Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 10 April 2012

Từ thị xã Gia Nghĩa đi theo Quốc lộ 14 khoảng 28km về hướng Buôn Ma Thuột sau đó rẽ phải theo tỉnh lộ 6 khoảng 17km về hướng xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong, hoặc từ thị trấn Ea Tling huyện Cư Jut, theo đường tỉnh lộ 4 khoảng 20 km, qua thị trấn Đăk Mâm vào địa phận xã Nâm Nung, du khách sẽ đến Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung nằm trên độ cao 800m so với mặt nước biển.

< Sương mù trên núi Nâm Nung.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung thuộc địa giới hành chính của 5 xã là Nam Nung, Nâm N’Đia, Đức Xuyên (huyện Krông Nô), xã Quảng Sơn (huyện Đăk Glong) và xã Nâm N’Jang (huyện Đăk Song). Có diện tích 12.307ha, Nâm Nung là một quần thể rừng tự nhiên bao gồm các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách mỗi khi muốn trở về với thiên nhiên hoang dã.

Đến Nâm Nung, du khách sẽ được thưởng ngoạn khung cảnh hoang sơ, yên tĩnh, non nước hữu tình, rừng nguyên sinh xanh ngắt, ngút ngàn, được đắm mình trong những dòng suối mát trong lành.

Đến với Nâm Nung là du khách đã lên tới nóc nhà của tỉnh Đăk Nông với mái nhà bắc nghiêng về dòng sông Serepôk nhằm hướng tây thẳng tiến, với mái nhà nam nghiêng về thượng nguồn sông Đồng Nai ào ào thác đổ.

Đỉnh ngọn núi cao nhất Nam Nung cao hơn 1.500m, sẽ là điểm du lịch dã ngoại lý tưởng cho những ai thích khám phá và mạo hiểm, cho những ai thích được thu vào tầm mắt mình cả cao nguyên M’nông mênh mông, hùng vĩ.

Đến Nâm Nung, du khách cũng đã đến với một Di tích lịch sử Quốc gia đã được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận tại Quyết định số 10/2005/QĐ-BVHTT, nơi lưu giữ những chiến tích của cha ông qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, một di tích nằm lọt trong những cánh rừng nguyên sinh như ôm ấp, chở che các dấu tích của một thời lịch sử oai hùng. Đây cũng là địa điểm lý tưởng để du khách chiêm nghiệm nét đẹp văn hóa, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Điều đó càng làm tăng thêm ý nghĩa cho những ai muốn tìm về với văn hoá, lịch sử cội nguồn.

Mai này, khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung sẽ là khu du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử Nam Nung với các khu chức năng như sân golf, tham quan động vật hoang dã, cắm trại - dã ngoại, vui chơi giải trí thác Lưu Ly, bảo tồn các làng nghề truyền thống, du lịch tâm linh - thiền viện Trúc Lâm để du khách cảm nhận được những giây phút thanh thản, bình yên của cuộc sống.

Du lịch, GO! - Theo web Daknong.gov, internet

Monday, 9 April 2012

Du lịch biển Phú Yên gần đây thường được nhắc đến nhờ có những bãi tắm đẹp và còn hoang sơ. Nổi danh với gành Đá Dĩa, hải đăng Đại Lãnh, vịnh Xuân Đài, Vũng Rô, đầm Ô Loan... nhưng thật ra Phú Yên vẫn còn nhiều điểm tuyệt vời khác.

< Đảo Lao Mái Nhà nhìn từ gành Đá Dĩa.

Đảo Lao Mái Nhà hay cù lao Mái Nhà thuộc thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An là một nơi đáng để bõ công khám phá.
Từ TP Tuy Hòa, chúng tôi thuê xe máy men theo đường ven biển về hướng bắc, dọc bãi cát dài biển Phú Trường, qua cầu gỗ An Hải, tiếp tục rong ruổi đến bến cá An Ninh Đông. Tại đây thuê thuyền từ cửa biển Tiên Châu ra khỏi vịnh Xuân Đài, ngược về phía nam 1 giờ 30 phút là đến Lao Mái Nhà.

< Nét đẹp hoang sơ của đảo Lao Mái Nhà.

Với hải trình này từ phía biển, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp miên man của hải đăng Gành Đèn và gành Đá Dĩa (thắng cảnh cấp quốc gia). Một cách khác đến đảo gần hơn là thuê thuyền từ bãi biển An Hải ngay cạnh đảo chỉ mất gần 20 phút, tuy nhiên phải hợp đồng trước vì nơi này không phải là bến thuyền.

Chỉ có thể tiếp cận đảo từ bãi cát phía tây, vì phần còn lại xung quanh toàn vách núi đá và đá ngầm. Đảo hoàn toàn vắng vẻ, cát trắng tinh, nước biển xanh trong veo. Theo hướng dẫn, nhắm hướng cây bàng cổ thụ mà đi sẽ gặp ngôi nhà duy nhất trên đảo.


< Chuẩn bị cập bờ...

Ông Biện Văn Sương (60 tuổi) và vợ là bà Võ Thị Ngà (52 tuổi) được gọi là “chúa đảo” vì có thâm niên sống ở đây trên 20 năm. Ông bà sống chủ yếu bằng nghề lưới cá, săn và nuôi tôm hùm. Ngoài nghề biển, ông bà còn trồng rừng dương, tràm, keo... và nuôi đàn bò hơn 30 con. Ông bà có tám người con nhưng không ai ở trên đảo.

Quanh đảo là núi đá cao, chắn gió từ biển Đông thổi vào nên mặt phía tây của đảo thích hợp làm nơi tránh bão của bạn thuyền các nơi. Đảo còn có hang đá và hai bãi cát trắng đẹp, hoang sơ với nhiều rặng san hô tuyệt đẹp. Chúng tôi được “chúa đảo” hướng dẫn lặn ngắm san hô tại bãi trước.

Không phải là nơi tổ chức lặn chuyên nghiệp như ở Nha Trang nên ở đây chỉ lặn với kính bơi, không có ống thở. Nếu bạn không biết bơi cũng không sao, có thể ngắm san hô bằng cách ôm một cái can nhựa 5 lít và úp mặt xuống (có đeo kính bơi) thỏa thích nhìn ngắm san hô cách chừng 1,5-2m. Tuy thô sơ nhưng đổi lại cảm giác thật tuyệt vời.


< Lặn biển ngắm san hô.

San hô ở đây tuy không đẹp bằng ở hòn Mun, Nha Trang nhưng đối với những người lần đầu được lặn ngắm, với tay chạm vào nhánh san hô dưới đáy biển thì cảm giác khó tả.

Điều thú vị là ông bà “chúa đảo” sẵn sàng tiếp đón du khách đi... bụi tới thăm đảo. Nếu điện thoại trước sẽ có phục vụ nấu ăn, giải khát. Còn nếu đến đột xuất phải tự mang theo lương thực, hoặc ăn cơm theo khẩu phần có gì ăn nấy của cư dân trên đảo. Nhưng quả thật, ăn cách nào đi nữa cũng thấy ngon miệng bởi cái tươi roi rói của cá, của rau và mùi cá nướng đã đủ thấy... tiết nước bọt sau những giờ lội bộ và ngụp lặn với biển.


< Cùng ngư dân câu cá, kéo lưới là một trải nghiệm khó quên.

Chắc chắn bạn sẽ nhớ mãi mùi vị nồi cháo cá gáy, đặc sản miền Trung, do chính tay bà “chúa đảo” nấu. Vị mặn mà của chén nước mắm do bà tự làm từ những con cá tươi đánh bắt quả là không giống nơi nào. Ở lại đêm cũng không có vấn đề gì nếu bạn chuẩn bị trước lều trại hoặc túi ngủ. Có như thế mới đủ sức chống lại bầy muỗi đói trên đảo.

Một lần đến với Phú Yên được trải nghiệm “một ngày hoang dã”, người bạn đi cùng chỉ còn biết thốt lên “quá đã”. Chia tay đảo chủ, chúng tôi hẹn sẽ quay lại để tiếp tục khám phá hang động, thám hiểm rặng san hô hiếm người đặt chân đến.

Theo kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh Phú Yên, gành Đá Dĩa và cù lao Mái Nhà sẽ là khu liên hoàn phát triển du lịch sinh thái biển kết hợp với các loại hình du lịch khác theo hướng mở rộng quy mô hiện đại.

< Tô cháo cá gáy đặc sản làm ấm lòng du khách sau một ngày lặn ngụp.

Từ TP.HCM đến TP Tuy Hòa khá thuận tiện bằng nhiều loại phương tiện. Nếu đi bằng xe lửa mất 9-10 tiếng, đi xe cũng có nhiều lựa chọn từ loại xe khách thường đến xe giường nằm, mất 11-12 tiếng. Ngoài ra, mỗi ngày có một chuyến máy bay từ Hà Nội và TP.HCM đến TP Tuy Hòa và ngược lại.

Du lịch, GO! - Theo TTCN
Đứng trên đỉnh núi, bạn sẽ thu vào tầm mắt một không gian tuyệt đẹp với những ngôi nhà nhỏ, con đường ẩn hiện trong màu xanh của cây cỏ. Ba ngọn núi này cũng chứa những truyền thuyết bí ẩn trong mình.

Núi Bà Đen

< Mây bao phủ trên đỉnh núi Bà Đen.

Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất (986m) Nam Bộ thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hoà Thành, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, cách thị xã Tây Ninh 11km về phía đông bắc, cách TP.HCM 110km.

Quần thể di tích Núi Bà Đen do 3 ngọn núi tạo thành là Núi Heo - Núi Phụng - Núi Bà Đen. Đến đây ngoài việc chiêm ngưỡng một vùng núi non hùng vĩ, thu vào tầm mắt một góc của tỉnh Tây Ninh yên bình, du khách còn có dịp chiêm bái hệ thống chùa Điện Bà...

... gồm các chùa Hạ, Trung, Thượng và chùa Hang uy nghi lộng lẫy; khám phá vẻ đẹp cùng vẻ thần bí của các động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà... cũng như nghe kể về truyền thuyết về Lý Thị Thiên Hương của người con gái có làn da bánh mật (bà đen) xinh đẹp, tuyết hạnh.

Có 3 cách để chinh phục đỉnh núi, một là chinh phục bằng đường bộ với hơn một ngàn bậc tam cấp, hai là lơ lửng trên không trong cabin cáp treo; cuối cùng là hệ thống máng rượt hai chiều khép kín. Mỗi phương án mang đến những trải nghiệm khác nhau, song để tiết kiệm thời gian, công sức cũng như tăng tính phiêu lưu mạo hiểm thì cáp treo hay hệ thống máng trượt là lựa chọn tối ưu.

Ngoài núi Bà Đen, bạn có thể kết hợp tham quan tòa thánh Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng hay mua sắm tại chợ Long Hoa.

Núi Chứa Chan

Với chiều cao 800m so với mặt nước biển, Núi Chứa Chan còn gọi là núi Gia Ray hay núi Gia Lào thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, là ngọn núi cao thứ hai khu vực Nam Bộ.

< Đỉnh Chứa Chan trong một ngày đầy sa mù.

Đặc biệt, trên độ cao 600m của núi có ngôi chùa Bửu Quang, nơi nổi tiếng linh thiêng với hàng trăm ngàn lượt du khách đến chiêm bái và thờ cúng vào các dịp lễ hay các ngày rằm lớn.

Phương án duy nhất lên núi là đường bộ song cũng được chia làm hai giai đoạn tùy theo mục đích của du khách. Cụ thể, đoạn đường từ chân núi lên chùa Bửu Quang với những bậc thang đá dành cho những du khách hành hương hay những du khách đến cho biết. Riêng với dân phượt, quãng đường còn lại "khó nhằn" vì phải tự đoán hướng, vạch cỏ mà đi. Bù lại, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp của ngọn núi mờ trong mây và sương sớm mới. Ngoài ra, đến với núi, du khách khó có thể bỏ qua vẻ đẹp của cây đa hai gốc, trừ yếu tố tâm linh, có thể nói đây là kỳ quan khá lạ và là tuyệt tác của thiên nhiên.

Ngoài núi Chứa Chan, bạn có thể tham gia bơi thuyền trên hồ Gia Ui (thuộc xã Xuân Tâm) hay tham quan khu vui chơi giải trí hồ Núi Le (toạ lạc tại khu 7, thị trấn Gia Ray).

Núi Bà Rá

Núi Bà Rá nằm trên địa phận phường Sơn Giang thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước, cách TP.HCM 180 km. Đồng bào S’Tiêng gọi ngọn núi này là “Bơnom Brah”, nghĩa là “ngọn núi Thần”. Riêng với người dân Nam bộ, với chiều cao 733m, Bà Rá được xếp xem là ngọn núi cao thứ 3 tại của vùng đất này.

Có hai cách để chinh phục Bà Rá. Cách thứ nhất là men theo cầu thang bộ hay hệ thống cáp treo (mới được đầu tư những năm gần đây). Với cáp treo, du khách có thể từ chân núi đi thẳng lên đỉnh.

Nếu đi bộ, du khách có thể đi xe từ chân núi lên đồi Bằng Lăng (khoảng 1/5 đường đi), khám phá đài tưởng niệm, rồi từ đó trải nghiệm cảm giác thử sức với khoảng 1.767 bậc đá để lên đỉnh. Về độ cao, núi Bà Rá thấp hơn nhiều so với núi Bà Đen nhưng với độ dốc thẳng đứng của cầu thang, việc chinh phục ngọn núi này tốn nhiều thời gian và công sức hơn. Bù lại, trên đường đi, bạn được thả hồn dưới những cây cổ thụ to khoảng một người ôm tỏa bóng mát hay rừng hoa bằng lăng tỏa hương tím ngát.

Ngay khi lên đến đỉnh núi, ngoài cảm giác thở phào trước cung đường đi tưởng như “không thể chinh phục”, bạn sẽ yêu luôn vung đất này với những mái nhà yên bình, hồ Thác Mơ như một tấm kính khổng lồ, viếng miếu Bà thanh tịnh.

Đừng quên tham quan di tích nhà tù Bà Rá dưới chân núi, dạo một vòng xe quanh thị trấn Phước Long, hòa mình trong làn nước hay nhâm nhi ly cà phê nóng ở quán Thượng Nguồn, quán cà phê nằm dưới chân núi và nằm trên dòng nước chảy từ thác Mơ xinh đẹp.

Du lịch, GO! - Theo Zing

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống