Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 12 October 2011

Không ai biết rõ chiếc áo dài nguyên thủy ra đời từ lúc nào và hình dáng ra sao vì không có tài liệu ghi nhận và chưa có nhiều người nghiên cứu.

Y phục xa xưa nhất của người Việt, theo những hình khắc trên mặt chiếc trống đồng Ngọc Lữ cách nay khoảng vài nghìn năm cho thấy hình phụ nữ mặc trang phục với hai tà áo xẻ.

Sử gia Đào Duy Anh viết, "Theo sách Sử ký chép thì người Văn Lang xưa, tức là tổ tiên ta, mặc áo dài về bên tả (hình thức tả nhiệm). Sử lại chép rằng ở thế kỷ thứ nhất, Nhâm Diên dạy cho dân quận Cửu Chân dùng kiểu quần áo theo người Tàu.

Theo những lời sách đó chép thì ta có thể suy luận rằng trước hồi Bắc thuộc thì người Việt gài áo về tay trái, mà sau bắt chước người Trung Quốc mới mặc áo gài về tay phải".

Vào khoảng từ năm 1618 đến năm 1623, một vị giáo sư người Italia có tên Cristoforo Borri, sống ở vùng Quảng Nam đã nhận xét trong một cuốn sách của ông rằng: "Người Việt Nam xưa nay thường có tính kín đáo. Tuy là một nước nhiệt đới, nhưng người Việt ăn mặc rất kín đáo, có thể là kín đáo nhất so với các dân tộc khác trong vùng".

Có lẽ người Việt xưa đã phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm cách phối hợp những nguyên tắc thẩm mỹ với quy luật kín đáo cố hữu của dân tộc vào việc may mặc.

Chẳng hạn, do đặc thù về nhân chủng học, người Việt có cái cổ thường không cao, người xưa đã biết may cổ áo thấp xuống và ôm sát cổ, trong khi tóc được vấn cao lên, để lộ gáy...

Và vì thế, cái cổ của một phụ nữ Việt Nam có nhan sắc trung bình vẫn trở nên thanh tú và cao sang hơn. Phải chăng đó là tiền đề cho phần cổ của chiếc áo dài?

Áo dài của người Việt vẫn có tiếng là gợi cảm. Người Trung Quốc gọi loại áo này là "bì bào", có nghĩa là áo mặc sát vào da. Đến nay, vẫn chưa có ai khẳng định được chiếc áo dài Việt Nam xuất hiện từ bao giờ và như thế nào.

Tuy nhiên, chuyện được biết nhiều nhất là việc chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong, khi xưng vương (năm 1744) đã bắt quan, dân phải mặc lễ phục lấy mẫu từ "Tam tài đồ hội" của nhà Minh, Trung Quốc.

Vì thế mà có giả thuyết cho rằng, áo dài Việt Nam xuất xứ từ phương Bắc. Tuy nhiên, áo dài hay "bì bào" không phải là lễ phục. áo dài chỉ là một loại thường phục trang trọng có thể mặc để tiếp khách hay đi chơi.
Loại "bì bào" độc nhất ở Trung Quốc thường được gọi là "Sường xám", có nghĩa là áo dài, chỉ xuất hiện vào những năm của thập niên 1930 tại Trùng Khánh và Thượng Hải.

Vào năm 1776, sau khi chúa Trịnh ở Đàng Ngoài chiếm được kinh đô Phú Xuân của xứ Đàng Trong, quan Hiệp Chấn Thủ Lê Quý Đôn đã ra lệnh cho dân ở đây phải ăn mặc theo lề lối của Đàng Ngoài.
Theo lệnh này, về thường phục thì: "Từ nay trở đi, đàn ông và đàn bà chỉ được mặc loại áo ngắn tay có cổ đứng...".

Tức là tay áo chỉ dài đến cổ tay, thay vì dài gấp đôi chiều dài của cánh tay như trong áo lễ. Trong cuốn sách của giáo sỹ Borri (như đã nói ở trên) có tên: "Tường thuật về sứ mệnh mới của các linh mục Dòng Tên ở Nam Kỳ - năm 1631" đã miêu tả cách ăn mặc của người Việt Nam đầu thế kỷ 17 như sau:

"Người ta mặc năm, sáu cái áo dài, áo nọ phủ lên kia, mỗi cái một màu. Cái thứ nhất dài đến mắt cá chân, những cái áo khác ở ngoài ngắn dần...".

Đấy là vị giáo sỹ đã nói đến chiếc áo mớ ba, mớ bảy của phụ nữ Việt Nam còn thấy ở các làng Quan Họ ở Bắc Ninh hay còn lác đác ở Huế. "Đàn ông cũng mặc năm, sáu lớp áo dài lụa... Phần dưới thắt lưng của mấy lớp áo ngoài được cắt thành những dải dài.

Khi đi lại, các dải này quyện vào nhau trông rất đẹp mắt... khi có gió thổi, các dải áo bay tung lên như cánh chim công thật ngoạn mục...".

Thực ra, mấy lớp áo bên ngoài bị cắt thành các dải dài bên dưới thắt lưng mà giáo sỹ Borri nhắc đến chỉ là cái xiêm cánh sen, hoặc có nơi gọi là quầy bơi chèo, mà người xưa mặc trước ngực hay dưới thắt lưng bên ngoài áo dài. Xiêm có ba hoặc bốn lớp dải lụa, gọi là cánh sen may chồng lên nhau.
Bức tượng Bà Ngọc Nữ được tạc từ thế kỷ XVII ở chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh là minh chứng rõ nhất cho cả áo dài, các dải cánh sen, lẫn cách vấn khăn mà giáo sỹ Borri đã miêu tả. Cái áo dài đó cũng như cách vấn khăn không có nhiều khác biệt so với bây giờ.

Cho đến đầu thế kỷ XX, phần đông áo dài phụ nữ thành thị đều may theo thể năm thân hay năm tà. Mỗi thân áo trước và sau đều có hai tà, khâu lại với nhau dọc theo sống áo.

Thêm vào đó là tà thứ năm ở bên phải, trong thân trước. Tay áo may nối phía dưới khuỷu tay. Sở dĩ áo phải nối thân và tay như thế là vì các loại vải tốt như lụa, sa, gấm, đoạn... ngày xưa chỉ dệt được rộng nhất là 40 cm.

Cổ, tay và thân trên áo thường ôm sát người, rồi tà áo may rộng ra từ sườn đến gấu và không chiết eo. Gấu áo may võng, vạt rất rộng, trung bình là 80 cm ở gấu, cổ áo chỉ cao khoảng 2-3 cm.

Trong thập niên từ 1930 đến 1940, cách may áo dài vẫn không thay đổi nhiều, nhưng phụ nữ thành thị bắt đầu dùng các loại vải màu tươi, sáng hơn, được nhập khẩu từ châu Âu. Thời kỳ này, gấu áo dài thường được may trên mắt cá chân khoảng 20cm.

Từ đây và tiếp tục cho đến gần cuối thế kỷ XX thiếu nữ khắp nơi mặc quần trắng với áo dài. Quần đen dành cho những phụ nữ đã lập gia đình. Tuy nhiên, phần lớn phái nữ ở mọi lứa tuổi ở Huế vẫn chỉ mặc quần trắng.

Ở giai đoạn này, một vài nhà tạo mẫu áo dài đã bắt đầu xuất hiện, nhưng họ mới chỉ bỏ đi phần nối giữa sống áo vì vải của phương Tây dệt có khổ rộng hơn vải ta. Tay áo vẫn may nối. Thời đó, Hà Nội đã có các nhà may nổi tiếng như Cát Tường ở phố Hàng Da và một số ở khu vực Hàng Trống, Hàng Bông.

Năm 1939, nhà tạo mẫu Cát Tường đã tung ra một kiểu áo mới có tên gọi là Le Mur mang mẫu dáng rất Âu hoá, áo Le Mur vẫn giữ nguyên phần áo dài may, không nối sống bên dưới, nhưng cổ áo khoét hình trái tim; có khi áo được gắn thêm cổ bẻ và một cái nơ ở trước cổ; vai áo may bồng, tay nối ở vai; khuy áo may dọc trên vai và sườn bên phải.

Vậy là áo Le Mur được xem là táo bạo và chỉ có giới nghệ sỹ hay ăn chơi "thời thượng" lúc đó mới dám mặc. Nhưng chỉ đến khoảng năm 1943 thì loại áo này đã bị lãng quên.

Đến khoảng những năm 1950, sườn áo dài bắt đầu được may chiết eo. Các nhà may lúc đó đã cắt áo lượn theo thân người. Thân áo sau rộng hơn thân trước, đặc biệt là phần mông để áo ôm theo thân dáng mà không cần chiết eo; vạt áo cắt hẹp hơn, cổ áo cao lên trong khi gấu được hạ thấp xuống.

Vào những năm 1960, áo dài được thay đổi nhiều nhất vì cái nịt ngực được sử dụng ngày càng phổ biến hơn, nên áo dài phải được may chiết eo, thậm chí người phụ nữ mặc rất chật để tôn ngực.

Eo áo cắt cao lên để hở cạp quần; gấu áo cắt ngang thẳng và dài gần đến mắt cá chân. Năm 1960, vì muốn thấy có cảm giác cổ phụ nữ dài thêm, bà Trần Lệ Xuân đặt ra loại áo dài cổ thuyền, được gọi là áo bà Nhu và sau này còn có người may áo dài với cổ khoét tròn.

Vào cuối những năm 1960, đầu những năm 1970, để thích ứng với thời trang váy ngắn, quần loe của thanh niên theo lối hippy, áo dài mini đã xuất hiện và ngay lập tức trở thành mốt thời thượng. Vạt áo may hẹp và ngắn, có khi đến đầu gối, áo may rộng ra và không chiết eo, nhưng vẫn giữ đường lượn theo thân thể; cổ áo may thấp xuống còn 3 cm; vai áo bắt đầu được cắt lối raglan để ngực và tay áo ôm hơn; quần khi đó được may rất dài, gấu rộng đến 60 cm. Sau thời kỳ này trở về đến năm 1990, áo dài không thay đổi nhiều lắm so với truyền thống, thỉnh thoảng cũng có vài mẫu đổi mới, chẳng hạn như quần và áo đồng màu, nhưng không phổ biến...

Ngày nay, Việt Nam đã có một lực lượng đông đảo các nhà tạo mẫu áo dài, với đủ các loại chất liệu vải, họ vẫn luôn nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo đưa ra những mẫu mốt mới... Song, cũng chỉ dừng lại ở việc thay đổi chất vải và hoa văn trên áo dài còn về kiểu dáng vẫn phải giữ theo "công thức" cũ, nghĩa là không khác gì nhiều với cái áo dài của pho tượng Ngọc Nữ thế kỷ XVII.

Không chỉ là cái áo nữa - chiếc áo dài đã trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Việt Nam, tạo thành sản phẩm văn hoá vật thể truyền thống không thể thiếu cho vẻ duyên dáng của người phụ nữ Việt.

Ấn tượng áo dài...

Điều mà làm cho du khách đến Việt Nam gây ấn tượng nhất là nhìn ngắm những sinh viên duyên dáng thước tha trong bộ áo dài đồng phục đang đạp xe hoặc bước bộ trên đường đến trường, trông thật quyến rũ.

Áo dài, chiếc áo thướt tha cổ truyền mang đậm nét dân tộc của con người Việt Nam. Mặc dù lưu lạc ở bất cứ nơi nào trên thế giới, người Việt Nam luôn tựï hào về chiếc áo dài truyền thống trong những dịp đại hội, lễ nghi, hay những buổi tiệc thịnh trọng.

Áo dài Việt Nam có từ rất lâu. Vào thế kỷ 18, phụ nữ Việt Nam vẫn mặc váy. Nhưng vào năm 1744 dưới triều đại nhà Nguyễn, Vũ Vương, một viên quan cai trị phía Bắc miền Trung Việt Nam đã có ý yêu cầu thay đổi trang phục cho đàn ông lẫn đàn bà theo kiểu áo buộc giây hoặc cài nút xẻ phía trước với quần dài phủ giầy.

Những năm sau đó vào thời Pháp thuộc, từ chiếc áo tứ thân buộc giây đã được cải biến thành chiếc áo dài hai tà và được mặc với quần ống rộng dài.


Từ đó chiếc áo dài ngày càng được cách điệu theo nhiều kiểu lạ và đẹp với đủ màu sắc khác nhau nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của chiếc áo dài hai tà.

Hai kiểu áo dài mà được phụ nữ Việt Nam ưa chuộng nhất là kiểu cổ cao với tay raglan dài va kiểu cổ hở tròn. Ở những nơi công sở hoặc văn phòng làm việc, phụ nữ Việt Nam mặc áo dài một màu tạo nên vẻ gọn gàng và trông rất đẹp mắt.

Ở hải ngoại, trong những dịp ca nhạc hội, đám cưới, hoặc những ngày hội dân tộc, những phụ nữ và những thiếu nữ Việt Nam có khi cả phái nam vẫn mạc áo dài, vẫn tôn vinh vẻ đẹp của chiếc áo dài

Ngày nay, chiếc áo dài đã đi sâu vào làng thời trang trong nước cũng như ngoài nước. Đặc biệt trong những buổi đại nhạc hội luôn có một màn trình diễn áo dài thời trang được sáng tạo và may cắt khéo léo bởi những nhà tạo mẫu như Liên Hương, Minh Hạnh, và Sĩ Hoàng.

Áo dài la một biểu tượng văn hóa đẹp nên người Việt Nam đã và vẫn tổ chức những thi hoa hậu áo dài như Hoa Hậu Việt Nam (ở Sài Gòn), Hoa Hậu Áo Dài Long Beach (ở California, USA) nơi có rất nhiều người Việt sinh sống. Những cuộc thi này được tổ chức cốt để giữ lại nét đẹp văn hóa Việt Nam cho những lớp trẻ Việt Nam trong và ngoài nước.

Áo dài đã đi sâu vào trong lòng con người Việt Nam. Áo dài là một biểu tượng văn hóa dân tộc của người Việt Nam qua bao thời đại.

Du lịch, GO! Tổng hợp từ nhiều nguồn.

Tuesday, 11 October 2011

Rượu làng Vân, táo mèo Sapa, Bàu Đá, Đế Gò Đen đã trở thành những “mỹ tửu” nức danh khắp nơi bởi sự thơm ngon và mang đậm dấu ấn rất đặc trưng.

Người Việt có câu “Vô tửu bất thành lễ” để nhấn mạnh tầm quan trọng của rượu trong lễ nghi giao tiếp. Mỗi địa phương trên đất nước ta đều có những loại rượu rất đặc trưng và trở thành niềm tự hào của người dân xứ sở.

Rượu Táo mèo - tinh túy Sapa

Đến với Sapa, du khách không chỉ chìm trong vẻ đẹp huyền ảo của thành phố sương mù mà còn ngất ngây bởi men rượu nồng nàn.

Ở Sapa, cây táo mèo mọc hoang trên các dãy núi Hoàng Liên Sơn, như là một món quà mà thiên nhiên ưu đãi cho đồng bào nơi đây. Rượu táo mèo được ngâm ủ từ loại táo rừng, có màu nâu sóng sánh và vị thơm ngọt rất đặc trưng. Loại rượu này tuy dân dã nhưng vô cùng độc đáo.

Quả táo mèo là kết tinh của núi rừng đại ngàn, của khí trời và nắng gió vùng cao. Ấy vậy mà không lấy gì làm ngạc nhiên khi nó có đủ vị chua ngọt và chát đắng. Quả táo mèo được ngâm rất kỹ rôi cất thứ tinh chất ấy để pha chế rượu.

Táo mèo còn là vị thuốc quý, hạ huyết áp, hạ mỡ máu, cải thiện sức co bóp cơ tim, rất tốt cho tim mạch. Ngoài ra còn giúp an thần và cân bằng sinh lý. Dân gian còn gọi nó bằng cái tên “quả chua chát” hay “quả tình yêu” vì nó mang đầy đủ những hương vị của cuộc đời.

Rượu Làng Vân - hồn quê Kinh Bắc

Làng Vân nằm bên sông Cầu, Bắc Giang. Hình ảnh đầu tiên bạn sẽ bắt gặp khi đến đây là đôi câu đối được viết trên cổng làng và những chiếc thùng phi, chum rượu xếp lớn dọc đường. Bước qua chiếc cổng cổ kính ấy là một vùng văn hóa cổ lừng danh với nghề nấu rượu – làng Vân.

Thời phong kiến, rượu làng Vân là lễ vật dâng lên vua chúa để sử dụng trong yến tiệc cung đình. Qua hàng trăm năm vẫn giữ nguyên hương vị. Những giọt rượu phải trải qua rất nhiều công đoạn mà thành.

Nguyên liệu để nấu phải là loại nếp cái hoa vàng thơm ngon, được nấu chín thành cơm rồi trộn đều cùng một thứ men “huyền bí” gia truyền của làng Vân. Ủ cơm này cho chín trong khoảng 72 giờ rồi đổ nước vào ngâm thêm 72 giờ nữa mới đưa lên bếp chưng cất thành rượu.

Rượu làng Vân là hồn quê Kinh Bắc bởi cái mùi thơm thanh khiết, vị đậm đà, trong suốt.

Khách uống rồi như đi vào cõi mộng, say mà không say. Người ta như được tiếp thêm sức mạnh, tinh thần sảng khoái. Cái say mà rượu làng Vân đem lại là cái say của sự nền nã, đằm thắm mà nếu thưởng thức rồi bạn chẳng thể nào quên…

Rượu Bàu Đá - vang danh đất võ

Rượu Bàu Đá bắt nguồn từ xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn. Đây là đặc sản của miền đất võ Bình Định. Rượu được đựng trong những bình hồ lô bằng sành để du khách mua về làm quà biếu, vì thế mà có thêm tên Bầu Đá.

Xóm rượu Bàu Đá ra đời muộn mằn so với các làng, xóm rượu trong vùng, đó là những năm 1947 - 1948, một số hộ gia đình: Ông Đinh Lý, Tám Cộng, Mười Mẫu, Ba Trương... mời ông Hương Lễ Nghè một nghệ nhân nổi tiếng nghề nấu rượu ở làng An Vinh, xã Bình An, huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn) tỉnh Bình Định sang dạy nghề nấu rượu, và cũng từ đây họ truyền nghề cho nhau, đến nay 40 hộ gia đình xóm Bàu Đá có đến 38 hộ chuyên nghề nấu rượu .

Rượu được nấu bằng gạo lứt nên có hương vị đặc trưng. Khi chưng cất không được vội vàng, phải dùng lửa liu riu mới vắt cạn được tinh chất gạo.
Người nấu rượu lâu năm không cần nếm cũng có thể thẩm định được chất lượng của rượu bằng cách lắng nghe tiếng rơi của rượu trong vại sành lúc chưng cất và hương rượu thoáng qua.

Đưa rượu lên rót nghe thánh thót trong veo, hơi rượu thơm nồng, nước rượu trong như pha lê. Rượu rót ra chén sủi bọt sủi tăm, uống vào không có cảm giác gắt, hay nóng cháy cổ, rượu Bàu Đá chính gốc lỡ khi bạn quá chén cũng không thấy đau đầu.

Rượu đế Gò Đen - “mỹ tửu” Long An

“Ăn nem Thủ Đức, uống rượu Bến Lức Gò Đen” đã là câu nói cửa miệng của người miền Nam. Loại rượu này ra đời từ thời Pháp thuộc. Thực dân cấm ta không được nấu rượu để chiếm độc quyền. Rượu chúng sản xuất không hợp khẩu vị nên người dân vẫn thường lén lút nấu.

Dân Gò Đen nấu rượu lậu trong đám đế (một loại cỏ thân cao) hoặc nấu xong cho vào bong bóng lợn, bong bóng trâu, giấu đi chờ bán. Rượu đế Gò Đen ra đời từ đó và tồn tại cho đến bây giờ.

Đế Gò Đen nấu thuần bằng nếp. Người dân nơi đây chăm chút từng hạt nếp, cục men, từng động tác chưng cất, pha chế để được loại rượu ngon nhất. Chọn nếp là bước quan trọng đầu tiên: những loại nếp hạt tròn, mẩy, có mùi thơm. trắng đục đều.

Thường là nếp mỡ và nếp mù u và nếp than đen tuyền được trồng chính tại địa phương. Sau khi nấu thành cơm nếp, để nguội thì rắc men vào ủ bằng loại men mài rễ thảo mộc hoặc men bí truyền chế từ các vị thuốc bắc: quế khâu, đinh hương, trần bì, quế chi, đại hồi cộng thêm nhãn lồng, trầu hương...

Đế Gò Đen nổi tiếng bởi rượu trong như nước mưa. Mỗi khi rót rượu vào ly, tiếng rượu chảy, vị cay nồng đã đủ làm say, làm khao khát lòng người uống.

Du lịch, GO! - Theo MaskOnline
Một hang động mới với hệ thống nhũ đá, thạch thủy tự nhiên nhiều màu sắc huyền ảo chưa từng thấy vừa được phát hiện ngay trong lòng núi đoạn qua đèo Áng Toòng (xã Xuất Hóa, thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn).
Nhóm PV Tuổi Trẻ đã đi tìm hiểu và thật sự ngỡ ngàng vì vẻ đẹp của nó...

Hang động này hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách ưa mạo hiểm bởi hệ thống các ngóc ngách vô cùng hiểm trở, chui xuống tận đáy sông Cầu...

Ngỡ ngàng

< Một vòm động với những nhũ đá tuyệt đẹp.

Ông Nguyễn Duy Nghĩa - phó trưởng phòng quản lý di tích và danh thắng Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn, một trong những chuyên gia đầu tiên khảo sát hang động - dẫn chúng tôi đến cửa hang và “bàn giao” cho anh Nông Văn Lễ - người dân tộc Tày, ở xã Xuất Hóa, thị xã Bắc Kạn, một thanh niên bản địa thông thạo địa hình hang - dẫn tiếp xuống “âm ti”.

< Một dải thạch nhũ đẹp lạ lùng.

Theo ông Nghĩa, hang được phát lộ ngày 28-7-2011. Sau khi nổ mìn phá đá trên đoạn đèo Áng Toòng để thi công làm quốc lộ 3B (từ quốc lộ 3 đi huyện Na Rì), các công nhân đã phát hiện một động đá hun hút ăn sâu vào lòng núi. Sửng sốt bởi vẻ đẹp kỳ ảo của hệ thống những thạch vân, nhũ đá tuyệt đẹp, một số công nhân đã tiến vào tìm hiểu. Biết tin, một vài thợ chuyên săn tìm vàng ở địa phương cũng đã nhanh chân tìm đến “khai phá” hang động với mục đích tìm vàng.

< Cửa vào hang động.

Lễ bảo chính anh là người đầu tiên dám chui xuống mò mẫm từng ngóc ngách tối um trong hang để khám phá những hang động với những thạch nhũ, thạch thủy tuyệt đẹp, những đụn nước đùn lên từ dưới các khe đá, nước rỉ ra từ những vách đá bên trên...

< Leo xuống đoạn hang động đầu tiên.

< Một tác phẩm của thiên nhiên trong hang mới ở Bắc Kạn.

< Mạo hiểm leo xuống một hang động âm sâu xuống lòng đất.

Do chưa được bảo vệ, một số thạch nhũ, thạch thủy đã bị phá hủy và có người mang những tảng nhũ ra ngoài bán kiếm vài ba triệu đồng...

Cũng chính vì thế, đơn vị thi công đã tạm san đất đá lấp gần kín cửa hang.
Nhưng với những gì được chứng kiến, chúng tôi vẫn sững sờ.

< Trong một ngách hang.

Ngay từ cửa hang là một động lớn khá rộng rãi, vòm núi cao cùng những thạch nhũ đẹp huyền ảo do vẫn còn ánh sáng tự nhiên le lói hắt vào. Xung quanh động có ít nhất ba cửa hang lớn và rất nhiều cửa hang nhỏ chỉ đủ một người chui lọt tỏa đi khắp các hướng.

Lễ buộc đoạn dây thừng to dài 50m xuống và từ đó chúng tôi bắt đầu khám phá một trong những ngách mà theo anh dài khoảng 350m, chênh chếch lao sâu xuống đáy sông Cầu với độ cao chênh lệch so với bên ngoài khoảng 60m.

Đã khám phá nhiều hệ thống hang động, trong đó có Pu Sam Cáp - “đệ nhất hang động Tây Bắc” ở Lai Châu, nhưng phải thừa nhận chúng tôi vẫn bị choáng ngợp vì vẻ đẹp đến ngỡ ngàng.

Càng vào sâu trong ngách, nhiều đoạn phải bò trườn qua các khe đá, nhiều đoạn lại phải bám dây tụt tít xuống. Đá trong hang không trơn trượt dù rất ướt, nhiều tảng vẫn còn “tuyết” xốp do “mồ hôi đá” tiết ra ngưng lại. Vào sâu được nửa đường, một số thành viên đã chào thua bởi mức độ mạo hiểm. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đến điểm cuối cùng, được cho đẹp nhất trong hang.

< Các thạch nhũ muôn hình vạn trạng.

Đó là một động có khoảng vòm rộng hơn 20m, vòm trần cao 7m với hệ thống đá trắng và nhiều hình dáng tạo hình tự nhiên khác nhau. Trên lưng chừng vách hang có nhiều hồ treo, giếng trời với những “túi nước” mát lạnh, trong vắt luôn được bổ sung bởi những giọt nước tí tách nhỏ từ các thạch nhũ xuống, khi chụp lên ảnh cực đẹp.

Đặc biệt có rất nhiều thạch nhũ tự nhiên như những chiếc lá mỏng xếp chồng lên nhau, khi dùng ngón tay búng nhẹ tạo ra âm thanh không khác gì đàn đá. Lễ bảo đây chưa phải là điểm cuối cùng, bởi xung quanh vẫn còn rất nhiều ngóc ngách chưa biết dẫn đi đâu, tới đâu...

Hứa hẹn đầy tiềm năng

Theo ông Nghĩa, sau khi phát hiện hang động, tỉnh đã tiến hành khảo sát ban đầu và có biện pháp bảo vệ, tránh tình trạng người dân đập phá các thạch nhũ. Tại hang đá thứ hai, lòng hang có đoạn rộng, đoạn hẹp, đi lại khó khăn do có một giếng trời sâu gần 20m tại điểm đầu của hang. Tuy nhiên, qua được đoạn này mới thưởng thức hết vẻ đẹp huyền ảo của thiên nhiên.

Kết quả khảo sát ban đầu của các đơn vị chức năng thuộc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cho thấy hang động khá kỳ lạ, chứa nhiều loại đá khác nhau như đá xanh, đá vôi, trong khi những hang đá thường thấy ở VN chỉ có một loại đá. Chính vì thế, thạch vân, thạch nhũ trong hang chứa nhiều màu sắc khác nhau, từ nhũ vàng đến trắng trong, trắng đục tạo thành những mảng màu rực rỡ, huyền ảo.

Càng đi sâu vào lòng hang, các loại thạch nhũ càng nhiều, đặc biệt có loại thạch thủy như nhựa trắng đang chảy và thạch nhũ dạng sợi như những dây đá màu trắng dài hàng mét từ vòm hang rủ xuống.

< Vẻ đẹp huyền ảo của thiên nhiên.

Trên vách hang, nhiều đoạn nhũ tạo thành những hình thù lạ mắt, thể hiện sự kỳ lạ của thiên nhiên. Đáng chú ý, lòng hang không có chút bùn đất và đáy hang có những mảng thạch vân hình xoáy ốc, được thiên nhiên khéo léo sắp xếp như một bức tranh thủy mặc.

Ông Nghĩa cho biết chưa dám so sánh trên quy mô cả nước vì còn cần sự đánh giá của các cơ quan chuyên môn cấp quốc gia, nhưng tại Bắc Kạn thì có thể nói đây là hang động đẹp và kỳ lạ nhất từ trước tới nay.

Ngay sau khi khảo sát, ông đã có một báo cáo gửi Sở Văn hóa - thể thao và du lịch để cơ quan này báo cáo UBND tỉnh.

< Khung cảnh đẹp tuyệt vời bên trong hang động.

Theo đánh giá của ông Nghĩa, vị trí, địa thế của hang rất có tiềm năng du lịch, nhất là du lịch mạo hiểm bởi hang chỉ cách trung tâm thị xã chưa đầy 15km. Trong hang động không khí đủ thoáng, đảm bảo đủ oxy cho nhiều người, có nhiều ngách hẹp dẫn đến các hang khác và có thể tạo thành một hệ thống hang động hoàn mỹ, hấp dẫn du khách.

Cũng theo ông Nghĩa, hiện UBND tỉnh Bắc Kạn đã có công văn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục khảo sát để có biện pháp bảo vệ, phát huy món quà quý của thiên nhiên này.

Du lịch, GO! - Theo Dulich Tuoitre

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống