Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 10 April 2012

Chưa có công ty du lịch nào chính thức đưa tour khám phá văn hóa dân tộc Phước Sơn, kể từ lễ hội văn hóa và một hội chợ du lịch miền núi vài năm trước. 

Chỉ có những lời đồn đại về một thị trấn vàng, phảng phất không khí lạnh lùng, kiêu bạc đầy nghi hoặc như các thị trấn giang hồ dọc miền viễn Tây trong truyện của Jack London, đã khiến nhiều người e ngại lẫn tò mò tìm gặp...

Có thể chọn 2 ngả đường. Từ Đà Nẵng ngược quốc lộ 14B (82 km) qua Nam Giang, xuôi đường Hồ Chí Minh đến; hoặc từ Tam Kỳ theo quốc lộ 14E (100km), từ ngã ba cây Cốc (Hà Lam) lên tới ngã ba làng Hồi sẽ gặp Phước Sơn.

1. 14 giờ ở Tam Kỳ, 17 giờ đã chạm mặt Khâm Đức. Con đường Hồ Chí Minh xẻ ngang lòng thị trấn, cỏ cây dọc đường và cánh rừng trước mặt chợt óng ả, tinh khôi sau vài cơn mưa đẫm nước. Chưa kịp tàn bữa cơm chiều nơi một quán ăn không nhớ nổi tên, bóng tối và sương mỏng cùng những tia sáng yếu ớt hắt ra từ các căn nhà đã phủ lên thị trấn một màu “lành lạnh”.

Thi thoảng vài ánh đèn pha ô tô, xe máy quét ngang qua phố núi, rồi lẫn khuất vào cuối đường. Chỉ còn tiếng nhạc boléro rền rĩ suốt một dãy phố, tiếng trẻ con nói cười chát chít trong vài quán internet hòa lẫn tiếng lao xao chạm cốc, trò chuyện rôm rả dọc các quán rượu bày trên phố và dưới tán cây ven đường... Người ta bảo, mấy năm trở lại đây, thị trấn hoang liêu này đủ sức “liên lạc” với cả thế giới bên ngoài từ các dịch vụ internet và mạng di động đã phủ sóng...

Bác xe thồ đứng tuổi đợi khách ở trạm xăng cuối phố cho biết thị trấn bây giờ đã hiền lành hơn trước rất nhiều. Thi thoảng mới có vài cuộc đụng độ giữa đám “giang hồ tứ chiếng” đãi vàng, nhưng ở tận đâu Phước Kim, Phước Thành. Song những lời đồn đại đầy “ám ảnh”, nghi hoặc về một thị trấn phảng phất hơi hướng lạnh lùng, kiêu bạc như các thị trấn cao bồi, giang hồ của miền viễn Tây đã khiến du khách e ngại lẫn tò mò, rón rén đi dọc thị trấn. Quả thật cũng chẳng có gì ngoài các âm thanh đã gặp với bao cái nhìn chờ đợi... một ngày của cư dân thị trấn - vốn buồn tẻ như bao phố huyện hoang liêu trên dọc đường gió bụi vùng cao khác.

Đêm mịt mù trôi qua trong tiếng gió thổi ngoài bãi vắng, lướt qua mặt sân bay dã chiến cũ còn nguyên phi đạo dài 1 km, rộng 50 m rồi rít qua khe cửa khách sạn giữa trung tâm thị trấn. Một khách sạn vùng cao mà chẳng khác gì giữa phố đồng bằng: sang trọng, rộng, đủ tiện nghi, chỉ thiếu... máy lạnh (như Đà Lạt). Cô lễ tân vui vẻ “khoe” rằng nhiều du khách đã chọn nơi này qua đêm. Ngoài khách sạn 24 phòng, khách có thể tìm thấy vài nhà nghỉ và nhiều quán ăn hấp dẫn khác ngay thị trấn...

2. Đúng như lời giới thiệu của tay tài xế có máu mạo hiểm. Cung đường từ thị trấn đến đèo Lò Xo quả là đẹp nhất trong suốt 175 km đường Hồ Chí Minh qua Quảng Nam. Xe trôi theo con đường đầy hiểm trở, uốn lượn quanh sườn đồi, như cầu vồng, qua nhiều cánh rừng rậm, lọt giữa các khe núi trập trùng nối tiếp nhau...

Lác đác vài cư dân địa phương gùi dưa, thơm trên những chiếc gùi mộc, lầm lũi xuôi dốc. Không ít khách du lịch dừng lại bên cầu thác nước (km 283), ngắm dải nước mờ như bức rèm thưa ẩn hiện giữa đại ngàn của thác Bà hoàng Mô nich, hoặc chụp ảnh kỷ niệm giữa đường...

Từ trên đỉnh Lò Xo (không quên thắp một nén hương tưởng nhớ các vị cựu chiến binh gặp tai nạn trong ngày trở lại vài năm trước ở cuối dốc đèo - một khám thờ dường như không lúc nào tắt lửa chân hương), đã có thể ngắm nhìn non sông thủy tú. Xa xa là cánh rừng lá vàng - màu vàng như trong tranh của Levitan, phía dãy núi Ch'lum Heo ở Ngọc Linh, vàng suốt quanh năm...

Và, đám người “thám hiểm” đã phải vất vả leo lên cứ điểm Ngok Tak Vak ở độ cao 378m so với mặt nước biển, thuộc Phước Mỹ, cách thị trấn Khâm Đức 7km. Dù cứ điểm giờ chỉ còn dấu tích của sân bay trực thăng dã chiến, lọt giữa một rừng đồi núi trập trùng, và cũng chỉ vọng lại tiếng hô xung phong công đồn của quân giải phóng ngày 9-5-1968.

Rồi khách trở lại cũng để ngắm nhìn sân bay, đồi E và lang thang cùng thị trấn, dường như chỉ có mùa thu hanh hao se lạnh và mùa đông lướt thướt mưa qua...

3. Năm trước, một cuộc hội thảo về du lịch khám phá văn hóa dân tộc miền núi dọc đường Hồ Chí Minh mở, đã kéo những người khát khao du lịch về Khâm Đức, bàn tính chuyện tương lai. Những cái tên thác Nước Lang, thác Bà hoàng Mô- ních, cứ điểm Ngok Tak Vak, di tích đồi E, sân bay Khâm Đức..., dù không còn lưu giữ các hiện vật lẫn bãi vàng Phước Đức vẫn được chọn, làm vệ tinh cho trung tâm du lịch Khâm Đức, để có thể khai thác các tour đặc thù dành cho các cựu chiến binh đã từng tham chiến tại khu vực này.

Từ đó, dân địa phương đã âm thầm sửa sang lại đường, xây nhà nghỉ và tập làm... dịch vụ, mơ ngày đón khách, thay vì như đã từng “đón” đám “giang hồ tứ chiếng” lên thị trấn, chuẩn bị những cuộc săn vàng như trước đây.

Một ngày thôi đã hết. Xe cuốn bụi mù trở lại phố. Vẫn còn vọng lại lời cô hàng cà phê nơi phố núi: “Thị trấn em như một cô công chúa, mỏi mòn chờ đợi... Ngày anh trở lại, thị trấn đã là thị xã. Một Tây Đô của Quảng Nam đấy! Tha hồ làm giàu...”.

Du lịch, GO! - Theo báo Quảng  Nam, internet
Từ thị xã Gia Nghĩa đi theo Quốc lộ 14 khoảng 28km về hướng Buôn Ma Thuột sau đó rẽ phải theo tỉnh lộ 6 khoảng 17km về hướng xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong, hoặc từ thị trấn Ea Tling huyện Cư Jut, theo đường tỉnh lộ 4 khoảng 20 km, qua thị trấn Đăk Mâm vào địa phận xã Nâm Nung, du khách sẽ đến Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung nằm trên độ cao 800m so với mặt nước biển.

< Sương mù trên núi Nâm Nung.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung thuộc địa giới hành chính của 5 xã là Nam Nung, Nâm N’Đia, Đức Xuyên (huyện Krông Nô), xã Quảng Sơn (huyện Đăk Glong) và xã Nâm N’Jang (huyện Đăk Song). Có diện tích 12.307ha, Nâm Nung là một quần thể rừng tự nhiên bao gồm các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách mỗi khi muốn trở về với thiên nhiên hoang dã.

Đến Nâm Nung, du khách sẽ được thưởng ngoạn khung cảnh hoang sơ, yên tĩnh, non nước hữu tình, rừng nguyên sinh xanh ngắt, ngút ngàn, được đắm mình trong những dòng suối mát trong lành.

Đến với Nâm Nung là du khách đã lên tới nóc nhà của tỉnh Đăk Nông với mái nhà bắc nghiêng về dòng sông Serepôk nhằm hướng tây thẳng tiến, với mái nhà nam nghiêng về thượng nguồn sông Đồng Nai ào ào thác đổ.

Đỉnh ngọn núi cao nhất Nam Nung cao hơn 1.500m, sẽ là điểm du lịch dã ngoại lý tưởng cho những ai thích khám phá và mạo hiểm, cho những ai thích được thu vào tầm mắt mình cả cao nguyên M’nông mênh mông, hùng vĩ.

Đến Nâm Nung, du khách cũng đã đến với một Di tích lịch sử Quốc gia đã được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận tại Quyết định số 10/2005/QĐ-BVHTT, nơi lưu giữ những chiến tích của cha ông qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, một di tích nằm lọt trong những cánh rừng nguyên sinh như ôm ấp, chở che các dấu tích của một thời lịch sử oai hùng. Đây cũng là địa điểm lý tưởng để du khách chiêm nghiệm nét đẹp văn hóa, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Điều đó càng làm tăng thêm ý nghĩa cho những ai muốn tìm về với văn hoá, lịch sử cội nguồn.

Mai này, khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung sẽ là khu du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử Nam Nung với các khu chức năng như sân golf, tham quan động vật hoang dã, cắm trại - dã ngoại, vui chơi giải trí thác Lưu Ly, bảo tồn các làng nghề truyền thống, du lịch tâm linh - thiền viện Trúc Lâm để du khách cảm nhận được những giây phút thanh thản, bình yên của cuộc sống.

Du lịch, GO! - Theo web Daknong.gov, internet

Monday, 9 April 2012

Du lịch biển Phú Yên gần đây thường được nhắc đến nhờ có những bãi tắm đẹp và còn hoang sơ. Nổi danh với gành Đá Dĩa, hải đăng Đại Lãnh, vịnh Xuân Đài, Vũng Rô, đầm Ô Loan... nhưng thật ra Phú Yên vẫn còn nhiều điểm tuyệt vời khác.

< Đảo Lao Mái Nhà nhìn từ gành Đá Dĩa.

Đảo Lao Mái Nhà hay cù lao Mái Nhà thuộc thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An là một nơi đáng để bõ công khám phá.
Từ TP Tuy Hòa, chúng tôi thuê xe máy men theo đường ven biển về hướng bắc, dọc bãi cát dài biển Phú Trường, qua cầu gỗ An Hải, tiếp tục rong ruổi đến bến cá An Ninh Đông. Tại đây thuê thuyền từ cửa biển Tiên Châu ra khỏi vịnh Xuân Đài, ngược về phía nam 1 giờ 30 phút là đến Lao Mái Nhà.

< Nét đẹp hoang sơ của đảo Lao Mái Nhà.

Với hải trình này từ phía biển, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp miên man của hải đăng Gành Đèn và gành Đá Dĩa (thắng cảnh cấp quốc gia). Một cách khác đến đảo gần hơn là thuê thuyền từ bãi biển An Hải ngay cạnh đảo chỉ mất gần 20 phút, tuy nhiên phải hợp đồng trước vì nơi này không phải là bến thuyền.

Chỉ có thể tiếp cận đảo từ bãi cát phía tây, vì phần còn lại xung quanh toàn vách núi đá và đá ngầm. Đảo hoàn toàn vắng vẻ, cát trắng tinh, nước biển xanh trong veo. Theo hướng dẫn, nhắm hướng cây bàng cổ thụ mà đi sẽ gặp ngôi nhà duy nhất trên đảo.


< Chuẩn bị cập bờ...

Ông Biện Văn Sương (60 tuổi) và vợ là bà Võ Thị Ngà (52 tuổi) được gọi là “chúa đảo” vì có thâm niên sống ở đây trên 20 năm. Ông bà sống chủ yếu bằng nghề lưới cá, săn và nuôi tôm hùm. Ngoài nghề biển, ông bà còn trồng rừng dương, tràm, keo... và nuôi đàn bò hơn 30 con. Ông bà có tám người con nhưng không ai ở trên đảo.

Quanh đảo là núi đá cao, chắn gió từ biển Đông thổi vào nên mặt phía tây của đảo thích hợp làm nơi tránh bão của bạn thuyền các nơi. Đảo còn có hang đá và hai bãi cát trắng đẹp, hoang sơ với nhiều rặng san hô tuyệt đẹp. Chúng tôi được “chúa đảo” hướng dẫn lặn ngắm san hô tại bãi trước.

Không phải là nơi tổ chức lặn chuyên nghiệp như ở Nha Trang nên ở đây chỉ lặn với kính bơi, không có ống thở. Nếu bạn không biết bơi cũng không sao, có thể ngắm san hô bằng cách ôm một cái can nhựa 5 lít và úp mặt xuống (có đeo kính bơi) thỏa thích nhìn ngắm san hô cách chừng 1,5-2m. Tuy thô sơ nhưng đổi lại cảm giác thật tuyệt vời.


< Lặn biển ngắm san hô.

San hô ở đây tuy không đẹp bằng ở hòn Mun, Nha Trang nhưng đối với những người lần đầu được lặn ngắm, với tay chạm vào nhánh san hô dưới đáy biển thì cảm giác khó tả.

Điều thú vị là ông bà “chúa đảo” sẵn sàng tiếp đón du khách đi... bụi tới thăm đảo. Nếu điện thoại trước sẽ có phục vụ nấu ăn, giải khát. Còn nếu đến đột xuất phải tự mang theo lương thực, hoặc ăn cơm theo khẩu phần có gì ăn nấy của cư dân trên đảo. Nhưng quả thật, ăn cách nào đi nữa cũng thấy ngon miệng bởi cái tươi roi rói của cá, của rau và mùi cá nướng đã đủ thấy... tiết nước bọt sau những giờ lội bộ và ngụp lặn với biển.


< Cùng ngư dân câu cá, kéo lưới là một trải nghiệm khó quên.

Chắc chắn bạn sẽ nhớ mãi mùi vị nồi cháo cá gáy, đặc sản miền Trung, do chính tay bà “chúa đảo” nấu. Vị mặn mà của chén nước mắm do bà tự làm từ những con cá tươi đánh bắt quả là không giống nơi nào. Ở lại đêm cũng không có vấn đề gì nếu bạn chuẩn bị trước lều trại hoặc túi ngủ. Có như thế mới đủ sức chống lại bầy muỗi đói trên đảo.

Một lần đến với Phú Yên được trải nghiệm “một ngày hoang dã”, người bạn đi cùng chỉ còn biết thốt lên “quá đã”. Chia tay đảo chủ, chúng tôi hẹn sẽ quay lại để tiếp tục khám phá hang động, thám hiểm rặng san hô hiếm người đặt chân đến.

Theo kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh Phú Yên, gành Đá Dĩa và cù lao Mái Nhà sẽ là khu liên hoàn phát triển du lịch sinh thái biển kết hợp với các loại hình du lịch khác theo hướng mở rộng quy mô hiện đại.

< Tô cháo cá gáy đặc sản làm ấm lòng du khách sau một ngày lặn ngụp.

Từ TP.HCM đến TP Tuy Hòa khá thuận tiện bằng nhiều loại phương tiện. Nếu đi bằng xe lửa mất 9-10 tiếng, đi xe cũng có nhiều lựa chọn từ loại xe khách thường đến xe giường nằm, mất 11-12 tiếng. Ngoài ra, mỗi ngày có một chuyến máy bay từ Hà Nội và TP.HCM đến TP Tuy Hòa và ngược lại.

Du lịch, GO! - Theo TTCN

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống