Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 4 December 2011

Không ồn ào náo nhiệt, cũng không có cảnh chèo kéo du khách, ai đã một lần được thả hồn bồng bềnh với con thuyền ba lá trên hồ Quan Sơn (xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) sẽ thấy quả là không uổng một chuyến đi.

Cô Đỗ Thị Cam - một người chèo thuyền đặt 4 chiếc phao cứu sinh vào khoang rồi nhỏ nhẹ mời chúng tôi lên thuyền. Đợi cho khách đã yên vị, cô bắt đầu nhẹ nhàng khoả đôi mái chèo xuống làn nước phẳng như gương. Thuyền chở chúng tôi cứ lững lờ, chầm chậm tiến vào bên trong màn sương mỏng tang, đang phủ kín mặt hồ.

Là nông dân chính hiệu đang nằm trong biên chế tổ chức của khu du lịch này nên cô Cam thuộc từng sự tích, cảnh vật mà cả đời mình gắn bó, cô bắt đầu giới thiệu cho chúng tôi: “Xưa, thấy sơn thuỷ nơi đây hữu tình mà các quan lớn trong vùng thường tụ tập về mỗi khi có kỳ cuộc hội họp. Vì thế mà hồ đã được dân gian gọi là hồ Quan Sơn và cái tên đó được in dấu cho đến tận bây giờ”.

Trong ánh sáng ban mai, núi Trâu Trắng hiện ra tỏ dần theo nhịp khoan nhặt của đôi mái chèo. Ngồi trên thuyền ngước nhìn lên đúng vào giờ khắc mặt trời mọc, du khách có thể thấy rõ hình một con trâu trắng khổng lồ đang vươn cổ, hếch mũi, vênh cặp sừng khoẻ khoắn, như đang cố sức kéo vừng mặt trời sáng loá lên cao.

Con thuyền của chúng tôi lúc này có cảm giác bé như một chiếc lá tre, đang tự do trôi vào một thảm hoa trang trắng xoá. Không còn nhìn thấy nước dưới mạn thuyền nữa, bởi cả mặt hồ được bao phủ bằng những chiếc lá trang tròn vành vạnh to như những cái ô có màu xanh vàng.

Cô bạn miền sơn cước đến từ vùng cao nguyên đá Hà Giang lần đầu được nhìn thấy bức tranh ban mai giữa sơn cùng thuỷ tận này không khỏi phấn khích và thốt lên:

“Hình như bọn mình đang được đưa vào một cõi khác hay sao ấy? Không tiếng còi xe, không chen lấn ồn ào, thanh bình nhẹ nhõm đến lạ thường”. Trên vách đá của những dãy núi như gối đầu vào nhau quanh hồ, âm thanh be be của lũ dê gọi nhau bắt đầu một ngày tình tự mới.

Đợi cho khách trên thuyền đã hít hà đã cái không khí trong lành buổi sớm, cô lái thuyền lại bắt đầu “tiếp thị” về nhà hàng ở đây đảm bảo món gì cũng sạch. Dê nuôi tự nhiên trên núi có thể chể biến được 7 món. Cá dưới hồ mỗi năm thu hàng chục tấn nhưng không mất một xu mua cám công nghiệp, vì cá toàn ăn thức ăn tự nhiên, khách gọi lúc nào cũng có cá tươi ăn thoải mái. Cô cười bảo ngoài ra còn đặc sản tôm đồng, cua, ốc, ếch, ba ba... đảm bảo 100% “made in Quan Sơn” chính hiệu mà giá cả thì lại rất “nhà quê ”.

Mới đi qua những thảm trang trắng loá, thì thuyền lại đưa chúng tôi lọt vào giữa những đám hoa sen, hoa súng. Mũi thuyền nhẹ nhàng táp vào núi Hoa Quả Sơn, công trình được lão bà Đỗ Thị Trinh (73 tuổi) khai phá từ năm 1971 tới nay đã thành rừng sấu, sung, khế nặng quả.

Sau bữa trưa với thực đơn tuỳ chọn, du khách có thể ngả lưng trên những phiến đá tự nhiên bằng phẳng như những tấm phản ở trên những đỉnh núi này, hay mắc võng nằm vắt vẻo trong rừng cây rậm rì.

Khi những đàn cò chao nghiêng rồi hạ xuống những khóm tre ven hồ, sau một ngày kiếm ăn vất vả, cũng là lúc chuyến khoả nước Quan Sơn của chúng tôi kết thúc.

Trước khi rời thuyền, cô Cam còn cẩn thận buộc những bó hoa sen để chúng tôi mang về, cô cười và nói: “Quà Quan Sơn đấy, mang một chút hương đồng nội về phố, để vương vấn cho đến khi nào quay lại thì thôi”.

Du lịch, GO! - Theo báo Danviet, internet
n mình bên vùng đệm rừng quốc gia Bạch Mã, mới đây, thác Kazan hùng vĩ (Thừa Thiên Huế) đã được những đồng bào Tà Ôi ở thôn Dỗi "đánh thức". 

Đây là điểm du lịch sinh thái kết hợp văn hoá đặc sắc mà đồng bào vùng trung du Thừa Thiên Huế tổ chức khai thác để giới thiệu đến du khách.

Khởi hành từ thành phố Huế buổi sáng, sau hơn 60 phút đi ô tô vượt đèo La Hy, du khách sẽ tới thôn Dỗi, thuộc xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế. Ở đây, du khách được đắm mình trong tiếng chim ríu rít gọi đàn, tiếng hú của bầy vượn, tiếng róc rách của suối… Ở cổng làng, trước sân ngôi nhà Guơl truyền thống, khách sẽ được chào đón bằng những tiết mục múa, hát, thổi nhạc cụ truyền thống rất đặc sắc của đồng bào dân tộc.

Nếu đã quen nghe những âm thanh từ dưới xuôi, chắc hẳn, khách khó lòng nhịn cười khi thấy cảnh ông Trần Văn Đinh, trưởng Ban quản lý khu du lịch, người thổi kèn sừng dê hay nhất thôn Dỗi, nói oang oang bằng một tràng tiếng Việt lơ lớ: "Bà con thôn Dỗi kính chào khách quý. Mời khách quý thưởng thức các điệu múa, lời ca của đồng bào Tà Ôi...".

Tiếng cồng chiêng nổi lên ngay sau lời giới thiệu. Tốp múa của trẻ em thôn Dỗi từ từ tiến ra giữa sân. "Diễn viên" vừa diễn, ông Trần Văn Đinh lại say sưa thuyết minh, khách say sưa hoà mình nhún nhảy trong tiếng nhạc.

Ông Đinh nói nếu chép ra kín cả trang giấy, người phiên dịch chỉ dịch lại có mấy câu cụt ngủn nhưng khách vẫn gật gật đầu xem chừng hiểu và thích thú. Không có vấn đề gì, tiếp nhận văn hoá đôi khi không cần phải có ngôn ngữ! Đến giờ phút này, giữa chủ và khách, khoảng cách về địa lý, ngôn ngữ, văn hoá... chỉ còn lờ mờ như sương khói.

Sau màn "chào hỏi", du khách sẽ giao lưu với người dân địa phương trong ngôi nhà Guơl, đi thăm làng, qua đám lá mục, đi lắt léo qua những tảng đá gập ghềnh để đi chơi thác Kazan, cùng nấu ăn chung với nhau. Đồng bào mời khách những món ăn mà chỉ nghe đã thấy … "khoái", như lợn nướng, cơm ống tre, cá suối nướng … Đặc biệt, tại đây, du khách sẽ được mua sản vật địa phương gồm mật ong rừng, thổ cẩm, hàng đan lát chính hiệu của người Tà Ôi.

Nếu có cơ hội, bạn nên thử nán lại một đêm, ngủ trong nhà Guơl truyền thống. Du khách ngồi quanh bếp lửa bập bùng, nghe chuyện từ thời mở đất của người Tà Ôi ở Nam Đông. Đêm khuya, khi tiếng nói của con người đã bắt đầu hoà trong sương khuya lạnh buốt, thì từ chốn rừng sâu, tiếng tác của con mang, con nai lại cất lên.

Nếu là người may mắn, giữa đêm khuya, bạn có thể nghe được tiếng kèn sừng dê, tiếng gió rít qua vách đá cùng xào xạc của gió rừng… Kết thúc giấc ngủ muộn giữa vùng trung du, bạn sẽ thức dậy cùng tiếng chim muông và hương rừng thoảng trong sương gió…

Du lịch, GO! - Theo báo Sài Gòn Tiếp Thị, internet
Eo Gió là một eo biển đẹp hình vòng cung thuộc thôn Hưng Lương, xã bán đảo Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Sở dĩ gọi là Eo Gió hay Eo Cửa Gió vì đây là một cửa eo nhỏ mà đứng từ trên cao dễ dàng nhìn thấy hai dải núi đá cong hình vòng cung ôm lấy một góc biển khơi trông tựa như một cái phễu. Đây là thắng cảnh đẹp, mang dáng vẻ hùng vĩ bậc nhất ở Bình Định.

Những năm trước, để đến với Eo Gió không phải là điều đơn giản, phải đi ghe máy từ bến Hàm Tử vượt biển, nếu không phải băng qua đầm Thị Nại mênh mông rồi lội qua những đồi cát trập trùng, không một bóng nhà mới tới được Eo Gió.

< Từ cầu Thị Nại nhìn về hướng Quy Nhơn.

Nhưng bây giờ, từ khi cầu vượt biển Thị Nại hoàn thành (năm 2006) thì từ thành phố Quy Nhơn chỉ cần chạy xe 20km băng qua cầu Thị Nại là đến trung tâm xã Nhơn Lý, nơi có thắng cảnh Eo Gió.

Hoang sơ - kỳ vĩ

< Từ cầu Thị Nại nhìn về hướng Eo Gió, xã Nhơn Lý.

Đường đến Eo Gió cũng thật đẹp và hoang sơ. Bạn hào hứng khi mình đang chạy trên cầu vượt biển Thị Nại, cây cầu dài nhất Đông Nam Á (2.500m).

< Đường lên Eo Gió.

Đứng ở đầu cầu, gần như không thể nhìn thấy bên kia cầu bởi sự bao la của đầm Thị Nại, niềm tự hào của miền đất võ đầy nắng và gió. Đứng ở trên cầu, nhìn ngược lại, thành phố Quy Nhơn trông thật yên bình bên biển xanh.

Tiếp tục chạy xe, một cảm giác bồng bềnh khó tả khi gió từ biển thổi mát rượi, ven đường là những đồi cát trắng xóa tràn ra cả mặt đường. Đường dài hun hút, không một mái nhà, chỉ màu trắng của cát hòa lẫn với màu xanh ngắt của mây trời và xanh đậm của những rặng phi lao ven đường. Khung cảnh hoang sơ đến huyền bí.

Tưởng như đã thưởng thức no nê vẻ đẹp đặc trưng vùng biển thì khi leo lên hết con đường mòn mấp mô, chênh vênh để tận mắt mục sở thị Eo Gió, bạn chỉ biết ngỡ ngàng trước cảnh sơn thủy hữu tình; cảm giác mệt mỏi tan biến, thay vào đó ta dần thấy mát lạnh khi những cơn gió biển lọt vào eo xâm chiếm cả khu này.

< Đường lên Eo Gió nhìn từ trên cao.

Eo Gió đẹp bởi những rặng núi đá cao chót vót với đủ hình thù kỳ quái chạy lan ra trùng dương. Núi ôm biển, biển vờn quanh núi, sóng xô vào bờ như đang hát lời ru dạt dào, xa xa thấp thoáng dáng con thuyền, chập chờn đàn chim tung cánh. Từ trên cao quần thể Eo Gió trông đầy gợi cảm mà cũng thật hoang sơ, kỳ vĩ.

Là một trong những thắng cảnh nổi bật nhất Bình Định nhưng Eo Gió hầu như vẫn chưa có bàn tay tác động của con người. Những dịch vụ du lịch không phát triển nên chỉ mất tiền gửi xe ở những hộ dân quanh đó rồi ta tha hồ tự do thưởng ngoạn vẻ đẹp của biển trời bao la và những đường cong tuyệt đẹp của núi đá vẫn còn trinh nguyên, hoang sơ.

Bài hát của đá và gió

< Đứng trên đỉnh Eo Gió, nhìn về phía tây bắc là cụm dân cư thôn Hưng Lương nằm dưới chân núi ngay bên cạnh Eo Gió.

Lên đến đỉnh, điều đầu tiên bạn cảm nhận được là những dải núi đá uốn cong như một cái phễu hút gió từ biển rồi chạm vào những vách đá thổi ngược lại lồng lộng cho cảm giác mát lạnh. Ta nghe rõ âm thanh của gió rít bên tai hòa với tiếng sóng vỗ dịu êm, thi vị hơn bạn ngửi thấy cả mùi chát mặn của biển cả.

< Cận cảnh Hòn Mồng.

Eo Gió tựa như một bài hát do đá và gió tạo nên. Những âm thanh du dương của gió rít vào những vách đá, tiếng sóng biển nhè nhẹ dạt dào ngày đêm mãi xô vào bờ, thi thoảng đâu đấy là tiếng xôn xao của đàn chim từ những hang động bay ra. Tất cả tạo thành một bài hát đầy chất thơ, nghe rất êm tai.

< Từ lưng chừng Eo Gió nhìn ra biển Đông với cảnh thuyền đánh bắt xa bờ cập bến.

Chính đá mới là nhân tố làm nên vẻ đẹp quyến rũ, man dại của Eo Gió. Đá nơi đây lởm chởm từ đỉnh cao vút chạy đến bờ thoai thoải; đi dọc theo chân núi là đến bãi Đá đẻ với rất nhiều đá lớn nhỏ được sóng mài phẳng lì. Sở dĩ gọi là Đá đẻ vì cứ nhặt đi lại thấy đá như “mọc” ra nhiều hơn. Từ Đá đẻ nhìn ra biển là những cụm đá lớn nổi trên mặt nước, đủ hình thù kỳ quái cho bạn thỏa sức tưởng tượng.

< Những cụm đá nhấp nhô dưới làn nước trong vắt.

Những cụm đá hình thành nên những hòn đảo nhỏ như hòn Mòng, hòn Cỏ, hòn Cân... Mỗi hòn mang một dáng dấp khác, chẳng hạn như hòn Mòng người dân nơi đây coi như con cá sấu vươn mình ra biển cả hay con trâu đang ngụp lặn tắm mát.

< Bãi "đá đẻ" dưới chân Eo Gió nhìn từ trên cao.

Dọc theo những vách núi, ta còn bắt gặp những hang động nhỏ mà thiên nhiên vô tình kiến tạo ra; nào là hình hàm ếch, hình vòm... với những nhũ đá đa dạng màu sắc, gợi cảm. Đứng nơi đây vãn cảnh và chụp vài bức hình quả là tuyệt vời.

Thú vị hơn, ở đây còn có giếng tiên, là một con suối nhỏ như dải lụa vắt bên vách núi; nước suối mát ngọt và trong vắt. Còn gì tuyệt hơn hơn sau khi chơi với đá, tắm biển rồi ngâm mình trong giếng tiên thả hồn theo mây gió, hệt như chốn tiên cảnh.

Biển bao la mang theo gió, sóng vỗ vào đá, gió cuốn lấy đá tạo nên nét đẹp Eo Gió, tạo nên một bài hát du dương, êm dịu.

Đến Quy Nhơn bạn hãy một lần ghé thăm Eo Gió để nghe tiếng gió vi vu thổi vào vách đá, luồn qua những hang động và hòa quyện tiếp với sóng dạt dào ngày đêm xô vào bờ...

Du lịch, GO! Theo Dulich Tuoitre

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống