Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 5 November 2011

Người bị sắc đẹp "vây" ở miền gái đẹp

Những cô gái Thái đẹp lại thường có tài múa xòe, ca hát. Nhưng để điệu xòe nồng say như men rượu thì còn phải có thêm tiếng tính tẩu dặt dìu…

Người miền núi thường khoáng đạt. Ca hát như vị thần linh làm cho con người tươi tắn như hoa rừng. Vì thế những cuộc xòe đã vào nhịp thì không dứt nổi, hết mình cho cuộc chơi để tiếp sức cho ngày mai lao động vất vả.

Tương truyền, Đèo Văn Ân là ông vua đa tình và yêu các điệu múa, điệu xòe bậc nhất xứ Thái. Đèo Văn Ân có đến 12 bà vợ mà người vợ nào cũng đẹp như cánh ban, xòe giỏi nức tiếng. Trong nhà Đèo Văn Ân nuôi đến hàng trăm gái xòe và những lễ hội xòe được Ân tổ chức từ ngày này đến tháng khác mà không biết chán.

Điệu xòe giờ vẫn nồng say như thuở nào

< Bản đồng bào Thái bên dòng sông Đà.

Trước thời Đèo Văn Ân, xòe không có nhiều làn điệu. Xòe vốn chỉ là điệu múa cộng đồng dân dã được tổ chức vào các lễ hội của người Thái. Nguyên thủy, xòe chỉ là điệu múa của trai bản, gái Mường nắm tay nhau thành vòng tròn rồi nhảy theo nhịp. Nhạc cụ đệm cho xòe là đàn tính tẩu và kết hợp với trống, nhị và chiêng.

< Tắm suối, sông là nét sinh hoạt văn hóa lâu đời của đồng bào Thái ở vùng Tây Bắc.

Thời Đèo Văn Ân, khắp bãi trên bờ từ dòng Nậm So, Mường So đến dòng Nậm Na của đất Lai Châu đều là nơi tổ chức các cuộc xòe bất tận. Trai Mường trên đi thuyền đuôi én sang sông, gái bản dưới xinh đẹp áo cóm về bờ sông tụ họp bắt chuyện làm quen rồi nồng say nhịp xòe. Chân say nhịp xòe, lưỡi nồng men rượu, tiếng hát gọi bạn, tiếng tính tẩu réo rắt dưới ánh lửa rừng bập bùng tạo nên những đêm huyền ảo ở ven trời Tây Bắc. Vòng xòe trao tình mộng mị, vòng xòe cứ rộng mãi, dài mãi tưởng như bất tận, như núi non trùng trùng, điệp điệp...

“Vua” tính tẩu bị sắc đẹp bủa vây

< "Vua" tính tẩu Nông Văn Nhay đệm tính tẩu cho các cô gái xòe bên dòng Nậm So.

Nói đến người Thái ở Tây Bắc là nói về xòe, nói đến “báo sao”- người con gái múa xứ Mường So- thì không thể không nhắc tên lão nghệ nhân tính tẩu Nông Văn Nhay- người khơi lửa cho nhịp xòe. Năm 13 tuổi lão nghệ nhân đã biết tự làm tính tẩu, đến 15 tuổi chơi tính tẩu du dương, khiến các nhịp xòe cô gái Thái cứ uyển chuyển từng cung bậc.

Năm 15 tuổi (1955), ông đã là đội trưởng đội văn nghệ bản Phiêng Đanh và Văng Pheo, huyện Mường So, Lai Châu. Hơn một năm sau ông phụ trách văn nghệ huyện Mường So. Ông được cử đi thi Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn miền Bắc lần thứ nhất (4-1962) tại Hà Nội. Và trong lần tham dự giải đầu tiên của đời mình, chàng trai người Thái đã làm toàn hội diễn bất ngờ. Tiết mục độc tấu tính tẩu của ông đoạt huy chương vàng hội thi, rồi ông đi theo đoàn chiếu phim phục vụ bà con vùng Tây Bắc…

< Lâu nay, ông Nhay là người luôn bị các cô gái "bủa vây".

Ngoài 70 tuổi, giải thưởng về cuộc thi tính tẩu trong nước, trong tỉnh thì khó đếm nổi. Điều duy nhất mà các “báo sao” bủa vây ông Nhay vào những đêm xòe không phải vì hư danh giải thưởng mà vì tài nghệ của người duy nhất còn chơi được 36 điệu tính tẩu cho nhịp xòe nồng say. Những cuộc thi xòe trong bản, các “báo sao” tìm ông Nhay, những cuộc diễn xòe để thi thố cũng do ông Nhay “chỉ huy” tất cả.

Nhà ông Nhay ở huyện lỵ Phong Thổ. Nằm trên sườn núi, cách đường quốc lộ không xa. Ở Phong Thổ có 17 xã thì tất cả đều có đội xòe xã, thậm chí mỗi bản trong xã cũng đó đội xòe riêng.

< Cối gạo dùng sức nước- sự sáng tạo của người Thái.

Các cô gái múa xòe đều muốn tiếng tính tẩu ông đệm. Họ cho rằng, múa đẹp, tính tẩu hòa nhịp du dương thì chẳng khác hoa ban nở lúc giao mùa, cũng giống như các cô gái Thái đẹp mà trầm mình ở mó nước nóng Mường So thì như sương mai gặp ánh nắng. Các cô gái múa xòe có ông “vua” tính tẩu Nông Văn Nhay đệm thì khiến điều xòe có khiếm khuyết mấy cũng làm người xem thấy đẹp, thấy mê.

Giờ ông Nhay đã già, song những dịp chuẩn bị cho hội thi văn nghệ thì ngay cả đoàn văn nghệ ở mãi ngoài tỉnh cũng kén ông, tìm ông làm người hòa nhịp xòe bằng tài nghệ chơi tính tẩu. Các cô gái Thái bủa vây ông “vua” tính tẩu là bủa vây nhịp xòe Thái thân thương.

Chính những điệu xòe nồng say đã làm cho nhiều người biết đến nét đẹp văn hóa ở ven trời Tây Bắc- đia danh đã được một nhà thơ từng thảng thốt: “Trái tim đập không một ai nhìn thấy. Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu”.

Lạc vào miền gái đẹp Mường So (Kỳ 1)
Lạc vào miền gái đẹp Mường So (Kỳ 2)
Lạc vào miền gái đẹp Mường So (Kỳ 3)

Du lịch, GO! - Theo ANTĐ, internet
Thâm nhập nơi “tiên nữ” trút bỏ xiêm y
Tại sao làn da người con gái Thái ở Tây Bắc lại căng mịn và tràn sức sống? Để lý giải chúng tôi đã có cuộc thâm nhập vào tận cùng của nơi này.

Người Thái ăn theo nước, người Mông ăn theo mây, người Dao theo lửa... Đúc kết về tục của đồng bào các dân tộc đến nay vẫn nguyên giá trị. Lâu nay, dòng sông Đà là một phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống của người Thái vùng Tây Bắc.

Điểm khởi nguồn mà chúng tôi tìm đến là dòng khoáng nóng dưới chân đèo Sam Sip. Đây là mạch nguồn khoáng nóng phun từ lòng đất lên nuôi dưỡng biết bao cô gái Thái đẹp như hoa ban rừng độ bung nở ở Mường Chiến, Mường La. Nơi tiên cảnh của vùng Mường La có dòng suối Chiến vắt qua mây để đưa nguồn nước hợp lưu với dòng sông Đà kỳ bí.

Khi chúng tôi đến Mường Chiến để tìm về điều kỳ diệu nào đã làm nên cái đẹp của các cô gái Thái ở đây thì được thầy giáo Nguyễn Văn Thi, Hiệu trưởng trường THCS Ngọc Chiến cho biết: “Trước tiên tôi thấy khí hậu ở đây tuyệt vời. Ít khi nóng quá 30 độ C.

Tôi đi vùng cao Sìn Hồ dạy học đã nhiều năm, tôi thấy những cô gái Thái ở ven sông Đà đều có nước da trắng hồng. Ở Mường Chiến cũng vậy, các cô gái Thái có nét đẹp hoang sơ lắm…”

Suối Chiến là nguồn nhỏ hòa vào sông Đà ở đoạn Mường La. Nơi ấy, có dòng nước nóng ngàn đời tuôn chảy để nuôi dưỡng những nét đẹp chứa chất hương rừng gió núi của cô gái Thái. Tôi đã ghi nhận thực tế từ Mường So, Phong Thổ đến Mường Chiến, Mường La và dòng “tiên nữ” sông Đà vào các buổi trưa và chiều hè oi nóng. Những cô gái Thái luôn chọn dòng nước tự nhiên để phục hồi sức lao động sau khi từ nương trở về. Họ e ấp nhưng không e ngại, ngay cả khi sự có mặt của những người miền xuôi. Bởi những dòng suối đó là “vùng trời” của phong tục bà con đồng bào Thái.

Những dòng sông nhỏ của ven trời Tây Bắc đều bắt vào dòng sông “tiên nữ” - sông Đà. “Em soi tóc trên cầu Nậm Cản. Tóc em bay xõa sóng sông Đà...”. Nậm Cản còn đó một bản nằm bên bờ sông Đà thuộc huyện Mường Lay, Lai Châu. Từ xa xưa đến nay, cùng với Mường So, Phong Thổ thì Nậm Cản được mệnh danh là nơi “tiên nữ chỏa mình”.

Người miền xuôi khi được nhìn thấy những cô gái vùng vẫy dưới nước sông Đà thấy đẹp và lạ lẫm. Họ để mình trần xuống nước nhưng lại không phàm tục. Người Thái bao giờ cũng có chiếc váy tắm riêng để tắm suối. Khi làn nước ngập đến đâu thì váy nâng lên đến đấy. Họ cứ thế cho đến khi nước ngập chỉ còn lại búi tóc trên mặt nước. Và mỗi khi tắm xong, người con gái lên đến đâu thì váy từ từ buông xuống cho đến khi lên bờ, chì còn để lại cho người thấy những mơ mộng trong tâm tưởng…

Tiên cảnh ấy trên Sông Đà đã có từ bao đời nay, và đến khi người xuôi biết tục đẹp này của đồng bào Thái đã gọi đó là dòng tiên sa.

Giờ thì tiên cảnh nơi dòng sông Đà đã hiếm dần. Và có thể những người con gái Thái sẽ đẹp trong câu kể vào tương lai không xa. Có những bản đã phải chuyển đi nơi ở mới để cho dòng điện ngày mai. Có những bản vén lên cao trên núi để cho nước dâng vào thủy điện. Những sinh hoạt đã đổi thay, những phong tục phải theo cuộc sống mới. Dòng “tiên nữ” đã vặn mình đổi thế, nước về xuôi cho những nguồn sáng của tương lại. Người Thái hy sinh và họ chấp nhận hy sinh vì việc chung lớn của đất nước. Song cũng không khỏi chạnh lòng về dòng nước gắn với đồng bào cả ngàn năm giờ trở thành đoản khúc.

Bà Đỗ Thị Tấc làm ở Hội VHNT tỉnh Lai Châu, chuyên tâm nghiên cứu về văn hóa và cái đẹp của đồng bào Thái cũng tiếc than với dòng sông Đà bằng những lời gửi gắm: “Tôi đã đi mòn chân cửa núi. Tôi đã đi bạc tóc của người. Nhưng cửa nước tôi không ngăn nổi. Tuổi ơi dưới đáy cũng sao trời…”. Vì sự phát triển ngày mai, con sông “tiên nữ” đã vặn mình đổi dòng, tích nước nhấn chìm biết bao nét đẹp văn hóa…

Lễ gội đầu, té nước

Mỗi khúc sông, khúc suối đều mang trong mình một truyền thuyết về sự kỳ diệu của thiên nhiên. Đi từ điều thường nhật trong cuộc sống, tắm sông là nét đẹp văn hóa, nó chỉ có giá trị ở nơi gắn bó với con người bao đời qua. Đối với đồng bào Thái ở ven sông Đà, tắm suối, gội đầu là nét sinh hoạt vùng, và nét sinh hoạt đó chỉ giữ nguyên giá trị ở nơi họ sinh ra. Đồng bào Thái ven sông Đà hy sinh cho dòng điện đồng nghĩa với hy sinh nét đẹp văn hóa của đồng bào mình. Tục mà ngàn đời qua họ vẫn cho rằng đó là nét văn hóa linh thiêng không thể thiếu.

Quỳnh Nhai, Sơn La là vùng đất để hội tụ những ngày lễ tắm và gội đầu lớn nhất vùng của người Thái. Đây là vùng có dòng sông Đà trữ tình nhất, và dễ dàng cho các cô gái Thái buông suối tóc chảy theo dòng sông để hóa tất thành “tiên nữ” vui chơi. Giờ cả thị trấn Quỳnh Nhai đã trở thành đáy của lòng hồ thủy điện Sơn La. Những quá khứ đẹp về cuộc sống, về nét đẹp mà chỉ có đồng bào Thái ở ven sông Đà còn thuần khiết đã không còn nữa. Năm ngoái, cuộc thi té nước gội đầu ở Mường So, Phong Thổ như một lễ lớn để chỏa tất cả những hy sinh của đồng bào Thái xuống dòng sông Đà. Đó là cách hy sinh, nhưng đó cũng là cách để tạ lỗi với vị “thần tiên nữ” vì sự đoản khúc giữa thiên nhiên sông Đà với những nét sinh hoạt bao đời bị mất đi.

Còn tiếp kỳ cuối
Lạc vào miền gái đẹp Mường So (Kỳ 1)
Lạc vào miền gái đẹp Mường So (Kỳ 2)
Lạc vào miền gái đẹp Mường So (Kỳ 3)

Du lịch, GO! - Theo ANTĐ, internet
Cái đẹp của người con gái Thái miền Tây Bắc làm cho người nhìn thấy say như men rượu nồng…
“Nơi hoa bản nở thành người con gái Thái”- nhà thơ Trần Mạnh Hảo, đến với Lai Châu vào những năm 80 của thế kỷ trước bị nét đẹp e ấp, dịu dàng của người con gái Thái làm cho ông không thể cầm lòng được với những “bông hoa rừng hoang sơ” toát ra thiếu nữ Thái ở vùng này.

Cái đẹp như sức mạnh của bùa ngải

Giờ vẫn còn đó, người đàn bà có tên Đỗ Thị Tấc thế hệ sau cũng vậy, bà phải thốt lên rằng sau những năm nghiên cứu và sống ở Tây Bắc, bà nhận thấy con gái Thái ở Mường So đẹp mà ngay cả đấng nữ giới như bà cũng phải thấy…thèm được nhìn các thiếu nữ trong trang phục váy áo cóm- trang phục truyền thống của đồng bào Thái.

< Dòng Pá So Na hợp lưu với Mường So.

Bà Tấc làm ở Hội VHNT tỉnh Lai Châu. Bà không phải người gốc Thái nhưng đã ở Lai Châu từ nhiều thế hệ và dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu về văn hóa của vùng Tây Bắc, đặc biệt là con gái Thái. Tiếp xúc thực tế, trải nghiệm về góc nhìn của người chuyên nghiên cứu lâu năm, bà Tấc nhận thấy cái đẹp của những cô gái Thái ở Mường So, Phong Thổ nó đằm thắm mà nết na, hoang sơ như những cánh ban rừng mà thuở nào đó một nhà thơ đã từng phải lòng say đắm.

< Nhịp xòe của của những cô gái Mường So.

Có hay không bùa ngải cho những người phải lòng cái đẹp? Câu khẳng định là chẳng có bùa ngải nào mà thu phục được con người khi không có rung động về cái đẹp. Điều này ông Nông Văn Nhay một nghệ nhân tính tẩu ở Mường So đã khẳng định rất rõ ràng. “Tôi là người Thái chính gốc. Và tôi đã 50 năm đệm tính tẩu cho điệu xòe vào những đêm thôn bản có liên hoan cho đến những cuộc thi xòe lớn nhưng chưa bao giờ tôi thừa nhận có bùa ngải cả. Ai đó thấy các cô gái Thái đẹp mà lòng mê muội thường hay đổ lỗi, bùa ngải thực ra là anh đã không còn tỉnh táo ở lòng anh mà thôi…”- ông Nông Văn Nhay khẳng định.

< Ngày hội Nàng Han đồng bào xúng xính áo váy cóm đến vui hội.

Tại sao con gái Thái nơi đây được mệnh danh là miền gái đẹp? Tích truyền rằng Nàng Han là nữ kiệt Thái trắng đẹp như bông hoa rừng gặp ánh sương mai. Nàng đẹp và tài giỏi nhất vùng Tây Bắc. Nàng Han xuất thân trong một gia đình người Thái nghèo ở Chiềng Sa (nay là xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Nàng đã cải trang thành nam giới, đứng lên kêu gọi thanh niên trai tráng các bản đoàn kết đánh giặc.

< Người đẹp xứ Mường So chơi còn bên dòng Nậm Na, đó là nét sinh hoạt văn hóa thường nhật của miền gái đẹp.

Nàng đứng đầu cuộc khởi nghĩa của đồng bào 16 xứ Thái quật cường đánh bại giặc xâm lược phương Bắc. Sau khi dẫn đoàn quân thắng trận trở về, nàng tắm gội ở mó nước Tây An (xã Mường So) rồi bay lên trời. Từ đó, khi bà con lập đền thờ và tổ chức Lễ hội ngay ở mó nước nàng tắm thì dường như nước trong lên, khơi mãi mà không cạn. Nàng Han trong tâm linh 16 xứ Thái, xứ Mường ở Tây Bắc giống như Bà Trưng, Bà Triệu đối với người Kinh.

< Nghệ nhân tính tẩu Nông Văn Nhay.

Nàng Han về giời để lại bộ váy cóm trắng tinh khôi hóa thành dòng nước nóng mà ngày nay gọi là suối Mường So. Chuyện của ngày xa xưa, nhưng các cô gái Thái ngày nay ở Mường So vẫn thường ra đó tắm rồi quẩy nước về nhà dùng. Con gái Mường So ai được Nàng Han để lại cho nước da thì đẹp tựa ban trắng trên rừng, môi đỏ như quả bồ quân mọc trên núi. Điều lạ kỳ, suối Mường So có nguồn mạch nước nóng ở bến Nàng Han nơi được cho rằng bà đã để lại tất cả rồi về trời. Những mó nước nóng ở Tây Bắc thường là nơi cô gái có làn da tuyệt mịn và trắng căng sức sống.

Lễ hội của người đẹp

Không biết thế giới có những cuộc thi hoa hậu từ khi nào, và cuộc thi hoa hậu Việt Nam chính thức tổ chức lần đầu tiền ở đâu, nhưng những cô gái Thái ở Mường So đã thi sắc đẹp từ rất lâu. Khi tìm hiểu về “miền gái đẹp” ở Mường So, ông Nông Văn Nhay, nghệ nhân tính tẩu đã đưa ra câu trả lời để khẳng định đúng là vùng đất của các sơn nữ đẹp mê hồn. “Người đẹp đi xuống suối, cá lội về xem chân. Người đẹp đi lên rừng, chim tìm về xem mặt…” ông Nhay giải thích. Chính dòng suối Mường So đã cho nhiều cô gái Thái đẹp. Xưa kia vua Thái  Đèo Văn Ân đã có đội xòe mà chỉ dùng người Mường So xướng nhịp. Khi ấy, những đêm phuốc thiện ngả nghiêng cùng với nhịp xòe nồng say dưới bước chân nhịp nhàng mà không bối rối của các cô gái xòe làm cho những đêm trắng cứ ngắn lại…

< Chị Lò Thị Còi từng là "báo sao"- người con gái múa xứ Mường So.

Chị Lò Thị Còi, một người con của miền gái đẹp Mường So có điệu xòe khiến quan khách không muốn dứt khi xem chị hòa nhịp xòe “Người đẹp Mường Then”. Chị nói rằng, ở miền núi tiết trời không khắc nghiệt như miền xuôi, vả lại quanh năm tắm nước khoáng nóng ở suối Mường So nên hầu như da dẻ con gái đều hồng hào. Áp lực cuộc sống vốn dĩ cũng làm cho thần sắc con người kém đi, nhưng ở miền núi cái áp lực không phải vì tiền bạc mà vì tinh thần văn hóa còn chưa dư thừa, chính vì vậy những lễ hội ở bản tất thảy đều vui hơn bao giờ hết.

Người miền núi vốn khoáng đạt, sống nhẹ nhõm như gió rừng thổi thì thầm vào những cánh hoa ban. Chị Lò Thị Còi giờ vẫn thế, vẫn “say” xòe nhưng chỉ khi bản có hội mới mang tài nghệ ra để “bung nở như hoa ban” dưới nắng non tháng 3. Đó là khi bản có lễ hội. Còn ngày thường, chị mở thêm hiệu may váy áo cóm để phục vụ bà con dân bản. Đó là trang phục truyền thống của đồng bào Thái ở Tây Bắc. Váy áo cóm của người Thái nó tựa chiếc áo dài truyền thống của đồng bào Kinh. “So sánh ở mức độ nào đó thì váy áo cóm tôn cái đẹp ở miền rừng hoang dại thêm đẹp, còn áo dài ở xuôi thì tôn thêm vẻ dịu dàng của người con gái…”- chị Lò Thị Còi bộc bạch.

Lễ hội Nàng Han được khôi phục lại từ năm 1948 đến nay. Và cứ đến tháng 3 Âm lịch là đồng bào Thái ở khắp nơi trên vùng Tây Bắc lại lạc vào Mường So xúng xinh trong bộ váy áo cóm chơi hội và thi sắc đẹp…

Còn tiếp

Lạc vào miền gái đẹp Mường So (Kỳ 1)
Lạc vào miền gái đẹp Mường So (Kỳ 2)
Lạc vào miền gái đẹp Mường So (Kỳ 3)

Du lịch, GO! - Theo ANTĐ, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống