Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 11 April 2012

Ai sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thành Nam (Nam Định) lại chẳng một lần say hương vị đậm đà, thơm ngậy của bánh cuốn làng Kênh. Những tấm bánh tráng mỏng tang, trắng trong ăn một lần nhớ mãi…

< Bánh cuốn làng Kênh nổi tiếng ngon, là món quà đặc sản của người dân Thành Nam từ xưa tới nay.

Làng Kênh nằm ở phía bắc thành phố Nam Định, thuộc xã Lộc Vượng, ngoại thành Nam Định. Từ Hà Nội du khách có thể về đây theo tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ - Phủ Lý - quốc lộ 21 - cầu vượt Nam Định rẽ trái để thưởng thức hương vị những tấm bánh cuốn làng Kênh.

Và cũng trên chuyến hành trình, bạn sẽ được thưởng ngoạn vẻ đẹp của di tích đền Trần, được tận hưởng không khí êm đềm tao nhã của thành Nam cổ kính…

< Công đoạn xay bột cổ truyền của người làng Kênh.

Thời xưa, những tấm bánh tráng mềm, mịn và mướt như lụa bạch ấy đã là thức quà quý để tiến vua, cụ tổ nghề còn được hoàng đế triều Trần sắc phong Thành Hoàng Làng. Hằng năm vào tháng 8 vua thường tổ chức mở lễ hội, mở khoa thi… Cả xã có bốn thôn, vua phân mỗi làng - thôn một nghề. Làng Kênh được giao làm bánh cuốn, chế biến các loại bánh phục vụ lễ hội.

Qua năm tháng số gia đình làm nghề bánh cuốn đã không còn nhiều như trước, nhưng hầu như các gia đình còn theo nghề vẫn giữ được chất lượng cổ truyền của bánh.

Thuở trước, người dân làng Kênh tráng bánh từ tờ mờ sáng và mang bánh đi bán tại các chợ nội thành, hoặc đi rong trên các con phố. Bây giờ khi xã hội phát triển, nhiều người có nhu cầu đi tìm cái ngon, cái đẹp, thì người dân làng Kênh lại tráng bánh tại nhà phục vụ khách du lịch gần xa để đảm bảo sự nóng sốt.

Bánh cuốn làng Kênh không có nhân thịt nhưng vẫn hấp dẫn người ăn ở màu trắng trong và mềm thơm của bánh. Người dân làng Kênh vẫn thường nói vui với nhau rằng “bánh cuốn làng Kênh như cô nàng đỏng đảnh” kể cũng không ngoa. Trong quá trình làm không cẩn thận một chút là cho dù tráng đúng kỹ thuật, bánh vẫn nhão và không ngon.

< Một lò tráng bánh ở làng Kênh.

Dụng cụ làm bánh cuốn đơn giản nhưng rất cầu kỳ. Gáo múc bột phải bằng ống nứa tép, que cất và sếu phải bằng tre, phía trong có lớp vải ôn. Vung nồi phải đạt được hai yêu cầu kỹ thuật là thấm nước và giữ nhiệt. Ngay cả lá chuối dùng để xếp bánh cũng kén lá chuối tây, nếu dùng lá chuối tiêu bánh sẽ bị đắng. Vỉ cói phải sạch và khô ráo, đậy trên một lớp lá cũng phải khô, nếu không bánh sẽ bị hỏng.

Một trong những bí quyết để có được những mẻ bánh ngon là chọn gạo ngon, hạt dài có màu trắng đục, lúc xay bột sẽ mịn và trắng. Trước đây người dân làng Kênh vẫn sử dụng gạo Mộc Tuyền để làm bánh, nhưng ngày nay được thay bằng gạo Năm Số. Gạo được ngâm kỹ trong khoảng 2 - 3 giờ trước khi xay, không nên ngâm quá lâu vì bánh sẽ bị nhão.

Người dân làng Kênh xưa và cho đến ngày nay vẫn xay bột bằng cối xay đá, vì nếu xay bằng máy bột sẽ không được mịn và khi tráng bánh dễ bị vón cục. Người xay bột thường phải xay thủ công, một tay quay cối, một tay múc từng gáo nước nhỏ đổ vào lòng cối. Theo nhịp tay, bột nước chảy từ từ theo cái nan tre từ miệng cối xuống chậu. Bột được xay nhuyễn nên mặt bánh cuốn mới được láng bóng, óng ả như vậy.

Khi tráng bánh bột thoa lên mặt lớp vải bảo ôn phải mỏng và đều, tay cầm dao xếu bánh phải hơi lỏng nhưng chắc tay. Sau mỗi lớp bánh tráng mỏng nóng hổi vừa ngả xuống, người phụ việc lại nhanh tay rắc một lớp hành đã phi thơm bóng mỡ. Mỗi lớp bánh mỏng mịn, vàng ngà điểm xuyết màu vàng của hành phi đã tạo nên nét hấp dẫn của bánh cuốn.

Bánh cuốn ngon không thể thiếu nước chấm, phải pha làm sao để nước chấm dậy mùi cà cuống. Pha nước chấm như thế nào lại là bí quyết riêng của mỗi gia đình. Theo đó, nước mắm ngon không thiên về vị nào mà phải cân bằng giữa vị mặn của nước mắm và vị ngọt của đường, vị chua của chanh và vị cay cay của ớt. Đặc biệt nước chấm không cho giấm, hương liệu bảo quản mà vẫn đảm bảo màu nâu, thơm mùi cà cuống.

Đưa tấm bánh mỏng tang lên miệng, hương thơm của bánh cùng cái giòn rụm của hành phi, mùi thơm của cà cuống mới khiến ta cảm nhận hết hương hồn của bánh cuốn làng Kênh...

Du lịch, GO! - Theo TTO, web Namdinh và nhiều nguồn khác.
Từ Khu du lịch Thung Lũng Vàng đi thêm chừng 10 cây số nữa là gặp Khu du lịch Làng Cù Lần với những cảm giác vừa mới lạ vừa gần gũi với tiếng suối chảy, thông reo, chim hót và đặc biệt được xem các chú cù lần hiền lành và những hàng cây cù lần khép nép, lặng lẽ giữa không gian khoáng đạt, trong lành…

< Một góc làng Cù Lần.

Mới hơn 8 giờ sáng một ngày hạ tuần tháng 02. 2012 đã có đoàn khách du lịch đầu tiên 45 người đến từ cơ sở lưu trú Đà Lạt, vượt nhanh hơn 20 cây số đường nhựa đến Làng Cù Lần ngoạn cảnh. Hòa trong dòng du khách “xông đất” ngày mới này, tôi ngồi lên chiếc xe Jeep dập dềnh lội suối, len lỏi băng rừng trên hơn 4 cây số đường chênh vênh đất đá.

Đây là chiếc xe Jeep địa hình có tải trọng 6 người, đi hết vòng đi- về Khu du lịch Làng Cù Lần với giá 240 ngàn đồng, cả lộ trình thỏa sức ngắm nhìn những hàng cây cù lần nhấp nhô bao bọc ven hồ, ven suối; có khi dừng lại bước xuống xe đi qua lắc lư với 2 chiếc cầu treo dài hơn 100m; rồi trở lại trên xe lội giữa dòng suối rạt rào đá cuội để bất ngờ dựng lại dưới chân rừng già đánh thức những chú cù lần ngồi cuộn tròn như ngủ vùi bất động trên cành cây…

Anh Văn Tuấn Hùng, phụ trách Khu Du lịch Làng Cù Lân, ngồi cùng tôi trên chiếc xe Jeep đưa tay phác thảo một vòng không gian 20 ha của khu du lịch này. Theo đó, Khu Du lịch Làng Cù Lần khai trương đón khách từ ngày 1/1/2012 sau gần 3 năm đầu tư xây dựng của Công ty GBQ đến từ thành phố Hồ Chí Minh.

Tọa lạc trên địa giới thôn Suối Cạn, xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, những hạng mục đầu tư xây dựng ở Khu Du lịch chủ yếu thiết kế tôn nạo nét đẹp hoang dã, tự nhiên của rừng đồi, hồ, suối, cây cỏ…Mỗi khách du lịch vào cổng với chiếc vé 30 ngàn đồng, được đạp xe đạp địa hình vòng quanh trên thảm cỏ tự nhiên rộng trên dưới 1 ha.

Người lớn, trẻ em cũng được thả hồn mình trên những cánh diều bay bổng trên không trung từ dưới thảm cỏ này. “Neo đậu” trên vách đồi, ven hồ, giữa rừng cây..là 15 căn nhà sàn nghỉ chân với mái tranh, trụ gỗ để trống vách rộng rãi, thoáng mát bốn bề… cũng hoàn toàn miễn phí, không giới hạn thời gian.

Vào đây du khách được tự do mang theo đồ ăn, thức uống, cầm đàn guitar ngân nga hát bổng trầm, mặc cho hàng ngàn cây cù lần bên hồ đung đưa cánh lá giữa muôn ngàn sắc xanh thăm thẳm của rừng.

Cũng có nhiều du khách với sở thích lội bộ giữa rừng Làng Cù Lần, được bồng bềnh bước từng bước chân qua chiếc cầu phao dài chừng 50 mét, bắc qua bên góc của con hồ rộng hơn 10 ngàn mét vuông.

Một nhóm 4 người có thể bước lên chiếc bè cây tầm vông, chống sào đẩy bè lướt trôi tròn xoay khắp hồ. Hoặc một nhóm 3 người bước lên chiếc thuyền gỗ độc mộc, khua từng nhịp chèo rẽ nước giữa tiếng gió ngàn hun hút. Hoặc thong thả ngồi bên những bụi gốc cây cù lần, buông câu xuống hồ chờ phao chìm để nhấc cần lên bắt những con cá rô phi, mè, chép, trắm…cân nặng mỗi con từ nửa ký trở lên.

Bên trên một bậc cấp của hồ, nhóm du khách khác có thể chọn dịch vụ cưỡi ngựa trên thảo nguyên thu nhỏ rộng 1 ha. Rồi chờ đêm xuống, cùng nắm một vòng tay lớn quanh bếp lửa bập bùng, chếnh choáng men rượu cần cùng những vũ khúc tưng bừng của cồng chiêng bản địa Tây Nguyên.

Trước khi rời khỏi Khu Du lịch Làng Cù Lần để hẹn ngày trở lại, du khách thường kịp sử dụng quỹ thời gian cuối cùng để tham quan phòng tranh của các họa sĩ trong nước với hơn 100 bức tranh sơn dầu, sơn mài, bột màu… thể hiện tính biểu cảm, tính thẩm mỹ qua từng hình ảnh con người, sự vật.

Cứ thế khách đến rồi khách ra về, sau hai tháng đi vào hoạt động, Khu Du lịch Làng Cù Lần đã thu hút đáng kể lượng khách đến tham quan, một ngày trung bình đón 200- 300 lượt khách; một ngày cao điểm trong dịp tết vừa qua đón đến 500-600 lượt khách.

“Bao bọc Khu Du lịch Làng Cù Lần là khoảng 200 ha đồi rừng, gồm 150 ha rừng thông thuần loại và 50 ha rừng lá rộng, chúng tôi đang lập dự án xin nhận quản lý bảo vệ để tiếp tục tôn tạo độ phủ xanh trên toàn bộ khu du lịch… ”- Người phụ trách Vũ Tuấn Hùng cho biết thêm.

Được biết, Khu Du lịch Làng Cù Lần đã và đang xây dựng hoàn thành thêm 11 căn nhà nghỉ dưỡng theo lối kiến trúc nhà sàn Tây Nguyên, mỗi căn nhà có 2 phòng ngủ với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, sẽ chính thức đưa vào hoạt động vào tháng 5.2012. Như vậy, không chỉ có ban ngày mà có cả qua đêm lưu trú để du khách được hòa mình gần gũi, tận hưởng tinh thần thư thái, yên bình mang lại từ không gian sinh thái Làng Cù Lần.

Du lịch, GO! - Theo Lâm Đồng online, internet
(Tiếp theo)
Đồi Vọng cảnh
.
Dòng sông Hương sau khi hợp lưu hai dòng Tả Hữu Trạch ở ngã ba Bằng Lãng xuôi về hạ lưu được vài cây số thì va vào độn Bạc (người Huế gọi các ngọn đồi thấp là “độn”).

< Từ Đồi Vọng cảnh nhìn về phía thượng nguồn sông hương.

Không xuyên qua được dãy đồi này theo hướng chảy, dòng sông đột ngột chuyển hướng theo một khúc gấp hình thước thợ. Chính ở nơi dòng sông chuyển hướng đó mà từ độn Bạc có đôi mắt nhìn lên cả một vùng phía Tây núi rừng trùng điệp, dòng sông lững lờ trôi, nhìn qua những vườn cây trái xanh tươi. Đứng trên đồi này, người ta có được một cái nhìn bao quát đối với nhiều di tích cổ kính và những cảnh đẹp tuyệt vời ở một không gian thiên nhiên rộng lớn chung quanh, đặc biệt nhất là vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của sông Hương.

Ngọn đồi nằm giữa một khúc uốn mềm mại, dịu dàng và hấp dẫn nhất của dòng sông nổi tiếng đa tình và gợi cảm. Đây là nơi sông núi xích lại gần nhau để tạo ra một không gian sơn kỳ thủy tú. Cũng chính từ ý nghĩa đó, ngọn đồi này còn mang cái tên mỹ miều hơn so với tên gọi dân gian : Đồi Vọng Cảnh.

< Rừng thông và thảm hoa được trồng trên đồi Vọng cảnh.

Dưới thời Pháp thuộc, địa danh Vọng Cảnh đã xuất hiện trên báo chí và sách viết về du lịch. Theo tiếng Pháp, Vọng Cảnh viết là Colline du Belvédère. Năm 1925 hai tác giả người Pháp là L.Gaide và H.Peyssonneux đã viết trong sách Prince Kiên Thái Vương (Hoàng thân Kiên Thái Vương) như sau: “Tại vùng này người ta còn đi lên một đỉnh đồi gọi là “le Belvédère” (đồi Vọng Cảnh), từ đỉnh đồi người ta có cái nhìn bao quát rất ngoạn mục về dòng sông, theo hướng đi lên lăng Minh Mạng và lăng Gia Long; về toàn núi non bao quanh Huế”. Năm 1935 Toà Khâm sứ Trung Kỳ ở Huế cũng đã in một tập gấp ghi điểm tham quan này. Cụ Dương Đình Nguyên, một người gốc Huế năm nay đã 90 tuổi, ở phường Phú Cát, thành phố Huế cho biết: “Trước năm 1930 trên đồi này đã có đài Vọng Cảnh để du khách đến đó đứng ngắm cảnh”. Một cung đường và vườn hoa nhỏ đã được xây dựng trên đồi Vọng Cảnh, chếch về phía Nam đỉnh đồi.

< Chiều nay dòng sông trở nên đục hơn ...

Thông xanh được trồng nhiều trên đồi Vọng Cảnh và đây cũng là điểm du ngoạn của tuổi học trò. Thích thú nhất là được ngồi ở sườn đồi sát bờ sông, ngắm những con đò rẽ sóng nơi sông Hương lặng lẽ chuyển dòng, nghe vọng âm của gió, của nắng, của núi đồi, sông nước, của con tim yêu thương tuổi sắp sửa vào đời. Hai vợ chồng tôi từ lúc mới quen nhau, yêu nhau đã không ít lần đến đây, cùng ngôi bên nhau, ngắm một khoảng không gian trãi rộng phía trước, ngắm dòng sông Hương lấp loáng ánh bạc phía dưới mình, mà tuyệt vời nhất là những lúc hoàng hôn trên ngọn đồi này.

Năm 2005, Đồi Vọng cảnh bỗng dưng nổi tiếng khắp nơi, cả trong nước lẫn nước ngoài, khi người ta định tiến hành Dự án Life Resort  Vọng Cảnh với số tiền 4,9 triệu USD. Dự án đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối của người dân Huế, cả ở trong nước lẫn ngoài nước. Không ai muốn một địa điểm tuyệt đẹp như vậy bỗng dưng trở thành một “thị trấn du lịch nho nhỏ”, nó phá vỡ đi cảnh quan của dòng sông Hương thơ mộng, và sẽ làm ô nhiễm cả nguồn nước của nhà máy nước Vạn Niên cung cấp cho cả Thành phố nằm cách đó chỉ 300m.

< Hoàng hôn trên Đồi Vọng cảnh.

Với người dân Huế, Đồi Vọng Cảnh là một điểm ngắm địa đầu lý tưởng khung cảnh thiên nhiên của Huế, là một địa danh được người xưa xem là con mắt thần, là nơi hội tụ khí thiêng sông núi, là báu vật thiên nhiên ban tặng cho Huế. Nếu xét về phong thuỷ thì đó là trái tim của Hoàng long - nơi ẩn giữ tiềm tàng sinh khí của đất cố đô. Xét về văn hoá, đó là kỷ niệm gắn bó với hàng vạn lứa đôi, hàng chục vạn con người dạo bước từ nhiều đời nay.

Xét về mặt cảnh quan, có thể nói ở đất nước Việt Nam, ít có một ngọn đồi nhỏ bé tương tự nào có vẻ đẹp làm say mê lòng người đến thế. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên, đồi Vọng Cảnh đã trở thành một phần không thể thiếu được của văn hoá Huế, cần thiết phải giữ gìn và xây dựng. Theo cụ Cao Đình Dương thì trước đây đã có đề nghị xây "Vọng Cảnh Lâu" cho cựu Hoàng Bảo đại trên Đồi Vọng Cảnh. Nhưng khi các vị lão thần thừa lệnh đến thắp nhang khấn vái phát quang, đã chạm phải một phiến đá có ghi hàng chữ: "Vọng Cảnh vong thân. Thất thần khiếm thị", nghĩa là nếu đồi Vọng Cảnh mất đi thì thần khí vùng đất này cũng không còn và tầm nhìn cảnh đẹp cũng mất đi.

Cũng có sự giải thích theo nghĩa khác là nếu ai phá huỷ thì sẽ bị liên lụy điên khùng (thất thần) và đui mù (khiếm thị). Người đương thời có khuynh hướng giải thích theo ý thứ hai nên sợ hãi, xin bãi bỏ lệnh phát quang xây "Vọng Cảnh Lâu" từ đó. Tuy đây chỉ là chuyện tương truyền mang tính thần thoại,  nhưng câu chuyện cũng nói lên được nỗi trân trọng và thiêng liêng của người dân Huế đối với địa danh này.

< Đồi Vọng Cảnh luôn là kỷ niệm gắn bó với hàng vạn lứa đôi, hàng chục vạn con người dạo bước từ nhiều đời nay, trong đó có cả chúng tôi.

Chiều nay chúng tôi lại trở về với Đồi Vọng cảnh. So với ngày xưa rừng thông bây giờ đã cao hẳn lên. Vẫn còn đó những chiếc lô cốt sần sùi đen trũi theo thời gian, vết tích của những năm tháng chiến tranh. Tôi lặng nhìn dòng sông và thầm so sánh với khung cảnh của nhiều năm về trước. Thật đáng tiếc, chiều nay trước mắt tôi không có những con thuyền rẽ sóng, chỉ có một con đò cắm sào giữa dòng đang khai thác cát sạn, từ chỗ đó dòng sông trở nên đục hơn, không còn cái vẻ trong xanh vốn có của nó. Ước chi …
Bâng khuâng, tôi cố vớt vát bằng cách thu gọn cảnh hoàng hôn vào trong ống kính.

Trong tâm thức người Huế, Vọng Cảnh luôn là một vùng nước non huyền thoại, là vùng ký ức của bao người xứ Huế, là vùng đất thiêng, một báu vật của đất cố đô mà các thế hệ cần phải giữ gìn, tôn tạo để Vọng Cảnh càng đẹp hơn trong dòng chảy của thiên nhiên, văn hóa và con người xứ Huế. Nếu bạn có dịp đến đây vào buổi bình minh sương tan hay lúc hoàng hôn, mới hiểu hết và thấm thía vẻ đẹp nên thơ, nên họa của một ngọn đồi, một khúc sông, một góc trời xứ Huế.


Ghé thăm chùa Linh Mụ

< Bến thuyền trước chùa.

Dòng Hương Giang sau khi thoát qua khỏi Đồi Vọng Cảnh và núi Ngọc Trản, bỗng trở nên chậm rãi, dòng sông mở rộng ra ôm lấy những bến bãi bồi đầy phù sa màu mỡ của vùng Nguyệt Biều, Hương Hồ, Lương Quán nổi tiếng với những bãi ngô non, những vườn cây trái trĩu quả (đặc biệt vùng đất này là nơi duy nhất trồng được Thanh trà xứ Huế).

< Phía trước Nghi Môn gồm các công trình kiến trúc, có 24 bậc tam cấp lên xuống Tam Quan và  4 trụ biểu xây sát đường, từ đó có 15 bậc tam cấp dẫn đến Đình Hương Nguyện.

Vượt qua Hương Hồ, Xước Dũ, dòng sông chia nước cho con sông Bạch Yến, con sông chảy qua trước chùa Huyền Không mà một lần tôi đã nhắc đến, rồi chảy thẳng về Đồi Hà Khê. Đến đây lòng sông mở rộng ra và dòng sông trở nên phẳng lặng khác thường.

< Đại Hồng Chung do chúa Nguyễn Phú Chu cho đúc năm 1710  cao 2,50m, nặng trên 2000kg và viết bài ký để khắc vào chuông. Chuông này được coi như là một pháp khí của chùa.

Nếu đang xuôi thuyền theo dòng sông, ra khỏi đoạn ngoặt này, bạn sẽ nhìn thấy ngôi chùa nổi tiếng nhất trong số hàng trăm ngôi chùa cổ ở Cố đô Huế, đó là Chùa Thiên Mụ (còn gọi là Chùa Linh Mụ) cùng ngọn tháp Phước Duyên sừng sững phía bên kia sông.

< Tấm bia thời Lê Trung Hưng là tấm bia lớn nhất Việt Nam (Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục năm 2008).

Đây là ngôi chùa cổ nhất, kiến trúc đồ sộ nhất và cũng là ngôi chùa đẹp nhất của xứ Huế.

Có lẽ tôi không cần giới thiệu nhiều về ngôi chùa này vì nó đã quá nổi tiếng, gần như là một biểu tượng của Huế, cũng giống như chùa một Cột ở Hà Nội và chợ Bến Thành của Sài Gòn vậy. Tôi chỉ mời bạn cùng xuống thuyền vào thăm ngôi chùa này mà thôi.

< Tượng Kim Cương Hộ Pháp hai bên cổng Tam quan.

Chùa được xây theo hình chữ nhất, theo đúng với hướng của kinh thành Phú Xuân, từ bến thuyền với bậc cấp, dẫn lên các bốn trụ biểu, rồi nhiều bậc cấp nữa dẫn lên nền cũ của đình Hương Nguyện, tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm.

Phía trước Nghi Môn gồm các công trình kiến trúc, có 24 bậc tam cấp lên xuống Tam Quan và  4 trụ biểu xây sát đường, từ đó có 15 bậc tam cấp dẫn đến Đình Hương Nguyện.

< Tượng Phật Di Lặc thờ giữa Đại Hùng Bửu Điện.

Sừng sững phía trước là Tháp Phước Duyên do Vua Thiệu trị xây năm 1844  bằng gạch, cao 21m gồm 7 tầng. Tháp thờ đức Phật tổ Như Lai và đức Thế Tôn. Các tầng đều có tượng Phật, tương truyền ngày xưa được đúc bằng vàng, về sau thay bằng đồngTháp Phước Duyên là ngôi tháp bát giác cổ và cao nhất Việt Nam (Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục năm 2006).

Phía trước Tháp Phước Duyên vua Thiệu Trị cho xây  đình Hương Nguyện năm 1844  (để nhà vua dâng hương, cầu nguyện). Trận bão năm Thìn (1904) làm hư hỏng nhiều công trình trong đó có đình Hương Nguyện, nay chỉ còn là lại nền đình.

Đại Hồng Chung do chúa Nguyễn Phú Chu cho đúc năm 1710  cao 2,50m, nặng trên 2000kg và viết bài ký để khắc vào chuông. Chuông này được coi như là một pháp khí của chùa. Tấm bia thời Lê Trung Hưng là tấm bia lớn nhất Việt Nam (Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục năm 2008).

Tấm bia được làm bằng đá khá lớn vào năm 1715, cao 2,6m, rộng 1.25m và đặt trên lưng rùa bằng đá cẩm thạch. Nội dung trên bia nói về việc xây dựng các công trình kiến trúc ở đây, việc cho người sang Trung Quốc mua hơn 1000 bộ kinh Phật đưa về đặt tại lầu Tàng Kinh, ca tụng triết lý của đạo Phật, ghi rõ sự tích Hòa thượng Thạch Liêm - người có công lớn trong việc giúp chúa Nguyễn chấn hưng Phật giáo ở Đàng Trong.

Điện Đại Hùng là nơi thờ Phật, trung tâm của Chùa Thiên Mụ. Điện gồm 5 gian, 2 chái, được bài trí rất tôn nghiêm với nét kiến trúc đồ sộ, nguy nga. Ngoài những pho tượng Phật bằng đồng, bức hoành phi bằng gỗ sơn son thiếp vàng do tự tay Chúa Nguyễn Phúc Chu ngự đề vào năm 1714 còn có 1 chiếc khánh đồng lớn chạm hình nhật nguyệt tinh tú. Chiếc khánh đồng này do vị quan người Quảng Trị là Trần Đình Ân thuê đúc năm 1677 để cung tiến chùa.

Trong khuôn viên của chùa là cả một vườn hoa cỏ được chăm sóc vun trồng hàng ngày. ở đó, hòn non bộ của vị tổ nghề hát tuồng Việt Nam là Đào Tấn. Cạnh đó là chiếc xe ô tô - di vật của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức để lại trước khi tự thiêu để phản đối chính Sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963.

Sau cùng chùa là vườn thông tĩnh mịch thoáng đãng.

Cuối khu vườn là khu mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu, thế thứ 42 dòng Lâm Tế, đời thứ 8 dòng Thiền Liễu Quán, vị trụ trì nổi tiếng của Chùa Thiên Mụ, người có công trùng tu để giữ cho ngôi chùa lịch sử được trang nghiêm như ngày nay.

B1 - Xuôi dòng Hương Giang
B2 - Xuôi dòng Hương Giang
B3 - Xuôi dòng Hương Giang
B4 - Xuôi dòng Hương Giang

Còn tiếp

Du lịch, GO! - Theo web Huế Thương

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống