống. Ngày nhỏ, khi quân thổ phỉ còn ở trong hang, ông bị bắt lên đây để đi lấy nước phục vụ cho chúng. Và rồi trong một phút lơ là canh gác của quân thổ phỉ, ông đã trốn đi được nhờ nấp vào đường này. Tuy nhiên, lần đó ông vẫn chưa được đi xuyên hang. Đúng 57 năm sau, khi chúng tôi về đây tìm hiểu, ông mới quay trở lại thăm hang Thẳm.

Quái thú hiện hình

Ông Lò Văn Phái sống dưới chân núi Thẳm Hang đã mấy chục năm nay, nhưng rất ít khi lên hang, trừ khi phải đi đuổi dê, bò... Những chuyện kỳ bí quanh Thẳm Hang mấy chục năm nay ông cũng đều nắm rõ.

Ông Phái kể rằng: Cách đây vài năm, ông và một số anh em trong bản lên Thẳm Hang đi săn, tình cờ ông thấy có con trăn khổng lồ từ trong hang lao ra, thân nó to như cột nhà, mình toàn những đốm đen trắng trông rất dữ tợn. Ông nã đạn liên tiếp về phía quái thú nhưng nó biến mất chỉ trong nháy mắt, từ đó ông không còn gặp lại nữa. Tuy nhiên, theo nhiều người dân địa phương thì họ vẫn gặp quái thú trong khi đi đốn củi, nhưng không có ai bị quái thú bắt ăn thịt gì cả.


< Cửa Thẳm Hang là nơi ghi dấu sự hy sinh của nhiều chiến sĩ cách mạng.

Cách đây khoảng hai hoặc ba năm ông Phái và những người dân sống gần Thẳm Hang bất ngờ thấy một vệt sáng loang từ hướng nam bay về phía Thẳm Hang rồi mất luôn ở đó. Trước khi vệt sáng tắt nó tự biến thành dị hình, phía trước như hình mặt người, có tóc tai trắng xõa, phía đuôi vệt sáng lại là hình của một con mãng xà.
Được mấy ngày sau, ông Phái lại được nghe tin ở vùng Yên Châu có người phát hiện ra trăn đầu người. Theo ông Phái thì có thể vì vậy mà trăn đầu người chạy về Thẳm Hang ẩn nấp? Cũng từ khi vệt sáng lạ xuất hiện, cho đến nay người dân chưa gặp lại sự dị lạ từ Thẳm Hang.

< Ông Lò Văn Phái thận trọng với từng bước đi trong hang đề phòng quái thú tấn công.

Giải thích về việc có quái thú, ông Lò Văn Chaư, một người dân ở bản Nhà Sày cho rằng: Dãy Pha Dảo vẫn là nơi thâm u, rậm rạp. Trong rừng, người dân vẫn còn săn được nhiều loại thú như lợn rừng, nai, hoẵng... Trong khi đó Thẳm Hang lại được bỏ hoang mấy chục năm nay, vì thế các loại rắn rết lấy đó làm nơi sinh sống và trú ẩn là việc bình thường.

Ngoài ra, nhìn những dấu vết trong hang, như có nhiều loại phân khác nhau, như phân dơi, chuột, rắn... cộng thêm những hang hốc lớn được đùn lên nên việc có trăn lớn sống trong đó là có căn cứ. Còn các vệt sáng lạ thì chịu, vì chẳng có căn cứ nào để giải thích hoặc nếu giải thích thì cũng phải nhờ đến các nhà khoa học mới được.

Du lịch, GO! - Theo Bee, internet
Được "quy hoạch" thành khu nghĩa trang, cũng những nấm đất với bia mộ, quan tài bằng tre, mỗi năm được một lần cúng giỗ hương khói... Nhưng đó không phải là nghĩa trang dành cho người, mà là khu nghĩa trang dành cho cá voi ở miền biển thôn Thuận An, xã Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).

Rình rang đám tang cá voi

Kỳ lạ hơn nữa, theo thống kê của các nhà nghiên cứu, không nơi nào ven quãng đường biển dài hàng ngàn km ở miền Trung nước ta lại có số lượng cá voi "lụy" nhiều như tại khu vực này. Thế nên mới có người đã đặt câu hỏi: "Phải chăng loài cá thông minh này biết được nơi người ta chôn cất mình nên mới tìm đến để chết?".

Theo lời của các ngư dân địa phương thuật lại, không hiểu sao thời trước, cá ông "lụy" vào bờ rất nhiều, năm nào cũng có cá ông chết và theo đó, năm nào cũng có lễ tang cho ông Ngài (cách gọi cá voi của người dân địa phương).

Một con cá ông thường nặng từ vài trăm ký đến hàng tấn, có con lên đến cả chục tấn. Người nào có công phát hiện cá ông chết được xem là người may mắn. Ông ta về báo lại với người đứng đầu làng, đầu xã và mọi người trong làng biết để chuẩn bị mọi thủ tục mai táng. Nếu cá ông nhỏ thì một nhóm ngư dân cùng đưa ông vào bờ để chôn cất. Còn trường hợp là một cá ông lớn hàng chục tấn thì huy động các thôn trong xã. Người ta mang loa, mõ đi thông báo khắp nơi.

Thanh niên trai tráng được huy động kéo cá ông lên bờ lập đàn cúng tế. Người ta lấy tre làm thành sợi dây thật chắc để kéo. Mỗi con cá ông chết đều được làm lễ ma chay linh đình kéo dài hàng mấy ngày. Chiêng trống rộn vang tiễn biệt cá ông về nơi yên nghỉ. Hàng năm, vào mùa xuân, người dân làm lễ cúng cá ông. Lễ cúng cá ông là lễ hội lớn nhất trong năm của bà con ngư dân thôn Thuận An.

Một con cá ông dạt vào bờ thường chưa chết hẳn, ngư dân gọi là cá ông "lụy". Người ta dìu cá ra khỏi mép sóng để ông còn sức thì có thể bơi ra biển sống tiếp, còn khi ông đuối sức thì dìu hẳn vào bờ. Người ta đào một cái hố dẫn nước biển vào để cá ông sống. Chừng nào cá "tắt thở" hẳn mới đưa vào bờ làm lễ tang. Một điều bí ẩn khó có thể giải thích được là cá ông thường "lụy" vào những nơi nào có lăng ông hay nghĩa địa cá ông.

Thôn Thuận An có hai bãi biển: Bãi Bấc và bãi Nồm. Bãi Bấc là nơi được ngư dân chọn làm nghĩa địa cá ông. Theo ngư dân nơi đây, từ ngày có nghĩa địa, cá ông chết thường trôi dạt vào bãi Bấc. "Chắc các ông Ngài muốn cho ngư dân đỡ vất vả khi phải xúm nhau kéo cái xác khổng lồ từ nơi xa lên đất liền chôn cất", một cao niên trong làng bình luận. Đây cũng là lý do mà nơi đây tồn tại một nghĩa địa cá ông với số lượng lên đến cả hơn 100 ngôi mộ. Người ta không lập bia mà chỉ dựng hai đầu ngôi mộ hai tảng đá ong để xác định từng ngôi mộ. Hay lăng ông ở thôn Lộc Đông vừa khánh thành xong thì cá ông "lụy". Vì thế, người dân càng tin vào sự hiển linh của cá ông.

Kỳ bí truyền thuyết

Người dân phải lập một nghĩa địa dành riêng để chôn cất cá ông giữa một bãi dương liễu nằm ngay bên bờ biển. Trước đây, tại thôn Thuận An có đến hai lăng thờ cá ông. Nhưng vì "tiêu thổ kháng chiến", hai lăng thờ cá ông đó đã bị đập phá.

Hiện nay, dấu tích vật thể liên quan đến tục thờ cúng cá ông nơi đây là một nghĩa địa cá ông. Tuy nhiên, di sản phi vật thể liên quan đến tập tục này thì vẫn còn gìn giữ, bảo lưu trong đời sống của cư dân, đó là niềm tin về sự linh hiển của ông Ngài, các nghi lễ cúng bái, bài tế, lời khấn thần, điệu múa, lời ca dân gian...

Với truyền thống được hình thành từ lâu đời, lễ hội cầu ngư báo hiệu bắt đầu cho một năm ra biển đánh bắt hải sản của các làng chài. Chỉ riêng nghi lễ nghinh thần cũng đã phản ánh sự độc đáo của nghi lễ cúng cá ông. Mở đầu cho hoạt động lễ hội này của đồng bào thôn Thuận An là hàng trăm chiếc ghe dong thuyền nghinh thần biển, đi đầu là chiếc ghe chở bàn thờ cúng với những vật tế lễ trang trọng. Dong thuyền nghinh thần nhằm cầu cho một năm biển thuận gió hoà để ngư dân làm được nhiều tôm cá. Nghinh thần còn có nội dung quan trọng là cúng rước cá ông.

Nghĩa địa cá ông ở thôn Thuận An, xã Tam Hải, huyện Núi Thành là nghĩa địa cá ông duy nhất ở vùng biển miền Trung Việt Nam cho đến nay vẫn còn được lưu giữ, thờ cúng hàng năm. Nơi đây được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh năm 2009.

"Tôi từng được cá Ông cứu nạn"

Trong tâm thức của ngư dân, cá ông là thần Nam Hải luôn bảo vệ, nâng đỡ họ trước sóng gió, uy lực của đại dương. Cá ông có mặt khắp nơi trên biển bao la. Những ngày trời yên biển lặng, cá ông chào đón những chiếc thuyền ra khơi một cách hồ hởi như đón người thân trở về nhà. Đàn cá ông lướt theo mạn thuyền vừa phun nước vừa quẩy đuôi, ngoác mỏ nghịch ngợm, làm trò trên biển.

Khi nào ngư dân hô: "Đua hè" thì lập tức cá ông cùng thuyền tăng tốc rượt đuổi nhau trong không khí của cuộc đua maratông trên biển. Dù cho công suất lớn đến mấy, bao giờ cá ông cũng thắng thuyền của ngư dân. Còn những lúc gió bão, thuyền chao đảo, ngã nghiêng trên đầu sóng, chỉ cần vái gọi, cá ông xuất hiện ngay, đưa tấm thân khổng lồ dìu dắt chiếc thuyền đang gặp nạn vào bờ an toàn. Vì thế, ngư dân mang ơn cá ông cứu mạng, giữ thuyền, duy trì nghề biển ngàn đời.

Ông là lão ngư Trương Văn Đông, người đã hơn 60 năm lang bạt trên những cơn sóng biển. Ông Đông chỉ những ngôi mộ nhỏ nhắn được vun trên cát, được táng theo từng hàng ngay ngắn, hai đầu mộ đặt những viên đá ong vuông vức.

Ông Đông cũng từng được "cá ông" cứu khi gặp bão. Ông kể, hồi ấy gặp bão lớn lắm, thuyền không chèo được, mọi người phó mặc cho trời xem như chết rồi. Bỗng đâu Ông xuất hiện cặp vào mạn thuyền, dìu thuyền ra khỏi bão đi về phía đất liền.
"Sau này mỗi khi dân quê tui đi biển gặp khi bão tố bất ngờ, chỉ còn cách khấn Ông cứu mạng, nhờ vậy mà vững lòng tin. Có Ông còn dìu thuyền vào cho đến tận bờ, đuối sức mà luỵ..." - ông nói.

Trong ký ức của lão ngư già, một năm đi biển đói, đến tháng 8 âm lịch rồi mà thuyền ra biển thường chỉ về không, chẳng đủ chi phí nên cả làng chài hoang mang lắm. Rồi một ngày, một Ông luỵ bờ. Làng làm lễ táng lớn trong ba ngày ba đêm, lại đặt bài tế dài xin Ông độ trì cho làng qua kiếp nạn. Rồi năm ấy làng chài của ông "thắng" lớn...

Theo nhiều vị cao niên trong làng chài Thuận An, Tam Hải, nghĩa địa cá Ông này có tuổi thọ ngang bằng với những giếng Chăm linh thiêng trong xã, nghĩa là trên dưới 500 năm. Cụ Nguyễn Thế (sinh năm 1925, là người nhiều tuổi nhất trong làng) nói, có một Ông được vua Gia Long ban sắc, đó là cá Ông từ Cù Lao Chàm trôi vào. Năm 1945, khi 28 chiếc thuyền Pháp vào quần đảo Hoàng Sa rồi cập bến Bàn Than (thuộc xã  Tam Hải ngày nay) thì ngay sau đó 27 chiếc bị đánh chìm, một chiếc còn lại được cá Ông dắt vào bãi Bắc. Khi chết, Ông đã được vua Gia Long phong sắc Ngọc Long nương nương. Bây giờ mộ Ông nằm ở vị trí trung tâm của nghĩa địa.

Tục này thời các chúa Nguyễn đã thành lệ. Theo lệ thì dân chài ai phát hiện được cá voi mắc cạn, thì có bổn phận chôn cất và để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình. Xác cá Ông được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ. Dân làng còn lấy giấy đỏ đắp vào miệng cá thấm lấy nước dãi, xong đem phơi khô rồi đốt thành tro để chữa bệnh suyễn. Xác cá được mai táng trong đụn cát gần biển. Người phát hiện ra cá voi mắc cạn thì được nhân dân tôn sùng và dưới triều nhà Nguyễn còn được miễn sưu dịch 3 năm.

Một già làng cho biết, ngày nay, ngư dân đi biển với một tâm thế khác xưa, không còn "sợ biển" như tổ tiên, ông bà họ trước đây. Họ có nhiều phương tiện để thông tin liên lạc thường xuyên với đất liền. Trước đây, họ nhìn "mụt mây", tiếng sấm trên biển để đoán gió bão thì ngày nay, qua bản tin dự báo thời tiết, với "ảnh mây vệ tinh", họ biết được cơn bão xa, kịp chủ động cho thuyền vào bờ tránh bão hoặc neo thuyền ẩn nấp vào nơi an toàn gần nhất.

Hơn nữa, nhiều ngư dân sắm được thuyền to máy tốt vươn đến ngư trường xa, lênh đênh trên biển dài ngày, không lo chuyện lương thực, nước uống, nhiên liệu, vì đã có tàu hậu cần tiếp tế. Những chuyến đi câu mực thường kéo dài vài tháng trời. Biển khơi là nhà của ngư dân. Thế nhưng trong tâm thức của các ngư dân, cá ông vẫn là loài cá linh thiêng, là "vị thần" phù hộ cho họ được xuôi chèo mát mái và vì thế những tục lệ trên đến ngày nay vẫn còn tồn tại.

Vị cao niên này tự hào: "Hơn ai hết, ngư dân chính là những người yêu biển, gắn bó với biển nhiều nhất. Ngư dân ở vùng biển đảo quê tôi đã làm nên "di sản văn hóa biển" trong đó tiêu biểu là tục thờ cúng cá ông. Niềm tin tâm linh xưa cùng với sức mạnh ngày nay của "quốc gia biển" với hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư... đã làm cho ngư dân thêm vững vàng trong những lần ra khơi đánh bắt hải sản, làm giàu cho chính mình và cho quê hương, đất nước".

Du lịch, GO! - Theo Tusachgiadinh, Bee và nhiều nguồn khác

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống