Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 10 April 2012

Không chỉ được thả hồn tận hưởng vẻ đẹp hữu tình của núi non, biển mênh mông nước, đến làng Cửa Vạn - Vịnh Hạ Long, du khách còn có thể khám phá nhiều điều thú vị về cuộc sống của những người dân làng chài.

< Hình ảnh đẹp gần làng chài Cửa Vạn.

Cách xa đất liền khoảng 25km, Cửa Vạn là một làng chài nhỏ bé, xinh đẹp thuộc phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, Quảng Ninh. Từ TP Hạ Long, chỉ cần 30.000 đồng để du khách có một vé lên thuyền đến với làng chài Cửa Vạn. Dọc đường đi cảm giác được lướt trên những con sóng biển dạt dào, ngắm những dãy núi phía xa, thả hồn vào không gian rộng mênh mông  khoáng đạt. Không còn những bộn bề lo toan, không còn áp lực và căng thẳng của cuộc sống, công việc thường ngày.

Làng chài có nhiều ngôi nhà nhỏ trên mặt nước, nối tiếp nhau.  Ở đó những người dân làng chài quanh năm được bao bọc bởi những hòn đảo trên Vịnh Hạ Long.

< Các em học sinh nhỏ tuổi đã tự chèo thuyền, bè tới lớp.

Khác với vẻ dữ dội của biển cả mênh mông, làng chài Cửa Vạn  yên tĩnh, chỉ có thưa thớt những chiếc bơi  của người dân qua lại. Những con thuyền này thông thường là phương tiện đi lại của người dân và đôi lúc nó còn là phương tiện chở những du khách thăm quan làng.

< Lớp học ở làng chài, nơi có những em học trò nhỏ tinh nghịch và cô giáo trẻ vô tư.

Thăm làng chài Cửa vạn du khách có thể tìm hiểu văn hóa và đời sống thường ngày của người dân nơi đây bằng việc ghé thăm Trung tâm văn hóa làng chài Cửa Vạn, nơi trưng bày rất nhiều những ngư cụ mà người dân sử dụng để mưu sinh. Khác với những năm trước kia, ngày nay ở làng chài Cửa Vạn  có lớp học. Dừng chân ghé qua làng chài, du khách sẽ được chứng kiến những em nhỏ làng bi bô học con chữ giữa biển cả mênh mông sông nước. Ở làng chài Cửa vạn những em bé mới chỉ học lớp 1, 2 có thể chèo thuyền, thậm chí bơi lặn như những ngư dân thực sự.

< Du khách tới thăm làng chài Cửa Vạn.

Nếu muốn có một khoảng thời gian nghỉ ngơi, tận hưởng cảm giác tĩnh lặng của vùng sông nước, du khách đừng ngại đề cập mong muốn nghỉ  lại nhà dân một đêm để trải nghiệm cuộc sống người dân nơi đây.

“Người dân Cửa Vạn thiếu thốn nhiều thứ nhưng có một thứ rất giàu, đó là tình cảm”, một người dân đã nói như thế. Tình cảm, sự mến khách và sự thân thiện của họ hẳn khiến những ai từng tới đây đều cảm thấy hài lòng.

< Cô lái đò chở du khách thăm quan.

Đêm xuống,  sóng nước Cửa Vạn  yên  lặng, dưới ánh trăng khung cảnh núi non hùng vĩ nhưng đẹp cuốn hút lạ kỳ. Ánh trăng làm mọi thứ  hiện ra huyền ảo giữa lòng di sản. Sóng điện thoại chập chờn dường như là cớ hay để du khách tự thưởng cho mình những khoảnh khắc bình yên sau những ngày tất bật, hối hả với công việc.

Du lịch, GO! - Theo Datviet
Ngã ba Bằng Lãng
.
Sông Hương không chỉ là một vẻ đẹp hoàn mỹ mà tạo hoá đã ban cho Huế mà nó còn là một dòng sông huyền thoại ẩn chứa nhiều điều về mảnh đất Cố Đô xưa. Từ Ngã Ba Tuần về đến phố cổ Bao Vinh, sông Hương là trục chính của đô thị Huế, là thế phong thủy vững bền cho các vua nhà Nguyễn định đô bởi có thế “tả Thanh Long”, “hữu Bạch Hổ” được tạo nên từ hai cồn đất nổi ở giữa sông là cồn Hến và cồn Dả Viên trấn yểm ở hai đầu đoạn sông chảy qua trước cửa Hoàng thành.

Nếu có dịp đến Huế, bạn hãy xuôi dòng Hương Giang để tận hưởng chút không khí trong lành và yên tĩnh trên dòng sông thơ mộng. Những chiếc thuyền lặng lờ trôi theo dòng nước biếc, nắng trải vàng như mật khiến cho dòng sông lung linh như được dát vàng. Trước mặt bạn, những xóm làng, chùa chiền, đình đền miếu mạo, lăng tẩm, thành quách… trên đôi bờ Sông Hương bất chợt hiện ra.

Tất cả những thứ đó như minh chứng cho một thời vàng son đáng nhớ của dòng sông đầy huyền thoại này. Đó là những gì bạn sẽ cảm nhận được khi đến Huế, còn bây giờ mời bạn hay lên thuyền của tôi, cùng tôi xuôi dòng Hương Giang nhé, bắt đầu từ ngã ba Bằng Lãng ngoạn mục nhé:


Ngã ba Bằng Lãng (còn gọi là ngã ba Tuần) là ngã ba sông rất nổi tiếng ở Huế, nơi hợp lưu của dòng tả trạch chảy từ vùng núi trung bình huyện Nam Đông với độ cao tuyệt đối 900m và dòng hữu trạch từ thượng ngàn A Lưới đổ xuống để tạo thành sông Hương.

< Tượng Phật bà Quan Âm trên đỉnh đồi Tứ Tượng, nơi cao nhất mà mọi người vẫn kéo lên tránh lũ khi nước dâng cao.

Nơi đây ngày xưa vốn là nơi đóng quân bảo vệ phía tây kinh thành Huế, là nơi lực lượng tuần hà khám xét và thu thuế các thuyền bè chở sản vật từ thượng nguồn sông Hương về kinh thành cho nên gọi là bến đò Tuần ("tuần"có nghĩa là đi canh gác). Từ xa xưa đây đã thành hình tụ hội cư dân về lập ấp, dựng nghiệp là dấu hiệu mở đầu của một sức sống tiềm tàng mà dòng Hương sẵn lòng mang lại cho đôi bờ phố thị của chốn Kinh đô. Từ bến Tuần có đò ngang sang làng Hải Cát (dân gian gọi là sang Trẹm) và lăng Minh Mạng (sang làng La Khê bãi) cho nên còn gọi là đò ba bến (theo một đường tam giác).

“Còn mặt trời thì chớ
Tắt mặt trời dạ thiếp nhớ bâng khuâng
Trời mấy bữa ni mưa mô gió nấy, đò Tuần không đưa (hò)”

< Trên cầu Tuần, phía sau xa là đỉnh đồi Tứ Tượng.

Mặt nước trong vắt nơi đây lặng lờ giây lát như còn bịn rịn lời giai duyên, nguyện ước. Tương truyền rằng, xưa vua Minh Mạng ngự thuyền qua, nhìn cảnh trí non, nước, mây trời tuyệt đẹp đã rung động cảm tác :
”Một thước nước in trời
Đò ai chiếc lá khơi
Non cao xem vòi vọi
Dòng biếc thấy vơi vơi...”

Bên cạnh bến đò Tuần, ngày trước nơi đây còn có bến phà Tuần, hàng ngày những con phà cần mẫn đưa khách và ô tô sang sông để lên địa bàn huyện A Luới, là con đường duy nhất nối liền thành phố với A Lưới và cửa ngõ sang Lào.

Với gia đình tôi, bến đò Tuần cũng gắn nhiều kỷ niệm, bởi lẽ cô em gái sau khi ra trường đã về nơi đây dạy học và bén duyên ở đó. Ngày rước dâu, đoàn xe dâu phải ngừng lại bên bến đò Tuần để nhường chỗ cho những chiếc thuyền dâu qua sông. Với mọi người đó là một đám rước dâu thú vị, thế nhưng với bố tôi lúc đó, nhìn cảnh con gái về nhà chồng cách trở đò giang đã ngậm ngùi rơi lệ.

< Những cánh tay đói lả nhận thức ăn cứu trợ ở ngã ba Tuần (Thừa Thiên - Huế) sáng 5-11, khi chiếc canô đầu tiên của bộ đội biên phòng vượt lũ lên được đầu nguồn sông Hương.

Trận lũ tháng 11 năm 1999, trận lũ chưa từng có ở Huế đã làm nơi đây trở nên điêu đứng, tan hoang. Sau một đêm mưa suốt, sấm sét ầm ĩ trên bầu trời đen kịt, đến khoảng nửa đêm 1/11/1999 thì cả hai dòng nước lũ (tả và hữu trạch) đã nhập thành một biển nước mênh mông, nhấn chìm tất cả. Toàn bộ Làng Bằng Lãng chỉ còn thấy ngọn đồi và tượng Phật Bà Quan Âm. Cả làng đã kịp chạy lên trên ngọn đồi Phật Bà và tầng lầu của trường cấp II, nhưng chỉ chạy được người, còn toàn bộ tài sản đều trôi sạch. Bốn ngày sau khi nước lũ bắt đầu rút, chiếc ca nô của bộ đội biên phòng mang theo mì gói lên, cả làng ùa xuống với những cánh tay đói lả. Một cụ già vừa nhận được gói mì đã xé toạc giấy gói nhai ngấu nghiến. Hình ảnh đó được VTV truyền đi khiến đồng bào cả nước đau thắt ruột.

Năm ấy tôi đang công tác ở Sài Gòn, mọi thông tin liên lạc về Huế đều bị cắt đứt, cả bốn anh em chúng tôi chỉ biết ngóng chờ từng bản tin thời sự của đài truyền hình. Hàng ngày nhìn thấy quê hương ngập chìm trong nước, nhà cửa ngổn ngang, cảnh tang tóc khắp nơi, không ai cầm được nước mắt. Mấy ngày sau khi nước lũ bắt đầu rút, gia đình tôi vẫn không thể liên lạc với bên kia sông, chỉ biết hàng ngày đứng bên bến đò Tuần mà ngóng sang. Hết một tuần liền cô em gái và cháu ngoại mới tìm cách sang sông về đến thành phố, câu đầu tiên đứa cháu nói là “Ngoại ơi, đói quá!”.

< Từ cầu Tuần nhìn về phía hạ lưu sông Hương.

Sau biến cố lịch sử đó, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định xây cầu phía hạ lưu chợ Tuần, bắc qua sông Hương gần lăng Minh Mạng, ở trên trục đường vành đai thành phố, gọi là đường tránh Huế, ở phía bắc giao với QL1A tại  thị trấn Tứ Hạ và điểm phía nam hòa trở lại với QL1A tại địa bàn thị xã Hương Thủy. Đây là con đường vòng phía ngoài thành phố Huế, nhằm giảm tải các xe qua thành phố Huế, vừa là con đường chạy qua các vùng đất có địa hình cao ở phía tây thành phố, không bị ngập lụt, bảo đảm cho giao thông thông suốt trong những ngày mưa lũ của Huế.  Cây cầu Tuần được hoàn thành vào năm 2003.

Sau khi cây cầu đẫ xây dựng nên, có nhiều ý kiến lại cho rằng nó phá vỡ đi cảnh quang của vùng thượng nguồn sông Hương, cảnh quang của Lăng Minh Mạng vì nó quá gần lăng. Riêng tôi, lại không nghĩ như vậy, liệu những người đó sẽ nói gì khi chứng kiến hàng trăm người dân mắc kẹt giữa cơn lũ, bị chia cắt, đói lả, dù nơi đó chỉ cách thành phố có 10km. Với người dân vùng đất bãi, cây cầu là ước mơ ngàn đời của họ. Ngày khánh thành, tôi được nghe kể lại có nhiều cụ già bắt con cháu phải dẫn mình đến để đặt chân lên được cây cầu mới, “ngắm cho đã rồi có chết cũng sướng”.


Linh thiêng Điện Hòn Chén

< Điện Hòn Chén nằm sát bờ sông Hương.

Tiếp tục xuôi dòng sông Hương, thấp thoáng giữa những rừng cây xanh um trải dài từ chân đến đỉnh ngọn núi Ngọc Trản và bình yên soi bóng bên dòng sông Hương trong xanh huyền thoại là điện Hòn Chén, một di tích tôn giáo và danh thắng nổi tiếng thuộc quần thể di tích cố đô Huế, nằm trên địa bàn làng Hải Cát, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà.

Núi Ngọc Trản xưa có tên là Hương Uyển Sơn. Trên đỉnh núi có một chỗ đất trũng xuống, đường kính vài mét, chung quanh có vòng đá dựng như bờ giếng, hễ gặp mưa thì nước đọng lại trông như cái chén đựng nước trong. Cho nên từ đó, hòn núi được đặt tên Ngọc Trản (núi Chén Ngọc) và dân gian thường gọi là Hòn Chén. Cũng vì vậy, người ta quen gọi ngôi điện thờ Thánh mẫu tọa lạc giữa lưng chừng núi là điện Hòn Chén.
Không biết ngôi đền thờ ở Ngọc Trản Sơn có tự bao giờ, chỉ biết rằng người Chăm xưa từng thờ cúng nữ thần Po Nagar (Nữ Thần Mẹ xứ sở) ở núi này.

Theo truyền thuyết dân gian Chăm, nữ thần Po Nagar là con của Ngọc hoàng Thượng đế được sai xuống trần gian, bà có công lao tạo ra trái đất và các loại gỗ trầm, lúa gạo. Sau khi tiếp nhận từ người Chăm một di tích tôn giáo độc đáo như điện Hòn Chén, đến thời nhà Nguyễn, các vua, chúa tiếp tục tu sửa, mở rộng đền. Và để ký âm cho danh từ Po Nagar bằng Hán văn, các Nho sĩ ngày xưa đã phải tạo ra một âm hưởng hao hao và mang một ý nghĩa tương đương nhất định bằng bốn chữ Hán: Thiên Y A Na. Từ đó tục thờ Thánh Mẫu Thiên Yana với những hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian có nguồn gốc sâu xa là tín ngưỡng Thiên Tiên Thánh giáo, cũng như ở miền bắc thờ Mẫu Vân Hương, hay ở miền nam thờ Mẫu ở núi Bà Đen, hoặc Pohnaga ở Tháp Chàm - Nha Trang.

Mặt bằng kiến trúc của toàn bộ ngôi đền không rộng, gồm điện thờ chính là Minh Kính Ðài nằm ở giữa, mặt hướng ra sông; bên phải là Nhà Quan Cư, Trinh Cát Viện, Chùa Thánh; bên trái là Dinh Ngũ Vị Thánh Bà; bàn thờ Các Quan, động thờ ông Hạ Ban (tức ông Hổ – con cọp), Am Ngoại Cảnh. Dưới bờ sông, cuối đường bên trái là Am Thủy Phủ. Trên mặt bằng kiến trúc ấy, còn có một số bệ thờ và am nhỏ khác nằm rải rác đó đây, như Am Cô Ngọc Lan, Am Trung Thiên… Liễu Hạnh Công Chúa, tức là Vân Hương Thánh Mẫu cũng được đưa vào thờ ở đây.

Ngoài ra, tại điện Hòn Chén, người ta còn thờ Phật, thờ Thánh Quan Công và hơn 100 vị thần thánh khác thuộc vào hàng đồ đệ của các thánh thần nói trên. Vua Ðồng Khánh cũng là một trong những đồ đệ ấy. Như vậy, xét về mặt tín ngưỡng, điện Hòn Chén bối cục thờ không theo nguyên tắc, mà phối thờ nhiều tín ngưỡng khác nhau.

Khoảng 10 công trình kiến trúc xinh xắn của ngôi đền đều nằm ở lưng chừng sườn đông nam thoai thoải của ngọn núi, ẩn mình dưới bóng dâm của một khóm rừng cổ thụ tán lá xum xuê. Những hệ thống bậc cấp chạy từ đền cao xuống tận bến nước trong xanh. Mặt sông phẳng lặng như gương, được dùng cho toàn cảnh thiên nhiên và kiến trúc nghiêng mình soi bóng. Dù thuyền cập bến, đứng nhìn lên, khách dễ tưởng mình đang lạc vào chốn thần tiên.

Trong quần thể di tích cố đô Huế, có lẽ điện Hòn Chén gắn với nhiều giai thoại nhất. Dân gian còn lưu truyền rằng điện Hòn Chén xưa có tên là Hoàn Chén với ý nghĩa “trả lại chén ngọc”, vì vua Minh Mạng trong một lần lên đây đã đánh rơi một chén ngọc xuống dòng Hương, tưởng không cách gì lấy lại được thì bỗng nhiên một con rùa to bằng chiếc chiếu nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua!  Trước điện là một cái vực rất sâu chưa ai đo được. Xưa kia, lắm người chài ngư nổi danh bơi lội cũng không lặn tới đáy sông được.

Người ta tin rằng, vua Hà Bá ngự trị ở chốn này. Ghe thuyền mỗi khi đi qua đều im hơi lặng tiếng để tỏ lòng thành kính. Tương truyền nhiều người bị đắm thuyền chết đuối chỉ vì đã ngạo mạn với Mẫu thần. Nơi đáy vực có con ba ba to bằng chiếc chiếu rộng, mỗi lần nổi lên thường gây sóng gió dữ dội, mọi người lúc bây giờ đều tin đó là sứ giả của thần Hà Bá. Thấy dân chúng bị nạn, trong một buổi cúng tế, vua Tự Đức đã đeo vào tay thần một chuỗi bồ đề để cầu xin lòng từ bi cho chúng sanh. Người ta còn kể rằng, trong một hốc đá ở bợt bến, có một con cá trạch lớn như chiếc chiếu, thỉnh thoảng vụt lên mặt nước làm tung bọt trắng xóa. Dân chúng hoảng hốt sợ, không dám gọi là "con" mà gọi bằng "cố"- Cố trạch.

Trong số mười ba vị vua triều Nguyễn thì vua Đồng Khánh là một tín đồ rất ngưỡng mộ vị Thánh Mẫu này. Từ năm 1883 đến năm 1885, vì gặp một giai đoạn éo le của lịch sử triều Nguyễn, vua Ðồng Khánh chờ đợi mãi vẫn chưa được lên nối ngôi cha nuôi là vua Tự Ðức. Ông nhờ mẹ là bà Kiên Thái Vương lên đền Ngọc Trản cầu đảo và hỏi Thánh Mẫu Thiên Yana xem mình có làm vua được không. Theo một số người kể lại thì thần Thiên Yana đã cho hoàng tử biết ngày đăng quang và cũng cho biết ông chỉ ở ngôi được 3 năm rồi mất.

Quả nhiên lời tiên đoán của nữ thần điện Hòn Chén thật đúng, bởi vậy sau khi lên ngôi vào năm 1886, vua Ðồng Khánh liền cho xây lại đền này một cách khang trang, làm thêm nhiều đồ khí tự để thờ và đổi tên ngôi đền là Huệ Nam Ðiện để tỏ lòng biết ơn Thánh Mẫu. Huệ Nam nghĩa là ban ân huệ cho nước Nam, vua Nam. Từ đó vua Đồng Khánh rất tin tưởng về sự linh ứng của nữ thần Điện Hòn Chén; gặp việc gì khó xử ông thường đến đây để cầu đảo và dường như việc gì cũng được như ý nên vua Đồng Khánh đã phê rằng: “Điện Hòn Chén là một đền linh diệu thiên cổ, thế núi trông thật giống hình con sư tử uống nước dưới sông, quả là chân cảnh thần tiên, cứu đời, giúp người nhiều lắm”.

Tháng 6, 7 năm 1886 tại Huế không có một giọt mưa, vua bèn sai các quan ở Phủ Thừa Thiên lập đàn cầu đảo khắp các đền trong kinh thành nhưng trời vẫn không mưa, đến khi lên cầu đảo tại đền Hòn Chén, chỉ trong một buổi sáng thôi mà trời đổ mưa tầm tả, ai cũng cho là linh ứng. Cũng chính vì sự linh ứng ấy mà vua Đồng khánh rất lo sợ trước lời tiên đoán của Nữ Thần. Và rồi không cãi được mệnh trời, năm 1888, ông thọ bệnh, đau liên tục, các ngự y bó tay, đến năm 1889 thì ông mất, đúng sau 3 năm ngồi trên ngai vàng.


< Hàng vạn người đến tham gia lễ hội.

Vua Đồng Khánh còn làm thơ văn ca tụng công đức của Mẫu Thiên Yana. Hiện nay trong đền vẫn còn thờ vài bức tranh ảnh của chính nhà vua được treo ở đây. Chính vua đã ban hành việc dùng Quốc lễ để tế tại Huệ Nam Điện. Theo lệnh vua, vào dịp xuân - thu nhị kỳ hằng năm đều tổ chức tế lễ, vị chủ tế là một triều thần. Tại Huế vẫn truyền tụng câu ca “Tháng 7 Vía Cha, tháng ba Vía Mẹ” là nói đến 2 lễ tế này. Sau vua Đồng Khánh, các vị vua chỉ cử quan thần tới chủ tế một lần vào tháng ba, còn tháng bảy dân làng Hải Cát tự tổ chức. Nghi lễ tại Ðiện Hòn Chén rất long trọng. Dân làng tổ chức tế tại đình, trước ngày chánh tế có lễ nghinh thần để rước tất cả các vị thần trong làng về đình. Ðám rước Thiên Yana Thánh Mẫu từ Huệ Nam đến đình làng Hải Cát tổ chức trọng thể hơn cả.

Ðám rước cử hành trên những chiếc “bằng” (thuyền kết đôi), trên đó có bàn thờ Thánh Mẫu cùng với long kiệu, hòm sắc của vua ban Thánh Mẫu, cờ phướn, hương án đủ màu sắc, hành hương về điện Hòn Chén, nơi thờ Thánh Mẫu. Tại khu vực điện sẽ diễn ra lễ Thánh Mẫu tuần du làng Hải Cát, lễ tế làng Hải Cát, lễ cung nghinh Thánh Mẫu hồi loan về điện, lễ phóng sanh, phóng đăng….

Long kiệu của Thánh Mẫu là kiệu thêu, do các trinh nữ ăn mặc sặc sỡ khiêng, còn các bà, người mang bình hương, ống trầu, bình trà, hòm đựng đồ trang sức, kẻ mang cờ, biển, tàn, lọng, gối, quạt… Các thanh niên thì vác các đồ lễ bộ, bát bửu và các tự khí khác. Ðám rước đầy màu sắc rực rỡ, không khí trang nghiêm. Khi đoàn ghé bến, đám rước chuyển từ sông lên bộ, đi cho đến đình làng Hải Cát, có phường bát âm đi sau kiệu.

Phường bát âm với những bài hát chầu văn ca ngợi Thánh Mẫu và chư vị thánh thần. Các tín đồ vừa đi vừa hát, múa trên những chiếc bằng trong trang phục lộng lẫy, dưới lọng kiệu là đồ thờ của Mẫu Thiên Yana. Tất cả tạo nên một không khí tín ngưỡng thiêng liêng, huyền ảo và sôi động. Suốt đêm, trên mặt sông Hương và có khi ở trước đình làng là các cuộc hát thờ, hầu đồng, hầu bóng. Sáng ngày hôm sau là lễ chánh tế, tổ chức từ 02g – 05g00 sáng. Sau đó là lễ Tống thấn. Mặt sông Hương lại bùng lên với âm nhạc, pháo nổ tưng bừng, hàng trăm chiếc thuyền, bằng chen chúc, những bộ lễ phục rực rỡ.

Những năm gần đây, lễ hội Hòn Chén tấp nập, tưng bừng hơn. Vào ngày chính lễ có cả trăm chiếc thuyền, bằng trẩy hội trên dòng Hương, tín đồ của cả nước về tụ hội, dâng lễ, rước Mẫu, các tín đồ tín ngưỡng Thiên Tiên Thánh giáo lại có dịp trở về với Mẫu Thiên Yana với những sinh hoạt văn hóa dân gian tạo nên vẻ phong phú của nét văn hóa xứ Huế. Không chỉ dừng lại là một lễ hội văn hóa dân gian mà nó còn thu hút một lớn số lượng du khách trong nước lẫn nước ngoài, là sự pha trộn nhiều màu sắc tín ngưỡng và không biệt tín ngưỡng, đưa mọi người đến gần nhau hơn.

Điện Hòn Chén - là một trong mười sáu di tích được xếp hạng danh mục quần thể di tích Huế, di sản văn hóa thế giới. Đó cũng là ngôi điện duy nhất có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân xứ Huế và là ngôi điện duy nhất ở Huế có sự kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian; giữa lễ hội và đồng bóng; giữa văn hóa tâm linh và mê tín dị đoan.

Đến thăm thành phố Huế đúng dịp diễn ra lễ hội, xuôi thuyền ngược dòng Hương Giang đến núi Ngọc Trản, du khách sẽ được tham gia vào lễ tế điện Hòn Chén, tận mắt chứng kiến cái không khí linh thiêng, huyền ảo tại nơi này.

Còn tiếp
B1 - Xuôi dòng Hương Giang
B2 - Xuôi dòng Hương Giang
B3 - Xuôi dòng Hương Giang
B4 - Xuôi dòng Hương Giang

Du lịch, GO! - Theo web Huế Thương
Chưa có công ty du lịch nào chính thức đưa tour khám phá văn hóa dân tộc Phước Sơn, kể từ lễ hội văn hóa và một hội chợ du lịch miền núi vài năm trước. 

Chỉ có những lời đồn đại về một thị trấn vàng, phảng phất không khí lạnh lùng, kiêu bạc đầy nghi hoặc như các thị trấn giang hồ dọc miền viễn Tây trong truyện của Jack London, đã khiến nhiều người e ngại lẫn tò mò tìm gặp...

Có thể chọn 2 ngả đường. Từ Đà Nẵng ngược quốc lộ 14B (82 km) qua Nam Giang, xuôi đường Hồ Chí Minh đến; hoặc từ Tam Kỳ theo quốc lộ 14E (100km), từ ngã ba cây Cốc (Hà Lam) lên tới ngã ba làng Hồi sẽ gặp Phước Sơn.

1. 14 giờ ở Tam Kỳ, 17 giờ đã chạm mặt Khâm Đức. Con đường Hồ Chí Minh xẻ ngang lòng thị trấn, cỏ cây dọc đường và cánh rừng trước mặt chợt óng ả, tinh khôi sau vài cơn mưa đẫm nước. Chưa kịp tàn bữa cơm chiều nơi một quán ăn không nhớ nổi tên, bóng tối và sương mỏng cùng những tia sáng yếu ớt hắt ra từ các căn nhà đã phủ lên thị trấn một màu “lành lạnh”.

Thi thoảng vài ánh đèn pha ô tô, xe máy quét ngang qua phố núi, rồi lẫn khuất vào cuối đường. Chỉ còn tiếng nhạc boléro rền rĩ suốt một dãy phố, tiếng trẻ con nói cười chát chít trong vài quán internet hòa lẫn tiếng lao xao chạm cốc, trò chuyện rôm rả dọc các quán rượu bày trên phố và dưới tán cây ven đường... Người ta bảo, mấy năm trở lại đây, thị trấn hoang liêu này đủ sức “liên lạc” với cả thế giới bên ngoài từ các dịch vụ internet và mạng di động đã phủ sóng...

Bác xe thồ đứng tuổi đợi khách ở trạm xăng cuối phố cho biết thị trấn bây giờ đã hiền lành hơn trước rất nhiều. Thi thoảng mới có vài cuộc đụng độ giữa đám “giang hồ tứ chiếng” đãi vàng, nhưng ở tận đâu Phước Kim, Phước Thành. Song những lời đồn đại đầy “ám ảnh”, nghi hoặc về một thị trấn phảng phất hơi hướng lạnh lùng, kiêu bạc như các thị trấn cao bồi, giang hồ của miền viễn Tây đã khiến du khách e ngại lẫn tò mò, rón rén đi dọc thị trấn. Quả thật cũng chẳng có gì ngoài các âm thanh đã gặp với bao cái nhìn chờ đợi... một ngày của cư dân thị trấn - vốn buồn tẻ như bao phố huyện hoang liêu trên dọc đường gió bụi vùng cao khác.

Đêm mịt mù trôi qua trong tiếng gió thổi ngoài bãi vắng, lướt qua mặt sân bay dã chiến cũ còn nguyên phi đạo dài 1 km, rộng 50 m rồi rít qua khe cửa khách sạn giữa trung tâm thị trấn. Một khách sạn vùng cao mà chẳng khác gì giữa phố đồng bằng: sang trọng, rộng, đủ tiện nghi, chỉ thiếu... máy lạnh (như Đà Lạt). Cô lễ tân vui vẻ “khoe” rằng nhiều du khách đã chọn nơi này qua đêm. Ngoài khách sạn 24 phòng, khách có thể tìm thấy vài nhà nghỉ và nhiều quán ăn hấp dẫn khác ngay thị trấn...

2. Đúng như lời giới thiệu của tay tài xế có máu mạo hiểm. Cung đường từ thị trấn đến đèo Lò Xo quả là đẹp nhất trong suốt 175 km đường Hồ Chí Minh qua Quảng Nam. Xe trôi theo con đường đầy hiểm trở, uốn lượn quanh sườn đồi, như cầu vồng, qua nhiều cánh rừng rậm, lọt giữa các khe núi trập trùng nối tiếp nhau...

Lác đác vài cư dân địa phương gùi dưa, thơm trên những chiếc gùi mộc, lầm lũi xuôi dốc. Không ít khách du lịch dừng lại bên cầu thác nước (km 283), ngắm dải nước mờ như bức rèm thưa ẩn hiện giữa đại ngàn của thác Bà hoàng Mô nich, hoặc chụp ảnh kỷ niệm giữa đường...

Từ trên đỉnh Lò Xo (không quên thắp một nén hương tưởng nhớ các vị cựu chiến binh gặp tai nạn trong ngày trở lại vài năm trước ở cuối dốc đèo - một khám thờ dường như không lúc nào tắt lửa chân hương), đã có thể ngắm nhìn non sông thủy tú. Xa xa là cánh rừng lá vàng - màu vàng như trong tranh của Levitan, phía dãy núi Ch'lum Heo ở Ngọc Linh, vàng suốt quanh năm...

Và, đám người “thám hiểm” đã phải vất vả leo lên cứ điểm Ngok Tak Vak ở độ cao 378m so với mặt nước biển, thuộc Phước Mỹ, cách thị trấn Khâm Đức 7km. Dù cứ điểm giờ chỉ còn dấu tích của sân bay trực thăng dã chiến, lọt giữa một rừng đồi núi trập trùng, và cũng chỉ vọng lại tiếng hô xung phong công đồn của quân giải phóng ngày 9-5-1968.

Rồi khách trở lại cũng để ngắm nhìn sân bay, đồi E và lang thang cùng thị trấn, dường như chỉ có mùa thu hanh hao se lạnh và mùa đông lướt thướt mưa qua...

3. Năm trước, một cuộc hội thảo về du lịch khám phá văn hóa dân tộc miền núi dọc đường Hồ Chí Minh mở, đã kéo những người khát khao du lịch về Khâm Đức, bàn tính chuyện tương lai. Những cái tên thác Nước Lang, thác Bà hoàng Mô- ních, cứ điểm Ngok Tak Vak, di tích đồi E, sân bay Khâm Đức..., dù không còn lưu giữ các hiện vật lẫn bãi vàng Phước Đức vẫn được chọn, làm vệ tinh cho trung tâm du lịch Khâm Đức, để có thể khai thác các tour đặc thù dành cho các cựu chiến binh đã từng tham chiến tại khu vực này.

Từ đó, dân địa phương đã âm thầm sửa sang lại đường, xây nhà nghỉ và tập làm... dịch vụ, mơ ngày đón khách, thay vì như đã từng “đón” đám “giang hồ tứ chiếng” lên thị trấn, chuẩn bị những cuộc săn vàng như trước đây.

Một ngày thôi đã hết. Xe cuốn bụi mù trở lại phố. Vẫn còn vọng lại lời cô hàng cà phê nơi phố núi: “Thị trấn em như một cô công chúa, mỏi mòn chờ đợi... Ngày anh trở lại, thị trấn đã là thị xã. Một Tây Đô của Quảng Nam đấy! Tha hồ làm giàu...”.

Du lịch, GO! - Theo báo Quảng  Nam, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống