Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 7 December 2011

Phố Hàng Nón dài 216m, đi từ phố Hàng Quạt đến phố Đường Thành, cắt ngang phố Hàng Điếu, thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nguồn gốc tên phố

< Phố Hàng Nón ngày tết.

Phố Hàng Nón (Rue des Chapeaux) đã có từ thời Pháp thuộc. Sau Cách mạng tên gọi này vẫn được duy trì.
Phố Hàng Nón xưa nguyên là hai phố gộp lại:

Đoạn phía Đông là phố Mã Vĩ chuyên làm và bán những thứ hàng phục sức dùng cho quan lại, cho phường hát tuồng, hát chèo và việc tế lễ, thờ phụng như áo xiêm, mũ, mãng, cờ, quạt... Có thể là do mũ cánh chuồn và một số đạo cụ tuồng chèo làm bằng lông đuôi ngựa nên phố mới có tên “Mã Vĩ”.

< Hàng Nón ngày xưa.

Đoạn phía Tây mới chính là phố Hàng Nón, nơi làm và bán các loại nón khác nhau như nón lá già, nông và dày, khâu bằng móc đen; nón mũ chảo giống như cái chảo gang; nón lính giống như cái đĩa to, ken bằng cật tre, ở giữa có chỏm bằng đồng như cái mũi giáo nhỏ, khi đội phải buộc quai chặt vào cằm.

Ngoài ra, ở phố này còn bán nón nghệ, như một cái bánh xe, đường kính tới gần một mét, thành nón cao tới 10cm. Vì cồng kềnh mà lại ngang phè nên phải có cái “khua” như một cái hộp tròn đan bằng mây, tre để úp chụp vào đầu hay vào vành khăn.

Nón ba tầm thì sâu hơn. Cả nón nghệ và nón ba tầm còn có thêm một cỗ quai thao buộc vào hai cái thẻ bằng bạc treo ở đỉnh nón. Cỗ quai thao là 12 sợi dây tròn, dệt bằng tơ, hai đầu có tua dài chừng một gang tay, buộc thành nhiều quả. Thao nhuộm thâm hoặc tím.

Loại nón thầy đề, thầy lý thì có nón lông đen, ken bằng lông quạ, lông sáo, trên đóng một cái chóp bằng đồng bạch hoặc bằng thiếc có chỏm nhọn. Còn nhà giàu và quan to thì có nón lông trắng, ken bằng lông cò, lông vạc, chóp bằng bạc hoặc vàng.

Di tích lịch sử

Phố Hàng Nón ngày trước nguyên là đất thôn Yên Nội, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương cũ.

Tổng này có hai thôn đều có tên Yên Nội, do đó có khi gọi phân biệt là Yên Nội-Đồng Thành (vì ở cạnh thôn Đồng Thành, tức khu vực Hàng Nón, Hàng Thiếc) và Yên Nội-Cổ Vũ (vì ở cạnh phường Cổ Vũ, tức khu vực Hàng Da ngày nay). Đình thôn Yên Nội-Đồng Thành nay là số nhà 42 phố Hàng Nón.

Số nhà 15 Hàng Nón là nơi tổ chức Đại hội Công hội đỏ toàn quốc lần thứ nhất do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập vào mùa hè năm 1920. Đây là một gia đình cơ sở, mở hiệu thuốc lào.
Các đại biểu làm như người buôn các tỉnh về cất hàng. Đại hội đã thông qua chương trình, điều lệ của Công hội đỏ, cử Ban chấp hành với Chủ tịch đầu tiên là đồng chí Trần Văn Lan, công nhân nhà máy sợi Nam Định.

Qua cơn khủng hoảng kinh tế những năm 1930-1931 và nhất là đời sống khó khăn thời kỳ đầu Chiến tranh thế giới (1939-1940), nhiều nhà buôn ở Hàng Nón bị sa sút phải bán cửa hàng dọn đi đến ở phố khác, nhưng cũng có nhiều công chức lại chuyển sang kinh doanh hàng tơ sợi Nhật, tơ Bình Định, Quy Nhơn, tranh khách hàng tơ lụa Lyon của Pháp (như nhà Tô Châu).
Chiến sự năm 1946-1947, Hàng Nón tuy nằm ở giữa Liên khu I song ít bị tàn phá.

Ngày nay, phố Hàng Nón không còn chuyên bán nón nữa mà được thay thế bằng những hiệu buôn các mặt hàng khác nhau.

Cuối phố có gần chục cửa hàng bán guốc, đủ kiểu dáng, phù hợp yêu cầu của khách. Chỗ giáp với phố Hàng Quạt có bán các loại trướng thêu, còn chủ yếu phố này phần lớn là những cửa hàng chuyên làm và bán tủ, chạn bát bằng khung nhôm kính.

Cũng như nhiều phố cổ ở thủ đô Hà Nội, người Hàng Nón cũng có truyền thống "buôn có bạn, bán có phường". Phố đã tạo được nét đặc trưng cho riêng mình với bản sắc của những mặt hàng trong thời kỳ đổi mới, nhưng tên "phố Hàng Nón" thì vẫn còn trong lòng những người Hà Nội xa quê, gợi nhớ về một phố nghề Hà Nội.

Du lịch, GO! - Theo Vietnam+, ảnh sưu tầm
Thác Hòa Bình là một thắng cảnh đẹp nằm trên quốc lộ 20, thuộc xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Thác chảy từ đỉnh ngọn núi phía sau chùa Linh Phú. Khách du lịch có thể leo lên đỉnh thác để ngắm dòng nước trắng xoá từ trên cao đổ xuống, lắng tai nghe tiếng chim hót trong rừng, vẳng đâu đó tiếng chuông chùa vọng lại...có như thế mới cảm nhận hết được sức quyến rũ của thiên nhiên.

Đường núi quanh co với nhiều đoạn khúc khuỷu, gập ghềnh. Vượt qua một tầng thác, mệt nhoài, khi tựa lưng vào vách đá, tận hưởng không khí mát lạnh của vùng núi, ta như được hòa mình vào với thiên nhiên. Từ trên đầu nguồn, dòng thác như tấm thảm bạc, trải dài, tỏa sáng cả vùng đồi núi.

< Thác nằm phía sau chùa Linh Phú.

Vùng đất bán bán sơn địa Đồng Nai có khá nhiều danh lam, thắng cảnh thu hút du khách, trong đó, thác Hòa Bình thuộc địa phận xã Phú Sơn (huyện Tân Phú) là cảnh quan tuyệt đẹp.

Đại đức Thích Pháp Cần, trụ trì chùa Linh Phú cho biết, từ khoảng những năm 1940, thác Hòa Bình đã được phát hiện. Cũng bởi núi rừng hoang vu và cảnh chùa u tịch nên thỉnh thoảng mới có một nhóm khách du lịch tìm đến tham quan. Nằm ngay phía sau chùa Linh Phú, thác Hòa Bình vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ với dòng nước đổ êm đềm suốt ngày đêm.

Hành trình khám phá thác Hòa Bình khá ngắn ngủi nhưng đẹp như một bài thơ. Từ trên đầu nguồn, thác nước tựa tấm thảm bạc, trải dài, tỏa sáng cả vùng đồi núi. Nơi khởi nguồn của tháp là khe Thanh Lương, nằm ở lưng chừng ngọn đồi có hình thế tựa chiếc bát úp, cao chừng 300m. Băng qua những vách đá chênh vênh, càng tiến xa, khe càng mở rộng và dần hình thành thác nước có độ dốc khoảng 100m với năm tầng nước tráng lệ. Tên thác thể hiện đúng tính chất của nó, êm đềm, hữu tình, thơ mộng chứ không dữ dội, ồn ào như thường thấy.

< Lối mòn vào thác.

Du khách có thể đến địa điểm tham quan bằng cách băng qua đỉnh thác từ hướng đồi Sầu Riêng vì đường này tương đối dễ đi, nhưng cái thú du ngoạn từ trên đỉnh xuống để xem phong cảnh không đủ sức hấp dẫn với người ưa thích mạo hiểm.

Hướng thứ hai được chọn để đến với thác là một sạn đạo ngoằn ngoèo bên hông chùa, gọi là sạn đạo vì mặt đường lởm chởm đá. Dường như hướng lên thác quá hiểm trở nên người ta phải mở lối mòn ngay trên những khối đá nhỏ, len lỏi, luồn lách giữa sườn đồi. Bắt đầu từ đoạn chùa Linh Phú, qua Trường THCS Phú Sơn, men theo hướng tiếng thác nước ầm ì khoảng vài trăm mét, sẽ đến chân thác. Từ khu vực chân thác trở lên, đoạn đường càng hiểm trở, có những đoạn dốc chênh vênh với lối mòn vắt vẻo sát sườn đồi. Men theo từng gờ đá, đu níu các cành cây, dây leo, di chuyển từng bước một, chỉ cần sơ sểnh là có thể trượt chân ngã xuống triền núi. Nhưng hình như càng mạo hiểm thì càng tăng cảm giác thú vị vì dòng thác tuyệt đẹp cứ thúc giục bước chân người hành trình lên phía trước.

Đến tầng thác thứ hai thì ngay cả lối đi men sườn thác cũng không còn nữa, muốn lên đến đỉnh thác chỉ còn một cách duy nhất là tiến vào khu vực lòng thác rồi tìm cách bám đá trèo ngược lên thượng nguồn.

Từ trên cao nhìn xuống, nước tung tóe, đổ trắng xóa xuống tầng thác thấp hơn, tràn qua những phiến đá phẳng mòn và tiếp tục trút ào ạt vang động cả núi rừng. Càng lên cao, cảnh quan của thác Hoà Bình càng đẹp: những tàng cây cổ thụ uốn mình rợp mát, dòng nước buốt lạnh, trong lành, vô số những hốc đá với đủ mọi hình thế như hàm ếch, mõm rồng, hàm sấu, trông vừa cổ quái vừa kỳ ảo, có hốc đá mở to như hang động, rêu phủ xanh mờ như lối vào chốn thiên thai bị phong kín, hàng nghìn năm không dấu chân người.

Làn sương mờ ảo quanh năm bao phủ khu vực đỉnh thác. Khí núi mát lạnh, khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng. Sau cuộc hành trình vất vả, lên tới đây, được nằm dài trên phiến đá, hít thật sâu nguồn không khí trong lành, bạn sẽ cảm thấy máu đang chạy rần rật trong huyết quản, người khỏe khoắn hẳn ra và mọi “ô nhiễm hồng trần” như hoàn toàn được thanh lọc.

Tuy không hùng vĩ như thác Pongour, Gougah hay hang Cọp của Đà Lạt (Lâm Đồng) nhưng thác Hoà Bình lại có ưu thế mà những “ông lớn” kia không thể nào sánh được. Chỉ ở thác Hoà Bình, bạn mới có thể đến được đỉnh thác bằng cách leo ngược dòng, một sự chinh phục tuyệt vời với cảm giác phiêu lưu mạo hiểm. Và chỉ ở Hoà Bình, bạn mới có thể tận hưởng hết được vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên vì nơi đây chưa có bàn tay con người can thiệp.

Đứng trên đầu ngọn thác, mở rộng tầm mắt ta sẽ thỏa thuê ngắm nhìn phong cảnh trữ tình: rừng lá hòa cùng màu xanh bao la của trời. Phía đầu nguồn, dòng nước ào ạt tuôn đổ đêm ngày tưới mát cho những thửa ruộng bậc thang. ẩn hiện giữa thác nước và bạt ngàn cây cối là những mái nhà nhấp nhô hiền hòa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Phía dưới chân thác là một thung lũng rộng, thấp thoáng cánh cò bay lượn giữa đồng trảng mênh mông.

Nếu muốn thực hiện tour khám phá thác Hoà Bình, các bạn cần nhớ điều đầu tiên là phải chọn trang phục phù hợp, đi giày thể thao có độ bám tốt. Và nhớ mang theo thức ăn, nước uống vì nơi đây chưa có dịch vụ ẩm thựcồ hoặc nếu quên, bạn có thể ghé chùa Linh Phú để dùng cơm chay với các vị sư nơi đây, cửa Phật lúc nào cũng rộng mở mời khách thập phương. Nếu bạn là người thích tìm hiểu chùa chiền thì Linh Phú với dòng Thiền phái Nam tông, được xây dựng theo lối kiến trúc chùa Khmer cổ rất ít gặp ở miền Đông sẽ đem đến cho bạn những ấn tượng khó phai mờ.

Du lịch, GO! - Thổng hợp từ Vietgle, TCDL,
Khi đã hiểu luật chơi, dường như ai cũng muốn ít nhất được một lần thử khám phá tên gọi các quân cờ. Hay chí ít, khi đến với hội bài chòi, ai ai cũng đều được thưởng thức những làn điệu dân ca vừa như quen, vừa như lạ qua tiếng hát của người hô. Ra về, những câu hát sẽ như còn đọng lại mãi, quyến luyến, khó quên.

Cảnh tượng nơi đây thật lạ, có ca sĩ, nhạc sĩ, có diễn viên, có sân khấu hẳn hoi, nhưng khán giả thì chẳng hề ngồi không thưởng thức như thường thấy.

Trên sân khấu, lũ trẻ tha hồ chạy nhảy, chơi đùa. Đám đông xung quanh không chỉ lắng nghe từng câu hát, mà chốc chốc lại thấy reo lên với những chiếc thẻ gỗ trên tay để rồi hớn hở đón nhận những chiếc cờ vàng từ tay các "anh thị vệ" của đoàn diễn. Những cụ già thì dường như lại như chỉ biết đến lời ca và ngồi gõ nhịp phách say sưa cùng tiếng trống.

Phố cổ Hội An nhỏ lắm và cũng yên tĩnh lắm. Vọng đến tai hầu như chỉ thấy có tiếng cười, tiếng nói của những người khách du lịch. Vậy mà bỗng dưng đêm nay, nơi cuối con phố lại bỗng rộn ràng những âm thanh của lời ca, tiếng trống hòa trong giai điệu lả lướt của chiếc đàn nhị.

Dường như toàn bộ cư dân của khu phố cổ đang tập trung tại sân chơi cũng nho nhỏ và ngập đầy sắc màu vàng xuộm hắt ra từ những chiếc đèn "măng - xông hiện đại" này. Tách một em gái nhỏ ra khỏi dòng chảy sôi động của cuộc vui, chúng tôi được biết, đây là đêm hội bài chòi thường được tổ chức vào tối thứ bảy hàng tuần tại khu phố cổ Hội An.

Một sân chơi đầy lý thú

Đêm hội bài chòi hiện nay đã trở thành một sân chơi quen thuộc của người dân Hội An. Cứ vào tối các ngày thứ bảy, mọi người lại tụ tập về khoảng sân giữa phố Hội và sông Hoài (hay còn gọi là sông Bạch Đằng) để được có những giờ phút thư giãn một cách đầy hứng khởi cho kỳ nghỉ cuối tuần.

Chính sân chơi này đã đem lại chút không khí sôi nổi giúp khu phố cổ thêm phần sinh động mà vẫn không hề làm mất đi vẻ đẹp yên bình rất đặc trưng của Hội An. Vì rằng, đêm hội bài chòi vừa mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống hiện đại, vừa chứa đựng vẻ dịu dàng, duyên dáng của một nét văn hoá truyền thống đầy ý nghĩa.

Không ai biết chính xác hội bài chòi xuất hiện vào thời điểm nào. Tuy nhiên, từ khoảng 300 - 400 năm trước đây, loại hình vui chơi này đã được tổ chức thường xuyên ở các tỉnh Thừa Thiên - Huế vào những dịp lễ hội ngày xuân. Sau đó, bởi nhiều lý do nên hội bài chòi không còn phổ biến được như trước, thậm chí là đứng trước nguy cơ "thất truyền".

Cho đến khi khu phố cổ Hội An được tổ chức UNESSCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Trung tâm Văn hoá Thể thao Hội An đã quyết định khôi phục lại sân chơi văn hoá này tại đây, vừa để bảo tồn, vừa để quảng bá một nét văn hoá đặc sắc của dân tộc tới khách du lịch cả trong và ngoài nước.

Có thể hiểu một cách nôm na rằng hội bài chòi là sân chơi của những ván cờ. Mỗi ván gồm có 30 quân cờ với 30 tên gọi khác nhau chia thành 10 loại thẻ gỗ (3 quân cờ là một thẻ) và người chơi sẽ được chọn mua các loại thẻ đó.

Sau khi "nhà cái" phát hết thẻ cho mọi người, ván cờ sẽ được bắt đầu bằng việc rút thăm que tre có ghi tên một quân cờ. Lúc này, anh "hiệu" (người hô) sẽ dẫn dắt cuộc chơi bằng những câu hát có liên quan đến tên quân cờ ghi trên chiếc thăm đó, lần lượt cho đến khi ba thẻ tre được rút liên tiếp có tên gọi trùng với các tên quân cờ ghi trên cùng một thẻ gỗ.

Đây là một số câu “thai”:

Một hai họ nói rằng không
Dấu chân ai đứng bờ sông hai người?
                                                            (Con bài Tứ cẳng)

Ta bưng một đĩa mắm lầm
Vừa đi vừa hát té ầm xuống sông.
                                                            (Con bài Ông Ầm)
Ngồi kề vực thẳm anh câu
Xẩy chân tụt xuống vực sâu cái ầm.
                                                            (Con bài Ông Ầm)
Lòng thương chị bán thịt heo
Hai vai gánh nặng còn đèo móc câu.
                                                            (Con Móc câu)
Đi đâu ôm cháp đi hoài
Cử nhân không thấy tú tài cũng không.
                                                            (Con Học trò)
Tay bưng đĩa muối bát rau
Anh chấm em chấm cho mau kẻo hết dần.
                                                            (Con Nhà nghèo)

Ai đi ngoài ngõ ào ào
Nghe như ông tượng đạp vào, ông vô.
                                                            (Con Tứ tượng)

Câu hô bài có tiếng đệm và lời giải như:

Hượi mà hưới hượi
Một hai bận nói rằng không
Dấu chân ai đứng bờ sông hai người?
Hai người thì có bốn chân
Đó là tứ cẳng bớ nàng, bớ anh!

Khi tham gia, nếu thấy tên quân cờ của mình được nhắc đến trong câu hát, người chơi sẽ phải hô lên và trình thẻ gỗ để được phát một lá cờ vàng, tương đương với một phần thưởng nhỏ. Nếu người chơi có được chiếc thẻ gỗ ghi tên 3 quân cờ được nêu tên liên tục, người đó sẽ đoạt được phần thưởng lớn nhất của cuộc chơi và ván cờ kết thúc.

Nhiều người có thể cho rằng hình thức vui chơi này có vẻ dễ dàng và đơn giản, dựa vào sự may rủi là chính, chẳng khác chơi... xổ số lô tô. Nhưng thực ra, ý nghĩa và cách thức chơi hội bài chòi không hẳn vậy. Và thực tế, đây là một hoạt động văn hoá đáng được tôn trọng và giữ gìn.

Điều gửi gắm sau những cuộc vui

Thuở ban đầu, luật chơi hội bài chòi khá nghiêm khắc. Tên quân cờ sẽ không được nhắc đến trực tiếp trong mỗi câu hát mà người nghe sẽ phải tự suy đoán lấy.

Ví dụ, nếu tên quân cờ là chữ "nghèo", người hô sẽ hát một số câu có nội dung nói về chữ nghèo, người nghe tự suy luận ra và giơ thẻ của mình lên để nhận cờ vàng. Người nào không đoán được sẽ mất cơ hội được nhận phần thưởng.

Tuy nhiên, nhiều người hiện giờ chưa theo được luật chơi này, bởi vậy, nhiều khi người hô đã sử dụng các câu hát gọi trực tiếp tên quân cờ để người chơi dễ theo dõi. Dù đã có đôi chút biến đổi song hội bài chòi vẫn giữ được đặc thù riêng của mình: là một loại hình sinh hoạt văn hoá lý thú và bổ ích.

Có thể khẳng định như vậy là bởi nội dung các câu hát sử dụng trong hội bài chòi đều mang ý nghĩa nhân văn và có tính giáo dục cao (nét khác biệt căn bản để có thể phân biệt hội bài chòi với các trò... cờ bạc khác).

Các câu hát được sử dụng ở đây thường nói về tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi tình phụ mẫu, tình phu thê, đề cao những đức tính, phẩm chất tốt đẹp của con người, phê phán những tệ nạn xã hội, những tập tục lỗi thời, lạc hậu.

Vì vậy, hình thức vui chơi này không chỉ có ý nghĩa giải trí đơn thuần. Đồng thời, còn có thể coi hội bài chòi chính là một sân khấu trình diễn của làn điệu dân ca đặc trưng khu Nam (Nam Trung Bộ).

Phần thưởng dành cho người thắng cuộc trong hội bài chòi thực ra không lớn và không mang giá trị vật chất. Thông thường, cuối mỗi cuộc vui, người thắng cuộc sẽ được nhận một chiếc đèn lồng, "đặc sản" của Hội An. Song, điều quan trọng nhất đối với người chơi hiện nay không phải ở những món quà ấy mà ở chỗ họ đã có được một sân chơi văn hóa sôi nổi và đặc biệt lôi cuốn.

Du lịch, GO! - Theo mạng Cinet, TCSH, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống