Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 13 December 2011

Ai ở miền biển, cửa sông chắc đều biết còng gió. Gọi còng gió vì đây là loại còng chạy rất nhanh như... gió. Cho nên đi bắt còng gió nhưng sự thật là phải chạy đuổi cho kịp chúng, có lẽ vậy mà người dân quê tôi quen miệng thốt lên: chạy còng gió.

Con còng gió lớn cỡ ngón tay, con nhỏ cỡ đầu đũa ăn và đủ màu sặc sỡ: đỏ, xanh, trắng, vàng, cam… Vào những lúc triều cường xuống, từng đàn còng gió rời khỏi hang phơi mình trong nắng, nhìn thật vui mắt và ấn tượng, kích thích sự tò mò, thích thú của du khách, đồng thời là niềm cảm hứng của nhiều văn nghệ sĩ mỗi khi đến tham quan bãi biển, rừng ngập mặn, bãi bồi.



Thời kỳ nước ta chưa thoát khỏi nền kinh tế bao cấp, làng chài ven biển quê tôi nghèo lắm. Tiền bán con cá, con tôm không đủ để chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày. Gặp buổi tiết trời biển động, sóng to gió lớn, thức ăn không có gì ngoài mắm rau, con còng gió trở thành món ăn chính trong bữa cơm gia đình.

Còng thường đem kho mặn để lấy nước chấm rau, đem nướng hoặc nấu cháo trừ bữa. Bây giờ đời sống khá lên, có dịp về thăm quê cũ, tôi hiếm thấy dân làng rủ nhau chạy còng gió, có chăng cũng chỉ để cho vui khi giới thiệu với bà con, bạn bè từ phương xa ghé lại thăm chơi.

Còng gió đào hang trên cát, nhát bóng người, ăn các loại phù du trong sóng biển. Trời có trăng, thịt còng gió không ngon. Muốn bắt còng phải chọn những ngày tối trời, thường là từ 25 đến mồng 5 âm lịch hàng tháng. Đuốc đốt sáng bằng rơm bện chặt, tốt nhất là dùng lốp xe đạp hay xe honda, lấy cây buộc chặt cố định một đầu để cầm cho khỏi nóng. Ban đêm còng gió bỏ hang, xuống mép biển kiếm ăn. Nhân thời cơ ấy, người cầm đuốc chạy đuổi theo còng, còn lại từ 5- 10 người chia thành 2 tốp, một chặn đường về hang của còng, một xuống mép biển để đuổi bắt.

Vừa đuổi vừa hét, hô gọi đồng bọn, tiếng cười nói xen lẫn tiếng sóng biển ầm vang nghe thật vui nhộn. Áo quần ai nấy đều ướt vì phải lăn xả bắt còng. Bao giờ đuốc sáng cháy cạn, soi vào thùng thấy còng đã kha khá, có thể dùng đủ bữa tối ngon lành mới thôi không bắt nữa.

Thịt còng gió làm sạch có thể chế biến thành nhiều món ngon. Cho dầu ăn vào chảo, phi hành, đổ còng vào sẽ thành món chiên giòn khoái khẩu. Cứ để thịt còng ráo nước, nhen bếp than hồng, nướng từng con một, mùi thơm bay tỏa kích thích khiến ta khó thể cầm lòng, ấy là món còng nướng mọi.

Nếu cần ăn một lúc nhiều người, còng gió có thể dùng để nấu cháo. Bụng đói, ăn bát cháo còng gió, mồ hôi toát ra dễ chịu, đêm đó ta sẽ dễ dàng ngủ một giấc ngon lành cho đến sáng.

Con còng gió là người bạn thân thích của trẻ em vùng biển hay rừng ngập mặn: Bắt còng gió để vui chơi, đùa nghịch, bắt còng gió để làm mồi giăng câu hoặc đơn giản chỉ là ngắm nhìn chúng cho vui mắt… Và không chỉ là trẻ em mà cả người lớn khi đã xa quê thì ký ức về tuổi thơ không thể thiếu hình ảnh con còng gió bé nhỏ mà thân thương!

Món ngon từ càng còng gió

Để bắt còng gió, bạn nên đi sáng sớm hoặc đầu giờ chiều dọc theo biển Vĩnh Châu, tập trung ở khu vực biển Vĩnh Phước, Vĩnh Tân, thuộc huyện Vĩnh Châu. Chính xác hơn là dọc theo tuyến đê biển vùng đồng muối.

Càng còng gió tươi có thể nấu riêu ăn rất ngon, tôi đã thử và thấy rằng ngọt, thơm và sánh hơn cua đồng. Càng còng gió đã được luộc chín ăn theo kiểu nhấm như hạt hướng dương cũng vẫn thú vị bởi tuy to cở ngón chân cái nhưng vỏ nó mềm, thịt ngọt và chắc, vị hơi mặn và thơm hơn thịt cua biển.

Mỗi chú còng gió có hai càng, nhưng chỉ có những con đực thì sở hữu một cái càng "cái" bự xự cỡ ngón chân cái. Cái càng này chỉ để hù dọa và "lấy le" với đồng loại nhất là mấy cô còng là chính chứ khi gặp con người và tiếng động lớn thì chúng bỏ chạy trối chết và rất nhanh - chui xuống những hang nhỏ, ngóc ngách trên bãi biển. Nếu như bạn có chủ đích kiếm càng còng gió để nhấm nháp thì thật sự là hơi bị hiếm. Vậy tại sao người dân nơi đây có thể bán cho bạn cả lon sữa bò với giá chỉ 1.000 đồng!? Bí quyết là cách thu hoạch "càng".

Để cho một chuyến đi thu hoạch càng, bạn cần chuẩn bị:
- Vài ký thính, được chế bằng cám rang.
- Thịt cá để hơi ươn hoặc tôm tép trộn chung với nhau cho dậy mùi.
- Vài cây chổi chà tre thật lùm sùm nhưng dẻo và không quá cứng, mục đích nhằm không cho còng chết.

Buổi sáng khi biển chuẩn bị ròng (nước xuống) khoảng 3-4 giờ sáng, chọn bãi cát ven biển mà mình đã nêu trên rồi rải thính và nhẹ nhàng đi sang một bãi cát khác để làm công việc tương tự. Sau đó mình quay lại lại bãi biển đã rải thính đầu tiên và theo dõi bằng ngọn đèn pin nhỏ.

Lũ Còng bắt mùi thơm của thính sẽ mò ra bãi ăn mồi. Theo dõi, khi thấy chúng đã ra nhiều, những người "thu hoạch" sẽ nhào ra với chổi Chà Tre và quét lũ Còng trên bãi. Cứ quét qua, quét lại với mục đích cho lũ còng lăn nghiêng, lăn ngửa. Bọn Còng Gió có một thuộc tính là hễ bị động và nguy hiểm thì sẽ buông càng để "bỏ của chạy lấy Còng cho lẹ". Mà cái càng bự là thứ bị bỏ lại trước tiên. Sau trận quét, những người đi thu càng chỉ cần quét gom trên bãi để thu sản phẩm. Nhằm lúc trúng thì phải đựng bằng thúng mới vừa. Cách thu hoạch này hay ở chỗ là bọn Còng Gió không chết mà chỉ bỏ càng, vài bữa sẽ mọc lại để chuẩn bị cho đợt thu hoạch sau.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Vinhlong, báo Datmui, Mientayonline và nhièu nguồn khác
Trong các điểm du lịch hấp dẫn nhất Bát Xát, ngoài các địa danh Mường Hum, Ý Tý, A Mú Sung… thì Mường Vi luôn được du khách quan tâm.

Mảnh đất này không chỉ nổi tiếng bởi có thứ gạo đặc sản Séng Cù thơm ngon mà còn được du khách bốn phương nhắc tới vì sở hữu quần thể hang động liên hoàn được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1999. Trải qua bao năm tháng "ngủ say" trong lòng núi, khi tiềm năng du lịch được khai thác cũng là lúc "nàng tiên núi bừng tỉnh", phô ra vẻ đẹp lộng lẫy, kỳ ảo say đắm lòng người.

Động tiên trong lòng núi

Tuy đã được ngắm vẻ đẹp của hang động Mường Vi qua ảnh nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi và một số người bạn được trực tiếp tham gia vào một cuộc hành trình khám phá động tiên.

Từ thành phố Lào Cai ngược hướng Tây Bắc khoảng 20 km, qua thị trấn Bát Xát, đến xã Bản Vược rẽ trái chưa đầy chục km, chúng tôi đặt chân tới đất Mường Vi. Với địa hình giống như một lòng chảo được bao bọc xung quanh bởi những dãy núi đá vôi hùng vĩ, Mường Vi từ nhiều đời nay là địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc Giáy và một số dân tộc khác.

Truyền thuyết kể lại, Mường Vi trước kia còn gọi là Mường Tiên. Vì thấy nơi đây phong cảnh núi non hùng vĩ, thơ mộng, nên các vị tiên trên trời thường bay xuống dạo chơi, ngắm cảnh và ở lại trong động. Hàng ngày, tiên dạy cho nhân dân biết khai khẩn ruộng nương, trồng lúa, trồng ngô. Nhờ đó mà bây giờ Mường Vi mới có thứ gạo Séng Cù thơm ngon nức tiếng.

Mỗi khi làng bản có lễ hội, đám cưới, đám hỏi… các vị tiên nhà trời còn cho nhân dân mượn bát đũa, đồ dùng để tổ chức vui vẻ, linh đình. Nhưng do lòng tham và sự không trung thực của một số người mà tiên nổi giận, biến tất cả những đồ đạc, bát đũa, mâm xôi… thành đá, tạo nên quần thể hang động như hôm nay vẫn thấy.


< Quần thể hang, động Mường Vi là điểm du lịch hấp dẫn du khách bốn phương tới khám phá.

Điểm đầu tiên chúng tôi khám phá trong quần thể hang, động Mường Vi là hang Ná Rin và Ná Rim, hay còn gọi là động Thủy Tiên nằm ở chân núi Cô Tiên. Cửa động nhỏ chỉ vừa một người chui, nhưng vào sâu bên trong một chút, bạn sẽ vô cùng bất ngờ bởi lòng động trở nên thoáng rộng và hiện ra muôn vàn thạch nhũ đẹp mê hồn.

Nếu chỉ đứng ở ngoài nhìn thì chẳng ai ngờ ngay trong lòng núi này lại có một mê cung diễm lệ đến vậy. Ngược dòng suối trong vắt, nước mát lạnh róc rách chảy từ lòng động ra, chúng tôi bật đèn pin tiến vào sâu hơn.
Hai bên vách động là những thạch nhũ đủ màu sắc chảy xuống muôn hình vạn trạng. Chỗ này là tấm rèm nhung mềm mại, chỗ kia là chiếc bàn đá nhẵn bóng; chỗ khác lại là tua nhũ óng ánh thủy tinh hay dàn đàn đá tự nhiên mà lấy hòn đá nhỏ gõ vào nghe phát những âm thanh rất hay…

Nếu ngước mắt nhìn lên trần động, bạn sẽ vô cùng thích thú bởi được chiêm ngưỡng hàng trăm chiếc đèn chùm lớn nhỏ và nhũ đá óng ánh rủ xuống đẹp như mê cung. Từ chóp những thạch nhũ đã được hình thành từ triệu năm trước, từng giọt nước trong suốt, mát lạnh chắt từ lòng đá mẹ cần mẫn nhỏ xuống hòa vào dòng suối.

< Nhũ đá nhiều màu sắc tạo nên hình đàn thú uống nước...

Cùng với nhũ đá, những thác nước lớn nhỏ, cồn cát mịn hay dải sỏi trong suốt trải dọc theo suối trong lòng hang làm tôn thêm vẻ diễm lệ của động. Có chỗ, lòng động cao đến chục mét, rộng như một tòa nhà lớn, xung quanh được tạc bằng phù điêu, tạo thành bức họa thạch kiệt tác của tự nhiên…

Bên cạnh động Thủy Tiên, quần thể hang động Mường Vi còn có nhiều hang động khác đẹp và hấp dẫn không kém. Hang Pạc Cám - theo như các nhà khảo cổ học - còn chứa đựng nhiều dấu ấn của người xưa đến nay chưa khám phá hết được những bí ẩn.

Động Cám Rúm, hay còn gọi là hang Gió vì lúc nào lòng động cũng hun hút gió, phía trong có nhiều nhũ đá hình ruộng bậc thang, có buồng nơi các cô tiên ngủ xung quanh là rèm đá óng ánh; động Cám Rang có cổng trời bằng đá, có những mâm ngũ quả đá đẹp như chốn tiên cảnh; động Cám Tẳm, tương truyền trong dân gian xưa là kho nông cụ, đồ dùng của các nàng tiên nay đã hóa đá…

Du lịch khám phá quần thể hang, động Mường Vi đem lại cho du khách nhiều điều thú vị. Cũng phải nói thêm rằng, từ trước tới nay, ngoài các nhà thám hiểm, có lẽ chưa ai biết hết các ngóc ngách và đi hết chiều sâu của động trong lòng núi Cô Tiên…

Cần được bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả

Quần thể hang, động Mường Vi với các giá trị khảo cổ học, lịch sử, văn hóa, tâm linh hay du lịch… là tài sản vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người nơi mảnh đất này. Năm 1999, quần thể hang động Mường Vi được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Khi đó, các hang, động trong quần thể được đầu tư xây dựng đường vào, lắp đặt cửa bảo vệ, hệ thống điện vào sâu trong lòng hang, nên đã thu hút rất đông du khách tới tham quan.

Một vài năm trở lại đây, lượng khách đến với động Mường Vi thưa vắng dần vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là vấn đề giao thông. Tuyến đường từ Bản Vược tới Mường Vi bị xuống cấp nghiêm trọng, các phương tiện đi lại vô cùng khó khăn khiến nhiều người muốn tới chiêm ngưỡng vẻ đẹp hang động cũng đành ngậm ngùi luyến tiếc chuyển sang các tuyến, điểm du lịch khác…

Tới tham quan hang động, du khách rất thích thú trước vẻ đẹp như mê cung của quần thể hang động. Thế nhưng, sau ấn tượng đẹp đó thì vẫn còn ít nhiều lời phàn nàn và những điều băn khoăn khi chứng kiến thực trạng động Mường Vi hiện nay.

< Trong Buồng cô tiên,

Nhiều người thắc mắc là không hiểu tại sao một Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia mà lối vào tuy được rải đá, nhưng cỏ cây mọc chen nhau um tùm không có ai dọn dẹp. Cửa hang trước kia luôn được khóa bảo vệ an toàn thì nay đã bị hỏng và bỏ không cho mọi người vào hang tự do.
Trong lòng hang, nhiều nhũ đá ở các vị trí cao, thấp đã bị khách du lịch vô ý thức đập vỡ hoặc lấy mang về làm tài sản riêng.

Toàn bộ hệ thống điện trong hang trước đây đầu tư rất tốn kém, khi bật lên làm cho hang động sáng đẹp lung linh kỳ ảo muôn màu thì nay đã bị vỡ, hư hỏng hết. Chính vì thế, quần thể hang động có một không hai của Lào Cai sau khi được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia không bao lâu lại bị rơi vào quên lãng.

Tìm hiểu thêm, được biết hiện nay Bát Xát đang tích cực thực hiện đề án phát triển du lịch nhằm khai thác những tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương. Trong đó, xã Mường Vi nói chung, hang động Mường Vi nói riêng trở thành một điểm hấp dẫn trong một số tuyến du lịch thử nghiệm.

Du khách bốn phương và nhân dân đang trông đợi hành động thiết thực từ phía các ngành chức năng và chính quyền địa phương để lấy lại danh tiếng cũng như vẻ đẹp cho quần thể hang động nổi tiếng này.

< Mâm ngũ quả...

Quần thể hang, động Mường Vi là tài sản vô giá của quốc gia cần được giữ gìn, bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả. Hy vọng trong tương lai không xa, khu Di tích lịch sử - văn hóa này được đầu tư xây dựng đẹp hơn sẽ lại có rất đông du khách trong và ngoài nước tới tham quan.

Du lịch khám phá động Mường Vi sẽ góp phần quảng bá hình ảnh đẹp của Bát Xát, Lào Cai tới khắp nơi và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển mạnh hơn.

Du lịch, GO! - Theo báo Lào Cái, ảnh internet

Tiên cảnh trong động Mường Vi
Qua hàng trăm năm phát triển, do ý thức bảo vệ và bàn tay chăm sóc của con người, rừng Lam Kinh đã trở thành tài sản vô giá nơi núi rừng Lam Sơn. Hàng trăm cây cổ thụ đang trường tồn cùng quần thể lăng tẩm của các vị vua triều hậu Lê trở thành địa chỉ tham quan thú vị cả về tâm linh lẫn phong cảnh.

Từ phía đường Hồ Chí Minh, lữ khách có thể thấy rừng Lam Kinh hiện lên với màu xanh căng tràn sức sống. Cùng với những ngọn đồi lượn sóng, khu rừng Lam Kinh đã tạo cho vùng đất cổ Xuân Lam (Thọ Xuân) và Kiên Thọ (Ngọc Lặc) một cảnh đẹp hiếm thấy.

Dòng sông Chu hiền hòa, lượn quanh và ôm trọn phía tây bắc khu rừng càng tăng thêm vẻ hữu tình của sông núi nơi đây. Tuy không nằm ở những nơi thâm sơn cùng cốc như nhiều khu rừng khác, nhưng “lá phổi xanh” rộng 97 ha này gần như vẫn còn nguyên trạng. Gỗ trong rừng, đa phần là lim xanh và nhiều cây gỗ rất quý như sui, dổi, sến, táu, vàng tâm...

Ven dòng sông Ngọc uốn quanh khu lăng tẩm, những cây gỗ khổng lồ thân phủ đầy rêu phong đã tạo ấn tượng đầu tiên cho du khách. Những tán cây cổ thụ ấy vẫn rủ bóng mát quanh năm cho cây cầu đá hàng trăm năm qua.
Cây cầu với kiến trúc độc đáo theo kiểu “thượng thu hạ thách” bắc qua sông Ngọc là lối chính đi vào Khu Di tích Lam Kinh. Bất kể mùa đông hay hè, khi bước trên cây cầu cong hình yên ngựa này, du khách đều cảm thấy thư thái vì được che chở trong bóng mát của rừng già.

Chỉ tay về phía rừng lim đang tỏa bóng mát sau các tòa thái miếu, cô hướng dẫn viên trẻ Lê Thị Loan tự hào cho biết: “Rừng Lam Kinh giờ đã xứng là nơi có những cây lim cổ thụ bậc nhất của Thanh Hóa”. Những tán rừng già nơi đây còn là nơi trú ngụ của nhiều loài chim, thú.

Theo con đường mòn đi sâu vào lõi rừng Lam Kinh, hai bên um tùm cây cối như trêu gan những kẻ lữ hành, trong tiếng kêu ríu rít gọi bầy của những  loài chim đã gợi cho tôi sự thú vị khi cảm nhận được sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên ngay giữa chốn linh thiêng. Một phút lắng lòng giữa thiên nhiên bao la mà gần gũi, ai đến đây cũng có cảm giác bình yên, thoáng quên đi sự xô bồ của cuộc sống thường nhật.

Sự kỳ thú của rừng Lam Kinh càng được khơi gợi khi chúng tôi được nghe kể những câu chuyện từ những người trong cuộc. Cao nhất khu rừng hiện nay là cây gỗ sui màu trắng, nhẵn bóng với chiều cao khoảng 50m. Các cán bộ của Khu Di tích Lam Kinh, cho biết: cây cổ thụ này có từ thời cụ Lê Hối (cụ tổ 3 đời của Bình định vương Lê Lợi).

Theo quy luật tự nhiên, cây cao nhất thường bị sét đánh. Những tài liệu cổ và thực tế nhiều năm gần đây cũng cho thấy, rừng Lam Kinh và cả khu di tích rất nhiều lần bị sét đánh nhưng cây sui này vẫn là ngoại lệ. Câu chuyện cây lim cổ thụ trút lá và chết như là một sự hiến thân cho việc phục dựng khu di tích càng khơi gợi trí tò mò của du khách.
Theo phân tích đường vân và chất gỗ, cây lim cổ thụ này có tuổi thọ hơn 600 năm và là một trong những cây cao nhất của rừng Lam Kinh.

Vào cuối tháng 2 âm lịch năm 2010, đúng lúc có quyết định phục dựng và trùng tu Khu Di tích Lam Kinh thì cây lim trút lá. Sau nhiều lần tưới và chăm sóc, cây vẫn không ra lộc. Vào cuối tháng 7 âm lịch cùng năm, cây lim chết hẳn.

< Cây đa Lam Kinh huyền thoại.

Đáng nói là, lúc này người ta đang loay hoay chưa biết tìm đâu ra một cây cổ thụ để làm cột chính tòa chính điện. Sau nhiều lần làm đơn kiến nghị, các cơ quan chức năng đã đồng ý cho hạ cây lim vừa chết làm cột phục dựng tòa chính điện Lam Kinh vào 21 và 22 - 8 âm lịch năm 2010.

Ai cũng biết cây lim chết do quá già, nhưng một sự trùng hợp đến kinh ngạc lại được chứng minh. Chiều cao của thân lim đúng bằng với thiết kế cây cột chính điện. Đường kính phần gốc của cây lim gần 1m, lại trùng khít với chân tảng cũ bằng đá. Đường kính phần ngọn cây lim hơn 60 cm cũng vừa bằng chân tảng con của chính điện.

Ngay trước mộ của vua Lê Lợi, từ lâu đã xuất hiện hai cây “ổi cười” thu hút sự tò mò của rất nhiều người. Như một phản xạ tự nhiên gần giống cây trinh nữ (cây xấu hổ), mỗi lần gãi hoặc sờ nhẹ vào thân là toàn cây ổi rung lên bần bật.
Điều đáng nói, chỉ cách đó vài mét, những cành ổi được chiết ra trồng ngoài khu lăng mộ lại không có hiện tượng trên.

< Chỉ cần cào thật khẽ vào thân thì toàn bộ cành lá của cây ổi rung lên như đang cười nắc nẻ.

Nói thêm về hiện tượng “ổi cười” này, ông Trịnh Đình Dương, Trưởng ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, cho biết: “Tôi đã chứng kiến hiện tượng trên 20 năm nay. Hiện vẫn chưa có công trình khoa học nào kết luận vì sao nhưng theo tôi có lẽ do “gien” đột biến”. Rồi câu chuyện về cây đa thị và quá trình cây đa “bóp cổ” cây thị, hai cây long não cổ thụ, những cây đa, cây si trên bờ thành... đều thu hút sự tò mò của du khách.

Từ năm 1962, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh được xếp hạng quốc gia, kể từ đó, ngành lâm nghiệp giao khu rừng cho ngành văn hóa quản lý. Qua hàng chục năm, những “kiểm lâm” ngành văn hóa vẫn làm tốt công tác bảo vệ khu rừng. Những năm qua, nhiều cây lim xanh đã được nhân giống trồng xen để tăng độ che phủ và đa dạng sinh học của khu rừng.

Du lịch, GO! - Theo Lê Đồng (Thanh Hóa Online)

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống