Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 5 April 2012


Trước khi đặt chân đến Porto, tôi được nghe nhiều ý kiến trái chiều về thành phố này. Có người thì bảo nó rất thơ mộng, người khác thì bảo nó bẩn thỉu như một khu ổ chuột. Tất nhiên không có lửa thì làm sao có khói nhưng tôi luôn tâm niệm một điều là đã du lịch thì bao giờ cũng sẽ có những trải nghiệm không đúng như mình mường tượng ra. Cái quan trọng là cách suy nghĩ của mình có lạc quan hay không. Và đối với tôi, Porto chắc chắn sẽ có những nét đẹp khiến tôi nhớ mãi và quả đúng như vậy. Tất nhiên, rượu Porto là một trong những lý do chính để đến đây nhưng thành phố còn có nhiều bất ngờ khác để khám phá

Người Bồ Đào Nha có câu cửa miệng : « người Porto làm việc còn người Lisbon nhởn nhơ vui chơi ». Điều này thể hiện rõ sự khác biệt về tư tưởng suy nghĩ giữa miền bắc và miền nam của quốc gia này, cũng giống như Hà Nội và Hồ Chí Minh. Khá giống đấy. Miền bắc Bồ Đào Nha khí hậu khắc nghiệt và lại phải chịu nhiều cuộc xâm lăng của người Tây Ban Nha nên người dân phải lao động nhiều. Trong khi đó, miền nam với Lisbon thừa hưởng khí hậu rất đẹp và luôn hướng ngoại nên thoáng hơn trong lối suy nghĩ. Nói vậy thôi chứ lúc tôi đến đây, tôi không có cảm giác như đang ở một thủ đô kinh tế của Bồ Đào Nha với những người làm việc chăm chi đúng như câu cửa miệng của người dân địa phương. Trái lại, Porto rất thanh bình, không nhiều xe cộ.  Muốn khám phá Porto theo đúng nghĩa, sẽ cần phải bỏ thời gian ra đi dạo chậm rãi qua những ngôi nhà đá granit, đi một vòng tàu điện tram và đi dạo dọc theo sông Douro  và kết thúc bằng một chuyến du ngoạn trên sông Douro và ngắm nhìn Porto từ xa. 


 Khu phố cổ nằm trọn trong lưu vực sông Douro, trung tâm Porto được quy hoạch hai bên sườn sông theo dạng hình V. Các ngôi nhà truyền thống Porto có tên là « chais » được xây san sát dọc theo sườn đồi và như thể dính chặt vào đó tạo ra một vẻ đẹp rất đặc trưng. Khu phố cổ có tên địa phương là « Ribeira ». Các tòa nhà tuy có độ tuổi thâm niên hơn 1 thế kỷ nhưng lại xây không theo quy hoạch cụ thể nên mỗi một nhà được xây theo một lối kiến trúc của một thời kỳ khác nhau, lúc thì XVI, lúc thì XIX. Có lẽ vì sự xây trồng chéo lẫn lộn như vậy nên khiến nhiều du khách có cảm giác như đang ở một khu ổ chuột.  


 Cảm giác đó cũng có thể hiểu được vì dù sao Porto không phải là một thành phố giàu có. Cái nghèo thể hiện rõ ở việc các ngôi nhà không được trùng tu nhiều. 

Đi vào các nẻo ngõ nhỏ thì có thể thấy rõ những dải quần áo mắc treo ngoài trời. 
Porto còn nổi bật với lối họa tiết Azulejos, gạch ốp lát lên tường và vẽ tô điểm với gam màu xanh da trời là chủ đạo. Lối trang trí này rất thịnh hành vào thế kỷ XIX
Chủ đề tranh vẽ theo lối Azulejos chủ yếu liên quan đến lịch sử của Bồ Đào Nhà, những trận đánh lớn và truyền thuyết liên quan đến Thiên Chúa giáo
Baixa hay còn gọi là khu phố mới của Porto. Nổi bật nhất là đại lộ Liberty với một loạt các tòa nhà xây theo lối kiến trúc Art Déco đầu thế kỷ XX
Diện mạo của khu phố Baixa khá giống một góc phố ở Anh quốc. Tôi vào một hiệu sánh Lello và nhận thấy nội thất bên trong rất giống thư viện ở các trường đại học lâu đời Oxford hay Cambridge.
Và tôi thực sự ấn tượng với kiểu cầu thang uốn hình con rắn rất độc đáo này
Mỏi chân rồi, tôi lại chuyển sang đi tram. Ở Porto hệ thống tàu tram tồn tại hơn 100 năm nhưng hiện nay vẫn hoạt động tốt và các đầu tàu cũ kĩ thế này vẫn chạy ngon lành. Việc sử dụng tàu kiểu dáng cổ như thế này trở thành một trong những hoạt động du lịch của thành phố, cũng giống như chạy xe xích-lô của mình
Có nhiều chỗ dốc rất cao nhưng nhiều khi tram vẫn giữ tốc độ khá cao, khoảng 30mk/h nên nhiều khi có cảm giác như sắp bay ra khỏi khoang tàu
Cầu Ponte Luis I, khánh thành năm 1886 và là một trong các công trình kiến trúc được thiết kế bởi Gustave Eiffel, vốn dĩ lừng danh với với tháp cùng tên ở Paris. Đây cũng được coi là một trong những biểu tượng của thành phố.
Vòm thép cao hơn 170m khiến tôi liên tưởng đến cầu Long Biên, cũng là một tác phẩm của chính Eiffel.
Đi hết cầu Ponte Luis I là sang được bên kia bờ sông và đến khu phố Vila Nova de Gaia. Ngay khi sang được bên bờ là có thể nhìn thấy rất nhiều biển chỉ dẫn hướng đến các ngôi nhà chais và các hầm rượu Porto. 
Khu phố cổ Ribeia nhìn từ bên kia bờ sông Douro
Một điều thú vị là rượu Porto không phải do người Bồ Đào Nha trồng và phát triển mà lại do người Anh sáng tạo ra vào thế kỷ XVII. Thời điểm ấy, Anh và Pháp đang chiến tranh với nhau. Người Anh phải tìm một nguồn cung cấp rượu khác và đã chọn Bồ Đào Nha làm nguồn. Họ trộn rượu vang với vị brandy của whisky và tạo ra Porto. Ngày nay, có rất nhiều công ty sản xuất rượu Porto mang tên Anh quốc như Taylor’s, Graham’s hoặc Cockburn’s.   


 Tất cả các công ty này đều sở hữu hầm rượu ở khu Vila Nova de Gaia. Tôi gõ cửa hầm rượu Late Bottlet Vintage. 
 Bên trong, ông chủ giải thích rất chi tiết các công đoạn sản xuất rượu trong các gian phòng tối với bạt ngàn thùng rượu làm bằng gỗ sồi.
Từ chân cầu Luis I, tôi đi dọc theo bờ sông và không khó có thể nhận ra những chiếc thuyền buồm nhỏ chở các thùng rượu Porto, tên địa phương là barco ribelos. 

Các thuyền này trước kia là phương tiện vận rượu bằng đường thủy và là niềm tự hào của thương mại đường biển Porto nhưng ngày nay sự tồn tại của chúng có vẻ mang nhiều chất du lịch hơn. 

 Muốn tìm hiểu sâu hơn về rượu Porto chắc phải đi du thuyền dọc theo con sông Douro và ngắm nhìn các sườn đồi với những vườn nho. Con sông uốn khúc quanh co trong một khung cảnh như tranh vẽ với rừng thông trộn lẫn với rừng cọ.


Nhưng ấn tượng hơn nữa chính là cách người dân địa phương canh tác đất đai để tạo lên sự hòa trộn hoàn hảo giữa phong cảnh thiên nhiên và khu trồng nho làm rượu. Phương pháp canh tác đất trồng nho ở đây khá giống các thửa ruộng bậc thang ở Sapa. 

 Đất ở đây khá xốp nên rễ cây nho ăn rất sâu vào lòng đất nhiều khi lên đến 30m ! Bên cạnh khu canh tác là những ngôi làng nhỏ và nông trại, tiếng Bồ Đào Nha gọi là « quintas ».

Monday, 2 April 2012


Khi mới về Việt Nam, tôi khá ngạc nhiên khi được biết điệu múa bụng Trung Đông được du nhập và được rất nhiều phụ nữ quan tâm. Nhưng có vẻ như không mấy ai thực sự biết điệu nhảy này có nguồn gốc chính xác từ đâu và từ khi nào. Trong tiếng ả rập, múa bụng được dịch là « raqs el sharqi » và được phương Tây biết đến rất nhiều vào thế kỷ XIX. Nói múa bụng thì cũng không đúng cho lắm vì thực ra vũ công uốn éo nhiều bộ phận cơ thể như vai, mông và tay chẳng hạn. Có thể là do lúc múa, đàn ông chỉ chằm chằm nhìn vào bụng , nơi được phô trương nhiều nhất. Thực ra, có nhiều kiểu múa bụng chứ không phải chỉ có một kiểu. Có kiểu « sharqi » quý tộc, « baladi » dân dã hơn, « saidi » có nguồn gốc là điệu nhảy dành cho các chiến binh nam giới nhưng sau đó được cải biên lại cho phụ nữ. Và tất nhiên theo dòng thời gian với việc vương quốc này xâm chiếm vương quốc kia, điệu múa bụng du nhập sang nhiều quốc gia Trung Đông và Bắc Phi và trở thành đặc sản địa phương. Hậu quả là đặt chân đến nhiều quốc gia này, du khách đều được giới thiệu về múa bụng, loạn hết cả lên. Nói tóm lại, múa bụng không phải chỉ là đặc sản của mấy cô gái Ai Cập mặc váy lụa sexy và uốn éo ở những show diễn dành cho khách du lịch. Múa bụng là một nét văn hóa phổ biến của các quốc gia nằm ven Địa Trung Hải đặc biệt là Bắc Phi (Tunisia, Marốc) và Trung Đông (Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Liban, Syria).

Lịch sử múa bụng
Không có nhiều tài liệu sử sách giải thích nguồn gốc của điệu múa bụng nhưng giả thuyết chắc chắn nhất cho rằng nó sinh ra tại các ngôi đền của Ai Cập cổ đại cách đây hơn 4000 năm. Ban đầu, múa bụng có chức năng phục vụ cho các cuộc tế thần tại các ngôi đền này. Nó cũng giống như kiểu mấy ông làm dịch vụ lên đồng ở Việt Nam. Vào triều đại các vị vua Pharaon, những thầy cúng nữ làm lễ bằng cách uốn dẻo lượn sóng phần bụng và quay người tít thò lò với mục đích triệu hồi nữ thần tình yêu nhập hồn vào xác họ. 

múa bụng được miêu tả một phần thông qua các tác phẩm trạm khắc trên tường các lăng mộ Ai Cập cổ đại
 Những tài liệu chính thức có nói về múa bụng không phải do người Ai Cập mà lại là do người Châu Âu viết vào thế kỷ XVIII. Người Châu Âu và đặc biệt là người Pháp khá sốc với những phụ nữ múa bụng với trang phục khá là « thiếu vải » bởi khi ấy đạo Thiên Chúa giáo bắt buộc người Châu Âu phải ăn mặc kín đáo khi ra ngoài. Những đường uốn gợi cảm khiến cho cộng đồng Thiên chúa giáo liên tưởng đến sự tà lưa của gái làng chơi và những vũ công thời ấy bị sát hại rất nhiều. Thế nhưng những cuộc sát hại đó không làm người Châu Âu mất đi sự tò mò về điệu nhảy này. Ngay từ thế kỷ XIX, với phong trào lấy phong cảnh Trung Đông làm chủ đề vẽ tranh, nhiều họa sĩ phương Tây đã tôn vinh vẻ đẹp huyền bí của những vũ công múa bụng. 

Ai Cập là một trong những chủ đề vẽ tranh yêu thích của các họa sĩ Châu Âu vào giữa thế kỷ XIX. Và múa bụng được quảng bá từ thời điểm đó
  Đi cùng với sự phát tán hình ảnh quyến rũ của vũ công múa bụng ra nước ngoài, bên trong các quốc gia hồi giáo ở Trung Đông và đặc biệt tại Ai Cập lại là một phong trào cấm đoán sự xuất hiện của điệu nhảy này. Múa bụng thực sự lừng danh vòng quanh thế giới nhờ triển lãm quốc tế  ở Chicago năm 1893 và bộ phim Hollywood  « Forbidden dance » (1951). Bị cấm tiệt ở Ai Cập vào đầu thế kỷ XX, múa bụng lại lên như diều gặp gió tại các cabaret (một loại hộp đêm) ở Châu Âu và Châu Mỹ những năm 30-40. Và sự quốc tế hóa của múa bụng bắt đầu từ đó. 


  Theo truyền thống hồi xưa, phần lớn vũ công biết múa bụng ngay từ bé, không phải vì họ theo một khóa học nào đó mà chủ yếu là do họ bắt trước người lớn. Các vũ công hay múa giữa họ tại bất cứ dịp nào : cưới xin, sinh đẻ,…Nhưng ngày nay, các vũ công là một nghề chuyên nghiệp và thường được đào tạo tại các trường danh tiếng. Và tất nhiên, phần lớn là các show diễn dành cho khách du lịch. 

Múa bụng trong con mắt người Ai Cập
Khi tham gia xem các buổi biểu diễn múa bụng ở Trung Đông, đặc biệt là ở Ai Cập, tôi nhận thấy rằng rất nhiều vũ công có dáng vẻ bề ngoài khá mập mạp và có nhiều mỡ. Người Ai Cập giải thích cho tôi rằng tiêu chuẩn vẻ đẹp vũ công của họ không phải là vẻ đẹp dáng người thon thả như tiêu chuẩn người mẫu Châu Âu, mà là kỹ năng uyển chuyển của các nét cơ bụng làm sao càng sexy càng tốt. Một điều nữa khiến tôi ngạc nhiên, đó là vũ công múa bụng ở Ai Cập không nhận được sự tôn trọng từ xã hội. Nghề này không được coi như một nghề đàng hoàng và phần lớn vũ công biểu diễn tại các show cho khách du lịch không phải là người Ai Cập mà lại là người ngoại quốc. Một số kỹ thuật múa bị cấm do chính phủ Ai Cập lo sợ mức độ sexy của nó. Tiếp đến, những kênh truyền hình quốc gia không phát chiếu chương trình múa bụng nữa. 
đừng nhầm nhé, đây là vũ công Ba Lan và Argentina trong một show diễn ở Cairo
« Một ngày nào đó Ai Cập sẽ là quốc gia xuất khẩu vũ công múa bụng », ý kiến này không phải là lời nói đùa mà là một đề xuất nghiêm túc vào những năm 70, thời kỳ đỉnh cao của nghề múa bụng tại Ai Cập. Nhưng ngày nay, đa số vũ công lại xuất xứ từ…Nga hoặc Châu Mỹ latinh thậm chí là từ Pháp !!!Họ còn đổi cả tên thành tên ảrập nữa, nào thì Soraya, Ketty, Nour, Layla…

Marguerite là người Pháp hành nghề ở Cairo được 5 năm và đổi tên thành Ketty
Nhiều người thậm chí còn không nói giỏi tiếng ảrập nhưng biết cách vỡ bài và thông thạo ngôn ngữ cử chỉ cơ thể. Sao lại thế nhỉ ? Cô Ihab Gad, huấn luyện viên dạy múa tại Cairo giải thích cho tôi rằng sau khi Liên Xô tan rã, đã có rất nhiều cô gái Đông Âu đi tìm việc làm ở Ai Cập và các quốc gia hồi giáo khác. Do tiền lương họ đòi hỏi không cao và lại có vẻ đẹp bề ngoài rất tuyệt vời nên rất dễ được nhận vào các đội múa bụng. Thêm nữa, chính phủ Ai Cập có vẻ không đòi hỏi quá khắt khe về trang phục mặc của họ như là đối với chính phụ nữ địa phương. Nhưng mà chắc là vũ công ngoại quốc cũng sẽ không được phép nán lại Ai Cập nữa vì hình như bộ nội vụ sắp ra điều luật cấm người ngoại quốc hành nghề này rồi. Phí quá !! Thế là sắp hết cơ hội được ngắm mấy nàng da trắng mắt xanh múa bụng rồi.

Thời kỳ thoái trào của múa bụng tại Ai Cập ?
Việc ra điều luật cấm vũ công ngoại quốc phản ánh rõ quan điểm của chính phủ Ai Cập, muốn trao cho vũ công Ai Cập nhiều cơ hội hành nghề hơn. Có vẻ như nhiều người dân Ai Cập cũng như nghệ sĩ trong nghề ủng hộ luật này. Họ cho rằng truyền thống múa bụng đang tan lụi ngay tại đất nước sinh ra nó và nở rộ ở hải ngoại và đó là điều không thể chấp nhận được. Nhưng biết làm sao được khi ngay chính xã hội Ai Cập cũng không có sự đối xử công bằng với những vũ công hành nghề này. Ngay những gia đình Ai Cập truyền thống còn không chấp nhận việc các vũ công mặc đồ thiếu vải và nhảy múa cứ như thể đang tà lưa các đấng mày râu đã có gia đình. Nhiều phụ nữ Ai Cập sợ rằng hành nghề này sẽ mang tiếng xấu muôn đời nên không dám tiến thân nữa.

Sunday, 1 April 2012


Điểm đến du lịch nào mà chẳng có mặt trái của nó. Đằng sau nét lãng mạn của khu phố cổ Hà Nội chẳng phải là những khu ổ chuột ở mạn Phúc Xá hay gầm cầu Long Biên đó sao? Sau vài ngày tận hưởng sự thăng hoa trong khu phố cổ của Cairo, tôi muốn tìm hiểu rõ hơn cuộc sống thật của người dân địa  phương hay chính xác hơn, cuộc sống nghèo đói của họ. 


Nằm không xa pháo đài Salah El Din là một khu phố ổ chuột khổng lồ có biệt danh là “thị trấn chết”, tên như vậy vì đây vốn là một khu nghĩa địa rộng lớn mà người dân địa phương định cư ngay trong đó. Đặt chân đến đây, tôi có cảm giác đang sống lại những giây phút hồi hộp khi xem một bộ phim kinh dị, kiểu “evil dead” hay là “resident evil”, “walking dead”, hay clip “thriller” của Michael Jackson. Do bùng nổ dân số ở thủ đô và sự thiếu quan tâm của chính quyền địa phương đến trợ cấp nhà ở, nhiều gia đình phải chuyển đến sống cạnh bãi tham ma.  Hàng năm, có đến 250.000 người từ bỏ nông thôn chuyển lên khu này sinh sống với hy vọng sẽ tìm được cuộc sống khá khẩm hơn. Trước khi tôi đặt chân đến đây, tôi tưởng rằng tôi sẽ không được chào đón nồng nhiệt bởi người bản địa.Nhưng thực tế lại khác, tôi nhận được những tiếng cười hồn nhiên của những đứa trẻ chơi bóng trong khu nghĩa địa, những người phụ nữ đang phơi quần áo bên cạnh bia mộ bằng đá…tôi thậm chí còn được một chủ quán trà mời ngồi uống với ông ta và ông ta tuôn một tràng tiếng ảrập mà tôi chẳng hiểu mô tê gì…nhưng tôi cũng đoán là ông ta hiếu khách nên mới mời người lạ như vậy. 



Nhà ở trong mồ mả cho thuê!!
Đừng tưởng ở trong bãi tham ma thì điều kiện sống sẽ thiếu thốn. Nằm xa những tưởng tượng của tôi, khu  phố này thậm chí còn an toàn hơn những khu phố khác trong khu phố cổ Cairo. Trong khi các tòa nhà của Cairo hiện đại có khuynh hướng mọc ngày càng cao hơn, các ngôi nhà ở đây không cao quá 1 tầng. 

 
Khi nghĩ tới việc ở cạnh nghĩa địa, tôi hay liên tưởng đến khu phố nghĩa trang Văn Điển, nhưng những điều kiện vệ sinh ở đây lại rất tốt thậm chí còn tốt hơn những khu ổ chuột khác ở thủ đô. Người dân địa phương bảo tôi rằng phần lớn các ngôi nhà ở đây được cung cấp điện và nước. 80% hộ dân cư sở hữu một ngôi nhà cho riêng mình và có toalét bên trong. Đáng ngạc nhiên là tivi có ở mọi nơi và ăng ten chảo parabol không phải là hiếm. Và  ngạc nhiên hơn nữa là sự tổ chức rất quy củ của cả khu đô thị : mỗi một khoảnh nghĩa trang được tổ chức như là một khu phố riêng , có người bảo vệ và có “bảo kê” đi thu tiền sử dụng đất hàng tháng. Muốn sống cạnh một ngôi mộ ở đây, người ở phải có những thống nhất cụ thế với gia đình người quá cố của phần mộ đó. Người ở thì đóng cho gia đình chủ phần mộ một ít tiền và họ củng đảm bảo rằng phần mộ cũng có ai đó trông coi tránh khỏi trộm cắp. 

 
Người chết “chuyển nhà”  thì người sống phải khăn gói.
 Dù muốn hay không, những người sống ở thị trấn chết sẽ đều phải ra đi. Từ năm 2001, chính quyền địa phương đã có kế hoạch di chuyển toàn bộ các phần mộ ở đây để xây lại một khu công viên công cộng. Tổng cộng, sẽ có khoảng 110.000 phần mộ sẽ được chuyển đến khu phố mới, cách nội thành Cairo khoảng hơn 10km. 


 Kế hoạch này rất tốn kém và cúng dấy lên không ít những ý kiến trái chiều. Vậy thì những người sống ở đó thì sẽ thế nào? Đẩy họ đi đâu? …Tôi không tin rằng chế độ đãi ngộ của chính phủ dành cho các hộ gia đình ở đây sẽ làm vừa lòng tất cả. Sống ở nghĩa địa chí ít thì tiền thuê nhà rẻ (chỉ có 6usd/tháng) và có điện nước. Chuyển đến các căn hộ do chính phủ cấp thì sẽ phải trả 200 usd/tháng và thậm chí ở đó còn chẳng có điện nước. Thế thì sống kiểu gì? Và còn một điều nữa, những chủ đầu tư đang cho trang thiết bị công trường đến phá mộ để di chuyển đi. Sự ầm ĩ của công trường có ảnh hưởng rất lớn đến sự yên bình của khu phố và đặc biệt là sự an nghỉ của những người quá cố dưới mặt đất. Làm thế liệu có gì đó không đúng với lương tâm ? 


Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống