Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 3 December 2011

Tạo hóa đã ban tặng cho Quảng Bình nhiều thắng cảnh như Động Phong Nha, suối Bang, Chùa Non - Thần Đinh, Bàu Trò… và thật thiếu sót nếu không khám phá vẻ đẹp huyền thoại của dòng Nhật Lệ chan hòa giữa thế giới non nước hữu tình.

Huyền thoại về dòng Nhật Lệ

Trong dân gian lưu truyền nhiều giai thoại về con sông này. Chuyện kể rằng: Vào đời vua Trần Anh Tông để giữ tình hòa hiếu của hai nước, tránh nạn binh đao và mở mang bờ cõi, nhà vua đã gả Huyền Trân Công chúa cho Chế Mân. Và nàng Huyền Trân trên con đường tiễn biệt xa xứ cuối cùng để từ giã nước Đại Việt về làm dâu xứ Chiêm Thành đã dừng lại ở đây, giọt nước mắt của nàng hòa vào dòng sông mà có tên là Nhật Lệ. Để nay Nhật Lệ đẹp như nỗi buồn trên khóe mắt của người kiều nữ, dòng sông như muốn chảy vào lòng người.

< Con sông Nhật Lệ trong xanh chảy ra cửa biển phía xa. Nơi đó cũng chính là bãi tắm Nhật Lệ mà chiều chiều người dân đến bơi và thưởng thức đồ biển.

Giữa muôn trùng sóng nước, sông lặng lẽ kể lại khúc tráng ca của những năm tháng Trịnh-Nguyễn phân tranh, vang danh người anh hùng Đào Duy Từ với chiến lũy Trường Dục nằm trên dòng Kiến Giang và Nhật Lệ án ngự ven triền sông từ dưới chân núi Thần Đinh đến cửa Nhật Lệ. Dòng sông lưu dấu hai chuyến mang quân ra Bắc của Quang Trung-Nguyễn Huệ phò Lê diệt Trịnh và cuộc hành quân thần tốc đánh bại 29 vạn quân Thanh.

Trong mỗi tiếng sóng dập dờn, lại ngân lên câu hò của Mẹ Suốt làm thổn thức lòng người. Rồi giữa tiếng hò khoan kéo lưới âm thầm hát vang khúc hát ngợi ca về uy danh vang vọng khắp năm châu người con xứ lúa Quảng Bình - Đại tướng Võ Nguyên Giáp là niềm tự hào của người dân miền "gió Lào cát trắng".

Vỗ về những con đò nhỏ, dòng Lệ Giang nghiêng mình lao xao trên những dải núi xanh bất tận, những cánh đồng mêng mông bát ngát và những cồn cát vi vu phi lao, phong cảnh hữu tình của đồng quê xen lẫn dãy Trường Sơn trải dài vô tận.


< Cầu Nhật Lệ.

Sớm tinh mơ, thuyền tấp nập cá về trên cửa biển, mang theo vị mặn nồng nàn da diết hôn vào mạn thuyền. Buổi trưa chang chang trời đổ nắng, ngọn Nồm Nam miên man mang những cánh hoa vàng lững lờ nhẹ rơi trên mặt gương lấp lánh. Mặt nước bồng bềnh làm đẹp thêm đôi gò má bên cồn Long Đại, uốn mình bồi đắp cho bãi bồi Đồng Tư – Cổ Hiền, chợt gieo nặng thêm hương phù sa ở cồn Trần Xá.

Nhật Lệ hôm nay

Nhật Lệ vẫn giữ được nét xưa vốn có, vẫn một màu xanh thắm của thời gian, vẫn một tình yêu thắm thiết với quê hương. Và hôm nay, Nhật Lệ khoác cho mình màu áo tươi mới của cuộc sống. Nhật Lệ vẫn hiền hoà lưu giữ nét truyền thống của các làng nghề thủ công. Một trong những nghề còn được lưu truyền ven bờ Lệ Giang là nấu rượu với hai làng nghề nổi tiếng Võ Xá và Tuy Lộc. Cho dù có đi nơi đâu, trong lòng mỗi người con Quảng Bình vẫn mang tình hiếu khách, vẫn ấm áp ngọt ngào vị bùi trong lát khoai deo hay vị mặn nồng trong hương nước mắm Hải Ninh.

Nhật Lệ hiền hòa mà hiện đại, Nhật Lệ của thơ, nhạc và âm thầm giữ chặt lòng người viễn du. Bên bờ Nhật Lệ du khách có thể thưởng thức hương vị ngọt ngào, độc đáo của mực tươi, cháo Hàu ở những hàng quán nhỏ nằm liên tiếp nhau không một giải phân cách. Dọc sông Nhật Lệ, đoạn qua thị trấn Quán Hàu đến dọc bờ Nhật Lệ và ngay trong các nhà hàng khách sạn có rất nhiều món ẩm thực hàu được đôi bàn tay điêu luyện của các đầu bếp chế biến. Nhưng có lẽ món cháo Hàu vẫn là món ăn đặc trưng, ngon và nổi tiếng nhờ hương vị đậm đà mà chỉ có ở đây mới có được.


< Bình minh trên dòng sông Nhật Lệ.

Vào mùa lễ hội, nhất là ngày Tết Nguyên Đán và Tết Độc lập 2-9, người dân bên sông Nhật Lệ tổ chức các trò chơi dân gian, bắn pháo hoa, kết đèn hoa đăng… trong đó tiêu biểu Hội bơi trải thu hút nhiều người tham gia và đón chào những người con xa xứ trở về hoan hỷ trong làn điệu "hò khoan Năm mái".

Nhật Lệ đang dần chuyển mình với những dự án đầu tư để khai thác kết hợp với khu du lịch sinh thái Sun Spa Resort khu du lịch Mỹ Cảnh-Bảo Ninh, biển Quang Phú và cầu Nhật Lệ, thủ đô của dòng Lệ Giang "đã nối nhịp cầu vui" đôi bờ Đồng Hới – Bảo Ninh để những cành hoa hồng tỏa hương mỗi khi đêm về dưới sắc nước long lanh của ánh đèn lung linh, huyền ảo trên mặt sóng. Dòng Nhật Lệ âm thầm nuôi dưỡng lòng người và hồn người để tạo nên khí phách hùng thiêng của mảnh đất giàu truyền thống Văn - Võ - Cổ - Kim (Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại) trong "Bát danh xứ Quảng".

Nằm sát bên thành phố, dòng Nhật Lệ vẫn xanh một màu huyền thoại, vẫn chát mặn bao đời, vẫn đắm đuối soi bóng quê hương trên từng chặng đường phát triển. Không biết từ lúc nào, và ai đó đã đặt tên cho dòng sông với tên gọi thơ mộng và đắm đuối đến thế.

Lệ Giang bốn mùa vẫn chảy theo dòng huyền thoại, dẫu năm tháng trôi qua trong cuộc hành trình cuộc đời của mỗi con người… Dòng sông huyền thoại vơi đầy biết bao nỗi nhớ niềm thương, trăn trở. Nhật Lệ ngưng đọng thành những bản tình ca ngọt ngào, đắm say về một dòng sông đã đi vào thi ca - đi vào huyền thoại.

- Sông Nhật Lệ nằm ở phía Nam Quảng Bình chảy qua hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ rồi đổ ra biển ở TP. Đồng Hới.
- Được tạo bởi hai chi lưu Long Đại (Đại Giang) và Kiến Giang.
- Có chiều dài 96 km hợp lưu ở ngã ba Trung Quán.

Du lịch, GO! - Theo LangViet, ảnh internet
Hồng du nhập vào Việt Nam và được trồng ở xứ ôn đới, thời tiết mát quanh năm như vùng Lâm Đồng, Lạng Sơn... Hồng là loại trái cây có nhiều ở Đà Lạt. Nhưng du khách lựa chọn đầu tiên để thưởng thức là hồng giòn.

Hồng giòn tức hồng còn xanh. Hồng chín hẳn chuyển sang đỏ, thịt mềm. Để hồng không bị chát, nông dân Đà Lạt bẻ trái hồng đã già nhưng còn xanh rồi “ủ” trong bao kín khoảng 10-15 ngày. Gần đây, một số người dùng đến vôi và nhiều cách khác để làm giòn trái hồng nhưng không làm mất hết được vị chát.

Nhiều người dân bản địa cho biết, người Đà Lạt trước đây chỉ ăn hồng chín. Hồng giòn chỉ mới được biết đến trong thời gian gần đây, chủ yếu là bán cho khách mua về làm quà. Ở Đà Lạt, hồng trĩu quả trên cây. Vào mùa thu hoạch, hồng có màu vàng hơi xanh và đỏ.

Thu hoạch hồng giòn là phải hái trái khi còn xanh và xử lý đơn giản như nói trên. Hồng giòn được gọt vỏ xong rồi chẻ thành miếng vừa miệng ăn cho vào miệng nhai giòn rôm rốp.

Trái hồng còn có giá trị đông y, chữa được nhiều bệnh. Phấn hồng, cuống hồng, vỏ hồng và thịt trái hồng, cả lá hồng... đều là những vị thuốc. Hồng ép lấy nước hòa với sữa cho ra vị thuốc đặc trị tăng huyết áp hiệu nghiệm. Lá hồng phơi khô và nghiền nhỏ trị các loại bệnh xuất huyết nội, được nhiều thầy đông y sử dụng. Ngoài ra, hồng còn trị được nhiều loại bệnh, như: chữa nấc, lở môi và lưỡi, dị ứng da, viêm ruột, kiết...

Hồng giòn được bày bán nhiều ở chợ trung tâm Đà Lạt và các tuyến đường có du khách đi qua. Mùa này, nông dân mang hồng giòn bán đến tận đèo Prenn. Giá khoảng 5.000-8.000 đồng/kg tùy cỡ trái. Nếu “săn” được hồng mới hái, khách gói kỹ trong bọc ni lông rồi mang về để nguyên như vậy thêm khoảng 10 ngày thì ăn sẽ ngon, giòn rụm, ngọt thanh.

Ở miền Bắc có loại hồng ngâm được nhiều người yêu thích vì ăn vừa giòn, vừa ngọt. Nếu mua phải hồng ngâm chưa kỹ, ăn chát thì bạn nên áp dụng 1 trong 5 cách sau đây.

1- Cho hồng vào chậu nước nóng 40-45 độ C và đậy lại. Đến khi nguội thì thay 1-2 lần nước nữa, để qua một đêm, hồng sẽ không chát.
2- Hòa nước vôi với nồng độ 3%, bỏ hồng vào và đậy lại. Ngâm 3-5 ngày ăn sẽ ngon.
3- Có thể mang hồng xanh vùi vào thùng cám gạo, để qua 4-5 ngày ăn là vừa.
4- Phun rượu trắng hoặc vẩy cồn lên hồng rồi xếp vào thùng kín, để 3-5 ngày ăn sẽ hết chát.
5- Ủ chung hồng với các loại hoa quả xanh khác cũng khử được vị chát.

Du lịch, GO! - Theo báo Cần Thơ, Cachngam, ảnh internet
Từ ngã ba Quán Cơm nằm cạnh khách sạn Mỹ Trà (Quảng Ngãi) xuôi về hướng đông chưa đầy 15km là một chuỗi di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh đủ để hình thành một tuyến du lịch ở bờ bắc Sông Trà Khúc. 

< Thiên Ấn niêm hà.

Mặc dù ngành du lịch Quảng Ngãi chưa có hình thức đầu tư, khai thác phù hợp nhưng mỗi năm có hàng triệu du khách tìm về tham quan, thưởng ngoạn hoặc nghiên cứu tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa ở nơi này.

Đứng ở ngã ba Quán Cơm, điểm mở đầu cho tuyến du lịch bờ bắc sông Trà Khúc, nhìn chếch về hướng đông nam hoặc tây nam là quang cảnh đẹp tuyệt vời của dòng sông từng đi vào thơ ca và giai thoại.

Dòng sông này cùng với núi Thiên Ấn đã là biểu tượng của Quảng Ngãi nên người Quảng Ngãi tự nhận mình là con em của quê hương núi Ấn, sông Trà.


Sông Trà Khúc phát nguyên từ Kontum và những dãy núi cao phía tây lững lờ trôi qua những làng mạc, cánh đồng. Nhà thơ Cao Bá Quát từng đặt chân đến con sông này và cảm tác bài thơ Trăng sông Trà nổi tiếng. Thế kỷ trước, khi người Quảng Ngãi chưa ngăn dòng sông Trà Khúc làm đập thủy lợi Thạch Nham để lấy nước tưới lúa, ven bờ sông có những bờ xe nước quay đêm ngày.

< Lăng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, nguyên quyền chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hình ảnh những bờ xe nước đã tạo thành một dấu ấn đẹp với những ai đã từng một lần dừng chân ở vùng đất miền Trung đầy nắng gió nhưng cũng không kém phần lãng mạn này.

Sau khi ngắm sông Trà, du khách theo quốc lộ 24B xuôi về hướng đông chừng 1km là đến Thiên Ấn - “đệ nhất thắng cảnh" của Quảng Ngãi. Núi hình thang cân vuông vức lại nằm bên bờ sông nên mới gọi là Thiên Ấn niêm hà (tức ấn trời đóng trên sông). Đỉnh núi tương đối bằng phẳng, có chùa, giếng nước sâu và những ngôi tháp cổ rêu phong.


< Một góc cổ thành Châu Sa.

Du khách vãng cảnh chùa, thắp hương niệm Phật. Sau đó theo con đường lát đá ở phía tây nam đến thắp hương tưởng niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, nguyên quyền chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cụ Huỳnh quê ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Với tư cách là phái viên của Chính phủ, cụ vào chỉ đạo mặt trận Khu 5 rồi qua đời ở huyện Nghĩa Hành. Chính quyền cách mạng đã chọn núi Thiên Ấn làm nơi yên nghỉ cho cụ.

Lên núi Thiên Ấn vào ban mai hay lúc bảng lảng trời chiều, ngắm nhìn phong cảnh, thắp nén hương thơm nơi bàn thờ Phật, nơi lăng mộ cụ Huỳnh nghe tiếng chuông chùa ngân, người ta sẽ nghe lòng mình dịu lại.


< Đền thờ anh hùng Trương Định.

Rời núi Thiên Ấn cũng theo trục quốc lộ 24, xuôi về hướng đông chừng 3km, qua những bãi bồi ven sông xanh mượt bắp, rau màu là gặp chợ Châu Sa. Theo ngã ba gần chợ đi theo phía bắc chừng 100m là cổ thành Châu Sa, một di tích lịch sử của người Chăm Pa từ thế kỷ 9. Thành đắp bằng đất sét, xung quanh có hào sâu. Những cuộc khai quật gần đây của ngành khảo cổ đã phát hiện nhiều di tích, vật dụng của người Chăm.

Rời cổ thành Châu Sa, bạn sẽ đi qua những cánh đồng lúa xanh, đắm mình trong những rừng dương rì rào trong gió.


< Dưới chân tượng đài Sơn Mỹ.

Đi chừng 4km sẽ đến đền Trương Định - người được nhân dân lục tỉnh Nam kỳ suy tôn là "Bình Tây đại nguyên soái" trong những năm nửa cuối thế kỷ 19. Đền quay về hướng bắc, lưng dựa vào núi. Trong đền có nhà trưng bày hiện vật, tư liệu tuy chưa nhiều nhưng thường ngày khách thập phương vẫn đến để thắp hương viếng người anh hùng xả thân vì nước.


Cũng từ đó xuôi về hướng đông chừng vài trăm mét là đến khu chứng tích Sơn Mỹ, nơi quân đội Mỹ gây nên vụ thảm sát vào ngày 16-3-1968 đối với 504 thường dân, nơi hằng ngày có nhiều đoàn khách trong và ngoài nước viếng thăm.


Ở khu chứng tích, ngoài những bức ảnh của Haeberle, trung sĩ nhiếp ảnh của quân đội Mỹ, những năm qua bảo tàng đã phục dựng một số di tích sau vụ thảm sát, sưu tầm thêm tư liệu về vụ thảm sát từ phía quân đội Sài Gòn, báo chí trong nước và nước ngoài đưa tin về vụ thảm sát.

Nhiều du khách đến tham quan bảo tàng, ngắm những bức ảnh, tư liệu, hiện vật, thắp hương dưới chân tượng đài Sơn Mỹ đã không cầm được mước mắt và chỉ muốn góp tay làm một điều gì đó trong cuộc hồi sinh của đất này.

< Du khách nước ngoài tham quan khu chứng tích Sơn Mỹ.

Qua khỏi khu chứng tích, nếu tiếp tục xuôi về hướng đông, đi khoảng 3km là đến biển Mỹ Khê. Tại bãi biển còn chưa bị "bêtông hóa" này bạn sẽ tha hồ ngắm trời mây, nghe tiếng nhạc của rừng dương, vùi mình trong cát trắng rồi ngâm mình trong làn nước biển trong xanh. Bơi chán lại lên bờ thưởng thức món bánh xèo tôm, cua huỳnh đế, ghẹ, cá mới đánh được từ ngoài biển cũng là một cái thú mà nhiều khách du lịch "bụi" vẫn thường tìm tới.

Những điểm di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh này từ lâu trở thành một chuỗi liên hoàn rất thuận lợi cho việc đầu tư phát triển du lịch. Thế nhưng do chưa có một hướng dẫn cụ thể và quảng bá nên nhiều du khách đến Quảng Ngãi còn chưa biết tới. Với những di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh bên bờ bắc sông Trà, có thể hi vọng về một tuyến du lịch hấp dẫn cho vùng đất miền Trung này.            

Du lịch, GO! - Theo Dulich Tuoitre

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống