Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 18 December 2011

Bạn có thể đã sống ở Sài Gòn lâu năm, cả chục năm hoặc hơn thế nữa, nhưng chắc chẳng mấy khi hoặc chưa một lần bạn bỏ hẳn một ngày thong dong thả bộ từ con phố này sang con phố khác, trong cái nắng Sài Gòn rồi tấp vào quán bên đường khi gặp cơn mưa bất chợt. Đi "lang thang" như thế, bạn sẽ bắt gặp một "Sài Gòn trên những đôi quang gánh".

Đó là những mảng nhỏ trong bức tranh đô thị đầy ắp sắc màu và thừa mứa âm thanh không thể hiện "tầm vóc hiện đại" của cái thành phố chen chúc cao ốc này nhưng chính là nét sinh hoạt đời thường rất riêng, lặng lẽ trong lòng phố Sài Gòn.

Cái điều mà chúng tôi tự cho là một "phát hiện mới" của mình - có thể rất "xưa" với người khác - là những đôi quanh gánh ấy không chỉ phục vụ cho người dân thành phố mà trở thành tâm điểm tò mò của du khách nước ngoài khi rong chơi phố xá Sài Gòn.

< Khách du lịch nước ngoài chụp ảnh một gánh hàng rong trên đường Lê Lợi.

Và điều thú vị hơn là chỉ loanh quanh khu vực quận 1 và quận 3 có chúng tôi đã gặp gần 100 người mưu sinh với chiếc đòn gánh trên đôi vai, hai chiếc thúng hoặc nồi niêu đựng thức ăn.

Bắt đầu từ công viên Tao Đàn chúng tôi theo đường Trương Định đến ngã tư Võ Văn Tần, rẽ qua hồ Con Rùa, vòng sang khu quảng trường Công xã Paris rồi xuôi về hướng dinh Thống Nhất... bắt gặp những hình ảnh mưu sinh linh hoạt, đầy thú vị.

< Hàng bánh bột chiên trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TPHCM.

Vừa ngang qua đường Phạm Ngọc Thạch đã gặp gánh hàng rong của một phụ nữ rất trẻ, nói rặt tiếng miền Nam. Đó là đôi quang gánh được che bọc ni-lông rất kỹ để tránh bụi bặm đường phố. Chỉ trong không gian chật hẹp, chị đã có thể vừa pha bột với thùng bột mang theo, chiếc lò than chiên bánh được che bằng vỏ thùng giấy các tông.

Đầu gánh bên kia sắp những chiếc bánh đã chiên xong. Người đàn bà vô danh trong lòng thành phố Sài Gòn ấy đã thức dậy từ rất sớm ở một con hẻm nhỏ tận quận 10, tất tả  gánh gồng "tiệm bánh" của mình tới địa điểm quen thuộc hàng ngày của mình bắt đầu một ngày bươn chải mưu sinh.

< Gánh hàng sữa đậu nành, nước sâm lạnh, món giải khát cho người bình dân.

Còn trên đường Lê Duẩn, ngay khu công viên lại là gánh hàng rong của một người phụ nữ khác. Chị bán cơm chiên dương châu, có hộp xốp cho khách đi đường mua hàng. Gánh hàng rong của chị đặt ngay bên vệ đường, nằm lọt xuống lòng đường. Thoáng chốc, chị lại để cả gánh hàng lên vai, thoăn thoắt bước chân đến một địa điểm đông người khác.


< Một du khách hỏi mua hàng của bà Tin.

Tại công viên Bạch Đằng, nơi rất nhiều du khách dừng chân cũng là điểm tập trung của những gánh hàng rong. Những cụ già và cả những cô gái trẻ gánh hàng đến khu vực này rồi liên tục di chuyển từ điểm này đến điểm kia dễ dàng, mau chóng. Cách chọn lựa địa điểm bán hàng tạo thuận lợi cho khách, còn đôi chân của họ thì mỗi ngày đi qua không biết bao nhiêu cây số trên những con phố Sài Gòn.

< Mua chiếc kem nhỏ cho một buổi đi chơi.

Hè phố Lê Lợi có rất nhiều du khách dạo chơi, cũng là điểm thu hút những người làm đủ thứ nghề với vốn liếng nho nhỏ để tồn tại. Họ bán tiền cổ, hộp quẹt kiểu xưa, những chiếc áo phông và mũ vải có  in cờ Việt Nam, và có cả một  ông thợ ngồi yên gần góc chợ Bến Thành chỉ với công việc là khắc chữ lưu niệm cho du khách trên những vật dụng như hộp quẹt, cây viết hoặc thứ gì đó có thể khắc lên được mà khách mới mua cũng ngay trên con phố Lê Lợi.

Và tất nhiên, con đường Lê Lợi này cũng mang đậm nét quang gánh Sài Gòn. Bà cụ Tin đã  67 tuổi, quê ở một tỉnh tận miền Bắc, cho biết cụ đã quang gánh như thế hơn tám năm và thường chỉ loanh quanh ở đường Lê Lợi. Cụ mặc chiếc áo xanh lốm đốm hoa. Cụ cần mẫn nướng những chiếc bánh bột bằng chiếc lò đặt một đầu gánh. Hình ảnh cụ nướng bánh giữa phố phường náo nhiệt ấy gây sự tò mò của nhiều du khách đang rong chơi trên con đường nhộn nhịp nhất Sài Gòn. Bên cạnh đó là hàng trái cây của một phụ nữ rất trẻ. Ngồi bên cạnh đôi quang gánh ấy, người phụ nữ chống cằm nhìn con phố đang trôi qua.

Sáng, chiều, sớm, tối và cả ngày nắng hay ngày mưa. Phố Sài Gòn điểm xuyết những đôi quang gánh của đủ mọi con người từ mọi vùng miền đất nước tạo nên nét riêng cho con phố. Có người từng nói là sống ở Sài Gòn, chỉ cần chịu khó là có thể sống được. Với chiếc đòn gánh trên vai, biến đôi quang gánh thành một “cửa hàng” bằng số vốn nghèo nho nhỏ, những người phụ nữ ngược xuôi trong lòng phố ấy tần tảo dưới nắng mưa vì cuộc sống gia đình.

Nhà văn Mỹ E.Shillue đã viết một câu thú vị: “Bà bán hàng rong mang trên vai một vật lãng mạn nhất ở phương Đông - cái đòn gánh...”. Từ nông thôn, đôi quang gánh đã ra phố trong rộn ràng của những tiện nghi, và tồn tại một cách hài hòa trong lòng đô thị Sài Gòn.

Du lịch, GO! - Theo Thời báo kinh tế SG, internet
Huyện An Phú (An Giang) có 5 xã, trong đó xã Đa Phước có đông người Chăm cư ngụ (khoảng 6.000 người - theo số liệu năm 2007). Chà là tiếng chỉ đồng bào Chăm. Chính vì vậy mà xóm nhà của người Chăm ở hai bên đường và cây cầu tại ấp Hà Bao, xã Đa Phước cùng gọi tên là Mương Chà.

< Thánh đường Hồi giáo ở xóm cầu Mương Chà. 

Có rất nhiều tên gọi người Chăm An Giang như Chàm, Chà, Chà Và, Chà Và Ku, Chiêm Thành, Gia Va, Mã Lai, Khmer Islam, Champa. Còn đồng bào Chăm tự gọi là Chăm, Chăm Bàni, Chăm Islam, Chăm Chuk, Chăm Kaphir, Chăm Jet. Trong đó, tên Chàm có thể bắt nguồn từ người Kinh nghe đồng bào tự xưng là Chăm. Trong công văn, giấy tờ, người Pháp đều gọi Champa, nên lâu dần biến âm, thành Chàm.

Riêng tên Chà là trong người Chăm có danh từ “Ja” và “Chà”, có nghĩa “thằng”. Đó là danh từ để xưng hô giữa người lớn với người nhỏ hơn mình. Ví như: Chà Cốp, Chà Ê, Chà Mách… có nghĩa là thằng Cốp, thằng Ê, thằng Mách…

< Một gia đình người Chăm sống trên thuyền và mưu sinh bằng nghề đánh cá ở xóm cầu Mương Chà.

Còn tên Chà Và có thể do người Kinh phiên âm từ tiếng “Java” (Indonesia) thành Chà Và. Người Campuchia trước kia cũng gọi người Java là Cavia, rồi Việt kiều cũng gọi luôn là Chà Và. Đáng chú ý là đồng bào Chăm rất thành kiến với tên gọi Chà Và, vì theo họ tên gọi này “kỳ thị dân tộc”.

Đến đây là đến với thế giới đồng bào Chăm Hồi giáo. Đặc sắc nhất là thánh đường của họ. Cũng như các thánh đường Hồi giáo khác ở An Phú, thánh đường Masjid Jamius Sunnah có lối kiến trúc độc đáo với mái vòm hình củ tỏi nổi bật trên nền trời. Từ Masjid có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập, có nghĩa là nơi thờ phượng, nơi hành lễ của tín đồ Hồi giáo. Người Chăm cho rằng từ Masjid là tên gọi mà Thượng đế Allah đã ban đặt trong Kinh thánh Qur’an. Còn hai từ Jamius Sunnah bao hàm những điều tốt đẹp theo quan niệm của người Islam.

Bên trong thánh đường Hồi giáo không trưng bày bất cứ hình tượng nào, cũng như không đặt bàn thờ như các tôn giáo khác. Hầu hết các thánh đường đều được trang trí dưới các hình thức như vẽ, khắc các câu chữ Ả Rập trích từ kinh Qur’an hoặc câu Kakimah Saadat đề cao lòng tin đối với Thượng đế Allah. Thánh đường có duy nhất một “minbar” (bục giảng) phủ tấm thảm. Bên cạnh đó có một lõm sâu để ông Imam (người đứng đầu thánh đường) đứng, chủ trì các nghi thức lễ kết hôn, lễ tang và những buổi lễ quan trọng khác của người Chăm Islam.

Là nơi tôn nghiêm nên trước khi vào làm lễ tại thánh đường, tín đồ dùng nước rửa kỹ mặt mũi tay chân theo một quy thức đã định là Sambayang (tẩy lễ), cùng chỉnh sửa y phục đàng hoàng. Theo quan niệm của đạo Hồi, các tín đồ có thân thể sạch sẽ, áo quần nghiêm chỉnh thì các hành vi cầu nguyện trong thánh đường mới được Thượng đế Allah tiếp nhận.

Xưởng dệt thổ cẩm Chăm

< Một số mẫu khăn Chăm của gia đình ông Tarês được khách du lịch ưa thích.

Xóm cầu Mương Chà có một cơ sở dệt thổ cẩm Chăm của ông Tarês, 75 tuổi, hoạt động từ khi vợ ông, bà Sali Mah (65 tuổi) mới 12 tuổi. Thổ cẩm Chăm là một nghề truyền thống đã tồn tại và phát triển từ lâu đời. Trong quyển “Royaume de Champa”, Maspéro viết: “Người Chăm trồng dâu nuôi tằm và trồng bông, đến mùa bông nở, bông trắng như lông ngỗng. Người ta lấy bông ra kéo sợi, dệt vải thô và nhuộm thành sản phẩm”.

Nhưng ngày nay việc trồng dâu nuôi tằm đã không còn. Để có sợi dệt, người ta dùng sợi nhân tạo. Trang phục Chăm đẹp nhờ nghệ thuật tạo hình do cách bố trí lượng vải và chất liệu khác. Cơ sở dệt thổ cẩm của ông Tarês do các cô con gái ông thực hiện, có nhiều mặt hàng, như hàng đội, khăn trải bàn, khăn trải nệm (drap). Khăn trải bàn, giá 200.000 đồng/chiếc (1,2m x 2m). Khăn trải nệm, giá 400.000 đồng/chiếc (2m x 2,5m). Còn dệt một số thổ cẩm dành may thành một số sản phẩm khác, như túi xách (60.000 đồng - 80.000 đồng/chiếc), nón nữ (mượt camay) giá 60.000 đồng/chiếc, khăn choàng đầu nữ (tahco), giá 60.000 đồng/chiếc.

< Con gái ông Tarês bên khung cửi dệt thổ cẩm.

Sà rông (khanh báy) của người Chăm giống như các dân tộc thuộc ngữ hệ Malayo - Polynésien ở trong nước như đàn ông Édé, Giarai, Raglai… Sà rông là một tấm vải 2m đấu lại, thường là màu trắng, có một số hoa văn để phân biệt đẳng cấp xã hội. Váy (khánh báy) phụ nữ Chăm giống các dân tộc ít người ở Tây Nguyên, cấu tạo đơn giản hơn sà rông, nhưng với chất liệu vải mềm mại và đẹp hơn, thường màu trắng và màu đen. Loại váy (chăn) mà phụ nữ Chăm ưa chuộng nhất là váy pành có hoa văn Tuhmum, Tâm un, Kchah. Phụ nữ quý tộc Chăm mặc váy Pi chuồn, hoa văn trang trí Magarài, chim-hăng, Tú hốp, còn phụ nữ nghèo mặc chăn Mrai. Trong những ngày lễ hội như Royà, Ramadam, phụ nữ Chăm mặc váy tơ tằm có hoa văn, trông rất đẹp… đi chơi ngày lễ, đông vui.

Cơ sở thổ cẩm của ông Tarês trước kia nằm bên con đường đi thị trấn An Phú, tới xã Khánh Bình sát biên giới Campuchia. Để thuận tiện đón khách du lịch đi bằng đường thủy từ thị xã Châu Đốc ghé tham quan, mua hàng lưu niệm, từ hai năm nay dời vào đây. Khách du lịch nước ngoài bước lên chiếc cầu gỗ nhỏ dài chừng 500 thước là đền cơ sở của ông. Cuối chiếc cầu gỗ này có hai chiếc ghe đóng theo kiểu Chăm, với mũi ghe hình thoi.

Cách đó không xa là một căn nhà sàn Chăm nằm thoi loi trên dòng sông Đa Phước. Trên dòng sông này có vài chiếc ghe Chăm ngày ngày quăng chài kiếm cá. Đánh cá là một trong những nghề chính của người Chăm nơi đây. Hiện nay, đang mùa nước nổi, đồng bào Chăm đánh bắt cá hầu như liên tục suốt ngày, thu nhập của họ khấm khá hơn. Đây cũng là lúc du khách, nhất là khách nước ngoài rất thích thú chiêm ngắm cảnh sinh hoạt sông nước này của họ trên đường trở ra sông Châu Đốc tham quan những nhà bè nuôi cá “khổng lồ”, kết thúc chuyến đi với nhiều mỹ cảm.

Du lịch, GO! - Theo Thesaigontimes
Lịch lốc đang mỏng dần, báo hiệu một mùa Giáng sinh, một năm mới đang sắp về. Mặc dù Noel là ngày lễ phương Tây nhưng tại những thành phố lớn của Việt Nam, không khí Giáng sinh đã tràn ngập khắp phố phường.

< Tại các nhà hàng, khách sạn, hay trung tâm thương mại... được trang hoàng đón Noel từ rất sớm.

Trong tiết trời lành lạnh hơn tăng theo mỗi ngày nhưng người dân vẫn tấp nập đổ về những tuyến phố để mua sắm các món đồ chuẩn bị cho đêm linh thiêng. Đèn trang trí cũng đã rộn ra khắp nơi.

< Thị trường dịch vụ sôi động với Giáng sinh 2011.

Nếu bạn đang có mặt ở hai thành phố Hà Nội, Hải Phòng, ngoài những điều thú vị sẵn có hàng ngày, hai thành phố trên sẽ chào đón bạn với một diện mạo khá bắt mắt với hình ảnh những cửa hàng, khu trung tâm thương mại, nhà thờ, ... đã phủ lên khắp thành phố sắc màu xanh lá, đỏ trắng và rực rỡ ánh đèn ne-on.

< BigC Hà Nội.

Các bạn có thể nhận thấy rõ nhất không khí Giáng sinh và năm mới 2012 sắp về trong các trung tâm mua sắm lớn.
< Cả thành phố rộn ràng "khoác" lên mình bộ cánh Noel đầy màu sắc. Tất cả đều hứa hẹn một mùa Giáng sinh ấm áp và an lành.
< Nhộn nhịp mua sắm vật dụng trang trí. Các con phố mua sắm tràn ngập đồ Giáng sinh.
< Những em bé luôn là những người háo hức đến lễ Giáng sinh nhất.
< Nhà hàng kem Thủy Tạ bên hồ Gươm đã sẵn sàng đón Giáng Sinh cùng thực khách.
Đến với các trung tâm thương mại lớn, ngoài cảnh trang hoàng lộng lẫy, nơi đây còn đang vào dịp giảm giá triệt để các mặt hàng của năm 2011. Các cửa hàng đồng loạt “sale off” hàng từ 20%-50%.
Biết đâu trong chặng đường du ngoạn qua các trung tâm này, các bạn sẽ rước về một món đồ đã ao ước từ lâu với giá vừa phải vì Giáng Sinh là dịp để những điều ước trở thành hiện thực mà. Ngoài ra, các quán đồ ăn tại đây cũng sẽ cung cấp cho các bạn thực đơn mùa giáng sinh với khẩu vị rất Tây.
< Một vị khách người nước ngoài hứng thú với các món đồ đầy màu sắc.
< Các bạn trẻ cũng tranh thủ xuống phố hòa chung không khí đón Noel.
< Một cửa hàng 'đắt' khách trên phố Hàng Mã.
< Trang phục ông già Noel dành cho các bé và cả người lớn.
Các mặt hàng dành cho Giáng sinh năm nay về cơ bản không thay đổi nhiều. Những mặt hàng truyền thống như cây thông, đèn nháy, chuông, dây trang trí... vẫn rất hút khách. Mỗi cây thông Noel có giá khoảng 500-600 nghìn đồng, Quần áo ông già Noel dành cho trẻ em có giá 150 - 250 nghìn đồng/bộ.
< Một trong những nhà thờ tại thành phố Hải Phòng cũng đã giăng đèn kết hoa.
< Lotteria trên đường Trần Phú, Hải Phòng.
< Lóng lánh đồ trang trí Noel đủ màu sắc.
Giáng Sinh là một dịp để những tín đồ đạo Thiên Chúa và cả người theo tôn giáo khác có dịp để lắng mình, suy tưởng về một năm đã qua. Nhưng đây cũng là một dịp tốt để những du khách và dân bản địa ngắm các thành phố lớn trong một diện mạo vừa uy nghiêm, vừa tráng lệ mà vẫn ấm áp.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Sotaydulich, BĐVN

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống