Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 6 November 2011

Đình Trà cổ nằm ở phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, cách trung tâm Móng Cái chừng 10 km về phía Đông Bắc, cách thành phố Hạ Long, Quảng Ninh 190 km.

< Đình Trà Cổ.

Đây cũng là nơi có biển Trà Cổ quanh năm sóng vỗ với bãi cát trắng phẳng mịn chạy dài gần 20 km là nơi tắm biển lý tưởng cho khách du lịch.

Theo nhiều tư liệu ghi chép đình Trà Cổ được xây dựng vào năm Quang Thuận thứ 2 của đời Hậu Lê 1461, trên vùng đất phía Nam phường Trà Cổ, Móng Cái tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây xưa kia người dân sống bằng nghề chài lưới, cuộc sống của họ gắn liền với sóng với gió.

Mặc dù được xây dựng tại vùng biên giới giáp với Trung Quốc nhưng đình Trà Cổ hoàn toàn mang phong cách kiến trúc Việt Nam, mang đậm chất văn hóa của người Việt, không hề lai căng pha tạp đồng hóa với kiến trúc Trung Hoa, điều này càng khẳng định rằng cha ông ta ngày xưa đã rất coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc.

Đình Trà Cổ như một cột mốc khẳng định chủ quyền văn hóa của Việt Nam. Trải qua gần sáu trăm năm thăng trầm của đất nước, không ít cơn binh lửa can qua nhưng đình vẫn giữ nguyên dáng vẻ và phong cách như xưa.

Mặt bằng đình theo kiểu chữ Đinh, tiền đường gồm 5 gian, 2 chái, hậu cung có 3 gian. Mái đình hơi võng, lợp ngói mũi giống như những ngôi đình của các làng quê đồng bằng sông Hồng.

Đình có cả thảy 48 cột gỗ lim đặt trên tảng kê bằng đá xanh. Cột cái cao 4,65 mét, chu vi cột 1,63 mét. Đình còn có 2 cột bằng đá nguyên khối cao hơn 2 mét. Trong đình có nhiều bức cửa võng trạm trổ tinh xảo được sơn son thếp vàng. Những hình ảnh cách điệu về Tứ Linh, về thần tiên, về con người v.v...

Trong hậu cung có bức chạm bông sen vàng, ở giữa giải hoa văn ô vuông. Trước hậu cung có bức y môn bằng lụa điều thêu hình rồng phượng, đôi chim hạc cao 1,5 mét. Đinh có hai bức hoành phi lớn sơn son thếp vàng: Ghi dòng chữ: Địa cửu Thiên trường ( Đất Trời muôn đời) và Nam Sơn tịnh thọ (Nước Nam bền vững).

Đầu Đao của đình uốn cong vươn lên như những đầu đao của những ngôi đình ở đồng bằng Bắc bộ. Đẩu Bẩy được làm bằng những thân lim lớn, trạm trổ hình đầu rồng tinh xảo, rất đặc biệt là các bức chạm trổ không hề giống nhau.

Sàn đình làm bằng gỗ, cao 0,4 mét, bưng kín bằng những bức chạm trổ. Nhiều kết cấu mái đều được cách điệu và chạm trổ tinh xảo. Liên kết hệ khung dầm và vách ngăn đều bằng gỗ lim có kích thước lớn. Trong đình hiện còn lưu giữ được những hiện vật cổ rất có giá trị.

Đình thờ 6 vị Thành Hoàng làng đã có công lập nên xã Trà Cổ xưa. Truyền rằng Trà Cổ tổ Đồ Sơn - Những người dân Đồ Sơn xưa đã đến nơi này - Họ là những ngư dân, là những người lính ra trấn giữ mảnh đất này của Tổ quốc và ở lại sinh cơ lập nghiệp lập nên làng chài Trà Cổ.

Hàng ngàn năm qua đi, người dân Trà Cổ vẫn còn giữ nguyên nền nếp của người dân vùng biển Đồ Sơn. Có nhiều người dân Trà Cổ đã xa rời quê hương đi định cư ở nước ngoài nhưng vẫn luôn nhớ về cội nguồn đất Việt. Họ vẫn luôn nhớ về mái đình Việt nơi địa đầu Tổ quốc.

Lễ hội đình Trà Cổ bắt đầu vào ngày mùng 1 tháng 6 với nhiều tiết mục phong phú: Lễ rước ông Voi; Hội thi nấu ăn; Hội múa cây bông.. v..v..
Bắt đầu vào lễ hội là lễ rước Vua ra bể (còn gọi là rước vua ra miếu), với nghi thức một đội quân cầm vũ khí, cờ thần, phường bát âm, bát bửu, tiếp đến là người cầm cờ vía phải là người cường tráng trẻ đẹp và có đạo đức được làng bầu chọn từ cuối hội năm trước cùng những người khiêng kiệu.
Sau lễ rước là cuộc thi các sản phẩm chăn nuôi trồng trọt mà biểu thị chủ yếu là thi các chú lợn mà người ta gọi là các Ông Voi. Các Ông Voi được các cai đám và dân làng chăm sóc chu đáo từ nhiều tháng trước khi vào hội.

Nét độc đáo của lễ hội Trà Cổ là có hội thi làm cỗ, thi nấu ăn, ai nấu ăn giỏi đều được cả làng biết đến. Đến ngày kết thúc lễ hội có múa bông. Trong ngày múa bông, người ta cầu mong trời đất thần linh phù trợ cho đánh bắt được nhiều cá tôm, buôn bán phát đạt, chăn nuôi, trồng cây tươi tốt, cuộc sống ấm no.

Ðình Trà Cổ là một công trình kiến trúc độc đáo thể hiện qua nghệ thuật trạm khắc công phu, tinh xảo mang đậm nét văn hoá truyền thống dân tộc và đã được Bộ Vãn hoá Thông tin cấp bằng công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.

Du lịch, GO! - Theo Báo Lào Cai, TourMongcai, Blog Dongocnam
Quảng Yên không chỉ tự hào với nem chạo ngon có tiếng mà có cả nem chua nữa, nhưng có lẽ so với nem chua Thanh Hoá, hay nem ở làng Uớc Lễ, Hà Tây, nem chạo vẫn đặc sắc hơn.

Nguyên liệu làm nem đều là những thứ bình dân: bì lợn được bào nhỏ trắng như cước, thính làm bằng đỗ hay gạo rang và lạc rang giã dập, tất cả được trộn đều với nhau thật tơi. Chỉ đơn giản thế nhưng qua bí quyết chế biến, trộn đều và pha nước chấm, hàng quà quê mùa trở nên lạ miệng, hấp dẫn.

Mỗi khi qua thị trấn Quảng Yên, đi công tác hay thăm bạn bè, nhất định thế nào tôi cũng dừng xe nơi ngã tư làm một chầu nem chạo và mua một ít về cho người thân. Quảng Yên không chỉ có nem chạo ngon mà có cả nem chua nữa, nhưng nem chạo vẫn đặc sắc hơn.

Nguyên liệu làm nem là bì lợn được bào nhỏ, trắng như cước, thính làm bằng đỗ hay gạo rang và lạc rang giã dập, tất cả được trộn đều với nhau thật tơi. Chỉ đơn giản thế, nhưng qua bí quyết chế biến, trộn đều và pha nước chấm, hàng quà quê mùa trở nên lạ miệng, hấp dẫn.
Những chiếc bánh đa nem mỏng, trắng, được cắt làm tư, mềm vì có độ ẩm vừa phải được xếp gọn gàng trong thúng. Rau gém ăn cùng là lá sung, rau muống chẻ, ngổ, tía tô, diếp cá, kinh giới....

Khách hàng có thể thưởng thức món nem ngay tại hè phố hoặc đưa về nhà. Nem được bày trên đĩa, thực khách nhẹ nhàng cuốn cuộn nem cùng với rau sống và chấm thật đậm vào bát nước chấm vàng sánh, đầy đủ vị mặn, ngọt, chua, cay. Thế là đã có một món ăn ngon miệng.

Thị trấn Quảng Yên nhỏ, giản dị và cổ kính. Những hàng nem chua, nem chạo là niềm tự hào của người dân nơi đây khi giới thiệu với bạn bè về ẩm thực quê mình. Có những người chuyên nghề làm nem, bán nem. Hàng quà nơi phố nhỏ đã trở thành kế sinh nhai của nhiều gia đình; là niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống đời thường.
Những hàng quà dân dã tạo thêm một điều gì đó đặc trưng cho phố xá Quảng Yên, cũng như gợi một nét mộc mạc, giản dị của một đô thị đã có hơn trăm tuổi.

Nem chua, nem chạo được bày bán ở những hàng giữa phố, khu vực chợ Rừng và nhiều nhất là ở ngã tư trước cửa bảo tàng Bạch Đằng. Các hàng quà này đều của các bà, các cô đứng tuổi và đôi khi nhận được sự hỗ trợ của người thân mang giúp những dụng cụ lặt vặt như cái bàn, xô nước.
Khách hàng không cầu kỳ, cứ tự nhiên ngồi ngay hè phố mà thưởng thức món nem ngon lành. Những đôi trai thanh, nữ tú, ăn mặc lịch sự cũng rủ nhau ghé vào, mấy bác xe ôm, vài chị nội trợ, công chức, không phân biệt già trẻ, sang hèn đều chăm chú thưởng thức đĩa nem của mình.

Có người bảo nem ở một nhà hàng giữa phố ngon hơn, nhưng ăn uống nhiều khi vị ngon một phần do cái không gian thoáng đãng, thoải mái tạo ra. Ngồi trên hè phố vừa nhâm nha những cuộn nem bùi bùi, vừa nghe những âm thanh nhộn nhịp của phố phường cũng có cái thú riêng. Hơn nữa, những món ăn dân dã, thưởng thức một cách bình dân thì vẫn thích hơn ở một nhà hàng sang trọng, tiện nghi.

Những hàng nem trên phố vẫn giữ cách phục vụ bình dân, ăn bao nhiêu, các bà các cô làm bấy nhiêu, không phàn nàn ít nhiều và có một cái cân nhỏ để bán cho chính xác. Hàng ngày, các bà các cô với đôi quang gánh mang lỉnh kỉnh những dụng cụ như bàn, vài cái ghế, thau chậu, thúng, mâm và chiều muộn lại từng thứ ấy dọn về, chỉ có điều đôi quang gánh đã nhẹ đi khá nhiều.

Bia là thứ đồ uống hợp với nem nhất, vào những buổi chiều, nếu muốn chiêu đãi bạn bè hoặc người thân chỉ cần cỡ độ hai chục nghìn tiền nem và một ít đồ uống là đã có một bữa nhậu ngon lành. Nếu không khách sáo, thưởng thức món nem ngay trên phố cũng hay, chỉ có điều đồ uống thì hạn chế.

Những hàng nem chua, nem chạo là niềm tự hào của người dân Quảng Yên khi giới thiệu với bạn bè về ẩm thực quê mình. Nem chạo vừa ngon, vừa rẻ, ai đi qua Quảng Yên, nhớ đừng quên hàng quà ngon miệng này nhé...

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ  web Quảng Ninh, DulichHalong.
Nghỉ trưa một giấc, bọn này bị đánh thức bởi tiếng trẻ con đang vui đùa dưới kia. Nhìn xuống, hóa ra bên hông nhà có một con hẻm be bé: bọn trẻ chơi trò rượt bắt chạy ra vào, tiếng cười tiếng trong vắt như pha lê trông thật vui.

< Ngã rẽ vào Bến Lội, cách nhà nghỉ chỉ hơn trăm mét.

Chiều nay đi đâu nè? Kế hoạch bọn mình là "vận động" mấy cái giò: cứ ngồi xe mãi, mấy cái chân sẽ lười đi đấy - Vậy là lại đi - Địa điểm chiều nay bọn mình ghé xem là cửa biển Bến Lội, nơi đang xây dựng công trình Khu neo đậu tránh trú bão Bến Lội – Bình Châu. Cạnh đó là một bãi biển mà dân địa phương thường tắm sáng.
Bạn biết vì sao lại gọi là "Bến Lội" không?

< Đường ra Bến Lội.

Biển Bình Châu ngộ lắm: một phần lớn diện tích phía giáp biển có nhiều ao hồ và nhánh sông chen kẽ với những bãi cát rộng lớn. Đây là khu vực chịu nhiều sóng to gió lớn trong mùa mưa bão, nhất là khi gió bấc thổi về.

Nhưng trái với nhiều nơi thường bị biển "ăn" mất đất thì biển Bình Châu lại có tốc độ cát bồi rất nhanh.
< Góc trong cùng có quán cà phê vườn, chút nữa sẽ ghé làm một ly.

Bình Châu là xã đông dân nhất của huyện Xuyên Mộc. Nơi đây, từ lâu đời đã tập trung đông dân cư sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản từ biển. Toàn xã có hơn 2.000 hộ ngư dân với hơn 650 chiếc tàu thuyền với tổng công suất hơn 18.000CV.
< Nơi ghe "bò" lên bờ để sửa chữa, duy tu.

Có thời điểm, số tàu đánh cá vãng lai của ngư dân ngoài địa bàn vào neo đậu, tránh trú bão lên đến hàng ngàn chiếc, tập trung tại khu vực cửa Bến Lội. Đây chính là khu vực cửa sông, nơi mà năm nào địa phương cũng phải bỏ tiền tỷ ra nạo vét để thông luồng cho tàu thuyền tránh sóng từ sông ra khơi.
< Bảng công trình dự án “Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Bến Lội – Bình Châu” - được khởi công từ tháng 10.2009.

Lắm khi vừa được nạo vét xong nhưng chỉ 1 đến 2 con nước thủy triều thì cát đã bồi lấp trở lại như cũ: mực nước ở cửa sông chỉ còn sâm sấp ngang ngực đến mức người dân có thể "lội bộ" qua. Đây là nguồn cơn của từ "Bến Lội".
< Ghe đậu dưới bến, chỉ mộ phần thôi vì còn phải vét rộng ra.

Điều oái ăm hơn là không chỉ bị cát bồi lắp mà cửa sông thường dịch chuyển theo mùa trong phạm vi vài cây số. Tức là lúc này cửa sông có thể nằm đây thì đầu năm ảnh "bò" đến tít dưới kia hàng cây số.
Chuyện hàng trăm tàu thuyền kẹt chết dí trong sông, không thể ra khơi là chuyện năm nào cũng có.
< Ngư dân thu dọn ngư cụ trên các ghe nhỏ.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định thực hiện dự án “Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Bến Lội – Bình Châu”, công trình do Ban quản lý dự án huyện Xuyên Mộc làm chủ đầu tư, do Tổng công ty xây dựng đường thủy Việt Nam thi công, với tổng kinh phí trên 102 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương.
< Chia sò ốc vào bao.
< Mình thẳng tiến ra phía mé ngoài biển, có một cần cẩu đang cạp cát.

Quy mô của dự án gồm các hạng mục như xây dựng đê chắn sóng tả ngạn và hữu ngạn, với tổng chiều dài trên 700m, đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghề cá như công trình bến, kè công trình kho bãi, hạ tầng kỹ thuật, đường nội bộ và khu văn phòng…
< Một khoảnh nước cạn khác chờ vét.

Dự án này có ý nghĩa rất lớn trong trong việc đảm bảo an toàn cho hàng ngàn tàu thuyền vào mùa mưa bão. Nhất là tạo một tuyến luồng mới nằm giữa hai đê chắn sóng, nên không bị dịch chuyển, tàu thuyền ra vào thuận lợi.
< Một vũng khác có con tàu neo đậu.

Theo dự kiến thì dự án sẽ hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2011 nhưng khi mình đến: hai đê chắn sóng đã hoàn thành nhưng phần trong thì còn ngổn ngang do việc giải ngân vốn quá chậm, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc đẩy nhanh tiến độ thi công trình (theo web brt.vn).
< Đây là cửa luồng chính với hai bên là đê chắn sóng, đầu đê có đèn xanh và đỏ mà bữa trước bọn mình thấy trong sáng sớm.
< Đứng trên thân đê phải, mình nhìn phía bên trái.

Đây là công trình mơi ước của ngư dân địa phương, mình cũng mong công trình sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi để bà con phát triển tàu thuyền công suất lớn, thay đổi ngành nghề bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.
< ... và phía phải: cát được đổ bằng cho một công trình phụ gì đó.
Ủa, biển mà bà con tắm sáng ở đâu rồi cà?
< Hóa ra là ở đây, đi tới một tý thôi sẽ thấy.
Bãi biển rộng, lài và sạch.
< Con đê phải dài mút mùa thu như bạn thấy, nhưng vẫn ngắn hơn đê trái mé bên kia vì bên này thẳng, bên kia cong như cánh cung.

Hai con đê như vòng tay ôm trọn vịnh nhân tạo rộng lớn để chắn sóng - giữ cho tàu thuyền trong này yên ổn trong mùa mưa bão. Đê cũng chống việc các bồi lấp mất luồng ra biển.
< Giữa hai đê là luồng lạch để tàu thuyền ra vào.

Giấc tối, bọn mình còn ra đây tăng 2. Tối thui vì công trình chưa xong nên chỉ hiu hắt ánh đèn dưới ghe, đèn xe của mình và cây đèn pin sạt mà bà xã cầm theo...
< Cột đèn đỏ dầu đê.
Gió ngoài ngày phần phật, mình mà không xiết chặt nón lại trước thì chắc chắn bay mất tiêu rồi.

... Trên cảng có một nhòm người xúm xít trong ánh đèn soi trên mũ của một người. Đánh bài à? Không phải đâu, họ chia tiền lương cho các bạn chài chuyến lưới trong ngày.
< Những cục bê tông chắn sóng. Nhìn xa thì lõi ngỏi, bé tẻo teo nhưng lại gần: cục nào cục nấy cao quá đầu người, to chà bá.

Nhìn anh này anh kia cầm tiền trên tay, thành quả của một ngày, bọn mình cũng thấy vui lây.
Có ai la lớn: Ớ ơ, ai có đèn sáng quá xin nhờ soi cho một chút nghen!
Vậy là bọn mình soi cho mọi người cùng đếm, cùng vui. "Coi chứng nghen: gió lớn quá, tiền mà rớt là bay mất luôn"...
< Bọn mình trở vào ghé quán sân vườn "đổ nước". Đi xe tốn xăng, đi lô ca chân thì tốn cà phê và nước ngọt, huề!
Ba bé con cứ nhìn và chỉ trỏ. Mình hỏi, hóa ra chú bé xin cái nắp chai! Nghĩ mà thương con ngư dân mình quá...
< Trở ra đầu đường. Bà xã "dụ" đi tiếp ra chợ bằng xế... lô ca chân: chơi luôn!
Ai ngờ xa quá, he he...
< Xa thì xa nhưng rồi cũng tới, làm tô bún cá "đặc sản địa phương" giá 10k, bèo nhưng ngon.
< Hình như bọn mình "vía" tốt, vào xong, gọi xong thì quán động nghẹt, bà chủ bán không xuể!
Cách mươi thước có hàng chè cũng ngon, 3k/chén.

Lưng lửng bụng rồi về, đây cũng chả phải buổi ăn chiều mà chỉ là "măm" chơi.
Lếch bộ về nhà ngồi tán phét một hồi lâu với chủ nhà nghỉ.

Chập tối lại vác xe đi loanh quanh. Trước khi về nhà trọ nghĩ còn ghé chợ ăn đêm cùng những món linh tinh: đây đúng là cái buổi ăn vặt tá lả - mai bọn mình về rồi mà.

Còn tiếp

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần cuối

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống