Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 3 November 2011

Hình thức du lịch miệt vườn có cả chục năm nay nhưng dường như chỉ dành cho khách nước ngoài. Di chuyển bằng thuyền, ghe hay cầu khỉ là những “món lạ” chỉ lạ với khách quốc tế chứ dân Việt chẳng ai mặn mà. 

Tuy nhiên, khoảng 2,3 năm nay, hình thức du lịch sinh thái ngày càng phát triển khiến người học yêu thiên nhiên mộc mạc như bản chất của cuộc sống ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt sau các kỳ thi của học sinh phổ thông, khi ông bố bà mẹ giật mình hay tin con mình không biết tả con heo khác con bò thế nào, cây chôm chôm khác cây mít, cây xoài ra sao… Ấy là lúc du lịch miệt vườn trở nên hấp dẫn các gia đình. Không chỉ đi nghỉ ngơi giải trí, miệt vườn còn trở  thành trường học lý tưởng cho trẻ em thành phố.

< Du lịch miệt vườn là về với vùng sông nước...

Thành phố Mỹ Tho chỉ có vài ba khách sạn thuộc dạng “có sao” để khách du lịch đến nghỉ đêm. Chính vì vậy, những dịp lễ lạt, nếu không đặt trước thì bạn khó có phòng để qua đêm. Lý tưởng nhất là khách sạn Chương Dương nằm ngay bờ sông Tiền, phong cảnh nên thơ gió trời lồng lộng…

< Những món quà "cây nhà lá vườn.

Nghỉ ngơi một đêm sau chuyến tham quan vườn cây ăn trái, làng nghề bánh, mứt… của Tiền Giang sáng hôm sau du khách sẽ rất hứng khởi với chuyến du hành trên sông để thăm các cồn. Nhiều người thích tham quan Cồn Thới Sơn vì có mô hình tham quan phong phú với các dịch vụ phát triển như tham quan làng nghề thêu tay mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, làm mắm… hay các dịch vụ đặc sản chỉ nghe tên món đã phát thèm chảy nước miếng như cá lóc nướng trui, gà nướng ngói, chuột đồng nướng lu, tai tượng chiên xù hay bát cháo cá rau đắng…

< Nấu kẹo dừa.

Sau vài khua mái chèo sang khu du lịch sinh thái Bến Tre tham quan cồn Phụng, cồn Dừa… thì không chỉ trẻ em mà người lớn cũng tròn xoe mắt ngắm nhìn từng thùng ong mật đang tỏa hương với những con ong thợ đang chi chít đậu quanh mép thùng tìm đường vào tổ; Nếu như ra siêu thị chỉ thấy những gói kẹo dừa đơn điệu 1,2 loại như dừa sữa, dừa đậu phộng thì tại quê hương xứ sở kẹo dừa, ngoài chuyện có dịp được nếm miếng kẹo mộc còn dẻo nóng béo ngậy vị dừa vừa ở lò cắt ra, còn là dịp được thưởng thức hơn chục loại kẹo dừa như kẹo dừa trái cây, dừa nhân điều, dừa dứa, dừa phọng hay kẹo chuối nhân dừa non… tại lò nấu kẹo thủ công.

Sau khi đã mỏi chân tham quan các làng nghề phổ biến ở vùng sông nước nơi đây, khách được phục vụ đờn ca tài tử. Đến điểm phục vụ đờn ca tài tử bằng chuyến xe ngựa, một loại hình giao thông đã mai một khá lâu, nay được khôi phục chỉ cho khu du lịch sinh thái. Thú đi xe ngựa cũng để lại ấn tượng khó phai cho trẻ nhỏ. Nhóm đờn ca nhỏ lẻ “cây nhà lá vườn”  đúng nghĩa.

< Những câu vọng cổ, điệu lý và giọng hò ngọt lịm cứ thế cất lên, vượt qua tán lá, vang ra tận đường làng…

Từ nhạc công đến ca sĩ đều là bà con họ hàng trong một gia đình. Bình thường họ vẫn đi làm đồng áng vụ mùa nhưng khi có khách du lịch đến thì lại về nhà điểm trang, áo sống là lượt bước ra cất tiếng hát. Ngồi quanh bàn trà, nếm các loại trái cây đặc sản địa phương trong tiếng tích tịch tình tang… Những câu vọng cổ, điệu lý và giọng hò ngọt lịm cứ thế cất lên, vượt qua tán lá, vang ra tận đường làng… và bập bềnh sóng nước theo chân khách về lại thị thành.

Các ban nhạc tài tử thoạt đầu được hình thành một cách ngẫu hứng như tính chất và tên gọi của nó. Ông Sáu đờn cò xóm trên ôm đàn xuống chơi với ông Chín đờn kìm xóm dưới. Họ đến với nhau vì “tìm bạn tri kỷ, tri âm”. Họ chơi với nhau những lúc nông nhàn hoặc khi “trà dư tửu hậu”, rồi dần dà những cung bậc buồn vui với lời ca đậm nghĩa nặng tình đã đi vào đời sống, thấm sâu vào tâm hồn của người dân sông nước Nam bộ.

Đờn ca tài tử có sức sống mãnh liệt bởi tính chất bình dân, ai cũng có thể tham gia. Phong cách chơi không hề bị câu thúc bởi lễ nghi phiền toái, trang phục đời thường, giản dị. Trong sân chơi này, người thưởng thức và người phục vụ thường không phân biệt. Người đến nghe không những trải lòng mình đồng cảm với lời ca, với từng ngón đờn tài hoa mà khi cao hứng họ cũng tham gia khi nửa bản phụng hoàng, lúc một đoạn nam ai hoặc vài ba câu vọng cổ...

Ngồi hát chán chê, rồi họ đứng lên hát ra bộ, có khi ca diễn cả một trích đoạn cải lương. Càng hát càng say, lúc hát một mình, khi hát cùng bạn tri âm, tri kỷ. Tùy theo hoàn cảnh mà người hát, người đờn chọn bài bản có giai điệu, tiết tấu, lời ca sao cho phù hợp với tâm trạng, tình cảm của mình lúc đó. Một tính chất khác của tài tử là hát ngẫu hứng. Khi chén trà, chung rượu ngấm vào tâm, trong cơn tửu hứng, họ cao giọng ngâm nga nỗi niềm riêng tư ngẫu hứng bằng lời ca mới nhưng đúng bài bản và rất điệu nghệ.

Nhờ vậy, hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo này có sức sống riêng, thu hút rất đông "nam, phụ, lão, ấu" tham gia. Họ thường luân phiên tổ chức, quây quần bên nhau trên bộ ván gõ giữa nhà, hoặc trên một chiếc chiếu rộng trải giữa sân trong những đêm gió mát, trăng trong, đờn hát với nhau cho ấm áp tình làng, nghĩa xóm, gắn chặt những cuộc đời một nắng hai sương lam lũ với sông nước, ruộng vườn... và đôi khi tiếng đờn, lời ca mượt mà, sâu lắng, thiết tha làm ta nôn nao nhớ về cội nguồn ông cha một thời khai hoang mở cõi!

< Đi thăm thùng nuôi ong.

Một ngày trôi qua, ra về, hầu như tay du khách nào cũng trĩu nặng những món quà quê, từ trái cây, kẹo dừa các loại, dầu dừa bôi tóc, bánh phồng, nem chua… đến các món mỹ nghệ như giỏ trái cây đan bện bằng cói.

Với chuyến du hí hai ngày nghỉ cuối tuần về miệt vườn, được nếm đủ vị quà quê và nghe câu hò xàng xê xang xừ líu… Đêm đêm thèm nghe điệu hát ấy, lại muốn làm chuyến miệt vườn sinh thái cho thỏa lòng.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Lenduong, Congly và nhiều nguồn ảnh khác.
Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam (Viet King) vừa tổ chức chương trình Hội ngộ kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 21 với sự có mặt của ông Biswaroop Roy Chowdhury - Tổng giám đốc Tổ chức Kỷ lục châu Á và trên 500 kỷ lục gia của Việt Nam.

Nhân chuyến công du TP HCM để trao kỷ lục châu Á đầu tiên cho tác phẩm mỹ nghệ rồng bằng đá bán quý của nghệ nhân Nguyễn Văn Hữu, ông Biswaroop Roy Chowdhury đã tiếp nhận hồ sơ 5 kỷ lục Việt Nam khác đề xuất là kỷ lục châu Á, gồm: chùa Một Cột - ngôi chùa độc đáo nhất Việt Nam; chùa Đồng (Thiên Trúc tự) - ngôi chùa bằng đồng trên đỉnh núi lớn nhất Việt Nam; hành lang 500 vị La hán dài nhất; tượng Phật Thích Ca bằng đồng được dát vàng lớn nhất và Bộ tượng Phật làm bằng tóc độc đáo.

Chùa Một Cột

Chùa Một Cột nằm trong quần thể di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn có tên là “Nhất Trụ tự”. Chùa được thiết kế độc đáo trên một trụ đá trong hồ nước, được coi như một biểu tượng của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và là ngôi chùa độc đáo nhất Việt Nam.

Văn bia trong chùa dựng năm Cảnh Trị 3 (1665), đời vua Lê Huyền Tông có nội dung: Nước Việt xưa có cái hồ hình vuông... Năm đầu tiên hiệu Hàm Thông đời Đường (trong thời gian này Việt Nam bị nhà Đường đô hộ) dựng một cột đá ở giữa hồ. Trên xây một tòa lầu ngọc trong đó đặt tượng Phật Quan Âm để thờ cúng...

Đến khi triều Lý xây dựng kinh đô ở đây, cũng noi theo dấu cũ, ngày càng sùng kính linh thiêng. Khi Lý Thái Tông chưa có hoàng tử thường đến đó cầu nguyện. Một đêm nằm mộng thấy Phật Bà Quan Âm mời lên trên lầu, ôm một đứa bé đặt vào lòng vua. Tháng đó hoàng hậu có mang hoàng tử. Vua bèn sửa thêm một ngôi chùa Diên Hựu (phúc lành dài lâu) ở bên phải chùa Một Cột để mở rộng việc thờ cúng làm sáng rõ sự tôn sùng....

Trải qua năm tháng, chùa Một Cột đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Đời Lý Nhân Tông (1072 - 1128), năm Anh Vũ Chiêu Thắng 5 (1080), vua cho đúc chuông treo ở chùa gọi là “Giác thế chung” (chuông thức tỉnh mọi người) và một tòa phương đình bằng đá xanh cao 8 trượng. Nhưng vì chuông quá nặng nên phải để dưới đất, do vậy đánh không kêu. Chỗ ruộng để chuông thấp, có nhiều rùa đến ở gọi là Quy Điền. Khi quân Minh bị nghĩa quân Lam Sơn bao vây ở Đông Quân, Vương Thông đã cho phá hủy quả chuông nay để đúc vũ khí (1426).

Năm 1954, trước khi rút quân, Pháp cho tay chân đặt thuốc nổ phá chùa Một Cột. Sau ngày tiếp quản thủ đô (10/10/1954) Bộ văn hóa đã có một đợt trùng tu lớn là chùa Một Cột và chùa Diên Hựu như hiện nay.

Mới đây, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) lập đề cương kế hoạch đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo chùa Một Cột theo hướng: bảo tồn Tam Quan, Tam Bảo, Nhà Mẫu, hồ Linh Chiểu; phục dựng nhà Tổ và xây dựng nhà Tăng kết hợp bếp, vệ sinh phục vụ sinh hoạt của nhà chùa; nâng cấp sân vườn, cảnh quan di tích… Dự kiến, tổng mức đầu tư là 31 tỷ đồng. Dự án sẽ được triển khai trong năm 2012 và hoàn thành vào quý I/2013.

Chùa Đồng (Thiên Trúc tự)

Chùa Đồng còn có tên là Thiên Trúc tự - tên đất nước của Phật Tổ Như Lai Thích Ca Mâu Ni, do một bà phi của Chúa Trịnh dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ 17).

Tọa lạc ở độ cao 1.068m trên núi Yên Tử, chùa có diện tích 20 m2, tổng trọng lượng là 60 tấn được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất. Người đời từng ví, Yên Tử là một đài sen khổng lồ và chùa Đồng là bông sen ngự trên đài sen huyền diệu của chốn Thiền lâm.

Theo một số tài liệu, ban đầu chùa chỉ là một cái khám nhỏ, một người chui không lọt. Đến năm Canh Thân 1740, đời vua Lê Cảnh Hưng, bão làm bật mái chùa, sau bị kẻ gian lấy cắp, chỉ để lại dấu tích các hố chôn trên mỏm đá.

20 năm sau, vào mùa Đông 1930, bà Bùi Thị Mỹ (chùa Long Hoa) đã tái dựng chùa bằng bê tông cốt đồng trên một hòn đá vuông cao quá đầu người ở vị trí chùa cũ.  Đến năm 1993, ông Nguyễn Sơn Nam, một Việt kiều ở Mỹ, cùng các phật tử ở hải ngoại đã đúc lại chùa mới kiến trúc hình chữ Đinh theo dáng một bông sen nở, ngự trên sập đồng chân quỳ dạ cá trổ hình hoa sen cách điệu, đặt ngay bên cạnh ngôi chùa Đồng bằng bê tông xây dựng đầu thế kỷ XX.

Nhà nghiên cứu Phật giáo Trần Ngọc Hằng, Giáo hội Phật giáo VN, đánh giá: "Chùa Đồng giá trị không chỉ ở chất liệu đồng. Đồng ở đây còn phải được hiểu là chữ "đồng" trong quan niệm người Việt - đồng lòng, đồng nhất, đồng chí, đồng tâm hiệp lực. Trong thời đại mới, chữ "đồng" với ý nghĩa "đại đoàn kết" vẫn luôn là bài học của cả dân tộc. Với ý nghĩa to lớn như vậy, chắc chắn ngôi chùa Đồng lần này sẽ trường tồn cùng dân tộc".

Hành lang 500 vị La hán dài nhất

Chùa Bái Đính nằm ở phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, thuộc xã Gia Sinh - Gia Viễn - Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 15 km.

Quần thể chùa hiện có diện tích 539 ha, bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới, khu công viên văn hoá và học viện phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh...

Chùa Bái Đính được biết đến với 12 kỷ lục Việt Nam được xác lập như: Chùa có  hành lang La hán dài nhất, với La hán đường có 500 vị La hán được tạc bằng đá xanh nguyên khối, cao 2 m.  Pho tượng Phật Thích ca Mâu ni bằng đồng cao và nặng nhất, 150 tấn. Chuông đồng lớn nhất, 30 tấn. Bộ tượng Tam thế bằng đồng lớn nhất, mỗi pho nặng 50 tấn. Chùa có Giếng Ngọc lớn nhất, đường kính 35m. Là ngôi chùa trồng nhiều cây bồ đề nhất. Ngày Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc tại Việt Nam (17.5.2008) trồng 100 cây bồ đề, chiết từ gốc bồ đề Ấn Độ, hiện hàng ngàn cây bồ đề mọc xung quanh chùa.

Chùa có Đại lễ cung nghinh xá lợi Phật lớn nhất do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức: cung nghinh 10 viên xá lợi Phật từ chùa Giác Quang (TP HCM) đến chùa Quán Sứ (Hà Nội) và chùa Bái Đính.

Chùa có bộ tượng Bát bộ Kim Cương bằng đồng nặng nhất, mỗi tượng nặng 4 tấn, cao 3,95m, đặt tại điện thờ Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni; Tượng ông Thiện và ông Ác bằng đồng cao và nặng nhất: đặt nơi cổng tam quan chùa. Mỗi pho nặng 20 tấn, cao 5,2m; Bộ tượng A Nan - Ca Diếp bằng đồng lớn nhất. Mỗi tượng nặng 30 tấn, cao 9m, đặt tại điện thờ Giáo chủ Thích ca Mâu ni; Tượng Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng đồng dát vàng lớn nhất: đặt trong gian giữa của điện thờ Quan Thế Âm Bồ tát. Điện cao 14,8m, dài 41,8m, rộng 17,4m gồm 7 gian với hệ thống cột bằng gỗ tứ thiết. Pho tượng nặng 80 tấn, cao 9,57m (tính cả bệ), riêng tượng cao 5,4m. Và cuối cùng là tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất, nặng 80 tấn, cao 10m, an vị trên một ngọn đồi ở bên phải điện thờ Tam Thế Phật.

Tượng Phật Thích Ca bằng đồng được dát vàng lớn nhất

Danh hiệu này thuộc về pho tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối dát vàng, cao 10m, nặng 100 tấn ở chùa Bái Đính và đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp bằng xác nhận kỷ lục Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam.

Pho tượng này do các nghệ nhân đúc đồng thôn Thượng Đồng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đúc, được đỡ bởi khung bê tông cốt thép giả gỗ cao đến nóc gần 30 m, dài 44,7 m, rộng 43,3m.

Bộ tượng Phật làm bằng tóc độc đáo

Danh hiệu này thuộc về tượng Sư tổ Bồ Đề Đạt Ma - đệ tử đời thứ 28 của Đức Phật Thích Ca, được đặt ở chùa Tây Tạng (tỉnh Bình Dương).

Tượng Sư tổ Bồ Đề Đạt Ma đã được tôn tạo trong 2 năm 1982, 1983. Tượng gồm 3 phần rời nhau, được gắn lại bằng keo dán. Chỉ trừ phần khung được làm bằng sắt còn chất liệu chủ yếu bằng tóc, mật rỉ đường và vôi vữa mà trong đó tóc là chiếm một phần quan trọng. Tóc được thu nhận từ các Phật tử. Tượng có chiều cao 2,32m, chiều ngang tính từ túi Càn khôn đến kinh Lăng Già là 1,74m.

Du lịch, GO! Theo Datviet
TP Hà Giang cách đều hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc khoảng 150km. Chuyến xe khách đi Đồng Văn chuyển bánh lúc 5 giờ sáng, trên đường gặp khá nhiều con đèo khuất khúc, cao vời vợi. Lái xe tên Tuấn, từng 18 năm làm ở khu nước khoáng Hải Sơn (thị xã Cẩm Phả), bảo người dân miền núi Hà Giang thuần hậu lắm, nhất là ở rẻo cao.

Đêm qua huyện Hoàng Su Phì, hai bên đường, người dân cứ để xe máy bên vệ đường suốt đêm, rồi leo lên chòi cao ngủ mà không lo bị mất cắp bao giờ. Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn dày đặc núi đá, đá được xếp thành những bức tường cao khoảng nửa mét, quây những mảnh ruộng chỉ rộng bằng bốn, năm chiếc chiếu đôi, để ngăn trâu lợn không vào phá vườn. Mới thấy, kiếm được miếng ăn trên vùng núi đá này thật kỳ công. Dốc Na Khê có thật nhiều cua gấp chão, cua tay áo, Tuấn chạy xe chậm rì rì, anh bảo: "-Nếu chạy nhanh thì đến đỉnh dốc, cả xe phải say hết!"…

Đã nhìn thấy Nhà Vương, đó là cung thất của vua mèo Vương Chí Sình ngay xưa, nằm ở nơi thật đẹp, với những vườn sa mộc cao vút.   Cột cờ Lũng Cú cách huyện lỵ Đồng Văn 25km, là điểm cực Bắc của Tổ quốc. Đây là vùng cửa gió làm mọi người khi leo lên đỉnh cột cờ cứ phải chao đảo, lắc lư…

Sau khi thăm thú ở Đồng Văn, phía trước của tôi là vượt đèo Mã Pí Lèng. Thế nhưng lại không có tuyến xe khách, hỏi giá xe ôm: 700.000 đồng, không kém một xu! Vẫn phải đi thôi!

"Bác tài xe ôm" chở tôi tên là Tuyền, người dân tộc Tày. Qua mấy cung đường vượt núi đá thật đẹp, rồi cũng đến đèo Mã Pí Lèng. Tôi đã đi nhiều con đèo, như đèo Pha Đin ở Lai Châu; đèo Bông Lau trên Quốc lộ 4A; đèo Khau Liêu ở Cao Bằng v.v... Nhưng đều đi bằng ô tô nên không có cảm giác "ghê ghê" như qua đèo Mã Pí Lèng lần này.

Vừa tới chân đèo, nói thật, tôi đã "lạnh sống lưng"… Con đường vắt qua đèo hoàn toàn cắt vào núi đá, y như sợi chỉ nhỏ xiết chặt con khủng long khổng lồ bằng đá, làm nó phải vặn mình tạo ra con đường nhỏ này vậy. Từ mặt đường đến đáy vực phải sâu đến khoảng 800m.

Đường vượt đèo khá nhỏ, những hàng lan can phía miệng vực đều móp mép vì bị ô tô, xe máy thường xuyên húc phải. Một trận bão mới đây làm đổ cột điện chống xuống mặt đường và bứng cây cổ thụ từ đỉnh núi cao, càn đổ hàng lan can dài hơn 70 mét.

Mã Pí Lèng là con đèo chạy qua dải núi đá như cái hàm ếch, một số đoạn đường chìa hẳn ra ngoài, dưới là vực sâu thăm thẳm. Cũng may chỉ có độ khoảng 4km con đèo chạy quanh hàm ếch, gọi  là dốc Mã Pí Lèng là như vậy, còn từ đó trở xuống, dốc tuy khúc khuất nhưng không quá nguy hiểm.

Ở Đồng Văn cứ có mưa nhẹ là con đèo này giăng đặc mây mù, cách hơn hai mét đã không nhìn thấy nhau. Còn trời mưa hay trời tối, không ai dám qua lại.

"Bác tài" Tuyền bảo, tai nạn xảy ra trên đèo khá thường xuyên; gần đây nhất, một người đi xe máy rơi xuống vực sâu do trời mù, ngày nào cũng tìm mà phải một tuần sau mới thấy xác.

Dưới đáy vực Mã Pí Lèng là con sông Nho Quế trắc nết, mượn đường sang Hà Giang rồi qua hẻm núi nhỏ, đổ nước vào Trung Quốc. Từ trên đèo nhìn xuống, những bản làng thơ mộng quần tụ bên con sông nhỏ nhắn; những nương ngô chỉ còn thân lá, vàng xác sau mùa thu hoạch; những dải khói lam chiều bám trên ngọn cây, không muốn tan hẳn… Cảnh đẹp như bức tranh thuỷ mặc không mấy nơi sánh được...

Du lịch, GO! - Theo báo Quảng Ninh, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống