Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 6 November 2011

Khi những công việc đồng áng đã tạm xong xuôi, khi ngọn gió nồm nam lồng lộng thổi qua triền đê, mon men vào các xóm làng, người ta lại thấy đám thanh niên lục tục kéo nhau đi thả diều. 

Không quá đơn giản như diều Nam Bộ vốn chỉ là một thú vui giải trí của trẻ em, không cầu kỳ, bắt mắt và đa dạng như diều Huế - mang đậm dấu ấn cung đình, diều sáo của Bắc Bộ là sự kết hợp rất tinh tế giữa hình dạng đơn sơ của cánh diều và tiếng sáo vi vút trên không trung.

Men theo con đường triền đê sông Hồng, chúng tôi tìm về với làng Bá Dương Nội (Đan Phượng, Hà Nội) nơi được cho là khởi nguồn của cánh diều sáo, nơi những truyền thuyết bắt đầu …

< Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm với loại diều sáo có thể gấp lại được.

Tương truyền tại đền Đức Thánh Cả của làng, cánh diều sáo truyền thống đã có hơn ngàn năm tuổi. Chuyện rằng xưa kia, khi trời - đất giao hoà, con người và thần tiên luôn quấn quýt bên nhau không muốn rời xa. Bỗng một ngày thảm hoạ ập đến, thế gian tăm tối, trời và đất bị chia cắt. Bầu trời thì cứ cao dần lên, tách xa khỏi mặt đất. Thần tiên và con người không làm cách nào gặp được nhau gây nên bao nỗi niềm thương nhớ. Vậy là cánh diều đã ra đời, nối sợi dây tình cảm giữa bầu trời và mặt đất, mang theo tiếng sáo du dương bày tỏ tấm lòng của người dưới hạ giới với người cõi trên.

< Bộ sáo diều ốc, chuông, chiêng, còi.

Cánh diều là biểu tượng cho những ước mong, khát vọng của cư dân Việt, luôn muốn được bay cao hơn, xa hơn.  Cánh diều bay trên không trung mang chở tình yêu đối với quê hương, xóm làng của người nông dân, cất lên niềm hy vọng luôn mưa tạnh, gió hoà trong công việc đồng áng. Thời khắc để thả diều phải là những ngày trời quang, mây tạnh, cánh diều được đưa bởi ngọn gió nồm nam mới lên cao, tiếng sáo mới vang xa.

Diều sáo đúng như tên gọi của mình, gồm 2 phần chính: diều và sáo, được làm nên bởi những nguyên liệu thân thuộc, sẵn có ở hầu hết các làng quê. Theo nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm (hiện đang là Chủ Nhiệm Câu Lạc Bộ Diều Việt Nam): “Ngày xưa, các cụ làm diều sáo hầu hết đều bằng tre. Từ thân diều đến sáo diều, lồng cuộn dây và chính dây diều cũng làm bằng tre”.

< Cánh diều sáo truyền thống.

Để có một con diều tốt, một bộ sáo hay cũng mất nhiều công phu và sự tận tâm. Ống sáo diều được chọn lựa kĩ càng từ những cây tre già, loại tre đanh, chắc, gặp nắng mưa không bị nứt nẻ, khi làm sáo mới có tiếng vang, có bề sâu và có hồn. Ống sáo được chia làm hai phần bởi vách ngăn ở giữa bằng gỗ. Hai phần càng đều nhau thì tiếng kêu của sáo mới càng cộng hưởng, càng vang xa. Mặt sáo được đẽo gọt bằng các loại gỗ nhẹ, mềm như gỗ vàng tâm, gỗ mít, gỗ dổi bởi nó có độ bền cao.

< Thân sáo và mặt sáo.

Mặt sáo quyết định âm thanh to nhỏ, đổ hồi mau thưa của sáo. Miệng sáo phải được khoét thật cân, lệch một chút là đã có thể làm méo tiếng sáo. Phần khung diều được làm từ hai nan tre, uốn thành hình cánh cung để đón gió. Mới nghe qua cũng đủ để thấy được sự cẩn trọng và chi tiết trong việc làm diều.

Nhưng công phu nhất, theo các cụ truyền lại thì phải kể tới việc làm dây diều. Cũng theo nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm, cứ mỗi khi cuối xuân đầu hạ, người ta lại tìm những cây tre bánh tẻ óng mượt, đẵn, rồi chẻ nhỏ thành những sợi nan, tuỳ theo kích cỡ của diều mà sợi được vót to hay nhỏ. Những sợi nan ấy được đem luộc từ 7 đến 8 tiếng cùng với một chút muối, sợi trở nên mềm, dẻo và đặc biệt là rất bền.

Cái tinh tuý của sáo diều Bắc bộ không chỉ nằm ở việc làm diều, mà nó còn được thể hiện qua cách chơi diều. Căn cứ vào độ ẩm không khí, thời tiết và sức gió, người ta mới quyết định có nên thả diều hay không. Khi đủ điều kiện thuận lợi, cánh diều đón gió bay vút lên không trung, mang theo tiếng sáo vi vu, vang xa khắp xóm làng. Người làng mỗi khi nghe được tiếng sáo cũng bỗng chốc cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng và thư thái.

< Sáo diều.

Tiếng sáo diều truyền thống không chỉ đơn thuần là một âm thanh, nó được kết hợp bởi nhiều ống sáo khác nhau, bao gồm ốc, chuông, chiêng, còi. Mỗi vùng có sự kết hợp khác nhau, do đó tiếng sáo diều cũng mang đặc trưng của mỗi làng quê. Ngay chính trong làng, mỗi người cũng có tiếng sáo riêng, không lẫn của nhau. Người tinh chỉ cần nghe được tiếng sáo, cũng biết được đó là diều của ai.

Làm được một bộ sáo hay hoàn toàn không phải việc đơn giản và vội vàng. Có những người cả đời chơi diều, làm diều nhưng cũng không có nổi cho mình bộ sáo tốt. Có lẽ bởi vậy nên người ta rất quý và trân trọng những bộ sáo lên bổng xuống trầm, cất được hồn của người làm diều sáo. Chẳng may khi diều đứt, có thế nào cũng phải tìm mang bằng được bộ sáo về nhà.

Sáo diều ngày nay không còn xuất hiện nhiều tại các làng quê như trước kia, chỉ còn lại tại làng Bá Dương Nội hay một số làng tại Đông Anh (Hà Nội), Hải Dương, Hải Phòng, … Trẻ em cũng ít khi được nhìn thấy diều sáo, lắng nghe và cảm nhận những âm thanh trầm bổng của nó. Thay vào đó, chúng dần làm quen với các loại diều xanh đỏ, sặc sỡ và bắt mắt của Trung Quốc, Nhật Bản hay một số các nước Đông Nam Á khác.

Tuy nhiên, khi đến và chứng kiến tình yêu đối với sáo diều của những người con làng Bá Dương Nội, nhìn thấy những tín hiệu đáng mừng đến từ Festival Diều quốc tế lần thứ nhất tổ chức tại Bà Rịa Vũng Tàu, Liên Hoan Diều "Những cánh bay Thăng Long", cùng những nỗ lực bảo tồn đến từ các nghệ nhân chơi diều, những người yêu tiếng sáo từ khắp các vùng miền, lòng chúng tôi lại ánh lên một niềm tin và hy vọng về sự trường tồn của cánh diều sáo độc đáo mà thân quen này.

< Diều khí động học có gắn đèn để thả ban đêm là một sáng tạo độc đáo của VN.

Trước đây, diều sáo chỉ vút lên vào các ngày hạ thì nay thả quanh năm, có gắn đèn lấp lánh theo chương trình để ban đêm, dù bạn có ở bờ biển Normandie, Pháp hay Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ đều có thể thưởng ngoạn, vừa ngắm vừa nghe diều sáo VN hát trong đêm. Cánh diều không chỉ theo lối cổ mà nay đã được cải tiến với hình ảnh cô tiên dang hai cánh bay trên bầu trời hoặc in hình trong các câu chuyện dân gian hay lịch sử của ta.

Diều sáo VN đã được thừa nhận trên bản đồ diều thế giới. Đó là khẳng định của tiến sĩ Hanh Boehme, phó chủ tịch Liên đoàn Diều quốc tế (nhiệm kỳ 2008-2012), với đoàn câu lạc bộ diều Hà Nội tại Festival diều nghệ thuật quốc tế Tân Đài Bắc (Đài Loan) hồi đầu tháng 10.

Du lịch, GO! - Theo VOV, Tuoitre
Những tảng đá núi nhấp nhô, ngổn ngang giữa ngàn lớp sóng vỗ; cỏ cây ướt đẫm sau những trận mưa bất chợt; mặt nước biển xanh màu ngọc bích bên dải cát mịn… Tất cả tạo nên một Ghềnh Ráng nguyên sơ, một bức tranh sơn thủy hữu tình kỳ vĩ và thơ mộng.

< Đá Vọng Phu.

Ghềnh Ráng là một quần thể sơn thạch của dãy núi Xuân Vân chạy đến sát chân biển phía nam thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Điểm xuất phát lý tưởng để khám phá danh thắng này là những bãi tắm kéo dài từ đường An Dương Vương đến đường Hàn Mặc Tử - nơi có cổng chào tham quan Ghềnh Ráng.

< Câu cá ngày biển động tại bãi tắm Tiên Sa.

Dọc bờ biển, khách có thể khám phá cuộc sống của người dân làm nghề chài lưới, giăng câu, hay vào những buổi trưa, chiều nằm tắm nắng trên dải cát mịn, lắng nghe sóng vỗ rì rào.

< Khung cảnh hữu tình dọc bờ biển đường An Dương Vương kéo dài đến khu du lịch Ghềnh Ráng.

Từ cổng tham quan Ghềnh Ráng, con đường nhựa sẽ đưa du khách lên đồi Thi Nhân, viếng thăm nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ấy là một ngôi mộ được xây trên một gò cao, lưng dựa vào núi, mặt quay ra biển, với cỏ cây bao quanh gợi lên trang đời và sự nghiệp dang dở của người thi sĩ tài danh, bạc mệnh.

< Gian hàng trưng bày thơ Hàn Mặc Tử bằng bút lửa của nghệ nhân Dzũ Kha.

Những ai yêu thơ Hàn Mặc Tử đều biết vào những năm tháng cuối đời, thi sĩ họ Hàn đã sống cùng căn bệnh hiểm nghèo trong trại phong Quy Hòa. Và thiên nhiên Ghềnh Ráng đã tiếp thêm nguồn cảm hứng cho ông viết lên những áng thơ bất hủ trước lúc đi xa.


< Sóng biển nô đùa trên bãi Đá Trứng.

Ngày nay, để tưởng nhớ những đóng góp của ông, bên đồi Thi Nhân còn có khu trưng bày cuộc đời và thi ca của nhà thơ, có dịch vụ bút lửa Zũ Kha ghi lại những áng thơ nổi tiếng trên những thớ gỗ mộc như món quà tri ân với những người yêu thơ Hàn Mặc Tử.

Men theo con đường đất uốn lượn theo triền núi, du khách sẽ chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc mà tạo hóa đã ban tặng cho Ghềnh Ráng.


< Khám phá cuộc sống của người dân bản địa.

Đó là bãi tắm Hoàng Hậu với những khối sơn thạch nhiều hình dạng, kích thước khác nhau. Là bãi Ðá Trứng rộng chừng hơn 100m2 bày la liệt những hòn đá xanh hình tròn, mặt nhẵn như quả trứng đùa giỡn cùng sóng biển. Là đá Vọng Phu được sóng và gió biển tạc khắc như hình dáng người vợ ngóng chồng. Hay đá có hình sư tử dũng mãnh vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” hàng trăm năm nay trước sóng gió biển Đông…


< Mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử nằm bình yên giữa đất trời, cỏ cây.

Từ bãi tắm Hoàng Hậu, đi tiếp 1.000m nữa, du khách sẽ đặt chân đến bãi Tiên Sa. Đây cũng là điểm cuối của hành trình khám phá Ghềnh Ráng với câu chuyện đậm màu sắc huyền thoại.

Chuyện rằng, ngày xưa ở Bồng Sơn có người con gái xinh đẹp, nết na. Cô và một chàng trai trong làng đã thầm yêu nhau. Nhưng rồi tiếng đồn về nhan sắc của nàng đã lọt đến tai một viên quan hám sắc và độc ác. Hắn cho người theo dõi và tìm mọi cách chiếm đoạt nàng. Để giữ trọn lòng chung thủy với người yêu, nàng khóc lạy cha mẹ, từ biệt chàng trai rồi bỏ làng trốn vào Quy Nhơn.

Biết tin, viên quan huyện lập tức sai tùy tùng đuổi theo. Tới Ghềnh Ráng thì trời nổi dông bão, cô gái biến mất trong đêm mưa gió tầm tã. Bọn chúng lùng sục khắp nơi nhưng không tìm ra dấu vết gì nên cho rằng cô gái đã liều thân nhảy xuống biển cả, đành tức tối trở về chịu tội với quan trên.

< Khối đá núi có hình thù kỳ dị tại bãi tắm Hoàng Hậu.

Chàng trai mất người yêu cũng chạy vào tìm kiếm. Anh leo hết tảng đá này đến tảng đá khác cất tiếng gọi người yêu. Tiếng anh tha thiết vang động khắp núi rừng và biển cả, nhưng trong đêm tối, anh chỉ thấy hình bóng người yêu thấp thoáng ẩn hiện, khi tha thướt trên rừng, khi nhấp nhô theo sóng biển như tiếc thương, vẫy gọi.

Từ đó, mỗi khi chớp sáng trên Ghềnh Ráng, người trong vùng lại ngước tìm hình bóng cô gái thấp thoáng hiện lên. Vì vậy chốn này được gọi là Ghềnh Ráng - Tiên Sa…

< TP Quy Nhơn nhìn từ đường lên đỉnh Xuân Vân.

Với du khách ưa thích mạo hiểm, một chuyến trekking hoặc leo lên đỉnh Xuân Vân hiểm trở nhìn bốn bề cảnh vật: phía nam với những dãy núi trùng điệp chạy dọc ven biển đến tận Quy Hòa, phía bắc là dải cát vàng chạy dọc biển và nhà cửa thành phố Quy Nhơn, phía đông và tây là biển cả và bán đảo Phương Mai, đầm Thị Nại... có lẽ sẽ không gì thú vị bằng.

Du lịch, GO! - Theo Dulich Tuoitre
Nằm bên tỉnh lộ 835, cách trung tâm huyện Cần Giuộc (Long An) chừng 3km, chùa Tôn Thạnh  nhìn bề ngoài cũng giống như phần lớn những ngôi chùa khác ở nước ta.

Tuy nhiên, ít ai biết được rằng ngay chính tại nơi đây, nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã từng sống và viết tác phẩm nổi tiếng “Văn Tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc” hào hùng và hoàn thành những chương đoạn cuối cùng của truyện thơ “Lục Vân Tiên” nổi tiếng.

Đến chùa Tôn Thạnh khi trời đã xế trưa, nắng chênh chếch từ phía tòa đại điện xuyên qua những hàng cây cao đổ bóng li ti xuống mặt đất, tôi cùng hòa thượng Thích Tôn Nhạn, 61 tuổi đi dạo quanh khuôn viên chùa. Hòa thượng tâm sự rằng, đây chính là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Long An, được xây dựng từ năm 1808 (tức năm Gia Long thứ 7) do đại sư Viên Ngộ chủ trì.



Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí thì đây là ngôi chùa “rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng”, nổi tiếng nhất của đất Gia Định khi xưa. Trải qua thời gian và chiến tranh, chùa không còn nguyên vẹn những nét đẹp ấy. Dừng lại trước tấm bia tưởng niệm nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, hòa thượng Thích Tôn Nhạn bồi hồi kể: ‘Năm 1859 đến 1861 cụ Đồ Chiểu có đến lưu trú tại chùa. Bên ngoài cụ mang tiếng là mở lớp dạy học, bốc thuốc chữa bệnh nhưng thực chất cụ vẫn âm thầm làm thơ yêu nước, lãnh đạo nghĩa quân trong vùng, cổ xúy khích lệ bà con chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược.

Trong trận tập kích đồn Tây Dương tại chợ Trường Bình vào đêm rằm tháng 11 năm Tân Du, một trong ba cánh quân của ta xuất phát từ chùa Tôn Thạnh đã đốt nhà dạy đạo, chém rơi đầu quan Lang Sa khiến cụ Đồ Chiểu cảm kích nghĩa khí anh hùng ấy mà viết lên áng văn bất hủ - Văn Tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc - với những câu thơ xúc động nói về chùa Tôn Thạnh này như sau: Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son để lại ánh trăng rằm/ Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước”.

Trong thời gian 3 năm sống dưới mái chùa này, nhà đại chí sĩ yêu nước còn dốc hết tâm huyết hoàn thành phần cuối của truyện thơ Lục Vân Tiên nổi tiếng.
Sau khi được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia từ năm 1997, chùa Tôn Thạnh đã được chỉnh trang, tôn tạo với một quần thể kiến trúc bao gồm tiền điện, chánh điện, nhà giảng đạo, đông lang, tây lang… có lợp ngói âm dương bề thế.

Tuy đã qua trùng tu nhưng các bức hoành phi, câu đối và những pho tượng phật quý hiếm có từ những năm đầu thế kỷ 19 vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn. Đó là minh chứng cho sự tồn tại vĩnh hằng của thời gian dưới mái chùa Tôn Thạnh và là tài sản văn hóa vô giá để lại cho con cháu hôm nay.

Những năm gần đây, chùa Tôn Thạnh là một trong những điểm thu hút khách du lịch hấp dẫn của tỉnh Long An. Hầu hết du khách đều từ các tỉnh lân cận như Bến Tre, Tiền Giang và TP Hồ Chí Minh. Với địa hình thuận lợi là nằm ngay tại tỉnh lộ 835 và cũng thuận đường quốc lộ 50 nên nhiều tour du lịch của các hãng lữ hành cũng đưa chùa Tôn Thạnh là điểm đến của nhiều du khách.

Tạm biệt ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Long An, nơi mà trước kia từng che chở cho nhà thơ tài hoa giúp ông viết lên những sáng tác bất hủ khiến lòng tôi mãi bồi hồi, xao xuyến không thôi. Theo thời gian, tôi tin rằng, ngôi chùa Tôn Thạnh sẽ  ngày càng được nhiều du khách tìm đến bởi nơi đây từng ghi đậm dấu ấn của đại chí sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu - cụ Đồ Chiểu - một danh nhân văn hóa của nước nhà.

Du lịch, GO! - Theo DulichVN, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống