Trong cuộc nói chuyện với một anh chàng người Mỹ cùng phòng trọ ở thủ đô Zagreb, tôi được biết là sẽ có rất nhiều du khách đến thăm vườn quốc gia Plitvice nên phải book vé trên mạng trước để tránh phải xếp hàng dài. Plitvice đối với Croatia cũng giống như vịnh Hạ Long của Việt Nam vậy. Tôi biết công viên này cũng là do đã từng tổ chức tour cho các đoàn Pháp đi và đã luôn ao ước có một ngày được đi dạo qua những con hồ trong vắt của nó. Plitvice là điểm khơi mào cho thú đi du lịch thiên nhiên của tôi.
Công viên quốc gia Plitvice nằm khá gần biên giới với Bosnia và cách thủ đô Zagreb khoảng 200km về phía nam. Plitvice nổi tiếng bởi đây là một khu rừng nguyên sinh toàn là cây thông trắng và sở hữu một quần thể 16 hồ nước nằm trồng chéo lên nhau và 92 thác lớn nhỏ.
Nước từ các con suối nhỏ chảy qua các vách đá rồi chảy thẳng qua những đoạn thác có khi cao đến 160m. Cùng với thời gian, nước chảy sói mòn đá tạo ra những hang động
Plitvice cũng là nơi có bề dày lịch sử ấn tượng. Khoảng 2000 năm trước công nguyên đã có dấu vết của nhiều bộ tộc qua đây : Thrace, La Mã, Byzantine, người Croate rồi người Hungary. Sau đó, Plitvie nói riêng và Croatia nói chung lần lượt là lãnh thổ của đế chế Ottoman và Áo-Hung. Plitvice đối với người Croate cũng giống như Điện Biên Phủ của Việt Nam bởi tại đây đã xảy ra trận chiến quyết định sự độc lập của Croatia khỏi sự kìm hãm của người Serbia năm 1995.
Hồ và rừng Plitvice hàm chứa nhiều truyền thuyết. Theo người ta kể, một mụ phù thủy, «hoàng hậu đen », đã tạo ra vùng này bằng cách cho mưa thật nhiều để đáp lại lời cầu nguyện của nông dân vùng này sau một trận đại hạn hán. Một số câu truyện khác kể rằng Plitvice xưa kia có biệt danh « khu vườn của quỷ dữ » bởi có nhiều người chết đuối ở đây.
Công viên Plitvice là một ví dụ cho khả năng quy hoạch và phát triển du lịch sinh thái đáng để Việt Nam học hỏi. Lượng du khách vào đây cũng không kém vịnh Hạ Long nhưng người ta tuân thủ nghiêm túc các nội quy về bảo vệ thiên nhiên. Ngoài ra, các con đường đi bộ được quy hoạc rất tốt, đảm bảo du khách không phải va chạm hay xếp hàng dài. Các con đường lát gỗ được sắp xếp rất khéo léo nên người đi có cảm giác như đi vào một khu rừng nhân tạo.
Các con hồ lấy nguồn nước từ 2 nơi : Bijela Rijeka « sông trắng », tên như vậy vì màu trắng của cát vôi, và Crna Rijeka, « sông đen », bởi màu đen của rong rêu dưới đáy sông.
Các vũng nước chia cắt thành hồ ở trên cao và dưới thấp theo độ cao, tạo ra những màu sắc khác nhau. Màu sắc của nước phụ thuộc vào độ sâu của hồ cũng như hàm lượng chất khoáng và ánh sáng mặt trời.
Lần theo những dòng nước chảy xuống thác, tôi đi từ hồ trên cao xuống hồ dưới thấp, ít ồn ào và nông hơn. Vì độ sâu khiêm tốn, « plitvak » trong tiếng croatia, nên tên công viên là plitvice. Các con hồ này cũng chịu sự hóa đá của lòng hồ bởi có chất travertin. Loại đá vôi màu trắng này có nguồn gốc từ sự sói mòn vôi, qua thời gian đọng lại dưới lòng hồ, trong rong rêu và « đá hóa » tất cả những gì nó nằm lên. Quá trình này cứ diễn đi diễn lại nhiều lần, tạo ra cảm giác như ta đang ở trên mặt trăng.