Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 19 December 2011

Chùa Linh Phước tọa lạc tại số 120 Tự Phước, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 8 km về hướng Đông Nam.

Chùa được khởi công xây dựng từ 1949 đến 1952 mới hoàn thành. Năm 1990 chùa trùng tu lại toàn bộ, xây dựng cổng tam quan ngay mặt đường để khách dễ nhận biết, vì thực tế chùa nằm sâu trong hẻm cách mặt đường chừng 80m.

Gọi là chùa Ve chai vì ở đây có con rồng dài 49m, vây được đắp bằng các mảnh vỡ của 50 nghìn vỏ chai bia. Tên chính thức của ngôi chùa là Linh Phước, cách thành phố Đà Lạt khoảng 8 km. Ngoài kiến trúc độc đáo, nơi đây còn có một đại hồng chung được coi là lớn nhất Việt Nam.

Linh Phước tự tọa lạc trên một khu đất nằm bên phải quốc lộ 20 - đường từ Đà Lạt đi Cầu Đất, thuộc địa bàn Trại Mát, phường 11. Chùa do một số tăng ni, phật tử từ Thừa Thiên - Huế đến xây dựng từ năm 1949, nhưng chỉ bắt đầu được nhiều người biết đến kể từ năm 1990. Khi đại đức Thích Tâm Vị cho trùng tu lại toàn bộ kiến trúc và xây dựng thêm nhiều công trình mới.

Công trình đầu tiên gây được ấn tượng với khách hành hương là Long Hoa Viên, tạc hình con rồng uốn lượn dài tới 49 m quanh tượng đài Phật Di Lạc. Vây rồng được làm bằng mảnh vỡ của 50.000 vỏ chai bia, bên cạnh thân rồng có hồ nước và hòn giả sơn, có tượng Phật Di Lạc ngự trên đỉnh.

Đến với Linh Phước tự, ngoài việc dâng hương lễ Phật, du khách còn được thưởng ngoạn những kiến trúc được xây dựng công phu. Trước hết phải kể đến chánh điện và Tiền đàn bảo tháp, một công trình kiến trúc đồ sộ và độc đáo: chánh điện dài 33 m, rộng 22 m; Tiền đàn bảo tháp cao 27 m được chạm trổ hình rồng. Lầu 1 có gian thờ 108 tượng "Thiên thủ thiên nhãn". Trong nội điện, tượng Phật Thích Ca cao 4,9 m kể cả tòa sen, phía trước được làm bằng bê-tông cốt thép, bên ngoài thiếp vàng, phía trước là bức Cửu long môn uốn mình chầu Phật.

Dọc hai bên chính điện là hai hàng cột rồng khảm mảnh sành tương tự như phong cách khảm tại các lăng mộ vua nhà Nguyễn. Bên trên hai hàng cột ấy là những bức phù điêu khảm sành mô tả lịch sử Đức Phật Thích Ca từ giáng sinh đến nhập niết bàn. Phía sau Tổ đường có bức phù điêu Thập bát La Hán và Thập mục Ngưu đồ, tất cả đều có vẻ đẹp hoành tráng làm du khách phải kinh ngạc.

Trước Long Hoa Viên là tòa Linh tháp 7 tầng, cao 36 m (được xem là bảo tháp cao nhất Đà Lạt hiện nay) đây là nơi thờ Phật, tôn trí xá lợi và cũng là bảo tàng viện.

Lầu 1 còn có Đại hồng chung (đúc vào cuối năm Kỷ Mão 1999) được xem là lớn nhất Việt Nam hiện nay. Chuông cao 4,3 m, đường kính 2,3 m và nặng tới 8,5 tấn. Việc đúc chuông có sự đóng góp vật lực, tài lực của Phật tử, du khách từ Bắc chí Nam. Một nhóm nghệ nhân Huế đã có 3 đời đúc chông được mời đến đã dành ra hơn một năm để tạo khuôn, đúc và chạm khắc những hình ảnh trên chuông, bao gồm các ngôi chùa nổi tiếng của nước ta, tượng Phật nghìn mắt nghìn tay, các thắng cảnh…

Trước sân chùa còn có Bảo đài Quan Thế âm Bồ Tát tạo dáng rất hài hòa cân đối. Ở Linh Phước tự hình tượng con rồng gần như bao quát toàn bộ kiến trúc của ngôi chùa, được chạm khắc, bài trí rất công phu trên các hàng cột, trên mái chùa cong…

Đến với Đà Lạt, thành phố ngàn hoa ở cao nguyên Lang Biang, nơi có những danh lam thắng cảnh đã là điểm tham quan, lễ bái cho hàng triệu du khách muôn phương: Chùa Linh Sơn, chùa Linh Quang, chùa Linh Phong, chùa Thiên Vương Cổ Sát, thiền viện Trúc Lâm, thiền viện Vạn Hạnh ... và chùa Linh Phước.

Du lịch, GO! - Theo Lamdong.gov, Vinhnghiem VN.
Nằm cách thành phố Vinh 350km, ở độ cao khoảng 1.100m so với mực nước biển, xã Keng Đu được biết đến là một vùng đất có “nhiều cái nhất” của tỉnh Nghệ An: Hiểm trở, nghèo khó, xa xôi nhất... 

Từ TP Vinh, nhóm phượt gồm 8 sinh viên và 3 chuyên gia đi bụi trên 6 chiếc xe Min thay nhau cầm lái. Phải mất 6 tiếng để vượt qua chặng đường dài ngoằn ngoèo uốn lượn qua những dãy núi đá rêu phong để đặt chân đến đất Kỳ Sơn, Nghệ An.

Sau đêm mưa, con đường độc đạo dài 70km từ thị trấn Mường Xén vào Keng Đu trở nên gian khổ hơn bao giờ hết. Một bên là núi cao, bên kia là vực sâu, giữa lòng đường trơn trượt, có những quãng sình lầy ngập ngang bánh xe. Chúng tôi bắt gặp một nhóm người “vần” xe máy vào Keng Đu. Một người không thể tự dắt xe qua lầy, họ lại phải hợp tác, người trước, kẻ sau đẩy từng chiếc một qua.

< Lội suối vào xã Keng Đu.

Một sinh viên tính nhẩm: “Từ Vinh vào Kỳ Sơn đúng bằng thời gian từ Vinh ra Hà Nội”. Mệt mỏi nhưng ai cũng vui vì đất trời Kỳ Sơn xa xôi mà đẹp mê hồn.

Từ trên các dãy núi nhìn xuống cả một vùng bạt ngàn ruộng bậc thang, thưa thớt những mái nhà lợp cọ nấp bên sườn đồi vẻ e thẹn.

< Những ngày mùa đông, giáo viên phải cho các em nghỉ học đốt lửa sưởi ấm.

Từ dưới thung lũng nhìn lên, bạn sẽ thấy 4 mặt là các dãy núi tầng tầng lớp lớp mờ ảo trong khói lam chiều. Tiếng suối chảy, tiếng chim hót, tiếng các loài hoang dã trong rừng với đủ mọi âm thanh vọng lại tạo cho người nghe một chút nhớ nhà, cảm giác lâng lâng khó tả hòa cùng tiếng gió rừng vi vu.

Từ trung tâm thị trấn Kỳ Sơn, bạn sẽ phải để lại những con “ngựa chiến” để cuốc bộ đến các bản làng xa xôi nhất. Bạn sẽ phải dựng trại ngủ rừng, bắt cá dưới suối, tìm rau dại để ăn.

< Học sinh xã biên giới Keng Đu phải vượt hơn 10 km đèo dốc để tới lớp.

Sáng hôm sau, chúng tôi đã đến với xã Keng Đu nằm sát đất Lào. Xã Keng Đu được xếp vào hạng nghèo nhất nước. Xã có 10 bản với số dân thưa thớt. Từ nhà nọ đến nhà kia cách nhau cả một quả đồi. Lại còn các bản trong xã thì càng tít tắp, có những nơi phải đi bộ gần 10 tiếng đồng hồ mới đến được trung tâm xã.

Ở Keng Đu ngập tràn rượu. Uống rượu thay nước. Nếu bạn không uống được rượu thì cũng phải cố bởi người dân nơi đây chỉ mời rượu khi nhà có khách. Nhóm sinh viên tình nguyện sốc khi thấy các ông già bà lão uống rượu bằng bát.

< Sáng sớm, người dân Keng Đu lấy nước ở các bể được dẫn từ đỉnh Huổi Chót về.

Sau một ngày dạy chữ, dọn đồi và nương rẫy chúng tôi cùng những người dân bản ngồi lại trong ngôi nhà sàn. Vài món ăn dân dã của rừng cùng rượu và thuốc lào. Tất cả hòa quyện vào hạnh phúc khi nhóm “phượt” cảm nhận được sự chân thật, hiếu khách của người Kỳ Sơn. Người dân bản như vui hơn khi cả năm mới có vài vị khách ghé qua.

Bạn sẽ được lội suối băng rừng để thăm từng nhà trong các bản làng ở Keng Đu. Tất cả đều hoang sơ. Từ ngôi nhà đến thức ăn, nước uống. Nhưng bạn sẽ được gặp những người nổi tiếng của Keng Đu. Đơn giản như một thầy cúng với những câu chuyện phép thuật. Một thợ săn với những chuyến đi mạo hiểm. Hay giản dị hơn khi được tâm sự với những cô gái bản xinh đẹp.

< Gùi thay thế cặp sách.

Và cuối cùng bạn chỉ cần nhớ một điều, hãy sống với người dân Keng Đu bằng tấm lòng chân thật nhất. Đổi lại bạn sẽ thấy cuộc đời có nhiều ý nghĩa từ những chuyến đi.

---

Xã Keng Đu, nơi địa bàn đồn đóng quân là xã nghèo nhất, xa nhất, đường đi lại khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn. Với 10 bản gồm người Thái và Khơ Mú sinh sống, trong đó người Khơ Mú là chủ yếu với 9 bản và 3504 nhân khẩu, người Thái với 1 bản và 145 nhân khẩu.
Việc đi lại giữa các bản rất khó khăn, có những bản nằm sát biên giới như Keng Đu, Kèo Kơn, Khe Ling, chưa có đường xe máy, muốn đi đến trung tâm xã cũng phải mất chừng 4 đến 5 tiếng đồng hồ đi bộ.

Du lịch, GO! - Theo ANTĐ, Nghean24, Dantrí...
Mường Chiến (còn gọi là Ngọc Chiến) đã từng được ví như vùng đất “thâm sơn cùng cốc” của núi rừng Tây Bắc. Sự cách trở về giao thông ấy đã vô tình tạo nên bao điều bí ẩn về bản người Thái bên dòng Nậm Chiến. Đến với Mường Chiến ta sẽ được khám phá vô vàn những điều kỳ bí về cuộc sống con người, thiên nhiên độc đáo không nơi nào có được.

Dân phượt vẫn hay gọi Mường Chiến - huyện Mường La tỉnh Sơn La là “cõi tu tiên”. Dòng suối Chiến nuôi nấng những người Thái nơi đây mộc mạc như cây trên rừng, đá dưới suối...

Từ Mường La, Sơn La bạn phải vượt 40 cây số, một nửa đường nhựa, phần còn lại đường đất, ven theo triền núi rồi qua đèo Sam Síp mới có thể đến thung lũng Mường Chiến. Sam Síp tiếng Thái có nghĩa là 30 bậc tương ứng với 30 khúc quanh co của con đèo quanh năm mây phủ.

< Mường Chiến (Ngọc Chiến) cũng đã được chú ý để khai thác du lịch.

Núi Sam Síp cao, đèo Sam Síp sừng sững, như để cho những người ưa khám phá có thêm cung bậc đam mê, thỏa chí tang bồng.

Vượt qua Sam Síp, bạn như lạc vào một thế giới khác, thế giới của thiên nhiên. Đó là những cánh đồng hoa ly rực rỡ bên bờ suối Chiến, với những mái nhà bằng pơ mu với hàng trăm năm tuổi cổ kính dưới tầng mây trắng.


Khách đến bản Phảy sẽ ngỡ ngàng hơn bởi lối quy hoạch đẹp đến không ngờ. Cả bản có gần 100 nóc nhà bên bờ suối Chiến nhưng được quy hoạch theo hình răng lược, nhà nào cũng có tường rào, cổng vào và tất nhiên, tất thảy đều nhuốm màu rêu phong được xây dựng từ rất lâu của loài gỗ Pơ Mu.

Bản Phảy còn được người vùng Mường Chiến gọi là bản nghệ nhân bởi theo như cách nói của thầy giáo Lò Văn Them - một người con của bản rằng: “Không biết chế tác gỗ Pơ Mu làm nhà sàn thì không phải là người đàn ông của bản Phảy”.

Những người già ở Mường Chiến kể, nơi đây xưa kia là vương quốc của pơ mu. Đồng bào Thái từ Mường Lò đến đã bị núi Sam Síp mây mù cản trở nên đã chọn nơi này để tiếp tục cuộc sống mới. “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”, vì thế những thân gỗ pơ mu khi ấy đã trở thành vật liệu chính cho việc dựng nhà, dựng cửa.

Bao đời nay, những mái gỗ pơ mu vẫn trơ gan cùng thời gian. Giờ đến Mường Chiến, hẳn bạn sẽ phải thốt lên, “thục là vùng quý tộc” bởi gỗ pơ mu được dát ở mọi nơi, từ căn nhà sàn trăm mét vuông cho đến cây cầu treo hay máng dẫn nước vào nương nếp tan.

Dừng chân lại nhà nghệ nhân Lò Văn Pẳn hỏi chuyện - ông Pẳn là nghệ nhân chế tác gỗ Pơ Mu tinh xảo nhất vùng Mường Chiến.

Nhà của ông có kiến trúc hoa văn đầu đón, đầu xà, kèo cột chạm khắc khá tinh xảo, 4 mái và lầu tứ giác đẹp đến mê hồn. Trong câu chuyện của nghệ nhân Pẳn mới biết, ngày xưa, người Mường Chiến có hẳn một quy định bất thành văn về loài gỗ quý Pơ Mu.

< Những nóc nhà bằng gỗ pơmu ẩn hiện trong mây.

Ông kể rằng: Thời còn trẻ, ở Mường Chiến gỗ Pơ Mu nhiều vô kể, nhiều hơn bất kỳ một loài gỗ nào khác nhưng bản mường cũng có một quy định không biết có tự bao giờ là: Lên rừng tìm gỗ Pơ Mu dựng nhà chỉ được chặt những cây gỗ phải đủ một tầm ôm của tay người, cây nhỏ hơn không được chặt để nó lớn. Nếu ai vi phạm sẽ bị bản bắt vạ một con lợn to.

< Dựng nhà trên bản.

Ngày xưa, việc dựng nhà không chỉ là việc của mỗi gia đình mà là việc chung của bản. Nếu nhà nào có con cái trưởng thành đã dựng vợ gả chồng có nhu cầu dựng nhà ở riêng thì đàn ông cả bản cùng nhau lên rừng tìm gỗ rồi đục kèo, cột, làm ngói. Còn đàn bà cả bản phải lo lên rừng tìm rau củ, nấu nướng phục vụ.

Gia chủ của ngôi nhà chỉ cần chuẩn bị lợn, trâu để khao thợ chứ không có công xá gì.

< Ngói lợp bằng những phiến gõ Pơ mu.

Cái khó nhất để làm một ngôi nhà sàn bằng gỗ Pơ Mu là chế tác các viên ngói. Những viên ngói bằng gỗ Pơ Mu phải dùng chèm để chẻ theo thớ rồi tách làm sao để nước mưa theo thớ mà chảy xuống.

Việc lợp mái cũng rất công phu, phải lợp từ nóc mái xuống và tính theo thớ gỗ để xuôi dòng chảy. Mái nhà sàn được làm bằng gỗ Pơ Mu thì không có vật liệu gì hay bằng, gỗ không bị cong vênh, mối mọt, mùa đông thì ấm mà mùa hè thì mát mà độ bền lên đến 200 – 300 năm.

< Đường trong thôn bản Mường Chiến.

Mường Chiến không có nhà nghỉ hay nhà khách. Nơi đây chưa bị vướng “bụi trần ai” của thế giới khác. Nhưng bạn hãy yên tâm mà nghỉ lại bản, người Thái vốn hiếu khách, do vậy tất thảy những ngôi nhà sàn 100% làm bằng gỗ pơ mu đều là nơi nghỉ tốt cho bạn. Đến Mường Chiến bạn còn được tắm mình trong nguồn suối khoáng nóng thiên nhiên, thưởng thức gà đen cánh tiên mà người bản địa gọi là “gà thiên cổ”, và đặc biệt món ăn truyền thống của đồng bào Thái ở nơi đây là xôi đồ.

Nếp tan trồng trên cánh đồng Mường Chiến trải dài 8 km² sẽ đem đến những món xôi dẻo ngon miệng. Đây là giống cây trồng giá trị chỉ có thể trồng ở Mường Chiến, nhưng đã nức tiếng với loại gạo nếp bản địa riêng vùng Tây Bắc này.

Theo nghiên cứu của chuyên gia, Mường Chiến là vùng tiểu khí hậu, lại ở độ cao trên 1500m  so với mực nước biển, nên là môi trường tốt cho sức khỏe con người, cho cỏ cây thiên nhiên.

Bạn không có gì lạ khi đến Mường Chiến gặp hoa nở nghịch mùa, quả trĩu trái mùa… Đó là vùng đất không thể bỏ qua trong hành trình “phượt” đến ven trời Tây Bắc

Một cuộc sống của đồng bào người Thái thuần phác đến hoang sơ như nàng công chúa ngủ quên trong rừng bao năm qua nay được đánh thức bởi bước chân khám phá của những người ưa du lịch sinh thái và văn hóa.

Để đến Mường Chiến có 2 lựa chọn:

Một là từ đi từ phía Ngã 3 Kim (cách Mù Cang Chải khoảng 13km, cách Tú Lệ khoảng 35km). Tại đây có 1 ngã 3, nếu đi từ phía MCC về Tú Lệ thì sẽ rẽ phải. Đi vào khoảng 12-13km sẽ đến Nậm Khắt.

< Trẻ em Mường Chiến.

Đường vào NK cơ bản là ngon lành, lên dốc, xuống dốc nhiều nhưng độ dốc thoải, đường lại rộng, ô tô tải cũng vào ngon lành. Nhưng nếu gặp ngày trời mưa thì cũng không phải là thoải mái nếu đi bằng xe máy, vì ở đây toàn đất đỏ, rất trơn nếu trời mưa, dốc tuy thoải, nhưng dài.

Lựa chọn thứ 2 là đi từ phía Mường La sang. Khoảng cách từ Mường La đến Mường Chiến là 35km, trong đó 25km đường nhựa phóng bon bon (trừ 1 vài chỗ đất, đá sạt không đáng kể), chỉ có chừng 10km là đường hơi khó. Đường rộng, ô tô vào thoải mái, mỗi tội là nhiều đá và sỏi nên cũng dễ trượt.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ ANTĐ, Tintuc VNanet, Phuot forum...

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống