Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 10 December 2011

Cùng với áo dài, áo cánh, váy lĩnh, yếm đào, thắt lưng bao... chiếc nón được coi là một thứ phục trang truyền thống của phụ nữ Việt Nam.

Việt Nam là một vùng nhiệt đới, nắng lắm mưa nhiều. Vì vậy chiếu nón đội đầu là vật không thể thiếu được để che nắng che mưa.

Nón lá Việt Nam có lịch sử rất lâu đời. Hình ảnh tiền thân của chiếc nón đã được chạm khắc trên trống đồng Ngọc Lũ, trên thạp đồng Ðào Thịnh vào 2.500-3.000 năm về trước. Từ xa xưa, nón đã hiện diện trong đời sống hàng ngày của người Việt Nam, trong cuộc chiến đấu giữ nước, qua nhiều chuyện kể và tiểu thuyết.

< Nón là và thôn nữ.

“Dáng tròn vành vạnh vốn không hư,
Che chở bao la khắp bốn bờ.
Khi để (đội) tưởng nên dù với tán,
Khi ra thì nhạt (lạt) nắng cùng mưa.
Che đầu bao quản lòng tư túi,
Giúp chúa nào quen nghĩa sớm trưa.
Vòi vọi ngồi trên ngôi thượng đỉnh,
Ai ai lớn nhỏ đội ơn nhờ.”
(Thơ cổ)

Theo sự phát triển của lịch sử qua các thời đại, nón cũng có nhiều biến đổi về kiểu dáng và chất liệu. Lúc đầu khi chưa có dụng cụ để khâu thắt, nón được tết đan. Còn loại nón khâu như ngày nay xuất hiện phải nhờ đến sự ra đời của chiếc kim, tức là vào thời kỳ người ta chế luyện được sắt (khoảng thế kỷ thứ 3 trước công nguyên).

Theo lời các cụ, trước kia người ta phân thành 3 loại nón cổ có tên gọi nón mười (hay nón ba tầm), nón nhỡ và nón đầu. Nhìn chung nón cổ vành rộng, tròn, phẳng như cái mâm. Ở vành ngoài cùng có đường viền quanh làm cho nón có hình dáng giống như cái chiêng. Giữa lòng có đính một vòng nhỏ đan bằng giang vừa đủ ôm khít đầu người đội.

Nón ba tầm có vành rộng nhất. Phụ nữ thời xưa thường đội nón này đi chơi hội hay lên chùa. Nón đấu là loại nhỏ nhất và đường viền thành vòng quanh cũng thấp nhất.

< Nón bài thơ Huế.

Trước kia người ta còn phân loại nón theo đẳng cấp của người chủ sở hữu nón. Các loại nón dành cho ông già, có loại cho nhà giàu và hàng nhà quan, nón cho trẻ em, nón cho lính tráng, nón nhà sư...

Các từ ngữ về nón lá ở Việt Nam gồm nhiều loại khác tùy theo địa danh hay giai đoạn lịch sử - ví dụ như:
- Nón dấu: Nón có chóp nhọn của lính thú thời xa xưa
- Nón gò găng hay nón ngựa: Sản xuất ở Bình Định làm bằng lá dứa đội khi cỡi ngựa.

< Nón chằm áo tơi.

- Nón rơm: Nón làm bằng cộng rơm ép cứng.
- Nón quai thao: người miền Bắc thường dùng trong lễ hội.
- Nón cời: Nón rách
- Nón gõ: Nón gõ làm bằng tre ghép cho lính hồi xưa.
- Nón lá sen: Cũng gọi là nón liên diệp.
- Nón thúng: Thứ nón lá tròn bầu giống cái thúng.
- Nón khua: Viên đẩu nón của người hầu các quan xưa.
- Nón chảo: Thứ nón mo tròn lên như cái chảo úp nay ở Thái Lan còn dùng.
- Nón cạp: Nón xuân lôi đại dành cho người có tang.
- Nón bài thơ: Ở Huế thứ nón lá trắng và mỏng có lộng hình hay một vài câu thơ v.v…

< Nón lá và nữ sinh.

Ở Việt Nam, cả hai miền Bắc, Trung, Nam đều có những vùng làm nón nổi tiếng và mỗi loại nón ở từng địa phương đều mang sắc thái riêng. Nón Lai Châu của đồng bào Thái; nón Cao Bằng của đồng bào Tày sơn đỏ; nón Thanh Hoá có 16-20 vành; nón Ba Ðồn (Quảng Bình) mỏng nhẹ và giáng thanh thoát; nón Gò Găng (Bình Ðịnh); nón Huế nhẹ nhàng, thanh mỏng nhờ lót bằng lá mỏng; nón làng Chuông (Thanh Oai, Hà Tây) là loại nón bền đẹp vào loại nhất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Nguyên liệu làm nón không phức tạp. Ở nơi nào cũng vậy, muốn làm được một chiếc nón phải dùng lá của một loại cọ nhỏ mọc hoang, dùng sợi nón - một loại sợi rất dai lấy từ bẹ cây móc (ngày nay người ta thường dùng sợi chỉ nilon) và tre.

Tàu lá nón khi đem về vẫn còn xanh răn reo, được đem là bằng cách dùng một miếng sắt được đốt nóng, đặt lá lên dùng nắm dẻ vuốt cho phẳng. Lửa phải vừa độ, nếu nóng quá thì bị ròn, vàng cháy, nguội quá lá chỉ phẳng lúc đầu, sau lại răn như cũ. Người ta đốt diêm sinh hơ cho lá trắng ra, đồng thời tránh cho lá khỏi mốc.

< Sườn nón lá.

Tre chọn ống dài vuốt nhọn, gác lên dàn bếp hong khói chống mối mọt, dùng làm vòng nón. Nón Chuông có 16 lớp vòng.

Con số 16 là kết quả của sự nghiên cứu, lựa chọn qua nhiều năm, cho đến nay đã trở thành một nguyên tắc không thay đổi. Chúng đã tạo cho những chiếc nón Chuông có được dáng thanh tú, không quá cũn cỡn, không xùm xụp. Nhưng vẻ đẹp của chiếc nón chủ yếu nhờ vào đôi bàn tay khéo léo của người thợ tạo nên.

< Chằm nón cũng là một nghệ thuật.

Người thợ khâu nón được ví như người thợ thêu. Vòng tre được đặt lên khuôn sẵn, lá xếp lên khuôn xong là đến công việc của người khâu. Những mũi kim khâu được ước lượng mà đều như đo.

Những sợi móc dùng để khâu thường có độ dài, ngắn khác nhau. Muốn khâu cho liên tục thì gần hết sợi nọ phải nối tiếp sợi kia. Và cái tài của người thợ làng Chuông là các múi nối sợi móc được dấu kín, khiến khi nhìn vào chiếc nón chỉ thấy tăm tắp những mũi khâu mịn màng. Sợi móc len theo từng mũi kim qua 16 lớp vòng thì chiếc nón duyên dáng đã thành hình.

Sao anh không về thăm quê em,
Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên.
Bàn tay xây lá, tay xuyên nón,
Mười sáu vành mười sáu trăng lên.
(Thơ Nguyễn Khoa Điềm)

< Lá buông.

Trong lúc khâu nón, các cô gái làng Chuông thường không quên tìm cách trang trí thêm cho chiếc nón hấp dẫn. Ðơn giản nhất là họ dán vào lòng nón những hình hoa lá bằng giấy nhiều màu sắc thường được in sẵn và bán ở các phiên chợ Chuông.

< Nón và người mẫu.

Tinh tế hơn, các cô còn dùng chỉ màu khâu giăng mắc ở hai điểm đối diện trong lòng nón để từ đó có thể buộc quai nón bằng những giải lụa mềm mại, đủ màu sắc, làm tôn thêm vẻ đẹp khuôn mặt các cô gái dưới vành nón.

Nét đẹp và nét duyên của chiếc nón lá không thể không nói đến sự góp phần của quai nón. Rất nhiều chất liệu, sắc màu, người dùng có thể tuỳ theo lứa tuổi mà chọn lựa.

< Nón trang trí gian hàng triễn lãm.

Nón cho các thiếu nữ thì quai lụa thanh tao; nón cho các bà, các mẹ thì bằng vải hoa, vải nhung. Nón mảnh mai, quai êm dịu, cái duyên của người phụ nữ càng thêm đằm thắm. Biến hóa hơn: quai nón tại thành thị có thể to bản, trùm đến tận mũi và trở thành chiếc khẩu trang chống bụi bặm trên hè phố.

Các cô gái Việt Nam chăm chút chiếc nón như một vật trang sức, đôi khi là vật để trao đổi tâm tư tình cảm của riêng mình.

< Nón trong ngoại giao: Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton và ái nữ của mỉnh cũng đã từng đội nón lá.

Người ta gắn lên đỉnh của lòng nón một mảnh gương tròn nho nhỏ để các cô gái làm duyên kín đáo. Công phu nhất là vừa vẽ chìm dưới lớp lá nón những hoa văn vui mắt, hay những hình ảnh bụi tre, đồng lúa, những câu thơ trữ tình, phải soi lên nắng mới thấy được gọi là nón bài thơ.

< Nón lá với du lịch: những người khách Trung Đông cực kỳ thích thú với chiếc nón truyền thống của Việt Nam.

Chiếc nón Việt Nam được làm ra để che mưa, che nắng. Nó là người bạn thuỷ chung của những con người lao động một nắng hai sương. Nhưng công dụng của nó không dừng lại ở đấy, nó đã trở thành một phần cuộc sống của người Việt Nam.

Trên đường xa nắng gắt hay những phút nghỉ ngơi khi làm đồng, ngồi bên rặng tre cô gái có thể dùng nón quạt cho ráo mồ hôi.

< Nón lá với nghệ thuật nhiếp ảnh.

Bên giếng nước trong, giữa cơn khát cháy cổ, nón có thể trở thành chiếc cốc vại khổng lồ bất đắc dĩ, hay có thể thay chiếc chậu vục nước mà áp mặt vào đó cho giải bớt nhiệt.

Trong nghệ thuật, nón lá là đề tài của hàng ngàn bức ảnh nghệ thuật đương đại lẫn tranh hội họa theo nhiều trường phái khác nhau.
Tiết mục múa nón của các cô gái người Kinh với chiếc áo dài duyên dáng thể hiện tính dịu dàng, mềm mại và kín đáo của phụ nữ Việt Nam.

< Nón trong tranh hội họa.

Với khúc hát quan họ Bắc Ninh, chàng trai và cô gái hát đối giao duyên, cô gái bao giờ cũng cầm trên tay chiếc nón ba tầm, nó giúp cô giấu khuôn mặt ửng hồng của mình khi chàng trai hát những lời bóng gió xa xôi về mối tình của chàng, thảng hoặc khi cô muốn kín đáo ngắm khuôn mặt bạn tình của mình mà không muốn để cho chàng biết.

“Tà áo dài trong trắng nhẹ nhàng bay
Nón bài thơ e lệ nép trong tay”
(Bích Lan)

Nón chính là một trong những biểu tượng của Việt Nam, là đồ vật truyền thống và phổ biến trên khắp mọi miền đất nước. Nếu ở một nơi xa xôi nào đó không phải trên đất Việt Nam, bạn bỗng thấy chiếc nón bằng lá hình mũ nhọn thì đó chính là tín hiệu Việt Nam.

Nón lá từ Bắc Trung Nam...

Người ta cho rằng chiếc nón Bắc xuất hiện ở phố cổ Hà Nội cách đây 500 năm. Nón Bắc bấy giờ sản xuất ở làng quê với cái tên là làng Chuông, Thanh Oai tỉnh Hà Tây. Rồi chiếc nón làng Chuông được đem ra bán cho người Hà Hội. Tại phố cổ Hà Nội, nơi phố phường chật hẹp, người đông đúc, có khoảng 100 con đường nhỏ gọi là Phố, với bao ngõ ngách chằng chịt. Nhà mặt tiền dành buôn bán, hẹp thắp và tối phát triển theo chiều sâu, được ngăn làm nơi ăn ở sanh hoạt gia đình, vừa buôn bán.

< Tác phẩm trên bãi biển.

Nón Bắc làng Chuông là mặt hàng đặc trưng ở Bắc lúc bấy giờ, bày bán ở phố Hàng Nón, cùng với phố Hàng Ðiếu, hàng Ðồng, Hàng Ðào, Hàng Buồm, Hàng Giầy, Hàng Chiếu, Hàng Than,... làm nên Hà Nội 36 phố phường.

Nón làng Chuông mang tính lịch sử, ngày nay được người Hà Nội làm sống lại trong các lễ hội, được nhắc tới như là chiếc nón tiêu biểu cho Hà Hội.

Tới chiếc cái nón Nghệ: rộng trên 80cm, sâu 10cm, đan bằng những sợi tre chuốt nhỏ, to và nặng, có đôi quai thao dài 1m50 làm bằng 8 sợi tơ, hai đầu có một quả găng...

Quai thao xưa nổi tiếng thời thế kỷ 17, được làm ra ở làng Triều Khúc, Thanh Trì, còn gọi là làng Ðơ Thao. Làng Ðơ Thao là làng nghề làm quai nón nổi tiếng ngày xưa, có thờ tượng tổ sư của nghề dệt quai thao, tới nay còn được dân làng tự hào.

Cái nón từ lúc xuất hiện, đi liền với đôi quai được làm bằng dây, mây, vải,... vừa để giữ chiếc nón, vừa để điểm tô cho người đội thêm duyên, thêm dáng, thêm sang trọng và quí phái theo cái nhìn thẩm mỹ bấy giờ.

-“Nón em nón bạc quai thao,
Thì em mới dám trao chàng cầm tay.”
-“Tròng trành như nón không quai,
Như thuyền không lái như ai không chồng!”
(Ca dao)

Theo bước chân Nam tiến, chiếc nón vào xứ đàng Trong với tên gọi như nón Huế, nón bài thơ, nón Bình Ðịnh...
Chiếc nón giờ đây có dáng vẻ nhẹ nhàng, mang theo trong nó cái “duyên ngầm” của người con gái Huế đội “nón nghiêng che” lãng mạn.
Chiếc nón Triều Sơn huyện Hương Trà, nón Gò Găng, nón bài thơ... lộng bên trong bài thơ, hình ảnh cầu Tràng Tiền, chùa Linh Mụ, núi Ngự, sông Hương:

“Con sông dùng dằng, con sông không chảy,
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.”
(Câu hò Huế)

< Nghệ thuật cùng nón lá.

Nón Huế nhìn soi qua ánh nắng mặt trời, trông như là bức tranh thủy mạc, mãi mãi là là cái gì đặc trưng và “rặt Huế” không sao tả hết được!

-“Chợ Dinh bán áo con trai,
Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim.”
-“Nón này là nón u mê,
Nón này là nón đi về che chung.”
(Ca dao)

Chiếc nón càng về sau này càng xa rời “nhiệm vụ che nắng che mưa”, trở thành cái để làm duyên của thiếu nữ và cũng được dùng để bày tỏ tình trai gái, tình nghĩa vợ chồng hay ẩn dụ điều gì đó...

-“Nón mới gột nước trời mưa,
Anh ham vợ đẹp thì thưa việc làm.”
-“Trời mưa thì mặc trời mưa,
Chồng tôi đi bừa đã có nón che.”
(Ca dao)

< Nón cũng là tranh cổ động.

Vào đến miền Nam, chiếc nón được gọi nôm na là “nón lá buông”. Nón làm bằng lá buông, với tre, chỉ sợi... vật liệu có sẵn và nhiều ở Trảng Bàng Tây Ninh, Tân Hiệp Mỹ Tho... Chiếc nón lá miền Nam kiểu dáng nhẹ nhàng, rẻ tiền, rất ư là đời thường nên thực dụng, nhưng vẫn giữ cái dáng vẻ “duyên” của người con gái miệt vườn, sông nước!

< Nón lá trong ảnh nghệ thuật trắng đen.

Nón Tây Ninh, Tân Hiệp từ lâu luôn tìm cách đáp ứng nhu cầu và thị hiếu khách hàng nên sản xuất làm 3 hạng nón: hạng nón thường, nón dày, nón lỡ. Việc tổ chức làm nón ở Tây Ninh qui mô, khoa học, sản xuất chia ra ba công đoạn để giảm giá thành, như: làm khung tre, lựa lá và chằm nón.
Khung nón làm bằng tre, loại tre cật Tây Ninh, khung có hình chóp, kích cỡ bằng chiếc nón. Khung và bộ vành với 16 chiếc vòng lớn nhỏ được chuốt nhỏ nhắn, tròn và khéo, cân xứng, nghệ thuật và nhẹ nhàng.

Lá buông có nhiều ở địa phương, là nguyên liệu chánh làm nên cái nón. Lá phải chọn lá già, lá mật cật, đem luộc chín, vuốt thẳng, phơi/sấy và ủ khô sao cho lá còn giữ màu trắng tự nhiên vẫn xanh-trắng mịn màng, không bị ngả màu đen hay vàng. Lá phải cán hay vuốt thẳng, sao cho sau khi lợp, sau khi chằm không bị co bị dúm lại.

< Duyên dáng với nón lá.

Giai đoạn cuối cùng là chằm nón bằng những sợi chỉ trong suốt dọc theo nan tre. Chính giữa hai lớp lá được đặt vào các hoa văn, hoặc câu thơ cắt bằng giấy, có khi là hình cầu Tràng Tiền, núi Ngự, Sông Hương...

Người thợ nón Tây Ninh mỗi ngày làm ra từ 2 đến 4 cái nón tùy theo hàng. Những chiếc nón ra lò ở đây trông “rất Huế” nhưng không phải Huế, do bàn tay những nghệ nhân Tây Ninh khéo léo, bằng những đường kim mũi chỉ sắc sảo.

Du lịch, GO! - Tổng hợp
Với đặc thù có nhiều hòn đảo đá nhô lên từ mặt biển, hang động trong lòng Vườn Quốc gia và Khu dự trữ sinh quyển, Cát Bà ẩn chứa trong mình những hang động kỳ bí và độc đáo, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách, thúc đẩy phát triển du lịch.

Trên đảo Cát Bà hiện có khoảng 20 hang động lớn nhỏ trải dài từ xã Phù Long đến thị trấn Cát Bà và  trên những hòn đảo trong khu vực vịnh Lan Hạ. Động Thiên Long ở xã Phù Long, xã Trân Châu tự hào có động Quân Y, xã Hiền Hào có động Cây Thị, xã Gia Luận có động Hoa Cương…

Theo nhận xét của đa số du khách khi đến Cát Bà, nét độc đáo của hang động nơi đây là những quần thể hang động trải dài khắp đảo, ẩn chứa vẻ đẹp riêng với giá trị thẩm mỹ và địa chất mà thiên nhiên ban tặng.

Được ví như điều kỳ diệu của thiên nhiên, hệ thống hang động ở Cát Bà được hình thành từ những ngọn núi đá vôi, tạo khá nhiều thạch nhũ, chủ yếu là những hang chạy dài và chia ra nhiều ngách chứ không là một hang lớn.

Từ trung tâm thị trấn Cát Bà, khoảng 15 phút đi xe ô- tô, trên trục đường đến Vườn Quốc gia Cát Bà, tại khu vực Khe Sâu xã Trân Châu, du khách dễ dàng nhận ra động Quân Y nằm ngay ven đường, lưng chừng núi. Đây có thể coi là “kiệt tác” của con người tạo nên mà vô hình chung sau này trở thành điểm du lịch thú vị.

Vào thời kháng chiến chống Mỹ, động này được xây dựng và thiết kế làm bệnh viện. Trong lòng động, mô hình một bệnh viện được hình thành với sức chứa hơn 100 thương binh. Ngoài 17 phòng bệnh và các phòng chức năng, trong lòng động còn có bể bơi, bãi chiếu phim và khu tập luyện  thể lực…

Những kỳ công trong xây dựng và thiết kế của con người để lại một trong những điểm tham quan hấp dẫn, thú vị bậc nhất ở Cát Bà. Khi tham quan và tìm hiểu động trở ra chắc nhiều người tự hỏi vì sao ông cha ta có thể tạo ra được một công trình “đặc biệt” đến thế?

Không kém về vẻ đẹp và sự quyến rũ, động Thiên Long (xã Phù Long) được coi là một trong những động đẹp nhất ở Cát Bà với 3 tầng được kết cấu khác nhau. Khu vực giữa động có một ngọn thạch nhũ nhỏ nước quanh năm tạo nên một vũng nước nhỏ mát lạnh.

Hoặc động Cây Thị, trong thời chiến tranh dùng làm nơi tránh bom, đạn, nằm cheo leo trên sườn núi, cách mặt nước biển khoảng 30m. Hay động Hiền Hào cũng có đặc thù khi nó được phát hiện trong thời kỳ phá đá làm đường xuyên đảo nên giữ được vẻ hoang sơ với những tảng thạch nhũ còn nguyên độ sắc cạnh và óng ánh, hấp dẫn du khách khi đến Cát Bà.

Bên cạnh những hang, động tiêu biểu trên, Cát Bà sở hữu một số động có tiềm năng phát triển du lịch như động Gia Luận, Trung Trang, Hoa Cương hay hang Luồn, tạo nên hệ thống thắng cảnh mà không phải nơi nào cũng có được.

Trong những năm gần đây, du lịch hang động ở Cát Bà trở thành sản phẩm thu hút ngày càng đông du khách và các hãng lữ hành tổ chức tua du lịch Vườn quốc gia- hang động Cát Bà để giới thiệu và đưa khách đến.

Hệ thống hang động cùng với các tua du lịch sinh thái, cộng đồng, leo núi ở Việt Hải, Trân Châu, Xuân Đám… đang thiết thực góp phần khắc phục tính mùa vụ của du lịch Cát Bà. Mặt khác, ngoài đa dạng sản phẩm du lịch, “tua” tham quan hang động thật sự là điểm nhấn, khác biệt của du lịch biển, đảo Cát Bà mà du khách rất yêu thích, đặc biệt là khách đến từ các nước phương Tây.

Du lịch hang động cũng là sự bổ trợ cho thương hiệu du lịch Cát Bà cùng với giá trị của khu dự trữ sinh quyển thế giới, Vườn Quốc gia, vịnh Lan Hạ và hệ thống hàng trăm bãi cát trải khắp các vịnh ở Cát Bà.

Du lịch, GO! - Theo Hải Phòng Online, internet
Ngay từ đầu tháng 11, tin tức về việc cá mập kéo nhau về vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), thậm chí vào tận những rạn san hô xung quanh Cù Lao... tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Phóng viên Chuyên đề ANTG đã ra tận nơi, trực tiếp gặp gỡ những ngư dân lão luyện  đã 3 thế hệ chuyên săn cá mập ở vùng biển này để tìm hiểu rõ thực hư…

1. Cù Lao Chàm là một cụm đảo, bao gồm 8 hòn đảo nằm ngoài khơi, cách bờ biển Cửa Đại, Hội An 15km. Cù Lao Chàm là một di chỉ gắn liền với sự phát triển của thương cảng Hội An, còn lưu giữ nhiều di tích gắn liền với nền văn hóa Chăm Pa, Đại Việt. Cù Lao Chàm, ngoài việc đã được công nhận là Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới, còn trở nên nổi tiếng khi  hàng chục ngàn cổ vật thuộc dòng gốm Chu Đậu được trục vớt tại vùng biển này.

Ngay sau khi thông tin “cá mập xuất hiện”, đã có nhiều cú điện thoại của những "tín đồ" bộ môn snorkeling (bơi ống thở ngắm san hô) và scuba diving (lặn biển với bình khí nén) dồn dập gọi đến tôi hỏi về tính xác thực. Có thể đối với những khách du lịch tắm biển đơn thuần, thông tin trên không quá quan trọng vì mùa du lịch trọng điểm ở Cù Lao Chàm đã qua.

Có thể đối với cả những công ty lặn biển, thông tin trên cũng không quá quan trọng vì mùa lũ lụt đã tới, lượng nước khổng lồ đỏ phù sa đổ ra biển đã khiến nước xung quanh vùng san hô đục đến mức khó có thể quan sát dưới đáy biển, nên các dịch vụ liên quan đến hoạt động lặn biển tại Hội An đa phần đã ngừng. Nhưng đối với những người yêu thích môn lặn biển trót đam mê những rặng san hô tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới này, thông tin đó liên quan đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của họ.

Đa phần những thắc mắc ấy xoay xung quanh chuyện cá mập về quanh vùng biển Cù Lao Chàm là hiện tượng bình thường hay bất thường, thông tin đưa cá mập vào tận những rạn san hô thì là rạn san hô nào, có phải là những nơi đang diễn ra hoạt động lặn biển hay không? Hơn thế nữa, tại sao cá mập lại xuất hiện vào thời điểm này, liệu chúng có xuất hiện vào thời điểm khác nào trong năm nữa hay không? Tại sao những thông tin chi tiết hơn nữa không được đưa ra để mọi người đỡ nghi ngại? Liệu tình trạng có đến mức như những gì đã xảy ra ở Quy Nhơn khi cá mập tấn công người tắm biển ngay giữa ban ngày hay không?

2. Phải đến ngày thứ hai và hơn chục cú điện thoại thuyết phục, ông Lê Lanh mới đồng ý cho tôi gặp và hỏi chuyện. "Anh thông cảm, nghề này phải "cữ" (kiêng kỵ) nhiều thứ, nên rất ngại phải bị chụp ảnh hay nói chuyện nghề", lão ngư dân đã 60 tuổi với 40 năm tuổi nghề câu cá mập trên vùng biển xung quanh khu vực Cù Lao Chàm thẳng thắn nói. Ba thế hệ nhà ông Lanh, từ người cha đã mất là cụ Lê Rựa, đến đời ông, rồi tiếp nối là trưởng nam Lê Lẹ nay cũng đã hòm hòm trên 20 năm tuổi nghề câu cá mập, là một trong những dòng tộc gắn bó với cái nghề săn cá dữ lâu đời nhất trên hòn đảo cách bờ biển Hội An 15km này.

Anh Lê Lẹ ra bãi Làng đón tôi rồi dẫn dẫn đường vào sâu xóm dân cư trung tâm xã đảo Tân Hiệp. Rẽ vào một ngách nhỏ phía cuối xóm, vào đến nhà ông Lanh cũng là lúc cha con ông đang chuẩn bị đồ nghề cho chuyến đi câu cá mập vào sáng sớm hôm sau. Hai cha con ông Lanh, những người giàu kinh nghiệm nhất, đang làm "thẻo" (dây câu cá mập, bao gồm 3 sợi cước 140 bện xoắn lại thành 1), cậu con rể thì đang làm phao cờ.

Đã vượt qua được những ngại ngần về tâm lý, ông Lanh trải lòng giải thích cho tôi về kinh nghiệm làm bộ đồ câu cá mập. Mỗi một bộ "thẻo" hoàn chỉnh bao gồm 1 lưỡi câu inox to đến 4,5 ly; lưỡi câu ấy được móc vào "mí" (một sợi dây inox chắc chắn dài khoảng 30 phân); rồi "mí" mới được nối vào sợi dây cước đã bện. Mỗi một bộ "thẻo" tiêu chuẩn phải có độ dài 3 sải (khoảng 5m). 17 bộ "thẻo" như vậy, tương ứng với 17 lưỡi câu, sẽ được buộc vào một phao xốp có cắm cờ đánh dấu ký hiệu riêng của từng tàu, rồi thả xuống biển, được neo cố định trên mặt biển bằng những hòn đá to buộc phía dưới phao. "Trung bình, mỗi chuyến đi câu biển thì thuyền tui thả 5 phao, khoảng 90 lưỡi, mỗi phao cách nhau khoảng 500 sải (750m)", anh Lê Lẹ cho biết.

"Không hề có chuyện cá mập cá nhám vào tận những bãi san hô quanh đảo đâu. Cả đời tui ở đây cũng chưa hề thấy chuyện đó", vừa nhanh tay quấn "thẻo", ông Lê Lanh vừa chắc chắn khẳng định. "Tui đi câu mập, ngoài chuyện phải đi đúng mùa cá mập về Cù Lao Chàm chỉ kéo dài 2 tháng từ tháng 9 Âm lịch đến tháng 11 Âm lịch, còn phải ra tận ngoài khơi mấy hải lý, buông gần trăm lưỡi câu… mà có hôm được hôm không. Cá mà vô tận đây thì tụi tui nhàn quá", ông cười.

Bổ sung thêm, anh Lê Lẹ cho biết, anh chỉ tận mắt chứng kiến được cá Ông (cá voi) và cá heo bơi vào gần Cù Lao Chàm khi đứng nhìn từ trên mũi Đá xuống, chứ cá mập và cá nhám thì chưa hề thấy bao giờ. "Tuyệt đối không có chuyện cá mập vô sát bờ đâu", anh Lẹ khẳng định.

3. Chiếc thuyền nhỏ do đích thân anh Lê Lẹ cầm lái đưa tôi chạy thẳng từ cầu tàu Cù Lao Chàm ra ngoài biển để anh chỉ đích danh địa điểm đánh bắt cá mập quen thuộc của ngư dân bao lâu nay. Vượt qua vùng nước yên ả bên trong Cù Lao Chàm, vừa ra khỏi vùng biển chỗ mũi Đá, những cơn sóng đại dương bắt đầu vần chiếc thuyền nhỏ lắc lư trồi lên tụt xuống. Trỏ tay ra phía Tây Bắc, anh Lẹ lớn tiếng để át tiếng gió: "Tính từ mũi Đá, là điểm cực bắc của đảo Cù Lao Chàm, thuyền chạy ra ngoài kia tới 2,5 đến 3 hải lý (mỗi hải lý tương đương 1,85 km) thì mới đến điểm thả câu".

Cũng theo lời anh Lẹ, mùa đánh bắt cá mập chỉ kéo dài độ 2 tháng, và không phải hôm nào cứ muốn đi câu mập là cũng được. Cá mập và cá nhám chỉ ăn mồi vào những hôm trời mù mịt, thời tiết xấu, biển động, gió lên tới cấp 5 cấp 6. Một thuyền đi câu mập từ 4 đến 5 người phải xuất phát từ 5 giờ sáng, đến 5 giờ chiều thì trở về. Tất cả các hoạt động câu cá mồi, móc mồi, thả câu, chờ cá ăn và kéo câu đều diễn ra trong khoảng 12 tiếng đồng hồ đó. "Ngày trước thì mập nhiều lắm, giờ thì ít đi nhiều rồi, nhưng giá cũng cao hơn ngày trước nhiều".

Anh Lẹ cho biết, giá trung bình cho một con cá mập cái là 5 triệu đồng, cá đực là 2,5 triệu (cá mập cái vi dài, thịt to nên nặng ký, trung bình từ 50kg đến 60 kg/con, cá đực nhỏ thịt, chỉ từ 25kg đến 35kg/con). Cá biệt, có những con mập nặng tới hơn 2 tạ, bán được từ 15 triệu đến 17 triệu đồng. Nhưng câu cá mập vất vả ở chỗ phải đi vào hôm thời tiết xấu, riêng chuyện thả thuyền để ngồi câu cá lọt, cá lỵ hay cá cam làm mồi câu mập trong lúc gió to sóng lớn cũng là một cực hình cho người mới vào nghề. Đến khi cá dính câu kéo lên cũng phải là một nghệ thuật. 10 chiếc thuyền câu mập của ngư dân Cù Lao Chàm đều là thuyền nhỏ, nếu cá dính câu thì phải kéo gần tới ghe, đánh vào đầu cho chết mới kéo lên cho an toàn.

"Có nhiều khi kéo không khéo, cá giằng được nó táp một cái là cả miếng mồi nặng 1 ký, cả sợi "mí" bằng dây inox bền như vậy đứt ngọt như cắt", anh Lẹ kể. Bản thân anh Lẹ 2 tháng nay đã phải nghỉ nghề đi chích thuốc vì khi kéo câu một con mập lớn, cú giật của nó, dù lưỡi câu đã móc sâu vào miệng, khiến anh va cả một bên sườn vào thành tàu, sắp lành rồi mà vẫn còn âm ỉ đau.

Chiếc thuyền nhỏ quay mũi trở về sau khi tôi đã xác định được tọa độ câu cá mập bao lâu nay là quá xa để có thể nhìn thấy được lưng cá mập từ Cù Lao Chàm, cũng như quá xa để có thể dùng từ "xung quanh" Cù Lao Chàm. Khi đi vào vùng nước lặng, châm một điếu thuốc, anh Lẹ bắt đầu kể cho tôi về những cái "cữ" (kiêng kỵ) mà chỉ nghề câu mập mới có.

Người ngư dân Cù Lao Chàm khi bắt cá mập, và ngay cả khi đưa cá mập đã chết lên thuyền, đều thể hiện một thái độ tôn trọng sinh vật đã đem lại cho mình nguồn sống. Người trên thuyền không được lấy chân đạp vào cá, chỉ được lôi chứ không được ôm con mập vứt qua vứt lại, không được lấy tay đánh ngang vào miệng cá. Đặc biệt, một điều kiêng cữ chắc mới chỉ ra đời trong thời đại công nghệ hiện nay khi máy điện thoại nào cũng có chức năng chụp ảnh: kiêng chụp ảnh khi cá đang còn ở trên thuyền câu. Chỉ đến khi nào cá được chuyển sang thuyền thu mua hay ra ngoài chợ thì mới được chụp ảnh.

4. Để khẳng định thêm về độ an toàn đối với khách du lịch, anh Lẹ đánh lái thuyền đưa tôi đi thị sát toàn bộ những rạn san hô cho phép kinh doanh dịch vụ snorkeling và scuba diving xung quanh Cù Lao Chàm. Chúng đều nằm sát dưới chân núi, phía bên trong khu vịnh Cù Lao Chàm, cách xa rất nhiều khu vực đánh bắt cá mập của ngư dân nơi đây. "Mong anh thông tin chính xác những gì mắt thấy tai nghe tới cho mọi người biết sự thực là như thế nào, tránh chuyện hiểu nhầm mà khách du lịch sợ đến với Cù Lao Chàm, ảnh hưởng đến miếng cơm của bà con", anh Lẹ cười vui vẻ.

Sau chuyến đi tới Cù Lao Chàm, chúng tôi mới liên hệ với ông Nguyễn Đức Minh, Thư ký thường trực Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm-Hội An. Ông Minh khẳng định chuyện cá mập vào tận những rạn san hô gần Cù Lao Chàm là không hề có. Ông Minh cũng đánh giá những thông tin này có thể ảnh hưởng tới tâm lý của khách du lịch khi sử dụng những dịch vụ dưới nước khi đến với Khu dự trữ sinh quyển. Ông Minh cho biết Ban Quản lý cũng sớm có động thái phản ánh tới các cơ quan truyền thông để cung cấp thêm những thông tin chính xác, tránh ảnh hưởng xấu không đáng có đến tiềm năng du lịch của Khu dự trữ sinh quyển.

Du lịch, GO! - Theo CAND, internet

Từ đầu tháng 11, ngư dân ở thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp (TP Hội An, Quảng Nam) liên tục đánh bắt được cá mập trên vùng biển Cù Lao Chàm, cách bờ khoảng 3-4 hải lý.


Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, cho biết khoảng 10 con cá mập, mỗi con nặng từ 30 đến 80 kg đã liên tiếp sa lưới ngư dân trong vài ngày qua. Các thương lái đi tàu ra đảo mua cá mập với giá từ vài triệu đến hơn 10 triệu đồng một con tùy trọng lượng.


Theo ngư dân địa phương, những năm gần đây vào mùa gió chướng biển động (từ tháng 9 đến 11 âm lịch hàng năm), cá mập thường kéo đàn về quanh đảo Cù Lao Chàm trú ngụ trong những rạn san hô để kiếm ăn. Do đó các ngư dân thêm một nghề nữa là câu cá mập.


Hiện tại, ở xã đảo Tân Hiệp có hơn 40 người chuyên nghề câu cá mập. Những ngày qua "trúng cá mập", họ bán cho tư thương mang về TP Hội An và Đà Nẵng bán lại cho các nhà hàng.


Theo VnExpress

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống