Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 2 April 2012


Khi mới về Việt Nam, tôi khá ngạc nhiên khi được biết điệu múa bụng Trung Đông được du nhập và được rất nhiều phụ nữ quan tâm. Nhưng có vẻ như không mấy ai thực sự biết điệu nhảy này có nguồn gốc chính xác từ đâu và từ khi nào. Trong tiếng ả rập, múa bụng được dịch là « raqs el sharqi » và được phương Tây biết đến rất nhiều vào thế kỷ XIX. Nói múa bụng thì cũng không đúng cho lắm vì thực ra vũ công uốn éo nhiều bộ phận cơ thể như vai, mông và tay chẳng hạn. Có thể là do lúc múa, đàn ông chỉ chằm chằm nhìn vào bụng , nơi được phô trương nhiều nhất. Thực ra, có nhiều kiểu múa bụng chứ không phải chỉ có một kiểu. Có kiểu « sharqi » quý tộc, « baladi » dân dã hơn, « saidi » có nguồn gốc là điệu nhảy dành cho các chiến binh nam giới nhưng sau đó được cải biên lại cho phụ nữ. Và tất nhiên theo dòng thời gian với việc vương quốc này xâm chiếm vương quốc kia, điệu múa bụng du nhập sang nhiều quốc gia Trung Đông và Bắc Phi và trở thành đặc sản địa phương. Hậu quả là đặt chân đến nhiều quốc gia này, du khách đều được giới thiệu về múa bụng, loạn hết cả lên. Nói tóm lại, múa bụng không phải chỉ là đặc sản của mấy cô gái Ai Cập mặc váy lụa sexy và uốn éo ở những show diễn dành cho khách du lịch. Múa bụng là một nét văn hóa phổ biến của các quốc gia nằm ven Địa Trung Hải đặc biệt là Bắc Phi (Tunisia, Marốc) và Trung Đông (Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Liban, Syria).

Lịch sử múa bụng
Không có nhiều tài liệu sử sách giải thích nguồn gốc của điệu múa bụng nhưng giả thuyết chắc chắn nhất cho rằng nó sinh ra tại các ngôi đền của Ai Cập cổ đại cách đây hơn 4000 năm. Ban đầu, múa bụng có chức năng phục vụ cho các cuộc tế thần tại các ngôi đền này. Nó cũng giống như kiểu mấy ông làm dịch vụ lên đồng ở Việt Nam. Vào triều đại các vị vua Pharaon, những thầy cúng nữ làm lễ bằng cách uốn dẻo lượn sóng phần bụng và quay người tít thò lò với mục đích triệu hồi nữ thần tình yêu nhập hồn vào xác họ. 

múa bụng được miêu tả một phần thông qua các tác phẩm trạm khắc trên tường các lăng mộ Ai Cập cổ đại
 Những tài liệu chính thức có nói về múa bụng không phải do người Ai Cập mà lại là do người Châu Âu viết vào thế kỷ XVIII. Người Châu Âu và đặc biệt là người Pháp khá sốc với những phụ nữ múa bụng với trang phục khá là « thiếu vải » bởi khi ấy đạo Thiên Chúa giáo bắt buộc người Châu Âu phải ăn mặc kín đáo khi ra ngoài. Những đường uốn gợi cảm khiến cho cộng đồng Thiên chúa giáo liên tưởng đến sự tà lưa của gái làng chơi và những vũ công thời ấy bị sát hại rất nhiều. Thế nhưng những cuộc sát hại đó không làm người Châu Âu mất đi sự tò mò về điệu nhảy này. Ngay từ thế kỷ XIX, với phong trào lấy phong cảnh Trung Đông làm chủ đề vẽ tranh, nhiều họa sĩ phương Tây đã tôn vinh vẻ đẹp huyền bí của những vũ công múa bụng. 

Ai Cập là một trong những chủ đề vẽ tranh yêu thích của các họa sĩ Châu Âu vào giữa thế kỷ XIX. Và múa bụng được quảng bá từ thời điểm đó
  Đi cùng với sự phát tán hình ảnh quyến rũ của vũ công múa bụng ra nước ngoài, bên trong các quốc gia hồi giáo ở Trung Đông và đặc biệt tại Ai Cập lại là một phong trào cấm đoán sự xuất hiện của điệu nhảy này. Múa bụng thực sự lừng danh vòng quanh thế giới nhờ triển lãm quốc tế  ở Chicago năm 1893 và bộ phim Hollywood  « Forbidden dance » (1951). Bị cấm tiệt ở Ai Cập vào đầu thế kỷ XX, múa bụng lại lên như diều gặp gió tại các cabaret (một loại hộp đêm) ở Châu Âu và Châu Mỹ những năm 30-40. Và sự quốc tế hóa của múa bụng bắt đầu từ đó. 


  Theo truyền thống hồi xưa, phần lớn vũ công biết múa bụng ngay từ bé, không phải vì họ theo một khóa học nào đó mà chủ yếu là do họ bắt trước người lớn. Các vũ công hay múa giữa họ tại bất cứ dịp nào : cưới xin, sinh đẻ,…Nhưng ngày nay, các vũ công là một nghề chuyên nghiệp và thường được đào tạo tại các trường danh tiếng. Và tất nhiên, phần lớn là các show diễn dành cho khách du lịch. 

Múa bụng trong con mắt người Ai Cập
Khi tham gia xem các buổi biểu diễn múa bụng ở Trung Đông, đặc biệt là ở Ai Cập, tôi nhận thấy rằng rất nhiều vũ công có dáng vẻ bề ngoài khá mập mạp và có nhiều mỡ. Người Ai Cập giải thích cho tôi rằng tiêu chuẩn vẻ đẹp vũ công của họ không phải là vẻ đẹp dáng người thon thả như tiêu chuẩn người mẫu Châu Âu, mà là kỹ năng uyển chuyển của các nét cơ bụng làm sao càng sexy càng tốt. Một điều nữa khiến tôi ngạc nhiên, đó là vũ công múa bụng ở Ai Cập không nhận được sự tôn trọng từ xã hội. Nghề này không được coi như một nghề đàng hoàng và phần lớn vũ công biểu diễn tại các show cho khách du lịch không phải là người Ai Cập mà lại là người ngoại quốc. Một số kỹ thuật múa bị cấm do chính phủ Ai Cập lo sợ mức độ sexy của nó. Tiếp đến, những kênh truyền hình quốc gia không phát chiếu chương trình múa bụng nữa. 
đừng nhầm nhé, đây là vũ công Ba Lan và Argentina trong một show diễn ở Cairo
« Một ngày nào đó Ai Cập sẽ là quốc gia xuất khẩu vũ công múa bụng », ý kiến này không phải là lời nói đùa mà là một đề xuất nghiêm túc vào những năm 70, thời kỳ đỉnh cao của nghề múa bụng tại Ai Cập. Nhưng ngày nay, đa số vũ công lại xuất xứ từ…Nga hoặc Châu Mỹ latinh thậm chí là từ Pháp !!!Họ còn đổi cả tên thành tên ảrập nữa, nào thì Soraya, Ketty, Nour, Layla…

Marguerite là người Pháp hành nghề ở Cairo được 5 năm và đổi tên thành Ketty
Nhiều người thậm chí còn không nói giỏi tiếng ảrập nhưng biết cách vỡ bài và thông thạo ngôn ngữ cử chỉ cơ thể. Sao lại thế nhỉ ? Cô Ihab Gad, huấn luyện viên dạy múa tại Cairo giải thích cho tôi rằng sau khi Liên Xô tan rã, đã có rất nhiều cô gái Đông Âu đi tìm việc làm ở Ai Cập và các quốc gia hồi giáo khác. Do tiền lương họ đòi hỏi không cao và lại có vẻ đẹp bề ngoài rất tuyệt vời nên rất dễ được nhận vào các đội múa bụng. Thêm nữa, chính phủ Ai Cập có vẻ không đòi hỏi quá khắt khe về trang phục mặc của họ như là đối với chính phụ nữ địa phương. Nhưng mà chắc là vũ công ngoại quốc cũng sẽ không được phép nán lại Ai Cập nữa vì hình như bộ nội vụ sắp ra điều luật cấm người ngoại quốc hành nghề này rồi. Phí quá !! Thế là sắp hết cơ hội được ngắm mấy nàng da trắng mắt xanh múa bụng rồi.

Thời kỳ thoái trào của múa bụng tại Ai Cập ?
Việc ra điều luật cấm vũ công ngoại quốc phản ánh rõ quan điểm của chính phủ Ai Cập, muốn trao cho vũ công Ai Cập nhiều cơ hội hành nghề hơn. Có vẻ như nhiều người dân Ai Cập cũng như nghệ sĩ trong nghề ủng hộ luật này. Họ cho rằng truyền thống múa bụng đang tan lụi ngay tại đất nước sinh ra nó và nở rộ ở hải ngoại và đó là điều không thể chấp nhận được. Nhưng biết làm sao được khi ngay chính xã hội Ai Cập cũng không có sự đối xử công bằng với những vũ công hành nghề này. Ngay những gia đình Ai Cập truyền thống còn không chấp nhận việc các vũ công mặc đồ thiếu vải và nhảy múa cứ như thể đang tà lưa các đấng mày râu đã có gia đình. Nhiều phụ nữ Ai Cập sợ rằng hành nghề này sẽ mang tiếng xấu muôn đời nên không dám tiến thân nữa.

Sunday, 1 April 2012


Điểm đến du lịch nào mà chẳng có mặt trái của nó. Đằng sau nét lãng mạn của khu phố cổ Hà Nội chẳng phải là những khu ổ chuột ở mạn Phúc Xá hay gầm cầu Long Biên đó sao? Sau vài ngày tận hưởng sự thăng hoa trong khu phố cổ của Cairo, tôi muốn tìm hiểu rõ hơn cuộc sống thật của người dân địa  phương hay chính xác hơn, cuộc sống nghèo đói của họ. 


Nằm không xa pháo đài Salah El Din là một khu phố ổ chuột khổng lồ có biệt danh là “thị trấn chết”, tên như vậy vì đây vốn là một khu nghĩa địa rộng lớn mà người dân địa phương định cư ngay trong đó. Đặt chân đến đây, tôi có cảm giác đang sống lại những giây phút hồi hộp khi xem một bộ phim kinh dị, kiểu “evil dead” hay là “resident evil”, “walking dead”, hay clip “thriller” của Michael Jackson. Do bùng nổ dân số ở thủ đô và sự thiếu quan tâm của chính quyền địa phương đến trợ cấp nhà ở, nhiều gia đình phải chuyển đến sống cạnh bãi tham ma.  Hàng năm, có đến 250.000 người từ bỏ nông thôn chuyển lên khu này sinh sống với hy vọng sẽ tìm được cuộc sống khá khẩm hơn. Trước khi tôi đặt chân đến đây, tôi tưởng rằng tôi sẽ không được chào đón nồng nhiệt bởi người bản địa.Nhưng thực tế lại khác, tôi nhận được những tiếng cười hồn nhiên của những đứa trẻ chơi bóng trong khu nghĩa địa, những người phụ nữ đang phơi quần áo bên cạnh bia mộ bằng đá…tôi thậm chí còn được một chủ quán trà mời ngồi uống với ông ta và ông ta tuôn một tràng tiếng ảrập mà tôi chẳng hiểu mô tê gì…nhưng tôi cũng đoán là ông ta hiếu khách nên mới mời người lạ như vậy. 



Nhà ở trong mồ mả cho thuê!!
Đừng tưởng ở trong bãi tham ma thì điều kiện sống sẽ thiếu thốn. Nằm xa những tưởng tượng của tôi, khu  phố này thậm chí còn an toàn hơn những khu phố khác trong khu phố cổ Cairo. Trong khi các tòa nhà của Cairo hiện đại có khuynh hướng mọc ngày càng cao hơn, các ngôi nhà ở đây không cao quá 1 tầng. 

 
Khi nghĩ tới việc ở cạnh nghĩa địa, tôi hay liên tưởng đến khu phố nghĩa trang Văn Điển, nhưng những điều kiện vệ sinh ở đây lại rất tốt thậm chí còn tốt hơn những khu ổ chuột khác ở thủ đô. Người dân địa phương bảo tôi rằng phần lớn các ngôi nhà ở đây được cung cấp điện và nước. 80% hộ dân cư sở hữu một ngôi nhà cho riêng mình và có toalét bên trong. Đáng ngạc nhiên là tivi có ở mọi nơi và ăng ten chảo parabol không phải là hiếm. Và  ngạc nhiên hơn nữa là sự tổ chức rất quy củ của cả khu đô thị : mỗi một khoảnh nghĩa trang được tổ chức như là một khu phố riêng , có người bảo vệ và có “bảo kê” đi thu tiền sử dụng đất hàng tháng. Muốn sống cạnh một ngôi mộ ở đây, người ở phải có những thống nhất cụ thế với gia đình người quá cố của phần mộ đó. Người ở thì đóng cho gia đình chủ phần mộ một ít tiền và họ củng đảm bảo rằng phần mộ cũng có ai đó trông coi tránh khỏi trộm cắp. 

 
Người chết “chuyển nhà”  thì người sống phải khăn gói.
 Dù muốn hay không, những người sống ở thị trấn chết sẽ đều phải ra đi. Từ năm 2001, chính quyền địa phương đã có kế hoạch di chuyển toàn bộ các phần mộ ở đây để xây lại một khu công viên công cộng. Tổng cộng, sẽ có khoảng 110.000 phần mộ sẽ được chuyển đến khu phố mới, cách nội thành Cairo khoảng hơn 10km. 


 Kế hoạch này rất tốn kém và cúng dấy lên không ít những ý kiến trái chiều. Vậy thì những người sống ở đó thì sẽ thế nào? Đẩy họ đi đâu? …Tôi không tin rằng chế độ đãi ngộ của chính phủ dành cho các hộ gia đình ở đây sẽ làm vừa lòng tất cả. Sống ở nghĩa địa chí ít thì tiền thuê nhà rẻ (chỉ có 6usd/tháng) và có điện nước. Chuyển đến các căn hộ do chính phủ cấp thì sẽ phải trả 200 usd/tháng và thậm chí ở đó còn chẳng có điện nước. Thế thì sống kiểu gì? Và còn một điều nữa, những chủ đầu tư đang cho trang thiết bị công trường đến phá mộ để di chuyển đi. Sự ầm ĩ của công trường có ảnh hưởng rất lớn đến sự yên bình của khu phố và đặc biệt là sự an nghỉ của những người quá cố dưới mặt đất. Làm thế liệu có gì đó không đúng với lương tâm ? 


Tuesday, 27 March 2012


La Défense (trong tiếng Pháp có nghĩa là « phòng thủ »), nghe cái tên thôi đã khiến ta liên tưởng tới một khu phố quân sự kiểu dạng lầu năm góc Pentagone của Mỹ. Nhưng không, trên thực tế đây là khu phố tài chính lớn nhất Châu Âu, một dạng Wall Street hay Manhattan của Pháp.  Vậy tại sao nó lại có tên là la Défense ? Tên có nguồn gốc từ một bức tượng của nhà điêu khắc Louis Ernest Barrias và có tên là  « la Défense de Paris ». Được tạc vào năm 1883, mục đích của tác phẩm nghệ thuật này là để tưởng nhớ những chiến binh đã hết mình bảo vệ thủ đô trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870. 


 Ban đầu, khu phố La Défense chỉ là một khu công nghiệp tồi tàn với vài xưởng sản xuất ôtô, một khu phố ổ chuột và những nông trại. Bắt đầu từ năm 1958 dưới thời Charles de Gaulle, chính phủ mới bắt đầu quan tâm đến việc quy hoạch miền đông Paris và biến La Défense thành một khu phố hiện đại.  

Trung tâm công nghệ thông tin CNIT là tòa nhà đầu tiên được xây dựng tại khu phố này. Khánh thành vào năm 1958, đây là công trình có mái vòm rộng nhất thế giới và rất đa năng : bên trong có phòng hội thảo, nhà hàng, văn phòng và thậm chí là một khách sạn cao cấp.

  Nằm trên vị trí chiến lược nơi có nhiều trụ sở của các tập đoàn lớn, La Défense được coi là khu phố kinh doanh lớn nhất Châu Âu về diện tích cũng như số lượng trụ sở các tập đoàn lớn. Có đến hơn 1500 doanh nghiệp chọn đây làm đại bản doanh và 15 trong số top 50 tập đoàn hàng đầu thế giới đang đóng quân ở đây. 


Hàng loạt nhà cao tầng chọc trời được xây dựng lên để làm văn phòng. Lịch sử của khu phố gắn liền với số mệnh của các tòa nhà này, có những tòa đang trong quá trình xây dựng, một số tòa thì sẽ phải phá đi xây lại.
Chính vì đây là nơi tập trung các trụ sở chính của các công ty lớn, các công ty này đã cho khởi công xây dựng một đại bản doanh theo phong cách của riêng mình và mục đích là để xây một tòa nhà sao cho đáng đồng tiền bát gạo, độc đáo về kiến trúc để bắt mắt người đi bộ. 


Có vẻ như khuynh hướng chạy đua về chiều cao các tòa nhà cao tầng sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới. Có khoảng 8 dự án xây dựng sẽ kết thúc vào 2013-2016. Trong số các dự án này, phải kể đến tòa nhà Hermitage Plaza (323m), tòa Generali (318m), tòa Phare (300m), AIR2 (220m), First (231m)

La Grande Arche được xây dựng vào năm 1989 có hình thù giống một bao diêm khổng lồ. Để xây được nó, người ta cần hàng nghìn tấn thép, thủy tinh và cẩm thạch trắng



Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống