Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 11 April 2012

(Tiếp theo)
Đồi Vọng cảnh
.
Dòng sông Hương sau khi hợp lưu hai dòng Tả Hữu Trạch ở ngã ba Bằng Lãng xuôi về hạ lưu được vài cây số thì va vào độn Bạc (người Huế gọi các ngọn đồi thấp là “độn”).

< Từ Đồi Vọng cảnh nhìn về phía thượng nguồn sông hương.

Không xuyên qua được dãy đồi này theo hướng chảy, dòng sông đột ngột chuyển hướng theo một khúc gấp hình thước thợ. Chính ở nơi dòng sông chuyển hướng đó mà từ độn Bạc có đôi mắt nhìn lên cả một vùng phía Tây núi rừng trùng điệp, dòng sông lững lờ trôi, nhìn qua những vườn cây trái xanh tươi. Đứng trên đồi này, người ta có được một cái nhìn bao quát đối với nhiều di tích cổ kính và những cảnh đẹp tuyệt vời ở một không gian thiên nhiên rộng lớn chung quanh, đặc biệt nhất là vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của sông Hương.

Ngọn đồi nằm giữa một khúc uốn mềm mại, dịu dàng và hấp dẫn nhất của dòng sông nổi tiếng đa tình và gợi cảm. Đây là nơi sông núi xích lại gần nhau để tạo ra một không gian sơn kỳ thủy tú. Cũng chính từ ý nghĩa đó, ngọn đồi này còn mang cái tên mỹ miều hơn so với tên gọi dân gian : Đồi Vọng Cảnh.

< Rừng thông và thảm hoa được trồng trên đồi Vọng cảnh.

Dưới thời Pháp thuộc, địa danh Vọng Cảnh đã xuất hiện trên báo chí và sách viết về du lịch. Theo tiếng Pháp, Vọng Cảnh viết là Colline du Belvédère. Năm 1925 hai tác giả người Pháp là L.Gaide và H.Peyssonneux đã viết trong sách Prince Kiên Thái Vương (Hoàng thân Kiên Thái Vương) như sau: “Tại vùng này người ta còn đi lên một đỉnh đồi gọi là “le Belvédère” (đồi Vọng Cảnh), từ đỉnh đồi người ta có cái nhìn bao quát rất ngoạn mục về dòng sông, theo hướng đi lên lăng Minh Mạng và lăng Gia Long; về toàn núi non bao quanh Huế”. Năm 1935 Toà Khâm sứ Trung Kỳ ở Huế cũng đã in một tập gấp ghi điểm tham quan này. Cụ Dương Đình Nguyên, một người gốc Huế năm nay đã 90 tuổi, ở phường Phú Cát, thành phố Huế cho biết: “Trước năm 1930 trên đồi này đã có đài Vọng Cảnh để du khách đến đó đứng ngắm cảnh”. Một cung đường và vườn hoa nhỏ đã được xây dựng trên đồi Vọng Cảnh, chếch về phía Nam đỉnh đồi.

< Chiều nay dòng sông trở nên đục hơn ...

Thông xanh được trồng nhiều trên đồi Vọng Cảnh và đây cũng là điểm du ngoạn của tuổi học trò. Thích thú nhất là được ngồi ở sườn đồi sát bờ sông, ngắm những con đò rẽ sóng nơi sông Hương lặng lẽ chuyển dòng, nghe vọng âm của gió, của nắng, của núi đồi, sông nước, của con tim yêu thương tuổi sắp sửa vào đời. Hai vợ chồng tôi từ lúc mới quen nhau, yêu nhau đã không ít lần đến đây, cùng ngôi bên nhau, ngắm một khoảng không gian trãi rộng phía trước, ngắm dòng sông Hương lấp loáng ánh bạc phía dưới mình, mà tuyệt vời nhất là những lúc hoàng hôn trên ngọn đồi này.

Năm 2005, Đồi Vọng cảnh bỗng dưng nổi tiếng khắp nơi, cả trong nước lẫn nước ngoài, khi người ta định tiến hành Dự án Life Resort  Vọng Cảnh với số tiền 4,9 triệu USD. Dự án đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối của người dân Huế, cả ở trong nước lẫn ngoài nước. Không ai muốn một địa điểm tuyệt đẹp như vậy bỗng dưng trở thành một “thị trấn du lịch nho nhỏ”, nó phá vỡ đi cảnh quan của dòng sông Hương thơ mộng, và sẽ làm ô nhiễm cả nguồn nước của nhà máy nước Vạn Niên cung cấp cho cả Thành phố nằm cách đó chỉ 300m.

< Hoàng hôn trên Đồi Vọng cảnh.

Với người dân Huế, Đồi Vọng Cảnh là một điểm ngắm địa đầu lý tưởng khung cảnh thiên nhiên của Huế, là một địa danh được người xưa xem là con mắt thần, là nơi hội tụ khí thiêng sông núi, là báu vật thiên nhiên ban tặng cho Huế. Nếu xét về phong thuỷ thì đó là trái tim của Hoàng long - nơi ẩn giữ tiềm tàng sinh khí của đất cố đô. Xét về văn hoá, đó là kỷ niệm gắn bó với hàng vạn lứa đôi, hàng chục vạn con người dạo bước từ nhiều đời nay.

Xét về mặt cảnh quan, có thể nói ở đất nước Việt Nam, ít có một ngọn đồi nhỏ bé tương tự nào có vẻ đẹp làm say mê lòng người đến thế. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên, đồi Vọng Cảnh đã trở thành một phần không thể thiếu được của văn hoá Huế, cần thiết phải giữ gìn và xây dựng. Theo cụ Cao Đình Dương thì trước đây đã có đề nghị xây "Vọng Cảnh Lâu" cho cựu Hoàng Bảo đại trên Đồi Vọng Cảnh. Nhưng khi các vị lão thần thừa lệnh đến thắp nhang khấn vái phát quang, đã chạm phải một phiến đá có ghi hàng chữ: "Vọng Cảnh vong thân. Thất thần khiếm thị", nghĩa là nếu đồi Vọng Cảnh mất đi thì thần khí vùng đất này cũng không còn và tầm nhìn cảnh đẹp cũng mất đi.

Cũng có sự giải thích theo nghĩa khác là nếu ai phá huỷ thì sẽ bị liên lụy điên khùng (thất thần) và đui mù (khiếm thị). Người đương thời có khuynh hướng giải thích theo ý thứ hai nên sợ hãi, xin bãi bỏ lệnh phát quang xây "Vọng Cảnh Lâu" từ đó. Tuy đây chỉ là chuyện tương truyền mang tính thần thoại,  nhưng câu chuyện cũng nói lên được nỗi trân trọng và thiêng liêng của người dân Huế đối với địa danh này.

< Đồi Vọng Cảnh luôn là kỷ niệm gắn bó với hàng vạn lứa đôi, hàng chục vạn con người dạo bước từ nhiều đời nay, trong đó có cả chúng tôi.

Chiều nay chúng tôi lại trở về với Đồi Vọng cảnh. So với ngày xưa rừng thông bây giờ đã cao hẳn lên. Vẫn còn đó những chiếc lô cốt sần sùi đen trũi theo thời gian, vết tích của những năm tháng chiến tranh. Tôi lặng nhìn dòng sông và thầm so sánh với khung cảnh của nhiều năm về trước. Thật đáng tiếc, chiều nay trước mắt tôi không có những con thuyền rẽ sóng, chỉ có một con đò cắm sào giữa dòng đang khai thác cát sạn, từ chỗ đó dòng sông trở nên đục hơn, không còn cái vẻ trong xanh vốn có của nó. Ước chi …
Bâng khuâng, tôi cố vớt vát bằng cách thu gọn cảnh hoàng hôn vào trong ống kính.

Trong tâm thức người Huế, Vọng Cảnh luôn là một vùng nước non huyền thoại, là vùng ký ức của bao người xứ Huế, là vùng đất thiêng, một báu vật của đất cố đô mà các thế hệ cần phải giữ gìn, tôn tạo để Vọng Cảnh càng đẹp hơn trong dòng chảy của thiên nhiên, văn hóa và con người xứ Huế. Nếu bạn có dịp đến đây vào buổi bình minh sương tan hay lúc hoàng hôn, mới hiểu hết và thấm thía vẻ đẹp nên thơ, nên họa của một ngọn đồi, một khúc sông, một góc trời xứ Huế.


Ghé thăm chùa Linh Mụ

< Bến thuyền trước chùa.

Dòng Hương Giang sau khi thoát qua khỏi Đồi Vọng Cảnh và núi Ngọc Trản, bỗng trở nên chậm rãi, dòng sông mở rộng ra ôm lấy những bến bãi bồi đầy phù sa màu mỡ của vùng Nguyệt Biều, Hương Hồ, Lương Quán nổi tiếng với những bãi ngô non, những vườn cây trái trĩu quả (đặc biệt vùng đất này là nơi duy nhất trồng được Thanh trà xứ Huế).

< Phía trước Nghi Môn gồm các công trình kiến trúc, có 24 bậc tam cấp lên xuống Tam Quan và  4 trụ biểu xây sát đường, từ đó có 15 bậc tam cấp dẫn đến Đình Hương Nguyện.

Vượt qua Hương Hồ, Xước Dũ, dòng sông chia nước cho con sông Bạch Yến, con sông chảy qua trước chùa Huyền Không mà một lần tôi đã nhắc đến, rồi chảy thẳng về Đồi Hà Khê. Đến đây lòng sông mở rộng ra và dòng sông trở nên phẳng lặng khác thường.

< Đại Hồng Chung do chúa Nguyễn Phú Chu cho đúc năm 1710  cao 2,50m, nặng trên 2000kg và viết bài ký để khắc vào chuông. Chuông này được coi như là một pháp khí của chùa.

Nếu đang xuôi thuyền theo dòng sông, ra khỏi đoạn ngoặt này, bạn sẽ nhìn thấy ngôi chùa nổi tiếng nhất trong số hàng trăm ngôi chùa cổ ở Cố đô Huế, đó là Chùa Thiên Mụ (còn gọi là Chùa Linh Mụ) cùng ngọn tháp Phước Duyên sừng sững phía bên kia sông.

< Tấm bia thời Lê Trung Hưng là tấm bia lớn nhất Việt Nam (Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục năm 2008).

Đây là ngôi chùa cổ nhất, kiến trúc đồ sộ nhất và cũng là ngôi chùa đẹp nhất của xứ Huế.

Có lẽ tôi không cần giới thiệu nhiều về ngôi chùa này vì nó đã quá nổi tiếng, gần như là một biểu tượng của Huế, cũng giống như chùa một Cột ở Hà Nội và chợ Bến Thành của Sài Gòn vậy. Tôi chỉ mời bạn cùng xuống thuyền vào thăm ngôi chùa này mà thôi.

< Tượng Kim Cương Hộ Pháp hai bên cổng Tam quan.

Chùa được xây theo hình chữ nhất, theo đúng với hướng của kinh thành Phú Xuân, từ bến thuyền với bậc cấp, dẫn lên các bốn trụ biểu, rồi nhiều bậc cấp nữa dẫn lên nền cũ của đình Hương Nguyện, tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm.

Phía trước Nghi Môn gồm các công trình kiến trúc, có 24 bậc tam cấp lên xuống Tam Quan và  4 trụ biểu xây sát đường, từ đó có 15 bậc tam cấp dẫn đến Đình Hương Nguyện.

< Tượng Phật Di Lặc thờ giữa Đại Hùng Bửu Điện.

Sừng sững phía trước là Tháp Phước Duyên do Vua Thiệu trị xây năm 1844  bằng gạch, cao 21m gồm 7 tầng. Tháp thờ đức Phật tổ Như Lai và đức Thế Tôn. Các tầng đều có tượng Phật, tương truyền ngày xưa được đúc bằng vàng, về sau thay bằng đồngTháp Phước Duyên là ngôi tháp bát giác cổ và cao nhất Việt Nam (Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục năm 2006).

Phía trước Tháp Phước Duyên vua Thiệu Trị cho xây  đình Hương Nguyện năm 1844  (để nhà vua dâng hương, cầu nguyện). Trận bão năm Thìn (1904) làm hư hỏng nhiều công trình trong đó có đình Hương Nguyện, nay chỉ còn là lại nền đình.

Đại Hồng Chung do chúa Nguyễn Phú Chu cho đúc năm 1710  cao 2,50m, nặng trên 2000kg và viết bài ký để khắc vào chuông. Chuông này được coi như là một pháp khí của chùa. Tấm bia thời Lê Trung Hưng là tấm bia lớn nhất Việt Nam (Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục năm 2008).

Tấm bia được làm bằng đá khá lớn vào năm 1715, cao 2,6m, rộng 1.25m và đặt trên lưng rùa bằng đá cẩm thạch. Nội dung trên bia nói về việc xây dựng các công trình kiến trúc ở đây, việc cho người sang Trung Quốc mua hơn 1000 bộ kinh Phật đưa về đặt tại lầu Tàng Kinh, ca tụng triết lý của đạo Phật, ghi rõ sự tích Hòa thượng Thạch Liêm - người có công lớn trong việc giúp chúa Nguyễn chấn hưng Phật giáo ở Đàng Trong.

Điện Đại Hùng là nơi thờ Phật, trung tâm của Chùa Thiên Mụ. Điện gồm 5 gian, 2 chái, được bài trí rất tôn nghiêm với nét kiến trúc đồ sộ, nguy nga. Ngoài những pho tượng Phật bằng đồng, bức hoành phi bằng gỗ sơn son thiếp vàng do tự tay Chúa Nguyễn Phúc Chu ngự đề vào năm 1714 còn có 1 chiếc khánh đồng lớn chạm hình nhật nguyệt tinh tú. Chiếc khánh đồng này do vị quan người Quảng Trị là Trần Đình Ân thuê đúc năm 1677 để cung tiến chùa.

Trong khuôn viên của chùa là cả một vườn hoa cỏ được chăm sóc vun trồng hàng ngày. ở đó, hòn non bộ của vị tổ nghề hát tuồng Việt Nam là Đào Tấn. Cạnh đó là chiếc xe ô tô - di vật của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức để lại trước khi tự thiêu để phản đối chính Sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963.

Sau cùng chùa là vườn thông tĩnh mịch thoáng đãng.

Cuối khu vườn là khu mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu, thế thứ 42 dòng Lâm Tế, đời thứ 8 dòng Thiền Liễu Quán, vị trụ trì nổi tiếng của Chùa Thiên Mụ, người có công trùng tu để giữ cho ngôi chùa lịch sử được trang nghiêm như ngày nay.

B1 - Xuôi dòng Hương Giang
B2 - Xuôi dòng Hương Giang
B3 - Xuôi dòng Hương Giang
B4 - Xuôi dòng Hương Giang

Còn tiếp

Du lịch, GO! - Theo web Huế Thương
Theo phong tục, khi chàng trai kéo thì cô gái phải chống đối, càng chống đối thì gia đình càng hạnh phúc, càng nhiều con cái.

< Hầu hết các chàng trai người Dao ở Vàng Ma Chải đều kéo vợ khi muốn lập gia đình.

Từ Dào San, con đường quanh co, uốn lượn như dải lụa vắt qua những dãy núi trùng điệp đưa chúng tôi lên xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ, Lai Châu.
Tới nơi cũng vừa lúc trời tối, từng tốp thanh niên đang trò chuyện rôm rả. Ghé vào ngôi nhà phía đầu bản Sì Choang, sau khi nghe giới thiệu, anh chủ nhà năm nay ngoài 45 tuổi, tên Lý Phủ Vảng nhiệt tình mời tôi ở lại.

< Mẹ chàng trai ân cần động viên và căn dặn cô gái mà con trai kéo về.

Bên bếp lửa bập bùng, sau vài chén trà ấm, tôi mở lời hỏi về tập tục kéo vợ của đồng bào nơi đây. Vừa nhâm nhi chén trà xanh, anh Vảng cho biết: “Tục kéo vợ của người Dao đỏ có từ rất lâu đời rồi, thủ tục cũng đơn giản thôi: những đôi trai gái đến tuổi cập kê phải lòng nhau, hẹn hò ở trên rừng, trên đường, hay phiên chợ rồi chàng trai nhờ một vài người bạn lên điểm hẹn kéo về nhà mình.

Theo phong tục, khi chàng trai kéo thì cô gái phải chống đối, càng chống đối thì gia đình càng hạnh phúc, càng nhiều con cái. Tuy nhiên, vẫn còn một số đám kéo vợ đôi trai gái chưa có sự tìm hiểu trước hay sự đồng ý của cô gái mà các chàng trai gặp là “bắt về” nhà”.

< Cô gái vào bếp để chuẩn bị bữa cơm cho gia đình chàng trai.

Tục lệ kéo vợ có tự khi nào? Chẳng ai biết, người đời trước truyền cho người đời sau phong tục này. Hầu hết các chàng trai người Dao ở Vàng Ma Chải đều kéo vợ khi muốn lập gia đình. Thời đại ngày nay, việc kéo vợ của người Dao đã có nhiều đổi mới, phù hợp với điều kiện cuộc sống, xã hội.

Để giúp tôi tận mắt chứng kiến phong tục độc đáo này, anh Vảng bảo cậu con trai năm nay 18 tuổi tên Siểu, dẫn tôi đi xem kéo vợ. Siểu phấn khởi nói “Ngày mai không chỉ xem, anh nhớ giúp một tay kéo bạn gái em về nhé”.

Như đã hẹn, từ sáng sớm, Siểu đã diện bộ trang phục dân tộc truyền thống cùng vài người bạn đợi tôi ngoài cửa. Siểu nói: “Hôm nay, em rủ anh và bạn đi kéo giúp người yêu em ở xã Mồ Sì San về. Em đã thông báo với bố mẹ rồi, hôm nay sẽ kéo con dâu về nhà”.

< Bố mẹ của chàng trai phấn khởi chuẩn bị trang phục cho cô gái là cô dâu tương lai của gia đình.

Qua vài người bạn của Siểu, tôi được biết: Lý Y Siểu sinh ra và lớn lên ở mảnh đất bản Sì Choang, còn Lý San Mẩy – người yêu Siểu lại lớn lên từ bản Xéo Hồ Thầu, xã Mồ Sì San. Hai người đều là dân tộc Dao và cũng đến tuổi cập kê. Họ quen nhau trong một lần tình cờ chàng trai đi thăm họ hàng bên xã cô gái.

Chỉ mới lần đầu gặp nhau con mắt đã ưng, cái lòng đã thuận và tình yêu đã nảy nở giữa hai người. Ngày tháng trôi qua, tình cảm của đôi trai gái ngày càng thắm đượm, họ đã thề nguyền cùng chung sống bên nhau suốt đời và hẹn ngày đến “kéo về”.
Sau nửa tiếng đi xe máy, tại địa điểm cũ hai người thường hẹn nhau, Siểu dặn chúng tôi phải núp đi và khi có tín hiệu thì chạy đến giúp.

< Bữa cơm đầu tiên tại nhà chàng trai nên cô gái e thẹn, nhưng mẹ chàng trai và chàng trai ngồi cạnh động viên, vỗ về cô gái.

Như đúng kế hoạch đang lúc tâm sự thì chúng tôi nhận được lệnh đến giúp Siểu kéo cô Mẩy về nhà trai. Sự giằng co quyết liệt giữa 2 bên, cô gái cố vùng vẫy, các chàng trai dồn hết sức kéo cô gái về. Siểu và các bạn đã thành công khi đưa được Mẩy về nhà Siểu. Lúc này mẹ Siểu đứng đợi sẵn ngoài cửa đón cô gái. Ngày hôm đó nhà trai mổ gà thiết đãi con dâu, cô gái phụ giúp mẹ nấu cơm cho gia đình.

Theo “cái lý” của người Dao thì chàng trai luôn phải bên cạnh cô gái canh không cho cô gái trốn về nhà và ngày hôm sau gia đình chàng trai phải đến thông báo cho nhà gái biết con gái họ đang ở nhà mình. Để chuẩn bị cho ngày kéo vợ, gia đình chàng trai chuẩn bị cho con trai và con dâu quần áo, vòng bạc, dây cúc bạc để khi con dâu mới về biết được rằng cô cũng được bố mẹ chồng quan tâm, yêu thương như con đẻ.

< Đêm đầu tiên chàng trai kéo được vợ về thì anh em trong bản kéo đến trước nhà đốt lửa cùng nhau hát hò chúc mừng chàng trai, cô gái.

Ba ngày sau, nếu cô gái đồng ý làm vợ mình thì chàng trai mang một con gà, chai rượu ngon sang nhà bố mẹ vợ thông báo và xin phép đưa gia đình nhà mình sang bàn chuyện kết hôn. Còn ngược lại, nếu cô gái không đồng ý thì chàng trai phải thả cho cô gái về rồi đợi đến mùa xuân năm sau đi kéo tiếp.

Ông Lý Phủ Hành - Chủ tịch UBND xã Vàng Ma Chải, cho biết: “Xã có tổng số 541 hộ với 3.184 nhân khẩu, gồm 2 dân tộc Dao và Hà Nhì sống đoàn kết, trong đó dân tộc Dao chiếm trên 90%. Trước đây, các chàng trai thấy cô gái mình thích ở đâu thì kéo bằng được cho dù cô gái không đồng ý.

Hiện nay, đôi trai gái được tự do tìm hiểu và tự quyết định hôn nhân của mình. Khi đôi trai gái gặp gỡ, tìm hiểu nhau, ưng thuận họ sẽ về báo cáo với bố mẹ, dòng họ biết việc sẽ lấy cô gái đó làm vợ. Trong thực tế kể cả bố mẹ nhà trai hay nhà gái không đồng ý cuộc hôn nhân thì đám cưới vẫn được diễn ra và phải chấp nhận đôi vợ chồng này”.

Hôn nhân chính là kết quả của tình yêu tự nguyện đến với nhau, cũng có những cuộc kéo vợ đã không thành khi có sự ép buộc của bên phía chàng trai đối với cô gái. Song nhìn về phía tích cực, các cuộc “kéo vợ” đều chứa đựng những yếu tố nhân văn khẳng định thêm cho tình yêu mãnh liệt, khát vọng về một gia đình hạnh phúc.

Tục kéo vợ nơi vùng cao này được ví như “ông tơ, bà nguyệt” se duyên cho hạnh phúc lứa đôi. Và mùa xuân, mùa của những đôi trai thanh, gái sắc người Dao tìm đến với nhau, yêu nhau, rồi thành vợ thành chồng trên “Chiếc cầu se duyên” của tục kéo vợ.

Du lịch, GO! - Theo Báo Lai Châu, Tintuc
"A lô! Hồi hôm mình nghỉ lại ở Kỳ Anh. Sắp vô thị xã Hà Tĩnh. Vẫn khỏe, chỉ trừ hôm ở Quảng Bình, bà con đón tiếp dữ quá! Thật là cảm động...".

Ngày 1.7, Võ Phú Hùng - tức Hùng xe đạp - điện cho tôi. Đã tròn một tháng kể từ hôm anh xuất phát tại TP Hồ Chí Minh, bắt đầu hành trình 12.000 km vòng quanh đất nước.

1. Lên đường nhằm ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6, Võ Phú Hùng chỉ kịp điện về cho đứa con trai Võ Phú Minh, 11 tuổi, học sinh giỏi lớp 4. Cháu đang ở với mẹ mà mẹ cháu đã tạm thời chia tay anh do có ông chồng quá đam mê cái thú đi rong. Hồi chưa cưới đã mê, cưới rồi cũng mê và đến bây giờ vẫn còn mê! Mê gia đình, mê vợ thì không có chuyện gì, đằng này anh lại mê cưỡi xe đạp đi khắp 64 tỉnh thành.

Niềm mê như đống lửa than, cứ có dịp là bùng lên, anh cưỡi xe vọt ra khỏi nhà. Được cái anh không mê rượu chè, cờ bạc, trai gái... chỉ cái tội mê đạp xe vòng quanh đất nước và ghét nạn ma túy đang hoành hành. Hai lá cờ hiệu trên con ngựa sắt của anh nói lên điều đó. Suốt tháng qua, nó đã cùng anh vượt qua khoảng 2.000 km, rong ruổi 17 tỉnh thành miền Đông, miền Trung.

Một thân một mình nhưng anh không cô đơn, hằng ngày anh vẫn điện về cho con trai và cháu vẫn thường xuyên vào website www.vophuhung.com để xem thử "ông ba dũng cảm" mình đang ở đâu.

Cháu cũng thường điện thoại cho anh: "Cố lên ba! Con luôn ủng hộ! Chúc ba thành công!". Chỉ đơn giản mấy câu nhưng anh cảm động lắm, cứ nhắc đi nhắc lại với tôi. "Nó tin tôi hơn nhiều người khác. Trước ngày đi, nhiều người ở thành phố hỏi chuyện nhưng đa số không tin. Họ bảo tôi nói dóc. Có người sợ tôi bỏ cuộc nửa chừng. Cũng có người nói tôi... điên!".

2. Thật ra, theo kế hoạch, có 2 người cùng đi với Võ Phú Hùng. Một là anh Đức Tân ở Hà Nội, tác giả truyện thơ Giang hồ rẽ lối. Hai là anh Nguyễn Phú Tuyển, giáo viên ở Quảng Ngãi.

Nhưng giờ chót, cả hai bỏ cuộc, chỉ còn mình anh. "Chuẩn bị đã 3 năm, khảo sát đã 2 chuyến và khởi sự giấc mơ từ nhỏ, làm sao mình bỏ cuộc?!", Hùng nói. Chả là, hồi nhỏ học lớp 4 ở Tân Nghĩa, Hàm Tân (Bình Thuận), tuy tinh nghịch nhưng học giỏi, cậu học trò Hùng được cô giáo rất thương. Anh còn nhớ đó là cô Phạm Thị Thanh Hằng, người Huế, giọng êm như gió.

Đi đâu, cô cũng đèo Hùng sau chiếc xe đạp mi-ni của Nhật. Vừa đạp xe, cô Hằng vừa nói về cảnh đẹp đất nước, về gương danh nhân lịch sử như Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh mà chẳng biết phía sau xe, cậu học trò bỏ bụng tự lúc nào.

Sau này, lớn lên, theo gia đình về TP Hồ Chí Minh, Hùng làm nhiều công việc. Có lúc là "chuyên gia" nghiên cứu lò nấu cồn cho một người Đài Loan rồi làm quản đốc nhân sự cho một nữ giám đốc Việt Nam nhưng "thấy người ta bóc lột công nhân quá" anh xin nghỉ, về mở tiệm cắt tóc "làm đẹp cho đời". Trải nhiều cảnh gian nan, nhưng trong Võ Phú Hùng có một đam mê không hề thay đổi: muốn đi khắp đất nước, thăm các di tích văn hóa, danh nhân.

Tuy nhiên, trong đơn trình bày gửi nhiều nơi nhưng không có hồi âm, anh không nêu niềm đam mê ấy mà bày tỏ nỗi lo âu trước vấn nạn ma túy trong giới trẻ, trong cộng đồng anh đang sống. "Cũng như bao công dân khác, suốt bao nhiêu năm qua lúc nào tôi cũng mơ ước làm một điều gì đó để đóng góp một phần nhỏ bé của mình trong công cuộc bài trừ ma túy.

Mỗi ngày sự đau xót nhân lên gấp bội, khi phải chứng kiến những cái chết, những cuộc đời tàn tạ và bao tội ác do ma túy gây nên. Với mơ ước về một xã hội văn minh, không ma túy, nên suốt mấy năm qua, tôi liên tục tìm mọi cách liên lạc qua internet với bạn bè trong cả nước, để cùng nhau cất lên một tiếng nói chung, một hành động chung". Thông điệp của Võ Phú Hùng thật rõ ràng.

Có lẽ chưa có bất cứ ai ở Việt Nam, kể cả một vài cá nhân từng đi xuyên Việt từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh, thực hiện chuyến đi khắp 64 tỉnh thành như Võ Phú Hùng.

Để chuẩn bị, anh đã bỏ ra mấy năm rèn luyện sức khỏe, chạy bộ, bơi lội, học võ, đánh box, luyện phóng dao, học cách sử dụng internet, học nghề cơ khí và đọc khá nhiều sách về dự báo thời tiết, về dinh dưỡng và kinh nghiệm du lịch một mình của những người đi trước. Anh cũng từng khăn gói về một nông trại để tự kiểm tra thể lực và những kiến thức đã thu hoạch được.

Cũng trong khoảng thời gian 3 năm, anh mở tiệm cắt tóc có hai thợ, lên bài toán "tích tiểu thành đa", mở tài khoản ATM với khoản tiền đủ chi dùng trong 6 tháng đi khắp Việt Nam.

Nói 6 tháng nhưng anh dự phòng đến 9 tháng dù lịch trình chuyến đi khó rơi vào những thời điểm ngặt nghèo như bão lụt, khô hạn tại các vùng anh sẽ đi qua. Nhược điểm duy nhất của anh có lẽ là khả năng diễn đạt cảm xúc trên trang web của mình. Bù lại, anh post lên những lời chất phác và nhiều hình ảnh sinh động, vui tươi, trong đó có tấm ảnh Hùng xe đạp được nhà văn Thái Bá Lợi mời tô cháo lòng Bà Thế trên đường Đống Đa, Đà Nẵng.

3. Tại một số website du lịch, tôi chưa thấy ai... liều mạng như Hùng. Họ thường đi thành nhóm hoặc nếu đi một mình cũng có điện thoại vệ tinh, có nhà bảo trợ từng chặng hoặc sang hơn, có người đi cùng để quay phim, bán "liveshow" cho các hãng truyền hình.

Lại có người hằng ngày đưa nhật ký lên mạng để về sau viết sách, song với Hùng, chỉ một mình một ngựa sắt, một máy ảnh, một đèn pin, một bếp ga, một bộ đồ nghề xe đạp và một ba lô đủ sống cho một người trong một ngày! Gì cũng một nhưng anh chẳng chút lo.

Hôm qua đèo Đại Ninh lên Đà Lạt, đường dốc đứng, không đạp được, Hùng phải một mình đẩy xe suốt nhiều tiếng đồng hồ. Một số tài xế xe đường dài thấy thương, bảo quá giang, anh không chịu.
Họ lại bảo bám vào xe để kéo đi, anh cũng không! "Không ai biết nhưng tự mình biết, tự mình xấu hổ. Đã nói đi xe đạp thì một là đạp hai là đi". Anh nói khi gặp tôi ở Đà Nẵng. Cuối cùng, anh cũng lên tới đỉnh đèo, được kỹ sư cầu đường Phạm Duy tiếp đón.

Anh ít kể về những vất vả, oái oăm trên đường, như đêm đầu tiên ngủ trong gò mả ở Vũng Tàu, đêm ở Đà Lạt bị đuổi đi vì người ta nghi anh bán... kẹo kéo hoặc khi từ Đà Lạt quay xuống lại Nha Trang bị hỏng mất máy ảnh, không post được hình lên mạng, mãi đến khi tới Đà Nẵng được anh Nguyên Hưng vừa bán vừa tặng một chiếc máy ảnh kỹ thuật số còn dùng tốt.

"Vui nhiều, buồn ít!" . Anh sung sướng khi nhắc lại ở Nha Trang được các chú bé mời uống nước dừa, lại được chị bán nước dừa tặng mũ bảo hiểm. Mới đây nhất, anh được bà con ở Quảng Trị, Quảng Bình đón tiếp nồng hậu, chỉ khổ nỗi, họ bày tỏ tình cảm bằng rượu. "Mỗi người một ly nên hơi bị xỉn". Hùng điện cho tôi khi chuẩn bị vào thị xã Hà Tĩnh.

Cũng lạ, đã qua 2.000 km mà chiếc xe đạp và sức khỏe của Hùng vẫn chưa hề hấn gì. Trước mắt anh vẫn còn hun hút 10.000 km còn lại. Hùng dự định, khi đến Hải Phòng, sẽ gặp Anh hùng châu Á Phạm Thị Huệ, tại Hà Nội sẽ gặp anh Đức Tân để cùng đi tìm người đồng nghiệp cũng tên Tân, từng hớt tóc cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nếu có cuộc giao lưu nào đó, anh sẽ hớt tóc cho trẻ em bằng kéo và lược.

Tiếp đó, sau khi lên Tây Bắc, Việt Bắc, thăm Hữu Nghị quan, anh sẽ quay lại theo đường Hồ Chí Minh, xuôi Tây Nguyên, về miền Tây, xuống Cà Mau và kết thúc hành trình tại thị xã Tân An, tỉnh Long An.

"Năm 1992 từng đạp xe đến Quảng Bình, cháy túi, phải quay về. Tết 2006, từng đi xe gắn máy xuyên Việt trong 17 ngày. Lần này nếu không đi được, sẽ không còn cơ hội. Nhiều khó khăn nhưng tôi tự nguyện, không kêu tài trợ, chẳng làm phiền ai.

Tôi đã nguyện, nếu không đi khắp 64 tỉnh thành, sẽ chết không nhắm mắt. Đất nước mình đẹp và thanh bình lắm, sao cứ để cho mỗi người Tây du lịch "ba lô" khám phá, coi kỳ!", Võ Phú Hùng quyết liệt. Từ anh, toát lên tinh thần sống khỏe, sống đẹp, sống lạc quan mà không ít thanh niên hiện đại đang cần bù đắp.

Du lịch, GO! - Theo Thanhnien, ảnh Vophuchung blog

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống