Tôi quyết định đi Budapest là do lời giới thiệu của một người bạn Pháp vừa đi weekend ở đó về. Cậu ta nói với tôi : « này, đi chỗ đó vui lắm đấy. Có cả một khu tắm nước khoáng nóng ! ». Nghe đã thấy hấp dẫn rồi, ở giữa thủ đô mà lại có nguồn nước khoáng nóng à ? Thế là tôi quyết định đi. Với lại tôi cũng đã từng nghe nói qua Budapest như là « viện ngọc sáng của sông Danube », nghe cái tên kêu phết. Dù gì thì Budapest cũng có một vị thế nhất định trong Châu Âu , cũng từng là thủ đô của đế chế Áo-Hung chứ không phải là một thành phố vớ vẩn đâu.
Điểm sáng nhất : bể tắm nước khoáng nóng
Trong tất cả các quyển hướng dẫn du lịch như Lonely Planete, Budapest luôn được coi như thành phố vô địch trên thế giới về số lượng phòng tắm nước khoáng với nhiệt độ từ 21°C đến 78°C. Vì thế nên đến đây mà không ngâm mình ở đâu đó thì coi như chưa đến Budapest. Tất cả các khách sạn thậm chí là 2 sao cũng được trang bị dịch vụ spa hoặc dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ nước khoáng hoặc ít nhất một bể tắm. Cái đó không có ở bất cứ nơi đâu vì bình thường phải từ 4 sao trở lên thì khách sạn mới được trang bị bể spa (theo tiêu chuẩn thông thường). Trong 2 ngày ở Budapest, tôi đi tắm ở 2 bể nổi tiếng nhất của thủ đô : Szechenyi (bể ngoài trời) và Gellert (bể trong nhà). Hai bể này có những đặc điểm khá khác nhau : nếu như Szechenyi dành cho người dân công chúng thì Gellert có vẻ như thượng lưu hơn.
|
Lối kiến trúc của Szechenyi thiên về La Mã và Hy Lạp cổ và được xây dựng vào năm 1879. Tại đây thì có thể dễ dàng gặp người dân Budapest hơn, chắc là do giá vé vào cửa rẻ hơn. |
|
Vào buổi chiều, có rất nhiều người Hungary về hưu đến đây vừa ngâm mình vừa so tài cờ vua |
|
Gellert nằm ngay trung tâm thành phố nên thuận tiện cho đi lại hơn là Szechenyi và lối kiến trúc thì thiên về dòng Belle Epoque (1870-1914), rất tao nhã. |
Budapest, thành phố di sản của Unesco
Budapest không chỉ sở hữu những bể nước khoáng nóng mà còn là cả một quần thể kiến trúc tráng lệ. Tôi rất thích sự pha trộn giữa kiến trúc và lối sống nơi đây : những tòa nhà tráng lệ sơn màu vàng thổ (giống mấy tòa nhà kiến trúc Pháp cổ ở Hà Nội, như dinh chủ tịch gần lăng bác chẳng hạn), những quán café sách nhộn nhịp hay những quán trọ nơi người ta lui tới để nghe nhạc Zigan vào xế chiều. Và tôi cũng rất thích cái cảm giác khác biệt khi đi từ Buda sang Pest. À quên, cũng phải nói là thành phố Budapest là sự hợp nhất của hai phần thành phố bị sông Danube chia ra : Buda («khu phố cổ ») và Pest (« khu phố mới »). Nếu như bên Buda tràn đầy vẻ trung cổ thì bên Pest lối kiến trúc Art Nouveau có mặt ở khắp nơi.
Khu phố cổ Buda
Khu đồi Buda là biểu tượng của lòng kiên định dân tộc Hungary chống lại giặc ngoại xâm.Lịch sử của Buda gắn liền với số mệnh của hoàng gia Hungary, từ những giai đoạn đỉnh cao (XIV-XV), giai đoạn kháng chiến trường kỳ chống ngoại xâm Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ (XV) và giai đoạn đỉnh điểm thứ 2 (XVI) khi mà Budapest trở thành một trong những trung tâm quan trọng nhất của dòng nghệ thuật Phục Hưng Châu Âu. Nhưng thật không may mắn là Hungary một lần nữa bị giặc Thổ xâm lược và chịu quy phục trong vòng vài trăm năm và rất nhiều công trình kiến trúc cổ bị phá hủy. Phải chờ đến thế kỷ XVIII, Budapest mới trở lại thời hoàng kim khi đế chế Áo-Hung ra đời. Cũng tại thời điểm đó, thủ đô bắt đầu được bổ sung thêm nhiều tòa nhà theo dòng kiến trúc barốc và classic
Lâu đài hoàng gia, nơi ở của tất cả các vị vua Hungary. Công trình kiến trúc này bị phá đi rồi xây dựng lại rất nhiều lần do những cuộc xâm lăng của giặc Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ. Gần đây nhất, khu vực còn là nạn nhân của những cuộc tàn phá bằng bom của phát xít Đức và hồng quân Liên Xô. Phải mất hơn 20 năm, toàn bộ quần thể kiến trúc lâu đài mới được hoàn trả phần nào vẻ đẹp xưa kia.
Xung quanh lâu đài hoàng gia là một loạt dãy phố với những ngôi nhà biệt thự xây theo dòng kiến trúc barốc nhiều màu.
Nhà thờ Matthias được đặt tên theo vị vua Matthias tại vị vào thế kỷ XV. Khi người Thổ xâm chiếm Hungary, chúng chiếm luôn cả khu lâu đài. Nhà thờ lúc bấy giờ bị biến thành chuồng ngựa.
Nhưng khi chúng bị đánh đuổi đi, cả thành phố cũng như nhà thờ trở lại theo đạo Thiên chúa giáo. Theo truyền thuyết kể lại, trong trận đánh then chốt chống lại quân Thổ, người ta thấy Đức mẹ Mari hiện ra trước mắt chúng báo hiệu chiến thắng cho người Hungary.
Ngư phủ có vẻ bề ngoài khá giống Disneyland. Trước kia, xung quanh lâu đài có rất nhiều ngư dân và họ đã góp công sức không nhỏ trong công cuộc bảo vệ khu vực và công trình này được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 để ghi công họ. 7 ngọn chòi canh tượng trưng cho 7 trưởng bộ tộc Hungary, những người đã lãnh đạo và đưa dân tộc Hungary chuyển đến sống ở lưu vực sông Danube vào thế kỷ IX. |
Budapest có tất cả 7 con cầu bắc qua sông Danube nhưng cầu treo này là cầu cổ nhất, được xây dựng vào năm 1849. Đây được coi là biểu tượng của sự hợp nhất giữa Buda và Pest xưa kia là hai khu vực đối thủ của nhau. |
|
Lịch sử con cầu này cũng rất đặc biệt. Một vị bá tước tên là Szechenyi muốn xây một con cầu để có thể qua bên kia sông tham dự lễ an táng người bố ruột của mình. Ông giao trách nghiệm thiết kế cho kiến trúc sư người Scotland William Terney Clark. Có thể đó là nguyên nhân vì sao cầu này có vẻ bề ngoài khá giống cầu treo của London. |
Đài tưởng niệm những vị anh hùng được xây vào năm 1896 nhân dịp kỷ niệm tròn 1000 năm dân tộc Hungary chuyển đến sinh sống trong lưu vực sông Danube. Các bức tượng miêu tả những trưởng bộ tộc đã từng dẫn dắt dân tộc Hungary đến đây năm 896.
Tòa nhà quốc hội có dáng vẻ bề ngoài khá giống với tòa nhà Westminster của London. Cũng phải thôi vì cả hai công trình kiến trúc đều được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 khi mà dòng kiến trúc neo- gôtích đang rất thịnh hành.
Hễ có một thành phố nào có bề dày lịch sử là có một con sông lớn chảy qua, quả thật không sai. Và hễ có một con sông là có dịch vụ du ngoạn trên sông. Thế nên tôi cũng nhảy lên một chiếc tàu đậu bên bờ sông Danube và hòa mình vào dòng người khách du lịch tứ xứ.