Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 14 December 2011

Dễ đã hơn mười năm, bạn mới lại có dịp quay lại thăm. Bạn bảo, Hạ Long thay đổi nhiều quá, so với mười năm trước đây thật một trời một vực, chứng tỏ đời sống người dân Quảng Ninh ngày một khấm khá, "mà xem ra lắm người giàu đấy chứ! Nhà cửa được xây dựng san sát...". Bạn lại hỏi: "Món riêu "long hội" vẫn sẵn đấy chứ?". Trả lời: Vẫn sẵn, nhưng giờ đắt đỏ hơn, song không sao, trưa hay chiều nay mời bạn thưởng thức lại.

Cá ót - một loài cá biển, người Hạ Long phân biệt ra nhiều loại: cá ót tròn, cá ót gai, cá ót chỉ vàng, cá ót đồng tiền, cá ót đĩa... tuỳ vào hình dáng, kích cỡ và dấu vết đặc biệt của chúng.

Chẳng hạn, cá ót chỉ vàng có một vạch như sợi chỉ vàng chạy dọc giữa thân, mình hơi thuôn dài; cá ót đồng tiền mình tròn, nhỏ như đồng xu; cá ót đĩa to bằng bàn tay v.v... Mỗi loại cá ót phù hợp với một cách thức chế biến món ăn khác nhau: cá ót đồng tiền thường để băm viên làm chả; cá ót chỉ vàng để rán; cá ót đĩa thì kho, rán hoặc sốt...; nấu canh riêu, người ta phải chọn cá ót tròn (mình khá tròn, dày mình) hoặc cá ót gai (mình mỏng hơn cá ót tròn, khi bị nấu chín, vây lưng của nó xoè ra, trông như một hàng gai). Trong hai loại cá ót dùng để nấu riêu, riêu cá ót tròn độ ngon có sự "nhỉnh" hơn.

Cá ót tròn mua nấu canh riêu phải chọn loại thật tươi. Kinh nghiệm của các bà đi chợ, mớ cá được mua mình sáng ánh bạc, có nhiều nhớt có bọt thì cá ấy đang tươi. Mua thêm cà chua, me, thì là, hành hoa, rau sống (xà lách, rau mùi là ngon nhất, nếu không có thì dùng rau muống chẻ) để chuẩn bị cho món canh cá này.

Cá mua về làm sạch, để ráo, cho vào xoong ướp chút muối hoặc bột canh, mỳ chính, để sẵn. (Cách làm cá ót cũng có nét đặc trưng: người ta không dùng cách mổ thông thường để bỏ ruột mà cắt vát chéo một nhát từ đầu đến bụng rồi bóp bỏ ruột). Phi thơm hành, cho cà chua, nêm nước mắm, bột gia vị vào, xào chín; sau đó đổ sang nồi nước me (me đã được nấu chín, dằm, lọc bỏ bã, lấy nước chua vừa ý); đun sôi lại rồi cho cá vào, đun sôi tiếp chừng 3-4 phút, nêm thêm gia vị cho vừa ăn, cho thì là, hành hoa rồi bắc ra (với người không thích béo thì không xào cà chua mà cho cà chua thái miếng cau cùng với me đun sôi, me chín, dằm, lọc như trên). Một nồi riêu cá ót đạt tiêu chuẩn, cá phải vừa chín tới, còn nguyên con, không vỡ nát, vị đậm vừa ăn, vị chua vừa ý, dậy màu đỏ của cà chua, điểm xuyết màu xanh của hành hoa, thì là. Ăn nóng, kèm với rau sống. Kiểu ăn thích nhất là cơm nóng, chín tới, chan đầy nước riêu nóng, gắp rau sống bỏ vào bát cơm, xì xụp và, vừa ăn vừa thở, người toát mồ hôi do nóng, do cay (nếu ăn được ớt). Ăn món canh này vào những ngày se lạnh hay mùa đông thì tuyệt.

Món riêu cá ót ít có ở các nhà hàng, nếu muốn ăn có thể phải gọi điện thoại đặt trước. Trong khi ấy, món canh này người dân vùng biển Quảng Ninh hay dùng. Sở dĩ như vậy vì món này chỉ chủ yếu là ăn... nước. Thịt cá ót không nhiều, lắm xương, không khéo là bị hóc. Đang trong bữa tiệc bị hóc thì... thôi rồi! Bù lại, nước canh riêu cá ót, theo cảm quan của người viết bài này, chắc chắn là ngon hơn nước các loại canh riêu cá khác, như canh riêu cá song, cá mú, lòng cá sủ chẳng hạn (nó có vị hơi tanh, rất đặc trưng, không thấy có ở các món riêu nấu từ những loại cá khác; có lẽ vì thế mà món riêu cá này người ăn cảm thấy rất "đưa cơm", và nhất thiết phải ăn nóng chăng?). Cũng có thể vì lý do khác, so với các loại cá dùng để nấu riêu, món cá ót có lẽ có giá rẻ hơn, nhà hàng khó mà tính cao giá lên được, trong khi chuẩn bị các phụ gia để nấu cũng phải đầy đủ như nấu với các loại cá khác; hơn nữa, làm cá ót để nấu mất công hơn. Song, như trên đã nói, cái chính có thể là sợ thực khách bị hóc.

Trở lại câu chuyện với người bạn đã hơn mười năm mới lại có dịp đến thăm gia đình. Lúc ấy Hạ Long chưa phát triển như bây giờ, hàng quán còn hiếm hoi, cá mú chưa bị hút hết vào các nhà hàng, cá ót rẻ rề. Gia đình viên chức, chẳng đủ tiền đãi bạn các món cao sang; thôi thì dùng các món bình dân vậy.

Bạn ăn, ngạc nhiên vì thấy nước riêu rất ngọt, trong khi gắp cả con cá ra bát gỡ, rất lắm xương, xương lại cứng và nhọn, thịt chẳng bao nhiêu, ăn lại thấy nhạt. Bạn lẩm bẩm nhận xét: Mọi sự tinh tuý, ngon ngọt của cá đã tiết ra nước hết... Rồi phá lên cười: Khôn ăn cái, dại ăn nước, hoá ra trong trường hợp này các cụ lại sai ư!? Chủ nhà chưa kịp cười phụ hoạ, tán thưởng, thì hỡi ơi! Bạn đã khạc... khạc... - Hóc rồi! May mà cái xương cá cắm vào họng, trông thấy, dùng panh gắp rút ra được. Hú vía!

 Đến lượt chủ nhà bật cười ha hả: Ông biết món canh riêu cá này có tên là gì không? Là riêu cá "long hội"! Bạn đang ngớ ra bởi cái tên nghe cao sang, đẹp mỹ miều thì thằng cu con chủ nhà mới 4 tuổi nó phô: "long hội" là "lôi họng" đấy... Bạn bảo:

- Không phải lần ấy bị hóc mà nhớ riêu cá "long hội". Mà vì nó ngon ngọt quá! Muốn được thưởng thức lại...

Du lịch, GO! - Theo báo Quảng Ninh, ảnh sưu tầm
Tọa lạc ở đường Báo Quốc, thuộc phường Phường Đúc, thành phố Huế, chùa Báo Quốc ban đầu có tên là Hàm Long Thiên Thọ Tự, do Thiền sư Giác Phong dựng vào cuối thế kỷ XVII, đời Chúa Nguyễn Phúc Tần. Đến năm 1747, Chúa Nguyễn Phúc Khoát ban cho chùa tấm biển "Sắc Tứ Báo Quốc Tự" có ghi dòng chữ: "Quốc Vương Từ Tế đạo nhân ngự đề".

Chùa được xây dựng theo kiểu chữ "Khẩu-口” trên đồi Hàm Long rộng khoảng 2 hecta. Qua khỏi cổng tam quan cổ kính là một khoản sân đất có hai hàng cổ nhãn uy nghi tiếp đến là khoảng sân trên trồng nhiều cây tùng có lan can bao bọc.

Chánh điện chùa ẩn sau tán cây ngọc lan trầm mặc và hiền hoà. Trong chùa thờ tự rất trang nghiêm. Chính giữa trên cao tôn trí bộ tượng Tam thế Phật rất xưa, hậu liêu thờ tổ tôn trí bình tro cốt của Tổ Giác Phong mà được biết vào năm 1958 khi khai tháp Tổ Giác Phong để quy vào Niết Bàn Đại Tháp chư Tăng ở Huế đã gặp được bình tro thờ ở tầng trên Tháp. Bình tro từ đó được cung thỉnh vào bàn thờ ở bàn thờ Tổ cho đến nay.

Vào thời Tây Sơn, chùa đã bị chiếm đóng và trưng dụng làm kho chứa diêm tiêu. Sau đó vào năm 1808, Hoàng Hậu Hiếu Khương cho tái thiết ngôi chùa, xây tam quan, đúc đại hồng chung, bảo khánh và đổi tên là chùa Hàm Long Thiên Thọ tự và mời thiền sư Phổ Tịnh làm trụ trì.

Năm 1824, vua Minh Mạng ngự thăm chùa và sắc tứ tên "Báo Quốc Tự". Nhà vua đã tổ chức đại giới đàn tại chùa nhân lễ Vạn thọ tứ tuần đại khánh vào năm 1830. Đến năm 1858, do chùa bị hư hỏng nhiều, vua Tự Đức và Hoàng Thái hậu Từ Dũ đã ban tiền trùng tu ngôi chánh điện và các công trình khác.

Trong phong trào chấn hưng Phật giáo vào những năm 1930, chùa đã có nhiều đóng góp về mặt đào tạo tăng tài cho Phật giáo. Năm 1935, trường Sơ đẳng Phật giáo được mở tại chùa. Đến năm 1940, trường Cao đẳng Phật giáo cũng lại được mở tại đây. Năm 1957, Giáo hội Tăng già Thừa Thiên và Ban Quản trị chùa đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa. Hòa thượng Thích Trí Thủ, vừa là Giám đốc Phật học đường, vừa là trụ trì chùa, đã có những đóng góp to lớn cho Phật giáo nói chung và cho việc tái thiết ngôi tổ đình trang nghiêm với những nét kiến trúc cổ kính nói riêng.

Giếng Hàm Long (tên chữ là Hàm Long Tỉnh), theo bia “Hàm Long Tỉnh” thì giếng Hàm Long nằm ngay dưới chân đồi Hàm Long xuất hiện cùng thời với Hoà thượng Giác Phong khai sơn (khoảng năm 1674). Giếng  có một mạch nước theo lỗ đá phun ra như vòi rồng, có nước trong, thơm và ngọt. Nước giếng này sau đó được tiến dâng lên các Chúa, còn người dân thì tuyệt đối không được phép dùng, từ đó nó trở thành một giếng thiêng, giếng cấm: cho nên mới có câu ca dao:

Nước giếng Hàm Long đã trong lại ngọt;
Em thương anh rầy có Bụt chứng tri
Hay :

Chùa Hàm Long thơm trong giếng cấm,
Diêm tiêu nào ngăn được nước trong.

Trong khuôn viên chùa có Tháp Tổ Giác Phong, theo bia tháp: “Viên thọ Tỳ kheo giới, huý Pháp Hàm Giác Phong Thiền sư chi Tháp.” lạc khoảnh bia đề “Vĩnh Thịnh thập niên, thập nhị nguyệt, thập nhị nhật.” thì tháp được tạo dựng ngày 22 tháng 12 năm Vĩnh Thịnh thứ 10 (1715).
Ngoài ra còn có một nhóm tháp khác, đáng chú ý hơn hết là Niết Bàn Đai Tháp được Giáo hội Tăng Già Trung Việt xây năm 1952 để quy 19 tháp cổ ở vườn Chùa Báo Quốc vào đại Tháp.

Chùa Báo Quốc nổi tiếng cảnh đẹp, cây cối quang năm xanh phủ u tịch, ngôi chùa kiến trúc theo lối cổ thấp nằm khuất trong những tàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Xưa nay chùa nổi tiếng có nhiều loài hoa và cây quý. Bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông đều có tao nhân mặc khách lui tới thăm chùa ngắm cảnh sáng tác thơ văn hội hoạ. Trong đó có nhà thơ nổi tiếng Tuy Lý vương Miên Trinh, ông đã nhiều lần đến đây và ngắm cảnh làm thơ, bài thơ Dạo Chơi Chùa Báo Quốc trong đó có những câu đã nói lên cảnh đẹp ảo huyền của chùa:

Chùa này nghe có vết xe tiên
Cảnh sắc như xưa tợ ảo huyền...

Ngày nay, chùa Báo Quốc là một trong những điểm du lịch ưa thích của du khách khi đến Huế. Thiên nhiên và kiến trúc của chùa Báo Quốc có thể nói là một danh lam thực thụ, toàn cảnh của ngôi chùa này đến nay vẫn còn giữ được  hồn xưa tĩnh mặc.

Du lịch, GO! - Theo DulichHue
“Nhận nước trăm sông sóng cuộn đầy
Núi bày cờ thế, biếc liền mây
Xưa theo kẻ khác luôn bền chí
Giờ đã tung hoành một chớp tay
Đế Chủ điệp trùng quân hổ mạnh
Hải Đông đã tắt khói lang bay
Trời Nam muôn thuở non sông vững
Yển vũ tu văn dựng Nước này".

< Vịnh Hạ Long nhìn từ núi Bài Thơ.

Đây là lời dịch từ bài thơ viết bằng chữ Hán của vua Lê Thánh Tông khắc trên vách phía nam núi Bài Thơ, vào mùa xuân năm Quang Thuận thứ 9 (1468) nhân dịp ngài tuần du đến vùng An Bang (Quảng Ninh bây giờ). Sau vua Thánh Tông, có nhiều tao nhân mặc khách qua lại và cũng đề thơ vào núi.

Một bài thơ của An Đô Vương Trịnh Cương viết năm 1729, họa lại bài thơ của vua Lê Thánh Tông; rồi Tuần phủ Quảng Yên Nguyễn Cẩn viết một bài (1910), anh em quan Án sát Vũ Tuân và Vũ Đại mỗi người hai bài, vợ Vũ Đại là bà Đào Thị Thoa có một bài thơ viết bằng quốc ngữ.

Ngoài ra, trên vách núi còn hai bài thơ nữa, viết vào khoảng những năm 40 của thế kỷ 20. Lời tựa và nội dung của các bài thơ chủ yếu về cảnh đẹp thiên nhiên, hào khí thời Trần, thịnh trị thời Lê…

Núi Bài Thơ cao gần 200m, nằm ở trung tâm thành phố Hạ Long, là một trong những núi cao nhất vùng biển Cửa Lục. Ba mặt của núi giáp với khu dân cư, phía tây và phía nam nằm sát với Vịnh Hạ Long. Núi trước đây có tên là Truyền Đăng (dân gian quen gọi là núi Rọi Đèn). Xuất xứ của tên gọi này là do trước đây, những người lính gác tiền tiêu trên đỉnh núi mỗi khi có báo động thì đốt lửa báo tin và vào buổi tối thì thắp những ngọn đèn như ngọn hải đăng báo hiệu... Và có lẽ từ sau khi vua Lê Thánh Tông để lại bài thơ trên vách núi thì núi mới được đổi tên là núi Đề Thơ, sau đó là núi Bài Thơ cho đến ngày hôm nay.

< Đỉnh núi Bài Thơ.

Từ xa nhìn lại, núi trông như một ngọn tháp 3 tầng hùng vĩ, điểm tựa cho cả thành phố Hạ Long. Không những mang vẻ đẹp của tạo hóa, núi Bài Thơ còn mang rất nhiều ý nghĩa lịch sử, ghi trong mình những dấu son của quân và dân thành phố Hạ Long trong thời kỳ đấu tranh hào hùng của toàn dân tộc.

Lòng núi có nhiều hang đá, đã từng là nơi tập kết của Tự vệ Hồng Gai, nơi làm việc của nhiều đơn vị, trong đó có Bưu điện Quảng Ninh, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Dưới chân núi, ở phía bắc có chùa Long Tiên, ngôi chùa lớn nhất thành phố Hạ Long và đền Đức Ông, thờ Đông Hải Đại vương Trần Quốc Nghiễn, con trai cả của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn ở phía tây. Những di tích này cùng với núi Bài Thơ, tạo nên một cụm di tích văn hóa quan trọng và hấp dẫn của thành phố Hạ Long.

Thử một lần theo con đường nhỏ leo lên đỉnh núi, chắc hẳn các bạn sẽ không khỏi choáng ngợp khi trước mắt hiện ra cả một không gian rộng lớn, bao quát toàn bộ khu vực phía nam của thành phố Hạ Long và một vùng vịnh màu xanh ngút tầm mắt…

Không khí trên cao thoáng đãng và mát mẻ, chỉ cần có thêm một chiếc máy ảnh nữa là bạn đã có cả một chuyến du lịch khám phá thú vị…

Du lịch, GO! - Theo báo Quảng Ninh, ảnh sưu tầm

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống