Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 12 April 2012

Người M’nông được các nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước chú tâm nghiên cứu bởi họ được coi là một tộc người bản địa, cư trú lâu đời tại vùng đất Nam Tây Nguyên (hay còn gọi là cao nguyên M’nông). Nền văn hóa của dân tộc này còn bảo lưu nhiều yếu tố cổ Đông Nam Á lục địa.

< Người M'nông thờ nhiều vị thần, trong đó Thần lửa mang lại may mắn và sự êm ấm cho các thành viên trong gia đình.

Người M’nông là tộc người còn tồn tại niềm tin và tín ngưỡng đa thần. Họ tin có sự ngự trị của thế lực siêu nhiên chi phối cuộc sống của con người và là yếu tố hình thành những phong tục, tập quán của dân tộc.

Người M’nông tin rằng thần linh trú ngụ khắp nơi: Thần ông bà tổ tiên phù hộ cho gia đình; thần đá bếp giữ lửa ấm, nấu ăn; thần rừng (Bõ Krõng) nuôi chim thú cung cấp lương thực cho người; thần núi (Yôk Nor); thần vũng nước sâu (Dak klõng); thần đầu suối, đầu thác (Tu diăng liăng têh) giữ nguồn nước cho làng; thần lúa và thần hoa màu cho vụ mùa bội thu, cây cối tươi tốt; thần sét ở trên trời sẵn sàng trừng phạt nếu người làm điều xấu như loạn luân; thần đất nắm hết mọi vấn đề xảy ra trên mặt đất; thần Nguăch Ngual là thần chăm voi, khi bắt voi rừng về nuôi hoặc bắn voi rừng phải cúng đủ lễ cho thần Nguăch Ngual; Phan (tin hồn người chết).

Người M’nông tin một con người có hai linh hồn: linh hồn con trâu ở trên trời, và linh hồn con nhện ở trên đất, ma quỷ muốn hại cho người chết chỉ cần bắt hồn trâu trên trời làm thịt là người ở dưới này sẽ chết, hoặc muốn cho người ốm đau chỉ cần bắt hồn con nhện đem nhốt. Hồn trâu chết, hồn nhện còn sống thì người chưa chết, cả hồn trâu và hồn nhện chết người mới chết.

Đồng bào cũng tin có thần chiêng, ché. Nhà nào có hồn chiêng ché ở cùng thì nhà đó mua được nhiều chiêng ché. Trên không trung bao la có ngự trị của thần mặt trời soi sáng bon làng.

Trong xã hội M’nông, người già, già làng (cua ranh bon) được coi trọng. Chủ làng xem dân bản như con cháu trong nhà, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mỗi người dân.

Ông ta là người ngay thẳng không nghiêng về phía nào, khi có kẻ xấu bên ngoài gây hấn làm cho dân bản oan ức, tổn hại thì chủ làng sẵn sàng đứng ra bênh vực, bảo vệ và tổ chức đánh trả hoặc bắt phạt xứng đáng. Mọi thành viên trong cộng đồng đều tuân thủ luật tục (duôih).

Những việc tranh chấp, mâu thuẫn giữa các gia đình, dòng tộc, hàng xóm, giữa làng này với làng khác cũng đều giải quyết theo luật tục và người đứng ra phân xử phải công minh, am hiểu phong tục, tập quán và luật tục đứng ra xử phạt, dàn xếp, hòa giải giữa hai bên gọi là bu nuih phat duôih. Người M’nông có tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái rất cao. Luật tục qui định các thành viên trong cộng đồng phải giúp đỡ nhau trong sản xuất nương rẫy, làm nhà cửa, chia sẻ trong gian khó, hoạn nạn. Khi tổ chức lễ hội, cúng kiếng thường mời nhau đến ăn uống. Săn được chim, thú lớn, đánh bắt được tôm cá nhiều đều phải phân chia theo bình quân đầu người trong bon để cho bà con, anh em cũng hưởng.

Từ niềm tin, tín ngưỡng đa thần, đồng bào có nhiều hình thức kiêng cữ phức tạp và nhiều nghi lễ, lễ hội cúng bái, ngưỡng vọng thần linh, cầu mong giúp đỡ cho cuộc sống của con người, cộng đồng. Hệ thống nghi lễ, lễ hội của dân tộc M’nông phản ánh rõ thế giới quan sơ khai về thiên nhiên và xã hội. Lễ nghi liên quan đến con người diễn ra theo chu kỳ vòng đời người, từ khi mang thai, sinh ra, lớn lên, trưởng thành, về già cho đến khi từ giã cuộc đời. Lễ hội vòng đời người mang tính nhân văn cao đẹp, đặc biệt là lễ trưởng thành, lễ cưới, lễ chúc phúc, lễ mừng thọ…

Trong lễ cưới, hai bên gia đình nam nữ phải tổ chức kể gia phả (ro giao) để tránh trường hợp lấy nhau cận huyết thống. Là cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề canh tác nương rẫy, trồng lúa nên lễ hội nông nghiệp cũng bám theo chu kỳ sinh trưởng của cây lúa rẫy. Những nghi lễ cúng bái, xin phép thần linh trong phát rẫy, tra hạt, gieo trồng, cầu mong cây lúa lên tốt tươi, trổ đòng chắc hạt, trĩu bông cho vụ mùa bội thu. Họ tin rằng nhờ cúng bái nên thần lúa, mẹ lúa phù hộ, chẳng những cho lúa gạo, hoa màu để ăn mà còn mang đến sự bình an, khỏe mạnh cho gia đình.

Trước khi đem hạt giống ra rẫy trồng tỉa phải cúng tưới lúa (tõ ba). Khi lúa vào kho, đồng bào rước hồn lúa (huênh ba) về nhà và cúng ăn mừng lúa mới. Năm nào được mùa thu được trăm gùi lúa, đồng bào sẽ “ăn trâu” để cúng tạ thần linh qua lễ hội tâm ngết.

Người M'nông cúng lửa

Với người Mnông, bếp lửa còn là nơi gắn kết các thành viên trong gia đình, cộng đồng; bếp lửa còn là một vị thần mang lại nhiều may mắn cho các thành viên trong gia đình.

Mỗi khi trong buôn làng có nhà nào dựng xong nhà mới, muốn dọn về ở thì việc đầu tiên là phải tổ chức nghi lễ làm bếp và nhóm lửa. Việc làm bếp của đồng bào Mnông khá công phu và tỉ mỉ. Bếp thường được làm theo hình vuông đặt phía bên phải hoặc giữa nhà, độ lớn, nhỏ tuỳ thuộc vào căn nhà rộng hay hẹp.

Trước khi đặt bếp, chủ nhà phải làm lễ cúng xin tổ tiên và các đấng thần linh cho phép được vào nhà mới. Thực hiện lễ cúng phải là người có uy tín nhất trong làng, là người nhóm lửa và bếp lửa của gia đình mới này sẽ được giữ cháy liên tục trong vòng 1 ngày 1 đêm với ước nguyện sẽ xua đuổi tà ma, thú dữ và mọi điều xui xẻo.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ báo Đắk Lắk, Danviet, internet
Nói đến sản phẩm đặc sắc của các làng nghề truyền thống ở Huế, có lẽ nón lá được nhiều người biết đến hơn cả.

Bởi hàng trăm năm nay, nón lá không chỉ là vật dụng thân thiết che nắng, che mưa gắn bó với đời sống hàng ngày của mỗi người dân Huế, mà hơn thế nó đã trở thành một đặc sản văn hóa “nón bài thơ” gắn với hình tượng của người con gái Huế. “Gió cầu vương áo nàng thôn nữ/Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ...”(Đông Hồ).

Nghề làm nón lá hình thành và phát triển ở Huế từ hàng trăm năm nay, với rất nhiều làng nón nổi tiếng như: Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long, Sịa...

Ngày nay nghề làm nón lá tuy không thịnh vượng như xưa, nhưng vẫn còn đó những làng nghề, những người thợ tài hoa âm thầm gắn bó với nghề chằm nón. Mỗi năm các làng nghề làm nón ở Huế cho ra thị trường hàng triệu chiếc nón, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, mà còn là món quà lưu niệm đặc sắc cho du khách bốn phương mỗi khi đến Huế.

Nón lá Huế, đặc biệt là nón bài thơ được nhiều du khách ưa chuộng bởi sự thanh thoát nhẹ nhàng, như không còn là chiếc nón đơn thuần mà là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Để có được chiếc nón ưng ý đưa ra thị trường, các nghệ nhân làm nón Huế phải trải qua nhiều công đoạn tỷ mỷ lắm, công đoạn nào cũng đòi hỏi sự cần mẫn khéo léo của đôi tay người thợ. Từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, rồi đến chằm hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh bóng bảo quản, đưa ra thị trường.

Vì thế, trong các làng nghề làm nón, sự phân công lao động được thể hiện rất cụ thể, thợ làm khung, thợ chuốt vành, thợ chằm nón...mỗi người một việc rất chuyên nghiệp. Làm khung chuốt vành là công đoạn đầu tiên quyết định độ khum, độ tròn, hình dáng, kích cỡ của chiếc nón. Khung nón được làm bằng gỗ nhẹ, có mái cong đều với nhiều kích cỡ, thường khung nón được làm một lần dùng vài chục năm, nếu không có sự thay đổi mẫu mã theo nhu cầu thị trường. Vành nón được làm bằng thân cây lồ ô, cây mưng có rất nhiều ở Thừa Thiên -Huế, được chẻ, chuốt tròn thanh thoát, mỗi chiếc nón từ 15 - 16 vành, mà xưa nay nhiều người vẫn ví như “16 vành trăng”.

Lá làm nón ở Huế cũng là loại lá nón bình thường, nhưng được tuyển lựa xử lý qua nhiều khâu, hấp, sấy, phơi sương, ủi phẳng sao cho mặt lá giữ được màu trắng xanh mới đạt tiêu chuẩn. Tiếp đến là công đoạn lợp lá, đặt hoa văn, biểu tượng giữa hai lớp lá sao cho cân đối hài hòa trong không gian của chiếc nón, để khi  soi lên trước ánh trời các hoa văn biểu tượng hiện rõ cân đối. Biểu tượng ẩn hiện trong nón lá bài thơ thường là hình ảnh Cầu Trường Tiền, Núi Ngự Bình, Ngọ Môn, Phu Văn Lâu, Cầu Ngói Thanh Toàn...

Đi kèm theo các biểu tượng là một số câu thơ nổi tiếng viết về Huế được cắt bằng giấy bóng ngũ sắc, nên càng nổi bật giữa nền xanh trắng của lá nón. Chằm lá vào vành là công đoạn quan trọng nhất, đòi hỏi người thợ phải có sự cần mẫn khéo léo để đường kim, mũi cước thẳng, đều mềm mại theo độ cong của vành nón. Công đoạn này thường do người phụ nữ thực hiện, vì thế ở các làng nón, con gái được dạy nghề rất sớm, 14 - 15 tuổi đã thành thạo nghề. Nón lá sau khi hoàn tất được quét một lớp dầu bóng bằng nhựa thông pha cồn để tăng độ bóng, độ bền, chống thấm nước rồi mới đưa ra chợ bán.

Chợ Huế nào hầu như cũng có hàng nón, từ các chợ lớn như Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự... đến các chợ nhỏ như Sịa, Phò Trạch ở đâu cũng có thể mua được chiếc nón lá Huế. Đặc biệt chợ Dạ Lê là chợ chuyên bán nón được duy trì từ hàng trăm năm nay, là đầu mối lớn để nón Huế vào Nam, ra Bắc.

Hiện nay, du lịch đang phát triển mạnh ở Huế, nón lá trở thành mặt hàng lưu niệm mang nét văn hóa đặc sắc của Huế được du khách ưa chuộng. Rất nhiều du khách đã về tận các làng nón để được tận mắt chứng kiến và tham gia vào các công đoạn của nghề làm nón. Không ít người đã thực sự bất ngờ và thích thú khi được người thợ nón lưu ảnh, tên của mình trên chiếc nón bài thơ mang về làm kỷ niệm.

Chị Nguyễn Thị Thúy- một nghệ nhân làm nón nổi tiếng ở làng nón Phú Cam, Người đã từng được mời sang Nhật Bản biểu diễn và triển lãm nghề làm nón Huế, cho biết: Không ngờ nón Huế mình lại được nhiều người biết và ưa thích như thế, cứ mỗi lần chằm nón biểu diễn cho du khách xem là tui tự hào lắm...

Quả thật, trên đường phố Huế, tôi đã gặp không ít nữ du khách nước ngoài rất duyên dáng với chiếc nón Huế, không thua kém gì con gái Huế, cho nên nhiều người cho rằng nón bài thơ là một nét duyên của Huế. Chính vì vậy, nón bài thơ Huế cũng là một kênh quảng bá hình ảnh Huế rộng rãi mà hiệu quả nhất trong số các sản phẩm làng nghề truyền thống Huế hiện nay.

Cầm chiếc nón lên, ta không chỉ bắt gặp Huế trên từng đường kim, mũi cước của người thợ nón Huế, mà còn gặp cả chiều sâu văn hóa Huế qua hình ảnh biểu tượng của Huế, qua những câu thơ đi cùng năm tháng với Huế “...con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu...”(Thu Bồn). Hay “...Sông Hương hoa rượu ta đến uống/ Ta tỉnh đền đài ngã nghiêng say...”(Nguyễn Trọng Tạo)...

Dẫu bây giờ, trên đường phố Huế, nón lá không còn rợp bóng như ngày xưa mỗi buổi tan trường, nhưng nó đã trở thành một nét văn hóa, một nét duyên không thể thiếu trong đời sống văn hóa Huế, đặc biệt là đối với người phụ nữ Huế.

Nón lá có ở ba miền nhưng với Huế thì chiếc nón lá đã thể hiện được nét đẹp của cả một vùng văn hóa và đã trở thành biểu trưng cho vẻ đẹp, sự dịu dàng, thanh mảnh, duyên dáng của người phụ nữ Huế. Dù xuất hiện ở đâu, chiếc nón Huế vẫn mang đậm hồn quê, vẫn mang đậm hương đồng, gió nội của những làng nghề truyền thống, nơi đã sản sinh ra nó. Nón lá Huế từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của các nghệ sĩ Huế và của những người yêu Huế.

Nón lá Việt Nam

Du lịch, GO! - Theo tạp chí Quê Hương, ảnh internet
Từ chuyến đi Đà Nẵng - Thạnh Mỹ - Khâm Đức... đã về đến nay, cứ săm soi ảnh là mình lại tiếc nuối điều này: Bãi Chuối và đỉnh mũi Hải Vân - nơi muốn đến nhưng bọn mình đã không đến được!

< Từ cua tử thần 1 trên đèo Hải Vân (phía Đà Nẵng) nhìn vào: đường như thế này.

Một nơi không dấu chân người (ngoại trừ những người khai phá đường, người  tử nạn và người cứu hộ) thì chắc chắn sẽ vô cùng đẹp đến mức đầy đủ nhất của cụm từ "hoang sơ" đến tận cùng.

< Bãi Chuối nhìn từ toa xe lửa Bắc Nam. Một "đống" hình trên Google Panoramio nhưng đã có ai đến được chưa?

Tại sao vậy nhỉ, đường có xấu thật nhưng mình cho rằng không quá sức tệ - cũng còn tương đối chạy xe được kia mà?
Hãy cứ trông các phượt gia nhà forum Phượt.com > lắm lúc bùn đất ngập cả nửa bánh xe nhưng người ta vẫn đến đích được kia mà?
< Đoạn chạy xe một mình do "nửa kia" thấy đường xốc quá, xuống đi bộ...

Bọn mình cũng từng chạy những đoạn đường đất phát khủng còn khiếp hơn khúc đường này nhưng vẫn vượt qua được nhưng đến đây tại sao lại chần chừ rồi... quay ra nhỉ?
< Nhưng vào khúc trong, đường bằng phẳng hơn. Đúng ra bọn mình lại phải tiếp tục đèo nhau mà đi nữa chứ?

"Nổi ám ảnh" (xem comment ở đây) chỉ có trong tim bà xã lúc ấy và "nửa kia" không hề nói ra cho đến lúc về nhà, còn tính mình thì giỏi chịu cực - Lúc vào lối mòn này cũng không đói (vì qua bữa tại Lăng Cô rồi), nước uống thì có đầy đủ, vậy mà...
< Đỉnh núi Hải Vân, cao hơn đỉnh đèo nhiều. Hình như do vị thế này nên mây thường quy tụ lại trên đèo - ưu tiên hơn trên đỉnh núi.

Thật tình mình không lý giải được ngoài việc bà xã cứ cho là có một thế lực siêu nhiên nào đó đã sai khiến mình nhục chí, trở ra - Riêng mình thì không tin điều này, cho là dị đoan.
< Đoạn trong như thế này. Chả hiểu nghĩ sao lại không đi, hic...

Đành! đàng nào cũng đã về rồi. Chắc chắn là nếu có một chuyến đến Đà Nẵng lần 2, ghé đèo Hải Vân lần nữa thì mình sẽ không bao giờ để vuột mất cơ hội đến bãi Chuối, đến những đỉnh cao của mũi Hải Vân và khám phá những bãi đá phía nam kỳ bí tại chốn này.
< Nhìn tít phía xa là làng Hòa Vân và bãi Lê Hùng...
Cái chấm trong ảnh là chú bọ rùa đang bay.

Nếu các bạn có địp đi cung đường này, nếu thích tô điểm chuyến đi bằng một cuộc phiêu lưu mạo hiểm nhỏ thì bạn hãy thử một lần. Mình chắc chắn một điều là những nơi kể trên tại mũi Hải Vân cực kỳ hoang sơ, hiếm dấu chân người. Tìm thông tin trước trên net thì không hề có đâu vì chả ai đến cả ngoại trừ những người khởi công ủi đường, và 2 trong số đó đã tử nạn khiến con đường "du lịch" mũi Hải Vân buộc phải bỏ hoang từ giữa năm 2009 đến nay.

< Bãi Chuối trong ảnh vệ tinh. Bạn có thể xem tại đây.

Không còn thi công, công việc dang dở nhưng vẫn còn đường, và đường thì như bạn thấy đó: đường đất đá khá gồ ghề. Nếu tính từ cua Tử Thần 1 vào đến bãi Chuối sẽ khoảng 6km. Tính từ cua Tử Thần đến bãi suối phía Nam khoảng 9km. từ cua Tử Thần đến đỉnh mũi Hải Vân cũng tương tự.
< Bãi Chuối trên Panoramio, xem đỡ buồn.

Vậy, vài thông tin mình nắm được có thể giúp bạn nào muốn đi có thể chuẩn bị trước tinh thần và vật chất:

- Đoạn dầu đường đất rộng nhưng càng về trong càng nhỏ dần, nhất là các đoạn băng rừng xuống các "đích": có thể cỏ cây đã mọc xâm lấn nhiều. Nên cẩn thận coi chừng rắn.
- Do đá và dốc nhiều nên cần chạy chậm theo những chổ bằng phẳng, không chở quá nặng - bị đá chém tét vỏ là toi đấy.

< Tra cứu bản đồ trước và trong khi đi thật cẩn thận để tránh bị lạc đường.

- Cần phải xem kỹ bản đồ Wikimapia (phóng lớn lên: bạn sẽ thấy rất rõ đường đi, các đường nhánh), nếu không có 3G xem trực tiếp thì nên chụp ảnh lại, ghi chú rõ... vì có rất nhiều ngách: dễ bị lạc đường.
- Nếu muốn có thêm nguồn thông tin thì có thể tìm gặp ông Nguyễn Bừa sống trên đỉnh đèo Hảo Vân. Ông là một trong những người leo xuống vực để tìm kiếm và đưa lên hai người xấu số tử nạn.

< Đường không quá khó, có khó là... tại ta.

- Chạy xe gắn máy: đến đoạn nào không thể chạy được nữa thì nên khóa xe và bỏ lại để đi bộ. Mình cho rằng hoàn toàn không có ai, không thể có chuyện "mất xe" được.
- Không đi một mình, nên đi ít nhất là 2 người để có gì thì hỗ trợ nhau. Từ 4 người đến... 14 người thì tuyệt vời: tới địa ngục cũng ok!
- Nên đi buổi sáng sớm để có thể trở ra vào giấc chiều tối.
< Trở ra, nhìn mây phủ trên đỉnh đèo Hải Vân giữa trưa...

- Đêm theo nước và thực phẩm, bét nhất đủ dùng cho một bữa vì... chả lẽ vào đến rồi lại quay ra thì phí "của Trời" cho: tắm táp và ngắm nghía cho thỏa chí phải một buổi là ít nhất.
- Bãi Chuối là đích đến tuyệt chiêu, nhưng mấy đích còn lại thì mình cho rằng cũng đẹp và "đã" không kém.

Mong rằng rồi cũng sẽ có nhóm bạn nào đến đó, khám phá mọi ngóc ngách trên đỉnh mũi Hải Vân, phần nhô ra biển. Bằng không thì bọn mình cũng sẽ đến đó vào lần sau - chắc chắn mình thề sẽ làm được.

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống