Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 4 December 2011

Tập sách gồm 138 bức ảnh chụp vịnh Hạ Long từ trên cao hoặc từ trong ra, tạo nên một chân dung thiên nhiên Hạ long đẹp diễm lệ, đa dạng và mạnh mẽ.

Tròn một năm sau thành công của Triển lãm ảnh độc lập giới thiệu chuyên đề về vẻ đẹp thiên nhiên vịnh Hạ Long - nhiếp ảnh gia Đỗ Khánh Giang tiếp tục cho ra mắt tập sách ảnh nghệ thuật "Hạ Long - nước và đá vĩnh cửu" do Nhà xuất bản Mỹ thuật Hà Nội ấn hành tháng 11/2011.
Tập sách gồm 138 bức ảnh chụp vịnh Hạ Long với lối bố cục từ trên cao hoặc từ trong ra, tạo nên một chân dung thiên nhiên Hạ long đẹp diễm lệ, đa dạng và mạnh mẽ trước đó như chưa từng được khám phá.

Tập sách in trên giấy couche matte, khổ rộng, thiết kế trang nhã được xem là quà tặng ý nghĩa cho cả bạn đọc trong nước và nước ngoài nhân hưởng ứng cuộc vận động bầu chọn vịnh Hạ Long trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.

Hạ Long không cần khẩu hiệu

Mất tám năm để hoàn thành bộ ảnh, nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Khánh Giang vừa ra mắt cuốn sách ảnh đầu tay: Hạ Long - đá và nước vĩnh cửu (NXB Mỹ Thuật), dày 160 trang với 138 bức ảnh.

Đỗ Khánh Giang (phóng viên ảnh báo Quảng Ninh) lặng lẽ bỏ tiền túi hàng trăm triệu đồng để in sách với hi vọng giới thiệu tới du khách một vịnh Hạ Long từ những góc nhìn khác, không có những hòn Trống Mái, Con Cóc, hang Sửng Sốt,... CTV Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với Đỗ Khánh Giang:

* Thưa anh, việc bỏ tiền túi để in sách là chủ ý của anh hay anh đã từng đặt vấn đề với các cơ quan văn hóa mà không nhận được sự hưởng ứng?

- Tôi đã từng đi đến một số đơn vị đặt vấn đề. Nhưng với thái độ thờ ơ cũng như cách họ xem ảnh của mình thì tôi cảm thấy như bị xúc phạm.

Với tôi, mỗi chuyến đi vịnh là mỗi lần cảm nhận mới về cái đẹp của Hạ Long, đẹp đến mê hồn, hình ảnh thực tế không cần khẩu hiệu. Với những gì tôi nhìn thấy thì tập sách này chỉ là một trong những góc rất nhỏ tôi ghi lại được trên thực tế. Tôi tin những hình ảnh này đến được bạn bè trong và ngoài nước thì tác dụng rất lớn.

* Duyên cớ nào khiến anh quyết định tìm cho mình một góc chụp khác: nhìn Hạ Long từ trên những vách đá?

- Tôi đã theo cha (nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha - NV) chụp Hạ Long rất nhiều nhưng đều không bằng lòng với chính mình. Một lần leo núi Bài Thơ để chụp, và khi đứng trên cao, tôi mới ngỡ ngàng rằng Hạ Long từ trên cao nhìn xuống như một bức tranh khổng lồ vô cùng sống động và hùng vĩ, núi xen với biển tạo nên những khung cảnh đẹp trữ tình. Tôi nghĩ sao mình không chụp vịnh Hạ Long từ trên cao nhỉ? Và đó cũng là lúc tôi tìm được hướng đi.

* 138 bức ảnh trong sách, đâu là bức anh thích nhất?

- Đó là bức Long. Những dãy núi đá chồng chất trông như một con rồng đang uốn lượn trên mặt vịnh và cũng như truyền thuyết về vịnh Hạ Long. Tôi nhớ lần đó trên đường đi sáng tác về, khoảng hơn 4g chiều, toàn bộ sườn núi và mặt biển phảng phất ánh nắng vàng của mặt trời. Bỗng nhiên nhìn thấy một dãy núi có hình cong lưỡi liềm, tôi quyết định trèo lên đỉnh của dãy núi đối diện và thật ngạc nhiên thấy dãy núi trải dài uốn lượn như một con rồng đang múa trên mặt vịnh. Tôi chọn các góc độ chụp trên 50 ảnh, về chọn được một ảnh ưng ý.

* Để leo lên các mỏm núi đá ấy, anh có thêm một thiết bị hỗ trợ nào không?

- Tôi hoàn toàn leo bằng tay không, cùng hai chai nước mang theo với máy ảnh để tác nghiệp.

* Vậy có “tai nạn nghề nghiệp” nào mà anh cảm thấy kinh khủng nhất khi chụp bộ ảnh này?

- Vâng, đó là một lần tôi rơi từ trên núi với độ cao khoảng 8m xuống, may mà dọc các sườn núi có rất nhiều cây phất du và trúc núi đã “đỡ” tôi. Điểm tiếp xúc cuối cùng là một thân cây chặn ngang người, tôi nằm đó phải gần một tiếng sau mới có thể bò xuống với máu chảy, và xước xát rất nhiều. Đến bây giờ cứ thay đổi thời tiết tôi lại bị ảnh hưởng của cú ngã đó. Lần đó tôi bị hỏng bộ máy ảnh trị giá trên trăm triệu đồng.

* Cầm cuốn sách này trên tay, tôi thấy tiếc khi trong cuốn sách tất cả đều in song ngữ Anh - Việt, nhưng tên sách trên bìa không được dịch ra tiếng Anh. Đó là một chút sơ sót, hay là chủ ý của tác giả, thưa anh?

- Đúng. Đó là một sơ sót của tôi.

Và chuyện vịnh Hạ Long bất ngờ tăng mạnh giá vé tour

Lo lắng, bức xúc... là tâm trạng của các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch, lữ hành khi UBND tỉnh Quảng Ninh đột ngột tăng mạnh giá vé thăm Vịnh Hạ Long theo tuyến, ngay sau khi danh thắng này trở thành kỳ quan mới của thế giới.
Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt Nguyễn Văn Mỹ cho biết, lãnh đạo nhiều công ty lữ hành tại TP HCM phản ứng gay gắt, bởi: “Giá vé mới không quá đắt đối với dân thành phố, song mức tăng và thời điểm tăng như “cái tát” vào mặt khách - những người vừa nô nức bầu cho Hạ Long”!

Tất cả đều bị thiệt

Ông H., quản lý một tàu du lịch 3 sao tại Hạ Long, nhận xét “KIhi tăng giá vé thì cả khách du lịch, làng chài và doanh nghiệp đều bị thiệt”. Ông này cho rằng, cách tính giá vé mới theo hành trình bắt buộc từng tuyến sẽ ép nhiều khách chi thêm tiền vô lý. Ví dụ: Khách đi tuyến 2 (90.000 đồng/vé người lớn - tăng gấp đôi) không có làng chài, thích ghé thêm làng chài Vông Viêng của tuyến 4 phải mua vé trọn gói tuyến 4 là 60.000 đồng. Nếu tàu vòng qua tuyến 1 để khách ngắm hòn Đỉnh Hương - Chó Đá - Gà Chọi cũng phải mua toàn bộ vé tuyến 1 (80.000 đồng/người lớn - tăng gấp đôi).

Giám đốc một công ty lữ hành vừa đưa 50 khách đi theo tuyến 1 xác nhận, không cho đoàn vào hang Ba Hang (trọng tâm của cụm tham quan làng chài - hang Ba Hang) vì nay trở thành điểm bổ sung của tuyến 1 nên thu thêm 20.000 đồng. “Người dân Ba Hang than khách đến thăm, mua hàng giảm hẳn”, ông này kể.

Ông H. lo lắng, nếu vẫn tổ chức chương trình hấp dẫn như hợp đồng đã ký với lữ hành đến cuối năm 2012, nhà tàu phải bù thêm tiền vé gần 100 triệu đồng/tháng cao điểm.

Ông này nói sẽ thương lượng với lữ hành theo hướng cùng chia sẻ rủi ro, song rất khó. Giám đốc Focus travel Đặng Bảo Hiếu giải thích, đã báo giá cho đối tác gửi khách nước ngoài đến 2013. Chắn chắn họ không chấp nhận tăng giá tour giữa chừng vì vé tham quan. Thiệt hại của nhà tàu và lữ hành sẽ rất lớn trong bối cảnh khách, lợi nhuận đều giảm khá mạnh.

Theo đại diện Ban quản lý vịnh, Hạ Long thuộc tầm di sản thế giới, vừa trở thành 1/7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới nên giá vé tham quan cũ quá rẻ so với các di sản thế giới khác - phải tăng tương xứng các giá trị trên. Tăng thu nhằm nâng cao chất lượng đầu tư, phục vụ quản lý và bù cho trượt giá. Đặc biệt, “Vịnh Hạ Long không phải là điểm du lịch “cỏ” ai muốn đến là đến”!

Phát biểu này khiến các doanh nghiệp lữ hành rất bức xúc. “Ban quản lý vịnh đã thống kê hằng năm, đám khách “bèo” đóng góp bao nhiêu % vào nguồn thu từ du lịch của Quảng Ninh?", ông Nguyễn Văn Mỹ nhấn mạnh.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành rất lo ngại lý do tăng giá vé vì một danh hiệu mà giá trị đang còn quá nhiều tranh cãi. “Các tour đi Hạ Long không có gì biến động vì bản thân vịnh đã quá nổi tiếng”, Giám đốc Asiana travel Trịnh Việt Dũng nhận xét. “Cuối tháng trước, khách TP HCM hỏi chương trình đi Hạ Long tăng khá, nhưng sau khi tăng giá vé thăm vịnh, không thể dự đoán được khách có mua tour không”, Giám đốc Công ty Du lịch Việt Trần Văn Long thất vọng.

Kiến nghị xem xét lại

Theo quyết định do Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành ký ngày 18/11 về mức thu phí tham quan Vịnh Hạ Long mới, Ban quản lý vịnh hưởng 45% số phí thu được, còn lại nộp ngân sách. Đại diện tất cả hãng tàu, lữ hành được hỏi đều rất muốn chính quyền tỉnh Quảng Ninh thông báo rõ nguồn thu từ bán vé sẽ được tái đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, giữ gìn môi trường trên vịnh Hạ Long cụ thể như thế nào? “Tôi sẵn sàng ủng hộ nếu thấy hợp lý, song chưa thấy họ giải thích chính thức gì! Vì thế, nhiều dư luận cho rằng, nhà nước đang gỡ gạc lại chi phí vận động bầu chọn cho vịnh Hạ Long, cũng là điều dễ hiểu”, ông Đặng Bảo Hiếu nói.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL vừa trực tiếp đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh dừng tăng giá vé! Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ VH-TT-DL khẳng định, đây là công việc hoàn toàn thuộc thẩm quyền của HĐND và UBND cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Mỹ cho biết, Ban chấp hành Hiệp hội Du lịch TP HCM chuẩn bị họp để thống nhất khả năng kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét lại!

Dồn dập tăng giá dịch vụ

Lữ hành đang tiếp nhận dồn dập thông tin tăng dịch vụ. Các ngành liên quan vừa thống nhất tăng trần giá vé máy bay nội địa. Chủ đầu tư toa tàu du lịch Livitrans thông báo dự kiến sẽ 15% tăng giá vé Hà Nội - Lào Cai, “ăn theo” Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng giá vé hành khách trên hành trình này từ ngày 1.12. HĐND TP. Hà Nội chuẩn bị xem xét nâng giá vé tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Hương thêm 66 - 100%.

Vượt quy định

Theo quy định của Bộ Tài chính, mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa tùy thuộc vào điều kiện của từng nơi mà có mức khác nhau cho phù hợp, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc: Mức thu được áp dụng thống nhất đối với người Việt Nam và người nước ngoài đến tham quan; Đối với người lớn, mức thu không quá 20.000 đồng/lần/người; trẻ em, mức thu không quá 10.000 đồng/lần/người; Đối với những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa được tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới có thể áp dụng mức thu cao hơn, nhưng tối đa không quá hai lần mức thu quy định. Như vậy, nhìn vào giá thu của vịnh Hạ Long hiện nay có thể dễ dàng nhận thấy, mức giá mới hoàn toàn không đúng quy định.

Du lịch, GO! - Theo Tuoitre, Dogiang's Blog, VOV, báo Datviet, Thanhnien
Du lịch khám phá Sa Pa - trong rất nhiều ấn tượng mà du khách khi rời xa thị trấn xinh đẹp trong mây không thể quên - đó là cá Hồi nướng, thịt lợn cắp nách quay, thịt lợn hun khói, nấm hương tươi xào thịt… và đặc biệt là các món ăn được chế biến từ rau xanh là những món ăn mà bất kì du khách nào khi đặt chân đến mảnh đất này một lần thưởng thức cũng phải trầm trồ thán phục vì hương vị tươi nguyên, thơm ngọt riêng của mỗi loại.

Trong rất nhiều cái thú được nhâm nhi, hưởng thụ ẩm thực của du khách trong những ngày du lịch dài ngày tại đây, thì đồ nướng Sa Pa đang trở thành một "thương hiệu" rất riêng biệt, không thể lẫn với các địa phương khác. Nhiều khách du lịch nói rằng: Nếu đến Sa Pa mà không thưởng thức đồ nướng thì quả thật chưa thực sự khám phá được hết sự độc đáo, phong phú và thi vị của văn hoá ẩm thực Sa Pa.

Không phải chỉ ở Sa Pa mới có các món đồ nướng, thế nhưng, có lẽ do sự ưu đãi của khí hậu trong trẻo mát lành và thơ mộng của đất trời tự nhiên, đồ nướng Sa Pa luôn mang đến cho người thưởng thức một hương vị hết sức riêng biệt, không có bất cứ ở một địa phương nào.

Dường như ở nơi đất trời và núi rừng đều vời vợi cao này, mỗi món đồ nướng dẫu dân dã, bình thường cũng thẩm thấu được tinh hoa của đất trời, khiến người thưởng thức phải trầm trồ, xuýt xoa về hương vị thơm ngọt ngon, thơm bùi riêng biệt của từng món.

Mươi, mười lăm năm trước đây, khi Sa Pa được ví như "nàng tiên xinh đẹp ngủ quên trong mây" chưa được đánh thức dậy, khách tham quan, du lịch đến Sa Pa cũng chưa đông... thì ngoài một vài món thịt nướng trong các nhà hàng… đồ nướng ở Sa Pa mới chỉ lác đác vài hàng dọc theo phố vắng. Đồ nướng Sa Pa lúc bấy giờ cũng chỉ giản đơn là vài bắp ngô, vài củ khoai lang nướng. Theo thời gian, khi mảnh đất du lịch đầy tiềm năng này được chính quyền địa phương đánh thức, cùng với nhiều hoạt động dịch vụ phát triển du lịch, đồ nướng Sa Pa cũng theo nhu cầu của thực khách mà dần mở rộng với nhiều món ăn độc đáo, hấp dẫn được chế biến theo cách riêng của người dân địa phương.

Bây giờ, đồ nướng ở Sa Pa đã lên tới con số hàng trăm gian hàng và được sắp xếp thành chợ để phục vụ nhu cầu ẩm thực của khách tham quan, du lịch. Chợ đồ nướng được qui hoạch gọn gàng ngay ven đường phố chạy bên cạnh Nhà thờ và dọc theo con đường dẫn vào khách sạn Công đoàn, đường lên tham quan khu du lịch Hàm Rồng của thị trấn Sa Pa. Những người bán hàng đồ nướng ở Sa Pa cũng theo nhu cầu phát triển du lịch mà tụ hội về đây rất nhiều. Có chủ quán đồ nướng là dân bản xứ, song cũng có rất nhiều người là dân từ các tỉnh dưới xuôi lên kiếm kế sinh nhai, lập nghiệp.

Các món đồ nướng cũng theo sự mở rộng của các quán hàng mà ngày thêm phong phú và đa dạng chủng loại. Ghé bất kì một quán bán đồ nướng nghi ngút khói bay trong chợ ẩm thực hay dọc con đường lên khách sạn Công đoàn, khách tham quan có thể thưởng thức các món ăn đủ các loại. Từ những bắp ngô giống địa phương, to gần bằng bắp tay, hạt đều tròn thây nảy được nướng vàng rộm, quả trứng vịt lộn, xiên hạt dẻ tới đủ các loại thịt nướng thơm nức mũi…

Thưởng thức đồ nướng Sa Pa vào ban ngày, trong không khí mát lạnh của đất trời tự nhiên, thực khách vừa tí tách nhấm nháp, ngắm nhìn vòm trời thoáng chốc trong veo, thoáng mây bay cuồn cuộn xoà xuống phủ kín những ngọn núi Hoàng Liên bao quanh trước mặt, hoặc trò chuyện cùng bà chủ quán hàng đồ nướng cởi mở, vui chuyện để biết thêm những câu chuyện hết sức hấp dẫn về cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi đây.

Nhưng thú vị nhất là thưởng thức đồ nướng Sa Pa vào ban đêm, trong cái rét tê tê của phố núi, ngồi vây quanh, xoa tay bên chậu than nướng rực hồng, thực khách vừa xuýt xoa nếm những món đồ nướng nóng bỏng, thơm nức, vừa lắng tai nghe những tiếng thì thầm, lao xao cười nói của những du khách thích tản bộ ban đêm. Thảng hoặc, khuya xuống, khi chỉ còn một vài hàng đồ nướng nán lại, lúc này, thực khách có thể vừa nhấm nháp vị thơm ngon của các món đồ nướng, vừa thả hồn lang thang theo những con đường, ngọn núi tĩnh mịch, im lặng đến lạ kì của phố núi về đêm.

Muốn thưởng thức đồ nướng có vẻ cao lương mỹ vị hơn, sau khi đã leo núi, ngắm phong cảnh thiên nhiên đến mỏi gối, mềm chân, du khách có thể ghé thăm bất kì nhà một bà chủ bán hàng đồ nướng nào nằm men theo những con đường nhỏ vào chân núi. Lúc này, bà chủ quán hàng nướng thoáng chốc trở thành một chủ nhà hàng tham gia du lịch cộng đồng rất chuyên nghiệp. Các món: gà tẩm mật ong nướng nguyên con, lợn quay cắp nách, cá hồi nhồi rau thơm các loại bọc giấy bạc nướng... kèm theo rất nhiều những món rau xanh hái xung quanh vườn nhà được chủ nhà bày lên tươm tất, bù đắp cho cơn đói mềm người du khách tham quan. Giá cả phục vụ đồ nướng ngay tại nhà cũng rất phải chăng.

Mỗi chủ quán đồ nướng, ngoài việc nhanh tay quạt nướng các món đồ phục vụ du khách, đều rất thành thạo trong việc tự nguyện làm tiếp viên, giới thiệu những tua, tuyến du lịch hấp dẫn, hay những nhà hàng, khách sạn có giá cả phục vụ phải chăng cho khách du lịch. Thú vị hơn, các chủ quán đồ nướng này luôn luôn tự đổi mới gia giảm của các món đồ nướng, bằng những thứ nguyên liệu sẵn có của địa phương để làm hài lòng thực khách phương xa.

Một trong những món đồ nướng mới xuất hiện trong mùa du lịch năm nay là món thịt thăn bò cuốn rau cải nướng. Có lẽ, đây là món nướng chỉ có ở Sa Pa. Bà chủ quán hàng đồ nướng ngay trên con đường vào khách sạn Công đoàn (lên khu du lịch Hàm Rồng) có cái tên là lạ: La Vĩ Miên cởi mở giải thích lí do xuất hiện món đồ nướng này là bởi nhu cầu muốn ăn thêm rau xanh của du khách.

Nhiều lần thử đi thử lại chế biến món thịt bò nướng cuốn với nhiều loại rau, cuối cùng các quán chủ đồ nướng phát hiện ra: Thịt bò thăn thái lát to, cuốn rau cải vùng cao nướng trên than hồng ăn ngon tuyệt. Vị nhặng nhặng đăng đắng, thơm cay của rau cải kết hợp với thịt bò chín tới ngọt mềm để lại một dư vị rất khó quên. Kèm theo một chai rượu ngâm quả Sơn tra bán với giá 15 ngàn đồng, món thịt bò cuốn rau cải nướng có thể làm hài lòng bất kì thực khách khó tính nào.

Có lẽ vì các món đồ nướng ở Sa Pa có sức hấp dẫn riêng biệt như vậy, nên lượng khách du lịch có nhu cầu thưởng thức đồ nướng cũng ngày một đông thêm. Trước đây, nếu như chỉ có khách du lịch nội địa đến Sa Pa thích ăn đồ nướng, thì bây giờ, đồ nướng Sa Pa cũng đặc biệt hấp dẫn với du khách nước ngoài. Chị Ma-ri-a Lô-ren, một du khách châu Âu nói: "Ở đất nước chúng tôi cũng có món đồ nướng, nhưng thường chỉ được bán ở các nhà hàng sang trọng và giá cả cũng rất đắt. Còn ở đây, ngay tại thị trấn Sa Pa xinh đẹp của các bạn, các món đồ nướng rất ngon và rẻ. Ngồi giữa mọi người và ăn các món nướng như thế này, quả thật là một cảm xúc mới lạ và rất khó quên. Tất nhiên, tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh thực phẩm".

Nhờ bán đồ nướng, nhiều người dân địa phương cũng như người dân ở các tỉnh khác đến Sa Pa lập nghiệp đã có được việc làm và nguồn thu nhập khá ổn định. Chị chủ quầy đồ nướng La Vĩ Miên phấn khởi nói rằng: Từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến Sa Pa tương đối đông, vì vậy, mà quầy đồ nướng của chị và của rất nhiều chủ hàng khác bán khá chạy. Chị chủ quán cởi mở này cũng tiết lộ: từ hai bàn tay trắng, rời quê Lập Thạch - Vĩnh Phúc lên đây bán hàng đồ nướng mới chưa đầy 7 năm, bây giờ từ tiền bán đồ nướng, vợ chồng chị đã chắt chiu xây cất được một căn nhà khá khang trang ngay dưới chân núi Hàm Rồng.

Cuộc sống gia đình chị, nhờ quầy bán đồ nướng ven chân núi Hàm Rồng mà sung túc, ổn định hơn trước rất nhiều. Chị chủ quán La Vĩ Miên nói vậy, mà chẳng hề biết rằng: chính chị và những người bán đồ nướng ở Sa Pa đang tham gia vào hình thức du lịch cộng đồng - một trong những sản phẩm du lịch rất cần được khuyến khích, mở rộng và phát triển của địa phương.

Với tất cả chất thi vị và phong phú, dân dã của nghệ thuật ẩm thực vùng cao, cùng rất nhiều sản vật ẩm thực độc đáo khác của mảnh đất vốn được thiên nhiên ưu đãi này - các món đồ nướng đã và đang tạo ra một nét cuốn hút duyên dáng, riêng biệt của du lịch Sa Pa. Thực khách nào một lần ghé thăm Sa Pa và thưởng thức nét văn hóa ẩm thực của vùng đất trong mây trong núi này sẽ rất khó quên và chắc chắn sẽ tìm đến nếu có dịp quay trở lại xứ Mường Tiên thơ mộng này.

Du lịch, GO! - Theo cổng TTĐT Lào Cai, internet
Cả dân ta lẫn khách Tây cứ nghe thấy ngựa đua Bắc Hà là “say” như điếu đổ. “Say” vì những chú tuấn mã phi nhanh như cơn lốc. Say vì cái tính hào sảng, thượng võ hết mình của những chàng kỵ sĩ vùng cao...

Dòng họ giỏi chọn ngựa

Ông Thèn Văn Lìn ở xóm Sín Chải A, xã Nà Hối, huyện Bắc Hà (Lào Cai) năm nay đã bước vào cái tuổi bát thập, đôi chân quen leo núi giờ đã phải nghỉ ngơi nên ông chỉ loanh quanh với mấy cây đào, cây mận ở vườn nhà. Nghề lái ngựa của tổ tiên thì ông đã truyền cho con trai Thèn Văn Dùng...

Vậy mà nghe tôi nhắc đến ngựa Bắc Hà là ông sôi sục lên. Ông nhớ lại: “Cho tới nay nhà tôi đã có 4 đời làm lái ngựa, không biết bao nhiêu con thần mã đã qua tay mình”.

Không hổ danh là pho sử sống, một “danh thần” về xem tướng ngựa, ông giải thích: “Nếu là ngựa thồ tốt thì phải là loại ngực nở, chân thẳng, đứng vững, móng dày, mũi khô, mắt trong, bờm dựng. Một con ngựa như vậy có thể thồ tới 300kg trên lưng, hoặc kéo cả tấn hàng lên dốc cũng vẫn không đổ mồ môi.

Những con ngựa có đầy đủ phẩm chất trên, tới bây giờ dân kéo xe chở hàng thuê ở chợ Bắc Hà vẫn lùng mua với giá đắt gấp 3-4 lần. Mấy anh ngựa ngực lép, chân cong, bờm rủ chỉ đáng làm hàng thịt”.

Ông Lìn cho biết: Bắc Hà không chỉ là nơi có ngựa kéo hay, mà còn có giống ngựa chiến rất tốt. Trước kia, Vua Mèo Hoàng A Tưởng (có dinh thự tại Bắc Hà) vẫn thường tuyển những con ngựa tốt làm món đồ ngoại giao với những Vua Mèo, Vua Thái ở Hà Giang, Lai Châu.

Thuở ấy, các cụ dòng họ Thèn là những người có uy tín nhất trong việc chọn ngựa chiến để vua cưỡi và làm quà.

Bây giờ Bắc Hà và các vùng, miền không còn non ngăn, núi cách nữa. Có đường nhựa, ôtô đã có thể chạy bon bon tới tận trung tâm xã, bản, nhưng những con ngựa chiến cổ cao, ngực nở, bụng thon, có khoáy ở 4 chân và một khoáy giữa đỉnh đầu... vẫn được những lái ngựa săn lùng ráo riết.

Không ít khách du lịch phương Tây khi thấy những con ngựa chạy ở thị trấn Bắc Hà cứ mê mẩn rồi nằng nặc đòi mua đem về xứ họ, để phối giống làm ngựa thể thao. Chính vì giỏi xem tướng ngựa nên anh Thèn Văn Dùng - con trai ông Lìn, trong hội đua ngựa của Bắc Hà năm qua cũng đoạt giải.
Ông Lìn nói: “Hôm đó nó chỉ mang con ngựa cái đi thi thôi, vì mấy con ngựa đực tốt mang cho mượn phối giống hết rồi. Vậy mà cũng đứng thứ 3 đấy”.

Những chú ngựa giỏi

“Chạy nhanh, thồ khoẻ, bền sức cũng mới chỉ là một con ngựa tốt. Nhưng chỉ được gọi là “thần mã” nếu con ngựa có trí khôn, lòng trung thành và hiểu tính chủ” - ông Lìn phân tích.
Nhớ tới con thần mã một thuở của mình, ông kể: “Hồi trai trẻ, tôi có một con ngựa ô, nó chạy giỏi, leo núi khoẻ và không ít lần liều chết cứu tôi thoát chết khi rơi vào ổ phục kích của bọn chuyên cướp ngựa hoạt động ở huyện Xín Mần thuộc tỉnh Hà Giang bây giờ.

Có lần tôi đi gặp bạn bè bên châu Xín Mần, mấy ngày vừa uống rượu, vừa hút thuốc, lúc về say tuý luý cứ nằm vắt người trên lưng con ngựa ô. Khi đang đi nước kiệu, bỗng con ô mã khựng lại, hếch mũi, vểnh tai lên ngóng, rồi nó rùng mình mấy cái. Đang say rượu nhưng tôi hiểu ngay có sự chẳng lành nên trườn lên bám vào bờm con ngựa, 2 chân quặp chặt vào mình nó.

Chỉ đợi có thế con ngựa lao vút đi như mũi tên. Vừa lúc đó, từ 2 bên sườn đồi một loạt đạn súng kíp nổ vang rừng, mảnh đạn bay như vãi trấu. Con ô mã cứ thế phi nước đại một mạch, về đến nhà tôi mới biết nó bị dính mấy vết thương ở mông, ở sườn mà vẫn gắng cứu chủ”.

Thoát chết, ông Lìn mới biết có một toán người ở bên kia biên giới định sát hại ông để cướp con thần mã ngày đi vạn dặm, một lòng bảo vệ chủ...

Gặp chúng tôi, anh Lâm Văn Sơn (bản Sín Chải B, xã Nà Hối) vừa chải lông cho con ngựa có màu giàng cán (có nghĩa là hồng mã), vừa cười ngất ngưởng khoe rằng:
“Từ ngày về nhất cuộc đua ngựa Bắc Hà tới giờ, mình vui lắm vì được chụp bao nhiêu ảnh, lại được phần thưởng đủ đãi cả xóm một bữa say. Nhưng thích nhất vẫn là thêm nhiều người biết về ngựa Bắc Hà và vợ con mình thì ngày đêm không tiếc công sức chăm ngựa”.

Nhớ lại hôm giành chức quán quân, anh Sơn vẫn run run: “Hôm đó nó đói đấy nhưng vẫn chạy giỏi, 3 vòng nhất cả 3, thế là mình và nó vô địch”. Từ hôm giành chức quán quân, đã có nhiều người tìm đến nhà hỏi mua con ngựa của anh Sơn với giá 40 triệu đồng, gấp 4 con ngựa thường. Nhưng anh Sơn vẫn lắc đầu nguây nguẩy vì “nó chạy nhanh lại chịu khó, đi thồ ngô suốt mùa dù mệt vẫn không phá, không đá, không cắn lại chủ. Con ngựa lại là bạn thân của cô con gái đầu lòng 10 tuổi của mình, thỉnh thoảng nó vẫn cưỡi ngựa ra chợ cùng bố mẹ”.

Quan trọng hơn, con hồng mã với chiếc xe kéo vẫn là nguồn thu nhập chính của cả nhà anh Sơn. Ngày thường, chú ngựa quán quân vẫn phải thắng xe lên lưng, ra bãi chợ thị trấn đứng đợi việc, hôm nào suôn sẻ thì nó cũng giúp chủ kiếm được 200.000 đồng.

Anh Triệu Văn Thiều chỉ vào mấy chú ngựa đang ngoan ngoãn đứng im đợi việc ở chợ Bắc Hà: “Bây giờ mỗi năm huyện tổ chức hội đua ngựa một lần, nên cả người lẫn ngựa bọn tôi lại được luyện gân, rèn chí một tí. Cái anh ngựa chiến Bắc Hà không bị biến thành ngựa thồ, ngựa thịt là may lắm, vui lắm rồi”.

Từ ngày cấm công nông đầu ngang, đầu dọc, xe ngựa lại được dân cần đến nên chủ ngựa kiếm ăn cũng tàm tạm. Bao nhiêu công trình xây dựng trường, trạm ở những xã vùng cao, ôtô thì chịu, chỉ trông chờ những chiếc xe ngựa kẽo kẹt đưa xi măng, sắt thép lên...

Du lịch, GO! - Theo báo Sài Gòn Tiếp Thị, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống