Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 12 December 2011

Dân tộc Khơ Mú cư trú ở Nghệ An chủ yếu sống bằng nghề nông, trồng lúa cạn trên những trảng nương (hrệ).

Dân tộc Khơ Mú có vốn văn hóa khá dồi dào và độc đáo, thông qua các lễ hội văn hóa truyền thống, trong đó có lễ Pa sưm được lưu giữ từ ngàn đời. Người Khơ Mú trước đây quan niệm rằng, cây lúa cũng có hồn như con người. Vì vậy, phải cầu hồn lúa, để hồn lúa khỏe mạnh, mùa màng bội thu, bản mường no ấm, con người khỏe mạnh.

Người Khơ Mú ở Nghệ An thường làm lễ Pa Sưm trước lúc tra hạt trên nương rẫy. Đây là lễ cầu khấn trời đất, tổ tiên và các thần linh cho nương rẫy được bội thu.

Chủ lễ là người phụ nữ trong nhà. Bà đóng vai Mẹ lúa, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. Trước tiên, Mẹ lúa dọn một khoảnh đất khoảng 2m2, đủ để đặt mâm làm lễ cúng ở một chỗ tương đối bằng phẳng trên rẫy, gọi là Mắt rúc. Mẹ lúa đặt mâm cúng vào giữa Mắt rúc, trong mâm ngoài xôi, rượu, muối nhất thiết phải có một con gà luộc và con gà này phải là gà trống lông đen. Mẹ lúa trong trang phục cổ truyền chỉnh tề, trước mâm lễ đọc bài cúng, nội dung cầu khấn Hrôi Yvang (Thần Ông trời) làm cho mưa thuận gió hòa, Hrôi Ptê (Thần Đất), Hrôi Hrê (Thần Nương rẫy) làm cho hạt giống mau nẩy mầm, lên xanh tốt, bông to, hạt mẩy, muông thú không phá hoại.

Mẹ lúa làm lễ xong, mọi người bắt tay vào tra hạt. Tra hạt xong Mẹ lúa làm lễ tưới nước, kết thúc lễ Pa Sưm. Vào buổi chiều tối ngày tra hạt xong, Mẹ lúa bảo mọi người lấy nước rửa tay, rửa gậy chọc lỗ cho sạch, đứng trước chòi lúa. Sau đó, Mẹ lúa cầm ống nước đi vòng quanh chòi lúa, tưới nước ra xung quanh, vừa làm vừa khấn: "Tưới cho cây lúa mọc, cho cây lúa nẩy mầm, cho hạt chắc bông dài, gốc lúa bằng gốc lau, bông lúa dài bằng quả núc nác…". Mẹ lúa khấn xong mọi người vào chòi ăn cơm, uống rượu, kết thúc công việc tra hạt.

Sau khi tra lúa về, gia đình tổ chức lễ Pa sưm phải làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo kết quả công việc đã hoàn tất, đồ cúng bằng 2 chum rượu cần (1 to, 1 nhỏ) và khấn cầu xin tổ tiên phù hộ. Kết thúc lễ chủ nhà mời mọi người ăn cơm, uống rượu cần và múa các điệu au eo, tăng bu-múa.

Lễ Pa Sưm là một lễ trong hệ thống các lễ tục nông nghiệp của người Khơ Mú. Nó phản ánh niềm tin của đồng bào vào thiên nhiên (trời, đất, nương rẫy…) có linh hồn, phản ánh ước muốn của họ về mùa màng bội thu, cuộc sống đầy đủ.

Du lịch, GO! - Theo mạng Cinet, DanViet, ảnh sưu tầm
72 giờ sống cùng các chiến sĩ trên nhà giàn, có những đêm chúng tôi không hề ngủ, nằm và nghe tâm sự đời người lính biển. Với họ, Tổ quốc không chỉ có những điều lớn lao mà còn là những điều hết sức bình dị. Đó là mảnh ruộng nhỏ nơi con trâu đi trước cha già, là miếng bánh đúc của mẹ sau những toan tính mớ rau bán chợ, là vợ hiền con ngoan...
Họ gọi chung những niềm yêu thương đó là đất liền.

Bạc đầu cho đất liền mãi xanh

Có một điểm chung với nhiều chiến sĩ nhà giàn là tóc thường bạc trắng dù tuổi đời còn rất trẻ. Thượng úy Nguyễn Văn Khương, nhân viên cơ yếu nhà giàn DK1/21, mới 39 tuổi mà mái tóc đã muối nhiều hơn tiêu. Song ở nhà giàn không chỉ riêng anh Khương, nhiều anh em chỉ mới chớm 30 tóc đã đổi màu.

Anh Khương tâm sự: “Anh em nhà giàn chúng tôi tóc bạc và rụng nhiều lắm, có lẽ vì thiếu thốn tình cảm đất liền, xa gia đình, vợ con, bạn bè nên trăn trở khó ngủ. Bão dông luôn rình rập đáng sợ. Nhà giàn là nhà sắt, rađa hoạt động liên tục nên bị nhiễm từ. Ăn cá biển quá nhiều nên bị tăng thủy ngân. Uống nước mưa gỉ sắt sơn, ca trực lại thay đổi kéo dài. Có lẽ đó là những nguyên nhân chính khiến anh em tóc bạc sớm”.

Có chiến sĩ nhà giàn khi vừa đặt chân đến đất liền chưa về nhà vội mà tạt ngang qua tiệm cắt tóc để nhuộm lại mái tóc đã bạc. Không phải họ sợ bị người ta chê già, mà sợ vợ con lo lắng nhiều cho những chuyến đi sau của chồng. Đại úy Nguyễn Đình Hoán chia sẻ: “Lính nhà giàn thường nói vui rằng anh em cứ bạc đầu theo ngọn sóng cho đất liền mãi xanh. Nghĩ đến điều đó là chúng tôi thấy ấm lòng”.

Chúng tôi được nghe câu chuyện cảm động của chuẩn úy Phan Huy Quỳnh, sinh năm 1983, quê Hà Tĩnh. Bố của Quỳnh cũng là một chiến sĩ hải quân, ông qua đời trong lúc đang làm nhiệm vụ khi Quỳnh mới 2 tuổi. Quỳnh chỉ biết hình ảnh bố qua lời kể của mẹ và những chú bộ đội hải quân.

Anh nói: “Từ nhỏ tôi đã được mẹ kể rất nhiều về bố, về sự can trường của người lính biển. Vì thế tôi luôn mơ ước trở thành một người như bố - một chiến sĩ sẵn sàng ra khơi xa để quê mẹ được bình yên. Bây giờ tôi tự hào vì đang làm nhiệm vụ như ngày xưa bố từng làm”. Và không chỉ riêng Quỳnh, ở DK1 còn có rất nhiều chiến sĩ trẻ khác đã ra đây theo bước cha anh gìn giữ biển trời quê hương.

Nhiệm vụ là trên hết, tất cả chiến sĩ ngoài nhà giàn DK1 đều xác định nhiệm vụ cao cả nhất là phụng sự Tổ quốc. Thiếu úy báo vụ Nguyễn Thanh Miễn trên nhà giàn DK1/12 là con trai cả trong một gia đình làm nông ở Hà Tĩnh. Anh vào hải quân đã được chín năm và có năm năm công tác trên năm nhà giàn khác nhau. Bố anh 60 tuổi, thương binh, do những vết thương cũ tái phát nên đột ngột ra đi vào cuối năm ngoái. Khi đó anh Miễn đang theo tàu ra tăng cường trên trạm Phúc Nguyên, phải một tuần sau anh mới nhận được tin dữ.

“Bố tôi mất mà tôi lại không có nhà. Lúc đó buồn ghê gớm vì thương nhớ đất liền nhưng cũng phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ, vì chúng tôi là lính thông tin nên luôn phải nhanh chóng, kịp thời và chính xác tuyệt đối. Khi đó đồng đội cứ động viên tôi: Thôi, mình không về được nhưng mình ở đây để canh giữ vùng biển của Tổ quốc, vậy là cũng đủ làm người thân của mình ở đất liền yên lòng rồi”, anh Miễn nói.

Biển rộng sông dài

Những người lính nhà giàn luôn xa quê nên có những câu chuyện đời đáng nhớ với đất liền. Đã có chiến sĩ đành phải chấp nhận đám cưới vắng chú rể vì phải làm nhiệm vụ đột xuất.

Thiếu úy Vũ Hữu Tùng, người vắng mặt trong đám cưới của chính mình, kể: “Quê tôi ở tận Thanh Hóa, tuổi lính được bảy năm thì có bốn năm gắn bó với nhà giàn. Tuy xa xôi cách trở nhưng bạn gái của tôi vẫn hiểu và thông cảm cho tôi để đi đến hôn nhân. Cuối năm ngoái, khi đám cưới đã định ngày, lúc vừa bước xuống tàu để vào đất liền làm đám cưới thì bão tố kéo về, tàu phải neo đậu lại giữa biển đến 18 ngày. Ngày về đến đất liền đám cưới đã xong, một mình cô dâu lủi thủi về nhà chồng. Tôi nghĩ mà thương cô ấy nhiều lắm”.

Câu chuyện tình yêu của lính nhà giàn quả có nhiều nút thắt vì nỗi niềm xa cách. Anh Đàm Cảnh Vĩnh, 37 tuổi, quê Đông Sơn, Thanh Hóa, đã có 18 năm phục vụ trong hải quân và trên mười năm ra công tác ở các nhà giàn. Sau bao lần “cưới hụt” vì người yêu bỏ đi lấy chồng do không đợi nổi, lần về phép đợt rồi anh Vĩnh quen và cưới một cô giáo làng.

Anh kể: “Tôi làm quen cô ấy gần hai tuần và hỏi cưới luôn. Lính mà! Và cũng thật may cô ấy đồng ý. Ngày 21-6-2009, chúng tôi tổ chức đám cưới, sau đó vài bữa là phải cùng nhau xuôi Nam để kịp trả phép, tôi lên đường làm nhiệm vụ. Nghĩ mà thương vợ, cưới xong chồng lại đi biền biệt cả năm trời mới về. Khi tôi lên tàu, vợ gọi điện báo đã có bầu được bảy tuần. Mừng lắm, muốn an ủi vợ mà giọng cứ nghẹn lại”.

Nhưng đó là câu chuyện của những anh lính tuổi đang xuân, còn với những người lính đã có vợ thì đều đồng ý rằng lòng chung thủy của vợ ở nhà có thể so sánh như biển rộng sông dài.

Chồng đi biền biệt, thời gian chồng ở với biển dài gấp bội lần bên vợ con, vậy mà họ vẫn luôn giữ trọn lời thề thủy chung. Quà của lính nhà giàn chẳng có san hô, chẳng có hoa ốc, chỉ có những cánh thư làm quà đi về hai đầu nỗi nhớ. Thiếu úy Phạm Tiến Dũng, nhân viên thông tin ở nhà giàn DK1/21, hóm hỉnh: “Tôi thương vợ con, thương đất liền lắm! Tôi nói với vợ tôi rồi, sau khi về hưu tôi sẽ tặng huy chương cho vợ vì sự thủy chung và hi sinh của cô ấy”.

Những người lính nhà giàn đều tâm sự với chúng tôi rằng khi đã có vợ rồi, họ càng cảm thấy thương yêu vợ con hơn. Bởi không có sự hi sinh và thủy chung của mái ấm ở quê nhà, những người lính khó yên lòng chống chọi với bão tố. Sau những bản tin thời tiết ở biển Đông, nhiều người vợ, nhiều mẹ già chong đèn không ngủ vì lo cho các anh. Nghĩ đến điều đó, những người lính nhà giàn lại càng thương đất liền nhiều hơn.

- Cột mốc chủ quyền giữa đại dương
- 72 giờ trên nhà giàn DK1 - Kỳ 1: Vùng ánh sáng bừng lên
- 72 giờ trên nhà giàn DK1 - Kỳ 2: Sống ở nhà giàn
- 72 giờ trên nhà giàn DK1 - Kỳ 3 : Thương lắm , đất liền ơi
- 72 giờ trên nhà giàn DK1 - Kỳ cuối: Bố, con và DK1

Du lịch, GO! - Theo Tuoitre, internet
Từ dưới nhìn lên nhà giàn, chúng tôi không khỏi choáng bởi độ cao, sự chênh vênh của nhà giàn giữa mênh mông biển khơi. 

Mặc dù hành lang cầu thang lên nhà giàn khá chắc chắn, nhưng mỗi bước đi chúng tôi đều cảm thấy run run dù biển chỉ động khoảng cấp 3. Với bốn chân cắm sâu trong lòng đại dương, nhà giàn nổi lên như một chòi canh bé nhỏ giữa tiếng gào thét của sóng dữ.

Chi li từng centimet

Những khi gió lớn, biển quăng mình theo từng cột sóng thì nhà giàn oằn mình kẽo kẹt. Đại úy Nguyễn Đình Hoán, nhân viên quân y ở nhà giàn DK1/21, cười nói: “Là lính nhà giàn phải có thần kinh thép, không thì khó bề bám trụ với biển khơi. Ở đây trên chỉ có trời, giữa có tấm sàn nhà bằng sắt, dưới là sóng bạc đầu, san hô và cá mập. Vì thế, anh em hay nói đùa lính nhà giàn là những người đầu đội trời, chân đạp sắt”.

Cuộc sống của chiến sĩ nhà giàn chẳng có nhiều không gian như ở Trường Sa hay các đảo chìm khác. Suốt cả mấy chục năm binh nghiệp chỉ quanh quẩn trong mấy chục mét vuông chênh vênh giữa biển trời.

Ở đây người ta gọi nhà giàn là nhà lô, mọi hoạt động, sinh hoạt đều được tính toán, tận dụng chi li từng centimet. Vui nhất là chuyện mấy chiến sĩ mới lần đầu ra nhà giàn, đi lòng vòng nhà để tập thể dục. Do chưa quen với sóng gió, vòng tròn quanh nhà lại hẹp nên chỉ đi được mấy vòng, nhìn xuống thấy sóng biển dập dờn là xây xẩm mặt mày, hốt hoảng tưởng nhà giàn bị đổ.

Cũng có những nhà giàn đã nghiêng hẳn một bên sau những đợt sóng to gió lớn, anh em chiến sĩ đi lại phải nghiêng mình để giữ thăng bằng. Họ thường nói vui rằng những người sống trên nhà giàn đã nghiêng là những “chiến sĩ cánh cụt”. Một chiến sĩ trẻ cười giải thích: “Chúng tôi đi lại trên nhà giàn với hai tay xòe ra, chập chững đi từng bước như chim cánh cụt Bắc cực vậy!”.

Dù điều kiện chật chội và khắc nghiệt nhưng hằng ngày các chiến sĩ nhà giàn vẫn phải vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Ở đây ít khi dùng kẻng báo thức vào mỗi sớm mai, vì đã có những cơn gió lạnh lay người khi trời vừa rạng đông. Các loại lịch, phương tiện đếm thời gian đều trở nên không hiệu quả giữa trùng khơi. Họ tính mùa theo hướng gió, đoán tháng theo những cánh thư, tính ngày theo cơn thủy triều...

Chuẩn úy Phan Huy Quỳnh, ở nhà giàn DK1/21, nói: “Ở đây ngày nào cũng như ngày nào, chỉ có sóng gió và đồng đội làm bạn. Mỗi sáng thức dậy anh em lại lao vào tập luyện, mỗi người một nhiệm vụ để canh giữ biển trời. Tối đến thì mỗi người một giờ thay nhau canh gác, đó là những khoảnh khắc căng thẳng nhất giữa biển đêm. Lúc rảnh rỗi, để khuây khỏa anh em xuống dưới sàn câu cá, mắt dõi về đất liền”.

< Rèn luyện thể thao trên nhà giàn DK1/21.

Những đêm dông bão kéo về, anh em nhà giàn dường như không ngủ. Thượng úy Nguyễn Văn Khương tâm sự: “Nhiều đêm sóng lớn làm rung rinh cả nhà giàn, anh em phải gối áo phao để ngủ. Trên đầu giường ai cũng chuẩn bị 1,5 lít nước ngọt, tỏi, gừng để chống rét, thuốc chống cá mập... phòng khi bất trắc xảy ra. Đã ra đây thì phải chấp nhận đối diện với hiểm nguy, chấp nhận hi sinh để biển đảo quê hương được trường tồn”. Có lẽ vất vả nhất trong số anh em ở nhà giàn là những chiến sĩ thông tin.

Để đảm bảo thông tin từ chỉ huy đến với các nhà giàn, họ phải căng tai suốt cả ngày đêm. Những lúc biển động, sóng điện đài bị nhiễu, truyền được một bản tin là áo ướt đẫm mồ hôi.

Tắm kiểu em bé!

< Các chiến sĩ nhà giàn tắm trong thau để tiết kiệm nước ngọt.

Hơn hai tháng nay chưa hề có một trận mưa ở khu vực nhà giàn Ba Kè. Thấy người đông, chỉ huy trưởng Nguyễn Văn Suốt lo lắng. Cứ mỗi sáng mai anh lại đều đặn đi đo lường lại lượng nước ngọt còn trong két chứa, vì đó là nguồn sống không thể thiếu của anh em nhà giàn. Anh Suốt tâm sự: “Thiếu ăn còn nhịn được vài ngày chứ thiếu nước thì khó sống nổi giữa biển khơi lắm. Không có nước thì rau xanh cũng chẳng có, gạo cũng chẳng thành cơm”.

Cứ mỗi khi trời kéo mây chuyển dông, anh em nhà giàn lại tung quân đi làm vệ sinh trần nhà để hứng nước. Cả ba ngày nay trời đều chuyển dông nhưng nước ngọt vẫn còn quá xa tầm với của nhà giàn DK1/21. Sàn không một giọt mưa, chỉ có những giọt mồ hôi mặn chát và nỗi lo lắng của người lính biển.

< Chiến sĩ nhà giàn đọc báo từ đất liền mang ra.

Có sống với các chiến sĩ nhà giàn mới hiểu được tầm quan trọng của nước ngọt. Nước ngọt ở đây quý như vàng. Mỗi ngày các chiến sĩ chỉ được cấp đúng 15 lít nước nên anh em đều phải tắm giặt theo một quy trình khép kín kiểu em bé tắm thau. Hai lon nước đầu (mỗi lon 1 lít) dùng để làm ướt người sau khi đã “tắm khô”. Số nước này sau đó được đem đổ vào một thùng lớn dành để tưới rau. Còn nước gội đầu, xà bông cũng được hứng lại trong thau để giặt quần áo.

Sau khi giặt quần áo, nước được dùng để lau sàn nhà hoặc rửa một số vật dụng khác. Nhìn các chiến sĩ to lớn ngồi lọt thỏm trong chậu tắm để tiết kiệm từng giọt nước, chúng tôi mới thấy quý những điều tưởng như bình thường ở đất liền. Nhiều anh em lính nhà giàn cho biết vào mùa nắng phải tiết kiệm nước ngọt triệt để. Sáng đánh răng rửa mặt phải dùng nước vo gạo, tắm rửa có lúc phải múc nước biển để dùng. Những lúc hạn hán kéo dài, nước ngọt chỉ được ưu tiên dùng cho ăn uống và tưới rau là chính.

Để trồng được rau xanh trên nhà giàn là cả một kỳ tích. Ở DK1, các chiến sĩ ngày đêm phải che chắn gió bão, nâng niu từng cọng rau muống, rau mồng tơi, dây lang đất, gốc hành... Cá nhiều vô kể nên anh em thường câu lên băm nhỏ để làm phân bón cây.
"Rau muống, lá lang ở đất liền là thứ rất bình thường, nhưng với anh em chúng tôi đó là quê nhà, là bóng mẹ già, con thơ..."

Thiếu tá quân y trạm DK1/21 Hoàng Văn Thảnh kể: “Suốt gần mười tháng chủ yếu chỉ ăn cá nên chúng tôi phải luôn giữ gìn vạt rau xanh để có thể cung cấp được khoảng 20gam rau xanh/người/bữa”. Nhưng điều quan trọng hơn: những vạt rau xanh sẽ làm vơi đi nỗi nhớ ruộng vườn, quê nhà giữa sóng biển mênh mông. Trung úy Lê Hữu Toàn, nhân viên rađa ở trạm DK1/21, tâm sự: “Mỗi khi nhớ nhà, nhớ vợ hiền con thơ, chúng tôi thường tìm đến từng chậu rau để xua đi nỗi buồn. Rau muống, lá lang ở đất liền là thứ rất bình thường, nhưng với anh em chúng tôi thì đó là quê nhà, là bóng mẹ già, con thơ, là điệu hát dân ca ầu ơ của chị gái”.

< Gói bánh đón xuân.

Chúng tôi còn nhớ đêm đầu tiên đến với nhà giàn DK1, sau 21 giờ là cả nhà giàn chìm trong bóng tối. Ngoài tiếng sóng vỗ, gió rít, còn có cả tiếng đàn bập bùng của các chiến sĩ nhà lô. Họ ngồi bên nhau hát vang giai điệu Tổ quốc quen thuộc: Dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng... Tất cả họ đều trẻ, rất trẻ!

Nhiệm vụ là trên hết, tất cả chiến sĩ ngoài nhà giàn DK1 đều xác định nhiệm vụ cao cả nhất là phụng sự Tổ quốc. Với đất liền, người lính nhà giàn chỉ có những cánh thư làm quà đi về hai đầu nỗi nhớ.

- Cột mốc chủ quyền giữa đại dương
- 72 giờ trên nhà giàn DK1 - Kỳ 1: Vùng ánh sáng bừng lên
- 72 giờ trên nhà giàn DK1 - Kỳ 2: Sống ở nhà giàn
- 72 giờ trên nhà giàn DK1 - Kỳ 3 : Thương lắm , đất liền ơi
- 72 giờ trên nhà giàn DK1 - Kỳ cuối: Bố, con và DK1

Du lịch, GO! - Theo Tuoitre, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống